Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi Tiếp Kiến Chung sáng thứ Tư 11.03.2015: GIA ĐÌNH – Mục 7 (*). Ông Bà (II)

Anh chị em thân mến!

Bài Giáo Lý hôm nay hình thành nên phần thứ hai trong những suy tư của chúng ta về các bậc Ông Bà dưới sự lưu tâm đến các giá trị cũng như tầm quan trọng nơi vai trò của họ trong gia đình. Ở đây, Cha nói từ quan điểm của những con người ấy, vì Cha cũng được kể vào trong nhóm những người lớn tuổi này. Trong chuyến viếng thăm của Cha tới Philippine, dân chúng tại đó đã chào Cha bằng những từ: „Lolo Kilo“, nó có nghĩa là ông nội Phan-xi-cô. „Lolo Kilo“, họ gọi Cha như thế! Trước hết, cần phải nhấn mạnh tới những điều sau đây: Quả thực rằng, xã hội có xu hướng loại trừ, chứ không phải là Thiên Chúa. Thiên Chúa không bao giờ loại trừ. Ngài kêu gọi chúng ta bước đi theo Ngài trong bất cứ lứa tuổi nào, và ân sủng cũng như sứ mạng chính là đặc tính cố hữu nơi những người cao niên, một ơn gọi thực sự mà Thiên Chúa dành cho họ. Tuổi già là một ơn gọi. Nó chưa phải là thời gian „buông mái chèo“. Nó không phát sinh từ mối nghi nan rằng, giai đoạn cuộc sống này bị phân biệt bởi những người đã đi trước. Đến một mức độ nào đó, chúng ta cũng sẽ phải tự hình dung ra giai đoạn cuộc sống ấy, vì trong mối liên hệ đến đời sống tâm linh và luân lý, các xã hội của chúng ta không sẵn sàng trong việc nhìn nhận giá trị trọn vẹn của nó trong giai đoạn cuộc sống ấy. Vì vậy, trước đây đã không đáp ứng được tiêu chuẩn trong việc dành ra thời gian; và ngày hôm nay, tình trạng này còn xảy ra nhiều hơn nữa. Ngay cả đối với nền linh đạo Ki-tô giáo, điều đó cũng là một sự kiện không được dự kiến trước, và sự thách đố phát sinh từ việc thảo ra những nét chính cho một linh đạo dành cho những người cao niên. Nhưng tạ ơn Chúa vì đã không thiếu những chứng tá của những vị Thánh Nam và Thánh Nữ cao niên.

Ngày Quốc Tế dành cho những Người Cao Niên“ mà chúng ta đã khai mạc vào năm ngoái ngay tại quảng trường Thánh Phê-rô ở đây, với sự tham dự của rất nhiều người, đã gây ấn tượng rất mạnh cho Cha. Cha đã lắng nghe những câu chuyện của những vị cao niên đã trao hiến bản thân của họ cho những người khác, và ngay cả từ phía những cặp vợ chồng đã kết hôn, họ cũng nói rằng: „Chúng con mừng kỷ niệm nhân dịp 50 năm ngày cưới của chúng con, 60 năm ngày cưới của chúng con“. Việc đưa những điều vừa nêu tới tận mắt những người trẻ đang mệt mỏi một cách mau chóng, là điều rất quan trọng; chứng tá về sự thủy chung được trao đi từ những vị cao niên là điều rất quan trọng. Vô vàn những chứng tá như thế đã xuất hiện tại đây, tại quảng trường này. Quan điểm ấy đang tiếp tục kéo dài cả trong lãnh vực Giáo hội lẫn trong lãnh vực dân sự. Trong mối liên hệ này, Tin Mừng đã chỉ ra cho chúng ta một hình ảnh rất xúc động và đồng thời cũng mang đầy tính khích lệ, đó là hình ảnh của Cụ Si-mon và Cụ An-na, tức hại cụ già đã gặp gỡ chúng ta trong Tin Mừng theo thánh Lu-ca khi Tin Mừng này thuật lại thời niên thiếu của Chúa Giê-su. Các Cụ đã khá luống tuổi. Cụ „già“ Si-mê-on và „Nữ Ngôn Sứ“ An-na 84 tuổi, người đã không cố giấu kín sự luống tuổi của mình. Theo Tin Mừng, từ nhiều năm rồi, ngày lại ngày, với một niềm trung tín lớn lao, các Cụ đã chờ đợi cuộc giáng thế của Thiên Chúa. Các Cụ muốn nhất thiết được trải qua ngày đó, các Cụ đã nhận ra dấu chỉ và sự khởi đầu. Có lẽ, trong một mức độ nào đó, các Cụ đã cam chịu với việc từ giã cõi đời trước khi ngày đó đến. Nhưng toàn bộ cuộc sống của hai Cụ đã bị xâm chiếm bởi sự chờ đợi lâu dài này; hai Cụ đã không có sứ mạng nào quan trọng hơn cho bằng việc cầu nguyện và mong chờ Thiên Chúa. Khi Đức Maria và Thánh Giu-se tới được đền thờ để hành động theo những quy định của lề luật, được Thần Khí thúc đẩy, hai Cụ Si-mê-on và An-na liền vội vàng chạy đến (xc. Lc 2,27). Ngay trong chốc lát, gánh nặng tuổi già và sự chờ đợi đã biến mất. Các Cụ đã nhận ra Hài Nhi và đã khám phá ra một sức mạnh mới cho một sứ vụ mới: Tạ ơn và làm chứng cho dấu chỉ ấy của Thiên Chúa. Cụ Si-mê-on đã cất lên một bài Thánh Ca hân hoan tuyệt vời (xc. Lc 2,29-32) – trong giấy phút ấy, Cụ hành động với tư cách là một thi sĩ – và Cụ An-na đã trở thành một nữ thuyết giảng đầu tiên về Chúa Giê-su, „Cụ ngợi khen Thiên Chúa và nói về Hài Nhi với tất cả những ai đang mong chờ ơn cứu độ cho Giê-ru-sa-lem“ (Lc 2,38).

(*) Các bậc Ông Bà thân mến, các vị cao niên thân mến, chúng ta đang đi theo những dấu chân của hai Cụ già đặc biệt này! Một chút xíu nào đó, chúng ta cũng sẽ trở thành những thi sĩ cầu nguyện: Chúng ta hãy thích thú với việc tìm kiếm những lời lẽ riêng và hãy tái lĩnh hội những yếu tố được làm môi giới bởi Lời Chúa. Sự cầu nguyện của các bậc Ông Bà và của những vị cao niên chính là một đại ân sủng đối với Giáo hội! Lời cầu nguyện của các vị cao niên và của các bậc Ông Bà chính là một quà tặng, một sự phong phú giầu sang đối với Giáo hội. Đó là một chiều kích to lớn về sự khôn ngoan được bổ sung thêm cho toàn thể cộng đồng nhân loại; trước hết là đối với những ai đang quá bận rộn, đang quá ngạo mạn và đang quá lơ đễnh. Một người nào đó cũng phải hát lên cho họ, cũng phải hát lên cho họ về dấu chỉ của Thiên Chúa, phải công bố cho họ về dấu chỉ của Thiên Chúa, và phải cầu nguyện cho họ! Chúng ta hãy hướng cái nhìn về Đức Bê-nê-đíc-tô XVI, người đã quyết định dành giai đoạn cuối cùng của cuộc sống mình cho sự cầu nguyện và cho việc lắng nghe Thiên Chúa! Đó là một điều tuyệt vời! Ở điểm này, chúng ta hãy chiêm ngưỡng những lời sau đây của Oliver Clément, một đại tín hữu của Giáo hội Chính Thống trong thế kỷ vừa qua: „Một nền văn minh mà trong đó người ta không còn cầu nguyện nữa, thì đó là một nền văn minh mà trong đó sự cao niên không còn có ý nghĩa gì cả. Và đó là một điều kinh khủng, trước hết chúng ta cần tới những vị cao niên biết cầu nguyện, vì tuổi già được dành cho chúng ta trong công việc đó“. Chúng ta cần tới những cụ già biết cầu nguyện, vì tuổi già được ban cho chúng ta chỉ để làm điều đó. Lời cầu nguyện của những vị cao niên chính là một trong những điều đẹp đẽ lớn lao.

Chúng ta có thể tạ ơn Thiên Chúa về những điều tốt lành mà chúng ta đã được lãnh nhận, và có thể lấp đầy sự trống rỗng của thái độ vô ơn đang bủa vây chúng ta. Chúng ta có thể thêm những lời nguyện giúp cầu thay cho những mong chờ của những thế hệ mới, và làm cho họ nhớ tới cũng như hiến thân cho những giá trị trong quá khứ. Chúng ta có thể nhắc cho những người trẻ và những người đang mang trong mình rất nhiều những hoài bão nhớ rằng, nỗi sợ hãi trước tương lai sẽ có thể được vượt qua. Chúng ta có thể nói với những người trẻ đang tự yêu mình rằng, cầu nguyện mang tới nhiều hạnh phúc hơn là việc chiếm đoạt. Các cụ ông và các cụ bà hình thành nên một ca đoàn thường xuyên trong một đại Thánh Địa tinh thần, trong đó, lời nguyện giúp cầu thay và những bài Thánh Ca sẽ hỗ trợ cộng đồng đang lao công vất và và đang chiến đấu trên nền tảng cuộc sống.

Sau cùng, sự cầu nguyện sẽ thường xuyên thanh tẩy tâm hồn. Lời ngợi ca và lời kêu cầu lên Thiên Chúa sẽ bảo vệ chúng ta trước sự chai cứng lỳ lợm của con tim bởi sự ác cảm và lòng ích kỷ. Những lời chua cay của một người luống tuổi thật xấu xa biết chừng nào, người ấy đã đánh mất đi ý nghĩa đối với chứng tá của mình, người ấy coi thường giới trẻ và không tiếp tục trao đi sự khôn ngoan của cuộc sống! Trái lại, sự động viên khích lệ mà người cao niên trao cho một người trẻ đang trên đường kiếm tìm ý nghĩa của Đức Tin và của cuộc sống thì thật tuyệt vời biết chừng nào! Sứ mạng đích thực của các bậc Ông Bà và ơn gọi đích thực của các cụ cao niên hàm chứa trong đó. Những lời nói của các bậc Ông Bà có một cái gì đó hoàn toàn đặc biệt đối với những người trẻ. Và chính các cụ là những người biết rõ điều đó. Những Lời Kinh Thánh mà bà nội của Cha đã trao cho Cha nhân ngày Cha được lãnh nhận tác vụ Linh Mục vẫn được Cha thường xuyên mang theo bên mình, Cha để chúng trong cuốn Nhật Tụng, và Cha thường xuyên đọc những Lời ấy; chúng đem đến cho Cha nhiều điều tốt lành.

Cha ước ao có một Giáo hội, mà Giáo hội ấy vượt qua được nền văn hóa vứt bỏ với một niềm vui trào tràn của một vòng tay mới giữa những người trẻ và những người lớn tuổi! Và vì thế, ngày hôm nay Cha cầu xin Chúa ban cho Giáo hội có được vòng tay ấy!

Vatican ngày 11 tháng 03 năm 2015

ĐTC Phan-xi-cô

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội