Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô tại Đền Thờ Thánh Phê-rô trong Thánh Lễ nhân Ngày Quốc Tế về Đời Sống Thánh Hiến 02.02.2015

Anh chị em thấn mến,

Chúng ta hãy chiêm ngưỡng hình ảnh Mẹ Maria bằng con mắt nội tâm của chúng ta để nhìn ngắm xem Mẹ đã đi như thế nào khi Mẹ bồng ẵm Hài Nhi Giê-su trên tay. Mẹ đã mang Ngài vào trong Đền Thờ, Mẹ đã sáp nhập Ngài vào trong dân chúng, Mẹ mang Ngài đi vào trong cuộc gặp gỡ với Dân của Ngài.

Đôi tay của Mẹ có thể được gọi là „chiếc cầu thang“, mà qua đó, Con Thiên Chúa xuống với chúng ta, đó là chiếc cầu thang mà qua đó Thiên Chúa đi đến với chúng ta. Chúng ta đã nghe về điều đó trong Bài Đọc I được trích từ thư gửi tín hữu Do-thái: „Bởi thế Chúa Ki-tô đã phải nên giống anh em mình về mọi phương diện, để trở thành một vị Thượng Tế nhân từ và trung tín trong việc thờ phượng Thiên Chúa“ (Dt 2,17). Đó là con đường kép của Chúa Giê-su: Ngài đã đi xuống và đã đi đến với các bình diện và cấp độ của chúng ta, để cùng với chúng ta, đi lên với Thiên Chúa, và nâng chúng ta lên ngang với những bình diện và cấp độ của Ngài.

Chúng ta có thể chiêm ngưỡng sự chuyển động này trong con tim, khi chúng ta hình dung ra cảnh trong Tin Mừng, trong đó, Đức Maria bước vào đền Thờ cùng với Hài Nhi trên tay. Mẹ Thiên Chúa tiến về phía trước, nhưng Con trai của Mẹ lại đi trước Mẹ. Mẹ bồng ẵm Ngài, nhưng Ngài lại là Đấng đưa Mẹ vào với con đường này của Thiên Chúa, Đấng đến với chúng ta, để chúng ta có thể đến với Ngài.

Chúa Giê-su đã đi trên con đường của chúng ta, để chỉ cho chúng ta thấy con đường mới, và thực chất, đó là „con đường mới và sống động“ (Dt 10,20), mà chính Ngài là con đường ấy. Và đối với chúng ta - những người đã được Thánh Hiến - đó là con đường duy nhất mà chúng ta phải đi lên một cách cụ thể với niềm vui và với sự lâu bền, và không hề có chuyện tiến thoái lưỡng nan.

Tin Mừng đề cập một cách kiên nhẫn đến sự tuân phục của Thánh Giu-se và Đức Maria đối với „Lề Luật của Thiên Chúa“, tới năm lần (xc. Lc 2,22.23.24.27.39). Chúa Giê-su đến không phải để thực hiện những ý muốn riêng của mình, nhưng để thực thi Thánh Ý Chúa Cha, và Ngài gọi đó là „lương thực“ của Ngài (xc. Ga 4,34). Như vậy, bất cứ ai đi theo Chúa Giê-su cũng đều chọn con đường tuân phục, bằng cách họ mô phỏng theo „cuộc đi tới“ của Thiên Chúa, cúi mình xuống và lĩnh hội Thánh Ý của Thiên Chúa Cha, cho đến độ từ bỏ chính bản thân mình và tự hủy bản thân (xc. Phil 2,7-8). Đối với một nam Tu Sĩ hay một nữ Tu Sĩ, tiến lên có nghĩa là, tự hủy trong sự phục vụ, có nghĩa là cùng đi trên con đường giống như Chúa Giê-su đã đi, Đấng không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa (Phil 2,6). Tự hủy và trở thành người tôi tớ để phục vụ.

Và con đường này hình thành tương ứng với quy luật mà nó được đóng ấn bởi đoàn sủng của Đấng Sáng Lập – không hề có sự quên lãng rằng, quy luật bất khả thay thế đối với tất cả, luôn luôn là Tin Mừng. Nhưng Chúa Thánh Thần biến chuyển nó trong những hành vi sáng tạo khôn cùng của Ngài, cũng như trong những quy luật khác nhau của Đời Sống Thánh Hiến, mà tất cả chúng đều xuất phát từ việc đi theo Chúa Ki-tô, có nghĩa là từ con đường của sự tự hủy trong phục vụ này.

Thông qua những „Giới Luật“ ấy, những người được Thánh Hiến có thể đạt tới được sự khôn ngoan, mà sự khôn ngoan ấy không phải là cách cư xử có tình trừu tượng, nhưng là công trình và là quà tặng của Chúa Thánh Thần. Và một trong những chỉ dấu rõ ràng này chính là niềm vui. Vâng, niềm vui chiếu theo Tin Mừng của người Tu Sĩ chính là một kết quả của con đường tự hủy với Chúa Giê-su… Và nếu khi chúng ta buồn phiền, nếu khi chúng ta phàn nàn, thì sẽ là điều rất tốt cho chúng ta khi chúng ta tự hỏi: „Chúng ta đang sống chiều kích tự hủy này như thế nào?“

Trong trình thuật về việc tiến dâng Chúa Giê-su vào trong Đền Thờ, sự khôn ngoan được thể hiện qua hai cụ già: Simeon và Anna. Đó là hai con người lắng nghe Chúa Thánh Thần – Đấng được nhắc đến tới ba lần -, đó là hai cụ già được dẫn dắt bởi Chúa Thánh Thần và được thôi thúc bởi Ngài. Thiên Chúa đã ban tặng các Ngài sự khôn ngoan thông qua một con đường dài, mà các Ngài đã đi lên trong sự tuân phục đối với Lề Luật của Thiên Chúa – một sự tuân phục, mà một mặt nó dẫn tới sự tự hủy và từ bỏ, nhưng mặt khác, nó thắp lên và bảo vệ niềm hy vọng, và như thế, cho phép cả hai cụ có thể sáng tạo, vì các cụ tràn đầy Thánh Thần. Thậm chí còn cử hành một hình thức Phụng Vụ để mừng Hài Nhi Thiên Chúa, Hài Nhi đi vào Đền Thờ: Simeon ca tụng Thiên Chúa, và bà Anna đã „giảng“ về ơn cứu độ (xc. Lc 2,28-32.38). Như trong trường hợp của Đức Maria, cụ già Simeon cũng đã bồng ẵm Hài Nhi trên tay, nhưng trong thực tế, chính  Hài Nhi đó là Đấng gây xúc động cho cụ già và dẫn đưa cụ. Phụng Vụ Kinh Chiều I của Đại Lễ này mang đến một sự diễn tả hết sức rõ ràng và đẹp đẽ: „Senex puerum portabat, puer autem senem regebat“ (Cụ già bồng ẵm Hài Nhi, nhưng Hài Nhi làm cho Cụ trở nên mạnh mẽ). Kể cả Đức Maria, người mẹ trẻ, lẫn cụ Simeon, một vị bô lão, đều ẵm Hài Nhi trên tay, nhưng cả hai đều được dẫn dắt bởi cùng một Hài Nhi ấy.

Thật là thú vị khi nhận ra rằng, trong câu chuyện này, những sáng tạo không đến từnhững người trẻ, nhưng từ những cụ già: Những người trẻ như Đức Maria và Thánh Giu-se thì tuân theo Lề Luật của Thiên Chúa trên con đường tuân phục; những cụ già như cụ Simeon và cụ Anna thì lại nhìn thấy trong Hài Nhi sự thành toàn của Lề Luật, và sự ứng nghiệm những lời hứa của Thiên Chúa. Và các cụ có khả năng vui mừng về việc đó: các cụ sáng tạo trong niềm vui, trong sự khôn ngoan.

Nhưng Thiên Chúa biến đức tuân phục thành sự khôn ngoan thông qua tác động của Chúa Thánh Thần.

Đôi khi Thiên Chúa cũng ban ơn khôn ngoan cho cả những người trẻ và những người thiếu kinh nghiệm; người ấy chỉ phải sẵn sàng đi theo con đường tuân phục và thông tuệ đối với Chúa Thánh Thần. Đức tuân phục và ơn thông tuệ ấy không phải là một cái gì đó lý thuyết, nhưng chúng nằm bên dưới lo-gich nơi sự hiện thân của Lời Chúa: ơn thông tuệ và đức tuân phục đối với vị sáng lập, ơn thông tuệ và tuân phục đối với một quy luật cụ thể, thông tuệ và tuân phục đối với một bề trên, thông tuệ và tuân phục đối với Giáo hội. Nó là ơn thông tuệ và đức tuân phục cụ thể.

Nhờ vào con đường được đi theo một cách bền bỉ trong đức tuân phục, sự khôn ngoan cá nhân và cộng đoàn đạt tới sự chín muồi, và do đó cũng sẽ đạt tới khả năng đặt các quy luật trong mối liên hệ với bất cứ thời đại nào: thực ra, „tính thời sự hóa“ chính là một công việc của đức khôn ngoan, mà sự khôn ngoan này lớn lên trong sự thông tuệ và đức tuân phục.

Sự củng cố và canh tân Đời Sống Thánh Hiến diễn ra thông qua một Tình Yêu lớn đối với Lề Luật, cũng như thông qua khả năng nhìn ngắm những cụ già trong Hội Dòng và lắng nghe họ. Như thế, di sản được ủy thác cho bất cứ một gia đình Dòng Tu nào, tức ơn đoàn sủng đặc biệt của họ, đồng thời cũng được bảo v thông qua đức tuân phục và sự khôn ngoan. Và nhờ vào con đường ấy, chúng ta sẽ được bảo vệ trước việc sống đời Thánh Hiến của chúng ta như là ánh sáng tự sát, khi nó là một sự ngộ đạo. Điều đó sẽ làm cho Đời Sống Thánh Hiến trở thành một „bức biếm họa“, trở thành một bức biếm họa mà trong đó, một cuộc đi theo không hề có sự từ bỏ, một cuộc cầu nguyện không hề có sự gặp gỡ, một đời sống huynh đệ không hề có sự hiệp thông, một sự tuân phục không hề tín thác, và một Tình Yêu đối với tha nhân không có tính siêu việt.

Như Đức Maria và cụ Simeon, ngày hôm nay chúng ta cũng hãy ẵm Chúa Giê-su trên đôi tay, để Ngài gặp gỡ dân Ngài. Và chắc chắn chúng ta sẽ chỉ đạt tới được điều đó khi chúng ta để cho mình được xâm chiếm bởi mầu nhiệm Chúa Ki-tô. Chúng ta hãy dẫn dân đến với Chúa Giê-su, bằng cách là chúng ta hãy để cho chính mình được dẫn dắt bởi Ngài. Đó là điều mà chúng ta phải trở thành: Người dẫn dắt đã được dẫn dắt.

Nhờ lời bầu cử của Đức Maria, Mẹ của chúng ta, của Thánh Giu-se và của hai cụ già thánh thiện Simeon và Anna, xin Chúa bảo vệ chúng con, hầu cho điều mà chúng con đã cầu nguyện trong Lời Tổng Nguyện hôm nay được trở nên hiện thực: trong việc canh tân tinh thần từ tận căn, chúng con sẽ bước tới trước tôn nhan Chúa. Amen.

ĐTC Phan-xi-cô

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ