Bài Giáo Lý của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô trong cuộc hội kiến chung ngày 17.12.2014: „Con đường của Chúa Giê-su bắt đầu từ trong một gia đình

GIA ĐÌNH – 1.Gia đìnhNazareth

Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế giới về gia đình mới kết thúc cách đây chưa lâu chính là chặng thứ nhất của một con đường mà nó sẽ hoàn tất vào tháng Mười tới đây với một khóa họp khoáng đại tiếp theo của Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới về đề tài: „Ơn gọi và Sứ vụ của Gia đình trong Giáo hội và thế giới“. Lời cầu nguyện và sự suy tư mà chúng phải đồng hành trên con đường này, liên quan tới toàn thể Dân Thiên Chúa. Cha muốn rằng, những bài suy niệm trong các buổi tiếp kiến chung vào thứ Tư hàng tuần sẽ thích ứng với con đường này. Vì thế, Cha đã quyết định sẽ nói với anh chị em về gia đình trong suốt năm nay, về hồng ân to lớn này mà Thiên Chúa đã thực hiện cho thế giới ngay từ thuở ban đầu, khi Ngài ủy thác cho A-đam và E-va việc sinh sôi nẩy nở và phát triển trên toàn cõi đất (xc. St 1, 28). Một hồng ân mà Chúa Giê-su đã đóng ấn và chứng thực bằng Tin Mừng của Ngài.

Đại Lễ Giáng Sinh đang gần kề sẽ tạo nên một ánh sáng lớn trên mầu nhiệm này. Công cuộc Nhập Thể Làm Người của Con Thiên Chúa mở ra một khởi đầu mới trong lịch sử thế giới của người nam và người nữ. Và sự tái khởi đầu này đã diễn ra trong con tim của một gia đình tại Nazareth. Chúa Giê-su đã đến với thế giới trong một gia đình. Ngài đã có thể bước vào thế giới với một cách thế đầy ngoạn mục, chẳng hạn như với tư cách là một vị anh hùng, một vị hoàng đế … Nhưng không, Ngài đến với tư cách là một bé em trong một gia đình, giống như biết bao trẻ em khác. Đó là điều quan trọng: chúng ta hãy chiêm ngưỡng cảnh đẹp này trong hang đá.

Thiên Chúa đã quyết định đến thế giới thông qua một gia đình nhân loại mà chính Ngài đã kiến tạo nên. Thiên Chúa đã kiến tạo nên gia đình ấy trong một ngôi làng xa xôi, thuộc vùng xa trung tâm của đế quốc Rô-ma. Không phải ở trong thành phố Rô-ma, thủ đô của đế quốc, không phải trong một thành phố lớn, nhưng trong một vùng đất xa xôi, hầu như không ai biết đến, đã vậy, lại còn bị mang tiếng tương đối xấu. Trong các Tin Mừng, chúng ta thấy có một âm hưởng về chuyện đó: „Từ Nazareth, làm sao có cái gì hay được?“ (Ga 1,46). Tại nhiều nơi trên thế giới, có lẽ chính chúng ta ngày hôm nay cũng còn nói như thế khi chúng ta nghe tới tên của một khu ổ chuột thuộc vùng ngoại ô của bất cứ một thành phố lớn nào. Thế nhưng: Ngay tại đó, tại một khu ổ chuột ngoại ô của một đế quốc, lịch sử rất thánh và tuyệt vời nhất đã tiếp nhận sự khởi đầu của mình: lịch sử của Chúa Giê-su giữa nhân loại! Và gia đình này đã sống ở đó.

Chúa Giê-su đã lưu lại trong khu ngoại ô đó tới 30 năm. Thánh Lu-ca đã thuật lại thời gian này bằng những lời tóm tắt sau đây: „Ngài (Chúa Giê-su) đã vâng phục các Ngài (Đức Maria và Thánh Giu-se)“.  Người ta có thể hỏi: Phải chăng vị Thiên Chúa ấy, Đấng đã đến để cứu độ chúng ta, đã đánh mất 30 năm thời gian của mình trong vùng ngoại ô đáng ngờ đó? Đúng vậy, Ngài đã đánh mất 30 năm ở đó. Ngài đã muốn như thế. Con đường của Chúa Giê-su bắt đầu trong một gia đình. „Riêng Mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Còn Đức Giê-su thì ngày càng khôn lớn, và được Thiên Chúa cũng như mọi người thương mến“ (Lc 2,51-52). Đã không xảy ra những phép lạ hay những cuộc chữa lành, những bài diễn thuyết hay những bài diễn giảng – trong bằng ấy thời gian, Ngài đã không thực hiệt bất cứ một việc gì tương tự với những gì vừa nêu. Đã không có những đoàn người ùn ùn kéo đến với Ngài. Tại Nazareth, tất cả mọi sự đều diễn ra một cách hoàn toàn „bình thường“, trong cuộc sống hằng ngày của một gia đình Do-thái đạo hạnh và chăm chỉ: mọi người đều lao động, người Mẹ đã thực hiện công việc nội trợ của mình, như chợ búa, nấu nướng, và giặt giũ quần áo… tức bất cứ việc gì mà một người mẹ thực hiện. Người cha hành nghề thợ mộc và thường đem con của mình tới xưởng làm việc: ba mươi năm trường. „Nhưng thưa Đức Thánh Cha, như thế là lãng phí!“ Xin thưa, những con đường của Thiên Chúa thì không ai có thể hiểu. Nhưng điều quan trọng ở đó chính là gia đình! Đó không phải là điều phí phạm! Tất cả các Ngài đều là những vị Đại Thánh: Đức Maria, Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đấng Rất Thánh Trinh Nữ, và Thánh Giu-se, người Công Chính … một gia đình.

Có thể sự an toàn của chúng ta sẽ bị gây xáo trộn khi tìm hiểu về việc người thanh niên Giê-su đã tuân thủ đời sống tôn giáo như thế nào trong cộng đồng của Ngài; Ngài đã lưu tâm đến những bổn phận xã hội của mình như thế nào; Ngài đã cùng lao động với Thánh Giu-se với tư cách là người học nghề thế nào, và tiếp theo, Ngài đã lắng nghe Lời Chúa, đã cầu nguyện bằng các Thánh Vịnh như thế nào; và Ngài đã có những thói quen nào trong cuộc sống hằng ngày. Các Tin Mừng, theo phong cách chân phương của mình, đã không thuật lại cho chúng ta bất cứ điều gì về người thanh niên Giê-su, và đã giao phó bổn phận này cho sự suy tư cẩn thận của chúng ta. Nghệ thuật, văn chương và âm nhạc đã cố gắng đi theo con đường biến tấu này. Chúng ta chỉ có thể hình dung một cách rất dễ dàng rằng, có biết bao nhiêu là những người mẹ đã có thể học hỏi về sự quan tâm chăm sóc của Đức Maria cho người Con ấy! Và những ích lợi to lớn nào mà những người cha có thể rút ra được từ gương sáng của Thánh Giu-se, người đã bảo vệ con trai và vợ mình, gia đình mình, trong tất cả những trạng huống khó khăn của cuộc sống! Đó là chưa nói đến việc có biết bao nhiêu là thanh niên thiếu nữ đã có thể được khích lệ bởi gương sáng của thanh niên Giê-su, để hiểu về sự cần thiết cũng như vẻ đẹp của việc thi hành ơn gọi thẳm sâu của họ, cũng như để có được những giấc mơ lớn! Trong ba mươi năm trời ấy, Chúa Giê-su đã chăm sóc cho ơn gọi của Ngài, mà vì ơn gọi đó, Thiên Chúa Cha đã cử Ngài đi. Và không bao giờ trong bằng ấy thời gian, Chúa Giê-su đã đánh mất sự can đảm; trái lại, Ngài đã lớn lên trong sự can đảm để chu toàn sứ vụ của mình.

Bất cứ gia đình Ki-tô giáo nào – giống Đức Maria và Thánh Giu-se đã thực hiện điều ấy – cũng đều có thể đón nhận Chúa Giê-su, lắng nghe Ngài, nói chuyện với Ngài, gìn giữ và bảo vệ Ngài, lớn lên với Ngài, và cải thiện thế giới trên con đường này. Chúng ta hãy tạo ra chỗ cho Chúa Giê-su trong tâm hồn của chúng ta cũng như trong những ngày sống của chúng ta. Đức Maria và Thánh Giu-se cũng đã thực hiện giống hệt như thế, và đó cũng là điều không hề dễ dàng đối với các Ngài. Các Ngài không phải là một gia đình phi thực tế và giả tạo. Có rất nhiều những khó khăn. Gia đình Nazareth thúc giục chúng ta hãy tái khám phá ra ơn gọi và sứ vụ trọng yếu của mỗi gia đình. Và điều gì đã diễn ra trong ba mươi năm tại Nazareth cũng sẽ có thể trở nên hiện thực đối với chúng ta: làm cho Tình Yêu chứ không phải sự hận thù trở thành hiện thực của cuộc sống hằng ngày; để cho tinh thần giúp đỡ lẫn nhau chứ không phải thái độ thờ ơ và thù địch trở thành quy tắc. Không phải là chuyện ngẫu nhiên mà danh xưng Nazareth có nghĩa là „những người bao bọc chở che và ghi nhớ“ – như „Đức Maria đã ghi nhớ trong lòng Mẹ tất cả những gì đã xảy ra“ (xc. Lc 2, 19.51). Kể từ hồi đó, cứ mỗi lần, khi một gia đình bảo vệ mầu nhiệm này, thì đó cũng chính là sự tận cùng của thế gian. Đó là mầu nhiệm Chúa Giê-su, Đấng đến cứu độ chúng ta, mầu nhiệm của Con Thiên Chúa nơi xưởng mộc. Ngài đến để cứu độ thế giới. Đó là sứ vụ lớn của gia đình: Tạo chỗ cho cuộc giáng lâm của Chúa Giê-su, đón nhận Chúa Giê-su vào trong gia đình, trong cá nhân những người con, trong cá nhân của đôi vợ chồng, trong những người ông, người bà… Chúa Giê-su đang ở đó. Ngài đang muốn được đón nhận ở đó, để Ngài có thể lớn lên trong Thần Khí, trong bất cứ một gia đình nào. Ước gì trong những ngày cuối cùng trước Đại Lễ Giáng Sinh này, Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta hồng ân đó. Xin cám ơn anh chị em.

*Kêu gọi – cầu nguyện:

Giờ đây chúng ta hãy thinh lặng một chốc lát, và sau đó, Cha muốn cùng với anh chị em đọc một Kinh Lạy Cha để cầu nguyện cho các nạn nhân của những hành động khủng bố phi nhân mà chúng đã được thực hiện trong những ngày vừa qua tại Australia, tại Pakistan và tại Jemen. Xin Thiên Chúa đón nhận những người đã qua đời vào trong sự bình an của Ngài; xin Ngài an ủi những người thân thuộc của những người đã quá cố; và xin Ngài thuyết phục những tấm lòng của những kẻ hung bạo đến độ không hề chùn tay ngay cả trước những em bé. Vậy chúng ta hãy cùng hát lên Kinh Lạy Cha và cầu xin cho được những ơn vừa nêu.

Vatican ngày 17 tháng 12 năm 2014

ĐTC Phan-xi-cô

Lm. Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ.

 


Văn Kiện Giáo Hội