Bài Giáo Lý của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI về Ngày Kỷ Niệm 50 Năm Khai Mạc Công Đồng Vaticanô II

giaoly.org/vn October 12, 2012 By Phaolo

“Một Biến Cố mà Ánh Sáng vẫn còn Chiếu Rọi đến Ngày Hôm Nay”

Dưới đây là bản dịch Bài Giáo Lý của ĐTC Bênêđictô XVI ban hành tại Quảng trường Thánh Phêrô hôm thứ tư 10 tháng 10, 2012.  Trong đêm vọng ngày Kỷ Niệm 50 năm Công Đồng Vaticanô II, ĐTC dành bài suy niệm này để nói về tầm quan trọng của việc tái khám phá những văn kiện Công Đồng.

* * *

Anh chị em thân mến,

chúng ta đang ở đêm vọng của ngày mừng lễ kỷ niệm năm mươi năm khai mạc Công đồng Vaticanô II và mở đầu Năm Đức Tin.  Với bài Giáo Lý này, tôi bắt đầu suy niệm, bằng một vài tư tưởng ngắn gọn, về biến cố lớn của Hội Thánh là Công Đồng, một biến cố mà tôi là một nhân chứng trực tiếp.  Có thể nói rằng đối với chúng ta Công Đồng có vẻ như một bức tranh ngoài trời vĩ đại, được tô vẽ với tất cả sự đa dạng lớn lao và nhiều yếu tố khác nhau của nó, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Và như đứng trước một bức tranh vĩ đại, ngay cả ngày hôm nay chúng ta vẫn tiếp tục được hưởng sự phong phú phi thường của giây phút ân sủng ấy, và để tái khám phá ra những đoạn, những mảnh và những miếng cụ thể.

Chân Phước Gioan Phaolô II, trước ngưỡng cửa thiên niên kỷ thứ ba, đã viết: “Tôi cảm thấy hơn bao giờ hết nhiệm vụ phải coi Công Đồng như ân sủng rất cao cả được ban cho Hội Thánh trong thế kỷ thứ XX: ở đó chúng ta tìm thấy một địa bàn chắc chắn để hướng dẫn chúng ta trong thế kỷ đang bắt đầu” (Tông Thư Novo millennio ineunte, 57). Tôi nghĩ rằng hình ảnh này thật hùng hồn.  Chúng ta phải trở lại các văn kiện của Công Đồng Vaticanô II, trong khi loại ra một khối lượng những ấn phẩm thường che khuất thay vì làm cho các văn kiện này được biết đến. Với thời đại của chúng ta, các văn kiện này là một địa bàn cho phép con tàu Hội Thánh ra khơi, giữa những cơn bão tố hoặc trên nước sóng yên biển lặng, để hải hành một cách an toàn và đạt đến đích.

Tôi còn nhớ rõ thời kỳ đó: tôi là một giáo sư trẻ về thần học cơ bản tại Đại học Bonn, và chính Đức TGM Cologne, ĐHY Frings, đối với tôi là một điểm tham chiếu về nhân bản cũng như đời sống linh mục, đã mang tôi đi với ngài đến Roma để làm thần học gia cố vấn cho ngài; rồi sau đó tôi cũng được bổ nhiệm làm chuyên gia Công Đồng.  Đối với tôi đó là một kinh nghiệm vô tiền khoáng hậu; sau tất cả những sôi nổi và nhiệt tình trong thời kỳ chuẩn bị, tôi đã có thể thấy một Hội Thánh sống động – Gần 3000 Nghị Phụ Công Đồng từ khắp nơi trên thế giới, đã tụ họp lại dưới sự hướng dẫn của Đấng Kế Vị Thánh Phêrô Tông Đồ, các ngài đã tự đặt mình trong trường của Chúa Thánh Thần, Đấng là động cơ đích thực của Công Đồng.  Thật là một giây phút họa hiếm trong lịch sử, khi mà người ta hầu như có thể “chạm đến”một cách cụ thể tính hoàn vũ của Hội Thánh, ở một giây phút thành công vĩ đại của sứ  mạng mang Tin Mừng đến cho mọi thời đại và đến tận cùng trái đất. Trong những ngày ấy, nếu anh chị em xem lại những hình ảnh của buổi lễ khai mạc cuộc họp vĩ đại này, qua truyền hình hoặc các phương tiện truyền thông khác, anh chị em cũng có thể cảm nhận được niềm vui, hy vọng và sự khích lệ mà tất cả chúng tôi nhận được khi tham dự biến cố ánh sáng ấy, là ánh sáng vẫn còn chiếu tỏa cho đến ngày nay.

Trong lịch sử của Hội Thánh, như anh chị em đều biết, trước Công Đồng Vaticanô II đã có nhiều Công Đồng khác. Thông thường thì các buổi họp lớn này của Hội Thánh được triệu tập để xác định các yếu tố chính yếu của đức tin, đặc biệt là sửa chữa những sai lạc có thể gây ra nguy nguy hiểm cho Hội Thánh. Chúng ta hãy nghĩ đến Công Đồng Nicea năm 325, để chống lại lạc giáo Arianô và tái khẳng định một cách rõ ràng thiên tính của Chúa Giêsu, Con Một Thiên Chúa Cha, hoặc nghĩ đến Công Đồng Êphêsô năm 431, trong đó xác định Đức Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa; hay Công Đồng Chalcedon, năm 451, công bố về Ngôi duy nhất của Đức Kitô trong hai bản tính, Thiên Chúa và loài người.  Gần hơn với chúng ta, phải nói đến Công Đồng Trent vào thế kỷ thứ mười sáu, là Công Đồng làm sáng tỏ những điểm thiết yếu của tín lý Công Giáo trước cuộc Cải Cách Tin Lành, hoặc Vaticanô I, là Công Đồng bắt đầu để suy nghĩ về nhiều vấn đề khác nhau, nhưng chỉ có thì giờ đưa ra hai văn kiện, một văn kiện về sự hiểu biết về Thiên Chúa, về mạc khải và đức tin, cùng sự quan hệ với lý trí, và một văn kiện khác về quyền tối thượng và bất khả ngộ của Đức Giáo Hoàng, bởi vì Công Đồng đã bị gián đoạn bởi việc Roma bị chiếm đóng vào tháng Chín năm 1870.

Nếu chúng ta nhìn vào Công Đồng Chung Vaticanô II, chúng ta thấy rằng vào thời điểm ấy của cuộc hành trình của Hội Thánh không có những sai lầm về có đức tin để sửa chữa hoặc lên án, cũng không có những vấn đề cụ thể về tín lý, kỷ luật phải được làm sáng tỏ. Như thế người ta có thể hiểu được sự ngạc nhiên của một nhóm nhỏ các hồng y trong nhà hội đan viện Bênêđictine ở Phaolô Ngoại Thành, mà ở đó, ngày 25 tháng 1 năm 1959, Chân Phước Gioan XXIII đã công bố họp công nghị giáo phận Roma và Công Đồng của Hội Thánh Hoàn Vũ.  Câu hỏi đầu tiên mà ngài tự hỏi trong việc chuẩn bị cho biến cố lớn này chính là phải bắt đầu như thế nào, và những công tác nào được ủy thác.  Chân Phước Gioan XXIII, trong bài diễn từ khai mạc Công Đồng, ngày 11 tháng 10, năm mươi năm trước đây, đã đưa ra một chỉ dẫn tổng quát: đức tin phải được nói lên một cách “đổi mới”và sắc bén hơn, bởi vì thế giới đang thay đổi nhanh chóng, nhưng vẫn giữ nguyên những nội dung cố hữu của nó, mà không nhượng bộ hay thỏa hiệp gì cả.

Đức Thánh Cha mong muốn rằng Hội Thánh suy tư về đức tin của mình, về những chân lý hướng dẫn nó.  Nhưng sự liên hệ giữa Hội Thánh và thời đại tân tiến, giữa Kitô giáo và một số yếu tố thiết yếu của tư tưởng hiện đại, phải được kể đến dựa trên những suy tư nghiêm chỉnh và sâu xa này về đức tin, không phải để làm theo những tư tưởng ấy, nhưng để trình bày sự cần thiết của Tin Mừng trong tất cả sự cao quý và tinh tuyền của nó cho thế giới của chúng ta, một thế giới có xu hướng lìa xa Thiên Chúa (x. Huấn từ chúc mừng Giáng Sinh Giáo triều Rôma, ngày 22 tháng 2, 2005). Đấng Tôi Tớ Thiên Chúa Phaolô VI diễn tả điều này cách rõ rang trong huấn từ của ngài khi kết thúc phiên cuối cùng của Công Đồng, ngày 7 tháng 12,1965, bằng những lời rất hiện đại, khi ngài nói rằng, để đánh giá đúng biến cố này, “chúng ta phải nhìn đến thời đại mà trong đó nó xảy ra.”Thực ra, Đức Thánh Cha nói, “nó đã đã xảy ra ở một thời đại, mà như mọi người đều công nhận, trong đó con người miệt mài nghĩ đến vương quốc trần thế chứ không màng đến vương quốc trên trời; chúng ta có thể nói thêm, là một thời đại mà trong đó việc quên lãng Thiên Chúa đã trở thành thói quen, và có vẻ, khá sai lạc, như được thúc đẩy bởi tiến bộ khoa học; một thời đại, trong đó hành vi cơ bản của con người, giờ đây ý thức hơn về chính mình và sự tự do của riêng mình, có xu hướng đòi quyền tự chủ tuyệt đối cho mình, trong khi tự giải phóng khỏi mọi luật lệ siêu việt; một thời đại trong đó “chủ nghĩa thế tục”được coi là kết quả hợp pháp của tư tưởng hiện đại và tiêu chuẩn khôn ngoan cao nhất cho trật tự trần thế của xã hội … Chính ở thời điểm như thế mà chúng ta đã tổ chức Công Đồng để tôn vinh Thiên Chúa, nhân danh Đức Kitô, dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần.” Đó là những lời của Đức Thánh Cha Phaolô VI, và ngài đã kết luận bằng cách trình bày ngắn gọn vấn đề về Thiên Chúa là trọng tâm của Công Đồng, Thiên Chúa ấy là Đấng “thực sự hiện hữu, sống động, là một Thiên Chúa ngôi vị, quan phòng, vô cùng tốt lành; và Ngài không những chỉ tốt lành trong bản chất, mà còn tốt lành khôn lường đối với chúng ta. Ngài là Đấng Tạo Hóa, là Chân Lý và hạnh phúc của chúng ta; đến nỗi khi con người tìm cách để hết trí khôn và tâm hồn vào Thiên Chúa trong chiêm niệm, họ thực thi hành động cao nhất và hoàn toàn nhất của linh hồn mình, hành động mà ngay cả ngày nay có thể và phải là đỉnh cao của rất nhiều lĩnh vực hoạt động của con người, từ đó họ nhận được phẩm giá của họ” (AAS 58 [1966], 52-53).

Chúng ta thấy thời đại mà trong đó chúng ta đang sống tiếp tục bị đánh dấu bằng sự lãng quên và bệnh điếc trong liên hệ với Thiên Chúa như thế nào.  Cho nên tôi nghĩ rằng chúng ta phải học bài học đơn giản và cơ bản nhất của Công Đồng, nghĩa là Kitô giáo tự bản chất của nó hệ tại đức tin vào Thiên Chúa, là tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi, và trong cuộc gặp gỡ, cả cá nhân lẫn cộng đồng với Đức Kitô, là Đấng điều khiển và hướng dẫn đời sống chúng ta.  Mọi thứ khác sẽ kèm theo sau.  Điều quan trọng ngày nay, cũng là mong ước của các Nghị Phụ Công Đồng, là điều chúng ta thấy một cách mời mẻ và rõ ràng, là Thiên Chúa hiện diện, quan tâm đến chúng ta, và trả lời chúng ta.  Tuy nhiên, khi thiếu đức tin vào Thiên Chúa, tất cả những gì là thiết yếu sẽ sụp đổ, bởi vì con người đánh mất phẩm giá sâu xa của mình và điều làm cho nhân tính của họ nên cao quý trước mọi hình thức của chủ nghĩa giản luận.  Công Đồng nhắc nhở chúng ta rằng Hội Thánh, trong tất cả các thành phần của mình, có công tác, nhiệm vụ truyền lại Lời của tình yêu cứu độ của Thiên Chúa, để lời mời gọi của Thiên Chúa, trong đó hàm chứa hạnh phúc vĩnh cửu của chúng ta, được lắng nghe và chấp nhận.

Khi nhìn sự phong phú chứa đựng trong các tài liệu của Công Đồng Vaticanô II trong ánh sáng này, tôi chỉ muốn nhắc đến bốn Hiến Chế, gần như là bốn điểm chính của địa bàn hướng dẫn chúng ta.  Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh Sacrosanctum Concilium cho chúng ta biết rằng trong Hội Thánh ngay từ đầu đã có việc thờ phượng, có Thiên Chúa, có tính trung tâm của mầu nhiệm sự hiện diện của Đức Kitô.  Và Hội Thánh, Thân Thể Đức Kitô và dân lữ hành trong thời gian, có nhiệm vụ cơ bản là tôn vinh Thiên Chúa, như được diễn tả Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium.  Tài liệu thứ ba mà tôi muốn đề cập đến là Hiến Chế về Mặc Khải của Thiên Chúa Dei Verbum: Lời hằng sống của Thiên Chúa mời gọi Hội Thánh và sinh động hóa tất cả mọi người dọc theo cuộc hành trình của mình qua lịch sử.  Và cách thức mà trong đó Hội Thánh mang ánh sáng đã nhận được từ Thiên Chúa cho cả thế giới để Ngài được tôn vinh, là chủ đề cơ bản của Hiến Chế Mục Vụ Gaudium et Spes.

Công Đồng Vaticanô II đối với chúng ta là một lởi mởi gọi mãnh liệt để tái khám phá mỗi ngày vẻ đẹp của đức tin của mình, để biết nó một cách sâu xa ngõ hầu có được một mối liên hệ mật thiết hơn với Chúa, để sống ơn gọi Kitô hữu của mình.  Nguyện xin Đức Trinh Nữ, Mẹ Đức Kitô và Mẹ toàn thể Hội Thánh, giúp chúng ta nhận thức và đưa đến hoàn thành điều mà các Nghị Phụ Công Đồng, được Chúa Thánh Thần linh hứng, đã giữ trong lòng: ước mong rằng tất cả mọi người có thể biết Tin Mừng và gặp gỡ Chúa Giêsu như Đường, Sự Thật và Sự Sống. Cảm ơn anh chi em.

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội