Iuvenescit
Ecclesia
(Giáo
Hội Tái Sinh)
Hôm qua, ngày 14 tháng 6, 2016, Thánh Bộ Giáo
Lý Đức Tin đã cho công bố tài liệu Iuvenescit Ecclesia (Giáo Hội Tái Sinh) dưới
hình thức một lá thư, đề cập tới “mối tương quan giữa các hồng ơn phẩm trật và đặc
sủng đối với đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội”, trong đó, Thánh Bộ nhấn mạnh
rằng: “Giáo Hội ‘định chế’ không nên chống lại Giáo Hội ‘bác ái’” vì trong Giáo
Hội, “các định chế chủ yếu cũng đều có tính đặc sủng” và ‘cách này hay cách
khác, các đặc sủng phải được định chế hóa để có được sự gắn bó và liên tục”.
Sau đây là toàn văn tài liệu trên. Vũ Văn An chuyển dịch:
Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin,
Thư "Giáo Hội Tái Sinh"
Iuvenescit
Ecclesia (Giáo Hội Tái Sinh)
Gửi Các Giám Mục của Giáo Hội Công Giáo
về mối tương quan giữa các hồng ân phẩm trật
và đặc sủng đối với đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội
Nhập Đề
Các hồng ân của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội
đang thi hành sứ mệnh
1. Giáo Hội tái sinh – Iuvenescit Ecclesia
– nhờ sức mạnh của Tin Mừng, và Chúa Thánh Thần luôn canh tân Giáo Hội, qua
việc xây dựng và hướng dẫn Giáo Hội “nhờ sự đa dạng trong các hồng ân phẩm trật
và đặc sủng”.[1]
Nhiều lần, Công Đồng Vatican II đã nhấn mạnh tới công trình kỳ diệu của Chúa
Thánh Thần, Đấng thánh hóa Dân Chúa, hướng dẫn nó, trang hoàng nó bằng nhiều
nhân đức và làm nó phong phú với nhiều đặc sủng để xây dựng nó. Hành động của
Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội mang nhiều hình thức, như các giáo phụ từng nhấn
mạnh. Thánh Gioan Kim Khẩu viết rằng: “Trong tất cả các ơn phúc đang hành động
để cứu rỗi ta, có phải có một ơn duy nhất không do Chúa Thánh Thần ban cho ta
không? Nhờ Người, chúng ta vuợt qua cảnh nô lệ, được mời vào tự do, được vinh
dự nhận làm dưỡng tử của Thiên Chúa; chúng ta được tạo nên như mới, có thể nói
như thế; chúng ta trút được gánh nặng nề và đáng ghét của tộ lỗi. Chính nhờ
Chúa Thánh Thần chúng ta được thấy hợp đoàn linh mục, chúng ta có được phẩm hàm
tiến sĩ. Từ nguồn suối này, tuôn chẩy các mặc khải, các thuốc cứu chữa linh hồn
ta; sau cùng từ đó phát sinh mọi lợi điểm vốn trang hoàng Giáo Hội của Chúa”.[2]
Việc hiểu biết hành động đa dạng của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội mỗi ngày
mỗi tăng gia một cách tốt đẹp nhờ chính đời sống của Nhiệm Thể Chúa Kitô, nhờ
rất nhiều can thiệp của Huấn Quyền và việc nghiên cứu thần học. Nhờ đó, sự hiểu
biết này đã thôi thúc chúng ta đặc biệt lưu tâm tới các hồng ân đặc sủng, mà
dân Chúa vốn được làm giầu bất cứ ở thời nào nhằm chu toàn sứ mệnh của mình.
Loan báo Tin Mừng một cách hữu hiệu là một
trách vụ đặc biệt khẩn trương đối với thời đại ta. Trong Tông Huấn Niềm
Vui Tin Mừng, Đức Thánh Cha đã nhắc nhở rằng “Nếu có điều gì cần phải làm
chúng ta bận tâm cách thánh thiện và làm lương tâm ta quan ngại thì điều đó
chính là: anh em ta phải sống mà không có sức mạnh, không có ánh sáng và niềm
an ủi do tình bạn của Chúa Giêsu Kitô mang tới, không có một cộng đồng đức tin
chào đón họ, không có chân trời ý nghĩa và sự sống”.[3]
Lời kêu gọi trở thành một Giáo Hội “ra đi” [4]
cung cấp cho ta một cơ hội để đọc lại trọn bộ cuộc sống Kitô hữu theo cái nhìn
sai đi. Trách vụ truyền giảng Tin Mừng liên quan tới mọi lãnh vực của Giáo Hội:
mục vụ thông thường, công bố cho những ai đã từ bỏ đức tin Kitô Giáo và, cách
riêng, cho những người chưa bao giờ tiếp nhận Tin Mừng của Chúa Giêsu hay cho
những người luôn luôn bác bỏ nó.[5]
Trong sự cấp thiết của một cuộc tân phúc âm hóa này, điều cần hơn bao giờ hết
là phải thừa nhận và đánh giá cao rất nhiều đặc sủng, có thể khơi dậy và nuôi
dưỡng đời sống đức tin của dân Chúa.
Các hiệp hội Giáo Hội đa dạng
2. Rất nhiều hiệp hội Giáo Hội đã phát sinh
trước và sau Công Đồng Vatican II; các hiệp hội này tạo nên một nguồn canh tân
quan trọng cho Giáo Hội và cho “việc hoán cải có tính mục vụ và truyền giáo” [6]
rất khẩn thiết đối với toàn bộ đời sống Giáo Hội. Thêm vào giá trị và sự phong
phú của mọi tổ chức vốn có xưa nay, mỗi tổ chức có những mục tiêu chuyên biệt
của họ, cũng như của các Viện Đời Sống Thánh Hiến và các Hội Đời Sống Tông Đồ,
ta còn có những thực tại mới gần đây này mà ta có thể mô tả như các hiệp hội
của tín hữu, các phong trào Giáo Hội, và các cộng đồng mới. Tài liệu này suy tư
về các thực tại vừa nói. Ta không thể hiểu chúng một cách đơn giản như một hiệp
hội tự nguyện gồm những người muốn theo đuổi một mục tiêu xã hội hay tôn giáo
đặc thù. Đặc điểm “phong trào” phân biệt chúng trong cảnh vực Giáo Hội như
những thực tại hết sức năng động. Chúng có khả năng lôi kéo người ta một cách
đặc biệt vào Tin Mừng và đưa ra một đề xuất đối với lối sống Kitô Giáo; đề xuất
này, với tầm nhìn có tính hoàn cầu từ trong căn bản, đụng đến mọi khía cạnh của
nhân sinh. Việc tụ tập các tín hữu thành nhóm, với một cuộc sống chung chia sẻ
mọi sự nhằm củng cố đời sống đức tin, đức cậy và đức mến này nói lên đầy đủ
tính năng động của Giáo Hội như mầu nhiệm hiệp thông để truyền giáo, và tự biểu
hiện mình như dấu chỉ sự hợp nhất của Giáo Hội trong Chúa Kitô. Theo nghĩa này,
các hiệp hội Giáo Hội phát sinh từ một đặc sủng chung có khuynh hướng nhận “mục
đích tông đồ rộng lớn của Giáo Hội” làm mục tiêu riêng của họ.[7]
Trong viễn ảnh này, các hiệp hội Giáo Hội, các phong trào Giáo Hội, và các cộng
đồng mới đề xuất nhiều hình thức đổi mới đối với việc theo chân Chúa Kitô trong
đó, communio cum Deo (việc hiệp thông với Thiên Chúa) và communio
fidelium (việc hiệp thông của các tín hữu) đã được thâm hậu hóa. Nhờ
thế, tính lôi cuốn trong cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu và vẻ đẹp của cuộc sống
Kitô hữu trong tính trọn vẹn của nó được đưa vào một bối cảnh xã hội mới mẻ.
Một hình thức truyền giáo và làm chứng đặc thù cũng được phát biểu trong thực
tế này, nhằm khuyến khích sự lớn mạnh của cả ý thức sinh động đối với ơn gọi
Kitô hữu của cá nhân lẫn những phương cách vững chắc nhằm đào luyện Kitô Giáo
cũng như sống hoàn thiện theo Tin Mừng. Theo các đặc sủng đa dạng của họ, tín
hữu có thể tham dự vào thực tại tụ họp này trong nhiều bậc sống khác nhau (tín
hữu giáo dân, thừa tác viên thụ phong và những người thánh hiến). Nhờ cách này,
họ biểu lộ sự phong phú đa dạng của hiệp thông Giáo Hội. Khả năng mạnh mẽ của
một thực tại như thế nhằm tụ họp người ta lại với nhau đã tạo nên một chứng từ
có ý nghĩa cho thấy Giáo Hội không lớn mạnh “nhờ việc cải đạo mà ‘nhờ lôi
cuốn’”.[8]
Đức Gioan Phaolô II từng nói chuyện với đại
diện các phong trào cộng đồng mới. Ngài nhìn ra nơi các phong trào này một “câu
trả lời đầy tính quan phòng” [9]
phát sinh từ Chúa Thánh Thần đối với việc cần thiết phải thông truyền Tin Mừng
cho toàn thế giới một cách thuyết phục, có xem xét tới các diễn trình thay đổi
lớn lao trong hành động ở bình diện hoàn cầu, vốn chịu ảnh hưởng nặng nề của
nền văn hóa duy tuc. Chất men của Thần Khí này “đã mang đến cho đời sống Giáo
Hội một sự mới mẻ bất ngờ, đôi lúc thậm chí có tính phá hoại”.[10]
Cũng vị giáo hoàng này đã nhắc nhớ rằng thời “chín mùi của Giáo Hội” đã tới với
tất cả các hiệp hội Giáo Hội này. Điều này bao hàm giá trị và việc hội nhập
trọn vẹn của họ “vào các Giáo Hội địa phương và vào các giáo xứ […] luôn giữ
hiệp thông với các mục tử và chăm chú nghe theo sự hướng dẫn của các ngài”.[11]
Các thực tại mới mẻ này làm trái tim Giáo Hội tràn đầy niềm vui và biết ơn, và
họ được mời gọi liên hệ một cách tích cực với mọi hồng ân khác đang hiện diện
trong đời sống Giáo Hội.
Mục đích của tài liệu này
3. Với tài liệu này, và dưới ánh sáng mối
tương quan giữa các “hồng ân phẩm trật và đặc sủng”, Bộ Giáo Lý Đức Tin có ý
định làm nổi bật các yếu tố thần học và Giáo Hội học mà việc thấu hiểu chúng sẽ
khích lệ một sự tham dự hữu hiệu và có trật tự của các hiệp hội mới vào sự hiệp
thông và vào sứ mệnh của Giáo Hội. Vì mục đích này, trước nhất, một số yếu tố
chủ chốt thuộc cả tín lý đặc sủng tìm thấy trong Tân Ước lẫn suy tư của Huấn
Quyền về các thực tại này sẽ được trình bầy. Lần lượt, dựa vào một số nguyên
tắc của thần học hệ thống, việc nhận diện các yếu tố của cả hồng ân phẩm trật
lẫn hồng ân đặc sủng sẽ được trình bầy song song với một số tiêu chuẩn để biện
phân các hiệp hội Giáo Hội mới này.
I. Các đặc sủng theo
Tân Ước
Ơn sủng và đặc sủng
4. “Đặc sủng” là lấy nguyên văn từ chữ Hy
Lạp chárisma, một chữ thường thấy trong các thư của Thánh Phaolô,
nhưng cũng xuất hiện trong thư thứ nhất của Thánh Phêrô. Chữ này đại cương có
nghĩa “ơn sủng đại lượng” và trong Tân Ước, chỉ được dùng nói tới các ơn sủng
của Thiên Chúa. Trong một số đoạn văn, bối cảnh cung cấp cho ta một ý nghĩa
chính xác hơn (xem Rm 12,6; 1Cr 12,4-31; 1Pr 4,10), mà nét căn bản là phân phối các ơn sủng cách dị biệt
hóa.[12]
Trong các ngôn ngữ hiện đại, đây cũng là ý nghĩa trổi vượt của các từ lấy từ
tiếng Hy Lạp. Không như các ơn sủng nền tảng như ơn thánh hóa hay các ơn tin,
cậy và mến, vốn cần thiết cho mọi Kitô hữu, một đặc sủng cá thể không cần phải
là một ơn ban cho mọi người (xem 1 Cr
12,30). Các đặc sủng là những ơn đặc thù được Chúa Thánh Thần ban phát “tùy ý
Người” (1Cr 12,11). Để đưa ra một
giải thích đối với sự hiện diện cần thiết của các đặc sủng khác nhau trong Giáo
Hội, hai bản văn minh nhiên nhất, Rm
12,4-8 và 1Cr 12,12-30, đã sử dụng
một so sánh với thân thể con người: “Vì cũng như trong một thân thể, ta có
nhiều bộ phận, và mọi bộ phận không có cùng một chức năng như nhau thế nào, thì
ta cũng vậy, dù là nhiều người, nhưng chúng ta chỉ là một thân thể trong Chúa
Kitô và xét từng cá thể đều là các bộ phận của nhau. Vì ta có những hồng ân
khác nhau tùy theo ơn sủng được ban cho ta, ta hãy sử dụng chúng” (Rm 12,4-6). Giữa các chi thể của thân
thể, tính đa dạng này không tạo ra một sự dị thường cần phải tránh, trái lại,
nó vừa cần thiết vừa sinh ích. Nó làm khả hữu việc chu toàn các chức năng khác
nhau đem lại sự sống. “Giả như tất cả chỉ là một thứ bộ phận, thì làm sao mà
thành thân thể được? Như thế, bộ phận tuy nhiều mà thân thể chỉ có một” (1Cr 12,19-20). Một tương quan mật thiết
giữa các đặc sủng đặc thù (charísmata) và ơn sủng (cháris) của
Thiên Chúa đã được quả quyết bởi Thánh Phaolô trong Rm 12,6 và bởi Thánh Phêrô trong thư 1Pr 4,10.[13]
Các đặc sủng được nhìn nhận như là biểu hiện của “ơn sủng đa dạng của Thiên
Chúa” (1Pr 4,10). Do đó, chúng không phải
chỉ là các khả năng nhân bản. Nguồn gốc thần thiêng của nó đã được phát biểu
nhiều cách khác nhau: theo một số bản văn, chúng phát xuất từ Thiên Chúa (xem Rm 12,3; 1Cr 12,28; 2Tm 1,6; 1Pr 4,10); theo Ep 4,7, chúng phát xuất từ Chúa Kitô; theo 1Cr 12,4-11, chúng phát xuất từ Chúa Thánh Thần. Vì đoạn văn cuối
cùng vừa rồi là đoạn văn nhấn mạnh hơn cả (nó nhắc tới Chúa Thánh Thần đến 7
lần), các đặc sủng thường được trình bầy như là “các biểu hiện của Chúa Thánh
Thần” (1Cr 12,7). Tuy nhiên, điều rõ
ràng là sự qui kết này không có tính cách độc chiếm và không mâu thuẫn với hai
qui kết trước đó. Các hồng ân của Thiên Chúa luôn bao hàm trọn bộ chân trời Ba
Ngôi, như thần học vốn quả quyết ngay từ buổi đầu, cả ở Tây Phương lẫn ở Đông
Phương.[14]
Các hồng ân ban cho “để gây ích cho mọi người”
và ưu vị của đức ái
5. Trong 1 Cr 12,7, Thánh Phaolô tuyên bố rằng
“Đối với từng cá nhân, biểu hiện của Thánh Thần đươc ban bố vì một lợi ích nào
đó”. Nhiều bản dịch thêm “vì ích lợi mọi người” [Nhóm Phụng Vụ Các Giờ Kinh: “Thần
Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung”. Bản dịch của Cha
Nguyễn Thế Thuấn cũng tương tự như thế] vì đa số các đặc sủng được Thánh Tông
Đồ nhắc đến, dù không phải tất cả, đã trực tiếp nhằm gây ích lợi cho mọi người.
Khuynh hướng nhằm xây dựng mọi người này đã được những người như Thánh Basilêô
Cả, chẳng hạn, thấu hiểu, khi ngài viết: "Các hồng ân này được mỗi người
tiếp nhận vì người khác hơn vì chính họ […] Trong cuộc sống chung, điều cần
thiết là sức mạnh của Chúa Thánh Thần, ban cho một người, phải được thông
truyền cho mọi người. Người chỉ biết sống cho bản thân mình, có thể nhận được
đặc sủng, nhưng nó mãi vô ích, cứ nằm chết dí ở đấy bất động, vì mãi mãi an
táng trong cái tôi của họ”.[15]
Tuy nhiên, Thánh Phaolô không bác bỏ điều này: một đặc sủng có thể chỉ hữu ích
đối với người tiếp nhận nó mà thôi. Đây là trường hợp nói tiếng lạ, một đặc
sủng khác với hồng ân nói tiên tri.[16]
Các đặc sủng có ích lợi chung, bất kể là đặc sủng lời nói (ơn khôn ngoan, ơn
hiểu biết, ơn nói tiên tri, ơn khuyên bảo) hay đặc sủng hành động (ơn sức mạnh,
ơn thừa tác, ơn cai quản) cũng đều có ích lợi cho bản thân, vì việc chúng phục
vụ ích chung vẫn giúp làm lớn mạnh đức ái nơi những người nắm được chúng.Về
phương diện này, Thánh Phaolô nhận định rằng nếu người ta thiếu đức ái, thì
ngay các đặc sủng cao nhất cũng chẳng ích lợi chi cho người tiếp nhận chúng
(xem 1Cr 13,1-3). Một đoạn văn nghiêm khắc trong Tin
Mừng Mátthêu (Mt 7,22-23) cũng nói lên cùng một sự thực: việc
thi hành các đặc sủng hữu hình hơn (nói tiên tri, trừ qủy, làm phép lạ), bất
hạnh thay, vẫn cùng hiện diện với việc thiếu mối tương quan chân chính với Đấng
Cứu Thế. Thành thử, Thánh Phêrô cũng như Thánh Phaolô đều nhấn mạnh tới sự cần
thiết phải qui hướng mọi đặc sủng về đức ái. Thánh Phêrô đề xuất qui luật tổng
quát này: Vì mỗi người nhận được một hồng ân, nên hãy dùng hồng ân này để phục
vụ lẫn nhau như những người quản lý ơn sủng đa dạng của Thiên Chúa” (1Pr 4,10). Thánh Phaolô thì quan tâm cách riêng tới việc sử dụng
các đặc sủng trong các cuộc tụ họp của cộng đồng Kitô hữu, và nói rằng “Phải
làm mọi sự để xây dựng” (1Cr 14,26).
Sự đa dạng của các đặc sủng
6. Trong một số bản văn, ta tìm thấy bảng liệt
kê các đặc sủng, có khi được tóm tắt (xem 1Pr 4,10), có khi với
nhiều chi tiết hơn (xem 1Cr 12,8-10.28-30; Rm 12,6-8). Trong số các
đặc sủng liệt kê, có những ơn sủng ngoại thường (chữa bệnh, làm những việc đồ
xộ, nói nhiều tiếng lạ) và các ơn sủng thông thường (dạy dỗ, phục vụ, làm
phúc), các thừa tác vụ hướng dẫn cộng đồng (xem Ep 4,11) và những hồng
ân được ban qua việc đặt tay (xem 1Tm 4,14; 2Tm 1,6). Theo nghĩa hẹp của từ ngữ,
việc các hồng ân này có phải là các “đặc sủng” hay không là điều không luôn
luôn rõ ràng. Các hồng ân ngoại thường được nhắc đi nhắc lại trong 1Cr 12–14 bỗng biến mất trong các bản văn sau đó: bảng liệt kê của Rm 12,6-8 chỉ trình bầy các đặc sủng ít trông thấy hơn, nhưng có
ích lợi liên tiếp đối với đời sống của cộng đồng Kitô hữu. Không bản liệt kê
nào trên đây tự cho mình là rốt ráo (exhaustive). Ở nơi khác, chẳng hạn, Thánh
Phaolô gợi ý: chọn sống độc thân vì tình yêu đối với Chúa Kitô nên được coi như
hoa trái của một đặc sủng, cũng như đặc sủng hôn nhân vậy (xem 1 Cr 7,7 trong ngữ cảnh toàn chương). Các thí dụ ngài đưa ra tùy
thuộc trình độ phát triển đạt được nơi các Giáo Hội của thời ấy và do đó, lệ
thuộc các thêm bớt về sau. Thực vậy, với thời gian, Giáo Hội luôn lớn mạnh nhờ
hành động ban sinh khí của Chúa Thánh Thần.
Việc thi hành thích đáng các đặc sủng trong
cộng đồng Giáo Hội
7. Từ các nhận xét trên đây, ta thấy các bản
văn Thánh Kinh không trình bầy bất cứ sự chống chọi nào giữa các đặc sủng đa
dạng; đúng hơn, các bản văn này cho thấy một nối kết hòa hợp và một sự bổ túc
giữa chúng với nhau. Phản đề giữa một Giáo Hội định chế theo kiểu Do Thái Kitô
Giáo và một Giáo Hội đặc sủng theo kiểu Thánh Phaolô, mà một số lối giải thích
theo kiểu giản lược về Giáo Hội quả quyết, trên thực tế thiếu hẳn nền tảng
trong các bản văn Tân Ước. Không hề đặt các đặc sủng về một phía và thực tại
định chế về phía khác, nhằm đối chọi một Giáo Hội “của đức ái” và một Giáo Hội
“của định chế”, Thánh Phaolô gom vào một bản liệt kê cả các đặc sủng uy quyền
và giảng dậy, vốn là các đặc sủng hữu ích cho đời sống bình thường của một cộng
đồng, lẫn các đặc sủng đáng kể khác.[17]
Thánh Phaolô mô tả chính thừa tác vụ Tông Đồ của ngài như một thừa tác vụ “của
Chúa Thánh Thần” (2Cr 3,8). Ngài cảm thấy như được mặc lấy một thẩm
quyền (exousía), do Chúa ban cho ngài (xem 2Cr 10,8; 13,10), một
thẩm quyền cũng được mở rộng cho các người được ơn đoàn sủng (charismatics). Cả
ngài lẫn Thánh Phêrô đều cho các người lãnh ơn đoàn sủng nhiều lời huấn giáo về
cung cách thi hành các đặc sủng của họ. Trên hết, thái độ của họ là thái độ
chào đón thuận lợi; họ phải xác tín được nguồn cội thần thiêng của các đặc
sủng; tuy nhiên, họ không được coi những hồng ân này như cho phép họ khỏi vâng
lời đối với phẩm trật Giáo Hội, hay ban cho họ quyền được thừa tác độc lập.
Thánh Phaolô tự chứng tỏ ngài hiểu rõ các trở ngại mà việc thi hành các đặc
sủng cách bất trật tự có thể gây ra cho cộng đồng Kitô hữu.[18]
Cho nên, Thánh Tông Đồ đã dùng quyền của mình can thiệp vào việc thiết lập ra
các qui luật chính xác để thi hành các đặc sủng “trong Giáo Hội” (1Cr 14,19-28), tức là, trong các cuộc tụ họp của cộng đồng (xem 1Cr 14,23-26). Thí dụ, ngài giới hạn việc thi hành ơn ngôn ngữ
(glossolalia).[19]
Các qui luật tương tự cũng đã được đưa ra cho ơn nói tiên tri (xem 1Cr 14,29-31).[20]
Các hồng ân phẩm trật và các hồng ân đặc sủng
8. Tóm tắt, từ việc khảo sát các bản văn Kinh Thánh
liên quan tới các đặc sủng, ta thấy Tân Ước, dù không đưa ra một giáo huấn có
tính hệ thống đầy đủ, nhưng đã trình bầy nhiều quả quyết có tầm rất quan trọng
có khả năng hướng dẫn các suy nghĩ và thực hành của Giáo Hội. Ta cũng phải nhìn
nhận rằng ta không tìm được một sự sử dụng nhất trí nào đối với hạn từ “đặc
sủng”; đúng hơn, là cả một loạt ý nghĩa khác nhau đã được nhận thấy; các ý
nghĩa này đang được suy tư thần học cũng như Huấn Quyền giúp ta hiểu thấu trong
bối cảnh cái nhìn toàn diện về mầu nhiệm Giáo Hội. Trong tài liệu này, sự chú ý
được đặt vào nhị thức (binomial) đã được nhấn mạnh trong đoạn 4 của Hiến Chế
Tín Lý Lumen Gentium, là đoạn nói tới “các hồng ân phẩm trật và các
hồng ân đặc sủng”. Mối tương qan giữa chúng rõ ràng rất mật thiết và đã được
trình bầy đầy đủ. Chúng có cùng một nguồn gốc và một mục đích như nhau. Chúng
là ác hồng ân của Thiên Chúa, của Chúa Thánh Thần, của Chúa Kitô, ban cho ta để
ta góp phần cách này hay cách khác vào việc xây dựng Giáo Hội. Ai nhận lãnh
hồng ân lãnh đạo trong Giáo Hội cũng có trách nhiệm trông coi việc thi hành
đúng đắn các đặc sủng khác, cách nào đó để tất cả đều góp phần vào ích lợi của
Giáo Hội và sứ mệnh truyền giảng Tin Mừng của Giáo Hội, vì biết rõ rằng Chúa
Thánh Thần đã phân phối các hồng ân đặc sủng cho bất cứ ai Người muốn (xem 1Cr 12,11). Cũng một Chúa Thánh Thần đã ban cho phẩm trật Giáo Hội
khả năng biện phân tính chân chính của các đặc sủng, chào đón chúng một cách
hân hoan và biết ơn, cổ vũ chúng một cách quảng đại, và đồng hành với chúng
bằng một tình phụ tử đầy quan tâm. Chính lịch sử đã làm chứng cho hành động đa
dạng của Chúa Thánh Thần, nhờ đó, Giáo Hội, “được xây trên nền tảng các Tông Đồ
và tiên tri, với Chúa Giêsu Kitô như hòn đá chốt” (Ep 2,20), sống được sứ
mệnh của mình trong lòng thế giới.
II. Mối tương quan giữa các hồng ân phẩm trật và đặc sủng
trong Huấn Quyền gần đây
Công
Đồng Vatican II
9. Dù
chưa bao giờ có sự thiếu vắng các đặc sủng đa dạng trong suốt dòng thời gian của
lịch sử Giáo Hội, tuy nhiên, chỉ trong các thời gần đây, mới có những suy nghĩ
có hệ thống được khai triển về chúng. Và dù học lý về đặc sủng từng chiếm một
khoảng không gian quan trọng trong Huấn Quyền của Đức Piô XII như đã được phát
biểu trong Mystici Corporis,[21]
nhưng bước dứt khoát tiến tới chỗ hiểu biết thỏa đáng mối tương quan giữa các hồng
ân phẩm trật và đặc sủng chỉ được thực hiện với giáo huấn của Công Đồng Vatican
II. Các đoạn liên hệ bàn đến thể tài này [22]
cho thấy: trong đời sống Giáo Hội, cộng với Lời Thiên Chúa, được viết ra và lưu
truyền, song song với các bí tích, và với thừa tác vụ phẩm trật thụ phong, còn
có các hồng ân, các hồng ân đặc biệt hay đặc sủng, do Chúa Thánh Thần ban phát
nơi các tín hữu thuộc mọi điều kiện. Đoạn văn điển hình nhất về phương diện này
tìm thấy trong Lumen Gentium, số 4: “Giáo Hội, mà Chúa Thánh Thần
hướng dẫn trong mọi đường chân lý (xem Ga
16,13) và Người hợp nhất trong hiệp thông và các công trình thừa tác, Người vừa
trang bị vừa dẫn dắt bằng các hồng ân phẩm trật và đặc sủng và trang điểm bằng
hoa quả của Người (xem Ep 4,11-12,; 1Cr 12,4; Gl 5,22)”.[23]
Như thế, Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium, khi trình bầy các hồng ân
được ban phát qua Chúa Thánh Thần, bằng cách phân biệt giữa các hồng ân phẩm trật
và các hồng ân đặc sủng, đã làm nổi bật sự dị biệt trong hợp nhất của chúng.
Các xác quyết trong Lumen Gentium số 12 liên quan tới các hiện
tượng đặc sủng xem ra cũng có ý nghĩa trong bối cảnh Dân Chúa tham dự vào chức
vụ tiên tri của Chúa Kitô. Ta nhận ra: Chúa Thánh Thần không tự giới hạn Người
vào việc này mà thôi vì “không phải chỉ qua các bí tích và các thừa tác vụ của
Giáo Hội mà Chúa Thánh Thần thánh hóa và dẫn dắt Dân Chúa và phong phú hóa Dân
này bằng các nhân đức”, nhưng “Người còn phân phát các hồng ân đặc biệt nơi các
tín hữu mọi bậc. Nhờ các hồng ân này, Người làm cho họ xứng đáng và sẵn sàng đảm
nhiệm các trách vụ và chức vụ đa dạng góp phần vào việc canh tân và xây đắp
Giáo Hội”.
Cuối
cùng, tính đa dạng và quan phòng của chúng được diễn tả như sau: “Các đặc sủng
này, bất chấp trổi vượt hơn hay đơn giản hơn và ban phát rộng rãi hơn, đều cần
được lãnh nhận với lòng biết ơn và cảm thấy được an ủi vì chúng hoàn toàn thích
hợp và hữu ích cho nhu cầu của Giáo Hội”.[24]
Các suy tư tương tự cũng được tìm thấy trong Sắc Lệnh của Công Đồng về Tông Đồ
Giáo Dân.[25]
Văn kiện này quả quyết rằng “từ việc chấp nhận các đặc sủng này, gồm cả các đặc
sủng có tính sơ đẳng hơn, mỗi tín hữu đều có quyền và bổn phận phải dùng chúng
trong Giáo Hội và trong thế giới để gây ích cho con người và xây dựng Giáo Hội,
trong tự do của Chúa Thánh Thần”.[26]
Do đó, các đặc sủng chân chính đã được coi như các hồng ân có tầm quan trọng
tuyệt đối cần thiết đối với đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội. Sau cùng, giáo huấn
của Công Đồng không ngừng thừa nhận vai trò chủ yếu của các mục tử trong việc
biện phân các đặc sủng và việc thi hành chúng cách trật tự trong hiệp thông
Giáo Hội.[27]
Huấn
Quyền sau Công Đồng
10.
Trong thời kỳ sau Công Đồng Vatican II, các can thiệp của Huấn Quyền về chủ đề
này đã được nhân bội.[28]
Sinh khí mỗi ngày mỗi gia tăng nơi các phong trào mới, các hiệp hội giáo dân,
và các cộng đồng Giáo Hội, cùng với như cầu chuyên biệt hóa vị trí của Đời Sống
Thánh Hiến bên trong Giáo Hội đã góp phần vào việc nhân bội này.[29]
Đức Gioan Phaolô II, trong Huấn Quyền của ngài, đã nhấn mạnh cách riêng đến
nguyên tắc đồng yếu tính (coessentiality) của các hồng ân này: “tôi thường có dịp
nhấn mạnh rằng trong Giáo Hội, không hề có tranh chấp hay chống chọi giữa chiều
kích định chế và chiều kích đặc sủng, mà các phong trào là một biểu thức quan
trọng. Cả hai chiều kích này đều cùng một yếu tính với kết cấu thần linh của
Giáo Hội do Chúa Giêsu thiết lập, vì cả hai cùng giúp làm cho mầu nhiệm Chúa
Kitô và công trình cứu rỗi của Người hiện diện trên thế giới”.[30]
Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, ngoài việc xác nhận tính đồng yếu tính của các hồng
ân ra, còn thâm hậu hóa lời xác quyết của vị tiền nhiệm, khi nhắc nhớ rằng
“trong Giáo Hội, các định chế có tính yếu tính cũng đều có tính đặc sủng và quả
thực, các đặc sủng, cách này hay cách khác, đều phải được định chế hóa để có được
sự gắn bó và liên tục. Do đó, cả hai chiều kích đều bắt nguồn từ cùng một Chúa
Thánh Thần vì cùng một Nhiệm Thể Chúa Kitô, và cùng đồng tình làm cho mầu nhiệm
và công trình cứu rỗi của Chúa Kitô hiện diện trên thế giới”.[31]
Như thế, các hồng ân phẩm trật và các hồng ân đặc sủng có liên hệ hỗ tương ngay
từ nguồn gốc. Sau cùng, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc ta nhớ tới “sự hòa hợp” mà
Chúa Thánh Thần đã tạo ra giữa các hồng ân đa dạng và đã kêu gọi các hiệp hội đặc
sủng cởi mở đối với việc truyền giáo, vâng lời cần thiết đối với các mục tử, và
duy trì sự hiệp thông trong Giáo Hội,[32]
vì “chính trong cộng đồng, các hồng ân mà Chúa Cha dư tràn ban cho chúng ta mới
nở rộ và phát triển; và chính giữa lòng cộng đồng, người ta học được cách nhận
ra chúng như dấu chỉ tình yêu của Người dành cho mọi con cái của Người”.[33]
Do đó, để tóm tắt, ta có thể nhận ra sự đồng thuận trong Huấn Quyền gần đây đối
với tính đồng yếu tính giữa các hồng ân phẩm trật và các hồng ân đặc sủng. Sự
chống đối giữa chúng, và cả việc đặt chúng bên cạnh nhau là triệu chứng của một
sai lầm hay của việc hiểu không đủ về hành động của Chúa Thánh Thần trong đời sống
và sứ mệnh của Giáo Hội.
III. Nền tảng thần học của mối tương quan
giữa các hồng ân phẩm trật và đặc sủng
Các
chân trời Ba Ngôi và Kitô học của các hồng ân Chúa Thánh Thần
11.
Muốn nắm được các lý do sâu xa của mối tương quan giữa các hồng ân phẩm trật và
các hồng ân đặc sủng, ta nên nhớ tới nền tảng thần học của chúng. Thực vậy, việc
cần thiết phải vượt qua kiểu đặt các hồng ân phẩm trật và các hồng ân đặc sủng ở
thế chống chọi nhau vô ích hay bên cạnh nhau nhưng ngoại tại nhau là một đòi hỏi
của chính nhiệm cục cứu rỗi, một nhiệm cục luôn bao hàm mối tương quan nội tại
giữa các sứ mệnh của Ngôi Lời và các sứ mệnh của Chúa Thánh Thần. Thực thế, mọi
hồng ân của Chúa Cha đều hàm nghĩa phải quy chiếu vào các hành động hỗn hợp và
dị biệt hóa của sứ mệnh Thiên Chúa: mọi hồng ân đều phát xuất từ Chúa Cha, qua
Chúa Con, trong Chúa Thánh Thần. Hồng ân Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội có liên
quan chặt chẽ với sứ mệnh của Chúa Con, được dứt khoát chu toàn trong Mầu Nhiệm
Vượt Qua của Người. Chính Chúa Giêsu đã nối kết việc Người chu toàn sứ mệnh của
Người với việc sai Chúa Thánh Thần xuống cộng đồng tín hữu.[34]
Qua việc sai xuống này, Chúa Thánh Thần không thể khai diễn một nhiệm cục nào
khác hơn nhiệm cục Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể, chịu đónh đinh và sống lại.[35]
Quả thực, toàn bộ nhiệm cục bí tích của Giáo Hội đều là sự thể hiện thần khí của
Nhập Thể: bởi thế, Chúa Thánh Thần đã được Thánh Truyền coi là linh hồn của
Giáo Hội, Nhiệm Thể Chúa Kitô. Hành động của Thiên Chúa trong lịch sử luôn bao
hàm mối tương quan giữa Chúa Con và Chúa Thánh Thần, những Đấng vốn được gọi là
“hai bàn tay của Chúa Cha” theo kiểu nói khêu gợi của Thánh Irênê thành Lyon.[36]
Theo nghĩa này, mọi hồng ân của Chúa Thánh Thần không thể không ở trong mối
tương quan với Ngôi Lời thành xác phàm.[37]
Dây nối
kết từ nguồn gốc giữa các hồng ân phẩm trật, được ban bố bằng ơn bí tích truyền
chức, và các hồng ân đặc sủng, được Chúa Thánh Thần ban phát tự do, do đó, có
các gốc rễ hết sức sâu xa trong mối tương quan giữa Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể
và Chúa Thánh Thần, Đấng luôn là Thần Khí của Chúa Cha và của Chúa Con. Chính
vì để tránh các viễn kiến thần học mập mờ vốn chủ trương một “Giáo Hội của Thần
Khí”, phân biệt và tách biệt hẳn với Giáo Hội phẩm trật-định chế, ta cần phải
nhắc lại điều này: hai sứ mệnh thần thánh bao hàm lẫn nhau trong mọi hồng ân được
ban cho Giáo Hội cách tự do. Thực thế, sứ mệnh của Chúa Giêsu Kitô vốn bao hàm
hành động của Chúa Thánh Thần ngay trong chính nó. Trong thông điệp của ngài về
Chúa Thánh Thần, Dominum et Vivificantem, Đức Gioan Phaolô II đã
cho thấy tầm quan trọng dứt khoát của hành động Chúa Thánh Thần trong sứ mệnh
Chúa Con.[38]
Đức Bênêđíctô XVI thâm hậu hóa tầm nhìn thông xuốt này trong Tông huấn Sacramentum
Caritatis của ngài; ngài nhắc nhở rằng Đấng Phù Trợ, Đấng “vốn làm việc
ngay trong Sáng Thế (xem St 1,2), đã hiện diện suốt trong đời sống của Ngôi Lời
nhập thể”. Chúa Giêsu Kitô “được Trinh Nữ Maria thụ thai bởi quyền năng Chúa
Thánh Thần (xem Mt 1,18; Lc 1,35); ở bờ sông Gióc Đăng, ngay từ ngày
khởi đầu sứ mệnh công khai của Người, Chúa Giêsu đã thấy Chúa Thánh Thần hiện
xuống trên Người dưới hình chim bồ câu (xem Mt 3,16 và những câu song hành);
Người hành động, nói năng và hân hoan trong Chúa Thánh Thần (xem Lc
10,21), và Người có thể hiến dâng mình trong Chúa Thánh Thần (xem Dt 9,14).
Trong điều gọi là “diễn văn từ biệt” được Thánh Gioan tường thuật, Chúa Giêsu
đã rõ ràng liên kết việc hiến mạng sống Người trong Mầu Nhiệm Vượt Qua với hồng
ân Chúa Thánh Thần ban cho những kẻ thuộc về Người (xem Ga 16,7). Khi đã sống lại,
còn mang trên da thịt các dấu tích của cuộc thống khổ, Người đã có thể tuôn ban
Chúa Thánh Thần trên họ (xem Ga 20,22), biến họ thành những người tham dự
vào chính sứ mệnh riêng của Người (xem Ga 20,21). Rồi, Chúa Thánh Thần dạy các môn
đệ mọi điều và giúp họ nhớ lại mọi điều Chúa Kitô đã nói (xem Ga
14,26), vì cũng như Thần Khí sự thật (xem Ga 15,26), Người có nhiệm vụ dẫn đưa các
tông đồ vào mọi sự thật (xem Ga 16,13). Trong trình thuật Công Vụ, Chúa Thánh
Thần ngự xuống trên các Tông Đồ đang tụ họp để cầu nguyện với Đức Maria vào
Ngày Lễ Ngũ Tuần (xem 2,1-4) và thúc đẩy họ đảm nhận sứ mệnh công bố Tin Mừng
cho mọi dân tộc.[39]
Hành
động của Chúa Thánh Thần trong các hồng ân phẩm trật và đặc sủng
12.
Nhấn mạnh tới chân trời Ba Ngôi và Kitô học của các hồng ân Thiên Chúa cũng soi
sáng mối tương quan giữa các hồng ân phẩm trật và các hồng ân đặc sủng. Thực vậy,
mối tương quan đối với các hành động cứu độ của Chúa Kitô, như việc thiết lập
Phép Thánh Thể (xem Lc 22,19 tt; 1Cr 11,25), quyền tha tội (xem Ga 20,22tt), lệnh truyền cho các tông đồ
đi rao giảng Tin Mừng và làm phép rửa (Mc 16,15tt; Mt 28,18-20), đã xuất hiện đầu
tiên trong các hồng ân phẩm trật vì chúng vốn thuộc bí tích Truyền Chức Thánh.
Cũng hiển nhiên không kém là không một bí tích nào có thể được thông ban mà lại
không có hành động của Chúa Thánh Thần.[40]
Mặt khác, các hồng ân đặc sủng, do Chúa Thánh Thần tự do ban phát, “Đấng muốn
thổi đâu tùy ý Người” (Ga 3,8) và phân phát các hồng ân của Người “theo cách
Người muốn” (1Cr 12,11), về phương diện khách quan đều có tương quan với sự
sống mới trong Chúa Kitô, vì các Kitô hữu “về phần mình” (1Cr 12,27) đều là các chi thể
của Nhiệm Thể Người. Do đó, việc thấu hiểu thích đáng các hồng ân đặc sủng chỉ
có thể có nếu biết qui chiếu vào sự hiện diện của Chúa Kitô và việc phục vụ Người;
như Đức Gioan Phaolô II từng quả quyết, “các đặc sủng đích thực không thể không
hướng tới cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô trong các bí tích”.[41]
Do đó, các hồng ân phẩm trật và các hồng ân đặc sủng rõ ràng hợp nhất khi qui
chiếu vào mối tương quan nội tại giữa Chúa Giêsu Kitô và Chúa Thánh Thần. Đấng
Phù Trợ vừa là Đấng, qua các bí tích, phân phát một cách hữu hiệu ơn cứu rỗi do
Chúa Kitô, Đấng đã chết và đã sống lại, đem tới, vừa là Đấng ban phát các đặc sủng.
Trong
các phụng vụ Phục Sinh của Kitô Giáo, nhất là trong truyền thống Syria, vai trò
của Chúa Thánh Thần, được mô tả bằng hình ảnh lưỡi lửa, góp phần làm cho kinh
nghiệm này trở thành hiển nhiên tỏ tường. Thực thế, Thánh Ephrem, người Syria,
nhà thần học và là thi sĩ vĩ đại, từng nói rằng “Lửa cảm thương hiện xuống / và
mang lấy hình thức bánh ăn”,[42]
cho thấy không những hành động của Chúa Thánh Thần có liên hệ với việc biến đổi
các hồng ân mà còn liên hệ với các tín hữu ăn bánh Thánh Thể nữa. Quan điểm
Đông Phương, với sự hữu hiệu của ảnh tượng, giúp ta hiểu Chúa Kitô đã ban Chúa
Thánh Thần cho ta cách nào khi lôi kéo ta tới gần Thánh Thể. Như thế, cũng một
Chúa Thánh Thần, bằng các hành động của Người nơi các tín hữu, đã nuôi dưỡng họ
bằng chính sự sống của Chúa Kitô, dẫn họ một lần nữa tới đời sống bí tích sâu sắc
hơn, nhất là trong Phép Thánh Thể. Với cung cách này, hành động tự do của Chúa
Thánh Thần trong lịch sử vươn tới các tín hữu bằng hồng ân cứu rỗi và cùng một
lúc sinh động hóa họ để họ biết đáp ứng một cách tự do và trọn vẹn bằng việc
cam kết đời họ.
IV. Mối tương quan giữa các hồng ân phẩm trật
và các hồng ân đặc sủng
trong đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội
Trong Giáo Hội như mầu nhiệm hiệp thông
13. Giáo Hội tự trình bầy mình như “một dân được làm nên một
với sự hợp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”,[43]
trong đó, mối tương quan giữa các hồng ân phẩm trật và các hồng ân đặc sủng xuất
hiện như được điều hướng vào việc tham dự trọn vẹn của tín hữu vào sự hiệp
thông và sứ mệnh rao giảng Tin Mừng của Giáo Hội. Ta được tiền định cách nhưng
không để hưởng sự sống mới này nơi Chúa Kitô (Rm 8,29-31; Ep 1,4-5). Chúa Thánh
Thần “tạo nên sự hiệp thông kỳ diệu này nơi các tín hữu. Người đem họ vào sự kết
hợp thân mật với Chúa Kitô, đến nỗi Người là nguyên lý của sự hợp nhất trong
Giáo Hội.[44]
Bên trong Giáo Hội, người ta được kêu gọi cùng nhau trở thành các chi thể của
Chúa Kitô,[45]
và bên trong sự hiệp thông của Giáo Hội, họ được hợp nhất với Chúa Kitô, như
các chi thể của nhau. Hiệp thông luôn “là một sự tham dự kép rất quan yếu: tháp
nhập các Kitô hữu vào đời sống Chúa Kitô, và toả lan đức ái giữa toàn thể các
tín hữu ở đời này và đời sau. Hợp nhất với Chúa Kitô và trong Chúa Kitô; và hợp
nhất giữa các Kitô hữu trong Giáo Hội”.[46]
Trong chiều hướng này, mầu nhiệm Giáo Hội sáng lên “trong Chúa Kitô như một bí tích
hay như một dấu chỉ và là dụng cụ của cả sự kết hợp hết sức mật thiết với Thiên
Chúa và sự hợp nhất của toàn thể nhân loại”.[47]
Từ đó, ta có thể thấy: Giáo Hội, như một mầu nhiệm hiệp thông, có nguồn gốc bí
tích: “Từ trong nền tảng, điều này có nghĩa là hiệp thông với Thiên Chúa qua
Chúa Giêsu Kitô, trong Chúa Thánh Thần. Sự hiệp thông này được thực hiện trong
Lời Chúa và trong các bí tích. “Phép Rửa, kết hợp mật thiết với Phép Thêm Sức,
là cửa ngõ bước vào và là nền tảng của hiệp thông trong Giáo Hội. Phép Thánh Thể
là nguồn suối và là đỉnh cao của trọn bộ đời sống Kitô hữu”.[48]
Các bí tích khai tâm này tạo ra đời sống Kitô hữu và các hồng ân phẩm trật cũng
như các hồng ân đặc sủng đều dựa vào chúng. Đời sống hiệp thông trong Giáo Hội,
vốn được sắp đặt từ bên trong như thế, được sống trong một việc liên tục cung
kính lắng nghe Lời Chúa và được nuôi dưỡng bằng các bí tích. Lời Chúa tự trình
bầy với ta như được nối kết sâu xa với các bí tích, nhất là Phép Thánh Thể,[49]
trong chân trời Mạc Khải duy nhất có tính bí tích. Truyền thống Đông Phương
nhìn lên Giáo Hội, nhiệm thể Chúa Kitô “được sinh động hóa” bởi Chúa Thánh Thần
và thấy nơi Giáo Hội một sự hợp nhất có trật tự, một sự hợp nhất tự tỏ bầy cả
trong bình diện các hồng ân của mình. Sự hiện diện hữu hiệu của Chúa Thánh Thần
trong tâm hồn các tín hữu (xem Rm
5,5) là nguyên nhân cội rễ của sự hợp nhất này ngay trong các biểu hiện đặc sủng.[50]
Các hồng ân đặc sủng ban cho các cá nhân thực sự thuộc về chính Giáo Hội và được
sắp đặt cho một đời sống Giáo Hội thâm hậu hơn. Quan điểm này cũng có mặt trong
các trước tác của Chân Phúc John Henry Newman: “Như thế, trái tim mọi Kitô hữu
phải đại diện cho Giáo Hội Công Giáo thu nhỏ, vì Thánh Thần duy nhất đã biến cả
toàn thể Giáo Hội và mọi chi thể của nó thành đền thờ của Người”.[51]
Do đó, tính sai lạc của bất cứ mâu thuẫn nào hay đặt cạnh nhau nào giữa các hồng
ân phẩm trật và các hồng ân đặc sủng lại càng hiển nhiên hơn.
Tóm lại, mối tương quan giữa các hồng ân đặc sủng và cơ cấu
bí tích của Giáo Hội xác nhận tính đồng yếu tính giữa các hồng ân phẩm trật
(trong bản chất bền vững, thường hằng và bất khả thu hồi của chúng) và các hồng
ân đặc sủng. Cho dù các hình thức lịch sử của những hồng ân đặc sủng không có
chi bảo đảm là cứ y như nhau mọi thời,[52]
tuy nhiên, chiều kích đặc sủng thì sẽ không bao giờ thiếu trong đời sống và sứ
mệnh của Giáo Hội.
Bản sắc của các hồng ân phẩm trật
14. Để thánh hóa mọi thành viên của Dân Chúa và vì sứ mệnh của
Giáo Hội trên thế giới, trong số các hồng ân đa dạng, phải dành “vị trí đặc biệt
cho ơn làm Tông Đồ mà chính Chúa Thánh Thần đã buộc cả những người được ban đặc
sủng cũng phải lệ thuộc thẩm quyền của các ngài”.[53]
Chính Chúa Giêsu Kitô cũng muốn phải có các hồng ân phẩm trật để bảo đảm sự hiện
diện liên tục việc Người làm trung gian cứu rỗi duy nhất: “Các Tông Đồ được
Chúa Kitô phong phú hóa bằng việc tuôn đổ cách đặc biệt Chúa Thánh Thần trên
các ngài (xem Cv 1,8; 2,4; Ga 20,22-23), và các ngài chuyển giao hồng
ân Chúa Thánh Thần này cho các người phụ tá các ngài bằng cách đặt tay (xem 1Tm 4,14; 2Tm 1,6-7)”.[54]
Do đó, việc trao ban các hồng ân phẩm trật có nguồn gốc trước nhất nơi tính
viên mãn của bí tích Truyền Chức Thánh, được ban phát lúc truyền chức giám mục.
Việc truyền chức này “cùng với chức vụ thánh hóa, cũng trao ban chức vụ giảng dậy
và cai quản, một chức vụ, tuy thế, do chính bản chất của nó, chỉ có thể thi
hành trong tình hiệp thông có tính phẩm trật với đầu và các thành viên của hợp
đoàn”.[55]
Vì lý do này: “nơi các giám mục, do đó, tức các vị mà các linh mục vốn là trợ
tá, Chúa Giêsu Kitô của chúng ta […] hiện diện giữa những người tin […] qua thừa
tác vụ tuyệt diệu của các ngài, Người rao giảng Lời Chúa cho mọi dân tộc và
không ngừng ban các bí tích đức tin cho những người tin, qua hành động đầy tình
cha con của các ngài (xem 1Cr 4,15).
Người tháp nhập các chi thể mới vào Nhiệm Thể Người qua việc tái sinh thiên giới,
và sau cùng qua sự khôn ngoan và cẩn trọng của các ngài, Người điều hướng và hướng
dẫn Dân Tân Ước trong cuộc hành trình của họ về hạnh phúc đời đời”.[56]
Truyền thống Kitô Giáo Đông Phương, vốn có nhiều nối kết quan yếu với các giáo
phụ, đọc tất cả những điều này qua ý niệm taxis hết sức đặc trưng.Theo Thánh Basilêô Cả,
việc xếp đặt Giáo Hội cho có trật tự hiển nhiên là công trình của Chúa Thánh Thần.
Trật tự (taxis) này, một trật tự được Thánh Phaolô dùng để liệt kê các đặc sủng
(xem 1Cr 12,28), là trật tự “phù hợp với sự phân phát các hồng ân của Chúa
Thánh Thần”,[57]
và theo trật tự này, hồng ân Tông Đồ đứng hàng đầu. Khởi đi từ việc truyền chức
giám mục, người ta cũng có thể hiểu các hồng ân phẩm trật trong tương quan với
các thứ bậc khác của bí tích truyền chức thánh; trên hết, trong tương quan với
các linh mục, những vị “được thánh hiến để rao giảng Tin Mừng và chăn dắt các
tín hữu cũng như cử hành việc thờ phượng Thiên Chúa”, và là những vị “thánh hóa
và cai quản thành phần trong đoàn chiên của Chúa được trao phó cho các vị”, dưới
thẩm quyền của vị giám mục. Về phần các vị, các vị phải trở nên “một khuôn mẫu
cho đoàn chiên”, để các vị có thể “dẫn dắt và phục vụ cộng đồng địa phương của
các vị”.[58]
Trong bí tích truyền chức thánh, các giám mục và linh mục, nhờ việc xức dầu
linh mục, “nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô Linh Mục một cách khiến các vị
có thể hành động nhân danh Chúa Kitô là Đầu”.[59]
Người ta phải thêm vào các hồng ân này các hồng ân ban cho các phó tế “trên họ
có việc đặt tay ‘không phải để làm linh mục, nhưng để đảm nhiệm thừa tác phục vụ’”
và là những người “nhờ được tăng cường bởi ơn sủng bí tích, và trong sự hiệp
thông với giám mục và đoàn linh mục của ngài, họ phục vụ trong chức phó tế lo
phụng vụ, lời Chúa, và đức ái đối với Dân Chúa”.[60]
Tóm lại, các hồng ân phẩm trật dành riêng cho bí tích truyền chức thánh, trong
các thứ bậc khác nhau, đã được trao ban để Giáo Hội như một hiệp thông không
bao giờ không cung hiến cho mỗi thành viên trong đoàn tín hữu một quà phúc ơn sủng
khách quan trong các bí tích, và nhờ thế, đem lại cho họ cả việc công bố Tin Mừng
lẫn việc chăm sóc mục vụ hợp qui định.
Bản sắc các hồng ân đặc sủng
15. Trong việc thi hành các hồng ân phẩm trật, nếu việc cung
hiến ơn sủng của Chúa Kitô cho toàn thể Dân Chúa suốt trong lịch sử được đảm bảo,
thì mỗi cá nhân tín hữu vẫn được kêu gọi phải đích thân tiếp nhận và đáp lại ơn
sủng này trong các hoàn cảnh cụ thể của đời sống họ. Do đó, các hồng ân đặc sủng
được Chúa Thánh Thần ban phát tự do để ơn sủng bí tích có thể sinh hoa trái
trong đời sống Kitô hữu nhiều cách khác nhau và ở mọi bình diện.
Vì các hồng ân này “hoàn toàn thích hợp và hữu ích cho nhu cầu
Giáo Hội”,[61]
nhờ sự phong phú đa dạng của chúng, Dân Chúa có đủ khả năng sống sứ mệnh Tin Mừng
của họ, biết biện phân các dấu chỉ của thời đại và biết giải thích chúng dưới
ánh sáng Tin Mừng.[62]
Thực vậy, các hồng ân đặc sủng giúp các tín hữu khả năng đáp lại hồng ân cứu rỗi
một cách hoàn toàn tự do và hoàn toàn thích ứng với thời đại. Nhờ cách này,
chính họ trở nên hồng phúc yêu thương cho người khác và các chứng tá chân chính
của Tin Mừng trước mặt toàn thể nhân loại.
Chia sẻ các hồng ân đặc sủng
16. Trong bối cảnh này, điều quan trọng là phải nhớ rằng các
hồng ân đặc sủng hết sức đa dạng ngay trong chính chúng, không những vì đặc điểm
chuyên biệt của chúng mà còn vì sự phân phát chúng trong cộng đồng Giáo Hội.
Các hồng ân đặc sủng “được ban cho những con người cá thể, nhưng chúng cũng được
những người khác chia sẻ, đến nỗi qua dòng thời gian, các đặc sủng ấy tồn tại
như một di sản sống động và quý giá, tạo nên một liên hệ thiêng liêng đặc biệt
giữa các cá nhân”.[63]
Mối tương quan giữa đặc tính cá nhân của đặc sủng và khả thể chia sẻ nó nói lên
một yếu tố có tính quyết định trong tính năng động của nó, vì nó đụng tới một mối
tương quan mà trong hiệp thông Giáo Hội vốn luôn liên kết cá nhân với cộng đồng.[64]
Khi được đem ra thi hành, các hồng ân đặc sủng có thể phát sinh ra sợi dây đồng
cảm, gần gũi, và các tương quan thiêng liêng. Qua chúng, gia tài đặc sủng, phát
sinh nơi con người của vị sáng lập, được chia sẻ và thâm hậu hóa, nhờ thế, đem
lại sức sống cho các gia đình thiêng liêng đích thực. Các hiệp hội Giáo Hội mới
này, trong các hình thức đa dạng của chúng, tự trình bầy mình như những hồng ân
đặc sủng được chia sẻ. Các phong trào Giáo Hội và các cộng đồng mới cho thấy một
đặc sủng sáng lập nhất định nào đó đã có thể tụ tập các tín hữu lại với nhau ra
sao và giúp họ sống trọn ơn gọi Kitô hữu và bậc sống thích hợp của họ như thế
nào trong việc phục vụ sứ mệnh Giáo Hội. Các hình thức lịch sử cụ thể của việc
chia sẻ này có thể đa dạng; chính vì lý do này, như lịch sử linh đạo đã chứng
minh, nhiều cơ sở khác nhau đã phát sinh từ một đặc sủng gốc duy nhất.
Được thẩm quyền Giáo Hội thừa nhận
17. Trong số các hồng ân đặc sủng do Chúa Thánh Thần ban phát
tự do, nhiều hồng ân được tiếp nhận và sống bởi những người trong cộng đồng
Kitô Giáo không cần bất cứ qui luật đặc thù nào. Tuy nhiên, khi một hồng ân tự
trình bầy mình như là “đặc sủng sáng lập” hay “đặc sủng nguyên khởi”, thì nó cần
được thừa nhận cách chuyên biệt để sự phong phú của nó được minh tả trong hiệp
thông Giáo Hội và được lưu truyền một cách trung thành với thời gian. Ở đây, ta
thấy phát sinh trách nhiệm có tính quyết định phải biện phân, một trách vụ vốn
thuộc các thẩm quyền Giáo Hội.[65]
Thừa nhận tính chân chính của một đặc sủng không luôn luôn là một trách vụ dễ
dàng, tuy nhiên, đây là một phục vụ mang tính bổn phận mà các mục tử buộc phải
chu toàn. Các tín hữu có “quyền đòi các mục tử thông tri về tính chính đáng của
các đặc sủng và tính đáng tin cậy của những người tự cho mình đã lãnh nhận các
đặc sủng này”.[66]
Để đạt mục tiêu này, các thẩm quyền Giáo Hội nên lưu ý tới bản chất khó có thể
đoán trước của các đặc sủng được Chúa Thánh Thần linh hứng và đánh giá các đặc
sủng này theo qui luật đức tin với ý hướng xây dựng Giáo Hội.[67]
Diễn trình này đòi hỏi nhiều thời gian. Nó đòi phải qua một thời kỳ thích đáng
mới có thể chứng thực được một đặc sủng, vốn phải được đệ trình cho một cuộc biện
phân nghiêm túc cho tới khi được thừa nhận là chân chính. Thực tại của nhóm
phát sinh từ đặc sủng phải có thời gian thích đáng để lớn lên và trưởng thành.
Thời gian này phải vượt quá thời kỳ hứng khởi lúc ban đầu cho tới khi một cấu
hình ổn định xuất hiện.Trong suốt diễn trình chứng thực này, thẩm quyền của
Giáo Hội phải đồng hành một cách nhân từ với nhóm mới mẻ này. Việc đồng hành của
vị mục tử không bao giờ được giảm thiểu vì, tình yêu săn đón của Đấng Chăn
Chiên Lành luôn đồng hành với đoàn chiên như thế nào, thì tình phụ tử của các vị
trong Giáo Hội vốn được kêu gọi làm đại diện cho Đấng Chăn Chiên Lành cũng
không bao giờ được suy tàn như thế.
Các tiêu chuẩn để biện phân các hồng ân đặc sủng
18. Trong bối cảnh đó, điều hữu ích là ghi nhớ một số tiêu
chuẩn, như đã được Huấn Quyền của Giáo Hội đưa ra trong mấy năm gần đây, để biện
phân các hồng ân đặc sủng nơi các hiệp hội Giáo Hội. Các tiêu chuẩn này nhằm mục
đích giúp việc thừa nhận bản chất Giáo Hội chân chính của các đặc sủng.
a) Tính ưu vị
của lời mời gọi mọi Kitô hữu nên thánh. Mọi thực thể phát sinh từ việc cùng
chia sẻ một đặc sủng chân chính luôn luôn phải phục vụ việc nên thánh trong
Giáo Hội và, do đó, việc gia tăng đức ái và thực sự tiến tới sự hoàn thiện của
yêu thương.[68]
b) Cam kết
loan truyền Tin Mừng. Các đặc sủng chân chính “là các hồng ân của Chúa
Thánh Thần được tháp nhập vào thân thể Giáo Hội, được lôi cuốn vào tâm điểm là
chính Chúa Kitô và sau đó, được tuôn vào lực đẩy rao giảng Tin Mừng”.[69]
Theo cách này, chúng phải có đặc điểm “phù hợp với và tham dự vào các mục tiêu
tông đồ của Giáo Hội” và biểu lộ “một lòng nhiệt thành truyền giáo làm gia tăng
tính hữu hiệu của chúng như các yếu tố tham dự vào việc tái phúc âm hóa”.[70]
c) Tuyên
xưng đức tin Công Giáo. Mọi thực thể đặc sủng phải là nơi để giáo dục đức
tin trong tính viên mãn của nó bằng cách “tuân theo và tuyên xưng sự thật về
Chúa Kitô, về Giáo Hội và nhân loại, trong sự vâng lời Huấn Quyền Giáo Hội, như
Giáo Hội giải thích nó” [71];
vì lý do này, họ phải tránh việc phiêu lưu “vượt quá (proagon) tín lý và cộng đồng
Giáo Hội”. Thực vậy, nếu “người ta không ở trong những điều này, họ không hợp
nhất với Thiên Chúa và với Chúa Giêsu Kitô” (xem 2Ga 9).[72]
d) Làm chứng
cho việc hiệp thông thực sự với toàn thể Giáo Hội. Điều này đòi một “tương
quan con thảo với Đức Giáo Hoàng, hoàn toàn gắn bó với niềm tin rằng ngài là
tâm điểm hợp nhất vĩnh cửu và hữu hình của Giáo Hội hoàn vũ, và với giám mục địa
phương, ngài là ‘nguyên tắc và nền tảng hữu hình của hợp nhất’ trong các Giáo Hội
đặc thù”.[73]
Điều này hàm nghĩa một lòng “sẵn sàng trung thành tuân theo các giáo huấn tín
lý và các sáng kiến mục vụ”,[74]
cũng như “một lòng sẵn sàng tham dự vào chương trình và hoạt động của Giáo Hội
trên các bình diện địa phương, quốc gia và quốc tế; một cam kết đối với việc giảng
dạy giáo lý và một khả năng dạy dỗ và đào tạo các Kitô hữu”.[75]
e) Nhìn nhận
và trân qúi tính bổ túc hỗ tương của các thành phần đặc sủng khác trong Giáo Hội.
Từ tiêu chuẩn này, phát sinh lòng sẵn sàng hợp tác hỗ tương.[76]
Thực vậy, “một dấu chỉ chắc chắn của tính chân chính nơi một đặc sủng là đặc
tính Giáo Hội của nó, khả năng của nó trong việc được tháp nhập một cách hài
hòa vào đời sống của dân thánh thiện và trung thành của Thiên Chúa vì ích lợi của
mọi người. Điều gì thực sự mới mẻ do Chúa Thánh Thần đem đến cũng không cần phải
che phủ các hồng ân và các nền linh đạo khác được người ta cảm nhận”.[77]
f) Chấp nhận
các giây phút bị thử thách trong lúc biện phân các đặc sủng. Vì một hồng ân
đặc sủng có thể bao hàm “một yếu tố có tính độc đáo thưc sự và có tính sáng kiến
đặc biệt nào đó đối với đời sống thiêng liêng của Giáo Hội” và ở chung quanh
nó, “sự việc có thể có phần rắc rối”, thành thử một trong các tiêu chuẩn xác nhận
tính chân chính là “lòng khiêm nhường chịu đựng nghịch cảnh” sao cho “mối tương
quan thực sự giữa một đặc sủng chân chính, với viễn tượng mới mẻ của nó, và sự
đau khổ nội tâm, mang theo được một lịch sử không thay đổi của sợi dây nối kết
giữa đặc sủng và thập giá”.[78]
Bất cứ sự căng thẳng nào có thể phát sinh cũng đều là một lời kêu gọi phải thực
hành lòng bác ái lớn hơn, nhằm hướng tới một hiệp thông và hợp nhất Giáo Hội
sâu sắc hơn là hiện có.
g) Phải có
các hoa trái thiêng liêng như
đức ái, niềm vui, hòa bình và trưởng thành nào đó về nhân bản (xem Gl 5,22); ước ao được “sống đời sống của
Giáo Hội cách mãnh liệt hơn”,[79]
ước ao được “lắng nghe và suy niệm lời Chúa” nhiều hơn [80];
“đánh giá cao một cách đổi mới việc cầu nguyện, việc chiêm niệm, sinh hoạt phụng vụ và bí tích, đánh thức ơn gọi hôn
nhân Kitô Giáo, chức linh mục thừa tác và đời sống thánh hiến”.[81]
h) Chiều
kích xã hội của việc rao giảng Tin Mừng. Điều cũng cần thiết là thừa nhận rằng
“giáo huấn sơ truyền (kerygma) vốn có một nội dung xã hội rõ ràng: đời sống cộng
đồng và việc nối kết với người khác nằm ngay ở tâm điểm của Tin Mừng”.[82]
Tiêu chuẩn biện phân này, một tiêu chuẩn không chỉ giới hạn vào các thực thể
giáo dân trong Giáo Hội, vốn nhấn mạnh tới sự nhất thiết phải là “các cửa ngõ
phong phú cho việc tham gia và tình liên đới trong việc tạo ra các điều kiện sống
công bình và yêu thương hơn trong xã hội”.[83]
Về phương diện này, “lòng ước ao được hiện diện như Kitô hữu trong các khung cảnh
khác nhau của dời sống xã hội và việc tạo ra cũng như đánh thức các công trình
bác ái, văn hóa và thiêng liêng; tinh thần không dính bén và đức khó nghèo
thiêng liêng dẫn tới một lòng quảng đại lớn hơn trong tình bác ái với mọi người”
thẩy đều quan trọng.[84]
Qui chiếu vào Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội cũng là một nhân tố có tính quyết
định.[85]
Cách riêng, “đức tin của chúng ta vào Chúa Kitô, Đấng đã trở nên nghèo, và luôn
gần gũi người nghèo và người bị xua đuổi, là căn bản đối với quan tâm của chúng
ta đối với việc phát triển toàn diện các thành viên bị lãng quên nhất của xã hội”.[86]
Điều này không thể thiếu nơi một thực thể có tính Giáo Hội chân chính.
V. Thực hành trong Giáo Hội liên hệ tới mối
tương quan
giữa các hồng ân phẩm trật và các hồng ân đặc sủng
19. Sau cùng, điều cần thiết là phải nói tới một số yếu tố
trong việc Giáo Hội thực hành cụ thể mối tương quan giữa các hồng ân phẩm trật
và các hồng ân đặc sủng đã được định hình như các nhóm đặc sủng trong hiệp
thông Giáo Hội.
Tính hỗ tương
20. Trước nhất, việc thiết lập các mối tương quan tốt đẹp giữa
các hồng ân đa dạng trong Giáo Hội đòi phải thực sự tháp nhập thực thể đặc sủng
vào đời sống mục vụ của Giáo Hội đặc thù. Điều này buộc các nhóm đa dạng phải thừa
nhận thẩm quyền của các mục tử trong Giáo Hội như là một thực tại trong chính đời
sống Kitô Giáo, và khi thành thực ước muốn được thừa nhận, được tiếp đón và sau
cùng được thanh luyện, họ phải tự đặt mình vào thế sẵn sàng phục vụ sứ mệnh của
Giáo Hội. Mặt khác, những vị được ủy thác các hồng ân phẩm trật, khi thi hành
việc biện phân và đồng hành với các đặc sủng, cần phải thân ái tiếp nhận những
gì mà Chúa Thánh Thần đã linh hứng trong hiệp thông Giáo Hội, do đó, lưu ý tới
các hoạt động mục vụ và trân qúi sự đóng góp của họ như là một nguồn chân chính
gây ích lợi cho mọi người.
Các hồng ân đặc sủng trong Giáo Hội hoàn vũ và đặc thù
21. Liên hệ tới việc phân tán và tính đặc thù của các thực thể
đặc sủng, ta cũng phải xét tới mối tương quan có tính cơ cấu và yếu tính giữa
Giáo Hội hoàn vũ và các Giáo Hội đặc thù. Vì lý do này, cần phải minh xác rằng:
như ta đã tuyên xưng trong Kinh Tin Kính Các Thánh Tông Đồ, Giáo Hội của Chúa
Kitô “là Giáo Hội phổ quát, nghĩa là, một cộng đồng khắp thế giới của các môn đệ
Chúa, một cộng đồng hiện diện và hoạt động giữa những đặc điểm đặc thù và tính
đa dạng về người, về nhóm, về thời gian và nơi chốn”.[87]
Do đó, chiều kích đặc thù là chiều kích nội tại đối với chiều kích phổ quát và
ngược lại; có một “nội tại tính hỗ tương” [88]
giữa các Giáo Hội đặc thù và Giáo Hội hoàn vũ. Trong bối cảnh này, các hồng ân
phẩm trật riêng của Vị Thừa Nhiệm Thánh Phêrô được thi hành để bảo đảm và làm dễ
nội tại tính của Giáo Hội hoàn vũ bên trong các Giáo Hội địa phương; cũng thế,
Chức Vụ Tông Đồ của các giám mục cá thể không bị giới hạn bên trong các giáo phận
của các ngài nhưng được kêu gọi tuôn trào ra toàn thể Giáo Hội, nhờ cả tình âu
yếm thích đáng đối với tính hợp đoàn và các hiệu quả của tính này, và nhất là
nhờ tình hiệp thông với centrum
unitatis Ecclesiae (tâm điểm
sự hợp nhất Giáo Hội) là chính Giám Mục Rôma. “Là người kế nhiệm Thánh Phêrô,
ngài là nguyên lý và nền tảng trường cửu và hữu hình của sự hợp nhất cả các giám
mục lẫn tín hữu giáo dân. Tuy nhiên, các giám mục cá thể là nguyên lý và nền tảng
hữu hình của sự hợp nhất trong các Giáo Hội đặc thù của các ngài, được lên
khuôn theo mẫu mực Giáo Hội hoàn vũ; chính trong và từ các Giáo Hội này, mà có
Giáo Hội Công Giáo duy nhất”.[89]
Điều này hàm nghĩa: trong mọi Giáo Hội đặc thù, “Giáo Hội duy nhất, thánh thiện,
Công Giáo và tông truyền của Chúa Kitô thực sự hiện diện và hoạt động”.[90]
Do đó, việc qui chiếu tới thẩm quyền của Vị Kế Nhiệm Thánh Phêrô, tức việc hiệp
thông cum Petro et sub Petro (với Phêrô và dưới Phêrô) là có
tính cấu tạo đối với mọi Giáo Hội địa phương.[91]
Nhờ cách này, nền tảng của mối tương quan giữa các hồng ân phẩm
trật và đặc sủng đã được đặt trong mối tương quan giữa Giáo Hội phổ quát và các
Giáo Hội đặc thù. Một đàng, các hồng ân đặc sủng được ban cho toàn thể Giáo Hội;
đàng khác, tính năng động của các hồng ân này phải tự thể hiện trong việc phục
vụ một giáo phận cụ thể, vốn “là một phần của Dân Chúa đã được ủy thác cho một
giám mục để được ngài chăn dắt với sự hợp tác của linh mục đoàn”.[92]
Vì mục đích này, điều hữu ích là nhớ tới trường hợp Đời Sống Thánh Hiến; đây
không phải là một thực tại nằm ở ngoài và độc lập đối với đời sống của Giáo Hội
địa phương; đúng hơn, nó tạo ra một cách thế để hiện diện giữa Giáo Hội địa
phương, một cách hiện diện được đánh dấu bởi tính triệt để của Tin Mừng và sở đắc
các hồng ân chuyên biệt của mình. Đặc ân “miễn trừ” (exemption) mà truyền thống
vốn ban cho nhiều Viện Sống Đời Thánh Hiến [93]
không ngụ hàm một thứ siêu tòng thổ không nhập tịch (disincarnated dislocation)
hay một thứ độc lập bị hiểu sai lầm, mà đúng hơn là một sự tương tác sâu sắc
hơn giữa chiều kích phổ quát và chiều kích đặc thù của Giáo Hội.[94]
Tương tự như thế, các thực thể đặc sủng mới, khi sở hữu đặc tính siêu giáo phận
(supra-diocesan), không nên tự coi mình như hoàn toàn độc lập đối với Giáo Hội
đặc thù; đúng hơn, họ nên phong phú hóa và phục vụ Giáo Hội này bằng chính tính
đặc thù ấy, một tính đặc thù vốn được chia sẻ bên kia biên giới của một giáo phận.
Các hồng ân đặc sủng và các bậc sống của Kitô hữu
22. Các hồng ân đặc sủng do Chúa Thánh Thần ban phát có thể
có liên hệ với toàn bộ trật tự hiệp thông của Giáo Hội về cả phương diện bí
tích lẫn Lời Thiên Chúa. Tùy theo các nét đa dạng của chúng, các hồng ân này có
thể mang nhiều hoa trái trong việc chu toàn các bổn phận vốn phát sinh từ phép
rửa tội, phép thêm sức, phép hôn phối và phép truyền chức thánh. Chúng cũng
giúp ta khả năng hiểu rõ hơn Truyền Thống Tông Đồ về phương diện thiêng liêng;
ngoài việc nghiên cứu thần học và việc giảng dậy của những vị được ủy thác charisma veritatis certum (đặc sủng chân lý chắc chắn),[95]
truyền thống này còn có thể được thâm hậu hóa nhờ những vị nắm được “một sự hiểu
biết sâu sắc các thực tại thiêng liêng do cảm nghiệm bản thân”.[96]
Trong bối cảnh này, điều hữu ích là liệt kê các câu hỏi nền tảng liên hệ tới mối
tương quan giữa các hồng ân đặc sủng và các bậc sống khác nhau, lưu ý đặc biệt
tới chức linh mục chung của Dân Chúa và chức linh mục thừa tác và phẩm trật,
hai chức linh mục “dù khác nhau trong yếu tính chứ không phải chỉ trong mức độ
[…] nhưng có liên hệ qua lại với nhau: mỗi chức, theo cách riêng của nó, đều là
một tham dự vào chức linh mục duy nhất của Chúa Kitô”.[97]
Thực vậy, chúng tạo ra “hai cách tham dự vào chức linh mục duy nhất của Chúa
Kitô, là chức bao gồm hai chiều kích nhưng kết hợp làm một trong hành vi hy
sinh tối thượng trên thập giá”.[98]
a) Thứ nhất, ta cần nhìn nhận sự tốt lành của các đặc sủng
khác nhau đã khai sinh ra nhiều hiệp hội có tính Giáo Hội giữa mọi tín hữu, được
kêu gọi làm cho ơn sủng bí tích sinh nhiều hoa trái, dưới sự lãnh đạo của các mục
tử hợp pháp của họ. Chúng đem lại một dịp may chân chính để người ta sống và
phát triển ơn gọi làm Kitô hữu cách thích đáng của họ.[99]
Các hồng ân đặc sủng này giúp các tín hữu có thể sống chức linh mục chung của
Dân Chúa như là một phần trong cuộc sống hằng ngày của họ: là “các môn đệ của
Chúa Kitô, chuyên chăm cầu nguyện và ca ngợi Thiên Chúa, (xem Cv 2,42-47), [họ] nên tự trình bầy mình như
của lễ hy sinh sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa (xem Rm 12,1). Ở khắp nơi trên trái đất, họ
phải làm chứng cho Chúa Kitô và trả lời cho những ai muốn có lời giải thích về
niềm hy vọng được sống đời đời của họ (xem 1Pr
3,15)”.[100]
Thuộc loại này còn có những hiệp hội rất có ý nghĩa đối với đời sống hôn nhân
Kitô Giáo; những hiệp hội này “nên cố gắng dùng các chương trình huấn giáo và
các hành động của họ để củng cố giới trẻ và chính các cặp vợ chồng, nhất là những
cặp vợ chồng mới cưới, và huấn luyện để họ đảm nhiệm cuộc sống gia đình, xã hội
và tông đồ”.[101]
b) Nhờ việc tham dự của họ vào một thực thể đặc sủng, các thừa
tác viên thụ phong cũng có thể được nhắc nhở về ý nghĩa phép rửa của chính họ,
nhờ đó họ trở nên con cái Thiên Chúa, cũng như sứ mệnh và ơn gọi chuyên biệt của
riêng mình. Nơi một hiệp hội Giáo Hội nhất định, thành viên thụ phong của đoàn
tín hữu có khả năng tìm được một trợ giúp nào đó để họ sống cách sâu sắc hơn
các thách đố trong thừa tác vụ chuyên biệt của họ trong tương quan với toàn thể
Dân Chúa, nhất là bộ phận được ủy thác cho họ, và trong tương quan với việc
thành thực vâng lời Đấng Bản Quyền.[102]
Tương tự như thế, ta cũng có thể nói cùng một điều vừa nói với các ứng viên chịu
chức linh mục thuộc một hiệp hội Giáo Hội đặc thù, như Tông Huấn Hậu Thượng Hội
Đồng Pastores Dabo Vobis [103] đã
quả quyết; một tương quan như thế cần được bầy tỏ một cách trung thành tích cực
đối với chính việc đào tạo chuyên biệt của họ, làm giầu việc đào tạo này bằng đặc
sủng liên hệ. Cuối cùng, tùy theo đặc tính riêng của từng hiệp hội, sự trợ giúp
mục vụ mà vị linh mục có khả năng cung ứng cho hiệp hội phải luôn phù hợp với regimen (tông hiến?) đã được dự trù cho việc
hiệp thông trong Giáo Hội, nhất là phần dành cho các Chức Thánh, liên quan tới việc
nhập tịch (incardination),[104]
và vâng lời đối với đấng bản quyền.[105]
c) Sự đóng góp của hồng ân đặc sủng vào chức linh mục do phép
rửa và vào chức linh mục do thừa tác đã được minh tả bằng Đời Sống Thánh Hiến;
đời sống này, tự nó, vốn được định vị trong chiều kích đặc sủng của Giáo Hội.[106]
Một đặc sủng như thế, một đặc sủng nói lên “sự đồng hình đồng dạng đặc biệt với
Chúa Kitô, Đấng khiết tịnh, nghèo khó và vâng lời” [107]
như một hình thức sống bền đỗ [108]
do lời khấn giữ các lời khuyên của Tin Mừng, đã được ban giúp người ta “có khả
năng hái lượm được nhiều hoa trái dư thừa hơn từ […] ơn sủng của phép rửa”.[109]
Đối với cả tín hữu giáo dân lẫn các linh mục, linh đạo của Các Viện Đời Sống
Thánh Hiến có thể trở thành nguồn tài nguyên quan trọng giúp họ sống ơn gọi riêng
của họ. Hơn nữa, các thành viên của các Viện Đời Sống Thánh Hiến, với sự đồng
thuận cần thiết của các bề trên của họ,[110]
thường có thể tìm thấy nơi các hiệp hội mới một sự trợ giúp quan trọng để sống
ơn gọi của mình, và ngược lại, có thể cung ứng một “chứng tá trung tín, hân
hoan và có tính đặc sủng đối với đời sống thánh hiến”,[111]
nhờ thế, tạo nên một sự phong phú hóa hỗ tương.
d) Sau cùng, điều có ý nghĩa là tinh thần các lời khuyên của
Tin Mừng cũng đã được Huấn Quyền đề nghị cho mọi thừa tác viên thụ phong.[112]
Ngay bậc sống độc thân, một điều bắt buộc đối với các linh mục trong truyền thống
Latinh đáng kính [113]
cũng đã rõ ràng có cùng một đường hướng với các hồng ân đặc sủng; bậc sống này
không chủ yếu có tính chức năng; đúng hơn, nó “thực sự làm người ta đặc biệt trở
nên đồng hình đồng dạng với chính lối sống riêng của Chúa Kitô”,[114]
trong đó, việc hoàn toàn hiến mình cho sứ mệnh mà bí tích truyền chức thánh
trao ban đã được thể hiện.[115]
Các hình thức thừa nhận của Giáo Hội
23. Tài liệu này có ý định minh giải vị trí thần học và Giáo
Hội học của các hiệp hội mới trong Giáo Hội dưới ánh sáng mối tương quan giữa
các hồng ân phẩm trật và đặc sủng. Hy vọng rằng tài liệu này sẽ đóng góp vào việc
nhận diện được một cách cụ thể các phương thế thoả đáng nhất để Giáo Hội thừa
nhận chúng. Bộ Giáo Luật hiện hành cung cấp các phương thế pháp lý khác nhau để
thừa nhận các thực thể mới trong Giáo Hội, vốn do các hồng ân đặc sủng mà có.
Các phương thế này cần phải được xem xét một cách thận trọng,[116]
tránh các tiền lệ không biết xem xét thoả đáng cả các nguyên tắc luật lệ nền tảng
lẫn bản chất và tính đặc thù của các thực thể đặc sủng đa dạng.
Nhìn từ mối tương quan giữa các hồng ân phẩm trật và đặc sủng,
điều cần là phải xem xét hai tiêu chuẩn căn bản không thể tách biệt nhau: a)
tôn trọng tính đặc thù của các nhóm đặc sủng cá thể, tránh những trói buộc pháp
lý bóp nghẹt tính mới mẻ vốn phát sinh từ kinh nghiệm chuyên biệt. Nhờ cách
này, người ta tránh được nguy cơ các đặc sủng đa dạng bị coi như các nguồn tài
nguyên tầm thường trong Giáo Hội; b) tôn trọng các regimen (hiến chế?) nền tảng trong Giáo Hội,
nhờ cách này, ta làm dễ việc tháp nhập hữu hiệu các hồng ân đặc sủng vào đời sống
của cả Giáo Hội đặc thù lẫn Giáo Hội hoàn vũ. Nhờ thế, tránh được bất cứ nguy
cơ nào khiến các thực thể đặc sủng bị coi như hoạt động song song với đời sống
Giáo Hội hay không được sắp xếp trong tương quan với các hồng ân phẩm trật.
Kết luận
24. Khi chờ để được tuôn đổ Chúa Thánh Thần, các môn đệ đầu tiên
đã rất chuyên chăm và hợp nhất trong lời cầu nguyện cùng với Đức Maria, Mẹ Chúa
Giêsu (xem Cv 1,14). Ngài đã hoàn toàn chấp nhận mọi ơn sủng và làm cho chúng
sinh hoa trái, nhờ thế, ngài đã được Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh phong phú hóa
một cách siêu dư tràn: quan trọng nhất là ơn được làm Mẹ Thiên Chúa. Mọi con
cái của Giáo Hội có thể chiêm ngưỡng sự ngoan ngoãn hoàn toàn của ngài đối với
hành động của Chúa Thánh Thần: một sự ngoan ngoãn không tì vết trong đức tin và
trong sự khiêm nhường trong sáng. Do đó, Đức Mẹ đã chứng tỏ một cách trọn vẹn
việc ngoan ngoãn và trung thành lãnh nhận mọi hồng ân của Chúa Thánh Thần. Hơn
nữa, như Công Đồng Vatican dạy, Đức Trinh Nữ Maria, bằng đức ái mẫu thân của
ngài, “chăm sóc anh em của Con mình, những đứa con vẫn còn đang lữ thứ trên trần
gian giữa vòng vây của nguy hiểm và thử thách, cho tới lúc chúng được đưa vào
cõi hạnh phúc tại quê hương đích thực của chúng”.[117]
Vì ngài “tự để mình được Chúa Thánh Thần dẫn dắt trên con đường đức tin hướng về
đích phục vụ và sinh hoa trái, nên hôm nay, ta nhìn lên ngài và xin ngài giúp
chúng ta công bố sứ điệp cứu rỗi cho mọi người và giúp các môn đệ mới, đến lượt
họ, trở thành các người rao giảng Tin Mừng”.[118]
Vì lý do này, Đức Maria được nhìn nhận là Mẹ Giáo Hội và chúng ta, đầy lòng tin
tưởng, cùng chạy đến với ngài, để, nhờ sự giúp đỡ đắc lực và sự cầu bầu mạnh thế
của ngài, các đặc sủng, được Chúa Thánh Thần ban phát cho các tín hữu, được
lãnh nhận một cách ngoan ngoãn và sinh hoa trái cho đời sống và sứ mệnh của
Giáo Hội và cho thiện ích của thế giới.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong buổi yết kiến dành cho Đức Hồng
Y Bộ Trưởng ngày 14 tháng Ba, 2016, đã chấp thuận Thư này, từng được Phiên Họp
Toàn Thể của Thánh Bộ này thông qua, và truyền cho công bố.
Rôma, từ Văn Phòng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, ngày 15 tháng
Năm, 2016, ngày Lễ Hiện Xuống.
Hồng Y Gerhard Müller,
Bộ Trưởng
Luis F. Ladaria, S.I.,
Tổng Giám Mục hiệu tòa Thibica, Thư Ký
[1] Hiến chế tín lý Lumen Gentium, số 4.
[2] Thánh Gioan Chrysostom, Homilia de Pentecoste,
II, 1: PG 50, 464.
[3] Đức Phanxicô, Tông Huấn Evangelii Gaudium (24
tháng 11, 2013), 49: AAS 105 (2013), 1040.
[4] Xem đã dẫn, 20-24: AAS 105 (2013), 1028-1029.
[5] Xem đã dẫn, 14: AAS 105 (2013), 1025.
[6] Đã dẫn, 25: AAS 105 (2013), 1030.
[7] Sắc lệnh Apostolicam Actuositatem, 19.
[8] Đức Phanxicô, Tông Huấn Evangelii Gaudium,
14: AAS 105 (2013), 1026; Xem Đức Bênêđíctô XVI, Bài giảng trong Thánh Lễ
khai mạc hội nghị toàn thể lần thứ năm hàng giám mục Mỹ Châu Latinh và vùng Caribbean
tại “La Aparecida” (13 tháng 5 2007): AAS 99 (2007), 43.
[9] Đức Gioan Phaolô II, Diễn văn cho những người
thuộc Các Phong Trào Giáo Hội và Các Cộng Đồng mới ngày vọng Lễ Hiện Xuống (30
tháng 5, 1998), 7: Insegnamenti 21/1 (1998), 1123.
[10] Đã dẫn, 6: Insegnamenti 21/1 (1998), 1122.
[11] Đã dẫn., 8: Insegnamenti 21/1 (1998), 1124.
[12] “Có những loại đặc sủng đặc thù (charismata) khác nhau”
(Rm 12:6); “mỗi người chúng ta đều có đặc sủng riêng do Chúa ban, người thì đặc
sủng này, người thì đặc sủng kia” (1 Cr 7:7).
[13] Trong tiếng Hy Lạp, hai từ (chárisma and cháris) có chung
một gốc.
[14] Xem. Origen, De principiis, I, 3, 7: PG 11,
153: “điều được gọi là hồng ân Chúa Thánh Thần đã được chuyển giao qua công trình
Chúa Con và được tạo ra bời công trình Chúa Cha”.
[15] Thánh Basilêô thành Caesarea, Regulae fusius
Tractae, 7, 2: PG 31, 933-934.
[16] “Ai nói tiếng lạ tự xây dựng chính mình, nhưng ai nói
tiên tri thì xây dựng Giáo Hội” (1 Cr 14:4). Thánh Tông Đồ không bác bỏ ơn nói tiếng
lạ (glossolalia), một đặc sủng cầu nguyện hữu ích cho mối tương quan bản thân với
Thiên Chúa, và ngài thừa nhận nó là một đặc sủng chân chính, dù không trực tiếp
có ích lợi cộng đồng: “tôi cảm tạ Thiên Chúa vì tôi đã nói tiếng lạ hơn bất cứ
ai trong anh em, nhưng trong Giáo Hội, tôi chẳng thà nói năm chữ bằng đầu óc
mình, để có thể huấn giáo cả người khác nữa, hơn là nói mười ngàn chữ tiếng lạ”
(1 Cor 14:18-19).
[17] Xem 1 Cor 12:28: “Trong Hội Thánh, Thiên Chúa đã đặt một
số người, thứ nhất là các Tông Đồ, thứ hai là các ngôn sứ, thứ ba là các thầy dạy,
rồi đến những người được ơn làm phép lạ, được những đặc sủng để chữa bệnh, để
giúp đỡ người khác, để quản trị, để nói các thứ tiếng lạ”.
[18] Trong các tụ họp cộng đồng, việc có quá dư các biểu
hiện đặc sủng có thể tạo ra khó khăn, tạo ra bầu khí tranh chấp, mất trật tự và
hỗn độn. Những Kitô hữu ít hồng ân hơn có nguy cơ rơi vào mặc cảm tự ti (xem
1Cr 12:15-16); trong khi ấy, những người có nhiều đặc sủng dễ bị cám dỗ có những
dáng bộ tự cao tự đại (xem 1 Cr 12:21).
[19] Nếu trong cộng đoàn, không tìm thấy ai có khả năng giải
thích các từ ngữ lạ lùng của người nói tiếng lạ, thì Thánh Phaolô dạy những người
nói tiếng lạ nên giữ im lặng. Nếu có người biết giải thích, Thánh Phaolô cho phép
hai, hay nhiều nhất ba người nói tiếng lạ (xem 1Cr 14:27-28).
[20] Thánh Phaolô không chấp nhận ý niệm linh hứng tiên tri
không kiềm chế; thay vào đó, ngài quả quyết rằng “Ngôn sứ thì làm chủ những cảm
hứng tiên tri của mình, bởi vì Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa gây hỗn loạn,
nhưng là Thiên Chúa tạo bình an” (1 Cr 14:32-33). Ngài quả quyết rằng “Nếu ai
tưởng mình là ngôn sứ hoặc được Thần Khí linh hứng, thì hãy nhìn nhận rằng các
điều tôi viết đây là mệnh lệnh của Chúa. Ai không nhận biết điều ấy, thì cũng
không được Chúa biết đến” (1Cr 14:37-39). Tuy nhiên, ngài kết luận một cách
tích cực khi mời gọi họ hãy khao khát ơn nói tiên tri và đừng ngăn cấm nói các
tiếng lạ (xem 1 Cr 14:39).
[21] Đức Piô XII, Thông Điệp Mystici Corporis (29
tháng 6, 1943): AAS 35 (1943), 206-230.
[22] Xem Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium, 4, 7, 11,
12, 25, 30, 50; Hiến Chế Tín Lý Dei Verbum, 8; Sắc Lệnh Apostolicam
Actuositatem, 3, 4, 30; Sắc Lệnh Presbyterorum Ordinis 4,
9.
[23] Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium, 4.
[24] Đã dẫn, 12.
[25] Xem Sắc Lệnh Apostolicam Actuositatem, 3:
“Ðể thể hiện việc tông đồ này, Chúa Thánh Thần, Đấng thánh hóa dân Chúa qua tác
vụ và các bí tích, cũng ban cho các tín hữu những ơn đặc biệt (xem 1Cr 12:7), ‘phân
phát những ơn đó cho mọi người tùy ý Ngài’ (1Cr 12:11) để mỗi người tùy theo ơn
đã nhận mà giúp đỡ nhau và chính họ trở nên như ‘những người quản lý trung tín
giữ mọi thứ ơn của Thiên Chúa’ (1Pr 4:10) hầu xây dựng toàn thân trong đức ái
(xem Ep 4:16)”.
[26] Đã dẫn.
[27] Xem Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium, 12: “Những
vị thủ lãnh trong Giáo Hội có thẩm quyền phán quyết về tính cách chân chính và
sự sử dụng hợp lý các ơn lạ ấy; các ngài có nhiệm vụ đặc biệt phải khảo sát tất
cả, không phải để dập tắt Thánh Thần, nhưng để giữ lại những điều thiện hảo (x.
1Th 5,12 và 19-21)”. Dù câu này nói cận kề tới việc biện phân các hồng ân ngoại
thường, nhưng do loại suy, điều nói ở đây cũng áp dụng chung cho mọi đặc sủng.
[28] Thí dụ xem Đức Phaolô VI, Tông Huấn Evangelii
nuntiandi (8 tháng 12, 1975), 58: AAS 68 (1976), 46-49; Thánh Bộ Các Viện
Tu Dòng và Tu Triều – Thánh Bộ Giám Mục, Chỉ Thị Mutuae relationis (14
tháng 5, 1978), AAS 70 (1978), 473-506; Đức Gioan Phaolô II, Tông HuấnChristifideles
Laici (30 tháng 12, 1988): AAS 81 (1989), 393-521; Tông Huấn Vita
Consecrata (25 tháng 3, 1996): AAS 88 (1996), 377-486.
[29] Lời quả quyết của văn kiện liên bộ nói trên tức Mutuae
relationes khá điển hình. Trong đoạn 34, văn kiện này nhấn mạnh: “Sẽ là một sai
lầm nghiêm trọng khi biến hai thực tại: đời sống tu dòng và cơ cấu Giáo Hội, độc
lập với nhau, hay đặt chúng đối nghịch nhau như thể chúng hiện tồn như hao thực
thể xa lạ, một có tính đặc sủng, một có tính định chế. Cả hai yêu tố, tức các hồng
ân thiêng liêng và cơ cấu Giáo Hội tạo nên một thực tại duy nhất, dcho dù phức
tạp”.
[30] Đức Gioan Phaolô II, Sứ điệp gửi các tham dự viên
Hội Nghị Thế Giới các Phong Trào Giáo Hội được Hội Đồng Giáo Hoàng về Giáo Dân
cổ vũ (27 tháng 5, 1998), 5: Insegnamenti 21/1 (1998), 1065; Cũng nên
xem Đã Dẫn, Các Phong Trào Giáo Hội tụ họp dự hội nghị chuyên đề quốc tế (2
tháng 3, 1987): Insegnamenti 10/1 (1987), 476-479.
[31] Đức Bênêđíctô XVI, Diễn văn trước các tham dự
viên về hành hương được huynh đoàn Hiệp Thông và Giải Phóng cổ vũ (24
tháng 3, 2007): Insegnamenti 3/1 (2007), 558.
[32] “Hành trình với nhau trong Giáo Hội, dưới sự hướng dẫn
của các mục tử Giáo Hội có đặc sủng và thừa tác vụ đặc biệt, là dấu chỉ hành động
của Chúa Thánh Thần. Có một cảm thức về Giáo Hội là một điều nền tảng đối với mọi
Kitô hữu, mọi cộng đồng và mọi phong trào”: Đức Phanxicô, Bài giảng trong
Lễ Trọng Hiện Xuống (19 tháng 5, 2013): Insegnamenti 1 (2013), 208.
[33] Đức Phanxicô, Bài Giao Lý (1 tháng
10, 2014): L’Osservatore Romano (2 tháng 10, 2014), 8.
[34] Xem Ga 7:39; 14:26; 15:26; 20:22.
[35] Xem Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Tuyên Bố Dominus
Iesus (6 tháng 8, 2000), 9-12: AAS 92 (2000), 749-754.
[36] Thánh Irênê thành Lyon, Adversus haereses,
IV, 7, 4: PG 7, 992-993; V, 1, 3: PG 7, 1123; V, 6, 1: PG 7, 1137; V, 28, 4: PG
7, 1200.
[37] Xem Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Tuyên Bố Dominus
Iesus, 12: AAS 92 (2000), 752-754.
[38] Xem Đức Gioan Phaolô II, Thông Điệp Dominum
et Vivificantem (18 tháng 5, 1986), 50: AAS 78 (1986), 896-870; Sách
Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo 727-730.
[39] Đức Bênêđíctô XVI, Tông Huấn Sacramentum
Caritatis (22 tháng 2, 2007), 12: AAS 99 (2007), 114.
[40] Xem Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo,
1104-1107.
[41] Đức Gioan Phaolô II, Diễn Văn với những người
thuộc các phong trào Giáo Hội và các cộng đồng mới ngày Vọng Lễ Hiện Xuống (30
tháng 5, 1998), 7: Insegnamenti 21/1 (1998) 1123.
[42] Thánh Ephrem người Syria, Các Thánh Ca về đức
tin, 10, 12: CSCO 154, 50.
[43] Thánh
Cyprianô thành Carthage, De
oratione dominica, 23: PL 4, 553; xem Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium, 4.
[44] Công Đồng Vatican
II, Sắc lệnh Unitatis
Redintegratio, 2.
[45] Xem Thánh Bộ
Giáo Lý Đức Tin, Tuyên Bố Dominus
Iesus, 16: AAS 92 (2000), 757: “Sự viên mãn của mầu nhiệm cứu rỗi của Chúa Kitô
cũng thuộc về Giáo Hội, vốn kết hợp bất khả phân với Chúa của mình”.
[46] Đức Phaolô
VI, Bài Giáo Lý (8 tháng 6, 1966): Insegnamenti 4
(1966), 794.
[47] Công Đồng Vatican
II, Hiến Chế Tín Lý Lumen
Gentium, 1.
[48] Kỳ Họp Toàn
Thể Đặc Biệt Lần Thứ Hai Thượng Hội Đồng Giám Mục, Ecclesia sub Verbo mysteria Christi
celebrans pro salute mundi (Giáo
Hội dưới Ngôi Lời, mầu nhiệm Chúa Kitô cử hành để cứu rỗi thế gian). Phúc trình sau cùng (7 tháng 12, 1985), II, C, 1: Enchiridion
Vaticanum, 9, 1800; Xem Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Thư Communionis Notio (28 tháng 5, 1992), 4-5: AAS 85
(1993), 839-841.
[49] Xem Đức Bênêđíctô
XVI, Tông Huấn Verbum Domini (30 tháng 9, 2010), 54: AAS 102
(2010), 733-734; Đức Phanxicô, Tông Huấn Evangelii
Gaudium, 174: AAS 105 (2013), 1092-1093.
[50] Xem Thánh
Basilêô thành Cesarea, De
Spiritu Sancto, 26: PG 32, 181.
[51] J.H.
Newman, Sermons Bearing on
Subjects of the Day, London 1869, 132.
[52] Lời khẳng định
điển hình về vấn đề này liên quan tới Đời Sống Thánh Hiến có thể tìm thấy trong
Đức Gioan Phaolô II, Bài Giáo
Lý (28 tháng 9, 1994), 5:
Insegnamenti 17/2 (1994), 404-405.
[53] Công Đồng Vatican
II, Hiến Chế Tín Lý Lumen
Gentium, 7.
[54] Đã dẫn., 21.
[55] Đã dẫn.
[56] Đã dẫn.
[57] Thánh Basilêô
thành Cesarea, De Spiritu
Sancto, 16, 38: PG 32, 137.
[58] Công Đồng Vatican
II, Hiến Chế Tín Lý Lumen
Gentium, 28.
[59] Đã dẫn, Sắc
Lệnh Presybyterium Ordinis,
2.
[60] Công Đồng Vatican
II, Hiến Chế Tín Lý Lumen
Gentium, 29.
[61] Đã dẫn, 12.
[62] Xem Công Đồng
Vatican II, Hiến Chế Mục Vụ Gaudium
et Spes, 4, 11.
[63] Đức Gioan Phaolô
II, Tông Huấn Christifideles
Laici, 24: AAS 81 (1989), 434.
[64] Xem Đã dẫn, 29: AAS 81 (1989),
443-446.
[65] Xem Công Đồng
Vatican II, Hiến Chế Tín Lý Lumen
Gentium, 12.
[66] Đức Gioan Phaolô
II, Bài Giáo Lý (9 tháng 3, 1994), 6: Insegnamenti
17/1 (1994), 641.
[67] Xem Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo,
799 tt; Thánh Bộ Các Viện Đời Sống Thánh Hiến và Các Hội Đời Sống Tông Đồ, Chỉ Thị Mutuae Relationes, 51: AAS 70
(1978), 499-500; Đức Gioan Phaolô II, Tông Huấn Vita Consecrata, 48: AAS 88 (1996),
421-422; Đã dẫn, Bài Giáo Lý (24 tháng 6, 1992), 6:
Insegnamenti 15/1 (1992), 1935-1936.
[68] Xem Công Đồng
Vatican II, Hiến Chế Tín Lý Lumen
Gentium, 39-42; Đức Gioan Phaolô II, Tông Huấn Christifideles Laici, 30: AAS
81 (1989), 446.
[69] Đức Phanxicô,
Tông Huấn Evangelii Gaudium,
130: AAS 105 (2013), 1074.
[70] Đức Gioan Phaolô
II, Tông Huấn Christifideles
Laici, 30: AAS 81 (1989), 447; Xem Đức Phaolô VI, Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, 58: AAS 68
(1976), 49.
[71] Đức Gioan Phaolô
II, Tông Huấn Christifideles
Laici, 30: AAS 81 (1989), 446-447.
[72] Đức
Phanxicô, Bài Giảng Lễ Hiện Xuống (19 tháng 5, 2013), Insegnamenti 1
(2013), 208.
[73] Đức Gioan Phaolô
II, Tông Huấn Christifideles
Laici, 30: AAS 81 (1989), 447; Xem Đức Phaolô VI, Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, 58: AAS 68
(1976), 48.
[74] Đức Gioan Phaolô
II, Tông Huấn Christifideles
Laici, 30: AAS 81 (1989), 447.
[75] Đã dẫn: AAS 81 (1989), 448.
[76] Xem Đã dẫn: AAS 81 (1989), 447.
[77] Đức Phanxicô,
Tông Huấn Evangelii Gaudium,
130: AAS 105 (2013), 1074-1075.
[78] Thánh Bộ Các
Viện Đời Sống Thánh Hiến và Các Hội Đời Sống Tông Đồ, Chỉ Thị Mutuae Relationes, 12: AAS 70 (1978),
480-481; Xem Đức Gioan Phaolô II, Diễn
Văn Dịp gặp Các Phong Trào Giáo Hội và Cộng Đồng Mới ngày Vọng Lễ Hiện Xuống (30 tháng 5, 1998), 6:
Insegnamenti 21/1 (1998), 1122.
[79] Đức Phaolô
VI, Tông Huấn Evangelii
Nuntiandi, 58: AAS 68 (1976), 48.
[80] Đã dẫn; Xem
Đức Phanxicô, Tông Huấn Evangelii
Gaudium, 174-175: AAS 105 (2013), 1092-1093.
[81] Đức Gioan Phaolô
II, Tông Huấn Christifideles
Laici, 30: AAS 81 (1989), 448.
[82] Đức Phanxicô,
Tông Huấn Evangelii Gaudium,
177: AAS 105 (2013), 1094.
[83] Đức Gioan Phaolô
II, Tông Huấn Christifideles
Laici, 30: AAS 81 (1989), 448.
[84] Đã dẫn.
[85] Xem Đức Phanxicô,
Tông Huấn Evangelii Gaudium,
184, 221: AAS 105 (2013), 1097, 1110-1111.
[86] Đã dẫn, 186: AAS 105 (2013), 1098.
[87] Thánh Bộ Giáo
Lý Đức Tin, Thư Communionis
Notio, 7: AAS 85 (1993), 842.
[88] Đã dẫn, 9: AAS 85 (1993), 843.
[89] Công Đồng Vatican
II, Hiến Chế Tín Lý Lumen
Gentium, 23.
[90] Đã dẫn, Sắc Lệnh Christus Dominus, 11.
[91] Xem Đã dẫn,
2; Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Thư Communionis
Notio, 13-14, 16: AAS 85 (1993), 846-848.
[92] Công Đồng Vatican
II, Sắc Lệnh Christus Dominus,
11.
[93] Xem Đã dẫn,
35; Bộ Giáo Luật, điều 591; Bộ Giáo Luật Đông Phương, điều 412, §2: Thánh Bộ Các
Viện Đời Sống Thánh Hiến và Các Hội Đời Sống Tông Đồ, Chỉ Thị Mutuae Relationes, 22: AAS 70
(1978), 487.
[94] Xem Thánh Bộ
Giáo Lý Đức Tin, Thư Communionis
Notio, 15: AAS 85 (1993), 847.
[95] Xem Công Đồng
Vatican II, Hiến Chế Tín Lý Dei
Verbum, 8; Sách Giáo Lý Của
Giáo Hội Công Giáo, 888-892.
[96] Công Đồng Vatican
II, Hiến Chế Tín Lý Dei Verbum,
8.
[97] Đã dẫn, Hiến
Chế Tín Lý Lumen Gentium,
10.
[98] Đức Gioan Phaolô
II, Tông Huấn Pastores Gregis (16 tháng 10, 2003), 10: AAS 96
(2004), 838.
[99] Xem Đã dẫn,
Tông Huấn Christifideles Laici,
29: AAS 81 (1989), 443-446.
[100] Công Đồng Vatican
II, Hiến Chế Tín Lý Lumen
Gentium, 10.
[101] Đã dẫn, Hiến
Chế Mục Vụ Gaudium et Spes,
52; Xem Đức Gioan Phaolô II, Tông Huấn Familiaris
Consortio (22 tháng 11,
1981), 72: AAS 74 (1982), 169-170.
[102] xem Đức Gioan
Phaolô II, Tông Huấn Pastores
Dabo Vobis (25 tháng 3,
1992), 68: AAS 84 (1992), 777.
[103] xem Đã dẫn, 31, 68: AAS 84 (1992), 708-709,
775-777.
[104] Xem Bộ Giáo Luật, điều 265; Bộ Giáo Luật Đông Phương, điều
357, §1.
[105] Xem Bộ Giáo Luật, điều 273; Bộ Giáo Luật Đông Phương, điều
370.
[106] Thánh Bộ Các
Viện Đời Sống Thánh Hiến và Các Hội Đời Sống Tông Đồ, Chỉ Thị Mutuae Relationes, 19, 34: AAS
70 (1978), 485-486, 493.
[107] Đức Gioan Phaolô
II, Tông Huấn Vita Consecrata,
31: AAS 88 (1996), 404-405.
[108] Xem Công Đồng
Vatican II, Hiến Chế Tín Lý Lumen
Gentium, 43.
[109] Đã dẫn 44; Xem Sắc Lệnh Perfectae Caritatis, 5; Đức Gioan
Phaolô II, Tông Huấn Vita
Consecrata, 14, 30: AAS 88 (1996), 387-388, 403-404.
[110] Xem Bộ Giáo Luật, điều 307, §3; Bộ Giáo Luật Đông Phương, điều
578, §3.
[111] Thánh Bộ Các
Viện Đời Sống Thánh Hiến và Các Hội Đời Sống Tông Đồ, Huấn thị Repartir du Christ (19 tháng 5,
2002), 30: Enchiridion Vaticanum, 21, 472.
[112] Xem Đức Gioan
Phaolô II, Tông Huấn Pastores
Dabo Vobis, 27-30: AAS 84 (1992), 700-707.
[113] Xem Đức Phaolô
VI, Thông Điệp Sacerdotalis
Caelibatus (24 tháng 6,
1967): AAS 59 (1967), 657-697.
[114] Đức Bênêđíctô
XVI, Tông Huấn Sacramentum
Caritatis, 24: AAS 99 (2007), 124.
[115] Xem Đức Gioan
Phaolô II, Tông Huấn Pastores
Dabo Vobis, 29: AAS 84 (1992), 703-705; Công Đồng Vatican II, Sắc Lệnh Presbyterorum Ordinis, 16.
[116] Hình thức pháp
lý đơn giản nhất để thừa nhận các thực thể Giáo Hội có bản chất đặc sủng hiện
nay dường như là hình thức hiệp hội tư của các tín hữu Kitô (Xem Bộ Giáo Luật, điều 321-326; Bộ Giáo Luật Đông Phương, điều 573,
§2-583). Tuy nhiên, cũng nên xem xét các hình thức pháp lý khác với các đặc điểm
chuyên biệt, như các hiệp hội công của các tín hữu Kitô (xem Bộ Giáo Luật, điều 573-730; Bộ Giáo Luật Đông Phương, điều 573,
§1-583), các hiệp hội giáo sĩ của tín hữu Kitô (Xem Bộ Giáo Luật, điều 302), các viện
đời sống thánh hiến (Xem Bộ Giáo
Luật, điều 573-730; Bộ Giáo
Luật Đông Phương, điều 410-571), các Hội Đời Sống Tông Đồ (Xem Bộ Giáo Luật, điều 731-746; Bộ Giáo Luật Đông Phương, điều 572)
và các giám hạt tòng nhân (Xem Bộ
Giáo Luật, điều 294-297).
[117] Công Đồng Vatican
II, Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium,
62.
[118] Đức Phanxicô,
Tông Huấn Evangelii Gaudium,
287: AAS 105 (2013), 1136.