THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA GIOAN PHAOLO II GỞI PHỤ NỮ TOÀN THẾ GIỚI

Ngày 29/06/1995 nhân dịp Năm Quốc Tế Người Nữ

Tôi gởi lời chào thân tình nhất tới tất cả chị em phụ nữ toàn thế giới !

1. Tôi xin gởi thơ này đến từng người trong chị em làm dấu chỉ chia sẻ và biết ơn, đang khi gần tới kỳ Hội Nghị Thế Giới lần thứ tư về Phụ Nữ, sắp họp tại Bắc Kinh vào tháng 9 tới đây.

Trước hết tôi muốn nói với Tổ chức Liên Hiệp Quốc là tôi tán thành sáng kiến có tầm quan trọng lớn lao do Liên Hiệp Quốc chủ xướng. Giáo Hội, về phần mình, muốn đóng góp vào việc bênh vực phẩm giá, vai trò và những quyền lợi các người nữ, không những bằng phần đóng góp đặc biệt của Phái đoàn chính thức của Toà Thánh cho công việc tại Bắc Kinh, nhưng Giáo Hội cũng trực tiếp nói với con tim và tâm trí của các người nữ. Mới đây, nhân cuộc bà Gertrude Mongella, Tổng Thư Ký Hội Nghị, đến viếng thăm tôi vì cuộc Hội Nghị quan trọng này, tôi có ý trao cho bà một Sứ Ðiệp trình bày một số điểm căn bản thuộc huấn giáo của Giáo Hội về và án đề này.

Ðây là một Sứ Ðiệp, ngoài biến cố chính xác linh hứng nó, mở ra một viễn ảnh phổ quát hơn thuộc thực tại và những vấn đề của toàn thể người nữ, giúp ích cho quyền lợi của họ trong Giáo Hội và trong thế giới hiện nay. Do đó, tôi quyết định gởi Sứ Ðiệp này tới tất cả các Hội Ðồng Giám Mục để được phổ biến rộng rãi nhất.

Từ những gì tôi đã viết trong tài liệu này, bây giờ tôi muốn nói trực tiếp với mỗi người nữ ngõ hầu suy tư với họ về những án đề và những viễn ảnh của địa vị người nữ trong thời đại chúng ta, dừng lại cách riêng trên chủ đề thiết yếu thuộc phẩm giá và các quyền lợi người nữ dưới ánh sáng Lời Chúa.

Khởi điểm việc bắt đầu cuộc đối thoại này chỉ có thể là một tiếng cám ơn. Như tôi đã viết trong Tông thư Mulieris dignitatem, Giáo Hội "ao ước tạ ơn Thiên Chúa Ba Ngôi vì 'mầu nhiệm người nữ' và vì tất cả người nữ, vì những gì cấu tạo nên chiều kích vĩnh cửu của phẩm giá người nữ, vì những 'sự lạ lùng' của Thiên Chúa, được thực hiện nơi người nữ và qua người nữ, trong lịch sử các thế hệ loài người" (n. 31).

2. Lời cảm tạ dâng lên Chúa, vì ý định của Người đối với ơn gọi và sứ mệnh người nữ trong thế giới, cũng trở thành một lời cám ơn cụ thể và trực tiếp đối với các người nữ, mỗi một người nữ, vì những gì họ phô diễn trong đời sống nhân loại.

Cảm ơn chị, hỡi người nữ-mẹ, chị tiếp nhận trong lòng chị hữu thể nhân bản với niềm vui và sự cực nhọc của một kinh nghiệm duy nhất, do kinh nghiệm đó chị trở nên sự mỉm cười của Chúa đối với đứa con ra đời, chị trở nên kẻ hướng dẫn những bước đi đầu tiên của nó, nâng đỡ sự lớn lên của nó, rồi trở nên mục tiêu trên con đường sự sống của nó.

Cảm ơn chị, hỡi người nữ-vợ, chị liên kết cách bất di dịch vận mạng của chị với vận mạng một người nam, trong một quan hệ trao thân cho nhau, để phục vụ sự hiệp thông và sự sống.

Cảm ơn chị, hỡi người nữ-con và người nữ-chị, chị mang vào nhà của gia đình, rồi trong cảnh phức tạp đời sống xã hội, những phong phú thuộc tính đa cảm của chị, thuộc trực giác của chị, thuộc lòng quảng đại của chị và thuộc sự kiên nhẫn của chị.

Cảm ơn chị, người nữ-lao công, dấn thân vào trong tất cả các lãnh vực thuộc đời sống xã hội, kinh tế, và văn hoá, nghệ thuật, chính trị, vì sự góp phần của chị, không thay thế được, vào việc xây dựng một nền văn hoá có khả năng liên hợp lý trí và tình cảm, vào một quan niệm về sự sống luôn luôn mở ra theo nghĩa "mầu nhiệm", vào sự thiết lập những cấu trúc kinh tế và chính trị phong phú hơn về mặt nhân loại.

Cảm ơn chị, người nữ-thánh hiến, theo sau người nữ cao cả nhất là Mẹ Chúa Kitô Ngôi Lời nhập thể, chị tự mở lòng đón nhận tình yêu của Chúa cách hết sức ngoan ngoãn và trung thành, nhờ vậy chị giúp Giáo Hội và toàn thể nhân loại dâng lên Chúa một câu trả lời "có tính hiền thê" (réponse sponsale), diễn tả cách kỳ diệu sự hiệp thông Chúa muốn thiết lập với thọ tạo của Người.

Cảm ơn chị, người nữ, chỉ vì chị là phụ nữ ! Nhờ tri giác xứng hợp với nữ tính của chị, chị làm giàu cho sự hiểu biết về thế giới và chị góp phần vào chân lý hoàn hảo của những liên quan nhân bản.

3. Nhưng tôi biết điều đó, tiếng cảm ơn không chưa đủ. Vô phúc thay chúng ta đã thừa hưởng một lịch sử có quá nhiều qui định mà, trong mọi thời gian và không gian, đã gây khó khăn cho đường đi của người nữ, phủ nhận phẩm giá người nữ, biến chất những đặc quyền người nữ, thường loại người nữ ra bên lề và còn bắt người nữ sống cảnh nô lệ.

Tất cả những thứ đó đã ngăn cản người nữ làm người nữ cách trọn vẹn, và đã tước đoạt toàn thể nhân loại những kho tàng thiêng liêng chính hiệu nhất. Chắc không dễ gì nhận định những trách nhiệm đích xác, vì trọng lượng của những sự kết tầng (sédimentation) văn hoá, qua bao thế kỷ, đã hình thành những não trạng và những cơ chế.

Nhưng nếu trong lãnh vực này, người ta không thể phủ định, nhứt là trong một số bối cảnh lịch sử, trách nhiệm khách quan của nhiều người con Giáo Hội, thì tôi chân thành hối tiếc điều đó. Chớ gì sự hối tiếc đó có thể diễn dịch, đối với tất cả Giáo Hội, qua cố gắng lấy lại lòng trung thành với linh hứng Phúc Âm, sự linh hứng này, chính trên chủ đề giải phóng người nữ khỏi mọi hình thức bất công và thống trị, chứa đựng một sứ điệp luôn có tính thời sự phát xuất từ chính thái độ của Chúa Kitô. Chúa Kitô vượt qua mọi qui định thịnh hành trong văn hoá thời đại Người, duy trì đối với người nữ một thái độ cởi mở, tôn trọng, tiếp rước, dịu hiền. Như vậy Chúa Kitô tôn trọng nơi người nữ cái phẩm giá họ luôn có được trong ý đồ và trong tình yêu của Thiên Chúa.

Khi quay hướng về Người lúc kết thúc ngàn năm thứ hai, tự nhiên chúng ta hỏi mình sứ điệp của Người đã được lãnh nhận và đem ra thực hành tới đâu rồi.

Vâng, đã tới lúc, với lòng can đảm của trí nhớ và sự nhìn nhận thành thực những trách nhiệm, phải xem xét lịch sử lâu dài của nhân loại, một nhân loại đã được người nữ góp phần không thua kém người nam, và thường là trong những điều kiện khó khăn hơn nhiều.

Ðặc biệt tôi nghĩ tới những người nữ ưa thích văn hoá và nghệ thuật, và đã hiến mình vào đó tuy khởi đầu từ những hoàn cảnh bất lợi, thường không được hưởng nền giáo dục ngang với người nam, liều bị đánh giá quá thấp, liều thấy sự đóng góp trí tuệ của mình bị phủ nhận hay có khi bị tước đoạt. Vô phúc thay, tuy các người nữ trong lịch sử hoạt động nhiều như thế, mà rất ít sự việc được ghi nhận qua các dụng cụ của khoa chép sử khoa học.

Nhưng cũng may, nếu thời gian đã chôn vùi những tài liệu mang dấu vết của những sự việc đó, thì không thể không cảm thấy những hiệu quả tốt của chúng trong chất nhựa đã nuôi dưỡng các thế hệ kế tiếp nhau tới thời chúng ta. Nhân loại nợ một món nợ không tính được đối với "truyền thống" phụ nữ vĩ đại và mênh mông này. Biết bao người nữ đã bị và còn bị đánh giá theo phương diện thể lý hơn là theo khả năng của họ, theo giá trị nghề nghiệp của họ, theo sinh hoạt trí thức của họ, theo sự phong phú thuộc tình cảm của họ và, sau hết, theo chính phẩm giá thuộc hữu thể của họ !

4. Và nói gì về những cản trở mà, trong nhiều nơi trên thế giới, còn ngăn cản phụ nữ góp phần cách đầy đủ trong đời sống xã hội, chính trị và kinh tế ? Chỉ cần nghĩ rằng hồng ân được làm mẹ thường bị vạ hơn là được quí trọng, đang khi nhân loại nhờ đó mà sống còn.

Chắc chắn còn nhiều việc phải làm để thân phận người nữ và người mẹ không còn bị kỳ thị nữa. Ðiều khẩn cấp là đạt được khắp nơi sự bình đẳng thật sự về các quyền lợi con người, tức là tiền lương đồng đều cho một công việc ngang nhau, sự bảo vệ những bà mẹ lao động, sự thăng tiến trong nghề, quyền bình đẳng vợ chồng trong gia đình, sự nhìn nhận tất cả những gì liên kết với những quyền lợi và nhiệm vụ của người công dân trong một chế độ dân chủ. Ðó là một hành vi công bằng, mà cũng là một sự cần thiết. Trong nền chính trị mai sau, người nữ sẽ luôn luôn dính líu hơn trong những vấn đề trầm trọng được tranh cãi bây giờ: thời giờ rảnh rỗi, chất lượng sự sống, những di dân, những phục vụ xã hội, sự chết êm dịu, thuốc chích, sức khoẻ và những chăm sóc, sinh thái học, v.v... Trong tất cả các lãnh vực này, thấy sự hiện diện dũng cảm xã hội của người nữ là quí báu, bởi vì người nữ sẽ góp phần bày tỏ những mâu thuẫn của một xã hội được tổ chức chỉ trên những tiêu chuẩn của hiệu lực và sản suất, và người nữ sẽ bắt buộc tái xác định những hệ thống, có lợi cho những những diễn tiến nhân đạo hoá, biểu thị đặc tính riêng "cho nền văn minh tình yêu".

5. Khi xem xét một trong những khía cạnh tế nhị nhất của thân phận người nữ trong thế giới, làm sao mà không nhắc tới lịch sử lâu dài và nhục nhã - thường là "bí ẩn" (souterraine)- của những lạm dụng phản lại người nữ trong lãnh vực tình dục ? Sắp bước sang ngàn năm thứ ba, chúng ta không thể thản nhiên trước hiện tượng này, cũng không thể cam chịu vậy. Tới lúc phải mạnh mẽ lên án, bằng cách khơi lên những phương tiện lập pháp xứng hợp để ngăn cấm, những hình thức bạo tàn tình dục thường lấy người nữ làm đối tượng.

Nhân danh sự tôn trọng con người, chúng ta cũng không thể không tố cáo nền văn hoá theo chủ nghĩa khoái lạc và thương mại rất phổ biến, quảng cáo việc khai thác có hệ thống tình dục, thúc ép chính những em gái tuổi còn bé ngã nhào vào trong những mạch hư đốn và biến thân xác mình thành một món hàng.

Trước những trụy lạc như vậy, ngược lại, đáng ca ngợi biết bao, những người nữ, vì tình yêu anh hùng đối với con mình, vẫn tiếp tục cưu mang bào thai hình thành do sự bất công của những quan hệ tình dục bị cưỡng ép, và điều đó xảy ra không những trong khuôn khổ những sự tàn bạo, vô phúc xảy ra trong những bối cảnh chiến tranh còn rất thường trong thế giới, nhưng cũng xảy ra trong những hoàn cảnh an lạc và hoà bình, những hoàn cảnh thường bị ung thối do một nền văn hoá cho phép thụ hưởng khoái lạc, nơi dễ dàng phát sinh những khuynh hướng bộc lộ nam tính cách hiếu chiến ! Trong những hoàn cảnh thể ấy, việc chọn lựa phá thai, luôn luôn là một trọng tội, trước lúc gán trách nhiệm cho người nữ, là một tội ác phải đổ lỗi cho người nam và cho sự đồng loã của môi trường sống.

6. Việc cám ơn của tôi đối với người nữ, tức là kêu nài tất cả mọi người, cách riêng các Quốc Gia và những cơ chế quốc tế, làm những gì phải làm để phẩm giá và vai trò người nữ được tôn trọng đầy đủ.

Về vấn đề này, tôi không thể không bày tỏ lòng khâm phục của tôi đối với những người nữ thiện chí đã tự hiến mình bênh vực phẩm giá của địa vị người nữ, nhờ sự thu phục những quyền căn bản trên các mặt xã hội, kinh tế và chính trị, và đối với những người nữ đã can đảm đưa ra sáng kiến này trong những thời điểm mà sự dấn thân của họ bị coi như là một hành vi phạm pháp, một dấu thiếu nữ tính, một sự phát lộ chứng phô bày, có khi là là một tội !

Như tôi đã viết trong Sứ Ðiệp Ngày Quốc Tế Hoà Bình năm nay, khi xem xét diễn tiến cả thể của sự giải phóng phụ nữ, người ta có thể nói rằng con đường này "đã là khó nhọc và phức tạp, thỉnh thoảng có lầm lẫn, nhưng tích cực về bản chất, cho dầu nó chưa hoàn tất do nhiều ngăn trở mà trong nhiều vùng thế giới, ngăn cản người nữ được biết, được tôn trọng và đánh giá trong phẩm giá riêng của họ" (n. 4).

Phải kiên nhẫn trong con đường này ! Nhưng, tôi xác tín rằng bí mật để nhanh chóng vượt qua con đường tôn trọng đầy đủ căn tính người nữ, không những phải qua sự tố giác, mặc dầu đó là cần thiết, những kỳ thị và những bất công, mà còn và hơn hết phải qua một dự án thăng tiến cũng hiệu nghiệm như được soi sáng, bao gồm tất cả các lãnh vực thuộc đời sống người nữ, khởi sự từ việc có ý thức đổi mới và phổ biến về phẩm giá người nữ. Chính lý trí chấp nhận lề luật Chúa ghi trong lòng mọi người, thì cũng làm chúng ta nhận biết phẩm giá này mặc dầu có nhiều qui định lịch sử của nó. Nhưng Lời Chúa hơn hết cho phép chúng ta nhận rõ nền tảng nhân loại học căn nguyên của phẩm giá người nữ, khi cho chúng ta thấy nó trong ý đồ của Thiên Chúa trên nhân loại.

7. Vậy, thưa chị em quí mến, chị em hãy chấp nhận cho tôi cùng với chị em suy tư lại trang Thánh Kinh kỳ diệu diễn tả việc sáng tạo con người, và phát biểu nhiều điều về phẩm giá của chị em và về sứ mệnh của chị em trong thế giới.

Sách Sáng Thế nói về việc sáng tạo một cách tổng hợp và trong một ngôn ngữ thi vị và biểu trưng, nhưng chân thực sâu sắc: "Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ" (St 1, 27). Hành vi sáng tạo của Thiên Chúa dàn ra theo một đồ án nhứt định. Trước hết, nói rằng con người được làm ra theo hình ảnh và nên giống Thiên Chúa (x. St 1, 26), cách nói làm sáng tỏ tức thì đặc tính riêng biệt của con người trong toàn thể công trình sáng tạo.

Tiếp theo nói con nguời được tạo nên "có nam có nữ" (St 1, 27), ngay từ đầu. Chính Kinh Thánh cung cấp việc giải thích yếu tố này: mặc dầu được bao vây bởi những thọ tạo nhiều vô số trong thế giới hữu hình, con người vẫn cảm thấy mình cô đơn (x. St 2, 20). Thiên Chúa can thiệp đưa con nguời ra khỏi cảnh cô đơn này: "Con người ở một mình thì không tốt, Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó" (St 2, 18). Như vậy, từ đầu, nguyên lý trợ tá đã được viết trong việc sáng tạo người nữ: trợ tá -chúng ta hãy nhớ kỹ- không phải đơn phương, nhưng hỗ tương. Người nữ là tuỳ thể (complément) của người nam, cũng như người nam là tuỳ thể của người nữ: người nữ và người nam bổ sung cho nhau. Nữ tính thực hiện "nhân bản" cũng y như nam tính, nhưng theo một hoà điệu khác biệt và bỗ sung.

Khi sách Sáng thế nói tới "trợ tá", sách ấy không những qui chiếu về lãnh vực hành động, mà còn về lãnh vực hữu thể. Nữ tính và nam tính bỗ sung cho nhau, không những về phương diện thể lý và tâm lý, nhưng thực thể nữa. Chỉ nhờ tính nhị nguyên của "nam tính" và của "nữ tính" mà "con người" được thể hiện đầy đủ.

8. Sau khi tạo dựng con người, có nam có nữ, Thiên Chúa phán với cả hai: "Hãy sinh sôi nẩy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất và thống trị mặt đất" (St 1, 28). Thiên Chúa không những ban cho con người quyền năng sinh sản để lưu tồn nhân loại theo thời gian, nhưng Thiên Chúa cũng ban cho con người mặt đất như một nhiệm vụ, khuyến khích con người quản trị những tài nguyên mặt đất một cách có trách nhiệm. Con người, hũu thể có lý trí và tự do, được kêu mời biến đổi mặt đất. trong nhiệm vụ này, chủ yếu là một công trình văn hoá, người nam và người nữ có trách nhiệm ngang nhau từ đầu. Trong tính hỗ tương vợ chồng và phong phú của họ, trong nhiệm vụ chung của họ làm bá chủ và thống trị trái đất, người nữ và người nam không diễn tả một sự ngang hàng cân bằng và san bằng, càng không phải là một sự khác biệt sâu thẳm và xung đột cách khốc liệt: tương quan tự nhiên nhất của họ, đáp ứng với ý định của Thiên Chúa, là "sự hiệp nhất cả hai", nghĩa là một "sự hiệp nhất nhị nguyên" liên hệ, cho phép mỗi người khám phá sự quan hệ liên vị và hỗ tương như là một hồng ân, nguồn mạch sự phong phú và trách nhiệm.

Thiên Chúa trao cho "sự hiệp nhất cả hai" này, không những công trình sinh sản và sự sống gia đình, nhưng cũng trao cho sự xây dựng lịch sử. Nếu, trong Năm Quốc Tế Gia Ðình, cử hành năm 1994, người ta chú ý tới người nữ như người mẹ, Hội Nghị Bắc Kinh là một dịp thuận tiện để tái nhận thức nhiều sự đóng góp mà người nữ hiến cho đời sống xã hội và các quốc gia toàn diện. Ðó là những sự đóng góp có bản chất thiêng liêng và văn hoá hơn hết, nhưng cũng thuộc bản chất xã hội chính trị và kinh tế. Tầm quan trọng thật sự là to lớn của những gì mà các lãnh vực khác biệt xã hội, các Quốc gia, các nền văn hoá quốc gia và, sau hết, sự thăng tiến của toàn thể nhân loại, có được, nhờ sự đóng góp của những nguời nữ.

9. Nói chung, sự tiến triển được đánh giá tùy theo những ngành khoa học và kỹ thuật, và, dầu về phương diện này, sự đóng góp của người nữ không phải là không đáng kể. Nhưng, đó không phải là chiều kích duy nhất của sự tiếân triển, cũng không phải là chiều kích chính. Chiều kích đạo đức và xã hội, đánh dấu những tương quan nhân bản và những giá trị tinh thần, xem ra quan trọng hơn: trong chiều kích này, thường được phát triển cách âm thầm khởi từ những tương quan hằng ngày giữa những con người, đặc biệt bên trong gia đình, chính ở "thiên tài người nữ" mà xã hội mắc nợ phần lớn.

Về vấn đề ấy, tôi muốn tỏ lòng cảm ơn cách riêng đối với những người nữ dấn thân trong các lãnh vực rất khác biệt của việc giáo dục bên ngoài gia đình: vườn trẻ, trường học, đại học, những phục vụ xã hội, những giáo xứ, những hội họp và những phong trào. Bất cứ nơi nào cần có một công trình đào tạo, người ta có thể chứng nhận sự sẵn sàng vô tận của những người nữ nỗ lực trong những quan hệ nhân bản, cách riêng vì những kẻ yếu kém nhất và những kẻ không được bảo vệ. Trong hành động này, những người nữ hoàn thành một hình thức mẫu tính yêu đương, văn hoá và thiêng liêng, có một giá trị thật vô giá do những hiệu quả trên sự phát triễn con người và tương lai xã hội. và làm sao không nhắc tới ở đây chứng từ của nhiều người nữ công giáo và của nhiều Hội Dòng nữ tu mà, trong nhiều vùng khác biệt, đã lấy việc giáo dục, nhất là giáo dục những thanh niên và thiếu nữ trẻ, làm sinh hoạt chính của mình.

Làm sao lại không có tâm tình biết ơn đối với tất cả những người nữ đã làm việc và tiếp tục làm việc trong lãnh vực y tế, không những trong khuôn khổ những cơ chế y tế được tổ chức chu đáo nhất, nhưng thường trong những hoàn cảnh rất tạm bợ, trong những xứ nghèo nhất thế giới, các chị nêu lên một bằng chứng sẵn sàng thuờng gần như tử đạo ?

10. Thưa chị em yêu quí, tôi ước sao cho người ta chú tâm suy tư một cách đặc biệt về chủ đề "thiên tài người nữ", không những để nhận ra ở đó những nét thuộc chương trình đích thực của Thiên Chúa cần phải được chấp nhận và kính tôn, mà còn phải dành cho chương trình đó một chỗ trong tổng thể của đời sống xã hội, và cả trong đời sống Giáo Hội nữa. Trong Tông Thư Mulieris dignitatem phổ biến năm 1988, tôi đã có dịp đề cập rộng rãi vấn đề này, vấn đề đã được bàn đến trong Năm Thánh Mẫu. Rồi năm đó, ngày thứ Năm Tuần Thánh, tôi đã muốn nhắc tới Tông Thư Mulieris Dignitatem trong thơ tôi thường gởi các linh mục, nhắc các ngài suy nghĩ vềÕ vai trò đầy ý nghĩa người nữ thi hành trong đời sống của họ, với tư cách làm mẹ, làm chị và làm người cộng tác trong các sinh hoạt tông đồ.

Ðó là một chiều kích khác của người "trợ tá"- khác với chiều kích vợ chồng, nhưng cũng quan trọng như vậy - mà người nữ, theo sách Sáng Thế, được kêu mời thi thố cho người nam.

Giáo Hội thấy trong Ðức Maria sự diễn tả cao nhất của "thiên tài người nữ" và gặp ở đó một nguồn linh hứng liên tục. Ðức Maria đã tự định nghĩa là "tôi tá Chúa" (Lc 1, 38). Chính vì vâng theo Lời Chúa mà Mẹ đã chấp nhận ơn gọi đặc biệt của Mẹ, nhưng không phải thật dễ dàng khi làm vợ và làm mẹ tại gia đình Nadareth. Khi đặt mình phục vụ Chúa, Mẹ cũng đặt mình phục vụ con người: phục vụ tình yêu. Chính việc phục vụ này đã cho phép Mẹ thực hiện trong đời sống, kinh nghiệm một "vương quyền" mầu nhiệm nhưng đích thực. Không phải do ngẫu nhiên mà Mẹ được kêu xin như là "Nữ Vương trời đất". Tất cả cộng đồng tín hữu kêu xin mẹ như thế đó; nhiều dân tộc và quốc gia kêu xin Mẹ như Nữ Vương. "Vương quyền" của Mẹ là một phục vụ ! Việc phục vụ của mẹ là một "vương quyền"!

Uy quyền trong gia đình cũng như trong xã hội và Giáo Hội, phải được hiểu như vậy. "Vương quyền" là một mặc khải của ơn gọi căn bản thuộc hữu thể nhân bản, với tư cách được sáng tạo giống "hình ảnh" của Ðấng là Chúa trời đất, và được kêu gọi làm dưỡng tử Chúa trong Ðức Kitô. Con người là tạo vật duy nhất trên mặt đất mà "Chúa đã muốn cho chính nó", như Công đồng Vatican II dạy, Công Ðồng nói thêm cách có ý nghĩa rằng con người "chỉ có thể gặp lại chính bản thân mình nhờ thành thực hiến thân" (Gaudium et Spes, n. 24).

"Vương quyền" từ mẫu của Ðức Maria hệ tại đó. Toàn thân Mẹ đã là một tặng phẩm cho Chúa Con, Mẹ cũng là một tặng phẩm cho các con trai con gái của toàn thể nhân loại, gợi lên niềm tin rất sâu xa của kẻ quay về với Mẹ để được Mẹ dắt đi dọc những con đường khó nhọc sự sống, tới đích cùng cá nhân mình, tới án mạng siêu việt của mình. Qua những giai đoạn ơn gọi riêng của mình, mỗi người đi tới cùng đích này, cùng đích định hướng sự cam kết trong thời gian của người nam cũng như người nữ.

11. Trong viễn ảnh "phục vụ" này - phục vụ diễn tả "vương quyền" thật của hữu thể nhân loại, nếu nó được hoàn thành trong tự do, trong hỗ tương và tình yêu -, cũng có thể chấp nhận một sự khác biệt nào đó về nhiệm vụ, mà không sinh ra những hậu quả bất lợi cho người nữ, theo mức độ sự khác biệt đó không phải là hậu quả của một trật tự độc đoán, nhưng phát xuất từ những đặc tính của hữu thể nam và nữ. Ðó là một khẳng định cũng được áp dụng riêng biệt bên trong Giáo Hội. Nếu Chúa Kitô - do một sự chọn lựa tự do và tối cao, được chứng nhận rõ rệt trong Tin Mừng và trong truyền thống liên tục của Giáo Hội - chỉ giao phó cho người nam nhiệm vụ làm "hình ảnh" gương mặt "mục tử" của Người và "làm phu quân" của Giáo Hội qua việc thực thi chức tư tế thừa tác, thì điều đó không cướp đoạt gì hết đối với vai trò người nữ, cũng như đối với vai trò những phần tử khác trong Giáo Hội mà không được trao quyền thừa tác vụ thánh, bởi vì tất cả đều được phú cho phẩm giá riêng biệt "của chức tư tế chung" gốc rễ trong bí tích Rửa Tội. Thật vậy, những phân biệt vai trò không nên giải thích dưới ánh sáng những qui luật hoạt động xứng hợp với các xã hội loài người, nhưng theo những tiêu chuẩn riêng của nhiệm cục bí tích, nghĩa là nhiệm cục của "những dấu" Chúa tự do lựa chọn, để hiện diện giữa loài người.

Hơn nữa, chính trong đường lối của nhiệm cục các dấu này, cho dầu bên ngoài lãnh vực bí tích, "nữ tính", sống theo kiễu mẫu Ðức Maria, không được coi thường. Thật vậy, trong "nữ tính" của người nữ tín hữu, và cách riêng của người nữ "thánh hiến", có một thứ "lời ngôn sứ" tự tại (x. Mulieris dignitatem, n. 29), một biểu trưng khơi động mạnh, người ta có thể nói "một đặc tính hình ảnh" có thai, đặc tính thực hiện đầy đủ nơi Ðức Maria và diễn tả đúng chính hữu thể của Giáo Hội với tư cách là cộng đồng thánh hiến, trong sự tràn trề của một con tim "đồng trinh", để làm "Hiền Thê" của Chúa Kitô và "Mẹ" của các tín hữu. Trong viễn ảnh bổ sung "hình ảnh" của những vai trò nam và nữ, có hai chiều kích không thể phân ly của Giáo Hội càng hiện ra ánh sáng hơn nữa: nguyên lý "Maria" và nguyên lý "tông đồ và Phêrô" (x. ibid, n.27).

Trong lãnh vực bao la này của việc phục vụ, lịch sử Giáo Hội, qua hai ngàn năm, mặc dầu với bao nhiêu qui định, thật sự đã biết "thiên tài người nữ", vì đã thấy xuất hiện trong lòng mình những người nữ hàng đầu, họ đã để lại một dấu tích quan trọng và tốt lành về chính mình, trong những thời đại khác nhau. Tôi nghĩ tới đoàn dài những người nữ tử đạo, những thánh nữ, những dấu hiệu thần bí. Cách riêng tôi nghĩ tới thánh Catarina thành Siênna, thánh Têrêsa Avila, những vị thánh được đức Giáo Hoàng Phaolô VI ban cho tước hiệu Tiến sĩ Giáo Hội. Và làm sao không nhắc tới vô số người nữ, do đức tin khích động, đã hiến đời mình cho những sáng kiến có ích lạ lùng cho xã hội, cách riêng để phục vụ những kẻ nghèo nhất ?

Tương lai Giáo Hội trong ngàn năm thứ ba chắc sẽ thấy xuất hiện những biểu thị mới mẽ và đáng ca ngợi của "thiên tài nữ giới".

12. Thưa chị em quí mến, chị em thấy Giáo Hội có nhiều lý do để ước muốn rằng, trong kỳ Hội Nghị sắp tới do Liên Hiệp Quốc tổ chức tại Bắc Kinh, người ta đưa ra ánh sáng chân lý trọn vẹn về người nữ. Ước gì người ta tán dương thật sự "thiên tài người nữ", lưu ý không những tới các người nữ quan trọng và danh tiếng, đã sống thời quá khứ hay còn đồng thời với chúng ta, nhưng cũng lưu tâm tới các người nữ bình thường, những người phát triển tài năng phụ nữ của mình để phục vụ những kẻ khác trong cái tầm thường hằng ngày !

Thật vậy, chính lúc hiến mình cho kẻ khác trong đời sống mỗi ngày mà người nữ thực hiện ơn gọi sâu xa của sự sống mình, người nữ đó thấy người nam, có lẽ còn hơn người nam, bởi vì người nữ đó thấy người nam với con tim. Người nữ đó thấy người nam mà không quan tâm tới những hệ thống khác biệt ý thức hệ hay chính trị.

Người nữ đó thấy người nam với sự cao cả và những hạn chế của người nam, và người nữ đó tìm đến gặp người nam và làm trợ tá cho họ. Bằng cách đó, trong lịch sử nhân loại, được thực hiện chương trình cơ bản của Ðấng Sáng Tạo và xuất hiện không thôi, trong vẻ khác biệt các ơn gọi, sự tốt đẹp - không những thể lý mà còn thiêng liêng - mà Thiên Chúa đã ban phát từ đầu cho tạo vật nhân bản và cách riêng cho người nữ.

Ðang khi tôi phó thác cho Thiên Chúa trong kinh nguyện, hậu quả tốt đẹp của cuộc gặp gỡ quan trọng tại Bắc Kinh, tôi kêu mời các cộng đồng Giáo Hội lấy năm nay làm thời gian cảm tạ sâu sắc ơn Ðấng Sáng Tạo và Ðấng Cứu Thế, vì tặng phẩm của một tài sản to lớn như là nữ tính; trong những biểu lộ đa dạng của nó, nữ tính thuộc về gia sản cấu tạo của nhân loại và của Giáo Hội.

Xin Ðức Maria, Nữ Vương tình yêu, chăm sóc các người nữ và sứ mệnh của họ trong việc phục vụ nhân loại, hoà bình, và sự truyền bá Nước Chúa !

Với sự chúc lành của tôi.

Từ Vatican, ngày 29 tháng 6 năm 1995, ngày lễ trọng kính Hai Thánh Tông Ðồ Phêrô và Phaolô.

Gioan-Phaolô II PP

Lm. Phêrô Nguyễn Quang Sách chuyển ngữ 

 


Văn Kiện Giáo Hội