Bài diễn văn của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi gặp gỡ với các vị đại diện chính phủ và ngoại giao đoàn tại quảng trường Malacañang, Manila, Philippine, ngày 16.01.2015: Bổn phẩn lắng nghe giọng nói của người nghèo

 

 

Kính thưa quý ông và quý bà,

 

Kính thưa Ngài tổng thống, tôi xin cám ơn ngài về sự tiếp đón nồng hậu cũng như về những lời chào mừng của ngài nhân danh các vị đại đại diện của các cơ quan công quyền và của dân tộc Philippine, cũng như của các thành viên đáng kính thuộc ngoại giao đoàn. Tôi rất biết ơn trước lời mời đến thăm Philippine mà ngài đã dành cho tôi. Chuyến viếng thăm của tôi, trước hết mang tính chất mục vụ. Nó diễn ra trong thời gian Giáo hội tại quốc gia này chuẩn bị cho việc mừng kỷ niệm 500 năm ngày mà trong đó việc loan báo đầu tiên của Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô được thực hiện trên những hòn đảo này. Sứ điệp Ki-tô giáo đã có một tầm ảnh hưởng khá lớn trên văn hóa của người Philippine. Tôi hy vọng rằng, năm kỷ niệm quan trọng đó sẽ là một chỉ dấu đối với sự phong nhiêu bền vững của sứ điệp ấy, cũng như đối với tiềm lực của nó trong việc gây cảm hứng cho một cộng đồng xã hội, mà nó đang tỏ ra xứng đáng với chất lượng, phẩm giá và những nỗ lực của dân tộc Philippine.

 

Một cách đặc biệt, chuyến viếng thăm này của tôi có mục đích nhằm diễn tả sự gần gũi của tôi đối với những người anh em và những người chị em của chúng ta đã phải đau khổ  bởi trận cuồng bão Hải Yến, bởi sự mất mát và bởi sự hủy hoại do trận bão này. Cùng với nhiều người trên thế giới, tôi đã vô cùng ngưỡng mộ trước những sức mạnh anh hùng, trước Đức Tin và trước khả năng đề kháng của rất nhiều người dân Philippine, cũng như của rất nhiều người khác khi tận mắt chứng kiến thảm họa thiên nhiên ấy. Những đức tính mà chúng bén rễ sâu một cách đặc biệt trong niềm hy vọng và tình liên đới được đem đến sinh khí bởi Đức Tin Ki-tô giáo, sẽ dẫn tới một làn sóng những đóng góp và sự đại lượng mà đặc biệt là về phía rất nhiều những người trẻ. Trong thời gian khủng hoảng mang tính quốc gia ấy, vô số những con người đã nhanh chóng giúp đỡ những người hàng xóm láng giềng của mình khi những người này lâm cảnh khốn cùng. Dưới những hy sinh to lớn, họ đã trao thời gian và nguồn tài chính cho mọi người tùy ý sử dụng, đã tạo ra một mạng lưới tương trợ lẫn nhau và đã làm việc cho lợi ích chung.

 

Những gương sáng về tình liên đới này trong công cuộc tái thiết chính là một bài học quan trọng đối với chúng ta. Giống như một gia đình, bất cứ cộng đồng xã hội nào cũng đều kín múc những nguồn tài lực sâu xa nhất của nó nhằm vượt qua những thách đố mới. Ngày hôm nay, cùng với nhiều quốc gia Á Châu khác đang bị đặt trước thách đố nhằm xây dựng một xã hội hiện đại trên một nền tảng mang tính liên đới, nhiều người Philippine nhìn thấy mình như là một xã hội biết kính trọng những giá trị nhân bản xác thực, biết bảo vệ những quyền lợi và những phẩm giá của con người mà chúng được trao ban bởi Thiên Chúa chúng ta, cũng như là một xã hội có khả năng đối diện với những vấn đề mới, phức tạp về chính trị và luân lý. Có biết bao nhiêu là giọng nói trong đất nước của quý vị đã chỉ ra cho thấy, kể từ bây giờ, càng ngày càng có sự cần thiết rằng, những người mang trách nhiệm chính trị sẽ nổi bật lên thông qua sự thẳng thắn, tính liêm khiết và sự dấn thân cho lợi ích chung. Với cách thức đó, họ có thể giúp đỡ hầu bảo vệ những tài nguyên phong phú cả về nhân lực lẫn thiên nhiên mà với chúng, Thiên Chúa đã chúc lành cho quốc gia này. Như vậy, họ sẽ ở trong tình trạng sẵn sàng cung cấp những phương tiện luân lý cần thiết cho những thách đố hiện tại, và tiếp tục chuyển giao cho các thế hệ sau một xã hội thực sự công lý, liên đới và hòa bình.

 

Điều chính yếu trong việc hiện thực hóa mục tiêu mang tính quốc gia này chính là bổn phận luân lý phải bảo đảm cho nền công lý xã hội cũng như cho việc nhìn nhận phẩm giá con người. Truyền thống lớn của Kinh Thánh trao cho tất cả mọi dân tộc trách vụ phải lắng nghe giọng nói của những người nghèo, và phải tháo gỡ tất cả mọi gông cùm của sự bất công và áp bức, mà chúng dẫn tới sự bất bình đẳng một cách trắng trợn, và trong thực tế, đó là sự bất bình đẳng xã hội đầy ô nhục. Việc cải cách những cấu trúc xã hội mà chúng duy trì sự nghèo đói và đẩy những người nghèo ra bên lề cuộc sống, đòi hỏi trước hết một sự trở về của tinh thần và con tim. Các Đức Giám Mục Philippine đã cầu nguyện để công bố năm nay như là „năm của người nghèo“. Tôi hy vọng rằng, lời kêu gọi mang tính Ngôn Sứ này sẽ thúc đẩy mọi cá nhân trong tất cả mọi tầng lớp xã hội, khước từ và phản đối bất cứ hình thức tham nhũng nào mà chúng cắt xén phương tiện của người nghèo, và bảo đảm một sự bao gồm bất cứ người nam, người nữ hay em nhỏ nào trong đời sống xã hội, với những sức mạnh hiệp nhất.

 

Trong công cuộc canh tân xã hội, tất nhiên là các gia đình, và đặc biệt là giới trẻ, đóng một vai trò quan trọng. Một trong những cao điểm trong chuyến viếng thăm của tôi sẽ là cuộc gặp gỡ của tôi với các gia đình cũng như với giới trẻ tại Manila này. Gia đình có một sứ mạng không thể bác bỏ trong xã hội. Nói chính xác hơn, trong các gia đình, con cái sẽ được giáo dục về các giá trị bền vững, những lý tưởng cao siêu và sự quan tâm thực sự đối với những người khác. Nhưng cũng giống như tất cả mọi ân sủng của Thiên Chúa, gia đình cũng có thể bị làm biến dạng và bị hủy hoại. Gia đình cần tới sự hỗ trợ của chúng ta. Chúng ta biết, thật khó khăn biết chừng nào đối với các nền dân chủ của chúng ta ngày nay trong việc bảo vệ những giá trị nền tảng của con người, trong việc bênh vực chúng, cũng như tôn trọng phẩm giá bất khả xâm phạm của mỗi con người, tôn trọng sự tự do lương tâm và tự do tôn giáo, tôn trọng quyền không thể tước đoạt trên sự sống, được bắt đầu với sự sống của những thai nhi chưa được sinh ra cho tới sự sống của những cụ già và các bệnh nhân. Từ lý do đó, các gia đình và các cộng đồng địa phương phải được khích lệ và được hỗ trợ trong những nỗ lực của họ nhằm tiếp tục trao cho những người trẻ của chúng ta những giá trị và những triển vọng mà chúng có thể giúp đỡ trong việc kiến tạo một nền văn hóa chân thật – một nền văn hóa mà trong đó sự tốt lành, tính chân thực, lòng trung tính và sự liên đới được đề cao như là nền tảng vững chắc và là chất kết dính có tính luân lý, mà cộng đồng cùng giữ lại.

 

Kính thưa ngài tổng thống, kính thưa quý vị đại diện của các cơ quan công quyền, các bạn thân mến,

 

Để bắt đầu chuyến viếng thăm của tôi tại quốc gia này, tôi không muốn không nhắc đến vai trò quan trọng của Philippine đối với việc thúc đẩy sự hiểu biết và sự cộng tác giữa các nước Á Châu, cũng như sự đóng góp không bao giờ bị sao nhãng nhưng mang một tầm quan trọng của những người Philippine tại ngoại quốc, đối với đời sống và sự phồn vinh của những cộng đồng xã hội mà họ đang sống trong đó. Ngay vừa khi chứng kiến di sản phong phú về văn hóa và tôn giáo mà đất nước của quý vị đang tự hào về nó, tôi muốn trao cho quý vị một lời mời gọi và một lời động viên tinh thần. Ước chi những giá trị tinh thần sâu xa nhất của dân tộc Philippine sẽ tiếp tục nhìn thấy sự bày tỏ trong những nỗ lực của quý vị hầu làm cho công dân của quý vị đạt tới được một sự phát triển con người toàn diện. Với cách thức đó, bất cứ một ai cũng sẽ ở trong tình trạng sẵn sàng sử dụng tiềm năng của mình, và qua đó góp phần thúc đẩy tương lai của đất nước này một cách khôn ngoan và có lợi. Tôi tin tưởng rằng, những nỗ lực đáng ca ngợi trong việc thúc đẩy sự đối thoại và sự cộng tác giữa các thành viên của các tôn giáo khác nhau, sẽ mang tới hoa trái trong việc đạt đến được mục đích cao cả ấy. Tôi xác tín một cách đặc biệt rằng, sự tiến bộ đã đạt được trong việc đi tới sự khôi phục nền hòa bình tại khu vực phía Nam của quốc gia này sẽ đưa ra những giải pháp thỏa đáng trong sự hòa hợp với những nguyên tắc căn bản của quốc gia và sự tôn trọng quyền không thể xâm phạm của tất cả mọi công dân, kể cả những công dân bản địa lẫn những nhóm tôn giáo thiểu số.

 

Với tất cả tấm lòng, tôi cầu xin Thiên Chúa ban tràn phúc lành xuống trên tất cả quý vị, và tất cả mọi người nam, nữ và trẻ em thuộc quốc gia đáng quý trọng này.

 

Manila, Philippine, ngày 16 tháng 01 năm 2015

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ


Văn Kiện Giáo Hội