Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi Phụng Vụ Thống Hối tại Đền Thờ Thánh Phê-rô chiều thứ Sáu 13.03.2015: Thiên Chúa không khước từ bất cứ một ai!

Anh chị em thân mến,

trong năm nay, chúng ta cũng đã quy tụ về đây, để tham dự giờ Kinh Đêm của Chúa Nhật thứ tư Mùa Chay cũng như để cử hành một buổi Phụng Vụ Thống Hối. Chúng ta đang hiệp thông với nhiều Ki-tô hữu khác trên khắp hành tinh mà họ đã nhận lời mời để cùng cử hành giờ Phụng Vụ này như là một dấu chỉ về sự tốt lành của Thiên Chúa. Thực ra, Bí Tích Giao Hòa cho phép chúng ta đến gần với Thiên Chúa Cha trong niềm tin vững mạnh vào ơn tha thứ của Ngài. Ngài thực sự là Đấng „giầu lòng Nhân Từ“ và mở rộng lòng Nhân Từ đó một cách dồi dào phong phú trên tất cả những ai đến cùng Ngài với con tim ngay thẳng.

Ngay cả việc hiện diện tại đây để có được kinh nghiệm về Tình Yêu ấy, trước hết cũng chính là hoa trái của ân sủng Thiên Chúa. Như Thánh Pha-lô Tông Đồ đã nhắc nhớ chúng ta, trong suốt các thế kỷ, Thiên Chúa không bao giờ ngừng chỉ cho chúng ta thấy sự tròn đầy nơi lòng Nhân Từ của Ngài. Sự biến đổi con tim mà nó đưa đến cho chúng ta việc nhận biết những tội lỗi của mình chính là một ân sủng của Thiên Chúa. Nếu chỉ một mình chúng ta thôi thì chúng ta sẽ không thể thực hiện được điều đó. Việc có thể nhận ra những lầm lỗi của mình, đó là một hồng ân của Thiên Chúa, là một ân sủng và là công việc của Ngài (xc. Eph 2,8-10). Việc được động chạm tới bởi sự dịu hiền của bàn tay Thiên Chúa, và việc được cấu tạo nên bởi ân sủng của Ngài, cho phép chúng ta đến gần với vị Linh mục giải tội mà không hề có sự sợ hãi với tội lỗi của mình, để được Ngài đón nhận vào trong sự bảo đảm nhân danh Thiên Chúa, và để được cảm thông trong nỗi khốn cùng của chúng ta.

Chúng ta cũng sẽ đến gần mà không cần tới một luật sự, hay một người bào chữa. Chúng ta chỉ có một Đấng bào chữa duy nhất, Đấng ấy đã trao hiến mạng sống của mình vì tội lỗi chúng ta, Ngài là Đấng luôn luôn bước tới trước mặt Thiên Chúa Cha để biện hộ cho chúng ta. Từ Tòa Giải Tội đi ra, chúng ta cảm nhận được sức mạnh của Ngài, mà sức mạnh ấy trao lại cho chúng ta sự sống và canh tân niềm hăng hái của Đức Tin. Sau khi lãnh nhận Bí Tích Hòa Giải, chúng ta lại được tái sinh.

Bài Tin Mừng mà chúng ta đã nghe (Lc 7,36-50), mở ra cho chúng ta một con đường hy vọng và an ủi. Biết được cái nhìn nhân từ như thế của Chúa Giê-su trên chúng ta, như Ngài cũng đã từng hướng cái nhìn ấy trên nữ tội nhân tại nhà của một người Pha-ri-siêu, quả là điều tốt đẹp. Trong bản văn ấy, hai từ Tình Yêu và sự kết án lập đi lập lại nhiều lần.

Đó là Tình Yêu của một nữ tội nhân đã quỳ gối xuống trước chân Chúa, nhưng trước khi bà làm điều đó thì cũng đã có Tình Yêu Nhân Từ của Thiên Chúa đối với bà rồi, Tình Yêu ấy đã đưa bà đến gần với Ngài. Những giọt nước mắt thống hối và niềm vui của bà đã rửa chân cho Vị Thầy, và mái tóc của bà đã lau khô đôi bàn chân ấy trong niềm biết ơn; những nụ hôn của bà trên đôi bàn chân của Chúa chính là sự diễn tả về tình cảm trong trắng của bà; và dầu thơm hảo hạng được xức dồi dào dưới chân Chúa chứng mình rằng, Ngài quý giá biết là chừng nào trong cặp mắt của bà.

Bất cứ một cử chỉ nào của người phụ nữ này cũng đều nói về Tình Yêu, và diễn tả niềm khát khao của bà trong việc có được một sự bảo đảm chắc chắn trong cuộc sống của bà rằng: bà được tha thứ. Sự bảo đảm ấy thật tuyệt vời. Và Chúa Giê-su đã trao cho bà sự bảo đảm đó: Đón nhận bà, Ngài chỉ ra cho bà thấy về Tình Yêu của Thiên Chúa đối với bà, chỉ riêng đối với một mình bà, đối với một nữ tội nhân nổi tiếng. Tình Yêu và ơn tha thứ diễn ra đồng thời với nhau: Thiên Chúa tha thứ cho bà nhiều, tha thứ tất cả, vì „bà đã chứng tỏ một Tình Yêu to lớn“; và bà đã tôn thờ Chúa Giê-su, vì bà cảm thấy rằng, lòng Nhân Từ đang chất chứa trong Ngài chứ không phải là sự kết án. Bà cảm thấy rằng, Chúa Giê-su đã hiểu bà với Tình Yêu dù bà là một nữ tội nhân. Nhờ vào Chúa Giê-su, Thiên Chúa đã đón nhận rất nhiều những tội lỗi của bà vào trong chính bản thân Ngài, những tội lỗi đó đã bị quên lãng. Quả thực là, khi Thiên Chúa tha thứ thì sau đó Ngài cũng sẽ quên, Ngài sẽ quên, sự tha thứ của Thiên Chúa thật quá đỗi mênh mông. Đối với bà, một thời gian mới đã bắt đầu từ nay; bà đã bước vào trong Tình Yêu và bước vào trong một cuộc sống mới.

Người phụ nữ ấy đã thực sự gặp gỡ Chúa Giê-su. Trong âm thầm, bà đã mở cõi lòng mình ra; trong đau khổ, bà đã chỉ ra cho Chúa Giê-su thấy về lòng thống hối của bà đối với tội lỗi của mình; trong những giọt nước mắt của mình, bà đã kêu gọi sự tốt lành của Thiên Chúa, hầu giành cho được ơn tha thứ. Đối với bà, không có sự kết án nào ngoài cái mà nó đến từ Thiên Chúa, và điều này chính là sự kết án của lòng Nhân Từ. Nữ nhân vật chính trong cuộc gặp gỡ này thực sự là Tình Yều mà nó vượt lên trên và vượt ra ngoài đức công bằng.

Trái lại, ông Si-mon, tức người Pha-ri-siêu chủ nhà, đã không đạt tới được việc đi đến với con đường Tình Yêu ấy. Tất cả đều được trù liệu, tất cả đều được suy tính. Ông vẫn ở lại trước ngưỡng của của lòng đạo đức. Đó là một điều tồi tệ, một Tình Yêu hời hợi, chỉ có vẻ bên ngoài mà người ta không thể nào hiểu được. Ông không có khả năng trong việc thực hiện những bước tiếp theo, cũng không có khả năng trong việc đạt tới được một cuộc gặp gỡ đích thực với Chúa Giê-su, Đấng mang ơn cứu độ đến cho ông. Si-mon bị hạn chế trong việc mời Chúa Giê-su đến dùng bữa, nhưng ông đã không đón tiếp Ngài một cách thực sự.

Trong suy nghĩ của ông chỉ có đức công bằng, và đó là điều làm cho ông mắc phải một sai lầm. Sự kết án của ông về người phụ nữ đã đẩy xa ông khỏi chân lý, và không cho phép ông nhận ra người khách của ông là ai. Ông ngồi lỳ mãi ở lớp bề mặt, ở lỳ mãi trong thủ tục hình thức, ông không có khả năng nhìn thấu con tim. Trước câu hỏi mà sau khi kể một dụ ngôn, Chúa Giê-su đã đưa ra cho ông, người đầy tớ nào đã yêu mến nhiều hơn, người Pha-ri-siêu đã trả lời một cách chính xác: „Đó là người mà ông chủ đã tha thứ nhiều hơn“. Và Chúa Giê-su đã xác nhận cho ông ta rằng: „Ông có lý“. Chỉ khi sự kết án của Si-mon xoay quanh Tình Yêu, lúc đó ông mới có lý.

Sự nhắc nhở của Chúa Giê-su thúc giục mỗi người trong chúng ta đừng bao giờ đứng lỳ mãi nơi ngưỡng cửa bên ngoài của các sự vật, trước tiên là khi chúng ta đứng đối diện với một ai đó. Chúng ta được kêu gọi nhìn vượt lên trên những hình thức bên ngoài để thấy được cõi lòng, để thấy được biết bao nhiêu là sự hào hiệp mà mỗi người đều có khả năng. Không ai bị khai trừ bởi lòng Nhân Từ của Thiên Chúa, không ai bị loại bỏ bởi lòng Nhân Từ của Thiên Chúa! Tất cả đều biết con đường để bước lên, và Giáo hội chính là ngôi nhà đón nhận tất cả mọi người, không loại trừ bất cứ một ai. Những cánh cửa của Giáo hội vẫn luôn mở rộng, đến độ tất cả những ai đang được gây xúc động bởi ân sủng, cũng đều có thể tìm thấy sự bảo đảm được tha thứ. Tội lỗi có thể là rất lớn và rất nhiều, nhưng Tình Yêu của Thiên Chúa dành cho những ai hối cải quay về còn lớn hơn gấp bội. Chúa Giê-su đang ngắm nhìn chúng ta với nhiều Tình Yêu. Ngài đang chữa lành con tim tội lỗi của chúng ta với biết bao nhiêu là Tình Yêu! Ngài không bao giờ ngoảnh mặt đi khỏi tội lỗi chúng ta. Chúng ta hãy nghĩ tới người con hoang đàng, anh ta đã muốn quay trở về với Cha, và đã muốn nói một điều chi đó, nhưng người Cha đã không để anh nói nhiều, đã ôm chầm lấy anh ta. Chúa Giê-su cũng làm như thế đối với chúng ta. „Con có biết bao nhiêu là tội lỗi, thưa Cha!“ Nhưng Chúa Giê-su vẫn vui khi bạn đi đến với Ngài, và rồi Ngài sẽ ôm chầm lấy bạn với biết bao là Tình Yêu! Bạn đừng hãi sợ!

Anh chị em thân mến, Cha vẫn thường suy nghĩ về điều rằng, Giáo hội vẫn còn có thể hoàn thành sứ mạng của mình như thế nào hầu trở nên một nữ chứng nhân cho Tình Yêu tha nhân. Đó là một con đường mà nó bắt đầu với một cuộc trở lại thiêng liêng. Và chúng ta phải đi trên con đường đó. Vì thế, Cha đã quyết định công bố một Năm Thánh đặc biệt, mà Năm Thánh này sẽ được dành cho lòng Nhân Từ của Thiên Chúa. Năm Thánh đó sẽ là „Năm Thánh về Lòng Nhân Từ“. Chúng ta muốn sống trong ánh sáng của Lời Chúa Giê-su: „Anh em hãy có lòng Nhân từ như Cha anh em là Đấng Nhân Từ“ (Lc 6,36). Điều này có nghĩa là rất Nhân Từ, trước tiên là đối với các Cha Giải Tội!

Năm Thánh này sẽ khai mạc vào ngày Đại Lễ Kính Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội sắp tới (tức ngày mồng 08 tháng 12), và sẽ bế mạc vào ngày 20 tháng 11 năm 2016, tức ngày Đại Lễ Kính Chúa Ki-tô Vua Vũ Trụ, và là dung nhan sống động về lòng Nhân Từ của Thiên Chúa Cha. Cha xin ủy thác việc tổ chức Năm Thánh này cho Hội Đồng Giáo Hoàng về việc Tái Loan Báo Tin Mừng, qua đó, nó sẽ là một gia đoạn mới trên con đường của Giáo hội trong sứ vụ truyền giáo của mình hầu mang Tin Mừng Nhân Từ đến cho bất cứ con người nào.

Cha tin tưởng rằng, toàn thể Giáo hội – mà Giáo hội thì đang rất cần có lòng Nhân Từ, vì tất cả chúng ta đều là những tội nhân – sẽ tìm thấy được niềm vui trong Năm Thánh này hầu tái khám phá ra lòng Nhân Từ của Thiên Chúa cũng như để cho mình trở nên phong nhiêu; tất cả chúng ta đều được kêu gọi, cùng với lòng Nhân Từ, để trao đi niềm an ủi cho bất cứ người nam cũng như người nữ nào trong thời đại chúng ta. Chúng ta đừng quên rằng, Thiên Chúa tha thứ tất cả. Và Thiên Chúa tha thứ luôn luôn. Chúng ta cũng đừng bao giờ trở nên mệt mỏi trong việc cầu xin ơn tha thứ. Chúng ta hãy trao phó điều ấy cho Mẹ Nhân Từ, xin mẹ hướng cái nhìn của Mẹ trên chúng ta, và xin Mẹ bảo vệ con đường của chúng ta: Con đường thống hối, con đường mở cõi lòng mình ra của chúng ta, hầu đón nhận hồng ân Toàn Xá và lòng Nhân Từ của Thiên Chúa trong suốt một năm.

Đền thờ Thánh Phê-rô ngày 13 tháng 03 năm 2015

ĐTC Phan-xi-cô

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội