Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô trong Thánh Lễ tại Đại Giáo Đường kính Chúa Thánh Thần, Istanbul, Thổ-nhĩ-kì: Hiệp nhất trong sự khác biệt

Anh chị em thân mến,

Đối với những con người đói khát ơn cứu độ, Chúa Giê-su biểu lộ chính mình Ngài như là nguồn cội mà từ đó người ta có thể tới để kín múc, như là tảng đá mà từ đó Thiên Chúa Cha đã làm tuôn chảy ra những dòng nước sự sống cho tất cả những ai tin vào Ngài (xc. Ga 7, 38). Với lời tuyên bố được công bố chính thức tại Giê-ru-sa-lem ấy, Chúa Giê-su đã loan báo ân sủng của Chúa Thánh Thần mà các môn đệ của Ngài sẽ lãnh nhận sau khi Ngài đạt tới vinh quang, có nghĩa là sau cái chết và sự phục sinh của Ngài.

Chúa Thánh Thần chính là linh hồn của Giáo hội. Ngài ban tặng sự sống, khơi lên các đặc sủng khác nhau, mà các đặc sủng ấy làm phong phú hóa Dân Thiên Chúa, và trước hết, Ngài tác tạo nên sự hiệp nhất giữa các tín hữu: từ nhiều thân thể, Ngài hình thành nên một thân thể duy nhất, thân thể Chúa Ki-tô. Toàn thể cuộc sống và sứ vụ của Giáo hội tùy thuộc vào Chúa Thánh Thần; Ngài làm cho tất cả trở nên hiện thực.

Với Chúa Thánh Thần, việc tuyên xưng Đức Tin trở nên có thể, như Thánh Phao-lô đã nhắc nhớ chúng ta trong bài đọc nhất hôm nay, vì việc tuyên xưng Đức Tin được gợi lên bởi Chúa Thánh Thần: „Không ai có thể nói: Đức Giê-su là Chúa, nếu người đó không nói từ Chúa Thánh Thần“ (1 Cor 12, 3b). Khi chúng ta cầu nguyện thì có nghĩa là chúng ta thực hiện việc tuyên xưng Đức Tin đó, vì Chúa Thánh Thần gợi lên việc cầu nguyện trong tâm hồn. Khi chúng ta xuyên thủng những hàng rào ích kỷ của mình, để chúng ta đi ra khỏi chính mình và đi đến với những người khác, để gặp gỡ họ, đó chính là công việc của Thần Khí Thiên Chúa, Đấng đã thúc giục chúng ta thực hiện điều đó. Khi chúng ta phát hiện ra trong bản thân mình một khả năng mà cho tới nay chưa hề được biết tới, đó là khả năng để tha thứ, khả năng để yêu thương những người mà họ không ưa thích chúng ta, thì đó cũng là công việc của Chúa Thánh Thần, Đấng đã thúc giục chúng ta. Khi chúng ta vượt lên trên những lời sáo rỗng, và quan tâm đến những người đồng loại với bất cứ Tình Yêu dịu hiền nào mà nó nung nóng con tim, thì có nghĩa là chúng ta đã được đụng chạm tới bởi Chúa Thánh Thần, với sự chắc chắn.

Quả thực là: Chúa Thánh Thần khơi lên những đặc sủng khác nhau trong Giáo hội; nơi cái nhìn đầu tiên, điều đó có vẻ như tạo ra sự lộn xộn, nhưng trong thực tế, điều ấy thể hiện sự phong phú lớn lao dưới sự hướng dẫn của Ngài, vì Chúa Thánh Thần là Thần Khí hiệp nhất, mà sự hiệp nhất đó không phải là sự đồng nhất. Chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể khơi lên sự khác biệt cũng như sự đa dạng, và đồng thời làm cho chúng trở nên hiệp nhất. Nếu chúng ta là những người muốn tạo ra sự khác biệt nhưng lại muốn đóng kín mình lại trong những đầu óc cục bộ cũng như trong chủ nghĩa tách biệt của chúng ta, thì chúng ta sẽ tạo ra sự chia rẽ; và nếu chúng ta là những người muốn khôi phục sự hiệp nhất theo những kế hoạch của con người, thì rốt cuộc chúng ta sẽ lại gây ra tính đơn điệu và sự quy cách hóa. Trái lại, nếu chúng ta để cho mình được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần, thì sự phong phú, tính đa dạng và sự khác biệt sẽ không bao giờ sa vào sự xung đột, vì Chúa Thánh Thần thúc giục chúng ta sống sự đa dạng trong sự hiệp nhất của Giáo hội.

Tính đa dạng của các thành viên và của các đặc sủng, tìm thấy nguyên lý hài hòa của nó trong tinh thần của Chúa Ki-tô, Đấng mà Chúa Cha đã sai đến cũng như tiếp tục được Chúa Cha sai đến để hoàn thành sự hiệp nhất giữa các tín hữu. Chúa Thánh Thần thực hiện sự hiệp nhất của Giáo hội: sự hiệp nhất trong Đức Tin, hiệp nhất trong Tình Yêu, hiệp nhất trong sự gắn bó nội tâm. Giáo hội Công Giáo và các Giáo hội khác đều được kêu gọi hầu để cho mình được dẫn dắt bởi Chúa Thánh Thần, bằng cách thủ đắc cho mình một thái độ cở mở, thái độ dễ dậy và thái độ tuân phục.

Đó là một khía cạnh của niềm hy vọng, nhưng đồng thời cũng đầy gian khổ, bởi trong mối liên hệ này, cơn cám dỗ muốn đối nghịch với Chúa Thánh Thần vẫn tồn tại trong chúng ta một cách thường xuyên, vì Chúa Thánh Thần gây băn khoăn cho Giáo hội, đánh thức Giáo hội, đặt Giáo hội vào trong sự chuyển động và thúc đẩy Giáo hội tiến lên phía trước. Việc nằm duỗi thẳng mình ra trong những trạng thái bất động và yên tịnh của riêng mình, vẫn luôn là điều dễ dàng và thoải mái hơn. Trong thực tế, Giáo hội bày tỏ trong mức độ trung tín với Chúa Thánh Thần, mà trong mức độ ấy, Giáo hội không đưa ra những yêu cầu nhằm khống chế Ngài hay chế ngự Ngài. Và các Ki-tô hữu chúng ta cũng sẽ trở thành những tông đồ truyền giáo thực sự, tức những người có khả năng bắt chuyện với lương tâm, nếu chúng ta dũ bỏ tư thế phòng thủ, hầu để cho mình được dẫn dắt bởi Chúa Thánh Thần. Ngài là sự sống động, sự biến tấu và là sự tươi mới.

Sự phòng vệ của chúng ta có thể biểu lộ trong việc xây dựng những chiến hào một cách thái quá đàng sau những ý tưởng của chúng ta, đàng sau những sức mạnh của chúng ta – nhưng với phương cách đó, chúng ta lại sa vào chủ nghĩa Pelagianis (chủ nghĩa này cho rằng, con người phát xuất từ Thiên Chúa nên cũng là Thiên Chúa) -, nhưng trong một thái độ hám danh thái quá cũng như trong thái độ kênh kiệu. Những cỗ máy phòng vệ ấy sẽ ngăn cản chúng ta trong việc hiểu biết những người khác một cách thực sự, và ngăn cản chúng ta trong việc mở tấm lòng mình ra cho việc đối thoại với họ. Nhưng Giáo hội, tức Hội Thánh đã phát sinh từ biến cố ngày Lễ Ngũ Tuần, lại đón nhận ngọn lửa của Chúa Thánh Thần như là ân sủng, mà ngọn lửa ấy không quá lấp đầy tâm trí với những ý tưởng, nhưng đúng hơn, làm cho con tim rực cháy lên; Giáo hội đã được cuốn theo bởi cơn gió của Chúa Thánh Thần, Đấng không chuyển giao một quyền lực, nhưng tạo điều kiện để tiến tới một sự phục vụ của Đức Ái – một ngôn ngữ mà bất kỳ ai cũng có thể hiểu.

Nếu chúng ta càng khiêm nhượng để cho mình được dẫn dắt bởi Thần Khí Thiên Chúa trên con đường Đức Tin của chúng ta, và trên con đường đời sống huynh đệ, chúng ta sẽ càng dễ dàng thắng vượt được những mối hiểu lầm, những sự chia rẽ và những cuộc xung đột, và càng dễ trở nên một dấu chỉ đáng tin cậy của sự hiệp nhất và bình an.

Trong niềm xác tín ấy, Cha xin ôm tất cả anh chị em vào lòng Cha, hỡi anh chị em thân mến: Đức Thượng Phụ Giáo Chủ Công giáo Syria, Đức Cha Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục, Đức Cha Pelâtre giám quản Tông Tòa Istanbul, các Đức Giám Mục và các Đức Thượng Phụ Giáo Chủ khác, các Linh mục, các Phó Tế, những người sống đời sống Thánh Hiến, các tín hữu Giáo dân thuộc về các cộng đoàn khác nhau cũng như thuộc về các nghi thức khác nhau của Giáo hội Công Giáo. Với Tình Yêu huynh đệ, tôi muốn kính chào Đức Thượng Phụ Giáo Chủ Constantinopoli, tức Đấng Thánh Batholomeus I, Đức Tổng Giám Mục Chính Thống giáo Syria, Đức Phó Thượng Phụ Giáo Chủ Tông Tòa Armenie và các vị đại diện của các Cộng Đoàn Tin Lành, mà quý vị là những người đã cùng cầu nguyện với chúng tôi trong Đại Lễ này. Qua cử chỉ huynh đệ ấy, tôi xin bày tỏ với quý vị lòng biết ơn của tôi. Tôi cũng xin chào kính Đức thượng Phụ Giáo Chủ Tông Tòa Armenie Mesrob II. Tôi xin cam đoan là sẽ cầu nguyện cho ngài.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy hướng tâm trí lên cùng Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa. Cùng với Mẹ, Người đã cùng với các Tông Đồ cầu nguyện tại Phòng Tiệc Ly trong khi chờ đợi ngày Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, chúng ta hãy cầu xin Chúa Giê-su, xin Ngài sai Chúa Thánh Thần của Ngài xuống tâm hồn chúng ta, và xin Ngài Ngài làm cho chúng ta được trở nên những chứng nhân của Tin Mừng Ngài trên khắp thế giới. Amen!

Ngày 29 tháng 11 năm 2014

ĐTC Phan-xi-cô

Lm. Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ.