Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô trong cuộc tiếp kiến chung trưa thứ Tư ngày 07.01.2015 : Gia Đình – 2.Người Mẹ : „Chúng ta không phải là những trẻ mồ côi, nhưng chúng ta là con cái của Giáo hội!“

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Hôm nay chúng ta sẽ tiếp tục loạt bài Giáo Lý về gia đình, và chúng ta sẽ thực hiện một suy tư ngắn về Giáo hội với tư cách là người Mẹ. Giáo hội chính là Mẹ - Mẹ Giáo hội thánh thiện của chúng ta.

Trong những ngày vừa qua, Phụng vụ đã đưa đến trước mắt chúng ta hình ảnh Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa. Ngày đầu tiên của năm mới chính là ngày Đại Lễ Mừng Kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa; sau Đại Lễ này là Đại Lễ Hiển Linh. Với Đại Lễ Hiển Linh, chúng ta tưởng nhớ tới cuộc viếng thăm của ba nhà Khôn Ngoan thánh thiện. Tác giả Tin Mừng Mát-thêu viết rằng: „Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình bái lạy Người“ (Mt 2,11). Mẹ chính là người đã sinh ra người con, và sau khi đã sinh con, Mẹ đã giới thiệu người con ấy cho thế giới. Mẹ trao cho chúng ta Chúa Giê-su, Mẹ chỉ cho chúng ta thấy Chúa Giê-su, Mẹ giúp chúng ta nhận ra Chúa Giê-su.

Chúng ta tiếp tục loạt bài Giáo Lý về gia đình, và chúng ta nhìn thấy người Mẹ trong gia đình. Bất cứ ai cũng đều mang ơn một người Mẹ về sự sống của mình, và hầu như tất cả mọi người đều cũng mang ơn Mẹ mình đối với phần lớn sự nghiệp sau này của mình cũng như sự hình thành về nhân cách và tinh thần của mình. Người Mẹ được ca ngợi rất nhiều, rất nhiều bài thơ tuyệt vời được viết về Mẹ - nhưng trong cuộc sống hằng ngày người ta lại nghe hơi ít về Mẹ, cũng như làm cho Mẹ đến được với rất ít những sự trợ giúp; vai trò trung tâm của Mẹ trong xã hội ít được nhận biết. Thường thì thái độ sẵn sàng của Mẹ trong việc hy sinh bản thân cho con cái lại rất hay bị lợi dụng, chẳng hạn như khi bà bị „dành“ cho những tổ chức an sinh xã hội.

Ngay cả trong những cộng đoàn Ki-tô giáo cũng có chuyện người Mẹ không được chú trọng một cách đúng mức, và người ta ít lắng nghe bà. Thế nhưng, Thân Mẫu của Chúa Giê-su lại đứng trong trung tâm điểm của đời sống Giáo hội. Có lẽ người ta cần phải lắng nghe những người Mẹ: họ là những người sẵn ngày hy sinh rất nhiều cho con cái của mình, và cũng không hiếm khi hy sinh bản thân cho cả con cái của những người khác nữa. Người ta cần phải có nhiều sự hiểu biết hơn nữa đối với cuộc chiến hằng ngày của các bà Mẹ trong việc làm sao để có hiệu suất tại nơi lao động, cũng như để hiện diện trong gia đình một cách đầy chu đáo, ân cần và yêu thương; người ta cần phải cố gắng hơn nữa để hiểu về những gì mà các bà Mẹ đang cần, để có thể mang đến những hoa trái tốt nhất cho sự bình đẳng của họ. Cha nhớ lại hồi Cha còn ở nhà; Bố Mẹ Cha có năm người con, và trong khi Mẹ làm một công việc gì đó thì bà đã nghĩ ngay đến việc khác phải làm tiếp theo rồi, và người Mẹ tội nghiệp của Cha cứ phải chạy đi chạy lại không ngừng; nhưng Mẹ rất hạnh phúc. Mẹ đã cho chúng tôi nhiều thứ.

Những người Mẹ chính là phương dược mạnh mẽ nhất trong việc chữa trị căn bệnh chủ nghĩa cá nhân ích kỷ. „Cá nhân“ có nghĩa là „nguyên vẹn, không chia tách được“; là một cái gì đó mà người ta không thể phân chia. Trái lại, những người Mẹ „tự phân mình ra“; được bắt đầu từ khoảnh khắc, khi họ cưu mang trong mình một đứa con để sinh đứa con ấy ra cho thế giới và nuôi dưỡng đứa con ấy. Những người Mẹ chính là những người căm ghét chiến tranh nhất, vì chiến tranh giết chết con của họ. Cha vẫn thường cố gắng để hình dung về những người Mẹ mà họ nhận được một lá thư khủng khiếp: „Chúng tôi xin chia buồn với Bà rằng, người con trai của bà đã ngã xuống vì mảnh đất tổ tiên…“ Những người phụ nữ tội nghiệp! Một người Mẹ đau khổ biết là chừng nào! Các bà Mẹ chính là những người đã trao đi chứng tá về sự tuyệt vời của sự sống. Đức Tổng Giám Mục Oscar Arnulfo Romero đã nói rằng, những người Mẹ kinh qua „một mầu nhiệm về tình mẫu tử“. Trong một bài giảng tại Lễ An Táng của một Linh Mục đã bị sát hại bởi những tên khủng bố, Ngài đã nói: „Tất cả chúng ta phải sẵn sàng chết cho Đức Tin của chúng ta, ngay cả khi Thiên Chúa không ban cho chúng ta vinh dự ấy… Để trao hiến bản thân của mình không chỉ có nghĩa là bị giết chết, nhưng còn có nghĩa là sẵn sàng hy sinh; người ta có thể trao hiến mạng sống của mình bằng cách chu toàn những bổn phận mỗi ngày của mình, trong âm thầm, trong cầu nguyện, trong việc chu toàn bổn phận một cách trung thực; trao hiến mạng sống của mình từng chút, từng chút một như thế. Và một người Mẹ cũng trao hiến sự sống của mình như vậy khi bà mang thai một em bé mà không hề sợ hãi, và với điều hiển nhiên của mầu nhiệm về tình mẫu tử, khi bà mang đứa con đó đến với thế giới, nuôi dưỡng nó, giáo dục nó và chăm sóc nó một cách đầy âu yếm. Người ta cũng trao hiến mạng sống của mình như thế. Và đó cũng là mầu nhiệm.“ Vâng, tình mẫu tử không chỉ có nghĩa là người ta sinh ra một người con cho thế giới, nhưng cũng còn có nghĩa là một quyết định cho sự sống. Một người Mẹ quyết định về cái gì, quyết định của bà tồn tại ở điểm nào, mà chúng gắn liền với bà trong suốt cuộc sống? Nó tồn tại ở chỗ rằng, bà trao hiến cuộc sống của mình. Và đó là một cái gì đó vĩ đại và tuyệt vời.

Một xã hội mà không có những người Mẹ thì đó là một xã hội bất nhân, vì những người Mẹ có sức mạnh trong việc chứng thực cho sự dịu hiền, sự hy sinh và cho sức mạnh luân lý của mình, luôn luôn, ngay cả trong những khoảnh khắc khó khăn nhất. Các bà Mẹ cũng thường trao đi ý nghĩa thẳm sâu nhất của việc thực hành tôn giáo: Những lời cầu nguyện đầu tiên, những cử chỉ đạo đức trước tiên mà đứa con sẽ học hỏi, mang Đức Tin trong chính mình vào trong đời sống con người. Những người Mẹ đầy Đức Tin có thể giới thiệu sứ điệp ấy mà không cần phải nói nhiều lời: Những giải thích sẽ đến sau đó, nhưng hạt giống Đức Tin đã nằm trong  những giây phút đầu tiên đầy quý giá ấy rồi. Nếu không có những người Mẹ thì sẽ không còn có các tín hữu mới nữa, và Đức Tin sẽ mất đi phần lớn sự ấm áp giản dị và sâu xa của nó. Giáo hội là một người Mẹ, với tất cả những nét đặc trưng ấy; Giáo hội là Mẹ chúng ta! Chúng ta không phải là những đứa trẻ mồ côi, chúng ta có một người Mẹ! Mẹ Thiên Chúa, Mẹ của Giáo hội, là Mẹ chúng ta. Chúng ta không phải là những đứa trẻ mồ côi, nhưng chúng ta là con cái của Giáo hội, con cái của Mẹ Thiên Chúa, và con cái của các bà Mẹ chúng ta.

Hỡi những bà Mẹ thân mến, xin cám ơn các Mẹ thật nhiều và thật nhiều về những gì mà các Mẹ đã sống trong các gia đình cũng như về những gì mà các Mẹ đã trao hiến cho Giáo hội và thế giới. Và với Mẹ, hỡi Mẹ Giáo hội đáng mến, xin cám ơn, cám ơn vì Mẹ là Mẹ. Và lạy Mẹ, hỡi Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, xin cám ơn Mẹ vì Mẹ đã chỉ cho chúng con thấy Chúa Giê-su. Một lời cám ơn nồng nhiệt cũng xin được gửi đến tất cả các người Mẹ đang hiện diện tại đây hôm nay: Nào, chúng ta hãy chào kính các bà Mẹ với một tràng pháo tay dài!

Vatican ngày 07 tháng 01 năm 2015

ĐTC Phan-xi-cô

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội