Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô trong cuộc tiếp kiến chung ngày 03.12.2014: „Chúng ta hãy để cho mình được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần, Đấng đưa tới sự hiệp nhất!

*Chào thăm các bệnh nhân:

Trước khi thực hiện cuộc tiếp kiến chung tại quảng trường Thánh Phê-rô, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã bước vào trong Hội Trường Phao-lô VI để chào thăm các bệnh nhân đang hiện diện tại đó. Ngài nói với họ như sau:

Xin chúc anh chị em một ngày tốt lành!

Hôm nay anh chị em ở đây vì thời tiết xấu, và ở đây không bị mưa. Tạ ơn Chúa…. Vậy anh chị em cứ ở lại đây và theo dõi cuộc tiếp kiến chung qua màn hình lớn nhé. Cha cám ơn anh chị em về cuộc viếng thăm này. Xin anh chị em cầu nguyện cho Cha với!

Nói những lời trên xong, Đức Thánh Cha đã đi xuyên qua những dẫy ghế ngồi của các bệnh nhân. Sau đó Ngài nói thêm:

Bây giờ anh chị em hãy ở lại đây và hãy theo dõi cuộc hội kiến chung qua màn hình, không bị mưa, hoàn toàn bình an. Giờ đây chúng ta hãy cầu xin Đức Mẹ ban phúc lành của Mẹ cho chúng ta: Kính Mừng Maria…“

Sau khi đọc Kinh Kính Mừng, Đức Thánh Cha đã ban phép lành cho họ, và Ngài nói:

Anh chị em đừng quên nhé, chúng ta đang chuẩn bị mừng Đại Lễ Chúa Giáng Sinh, và chúng ta muốn nghĩ về việc Chúa Giê-su sắp đến với chúng ta. Cha cầu mong rằng, Chúa Giê-su sẽ đi vào trong trái tim của từng người một trong anh chị em, chúc lành cho anh chị em cũng như ban sức mạnh cho anh chị em để anh chị em tiếp tục công việc của mình. Xin cầu nguyện cho Cha với! Cám ơn anh chị em!“

*Bài Giáo Lý trong cuộc hội kiến chung:

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Ấy thế nhưng mà trời đất hôm nay xem ra có vẻ không được tốt mấy anh chị em nhỉ; thời tiết hơi xấu… Mặc dầu thế, anh chị em vẫn can đảm để hiện diện ở đây, và tỏ ra hài lòng dù thời tiết xấu. Vậy thì chúng ta cũng vẫn có thể thực hiện được công việc của chúng ta! Cuộc hội kiến chung hôm nay đang diễn ra cùng một lúc với hai địa điểm được phân tách, giống như mọi khi có mưa: ở đây, trên quảng trường này, và tại Hội Trường Phao-lô VI, tại đó đang có sự hiện diện của các bệnh nhân. Cha đã gặp họ rồi, đã chào thăm họ rồi, và họ sẽ theo dõi cuộc hội kiến này qua một màn ảnh lớn, vì sức khỏe không cho phép họ đứng dưới trời mưa, nơi quảng trường này. Từ đây, chúng ta hãy chào thăm họ bằng một tràng pháo tay. Nào!

Hôm nay, Cha muốn chia sẻ với anh chị em một số điều mà Cha đã trải qua trong chuyến công du của Cha tới Thổ-nhĩ-kì từ ngày thứ Sáu tới ngày Chúa Nhật vừa qua. Như trước đây Cha đã xin với anh chị em rằng, hãy chuẩn bị và hãy đồng hành với chuyến công du này bằng lời cầu nguyện của anh chị em, thì giờ đây, Cha cũng xin anh chị em hãy cùng tạ ơn Chúa với Cha, và cũng xin anh chị em cầu nguyện để mong sao cho chuyến công du vừa rồi có thể mang đến những hoa trái của cuộc đối thoại với những người anh em Chính thống giáo của chúng ta, cũng như với những tín hữu Hồi giáo, và xa hơn, sẽ mang tới những ích lợi cho con đường tiến tới hòa bình giữa các dân tộc. Điểm đầu tiên Cha cảm thấy rằng, Cha phải tái nói lên lời cám ơn của Cha đối với ngài tổng thống của nước cộng hòa Thổ-nhĩ-kì, với ngài thủ tướng, với vị bộ trưởng phụ trách các vấn đề liên quan tới tôn giáo, và tới tất cả những vị có thẩm quyền mà họ đã tiếp đón Cha một cách đầy kính trọng, cũng như đã làm cho quá trình của biến cố này trở nên có thể. Tất cả những điều đó đã thúc đẩy công việc, và họ đã yêu thích thực hiện công việc ấy. Cha xin bày tỏ niềm biết ơn huynh đệ của Cha trước các Đức Giám Mục thuộc Giáo hội Công giáo tại Thổ-nhĩ-kì, trước Đức Cha Chủ tịch hội Đồng Giám Mục, và Cha cũng xin cám ơn các Cộng Đoàn Công giáo về sự tham gia đóng góp của họ; cũng vậy, Cha xin cám ơn Đức Thượng Phụ Giáo Chủ, Đấng thánh Bartholomaios về sự đón tiếp nồng hậu của Ngài. Chân Phúc Phao-lô VI Giáo Hoàng và Tân Hiển Thánh Gio-an Phao-lô II Giáo Hoàng, mà cả hai vị này đều đã công du tới Thổ-nhĩ-kì, cũng như Tân Hiển Thánh Gio-an XXIII Giáo Hoàng, người đã từng làm Sứ Thần Tòa Thánh tại đó, từ trên Thiên Đàng, các Ngài đã phù hộ cho chuyến công du của Cha; chuyến công du này đã diễn ra sau tám năm kể từ chuyến công du được thực hiện bởi vị tiền nhiệm của Cha – Đức Bê-nê-đíc-tô XVI. Đất nước này được yêu mến bởi tất cả các Ki-tô hữu, trước hết, vì đất nước này là nguyên quán, là nơi chôn nhau cắt rốn của Thánh Phao-lô; vì đất nước này là nơi đã diễn ra bảy Công Đồng đầu tiên; và vì „ngôi nhà của Đức Maria“ tọa lạc tại Ê-phê-sô. Truyền thống kể lại rằng, kể từ sau biến cố Đức Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Mẹ Thiên Chúa đã đến sống tại đó.

Ngày thứ nhất thuộc chuyến Tông Du của Cha đứng trong dấu chỉ của cuộc gặp gỡ với các vị đại diện chính trị và chính quyền của quốc gia này, một quốc gia mà người Hồi giáo chiếm đa số, nhưng tính thế tục đã được neo chặt trong hiến pháp của quốc gia này. Cha đã nói về bạo lực với những người có thẩm quyền của đất nước. Việc lãng quên Thiên Chúa và việc không thờ kính Thiên Chúa chính là điều sinh ra bạo lực! Vì thế, đối với Cha, đó là yêu sách nhằm chỉ ra sự cần thiết rằng, các Ki-tô hữu và các tín đồ Hồi giáo phải cùng dấn thân cho tình liên đới, cho hòa bình và cho công lý; và rằng, nhà nước phải đem đến cho tất cả mọi công dân và mọi cộng đồng tôn giáo sự tư do tôn giáo đích thực, cũng như sự thực hành Đức Tin của họ. Hôm nay, trước khi Cha đến chào thăm các bệnh nhân, Cha đã gặp gỡ một nhóm gồm cả các Ki-tô hữu lẫn các tín hữu Hồi giáo, những người này đã tham dự một cuộc hội nghị được tổ chức bởi Hội Đồng Giáo Hoàng Về Đối Thoại Liên Tôn, dưới sự điều hành của Đức Hồng Y Tauran, và họ cũng đã bày tỏ lòng mong ước rằng, ước gì cuộc đối thoại huynh đệ này giữa người Công Giáo, với các Ki-tô hữu khác cũng như với người Hồi giáo sẽ tiếp tục tiếp diễn.

Vào ngày thứ hai trong chuyến Tông Du, Cha đã viếng thăm một số địa điểm có tính biểu tượng đối với các niềm tin tôn giáo khác nhau tại Thổ-nhĩ-kì. Cha đã làm điều đó, vì trong tâm hồn của Cha, Cha đã nghe thấy tiếng gọi được hướng đến Thiên Chúa là Chúa Cả Trời Đất, bởi toàn thể nhân loại. Đứng trong trung tâm điểm của ngày này chính là cuộc cử hành Bí Tích Thánh Thể chung tại nhà thờ Chính Tòa cùng với các mục tử và các tín hữu theo các nghi thức Công giáo khác nhau tại Thổ-nhĩ-kì. Đức Thượng Phụ Giáo Chủ Đại Kết, Đức Phó Thượng Phụ Giáo Chủ Giám quản Tông Tòa Armenie, Đức Thượng Phụ Chính thống Syria, và các vị đại diện của các Giáo hội Tin Lành cũng đã hiện diện trong Thánh Lễ vừa nêu. Chúng tôi đã cùng cầu khẩn với Chúa Thánh Thần, Đấng tác tạo nên sự hiệp nhất trong Giáo hội: Sự hiệp nhất trong Đức Tin, trong Đức Ái đối với tha nhân, và trong sự kiên định nội tại. Trong sự phong phú của các truyền thống cũng như của các cách thức biểu lộ khác nhau của mình, Dân Thiên Chúa được kêu gọi hãy để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn, trong một thái độ thính nhậy, thái độ ngoan ngùy và thái độ tuân phục thường xuyên. Trên con đường đối thoại Đại Kết của chúng ta, và cũng đối với sự hiệp nhất riêng của chúng ta với tư cách là Giáo hội Công giáo, Chúa Thánh Thần chính là Đấng đem tất cả tới chỗ hoàn thiện. Nhiệm vụ của chúng ta chỉ nằm ở chỗ, để cho Ngài tác động, đón nhận Ngài và đi theo những linh hứng của Ngài.

Đại Lễ Kính Thánh An-rê Tông Đồ đã diễn ra vào ngày thứ ba trong khuôn khổ của chuyến viếng thăm, nhằm củng cố thêm các mối tương quan huynh đệ giữa vị Giám mục Rô-ma, Đấng kế vị Thánh Phê-rô, và Đức Thượng Phụ Đại Kết của Constantinopoli, Đấng kế vị Thánh An-rê Tông Đồ, người anh em của Thánh Phê-rô, và là những sáng lập viên của mỗi Giáo hội, cũng như canh tân sự tham gia của cả hai bên trên con đường tiến tới sự hiệp nhất hoàn toàn của người Công giáo với người Chính thống giáo. Chúng tôi đã cùng ký kết một tuyên bố chung, một chặng tiếp theo trên con đường này. Có một sự đặc biệt quan trọng rằng, điều này đã diễn ra vào cuối buổi Phụng Vụ của Đại Lễ Kính Thánh An-rê, mà Cha đã theo dõi buổi Phụng Vụ ấy với niềm vui to lớn, và trong buổi Phụng Vụ này, phép lành kép của cả Đức Thượng Phụ Giáo Chủ thành Constantinopoli lẫn của Đức Giám Mục thành Rô-ma đã được thực hiện. Thực ra, việc cầu nguyện chính là nền tảng cho bất cứ cuộc đối thoại Đại Kết phong nhiêu nào, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, mà Ngài – như Cha đã từng nói – chính là Đấng làm cho sự hiệp nhất trở nên thành toàn.

Cuộc gặp gỡ cuối cùng của Cha – nó vừa tuyệt vời nhưng đồng thời cũng rất buồn – đó là cuộc gặp gỡ với một nhóm những người trẻ tị nạn, họ đang trú ngụ tại nhà Dòng Sa-lê-diêng. Đối với Cha, việc có thể gặp gỡ một số người tị nạn đến từ những vùng có chiến tranh tại Trung Cận Đông, đó là điều thật quan trọng, để biểu tỏ sự gần gũi của Cha cũng như của Giáo hội với họ, và cũng để nhấn mạnh tầm quan trọng của thái độ sẵn sàng đón nhận, mà ngay cả Thổ-nhĩ-kì cũng đang tham gia rất mạnh trong lãnh vực này. Cha còn phải cám ơn Thổ-nhĩ-kì thêm một lần nữa về những việc mà họ đã làm cho những người tị nạn, và Cha cũng xin cám ơn các Tu Sĩ Dòng Sa-lê-diêng tại Istanbul với trọn tấm lòng của Cha. Những Tu Sĩ Sa-lê-diêng ấy đang làm việc cho những người tị nạn với sự hiệu quả! Cha cũng được gặp gỡ với các Tu Sĩ khác và với một Tu Sĩ Dòng Tên, họ cũng đang làm việc cho người tị nạn, nhưng bất cứ Cộng Đoàn Sa-lê-diêng nào cũng là một cái gì đó thật tuyệt vời, nó là một công việc trong âm thầm. Cha xin cám ơn tất cả những ai đã và đang làm việc cho những người tị nạn, và làm việc để cho những nguyên nhân của tình trạng rất khổ đau này sớm bị loại trừ.

Anh chị em thân mến, ước gì Đấng Toàn Năng và Thiên Chúa Nhân Hậu cũng sẽ vẫn tiếp tục bảo vệ dân tộc Thổ-nhĩ-kì, bảo vệ những nhà lãnh đạo chính quyền của quốc gia này, và bảo vệ những người đại diện của các tôn giáo khác. Ước gì họ sẽ cùng kiến tạo nên một tương lai hòa bình, để đất nước Thổ-nhĩ-kì trở thành một nơi của đời sống chung hòa bình giữa các tôn giáo cũng như giữa những nền văn hóa. Chúng ta hãy cầu nguyện, nhờ lời bầu cử của Đức Trinh Nữ Maria, xin Chúa Thánh Thần làm cho chuyến Tông Du này được sinh hoa kết trái, và xin Người củng cố niềm đam mê truyền giáo trong Giáo hội, hầu cho tất cả mọi dân tộc, qua việc duy trì sự tôn trọng đối với một cuộc đối thoại huynh đệ, cũng đều được nghe công bố rằng, Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, chính là chân lý, hòa bình và Tình Yêu. Chỉ một mình Ngài là Chúa.

 Vatican ngày 03 tháng 12 năm 2014

ĐTC Phan-xi-cô

Lm. Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội