Bài Giảng của ĐTC Phan-xi-cô trong Thánh Lễ của Chúa Nhật Lễ Lá 29.03.2015

 

Anh chị em thân mến,

 

Dù Thánh Lễ hôm nay được cử hành rất long trọng, nhưng những lời sau đây mà chúng ta đã nghe từ trong Thánh Thy được trích từ thư của Thánh Phao-lô gửi tín hữu Philipphê, vẫn đứng ở vị trí trung tâm của buổi Phụng Phụ: Người đã hạ mình xuống – sự hạ mình của Chúa Giê-su. Những lời này mạc khải cho chúng ta thấy về phong cách của Thiên Chúa, và cũng là phong cách được dành cho các Ki-tô hữu: Khiêm nhượng. Đó là một phong cách mà nó không bao giờ ngừng gây sửng sốt cho chúng ta và mang chúng ta vào trong một cuộc khủng hoảng: chúng ta không bao giờ làm quen được với một Thiên Chúa khiêm nhượng!

 

Hạ mình xuống đó là phong cách trước hết của Thiên Chúa: Thiên Chúa hạ mình xuống để đi đến với dân Ngài, để chịu đựng sự bất trung của dân. Người ta có thể thấy rõ điều đó trong sách Xuất Hành: Thiên Chúa hạ mình xuống tới mức nào khi Ngài lắng nghe tất cả những điều ong tiếng ve, tất cả những lời than phiền oán trách của dân! Họ chống lại Mô-sê, nhưng trong thâm sâu là chống lại chính Thiên Chúa, Cha của họ, Đấng đã giải thoát họ thoát khỏi kiếp nô lệ, và dẫn họ đi trên con đường băng qua sa mạc để đi vào miền đất tự do.

 

Trong tuần này, tức Tuần Thánh, tuần dẫn chúng ta tới Đại Lễ Phục Sinh, chúng ta hãy đi trên con đường khiêm nhượng ấy của Chúa Giê-su. Và chỉ có như thế, tuần này mới trở thành một „Tuần Thánh“ đối với chúng ta.

 

Chúng ta sẽ nghe thấy sự khinh bỉ của các trưởng lão trong dân, cũng như thủ đoạn gian dối của họ nhằm quật ngã Chúa Giê-su. Chúng ta cũng sẽ hiện diện trong cuộc phản bội của Giu-đa, một trong mười hai môn đệ, kẻ đã bán Chúa với 30 đồng bạc. Chúng ta sẽ nhìn thấy Chúa bị bắt giữ và bị áp giải đi như thế nào, chẳng khác chi một tên tội phạm; Ngài sẽ bị các môn đệ bỏ mặc, sẽ bị điệu tới trước công nghị, sẽ bị kết án tử, bị đánh đập và bị lăng nhục phỉ báng.

 

Chúng ta cũng sẽ được nghe về câu chuyện của Phê-rô, „Đá Tảng“ của các Tông Đồ, nhưng đã phỉ báng Chúa tới ba lần.

 

Chúng ta sẽ nghe thấy những tiếng hò hét của dân chúng, tức những người đã bị kích động bởi những kẻ cầm quyền, đã đòi thả Barbara và đòi kết án tử hình Chúa Giê-su trên Thập Giá. Chúng ta sẽ nghe thấy sự chế nhạo của những tên lính, và sẽ nhìn thấy Chúa bị phủ lên người một chiếc áo choàng màu đỏ tía, bị đặt mão gai lên đầu.

 

Và rồi, dọc theo con đường khổ nạn và dưới chân Thập Giá, chúng ta sẽ nghe thấy những lời nhục mạ của dân chúng cũng như những kẻ lãnh đạo họ: họ chế nhạo vương triều và tư cách làm Con Thiên Chúa của Ngài.

 

Đó là con đường của Thiên Chúa, con đường khiêm nhượng. Đó là con đường của Chúa Giê-su, không có con đường nào khác. Sẽ không có sự khiêm nhượng nếu như không có việc bị lăng nhục.

 

Đi đến cuối con đường này, Con Thiên Chúa sẽ trở nên „giống như một tên nô lệ“ (Phil 2,7). Và thực ra, sự khiêm nhượng có nghĩa là phục vụ, nó có nghĩa là trao cho Thiên Chúa không gian, và tự hủy chính bản thân mình để hóa ra không, giống như Kinh Thánh nói. Đó là một sự sỉ nhục lớn nhất.

 

Có một con đường đang ngáng trở chính Chúa Ki-tô: Tình thần thế tục. Tinh thần thế tục giới thiệu một con đường kênh kiệu, con đường đố kỵ, con đường thành công… Đó là một con đường khác. Thần dữ cũng đã đề nghị với Chúa Giê-su con đường ấy trong lúc Ngài ăn chay 40 ngày trong sa mạc. Nhưng Chúa Giê-su đã thẳng thừng từ chối lời đề nghị đó mà không hề do dự hay ngập ngừng. Cùng với Ngài, với sự tốt lành và ơn trợ giúp của Ngài, chúng ta cũng sẽ có thể chiến thắng tinh thần thế tục, không phải chỉ trong những biến cố quan trọng, nhưng cũng còn cả trong cuộc sống hằng ngày nữa.

 

Chúng ta đang được hỗ trợ và đồng hành trên con đường này nhờ vào những gương lành của rất nhiều người nam và người nữ mà họ đang tận hiến chính bản thân mình cũng như đang phục vụ người khác, trong âm thầm và trong sự kín đáo hằng ngày: một người cha hoặc người mẹ đơn thân đang đau ốm, một cụ già neo đơn, một người tàn tật, một người không nơi nương tựa… Chúng ta hãy nghĩ tới việc bị sỉ nhục mà biết bao nhiêu người đang phải gánh chịu chỉ vì thái độ trung tín của họ đối với Tin Mừng, họ đang bị phân biệt đối xử, và đang phải trả giá cho thái độ ấy bằng chính mạng sống của mình. Chúng ta cũng hãy nghĩ tới rất nhiều những anh chị em của chúng ta đang bị bách hại chỉ vì họ là những Ki-tô hữu, đó là các vị Tử Đạo của thời đại hôm nay. Đang có rất nhiều những vị ấy. Họ không chối bay chối biến Chúa Giê-su, nhưng họ chịu đựng việc bị nhục mạ và việc bị xúc phạm với lòng danh dự. Họ đang đi theo con đường của Chúa. Chúng ta có thể nói về một „đoàn chứng nhân“ (Dt 12,1).

 

Trong tuần này, chúng ta hãy bắt đầu một cách cương quyết trên con đường ấy, với nhiều Tình Yêu đối với Ngài, Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ chúng ta. Tình Yêu sẽ dẫn dắt chúng ta, và sẽ trao cho chúng ta sức mạnh. Và Ngài ở đâu chúng ta cũng sẽ ở đó với Ngài (Ga 12,26).

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội