Bài Huấn Dụ của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi đọc Kinh Truyền Tin chung trưa Chúa Nhật 01.02.2015: „Tin Mừng có sức mạnh biến đổi đời sống!“

 

*Trước khi đọc Kinh Truyền Tin:

 

Anh chị em thân mến, xin kính chúc anh chị em một ngày Chúa nhật tốt lành!

 

Bài Tin Mừng hôm nay (xc. Mc 1,21-28) tường thuật cho biết, Chúa Giê-su đã lên đường cùng với cộng đoàn nhỏ, tức các môn đệ của Ngài, để đi tới Caphanaum như thế nào. Thánh Phê-rô đã sống trong thành phố này, tức thành phố lớn nhất của xứ Galilea thời ấy, và Chúa Giê-su đã đến đó.

 

Tác giả Tin Mừng Mar-cô thuật lại rằng, khi vừa tới nơi, Chúa Giê-su đã bước vào trong Hội Đường ngay lập tức và bắt đầu giảng dậy, và hôm đó là ngày Sabbat (xc. Mc 1,21). Điều này cho thấy địa vị ưu việt của Lời Chúa, Lời được lắng nghe và Lời được công bố. Trong cuộc xuất hiện của Ngài tại Caphanaum, Chúa Giê-su đã không trì hoãn việc công bố Tin Mừng. Suy nghĩ đầu tiên của Ngài không quan tâm đến vấn đề hậu cần, nơi ăn chốn ở – điều chắc chắn cần thiết – cho cộng đoàn nhỏ bé của Ngài. Ngài không mất thời gian với những điều có tính tổ chức. Mối quan tâm chính yếu của Ngài là việc công bố Lời Chúa với sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Mọi người tại Hội Đường đều bị gây ấn tượng mạnh bởi Chúa Giê-su, „vì Ngài giảng dậy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư.“ (Mc 1,22).

 

Về điểm này, chúng ta muốn tự hỏi, „thẩm quyền“ ấy có nghĩa là gì. Cụm từ này liên hệ tới sự việc là, toàn bộ sức mạnh của Lời Chúa đã trở nên rõ rệt trong những lời có tính nhân loại của Chúa Giê-su. Những lời ấy hàm chứa uy quyền của Thiên Chúa, Đấng đã linh hứng cho Thánh Kinh. Một trong những đặc tính của Lời Chúa chứa đựng trong điều này: những gì được nói đều sẽ trở thành hiện thực, vì Lời của Thiên Chúa tương hợp với Thánh Ý của Ngài. Trái lại, lời của chúng ta thường trống rỗng, không có căn nguyên, hay không cần thiết; đó là những lời không tương hợp với sự thật. Ngược với những lời của chúng ta, Lời Thiên Chúa lại hòa khớp với sự thật. Lời ấy đứng trong sự hiệp nhất với Thánh Ý Thiên Chúa, và hiện thực hóa những gì chính Lời ấy nói. Ngay sau khi kết thúc bài giảng của mình, Chúa Giê-su đã biểu lộ uy quyền bằng cách là, Ngài giải thoát cho một người đang bị Satan ám, ngay trong Hội Đường (xc. Mc 1,23-26). Quyền năng thuộc về Thiên Chúa của Chúa Ki-tô đã trực tiếp khơi ra phản ứng của Satan trong người bị chúng ám. Chúa Giê-su đã ngay lập tức nhận ra giọng nói của sự ác, và đã ra lệnh cho hắn với lệnh truyền hết sức cứng rắn sau đây: „Câm mồm! hãy xuất khỏi người này!“ (Mc 1,25). Chỉ nhờ vào Lời của mình, Chúa Giê-su đã giải thoát con người khỏi tên thù địch. Một lần nữa, những người hiện diện lại cảm thấy kinh ngạc: „Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh“ (Mc 1,27). Lời Thiên Chúa khơi lên sự kinh ngạc trong chúng ta, vì Lời ấy chứa đựng sức mạnh ấy.

 

Tin Mừng là Lời hằng sống. Tin Mừng không áp bức con người, nhưng giải phóng họ khỏi kiếp nô lệ  của nhiều tinh thần xấu xa nơi thế gian: Tinh thần tự cao tự đại, tinh thần trao hiến bản thân cho tiền bạc, tinh thần kênh kiệu, tinh thần ham khoái lạc. Tin Mừng biến đổi con tim, biến đổi cuộc sống, biến những xu hướng xấu thành những ý định tốt lành. Tin Mừng có khả năng biến đổi nhân loại! Vì thế, người Ki-tô hữu có sứ mạng loan truyền khắp nơi sức mạnh cứu độ của Lời Chúa, và trở nên những nhà truyền giáo cũng như những sứ giả của Lời Thiên Chúa. Những lời có tính truyền giáo nằm ở khúc cuối của bài Tin Mừng hôm nay cũng khuyên chúng ta về việc đó: „Lập tức danh tiếng của Ngài đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Galilea“ (Mc 1,28). Giáo lý mới được công bố bởi Chúa Giê-su với uy quyền, chính là điều mà Giáo hội mang vào thế giới cùng với những chỉ dấu đầy công hiệu về sự hiện diện của Ngài: Giáo lý với uy quyền và những tác động giải thoát của Con Thiên Chúa trở thành những lời cứu độ, và trở nên những cử chỉ yêu thương của Giáo hội truyền giáo. Anh chị em hãy luôn nhớ rằng, Tin Mừng có sức mạnh biến đổi cuộc sống! Mong anh chị em đừng quên điều đó! Tin Mừng là sứ điệp vui mừng mà nó chỉ biến đổi chúng ta nếu như chúng ta để cho mình được biến đổi. Vì thế Cha xin anh chị em, ngày ngày, hãy luôn bước vào trong việc tiếp xúc với Tin Mừng, hãy đọc mỗi ngày một bản văn hay một đoạn để suy tư về nó, cũng như luôn mang nó theo anh chị em. Anh chị em hãy nuôi dưỡng mình mỗi ngày bằng nguồn mạch không thể tát cạn này của ơn cứu độ. Xin anh chị em đừng quên điều đó! Mỗi ngày hãy đọc một đoạn Tin Mừng. Sức mạnh này sẽ biến đổi chúng ta, biến đổi cuộc sống và con tim chúng ta.

 

Chúng ta hãy cầu xin Đức Maria, Đấng đã đón nhận Ngôi Lời vào trong chính mình, và đã mang Ngôi Lời đến cho tất cả nhân loại trên toàn thế giới, qua lời bầu cử từ mẫu của Mẹ, xin Mẹ hãy cầu bầu cho chúng ta. Ước chi Mẹ sẽ dậy chúng ta trở nên những thính giả kiên tâm cũng như trở nên những người loan báo đáng tin cậy của Tin Mừng Chúa Giê-su.

 

*Sau khi đọc Kinh Truyền Tin:

 

Anh chị em thân mến,

 

Cha muốn công bố cho anh chị em biết rằng, nếu Chúa muốn, thì vào thứ Bảy ngày mồng 06 tháng 06 tới đây, Cha sẽ công du tới thủ đô của Bosnia và của Herzegowina Sarajevo. Cha xin anh chị em ngay từ bây giờ hãy cầu nguyện cho chuyến công du đó của Cha. Xin cầu cho chuyến viếng thăm của Cha tới dân tộc rất đáng yêu này trở thành một sự khích lệ và động viên đối với các tín hữu Công Giáo, trở thành những biến đổi tích cực và trở thành một sự củng cố đối với tình huynh đệ, đối với hòa bình, đối với công cuộc đối thoại liên tôn và đối với tình bạn.

 

Cha xin kính chào các tham dự viên của tổ chức „Scholas Occurrentes“ sẽ được tổ chức tại Vatican từ ngày mồng 02 tới ngày mồng 05 tháng 02, và sẽ diễn ra với hội nghị quốc tế lần thứ tư dưới đề tài: „Trách nhiệm của tất cả mọi người đối với sự giáo dục về một nền văn hóa gặp gỡ“. Cha xin nồng nhiệt chào mừng các gia đình, những cộng đoàn Giáo xứ, những hiệp hội và tất cả những ai đã đến đây từ nước Ý cũng như từ mọi khu vực của thế giới. Mội cách đặc biệt, Cha xin chào mừng những người hành hương đến từ Libanon và Ai-cập, kính chào các sinh viên đến từ Zafara và Badajoz (Tây-ban-nha), kính chào các tín hữu đến từ Sassari, Salermo, Verona, Modena, Scano Montiferro và từ Taranto.

 

Hôm nay, tại Ý, „Ngày cho sự sống“ với đề tài „Liên đới cho sự sống“ sẽ được khai mạc. Vì thế, Cha xin bày tỏ niềm kính trọng của Cha đối với các hiệp hội, các phong trào và tất cả những ai đang dấn thân cho việc bảo vệ sự sống con người. Cùng với các Đức Giám Mục Ý, Cha kêu gọi một „sự tái nhìn nhận nhân vị con người và một sự chăm sóc cân xứng đối với sự sống, kể từ khi sự sống được tượng thai cho tới sự kết thúc tự nhiên của nó“ (Sứ Điệp nhân Ngày Quốc Gia Lần Thứ 37 Về Sự Sống). Nếu người ta mở ra với sự sống và phục vụ sự sống, người ta sẽ cảm nhận được sức mạnh có tính cách mạng của Tình Yêu và của sự trìu mến (xc. Thông Điệp Evangelii gaudium, 288). Điều này đánh dấu sự khởi đầu của một tân chủ nghĩa nhân văn: Nhân văn về tình liên đới, nhân văn về cuộc sống.

 

Cha cũng xin kính chào Đức Hồng Y phụ tá, các giảng viên đại học đến từ Rô-ma, và kính chào tất cả những ai đang dấn thân cho sự thúc đẩy nền văn hóa sự sống.

 

Cha xin kính chúc tất cả anh chị em một ngày Chúa Nhật thật tốt đẹp. Xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho Cha đấy nhé. Xin chúc anh chị em một bữa ăn trưa đầy phúc lành. Và xin hẹn gặp lại anh chị em.

 

Vatican ngày 01 tháng 02 năm 2015

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội