Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi Tiếp Kiến Chung ngày 04.03.2015: GIA ĐÌNH – Mục 6: Bậc Ông Bà (*)

Anh chị em thân mến, xin kính chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Hôm nay và ngày thứ Tư tuần tới, bài Giáo Lý sẽ đứng trong chỉ dấu của những vị cao niên: của các bậc ông bà trong gia đình. Bài Giáo lý hôm nay sẽ bận tâm tới tình trạng không ổn trong hiện tại của những người lớn tuổi. Tuần sau chúng ta sẽ quan sát tới đề tài tích cực về chặng đường đời này, cũng như về ơn gọi riêng của họ.

Những tiến bộ về y khoa đã dẫn tới việc kéo dài thêm tuổi thọ. Tuy nhiên, cộng đồng xã hội lại không „mở rộng ra“ với sự sống! Con số những người lớn tuổi đã tăng nhanh gấp bội, nhưng các cộng đồng xã hội của chúng ta đã không nỗ lực một cách đầy đủ nhằm đưa tới việc có đủ chỗ cho họ, nhằm làm cho họ được tiếp cận với một sự kính trọng thích đáng, cũng như làm cho những căn bệnh và phẩm giá của họ được quan tâm một cách cụ thể. Cho tới bao lâu chúng ta vẫn còn trẻ, chúng ta vần còn có thể không thèm đếm xỉa gì tới những cụ già, ngay cả khi họ đang mắc phải một cơn bệnh thì chúng ta cũng muốn họ tránh xa khỏi chúng ta. Trong lúc tuổi già và đặc biệt là trong trường hợp nghèo túng, nếu chúng ta là bệnh nhân đơn độc, thì lúc ấy chúng ta mới có kinh nghiệm về những sự khuyết thiếu của một xã hội đang nhắm tới tính hiệu quả, và vì thế, lúc ấy chúng ta mới mục kích chứng kiến một xã hội nhắm mắt làm ngơ trước các cụ già. Nhưng các cụ già lại chính là một sự giầu sang và phong phú mà người ta không được phép bỏ mặc.

Trong chuyến viếng thăm tới một khu nhà hưu dưỡng, Đức Thánh Cha Bê-nê-đíc-tô XVI đã sử dụng tới những lời có tính ngôn sứ và thật rõ ràng như sau: „Phẩm chất của mội xã hội - ở đây tôi muốn nói tới một xã hội dân sự - cũng được đánh giá theo cách mà những cụ già được đối xử ra sao, và đâu là chỗ được dành riêng cho họ trong cuộc sống cộng đồng. Ai trao không gian cho những cụ già, người ấy trao không gian cho sự sống! Ai đón nhận các cụ già, người ấy đón nhận sự sống!“ (12.11.2012). Trong thực tế, sự kính trọng đối với những người già sẽ làm thay đổi một nền văn minh. Có phải sự ân cần chu đáo đang được dành cho những cụ già trong một nền văn minh không? Phải chăng nền văn minh ấy đang trao không gian cho các cụ già? Nền văn minh ấy sẽ tiếp tục tồn tại nếu như nó hiểu điều đó để gặp gỡ với sự khôn ngoan và sự hiểu biết của các cụ già trong niềm kính trọng. Một nền văn minh mà trong đó những cụ già không nhận được không gian, hay họ bị loại trừ, vì họ tạo ra các vấn đề, thì đó là một nền văn minh đang mang virus của sự chết chóc trong mình.

Tại Tây phương, thế kỷ hiện tại đang được các học giả mô tả như là thế kỷ của những người cao tuổi: Con số trẻ em hạ xuống, con số các cụ già tăng lên. Sự mất cân bằng này liên quan tới tất cả chúng ta, và là một thách đố to lớn đối với xã hội hiện tại. Tuy nhiên, nền văn hóa lợi nhuận lại bao hàm trong việc coi người già như một gánh nặng, và hơn nữa, như „là gánh nặng vô bổ“. Từ quan điểm của nền văn hóa đó, những người già không chỉ bị coi là phi lợi nhuận mà còn bị coi là một sự gây hại: Lối suy nghĩ như thế sẽ đưa đến hậu quả như thế nào? Nó dẫn tới việc những cụ già bị loại trừ. Thật là tồi tệ khi chứng kiến cảnh người ta loại trừ những cụ già. Đó là một điều kinh khủng, một thứ tội! Người ta không dám nói về điều đó một cách công khai, nhưng người ta lại đang làm điều đó! Một hình thức hèn nhát đang nằm một cách kín đáo trong việc tập làm quen với nền văn hóa loại bỏ này. Nhưng chúng ta lại cũng đã quen với việc loại trừ con người rồi. Chúng ta muốn loại trừ sự sợ hãi đã lớn lên bên trong chúng ta trước những yếu đuối và tính dễ bị tổn thương; nhưng bằng cách ấy, chúng ta lại đang làm tăng thêm nỗi sợ hãi của những cụ già trước việc bị bỏ rơi và không được cấp dưỡng.

Với chức vụ của Cha tại Buenos Aires, chính Cha đã trải qua thực tế ấy với những vấn đề của nó: „Những cụ già bị bỏ rơi, và điều đó không chỉ ở trong trường hợp mất đi sự đảm bảo về mặt vật chất. Nó diễn ra từ sự bất khả mang tính ích kỷ trước việc chấp nhận những giới hạn của họ, mà những giới hạn ấy lại là một tấm gương cho những giới hạn của chúng ta; của rất nhiều những khó khăn mà họ gặp phải trong thời đại hôm nay đối với sự tồn tại trong một nền văn minh, mà nó không tạo điều kiện cho họ được tham dự vào, cũng như không thể tham gia vào đó bởi phong cách tiêu thụ theo phương châm: ´Chỉ những người trẻ mới có ích và được phép tận hưởng`, không thể là người đối tác. Trái với những điều đó, các cụ già ấy nên trở thành kho tàng khôn ngoan của dân tộc chúng ta đối với toàn thể xã hội. Các cụ già chính là kho tàng khôn ngoan của dân tộc chúng ta! Việc làm cho lương tâm thiếp ngủ đi sẽ thật dễ dàng biết bao nếu như Đức Ái không hoạt động!“ (Solo l’amore può salvare, Città del Vaticano 2013, trang 83). Nó sẽ xảy ra như thế. Trong các cuộc viếng thăm của Cha tới các khu dưỡng lão, Cha đã nói chuyện với bất cứ ai, và Cha thường nghe thấy câu này: „Cụ khỏe chứ? Con cái của cụ thế nào? – Tốt, rất tốt. Cụ có bao nhiêu người con? – có nhiều. Và chúng có đến thăm cụ không? – Có, có, luôn luôn, có, chúng vẫn đến. – Lần cuối cùng chúng đến đây vào lúc nào?“. Cha vẫn còn nhớ tới một cụ bà, cụ ấy nói với Cha rằng: „Vào Lễ Giáng Sinh“. Hồi đó là tháng 08! Suốt 8 tháng trời, bà ấy không được con cái đến thăm, bà ấy bị con cái bỏ rơi trong suốt 8 tháng trời! Đó là một thứ tội đưa đến sự chết, anh chị em có hiểu không? Trong thời niên thiếu của Cha, bà nội của Cha đã từng kể cho chúng tôi nghe một lần về câu chuyện của một người ông mà trong lúc ăn, người ông này đã đánh đổ một chén canh, vì ông ấy không thể đưa chiếc muỗm vào miệng một cách chính xác được nữa. Thế là người con trai của ông, tức người cha trong gia đình, đã quyết định tách người ông này ra khỏi bàn ăn chung, và để cho ông ngồi ăn một mình trên một chiếc bàn nhỏ ở dưới bếp, tức nơi mà những người khác không nhìn thấy ông ấy. Cứ như thế, và người cha trong gia đình không còn rơi vào tình huống khó chịu mỗi khi có khách khứa hay bạn bè đến thăm vào lúc trưa hay lúc chiều nữa. Một ít ngày sau, khi người cha có việc phải đi xa và trở về nhà, ông nhìn thấy đứa con út của ông đã làm xong một cái vật dụng từ gỗ với búa và đinh. Vì thế ông ta hỏi đứa bé: „Mày làm cái gì đó?“. Đứa bé trả lời: „Cái bàn bố ạ!“. „Nhưng để làm gì?“ „À, nó sẽ được dành cho bố, để bố có thể ngồi ăn ở đó khi bố già“. Trẻ em có một lương tâm được biểu lộ một cách mạnh mẽ hơn chúng ta!

(*)Trong truyền thống Giáo hội hiện đang có sẵn một „cơ sở tri thức“, cơ sở này đã tiếp nhận một cách thẳng thắn và thường xuyên một nền văn hóa gần gũi với những người lớn tuổi, một thái độ sẵn sàng trong việc đồng hành đầy yêu thương và liên đới trong những giai đoạn cuối cùng của cuộc sống này. Truyền thống ấy đã bén rễ sâu trong Kinh Thánh, chẳng hạn như những lời sau đây được đưa ra bởi sách Huấn Ca: „Ðừng bỏ qua chuyện các vị cao niên kể lại, vì chính các ngài đã học hỏi nơi tổ tiên mình; nhờ học với các ngài mà con có được sự hiểu biết, và khi cần, con biết đưa ra câu trả lời thích hợp“ (Hc 8,9).

Giáo hội hoàn toàn không thể và không muốn thích ứng với một thái độ bất bao dung, và thậm chí còn tồi tệ hơn nữa, đó là sự thờ ơ và sự khinh miệt người già. Chúng ta phải khêu lên sự ý thức chung về niềm biết ơn, về niềm kính trọng và sự hiếu nghĩa đối với sự sống mới, mà ý thức ấy làm cho những cụ già trở nên những thành phần sống động của xã hội và cộng đồng.

Những cụ già chính là những người nam và những người nữ, những người cha và những người mẹ mà từ lâu rồi, họ đã bước đi trên con đường mà nó cũng được bước lên bởi chúng ta, họ đang sống trong căn nhà của chúng ta, và đang đấu tranh cho một cuộc sống xứng với nhân phẩm trong cuộc chiến hằng ngày của chúng ta. Một cụ già không phải là người sống ngoài hành tinh. Những cụ già cũng sẽ chính là chúng ta; và không sớm thì muộn, thế nào chúng ta cũng sẽ được kể vào trong số những cụ già, ngay cả khi chúng ta không muốn nghĩ tới chuyện đó. Nếu chúng ta học để đối xử tốt với các cụ già thì chúng ta cũng sẽ nhận được một sự đối xử giống như vậy.  

Những cụ già trong chúng ta, tất cả đều có ít nhất một chút yếu đuối. Nhưng một số cụ còn có một sự yếu đuối đặc biệt; rất nhiều người bị ghi dấu bởi sự cô đơn và bởi bệnh tật. Nhiều người phải lệ thuộc vào những liệu pháp thiết yếu cũng như phải lệ thuộc vào sự chăm sóc của người khác. Vậy phải chăng chúng ta sẽ đi một bước thụt lùi? Phải chăng chúng ta phó mặc họ cho số phận của họ? Một xã hội không có sự gần gũi, trong đó sự miễn phí – cũng được áp dụng ngay cả giữa những người lạ - và sự cảm thông bị khuất dạng mà không hề có sự đền đáp, thì đó là một xã hội biến thái. Trung tín với Lời Chúa, Giáo hội không thể dung thứ cho sự vong thân đó. Một cộng đoàn Ki-tô giáo mà trong đó, sự gần gũi và sự miễn phí không được nhìn xem như là một yếu tố thiết yếu, thì linh hồn của cộng đoàn ấy sẽ bị đánh mất. Nơi đâu những cụ già không được đối xử với sự cung kính, thì ở đó sẽ không có tương lai cho những người trẻ.

Vatican ngày 04 tháng 03 năm 2015

ĐTC Phan-xi-cô

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội