Lời tuyên bố chung của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô và của Đức Thượng phụ Kyrill nhân cuộc gặp gỡ giữa hai vị tại Havanna, Cu-ba, ngày 12.02.2016

 

Nguyện xin ân sủng của Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, Tình Yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em!“ (2Cr 13,13).

1.Nhờ vào Thánh Ý Thiên Chúa Cha mà từ Ngài phát xuất mọi ân huệ, nhân danh Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, và với ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần - Đấng An Ủi -, hôm nay chúng tôi – Đức Thánh Cha Phan-xi-cô và Đức Thượng Phụ Kyrill của Mát-cơ-va và của toàn nước Nga – đã gặp nhau tại Havanna. Chúng tôi tạ ơn Chúa, Đấng được tôn kính trong Ba Ngôi, về cuộc gặp gỡ này. Đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên trong lịch sử.

Với niềm vui và trong Đức Tin Ki-tô giáo, chúng tôi đã cùng đến với nhau trong tư cách là những người anh em, để gặp gỡ nhau và để nói chuyện thân mật với nhau (xc. 2Ga 12), từ con tim tới con tim, và để thảo luận về những mối tương quan hỗ tương giữa các Giáo hội, về những vấn đề chính của các tín hữu chúng ta, và về những viễn tượng nhằm phát triển nền văn minh nhân loại.

2.Cuộc gặp gỡ huynh đệ của chúng tôi đã diễn ra tại Cu-ba, điểm giao thoa giữa Bắc và Nam cũng như giữa Đông và Tây. Từ quốc đảo này, biểu tượng cho niềm hy vọng về một „thế giới mới“ và về những biến cố bi ai trong suốt lịch sử của thế kỷ 20, chúng tôi xin hướng những lời sau đây của chúng tôi đến tất cả các dân tộc Mỹ Châu La-tinh cũng như đến toàn thể các dân tộc thuộc các Châu lục khác.

Chúng tôi lấy làm vui mừng vì Đức Tin Ki-tô giáo đang phát triển tại đây trong cách thức đầy năng động. Tiềm năng tôn giáo mạnh mẽ của Mỹ Châu La-tinh, và truyền thống Ki-tô giáo lâu đời của nó, mà truyền thống ấy đang được diễn tả trong kinh nghiệm cá nhân của hằng triệu người, chính là sự bảo đảm cho một tương lai to lớn đối với khu vực này.

3.Vì chúng tôi gặp gỡ nhau để tách mình ra xa những tranh cãi cũ kỹ của „thế giới cũ“, nên, với sự nhấn mạnh đặc biệt, chúng tôi cảm thấy cần phải có một sự cộng tác chung giữa Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính thống, đó là những Giáo hội đang được kêu gọi, để với sự dịu hiền và niềm kính trọng, giải thích cho thế giới biết về niềm hy vọng mà nó đang lấp đầy chúng ta (xc. 1Pr 3,15).

4.Chúng ta hãy tạ ơn Chúa về những hồng ân mà chúng ta đã được đón nhận nhờ vào cuộc giáng thế của Người Con Duy Nhất của Ngài. Chúng ta đã chia sẻ một truyền thống tinh thần chung của Ki-tô giáo trong thiên niên kỷ thứ nhất. Những chứng nhân của truyền thống này chính là Thân Mẫu rất Thánh của Thiên Chúa – Đức Trinh Nữ Maria -, và các vị Thánh mà chúng ta vẫn hằng tôn kính. Trong số các Ngài cũng có vô vàn các vị Tử Đạo, tức những vị đã làm chứng cho sự tín trung của các Ngài với Chúa Ki-tô, và đã trở nên „những hạt giống của các Ki-tô hữu“.

5.Bất chấp truyền thống chung của thiên niên kỷ đầu tiên ấy, từ khoảng một ngàn năm nay, những người Công giáo và những người Chính thống đã bị tước đi mất sự hiệp thông trong Bí Tích Thánh Thể. Chúng ta đang bị chia tách thông qua những vết thương mà chúng bị gây ra bởi những cuộc xung đột trong quá khứ xa hay gần, bởi những mâu thuẫn được thừa kế từ những thế hệ đi trước trong sự hiểu biết và trong sự thực hành Đức Tin của chúng ta vào Thiên Chúa, một trong Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chúng ta tiếc thương trước việc đánh mất sự hiệp nhất như là hậu quả của những yếu đuối và tội lỗi của con người, mà sự hiệp nhất ấy đã bị giày xéo, bất chấp lời cầu nguyện của Chúa Ki-tô, Linh mục Thượng Phẩm và là Đấng Cứu Độ: „Xin cho tất cả nên một, như, lạy Cha, Cha ở trong con và con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta“ (Ga 17,21).

6.Trong niềm ý thức rằng, muôn vàn những rào cản vẫn còn đang tồn tại, nhưng chúng ta cũng hy vọng rằng, cuộc gặp gỡ của chúng tôi sẽ có thể góp phần khôi phục sự hiệp nhất mà Thiên Chúa rất mong muốn, và chính Chúa Giê-su đã cầu nguyện cho sự hiệp nhất ấy. Ước chi cuộc gặp gỡ của chúng tôi sẽ gợi hứng cho tất cả các Ki-tô hữu trên toàn thế giới, để với niềm hăng hái mới, cầu xin cùng Thiên Chúa, xin Ngài ban ơn hiệp nhất trọn vẹn cho tất cả các môn đệ của Ngài. Trong một thế giới mà nó đang chờ đợi từ nơi chúng ta không chỉ những lời nói nhưng còn mong chờ cả những hành động cụ thể nữa, ước chi cuộc gặp gỡ này sẽ trở nên một dấu chỉ của niềm hy vọng đối với tất cả những ai thành tâm thiện chí!

7.Với sự kiên quyết của chúng tôi trong việc thực hiện tất cả những gì cần thiết để vượt thắng những mâu thuẫn mà chúng ta đã phải kế thừa từ lịch sử, chúng tôi muốn hiệp nhất những nỗ lực của mình để làm chứng cho Tin Mừng của Chúa Ki-tô, cũng như làm chứng cho di sản chung của Giáo hội thuộc thiên niên kỷ đầu tiên, và cùng nhau trả lời cho những thách đố của thế giới hiện tại. Người Chính thống và người Công giáo phải học, trong các lãnh vực, bất cứ những gì có thể và cần thiết, để đưa ra một chứng tá có tính đồng tâm nhất trí cho chân lý. Nền văn minh nhân loại đã bước vào một giai đoạn thay đổi có tác động mạnh mẽ. Lương tâm Ki-tô giáo và trách nhiệm mục vụ của chúng tôi không cho phép chúng tôi ngồi lỳ ra đó khi tận mắt chứng kiến những thách đố mà chúng đang đòi hỏi phải có một câu trả lời chung.

8.Sự chú ý của chúng ta phải đặc biệt hướng về những khu vực trên thế giới mà tại đó các Ki-tô hữu đang là nạn nhân của sự bách hại. Tại nhiều quốc gia thuộc khu vực Trung Cận Đông cũng như thuộc khu vực Bắc Phi, nhiều gia đình, làng mạc và toàn bộ tình trạng cuộc sống của những người anh em và chị em chúng ta trong chúa Ki-tô, đang bị dập tắt hoàn toàn. Các ngôi Thánh Đường của họ đã bị tàn phá và bị cướp phá một cách tàn bạo; những đồ phượng tự của họ đã bị tục hóa và các đài tưởng niệm của họ đã bị phá hủy. Tại Syria, Irak và tại những quốc gia khác thuộc vùng Trung Cận Đông, chúng tôi nhận thấy với nỗi đớn đau, một sự di dân khổng lồ của các Ki-tô hữu. Họ đang đi ra khỏi vùng mà tại đó Đức Tin của chúng ta đã bắt đầu lan rộng từ xa xưa, và đó là nơi mà họ đã sống chung cùng với các cộng đồng tôn giáo khác từ thời các Tông Đồ.

9.Chúng tôi yêu cầu cộng đồng quốc tế hãy hành động một cách khẩn trương để ngăn ngừa một cuộc trục xuất có tính rộng lớn nhắm vào các Ki-tô hữu tại vùng Trung Đông. Khi chúng tôi cất cao giọng nói để bảo vệ các Ki-tô hữu đang bị bách hại, thì đồng thời chúng tôi cũng muốn bày tỏ sự cảm thông của chúng tôi với những nỗi khổ đau mà các thành viên của các truyền thống tôn giáo khác cũng đang phải trải qua, mà về phía mình, họ đã và đang trở thành nạn nhân của các cuộc nội chiến, của sự hỗn loạn và của bạo lực khủng bố.

10.Tại Syria và tại Irak, bạo lực đã cướp đi mạng sống của hàng ngàn người, cũng như đã khiến cho hàng triệu người phải rơi vào cảnh màn trời chiếu đất và không thực phẩm cũng không thuốc men. Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy hiệp nhất lại với nhau để làm cho bạo lực và khủng bố phải chấm dứt, và đồng thời, thông qua sự đối thoại, góp phần đưa đến một sự tái khôi phục nền hòa bình nội tại. Việc sẵn sàng cung cấp một sự trợ giúp nhân đạo trong phạm vi rộng lớn đối với những cư dân đang bị đau khổ hành hạ cũng như đối với rất nhiều những người tị nạn tại những quốc gia giáp giới, chính là một công việc quan trọng và đang rất khẩn thiết.

Chúng tôi yêu cầu tất cả những ai mà họ có thể sử dụng sự ảnh hưởng của mình trên số phận của những người bị bắt cóc, mà trong số những người bị bắt cóc đó, có các Đức Tổng Giám Mục Aleppo Pavlos và Yohanna Ibrahim, các Ngài đã bị bắt cóc suốt từ hồi tháng 04 năm 2013 tới giờ, hãy thực hiện tất cả những gì cần thiết và có thể để họ được giải phóng ngay tức khắc.

11.Trong lời cầu nguyện của mình, chúng tôi khẩn nài Chúa Ki-tô, Đấng Cứu Độ thế giới, xin Ngài tái hồi phục nền hòa bình tại vùng Trung Cận Đông, mà nền hòa bình đó chính là „công trình của Đức Công Chính“ (Is 32,17), hầu cho cuộc sống chung huynh đệ giữa các nhóm dân cư, giữa các Giáo hội và giữa các tôn giáo được gia tăng tại đó, cũng như để cho những người tị nạn có thể quay trở về với nhà cửa ruộng vườn của họ; những người bị gây tổn thương tái bình phục, và linh hồn của những người bị sát hại cách vô tội tìm thấy được sự nghỉ yên muôn đời.

Chúng tôi xin hướng một lời kêu gọi khẩn thiết tới tất cả các đảng phái mà có thể họ đang vướng vào trong những cuộc xung đột, xin họ hãy chứng tỏ sự thiện chí của mình, cũng như hãy ngồi vào bàn đàm phán. Đồng thời, việc cộng đồng quốc tế thực hiện tất cả những nỗ lực có thể, với sự trợ giúp đến từ những hoạt động chung, thống nhất và được tán thành, hầu chấm dứt chủ nghĩa khủng bố, đó là điều đang rất cần thiết. Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia mà họ đang liên lụy tới cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố, hãy hành động trong một cách thức đầy trách nhiệm và thận trọng. Chúng tôi kêu gọi tất cả các Ki-tô hữu cũng như tất cả các tín hữu của các tôn giáo khác, hãy cầu nguyện cùng Đấng sáng tạo thế giới, với sự thiết tha, xin Ngài bảo vể thế giới thụ tạo của Ngài trước sự tiêu diệt, và xin Ngài đừng cho phép xảy ra cuộc tân thế chiến. Đối với một nền hòa bình lâu dài và chắc chắn, thì những nỗ lực đặc biệt cần phải được khuyến khích và thúc đẩy, mà những nỗ lực đó được hướng tới chỗ tái khám phá ra những giá trị chung cũng như những giá trị liên kết chúng ta lại với nhau, mà những giá trị đó có nền tảng của chúng trong Tin Mừng của Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.

12.Chúng tôi cung kính cúi mình trước sự Tử Đạo của những vị đã làm chứng cho chân lý của Tin Mừng bằng chính giá sự sống của mình, và đã yêu thích cái chết hơn là việc phủ nhận Đức Tin vào Chúa Ki-tô. Chúng tôi tin rằng, các vị Tử Đạo của thời đại chúng ta, mà các Ngài thuộc về những Giáo hội khác nhau, nhưng được kết hiệp trong nỗi khổ đau chung, chính là một sự bảo đảm, một sự thế chấp cho sự hiệp nhất của các Ki-tô hữu. Hỡi những anh chị em đang phải đau khổ vì Chúa Ki-tô, lời sau đây của Thánh Tông Đồ muốn được dành cho anh chị em: „Anh chị em thân mến, anh chị em đang bị lửa thử thách: đừng ngạc nhiên mà coi đó như một cái gì khác thường xảy đến cho anh chị em. Được chia sẻ những đau khổ của Đức Ki-tô bao nhiêu, anh chị em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh chị em sẽ cùng được vui mừng hoan hỷ“ (1Pr 4,12-13).

13.Trong thời đại đang gây nhiều lo lắng này, việc đối thoại liên tôn là điều vô cùng cần thiết. Những khác biệt trong sự hiểu biết về các chân lý tôn giáo không được phép ngăn cản con người thuộc các tín ngưỡng khác nhau sống trong sự hòa bình và trong sự đồng tâm nhất trí. Trước những sự việc hiện tại, các nhà lãnh đạo của các cộng đồng tôn giáo có trách nhiệm đặc biệt trong việc giáo dục các tín hữu của mình để các tín hữu sống một tinh thần đầy kính trọng đối với những xác tín của những người thuộc các truyền thống tôn giáo khác. Tuyệt đối không thể chấp nhận việc biện minh cho những hành vi tội ác với khẩu hiệu tôn giáo. Không có bất cứ tội ác nào có thể bị vi phạm nhân danh Thiên Chúa, „vì Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa gây hỗn loạn, nhưng là Thiên Chúa tạo bình an“ (1Cor 14,33).

14.Trong khi chúng tôi khẳng định giá trị cao cả của sự tự do tôn giáo, chúng tôi tạ ơn Thiên Chúa về sự canh tân chưa từng có của Đức Tin Ki-tô giáo mà nó đang diễn ra tại nước Nga cũng như tại nhiều quốc gia Châu Âu, mà tại đó chế độ vô thần đã thống trị trong nhiều thập niên. Ngày nay, những sợi xích của chủ nghĩa vô thần đấu tranh đã bị đập vỡ, và các Ki-tô hữu có thể tự do tuyên xưng Đức Tin của mình tại nhiều nơi. Trong một phần tư thế kỷ, hàng ngàn ngôi Thánh Đường mới đã được kiến thiết, cũng như hàng trăm Tu Viện và hàng trăm trường đạo tạo Thần Học đã được khai mở. Các cộng đồng Ki-tô hữu đang thúc đẩy một hoạt động quan trọng, đó là hoạt động Caritas và xã hội, bằng cách là họ giới thiệu cho những người túng thiếu những sự hỗ trợ đa dạng. Những người Chính thống và những người Công giáo thường xuyên làm việc cùng nhau. Họ chứng nhận cho những nền tảng linh đạo chung đang hiện hữu, và làm chứng cho các giá trị của Tin Mừng.

15.Đồng thời, chúng tôi đang bị gây lo lắng về tình trạng tại nhiều quốc gia mà trong những quốc gia ấy, các Ki-tô hữu càng ngày càng phải đối diện một cách thường xuyên hơn với một sự hạn chế quyền tự do tôn giáo, hạn chế quyền bày tỏ niềm tin riêng của mình, cũng như hạn chế khả năng sống tương ứng với những quyền ấy. Chúng tôi nhận thấy cách đặc biệt rằng, việc biến một số quốc gia thành những xã hội bị quốc hữu hóa, mà những xã hội ấy đang đứng xa mối tương quan với Thiên Chúa và với chân lý của Ngài, đang diễn tả một mối đe dọa nặng nề tới sự tự do tôn giáo. Gốc rễ dẫn tới sự lo lắng đối với chúng ta chính là sự hạn chế những quyền lợi hiện tại của các Ki-tô hữu, ngay cả khi không có một sự kỳ thị hoàn toàn đối với họ, khi những thế lực chính trị nào đó được dẫn dắt bởi một ý thức hệ của một chủ nghĩa quốc hữu hóa thường mang tính hủy hoại rất lớn, nhằm cố gắng đẩy họ ra bên lề cuộc sống công cộng.

16.Quá trình hội nhập Châu Âu đã được bắt đầu sau nhiều thế kỷ với những cuộc xung đột đẫm máu, đang được đón nhận bởi nhiều người với niềm hy vọng, như một bảo đảm cho hòa bình và cho sự an ninh. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn muốn mời gọi tất cả mọi người hãy coi chừng trước một sự hội nhập không tôn trọng căn tính tôn giáo. Ngay cả khi chúng ta mở ra cho sự đóng góp của các tôn giáo khác cho nền văn hóa của chúng ta, thì chúng ta cũng vẫn xác tín rằng, châu Âu phải trung tín với cội nguồn Ki-tô giáo của mình. Chúng tôi xin các Ki-tô hữu, cả ở Đông lẫy Tây Âu, hãy hiệp nhất với nhau trong sự cùng làm chứng cho Chúa Ki-tô và cho Tin Mừng, để Châu Âu luôn bảo vệ tâm hồn của mình, tức tâm hồn mà nó đã hình thành nên truyền thống Ki-tô giáo trong suốt hai nghìn năm qua.

17.Chúng tôi hướng cái nhìn về những con người đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn to lớn, họ đang phải sống dưới những điều kiện thiếu thốn và nghèo túng đến cùng cực, trong khi sự giầu có về vật chất của nhân loại lại đang gia tăng. Chúng ta không thể thờ ơ lãnh đạm đối với số phận của hằng triệu người di cư và tị nạn mà họ đang gõ cửa các quốc gia giầu có. Sự tiêu thụ không kiềm chế như người ta nhìn thấy nó đang diễn ra tại một số quốc gia đã phát triển nhất, đang dần dần bắt đầu tiêu sạch hết mọi tài nguyên khoáng sản của trái đất. Sự mất cân đối đang ngày một tăng trong việc phân chia những tài sản thế trần đang đẩy cao một ấn tượng về sự bất công đối với hệ thống đã phát triển của các mối quan hệ quốc tế.

18.Tất cả các Giáo hội Ki-tô đều được kêu gọi hãy bảo vệ những đòi hỏi của công lý, hãy bênh vực sự kính trọng trước các truyền thống của các dân tộc cũng như bảo vệ một tình liên đới đích thực đối với tất cả những người khổ đau. Những người Ki-tô hữu chúng ta không được phép quên rằng, Thiên Chúa đã tuyển chọn những kẻ dại khờ trong thế giới để làm cho những kẻ khôn ngoan phải bẽ bàng. Thiên Chúa đã tuyển chọn sự yếu đuối trong thế giới để làm hư sự mạnh mẽ. Thiên chúa đã tuyển chọn những người hèn hạ và những người bị khinh thường: đó là những kẻ chẳng là gì, để hủy diệt những kẻ là một cái gì đó, để không ai có thể khoe khoang trước mặt Thiên Chúa (xc. 1Cor 1,27-29).

19.Gia đình chính là trung tâm tự nhiên của cuộc sống nhân loại cũng như của xã hội. Chúng ta đang bị gây lo lắng về cuộc khủng hoảng gia đình tại nhiều quốc gia. Giáo hội Chính thống và Giáo hội Công giáo chia sẻ cùng một quan điểm về gia đình. Cả hai Giáo hội đều được kêu gọi để làm chứng rằng, gia đình chính là một con đường dẫn tới sự thánh thiện, con đường ấy được diễn tả trong sự chung thủy của các cặp vợ chồng trong các mối tương quan của họ đối với nhau, trong sự mở ra của họ đối với con cái và đối với việc dưỡng dục con cái, trong tình liên đới giữa những thế hệ, và trong sự kính trọng trước những người yếu đuối nhất.

20.Gia đình được đặt nền trên đời sống hôn nhân, trên hành vi Tình Yêu tự do và trung tín của một người chồng và một người vợ. Tình Yêu chứng thực cho sự kết hợp của họ và dậy họ biết đón nhận nhau như một ân ban. Hôn nhân chính là một ngôi trường của Tình Yêu và sự chung thủy. Chúng tôi cảm thấy đáng tiếc rằng, những hình thức khác của đời sống chung đang dần dần được đặt trên cùng một cấp với sự kết hợp này, trong khi quan điểm được thánh hóa nhờ vào truyền thống Thánh Kinh về tình cha và tình mẹ như là ơn gọi đặc biệt của người chồng và người vợ trong đời sống hôn nhân lại đang bị loại ra khỏi niềm ý thức chung của công chúng.

21.chúng tôi xin tất cả mọi người hãy kính trọng quyền bất khả xâm phạm trên sự sống. Hàng triệu em bé đã và đang bị khước từ khả năng được sinh ra. Máu của những em bé không được sinh ra đang kêu thấu tới Thiên Chúa (xc. St 4,10).

Sự phát triển của cái gọi là phương pháp làm chết êm dịu đang dẫn tới chỗ là, những cụ già và những bệnh nhân sẽ bắt đầu cảm thấy mình như là một gánh nặng quá mức đối với các gia đình và xã hội nói chung.

Chúng ta cũng đang bị gây lo lắng về sự phát triển của công nghệ sinh sản y khoa sinh học, vì sự tác động đến sự sống con người là một sự tấn công nhắm vào những điều căn bản của kiếp nhân sinh mà nó được sáng tạo nên như là họa ảnh của Thiên Chúa. Chúng tôi thấy mình có bổn phận phải nhắc nhớ tới tính bất khả thay đổi của những nguyên tắc luân lý Ki-tô giáo mà chúng căn cứ trên sự kính trọng đối với phẩm giá con người, mà theo kế hoạch của Thiên Chúa, họ đã được sinh ra.

22.Ngày hôm nay chúng tôi muốn đặc biệt hướng về các Ki-tô hữu trẻ. Các bạn trẻ thân mến, các con có sứ mạng không phải để giấu giếm những tài năng của các con trên trái đất này (xc. Mt 25,25), nhưng là sử dụng tất cả mọi khả năng mà Thiên Chúa đã ban cho các con, để xác nhận trong thế giới về những chân lý của Chúa Ki-tô, và thể hiện trong đời sống các con giới luật yêu mến Thiên Chúa và thương yêu tha nhân mà nó đã được neo chặt trong Tin Mừng. Các con đừng sợ hãi trước việc bơi ngược dòng khi các con bênh vực chân lý của Thiên Chúa, mà những nguyên tắc của thế giới ngày nay tuyệt đối không luôn luôn thích ứng với chân lý ấy.

 

23.Thiên Chúa yêu thương các con và chờ đợi từ mỗi người trong các con rằng, các con sẽ trở thành những môn đệ và những tông đồ của Ngài. Các con hãy trở thành ánh sáng cho thế giới, để những người đang sống xung quanh các con nhìn vào những công việc tốt lành của các con mà ngợi khen Cha các con trên trời (xc. Mt 5,14.16). Hãy giáo dục con cái của các con trong Đức Tin Ki-tô giáo, hãy tiếp tục trao lại cho con cái mình viên ngọc quý giá của Đức Tin (xc. Mt 13,46), đó là viên ngọc mà các con đã nhận lãnh từ cha mẹ và từ những bậc tổ tiên của các con. Các con hãy nhớ rằng: „Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lại các con“ (1Cor 6,20), tức với giá sự chết trên Thập Giá của Con Thiên Chúa, Chúa Giê-su Ki-tô.

24.Giáo hội Chính thống và Giáo hội Công giáo được liên kết với nhau không phải chỉ thông qua truyền thống chung của Giáo hội trong suốt một ngàn năm đầu tiên, nhưng cũng còn nhờ vào sứ mạng công bố Tin Mừng Chúa Ki-tô trong thế giới hôm nay. Sứ mạng này chứa đựng sự tôn trọng lẫn nhau đối với các thành viên của các cộng đoàn Ki-tô hữu, và loại trừ bất cứ hình thức nào của chủ nghĩa lôi kéo tín đồ của nhau.

Chúng ta không phải là những đối thủ của nhau, nhưng là những người anh chị em của nhau, và tất cả những công việc mà chúng ta thực hiện cho nhau, cũng như những công việc đối với thế giới bên ngoài, đều phải được thực hiện từ sự trình bày đó. Chúng tôi kêu gọi những người Công giáo và những người Chính thống thuộc mọi quốc gia hãy học hỏi lẫn nhau, để sống trong hòa bình, trong Đức Ái và trong „sự đồng tâm nhất trí“ (Rom 15,5). Và do đó, người ta không được phép để xảy ra chuyện những phương tiện bất lương lại được sử dụng để khuyến khích các tín hữu bỏ Giáo hội này để gia nhập Giáo hội khác, và như thế, sự tự do tôn giáo và các truyền thống của họ sẽ bị phủ nhận. Chúng ta được kêu gọi hãy hành động theo nguyên tắc của Thánh Phao-lô Tông Đồ: „Nhưng tôi chỉ có tham vọng là loan báo Tin Mừng ở những nơi người ta chưa được nghe nói đến danh Đức Ki-tô. Tôi làm thế vì không muốn xây dựng trên nền móng người khác đã đặt“ (Rm 15,20).

25.Chúng tôi hy vọng rằng, cuộc gặp gỡ của chúng tôi cũng góp phần thúc đẩy sự giao hòa tại những nơi đang có những mối bất hòa giữa những người Công giáo Hy-lạp và những người Chính thống Hy-lạp. Ngày hôm nay vấn đề đã trở nên sáng tỏ rằng, phương pháp „Giáo hội Đông Phương + Giáo hội Rô-ma“ của quá khứ mà nó được hiểu như là sự kết hợp một cộng đoàn này lại với cộng đoàn kia nhờ vào sự tách ra khỏi Giáo hội của mình, không phải là một cách thức tạo điều kiện cho việc tái hồi phục sự hiệp nhất. Nhưng các cộng đoàn Giáo hội đã phát sinh dưới những hoàn cảnh lịch sử này, vẫn có quyền hiện hữu và thực hiện tất cả những gì cần thiết để đáp ứng những đòi hỏi tinh thần của các tín hữu thuộc cộng đoàn mình, đồng thời cố gắng sống trong sự hòa bình với những người bà con láng giềng của mình. Những người Chính Thống và những người Công giáo Hy-lạp cần giao hòa với nhau và tìm ra những hình thức sống chung mà chúng thích hợp với cả đôi bên.

26.Chúng tôi cảm thấy đáng tiếc về cuộc chiến tại Ucraina mà nó đã lấy đi rất nhiều mạng sống, gây ra vô vàn những thương tổn cho những cư nhân yêu chuộng hòa bình, và đẩy xã hội vào một cuộc khủng hoảng nặng nề về kinh tế và nhân đạo. Chúng tôi mời gọi tất cả các đảng phái đang gây xung đột với nhau hãy cẩn thận và hãy thể hiện tình liên đới xã hội, cũng như hãy hành động để kiến tạo hòa bình. Chúng tôi mời gọi các Giáo hội của chúng tôi tại Ucraina hãy làm việc để đạt được sự đồng tâm nhất trí trong cộng đồng xã hội, hầu tự kiềm chế trước việc tham gia vào cuộc chiến, và không hỗ trợ một sự phát triển tiếp theo của cuộc xung đột.

27.Chúng tôi hy vọng rằng, sự bất hòa trong các Giáo hội giữa các tín hữu Chính thống tại Ucraina, sẽ có thể được thắng vượt dựa trên nền tảng của nguyên tắc kinh điển đang hiện hữu, đến độ tất cả các Ki-tô hữu của Giáo hội Chính thống tại Ucraina đều sống trong hòa bình và trong sự đồng tâm nhất trí, và các cộng đoàn Công giáo của quốc gia này cũng sẽ góp phần hầu làm cho tình huynh đệ Ki-tô hữu của chúng ta ngày càng trở nên rõ ràng và hiển nhiên hơn.

28.Trong một thế giới đa dạng, nhưng được thống nhất nhờ vào một sự xác định chung của thời đại hôm nay, người Công giáo và người Chính thống được kêu gọi hãy cộng tác một cách huynh đệ trong công cuộc loan báo Tin Mừng, và cùng làm chứng cho những giá trị luân lý cũng như cho sự tự do đích thực, „để thế giới tin“ (Ga 17,21). Thế giới này, mà trong đó những cột trụ tinh thần của đời sống nhân loại đang bị khuất dạng trong mức độ ngày càng nhiều, đang chờ đợi từ nơi chúng ta một chứng tá Ki-tô giáo mạnh mẽ trong tất cả mọi lãnh vực của đời sống cá nhân cũng như xã hội. Tương lai của nhân loại đang phụ thuộc phần lớn vào khả năng của chúng ta trong việc cùng làm chứng trong những thời điểm đầy khó khăn này.

29.Trong chứng tá gan dạ này cho chân lý của Thiên Chúa và cho Tin Mừng, ước gì Đức Giê-su Ki-tô – vị Chúa + Người -, Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ của chúng ta, Đấng củng cố chúng ta bằng lời hứa không hề lừa dối của Ngài: „Anh em đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em“ (Lc 12,32) sẽ hỗ trợ chúng ta!

Chúa Ki-tô chính là nguồn mạch của mọi niềm vui và hy vọng. Đức Tin vào Ngài sẽ biến đổi cuộc sống con người, và làm cho cuộc sống ấy tràn đầy ý nghĩa. Tất cả đều có thể được chứng thực bởi điều đó thông qua những kinh nghiệm riêng mà người ta có thể liên hệ đến những lời của Thánh Phê-rô Tông Đồ: „Xưa kia anh em chưa phải là một dân, nay anh em đã là dân của Thiên Chúa; xưa kia anh em chưa được hưởng Lòng Thương Xót, nay anh em đã được xót thương“ (1Phr 2,10).

30.Được ngập tràn với niềm tạ ơn vì hồng ân hiểu biết lẫn nhau được diễn tả trong cuộc gặp gỡ của chúng tôi, và tràn đầy niềm biết ơn, chúng tôi nhìn về Mẹ Thiên Chúa Chí Thánh và kêu xin Mẹ bằng một lời Kinh cổ kính này: „Chúng con đến trú ẩn dưới sự bao bọc chở che và dưới bóng Mẹ, ôi lạy Mẹ Thiên Chúa Chí Thánh“. Nhờ lời cầu bầu của Mẹ, ước gì Đức Trinh Nữ Maria rất Thánh sẽ khích lệ tất cả những ai tôn kính Mẹ, sống tình huynh đệ, để vào một thời điểm được Thiên Chúa ấn định, họ sẽ được hiệp nhất trong một dân duy nhất của Thiên Chúa, trong bình an và trong sự đồng tâm nhất trí, hầu tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh và không thể tách rời!

 

Havanna, Cu-ba ngày 12 tháng 02 năm 2016

 

Đức Thánh Cha Phan-xi-cô

Giám Mục Rô-ma, Giáo Hoàng của Giáo hội Công giáo.

 

Và Đức Thượng Phụ Kyrill I

Thượng Phụ Giáo chủ Mát-cơ-va và toàn nước Nga.

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 

 


Văn Kiện Giáo Hội