CÁC THỦ TỤC TỐ TỤNG LIÊN QUAN ĐẾN NHỮNG TRƯỜNG HỢP LẠM DỤNG TÍNH DỤC

 

XBVN 13/4/2010 – Trang web Vatican, mục Focus, vừa công bố một bản hướng dẫn cho phép hiểu các thủ tục do Bộ Giáo Lý Đức Tin thông báo liên quan đến các trường hợp lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên.

Luật áp dụng là Tự Sắc Sacramentorum Sanctitatis Tutela ngày 30/04/2001 cùng với Giáo Luật 1983.

A. Các thủ tục ban đầu :

Giáo phận địa phương kiểm tra mọi tố giác lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên về phía một giáo sĩ.

Nếu việc tố giác có chút gì là sự thật, thì vụ việc được chuyển giao cho Bộ Giáo Lý Đức Tin. Giám mục địa phương chuyển tất cả thông tin vụ việc cho Bộ Giáo Lý Đức Tin và cho ý kiến về những thủ tục phải theo và những biện pháp đưa ra trong thời hạn ngắn và dài.

Luật dân sự liên quan đến việc khai báo tội ác cho các thẩm quyền phải luôn được tuân thủ.

Suốt giai đoạn sơ khởi và trước khi vụ việc được kết luận, giám mục có thể có những biện pháp đề phòng để bảo vệ cộng đoàn, bao gồm cả các nạn nhân. Quả thế, giám mục địa phương nắm giữ quyền hạn bảo vệ các trẻ em bằng việc giới hạn các hoạt động của mọi linh mục trong giáo phận của mình. Điều đó thuộc về thẩm quyền thông thường mà ngài được khuyến khích thực thi trong tất cả chừng mực cần thiết, để đảm bảo rằng các trẻ em không bị xâm phạm, và quyền hạn này có thể được thực thi tùy ý giám mục trước, trong khi và sau mọi thủ tục giáo luật.

B. Các thủ tục được Bộ Giáo Lý Đức Tin cho phép :

Bộ Giáo Lý Đức Tin nghiên cứu trường hợp do giám mục địa phương đệ trình và cũng yêu cầu những thông tin bổ sung nếu cần thiết.

Bộ Giáo Lý Đức Tin có một số chọn lựa.

B1 Thủ tục hình sự :

Bộ Giáo Lý Đức Tin có thể cho phép giám mục địa phương đưa một vụ kiện ra trước tòa án hình sự của Nhà Nước trước tòa án của Giáo Hội địa phương. Trong trường hợp này, một sự kháng án có thể được gởi đến cho tòa án của Bộ Giáo Lý Đức Tin.

Bộ Giáo Lý Đức Tin có thể cho phép giám mục địa phương đưa một cuộc điều tra ra trước một đại diện của giám mục địa phương được trợ giúp bởi hai hội thẩm. Linh mục bị cáo được triệu đến trả lời cho những cáo giác và kiểm tra những yếu tố chứng cớ. Bị cáo có quyền kháng cáo đến Bộ Giáo Lý Đức Tin chống lại sắc lệnh buộc bị cáo phải chịu hình phạt giáo luật. Quyết định của các Hồng y thành viên của Bộ Giáo Lý Đức Tin là chung cuộc.

Nếu vị tu sĩ bị xử là có tội, thì các thủ tục tố tụng hình sự pháp lý và hành chánh ở tòa hình sự có thể kết án một giáo sĩ một số hình phạt giáo luật, nặng nhất là cho hồi tục. Vấn đề tiền bồi thường thiệt hại cũng có thể được trực tiếp bàn đến trong suốt những thủ tục tố tụng này.

B2 Những trường hợp được đệ trình trực tiếp lên Đức Thánh Cha :

Trong những trường hợp rất nghiêm trọng mà một tòa án hình sự của Nhà Nước đã tuyên bố vị giáo sĩ có tội lạm dụng tính dục các vị thành niên hay khi bằng chứng là không chối cãi được, thì Bộ Giáo Lý Đức Tin có thể chọn đưa vụ việc trực tiếp lên Đức Thánh Cha bằng cách xin Đức Thánh Cha ban bố một sắc lệnh ex officio (bởi chức vụ), tức là buộc đương sự hồi tục. Không có kháng cáo nào về mặt giáo luật được dự kiến trước phản đối lại một sắc lệnh như thế của Đức Thánh Cha.

Bộ Giáo Lý Đức Tin cũng trình lên Đức Thánh Cha những đơn thỉnh cầu của các linh mục bị cáo mà, ý thức về tội ác của họ, xin được miễn chuẩn bó buộc chức linh mục và muốn hồi tục. Đức Thánh Cha chấp nhận những thỉnh cầu này vì lợi ích của Giáo Hội (pro bono Ecclesiae).

B3 Những biện pháp kỷ luật

Trong trường hợp linh mục bị cáo đã thừa nhận những tội ác của mình và chấp nhận sống một đời sống cầu nguyện và sám hối, Bộ Giáo Lý Đức Tin cho phép giám mục địa phương công bố một sắc lệnh cấm hay giới hạn thừa tác vụ công cộng của một linh mục như thế. Những sắc lệnh này là bị bắt buộc bởi quyết định hình sự và chịu một hình phạt giáo luật trong trường hợp vi phạm những điều kiện của sắc lệnh, không loại trừ việc buộc hồi tục. Một kháng án về mặt hành chánh lên Bộ Giáo Lý Đức Tin là có thể phản đối lại những sắc lệnh này. Quyết định của Bộ Giáo Lý Đức Tin là chung cuộc.

C. Xem xét lại Tự Sắc

Thời gian gần đây, Bộ Giáo Lý Đức Tin đã xem xét lại một số khoản của Tự Sắc Sacramentorum Sanctitatis Tutela (Bảo vệ sự thánh thiện của các Bí tích), để cập nhật Tự Sắc 2001 dưới ánh sáng của những quyền hạn đặc biệt được ban cho Bộ Giáo Lý Đức Tin bởi đức Gioan-Phaolô II và đức Bênêđictô XVI. Những sửa đổi được đề nghị cho việc kiểm tra sẽ không thay đổi những thủ tục trên đây (A, B1-B3).