Công bố Văn kiện của Bộ giáo lý đức tin về
việc thẩm định các vụ hiện ra
Radiovaticana 29/05/2012 16.41.40 –
Quy luật này được Đại hội của Bộ soạn
bằng tiếng la tinh cách đây 32 năm (1978) và được Đức Phaolô 6 phê chuẩn, nhưng
hồi đó chỉ được gửi cho các GM chứ không được công bố cho đại chúng. Văn kiện
mang tựa đề đầy đủ là “Những quy tắc của Thánh Bộ Giáo lý đức tin về thủ tục
trong việc phân định về những vụ hiện ra hoặc mạc khải” (Norme della Sacra Congregazione per la Dottrina della fede sul modo di
procedere nel giudicare presunte apparizioni e rivelazioni).
Trong hơn 3 thập niên qua, đã có nhiều
bản dịch không chính thức về văn kiện này. Nay Bộ giáo lý đức tin thấy rằng đây
là lúc thích hợp để công bố các quy tắc này cùng với những bản dịch trong các
ngôn ngữ chính, để trợ giúp các vị mục tử của Giáo Hội Công Giáo, trong công
tác khó khăn là phân định những cuộc gọi là hiện ra, mạc khải, sứ điệp, hoặc
tổng quát hơn, là những hiện tượng ngoại thường được coi là có nguồn gốc siêu
nhiên”. Từ những thế kỷ qua đến nay có hơn 1.500 vụ gọi là hiện ra của Đức Mẹ
trên thế giới, nhưng chỉ có 9 vụ được giáo quyền công nhận là đáng tin.
Sau đây, chúng tôi xin gửi quí vị lời
tựa của ĐHY William Levada, đương kim Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin, viết ngày
14-12 năm 2011 trước khi lược tóm các qui tắc do Bộ ban hành.
Lời tựa của ĐHY William Levada
1. Bộ giáo lý đức tin phụ trách về những
vấn đề liên hệ tới sự thăng tiến và bảo vệ đạo lý đức tin và luân lý. Bộ cũng
có thẩm quyền cứu xét những vấn đề khác liên quan tới kỷ luật đức tin như những
vụ ngụy thần bí, những cuộc gọi là hiện ra, các thị kiến và sứ điệp gọi có
nguồn gốc siêu nhiên. Riêng về trách vụ rất tế nhị này, cách đây hơn 30 năm, Bộ
đã chuẩn bị “Các quy tắc về cách thức tiến hành trong việc phân định những vụ
hiện ra hoặc mạc khải” (Normae de modo
procedenti in diudicandis praesumptis apparitionibus ac revelationibus).
Văn kiện này được các Hồng y, Giám mục thành viên Đại hội toàn thể của Bộ đề ra
và được vị Tôi Tớ Chúa Đức Giáo Hoàng Phaolô phê chuẩn ngày 24-2-1978 và sau đó
công bố ngày 25-2-1978. Thời ấy, các Quy
tắc này được gửi đến các giám mục để thông tin, nhưng không được công bố
chính thức, cũng vì những qui tắc ấy liên hệ trước tiên tới các vị Chủ Chăn của
Giáo Hội.
2. Như đã biết, qua dòng thời gian, văn
kiện này được công bố trong một số tác phẩm, bằng nhiều thứ tiếng, về các vấn
đề này, nhưng không có sự cho phép trước đó của Bộ giáo lý đức tin. Ngày nay,
phải nhận rằng nội dung chính yếu của các qui tắc quan trọng này đã được công
chúng biết tới. Vì thế Bộ giáo lý đức tin thấy rằng nay là lúc thích hợp để công
bố các Quy tắc ấy, đồng thời cung cấp
bản dịch trong các ngôn ngữ chính.
3. Tính chất thời sự của vấn đề các kinh
nghiệm về những hiện tượng siêu nhiên trong đời sống và sứ mạng của Giáo Hội
cũng đã được nêu lên gần đây do mối quan tâm mục tử của các GM trong Thượng
HĐGM kỳ thứ 12 về Lời Chúa hồi tháng 10 năm 2008. ĐTC Biển Đức 16 nhìn nhận các
mối quan tâm đó và đặt trong một chân trời rộng lớn hơn của kế hoạch cứu độ,
trong một đoạn quan trọng của Tông huấn hậu Thượng-Hội-đồng-Giám-mục Verbum Domini (Lời Chúa). Nên nhắc lại
nơi đây giáo huấn ấy của ĐGH. Giáo Huấn này cần được đón nhận như một lời mời
gọi hãy chú ý một cách thích đáng tới những hiện tượng siêu nhiên ấy. ĐTC viết
trong Tông Huấn:
“Giáo Hội biểu lộ ý thức mình ở với Chúa
Giêsu Kitô đứng trước những Lời chung kết của Thiên Chúa: Ngài là Nguyên thủy
và là cùng đích” (Kh 1,17). Ngài đã
mang lại cho thụ tạo và lịch sử ý nghĩa cuối cùng của chúng: vì thế chúng ta
được kêu gọi sống trong thời gian và trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa
trong khuôn khổ nhịp mai hậu của Lời; “Vì thế, kế hoạch cứu độ của Kitô giáo,
với tư cách là Giao Ước mới và chung kết, sẽ không bao giờ qua đi, và không nên
chờ mong có một mạc khải công khai nào khác trước khi Đức Giêsu Kitô Chúa chúng
ta tỏ hiện trong vinh quang (Xc 1 Tm
6,14 và Tt 2,13)” (Dei Verbum,
4). Thực vậy, như các Nghị Phụ đã nhắc nhở trong Thượng HĐGM, “đặc điểm của
Kitô giáo được biểu lộ trong biến cố Chúa Giêsu Kitô, là tột đỉnh của Mạc Khải,
là sự viên mãn những lời hứa của Thiên Chúa và là Đấng trung gian cho cuộc gặp
gỡ giữa con người với Thiên Chúa. Ngài là “Đấng đã mạc khải Thiên Chúa cho
chúng ta” (Ga 1,18) là Lời duy nhất
và chung kết được trao phó cho nhân loại” (Đề
nghị 4). Thánh Gioan Thánh Giá đã diễn tả chân lý này một cách tuyệt vời: “Từ
khi Con Chúa được ban cho chúng ta, là Lời duy nhất và chung kết, Thiên Chúa
ban cho chúng ta mọi sự trong một lần duy nhất trong Lời duy nhất ấy và không
còn gì nữa để nói.. Thực vậy, điều mà xưa kia Thiên Chúa đã nói một phần với
các ngôn sứ, Ngài nói trọn vẹn trong Con của Ngài, ban cho chúng ta tất cả
những gì là Con của Ngài. Vì thế, ai còn muốn hỏi Thiên Chúa, xin Ngài những
thị kiến hoặc mạc khải, thì chẳng những họ làm một điều ngu xuẩn, nhưng còn xúc
phạm đến Thiên Chúa nữa, vì họ không chăm chú vào Chúa Kitô mà thôi và còn đi
tìm kiếm những điều khác mới mẻ nữa” (Lên
núi Cát Minh, II, 22).
Để ý đến những điều ấy, ĐTC Biển Đức 16
nhấn mạnh rằng:
“Thượng HĐGM khuyên hãy “giúp các tín
hữu phân biệt rõ ràng giữa Lời Chúa với những mạc khải tư” (Đề nghị
47), vai trò của những mạc khải này không phải là “bổ túc” mạc khải chung kết
của Chúa Kitô, nhưng là giúp sống mạc khải ấy một cách trọn vẹn trong một thời
kỳ lịch sử nào đó” (Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, 67). Giá trị của
những mạc khải tư rất khác với mạc khải công duy nhất: mạc khải công đòi chúng
ta phải tin; thực vậy trong mạc khải ấy, qua lời con người và sự trung gian của
cộng đồng Giáo Hội sinh động, chính Thiên Chúa nói với chúng ta. Tiêu chuẩn để
phán đoán một mạc khải tư là xem nó có hướng chúng ta về chính Chúa Kitô hay
không. Khi mạc khải ấy làm cho chúng ta xa Chúa, thì chắc chắn nó không đến từ
Thánh Linh, là Đấng hướng dẫn chúng ta bên trong Tin Mừng chứ không ở ngoài Tin
Mừng. Mạc khải tư là một trợ giúp cho niềm tin ấy. Vì thế, cốt yếu sự phê chuẩn
của Giáo Hội về một mạc khải tư là cho thấy rằng sứ điệp ấy không chứa đựng
điều gì trái ngược với đức tin và phong hóa; được phép công bố sứ điệp ấy, và
các tín hữu được phép chấp nhận sứ điệp ấy trong một hình thức khôn ngoan thận
trọng. Một mạc khải tư có thể du nhập những dấu nhấn mạnh mới, khơi lên những
hình thức sùng mộ mới của lòng đạo đức hoặc đào sâu những hình thức cổ kính. Nó
cũng có thể có tính chất ngôn sứ nào đó (Xc 1
Ts 5,19-21) và có thể là một trợ lực giá trị để hiểu và sống Tin Mừng một
cách tốt đẹp hơn trong thời đại ngày nay; vì thế, không được lơ là nó. Mạc khải
tư là một trợ lực, được trao tặng nhưng ta không bị bó buộc phải sử dụng. Trong
mọi trường hợp, mạc khải tư phải là một sự nuôi dưỡng đức tin, cậy mến, vốn là
con đường trường kỳ đối với mọi người để đạt tới ơn cứu độ (Xc Bộ giáo lý đức
tin, Sứ điệp Fatima, 26-6-2000: Ench.
Vat. 19. n.974-1021). [Tông huấn Verbum
Domini 14 ; x. Giáo lý Hội Thánh Công Giáo 66-67].
4. Bộ giáo lý đức tin này nồng nhiệt hy
vọng rằng việc công bố chính thức “Những
quy tắc về cách thức tiến hành trong việc phân định những vụ hiện ra hoặc mạc
khải” có thể giúp các vị Chủ Chăn của Giáo Hội trong trách vụ khó khăn là
phân định những vụ gọi là hiện ra, mạc khải, các sứ điệp, hoặc tổng quát hơn,
đó là những hiện tượng ngoại thường được coi là có nguồn gốc siêu nhiên. Đồng
thời cũng hy vọng rằng Văn kiện này có thể được các nhà thần học và các chuyên
gia trong lãnh vực này về những kinh nghiệm sống của Giáo Hội, tính chất tế nhị
của chúng đòi phải cứu xét tường tận hơn bao giờ hết.
Hồng y William Levada, Tổng trưởng