Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô trong cuộc hội kiến chung ngày 10.12.2014:Thượng Hội Đồng Giám Mục không phải là quốc hội!“

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt lành!

Chúng ta đã kết thúc loạt bài Giáo Lý về Giáo hội. Chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì Ngài đã cho phép chúng ta đi trên con đường ấy, qua đó chúng ta đã tái khám phá ra vẻ đẹp và trách nhiệm mà chúng nằm ở chỗ: chúng ta thuộc về Giáo hội, tất cả chúng ta đều là Giáo hội.

Hôm nay chúng ta sẽ bắt đầu một chặng mới, một chu kỳ mới, và đề tài cho lần này sẽ là đề tài về gia đình; đây là đề tái rất thích hợp trong thời gian này, vì nó nằm giữa hai khóa họp khoáng đại của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới được dành để bàn về thực tại quan trọng ấy. Vì thế, hôm nay, trước khi chúng ta hướng đến những khía cạnh khác nhau của đời sống gia đình, Cha muốn vận dụng ngay cuộc hội nghị của Hội Đồng Giám Mục Thế Giới như là điểm khởi phát, mà cuộc hội nghị ấy đã diễn ra vào hồi tháng 10 vừa rồi với đề tài: „Những thác đố mục vụ của gia đình trong mối liên hệ đến công cuộc loan báo Tin Mừng“. Thật là quan trọng trong việc nhớ lại xem cuộc hội nghị đó đã diễn ra như thế nào và nó đã phát sinh ra điều gì.

Trong lúc Thượng Hội Đồng Giám Mục diễn ra, các phương tiện truyền thông đã thực hiện các công việc của họ - họ đã tạo ra nhiều sự chờ đợi và nhiều mối quan tâm – và chúng ta cám ơn họ về điều đó, vì họ đã thực hiện điều đó một cách rất phong phú. Rất nhiều và rất nhiều tin tức trên các mặt báo! Điều đó đã có thể xảy ra cũng là vì văn phòng báo chí, vì tại văn phòng này, các cuộc họp báo đã diễn ra hằng ngày. Quan điểm của giới truyền thông thường là những bài tường thuật có một chút hơi hướm mang phong cách thể thao hay một bài phóng sự: Nó thường là quan điểm của hai phe; phe thuận và phe chống, phe bảo thủ và phe cấp tiến, v.v. Hôm nay, Cha muốn kể cho anh chị em nghe về điều mà Thượng Hội Đồng Giám Mục đã diễn ra.

Trước hết, Cha đã xin các Nghị Phụ hãy nói một cách can đảm và thẳng thắn, cũng như hãy lắng nghe một cách khiêm tốn; với sự can đảm, hãy nói lên tất cả những gì mà các Ngài có trong lòng. Đã không có sự kiểm duyệt trong Thượng Hội Đồng Giám Mục; mỗi người đều đã có thể nói – và mỗi người đều đã phải nói – về những gì đang có trong lòng mình, và về cái mà mình đã thực sự nghĩ tới. „Nhưng điều đó dẫn tới những cuộc tranh luận!“ – Đúng vậy; nhưng thậm chí chúng ta cũng nghe nói đến chuyện các Tông Đồ cũng đã từng có những cuộc tranh luận của các Ngài. Kinh Thánh thuật lại rằng: có một cuộc tranh cãi gay gắt. Các Tông đồ đã quát mắng nhau, vì các Ngài tìm kiếm Thánh Ý Thiên Chúa liên quan đến những người ngoại giáo: liệu người ta có được phép tiếp nhận những người ngoại ấy vào trong Giáo hội hay không? Đó là một cái gì đó mới mẻ. Luôn luôn, khi người ta muốn tìm kiếm Thánh Ý Thiên Chúa trong một cuộc hội nghị của Thượng Hội Đồng Giám Mục thì sẽ có những ý kiến khác biệt, và những cuộc tranh luận sẽ phát sinh, và điều đó tuyệt nhiên không phải là điều tồi tệ! Nói chung, người ta thực hiện điều đó trong sự khiêm cung và trong tinh thần phục vụ anh em. Sẽ là điều xấu nếu như có sẵn một cuộc kiểm duyệt trước đó rồi. Không, mỗi người đều phải nói lên những gì mình đã nghĩ. Sau bài diễn văn khai mạc của Đức Hồng Y Erdö, đã có một khoảnh khắc quan trọng đầu tiên, trong đó tất cả đều đã được phép nói và tất cả đều đã lắng nghe. Thái độ lắng nghe mà các Nghị Phụ có, chính là một mẫu gương. Một khoảnh khắc tự do lớn, trong đó mỗi người đều được phép nói lên ý kiến của mình một cách đầy tin tưởng. Cơ sở dành cho những cuộc bàn thảo chính là văn kiện làm việc mà nó đã phát sinh từ cuộc trưng cầu dân ý trên toàn Giáo hội trước khi cuộc hội nghị diễn ra. Và ở đây chúng ta phải cám ơn ban thư ký của Thượng Hội Đồng Giám Mục, mà ban này, trước cũng như sau khi kết thúc khóa họp, đã thực hiện một công việc vĩ đại. Một công việc thực sự xuất sắc.

Không có bài tham luận nào đã đặt ra câu hỏi liên quan đến những chân lý nền tảng của Bí Tích Hôn Phối, tức sự bất khả phân ly, sự hiệp nhất, sự chung thủy và sự mở ra với sự sống (xc. Gaudium et spes, số 48; GL, số 1055-1056). Không ai đã khuấy đảo những chân lý đó.

Tất cả mọi bài tham luận đều được tổng hợp lại và đi đến giai đoạn thứ hai, tức việc biên soạn thành một văn kiện mà chúng ta gọi là „bản báo cáo sau những cuộc thảo luận“. Bản báo cáo này cũng được soạn thảo bởi Đức Hồng Y Erdö, Ngài đã phân chia bản báo cáo ấy ra thành ba điểm: việc lắng nghe ngữ cảnh và những thách đố đối với gia đình; sự chạm trán với những viễn tượng mục vụ.

Dựa trên cơ sở nền tảng từ đề nghị thứ nhất của một bản tổng hợp, các „cuộc thảo luận nhóm“ đã diễn ra, và những cuộc thảo luận nhóm này hình thành nên giai đoạn thứ ba. Giống như mọi khi, các nhóm luôn được chia ra theo ngôn ngữ, vì như thế sẽ tốt hơn, người ta sẽ có thể hiểu nhau tốt hơn: tiếng Ý, tiếng Anh, tiếng Tây-ban-nha và tiếng Pháp. Khi kết thúc, mỗi nhóm đều đã đưa ra một bản báo cáo về công việc của mình, và tất cả các báo cáo của các nhóm đều đã được công bố ngay tức khắc. Tất cả đều được công khai hóa ngay lập tức, nhằm thể hiện sự minh bạch, để người ta biết được cái gì đã diễn ra.

Sau đó – và đó là giai đoạn thứ tư – một Ủy Ban đã đúc kết tất cả các đề nghị mà chúng đã được đưa ra bởi các nhóm ngôn ngữ, và như thế xuất hiện bản báo cáo chung kết. Bản báo cáo này trung thành với lược đồ ban đầu – lắng nghe thực tế, cái nhìn về Tin Mừng và việc dấn thân mục vụ - nhưng sự tổng hợp đã lưu ý đến tất cả những cuộc thảo luận nhóm. Giống như mọi khi, một Sứ Điệp kết thúc Thượng Hội Đồng Giám Mục cũng đã được biên soạn, bản Sứ Điệp này ngắn và dễ hiểu hơn là bản báo cáo chi tiết.

Đó là quá trình của Thượng Hội Đồng Giám Mục. Có thể một người sẽ hỏi Cha: „Có thật là các Nghị Phụ đã cãi nhau không?“ Cha không biết liệu người ta có được phép gọi nó là như thế hay không, nhưng trong thực tế là đã có những cuộc tranh luận thực sự gay gắt. Và chính xác, đó là sự tự do, trong Giáo hội có sự tự do. Tất cả đều đã diễn ra „cum Petro et sub Petro“, có nghĩa là trong sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng, Đấng chính là sự bảo đảm của sự tự do, của niềm tin tưởng và của Giáo huấn chính thống đối với tất cả. Và sau cùng, thông qua sự góp phần của mình, Cha đã có được một bản tóm lược về kinh nghiệm của Thượng Hội Đồng Giám Mục. Cụ thể, đó là ba văn kiện chính thức của Thượng Hội Đồng Giám Mục: Sứ Điệp kết thúc, bản báo cáo tổng kết, và diễn văn bế mạc của Đức Thánh Cha. Ngoài ra thì không có gì khác nữa.

Bản báo cáo đúc kết mà nó đánh dấu điểm đến từ các phản ánh trong các Giáo phận cho tới thời điểm này, đã được công bố vào ngày hôm qua, và sẽ được gửi tới các Hội Đồng Giám Mục, và các Hội Đồng Giám Mục sẽ thảo luận về bản báo cáo đúc kết này thể theo khóa họp khoáng đại thường kỳ lần tới của Thượng Hội Đồng Giám Mục, sẽ diễn ra vào tháng 10 năm 2015. Cha nói rằng, bản báo cáo đúc kết này mới được công bố vào hôm qua – nhưng trong thực tế, nó đã được công bố lâu rồi, và hôm qua nó được công bố cùng với những câu hỏi được gửi đến các Hội Đồng Giám Mục, và qua đó, nó sẽ là những nét căn bản cho Thượng Hội Đồng Giám Mục lần tới.

Người ta phải lưu ý rằng, Thượng Hội Đồng Giám Mục không phải là quốc hội, mà các nghị sĩ thuộc các Giáo hội địa phương hội họp trong đó… Không, không phải thế. Thực ra, có sự đại diện của các Giáo hội địa phương, nhưng cấu trúc thì hoàn toàn khác với cấu trúc của một quốc hội. Thượng Hội Đồng Giám Mục là một không gian được bảo vệ mà Chúa Thánh Thần có thể tác động trong đó. Không có các cuộc tranh tụng giữa các đảng phái như trong một quốc hội, nơi phải là như thế, nhưng có một sự đồng tâm giữa các Giám Mục, và sự đồng tâm này diễn ra theo một công việc được chuẩn bị dài lâu, và vì thế dẫn tới một sự ứng dụng hầu đưa đến điều tốt đẹp nhất cho các gia đình, cho Giáo hội và cho cộng đồng. Đó là quá trình bình thường trên đường đi của một Thượng Hội Đồng Giám Mục. Giờ đây, bản báo cáo đúc kết sẽ quay trở về lại với các Giáo hội địa phương, và như thế, trong các Giáo hội địa phương, bất cứ con đường cầu nguyện, suy tư và trao đổi huynh đệ nào cũng sẽ tiếp tục diễn ra, trong sự chuẩn bị cho khóa họp của Thượng Hội Đồng Giám Mục kỳ tới. 

Đó là Thượng Hội Đồng Giám Mục. Chúng ta hãy trao phó Thượng Hội Đồng Giám Mục cho sự chở che của Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của chúng ta. Ước gì Mẹ sẽ giúp chúng ta trong việc thi hành Thánh Ý Thiên Chúa, bằng cách đưa ra những quyết định mang tính mục vụ mà chúng hữu ích nhất đối với các gia đình. Cha xin anh chị em hãy đồng hành trên con đường này của Thượng Hội Đồng Giám Mục cho tới khóa họp khoáng đại lần tới bằng lời cầu nguyện của anh chị em. Xin Thiên Chúa soi sáng cho chúng ta và dẫn đưa chúng ta tới sự chín muồi của cái mà chúng ta phải nói với tất cả các Giáo hội địa phương với tư cách là Thượng Hội Đồng Giám Mục. Và để đi tới được mục tiêu đó, lời cầu nguyện của anh chị em rất quan trọng.

Vatican ngày 10 tháng 12 năm 2014

ĐTC Phan-xi-cô

Lm. Đa-minh Thiệu O.Cist - chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội