Bài Giảng của ĐTC Phan-xi-cô trong Đại Lễ Kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa tại đền thờ Thánh Phê-rô ngày 01.01.2015

Anh chị em thân mến,

Hôm nay, Cha lại chợt nhớ tới những lời mà bà Elisabeth đã nói về sự chúc lành của bà ấy trên Đấng Rất Thánh Trinh Nữ: „Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?“ (Lc 1,42-43).

Lời chúc phúc này tồn tại liên tục với lời chúc phúc thuộc hàng tư tế mà Thiên Chúa đã ấn định công thức của nó cho Mô-sê, để ông sẽ tiếp tục thực hiện lời chúc phúc ấy cho Aaron và cho toàn dân: "Nguyện Ðức Chúa chúc lành và gìn giữ anh em! Nguyện Ðức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em và dủ lòng thương anh em! Nguyện Ðức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em!“ (Ds 6,24-26). Trong khi Giáo hội cử hành Đại Lễ Kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, Giáo hội nhắc nhớ chúng ta rằng, Đức Maria là người phụ nữ đầu tiên đã tiếp nhận sự chúc lành ấy. Trong Mẹ, lời chúc phúc ấy tìm thấy sự thành toàn của nó: trong thực tế, không có một thụ tạo nào khác đã nhìn thấy được dung nhan của Thiên Chúa chiếu soi trên chính mình như Đức Maria - Mẹ đã trao cho Ngôi Lời hằng hữu một diện mạo nhân loại, đến độ tất cả chúng ta đều có thể chiêm ngưỡng được dung nhan ấy.

Ngoài việc chiêm ngưỡng dung nhan Thiên Chúa, chúng ta còn có thể ngợi khen và tôn thờ Ngài, giống như các mục đồng đã trở về từ Bê-lem với bài ca tạ ơn, sau khi họ đã nhìn thấy Hài Nhi và người Mẹ trẻ của Hài Nhi (xc. Lc 2, 16-20). Mẹ và Con ở bên nhau, giống như các Ngài cũng ở bên nhau trên đồi Golgotha, vì Chúa Ki-tô và Thân Mẫu của Người không bị chia tách khỏi nhau: giữa các Ngài tồn tại một sự hiệp thông khắng khít, giống như giữa bất cứ người con nào với mẹ  mình. Thân xác của Chúa Ki-tô – điểm phát xuất của ơn cứu độ dành chúng ta (Tertullien) – được „dệt nên“ trong cung lòng Đức Maria (xc. Tv 139,13). Việc không thể tách  rời này cũng đưa đến một sự diễn tả rằng, Đức Maria – Đấng đã được tuyển chọn để trở thành Thân Mẫu của Đấng Cứu Chuộc – đã mang trong tâm hồn mình toàn bộ sứ mạng của Chúa Con, bằng cách Mẹ đã luôn đứng về phía Con của mình cho tới cùng tận tại đồi Calvario.

Đức Maria rất hiệp nhất với Chúa Giê-su, vì Mẹ nhận biết Ngài với tấm lòng và trong Đức Tin – một sự hiểu biết được tiếp thêm nhiên liệu từ kinh nghiệm làm mẹ và từ sự hiệp thông nội tâm với Con của Mẹ. Rất Thánh Trinh Nữ là người phụ nữ của Đức Tin, người đã trao cho Thiên Chúa không gian trong lòng mình cũng như trong những kế hoạch của mình; Mẹ là một tín hữu có khả năng nhận thức được sự xuất hiện của „thời gian khi tới hồi viên mãn“ (xc Gl 4,4) nhờ vào Ân Sủng của Chúa Con, mà trong thời gian ấy, Thiên Chúa đã chọn lựa một con đường đầy khiêm nhu của cuộc hiện sinh mang đặc tính nhân loại, hầu bước vào trong quỹ đạo của lịch sử một cách cá nhân. Vì thế, người ta không thể hiểu về Chúa Giê-su nếu không hiểu về Thân Mẫu của Ngài.

Cũng vậy, không thể có sự chia tách giữa Chúa Ki-tô và Giáo hội, và người ta sẽ không thể hiểu gì về ơn cứu độ được thực hiện bởi Chúa Ki-tô nếu không lưu tâm tới tình mẫu tử của Giáo hội. Chia tách Chúa Giê-su khỏi Giáo hội sẽ có nghĩa là  muốn giới thiệu một „sự phân đôi phi lý“, như Chân Phúc Phao-lô VI Giáo Hoàng đã viết (xc. Thông Điệp Evangelii nuntiandi, 16). Không thể có chuyện „yêu mến Chúa Ki-tô mà không yêu mến Giáo hội; lắng nghe Chúa Ki-tô nhưng không lắng nghe Giáo hội; ở với Chúa Ki-tô nhưng ở ngoài Giáo hội“ (sđd). Đó chính là Giáo hội, đại gia đình của Thiên Chúa, Giáo hội ấy mang Chúa Ki-tô đến cho chúng ta. Đức Tin của chúng ta không phải là một giáo thuyết trừu tượng, hay là một triết thuyết, nhưng Đức Tin là một mối tương quan tròn đầy và sống động với một ngôi vị: với Chúa Giê-su Ki-tô, Trưởng Tử của Thiên Chúa, Đấng làm người, đã chết và đã phục sinh để cứu độ chúng ta, và là Đấng đang sống giữa chúng ta. Chúng ta có thể gặp gỡ Ngài ở đâu? Chúng ta gặp gỡ Ngài trong Giáo hội. Đó là Giáo hội đang nói với thời đại hôm nay: „Đây Chiên Thiên Chúa“; Giáo hội là người công bố về Ngài; trong Giáo hội, Chúa Giê-su tiếp tục thực hiện những hành vi đầy ân sủng của Ngài qua các Bí Tích.

Công việc ấy và sứ mạng ấy của Giáo hội diễn tả cho thấy tình mẫu tử của mình. Trong thực tế, Giáo hội giống như một người Mẹ, mà người Mẹ ấy đã bảo vệ Chúa Giê-su bằng một Tình Yêu trìu mến, và trao ban Ngài cho tất cả mọi người một cách hoan hỷ và hào phóng. Nếu như không có sự mạc khải của Chúa Ki-tô, thì cũng sẽ không còn có mầu nhiệm nữa, và như thế thân xác của Chúa Ki-tô sẽ có thể bị tách ra khỏi thân xác và máu của Giáo hội, khỏi sự cụ thể của lịch sử. Nếu không có Giáo hội thì rốt cục Chúa Giê-su sẽ bị giản lược hóa thành một ý tưởng, thành một lời răn và thành một cảm giác. Không có Giáo hội, mối quan hệ của chúng ta với Chúa Ki-tô sẽ bị phó mặc cho sự biến ngẫu, cho những diễn giải và cho những tính khí của chúng ta.

Anh chị em thân mến! Chúa Giê-su Ki-tô chính là sự chúc lành cho từng người một cũng như cho toàn thể nhân loại. Trong lúc Giáo hội tặng ban Chúa Giê-su cho chúng ta, Giáo hội giới thiệu với chúng ta về sự viên mãn nơi phúc lành của Thiên Chúa. Đó chính là sứ mạng của Dân Thiên Chúa: chiếu giãi phúc lành của Thiên Chúa làm người trong Chúa Giê-su Ki-tô trên toàn thể nhân loại. Và Đức Maria, nữ môn đệ đầu tiên và trọn vẹn của Chúa Giê-su, mẫu gương của Giáo hội lữ hành, chính là bất cứ ai mở tấm lòng mình ra cho con đường từ mẫu này của Giáo hội, và luôn luôn hỗ trợ sứ mạng từ mẫu của Giáo hội, được hướng đến với toàn thể nhân loại. Chứng tá tinh tế và từ mẫu của Đức Maria đã đồng hành với Giáo hội ngay từ lúc khởi đầu. Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và cũng là Mẹ của Giáo hội, và nhờ Giáo hội, Mẹ trở nên Mẹ của tất cả mọi người cũng như của mọi dân tộc.

Ước gì người Mẹ đáng mến và đầy tận tâm này sẽ giúp chúng ta đạt tới được phúc lành của Thiên Chúa dành cho toàn thể gia đình nhân loại. Với một cách thức đặc biệt, nhân Ngày Quốc Tế Hòa Bình hôm nay, nhờ lời bầu cử của Mẹ, chúng ta hãy cầu xin Chúa ban tặng bình an xuống cho chúng ta trong những ngày này: Bình an trong các tâm hồn, bình an trong các gia đình, hòa bình giữa các quốc gia. Đặc biệt trong năm nay, Sứ Điệp nhân Ngày Hòa Bình Quốc Tế có tựa đề là: „Không còn phải là những người nô lệ nữa, nhưng là những người anh em“. Tất cả chúng ta đều được kêu gọi để trở nên tự do, trở nên những người con trai, con gái của Thiên Chúa, và tương ứng với trách nhiệm cá nhân của mình, mỗi người đều được kêu gọi để chiến đấu chống lại mọi hình thức hiện đại của chế độ nô lệ. Từ tất cả mọi dân tộc, văn hóa và tôn giáo, chúng ta hãy liên kết những cố gắng của chúng ta lại với nhau. Ước chi Đấng đã trở nên người phục vụ chúng ta hầu làm cho chúng ta trở nên những người anh em và chị em của nhau, sẽ dẫn dẵn và giúp đỡ chúng ta.

ĐTC Phan-xi-cô

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội