BÀI DIỄN VĂN CỦA ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI
VỚI CÁC NHÀ GIÁO DỤC CÔNG GIÁO

 “Tự do không phải là chọn thoái thủ, nhưng là chọn hoà nhập

 

 Kính thưa các Hồng y,

Anh em Giám mục thân mến,

Thưa các vị Giáo sư ưu tú, các Thầy Cô giáo và các nhà Giáo dục,

 

“Đẹp thay bước chân những sứ giả loan báo tin mừng” (Rm 10, 15- 17). Với những lời của tiên tri Isaia được Thánh Phaolô trích dẫn, tôi nồng nhiệt chào thăm mỗi người trong quý vị- những người mang sự khôn ngoan minh triết- và qua quý vị, đến ban giám hiệu, sinh viên và gia đình của những học viện mà qúy vị đại diện. Tôi rất sung sướng được gặp gỡ qúy vị và chia sẻ với qúy vị một vài suy nghĩ liên quan đến bản chất và căn tính của nền giáo dục Công giáo. Tôi đặc biệt cảm ơn Cha David O’Connell, là Chủ tịch và Viện trưởng Đại Học Công Giáo Hoa Kỳ. Tôi hết sức cảm kích trước những lời chào đón tốt đẹp của cha. Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành của tôi đến toàn thể cộng đồng- các phân khoa, ban giám hiệu và sinh viên- của Đại học này.

 

Giáo dục là toàn diện đối với sứ mệnh loan báo Tin Mừng của Giáo Hội. Tiên vàn mỗi học viện giáo dục Công giáo là một nơi để gặp gỡ Thiên Chúa hằng sống, Đấng mặc khải tình yêu và chân lí của Người trong Chúa Giêsu Kitô (x. Spe Salvi, 4). Mối tương quan này làm nảy sinh lòng ước muốn được tiến tới trong việc  nhận biết Chúa Kitô cũng như giáo huấn của Người. Do đó, những ai gặp Người đều được lôi cuốn bởi chính sức mạnh của Tin Mừng để bước vào một đời sống mới, nổi bật bởi tất cả những gì là chân, thiện, mĩ; một đời sống của người làm chứng cho Chúa Kitô đựơc nuôi dưỡng và được củng cố trong cộng đồng những người môn đệ của Chúa chúng ta, là Giáo Hội.

 

Động lực cho sự gặp gỡ cá nhân, tri thức và làm chứng cho Chúa Kitô là thống nhất trong việc phục vụ chân lí mà Giáo Hội đang thực hiện giữa nhân loại. Mặc khải của Thiên Chúa trao cho mỗi thế hệ cơ hội để khám phá chân lí tối hậu về chính đời sống của nó và mục tiêu của lịch sử. Nhiệm vụ này không phải dễ dàng; nó bao hàm toàn thể cộng đồng Kitô giáo, nó thôi thúc mỗi thế hệ những nhà giáo dục Kitô giáo phải bảo đảm rằng sức mạnh của chân lí về Thiên Chúa phải thấm nhập vào hết mọi bình diện tại các học viện mà họ phục vụ. Như vậy, Tin Mừng của Chúa Kitô mới bắt đầu hoạt động, dẫn dắt cả giáo sư và sinh viên hướng về chân lí khách quan, để trong khi vượt lên cái đặc thù và cái chủ quan, thì hướng đến điều phổ quát và tuyệt đối, giúp chúng ta vững tin công bố niềm hi vọng mà không làm chúng ta ngã lòng (x. Rm 5, 5). Những mục tiêu cao cả của học thuật và giáo dục, vốn được xây dựng để đối lại những cuộc tranh đấu cá nhân, sự sai lầm luân lí và sự phân mảnh tri thức, lại được đặt trên tính đồng nhất của chân lí và để phục vụ con người và cộng đồng, sẽ trở nên một khí cụ đặc biệt mạnh mẽ cho niềm hi vọng.

 

Các bạn thân mến, lịch sử quốc gia này có nhiều mẫu gương về việc dấn thân của Giáo Hội trong lãnh vực giáo dục. Quả thật cộng đồng Công giáo tại đây đã đặt giáo dục lên một trong những ưu tiên hàng đầu. Thực hiện nhiệm vụ này đòi hỏi những hi sinh to lớn. Những nhân vật cao cả, như Thánh Elizabeth Ann Seton cùng nhiều nhà sáng lập nam nữ, với con mắt nhìn xa trông rộng và lòng kiên trì, đã đặt nền móng cho một mạng lưới chặt chẽ các trường học thuộc giáo xư, góp phần vào việc hoàn thiện chương trình đào tạo trí thức cho Giáo Hội và quốc gia. Một số người khác, như Thánh Katharine Drexel, đã dành trọn cuộc đời của mình để giáo dục những người bị bỏ rơi- đó là những người Mỹ gốc Châu Phi và người Mỹ bản địa. Biết bao Nữ Tu, Sư Huynh, và Linh mục cùng với các bậc phụ huynh tận tâm, thông qua các trường Công giáo, đã giúp đỡ nhiều thế hệ những người di dân vươn lên từ đói nghèo và tìm được chỗ đứng trong dòng chảy xã hội.

 

Lòng hi sinh này hôm nay vẫn được tiếp nối. Đó là sứ vụ nổi bật của niềm hi vọng trong việc tìm cách đáp ứng nhu cầu vật chất và thiêng liêng cho hơn ba triệu trẻ em và sinh viên. Sứ vụ đó cũng tạo cơ hội dễ dàng cho toàn thể cộng đồng Công giáo đóng góp một cách quảng đại vào những nhu cầu tài chánh cho các học viện của chúng ta. Việc duy trì lâu dài các cơ sở này phải được bảo đảm. Thật vậy, phải tìm mọi cách có thể để, với sự hợp tác của cộng đồng rộng lớn hơn, có thể bảo đảm rằng dân chúng thuộc mọi tầng lớp kinh tế và xã hội đều có thể được học trong các trường này. Không trẻ em nào bị khước từ quyền được giáo dục trong đức tin, để rồi chính việc giáo dục này nuôi dưỡng trở lại linh hồn của một quốc gia.

 

Ngày nay một ít người đặt vấn đề về việc Giáo Hội tham gia vào giáo dục, họ tự hỏi những nguồn lực đó tốt hơn nên được đặt vào lãnh vực khác chăng. Chắc chắn, trong một quốc gia như quốc gia này, Nhà Nước tạo nhiều cơ hội rộng rãi cho giáo dục và thu hút những người nam nữ quảng đại và dấn thân cho nghề cao quý này. Thật là đúng lúc khi suy nghĩ về nét đặc thù của các học viện Công giáo của chúng ta. Những học viện ấy đóng góp thế nào vào phúc lợi xã hội thông qua sứ mạng rao giảng Tin Mừng ưu tiên của Giáo Hội?

 

Mọi hoạt động của Giáo Hội đều bắt nguồn từ việc ý thức rằng Giáo Hội là người mang sứ điệp xuất phát từ chính Thiên Chúa: trong sự thiện hảo và sự khôn ngoan của Người, Thiên Chúa đã chủ động mặc khải chính Người và tỏ lộ mục đích sâu kín về thánh ý của Người (x. Ep 1, 9; Dei Verbum, 2). Ước muốn tỏ lộ chính mình của Thiên Chúa, và nỗi khao khát sâu thẳm của mọi người là muốn tìm biết chân lí tạo nên bối cảnh cho con người tìm hiểu ý nghĩa của cuộc đời. Sự gặp gỡ duy nhất này được duy trì trong cộng đồng Kitô của chúng ta: người tìm kiếm chân lí trở thành người sống bởi đức tin (x. Fides et Ratio, 31). Sự gặp gỡ ấy có thể được diễn tả như một cuộc chuyển dịch từ “tôi” sang “chúng tôi”, đưa mỗi cá nhân vào nhập đoàn cùng dân Chúa.

 

Cũng động lực của căn tính chung này - tôi thuộc về ai ?- làm cho nền đạo đức của các học viện Công giáo của chúng ta được sống động. Căn tính Công giáo của một đại học hay một trường không đơn thuần chỉ là vấn đề số lượng sinh viên Công giáo. Nhưng là vấn đề của sự xác tín- chúng ta có thật sự tin rằng chỉ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể mà mầu nhiệm về con người mới thật sự sáng tỏ không (x. Gaudium et Spes, 22)? Chúng ta có sẵn sàng dấn thân hết mình- lí trí và ý chí, trí năng và tâm hồn- cho Thiên Chúa không? Chúng ta có đón nhận chân lí mà Chúa Kitô mặc khải không? Đức tin có được thể hiện trong các đại học và trường học của chúng ta không? Đức tin ấy có được diễn đạt sốt sắng trong phụng vụ, trong các Bí tích, qua việc cầu nguyện, qua hoạt động bác ái, qua sự quan tâm đến công bằng, và thái độ tôn trọng công trình sáng tạo của Thiên Chúa không? Chỉ như thế chúng ta mới thật sự làm chứng cho ý nghĩa căn tính: chúng ta là ai và chúng ta xác tín gì.

 

Từ quan điểm này người ta có thể nhìn nhận rằng “cuộc khủng hoảng chân lí” hiện nay bắt nguồn từ một “cuộc khủng hoảng đức tin”. Chỉ qua đức tin chúng ta mới thanh thản chấp nhận chứng cứ của Thiên Chúa và nhìn nhận Người như Đấng Bảo Đảm siêu việt cho chân lí mà Người mặc khải. Lại nữa, chúng ta nhận thấy tại sao việc nuôi dưỡng sự gắn bó mật thiết cá nhân với Chúa Giêsu Kitô và làm chứng cho chân lí yêu thương của Người là thiết yếu trong các học viện Công giáo. Tuy nhiên tất cả chúng ta đều biết và cùng ưu tư nhận thấy, đó là những khó khăn hoặc ngần ngại mà nhiều người thời nay gặp phải trong việc tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa. Đó là một hiện tượng phức tạp và là điều tôi không ngừng trăn trở. Trong khi chuyên chú đầu tư cho giới trẻ về trí năng, thì có lẽ chúng ta lại lơ là phần ý chí. Hậu quả là chúng ta đau đớn nhận thấy quan niệm về tự do đã bị sai trệch. Tự do không phải là một sự chọn thoái thủ. Nhưng là một sự quy nhập - một sự tháp nhập vào chính Đấng Hiện Hữu. Bởi đó, tự do đích thực không bao giờ có thể đạt được bằng cách xa lìa Thiên Chúa. Một chọn lựa như vậy rốt cuộc sẽ khinh miệt chính sự thật mà chúng ta cần có để hiểu rõ chính mình. Vì thế, trách nhiệm đặc thù của mỗi người trong qúy vị cũng như  các đồng nghiệp của qúy vị, là khơi dậy nơi người trẻ lòng khao khát thực hành đức tin, là khích lệ chúng dấn thân vào đời sống của Giáo Hội theo niềm tin ấy. Chính tại đó mà tự do đích thực đạt tới tính xác thực của chân lí. Khi chọn sống theo chân lí, chúng ta nắm trọn được sự sung mãn của đời sống đức tin, được trao ban cho chúng ta trong Giáo Hội.

 

Rõ ràng là căn tính Công giáo không lệ thuộc vào các thống kê. Căn tính ấy cũng không chỉ được đánh đồng với tính chính thống của nội dung học khoá. Nó còn đòi hỏi và thôi thúc hơn nữa: đó là mỗi và mọi khía cạnh của các cộng đồng tầm học phải vang dội trong nó đời sống đức tin của Giáo Hội. Chỉ trong đức tin chân lí mới có thể nhập thể và lí trí đích thực mới có thể hướng dẫn ý chí đi theo con đường của sự tự do (x. Spe Salvi, 23). Như vậy, các học viện của chúng ta mới tích cực đóng góp vào sứ mệnh của Giáo Hội và thực sự phục vụ xã hội. Các học viện ấy trở thành những nơi mà ở đó người ta nhận ra sự hiện diện sống động của Thiên Chúa trong các hoạt động nhân sinh, đồng thời là nơi mà mỗi người trẻ khám phá thấy niềm vui khi chấp nhận “hiện hữu cho tha nhân” theo gương Chúa Kitô (x. ibid., 28).

 

Sứ mệnh rao giảng Tin Mừng ưu tiên của Giáo Hội, trong đó các viện giáo dục nắm giữ vai trò then chốt, phù hợp với ước vọng chính yếu của một quốc gia là phát triển một xã hội thật sự xứng hợp với nhân phẩm. Tuy nhiên, đôi lúc những giá trị mà Giáo Hội đóng góp bị đặt thành vấn đề trước công luận. Do đó cần phải nhắc lại rằng các chân lí đức tin và lí trí không bao giờ mâu thuẫn nhau (x. Công Đồng Vaticanô I, Hiến Chế Tín Lí về Đức Tin Công Giáo, Dei Filius, IV: DS 3017; Thánh Augustinô, Contra Academicos, III, 20, 43). Thật vậy, sứ vụ của Giáo Hội là đóng góp vào nỗ lực của nhân loại trong việc thấu đạt chân lí. Khi xác quyết chân lí đã được mặc khải, Giáo Hội phục vụ mọi thành phần xã hội bằng cách thanh lọc lí trí, và bảo đảm rằng lí trí vẫn rộng mở để truy tầm những chân lí tối hậu. Kín múc từ nguồn khôn ngoan của Thiên Chúa, Giáo Hội rọi sáng vào các nền tảng luân lí và đạo đức của nhân loại, đồng thời nhắc nhở mọi tập thể xã hội rằng không phải hành động phát sinh chân lí, nhưng chân lí phải là nền tảng cho hành động. Một sự đóng góp như vậy, không coi nhẹ sự dung nạp tính đa dạng hợp pháp, lại soi sáng chính chân lí, giúp người ta có thể đạt được đồng thuận, đồng thời giúp cho việc tranh luận công khai tuân thủ tính hữu lí, lương thiện và có trách nhiệm. Cũng thế, Giáo Hội không bao giờ thờ ơ trong việc xác định những khuôn mẫu luân lí nền tảng về cái đúng và cái sai, mà nếu không làm như vậy, niềm hi vọng sẽ tàn héo, mở đường cho những tính toán thực dụng lạnh lùng, biến con người trở nên chẳng khác gì một quân cờ trong bàn cờ ý thức hệ nào đó.

 

Liên quan đến các cuộc hội thảo về giáo dục, việc phục vụ chân lí mang một ý nghĩa cao minh trong các xã hội mà ý thức hệ duy tục đang tạo ra xung khắc giữa chân lí và đức tin. Sự tách biệt này dẫn đến khuynh hướng là đồng nhất chân lí với tri thức và dung chấp một tâm thức thực chứng, để khi loại bỏ siêu hình học thì phủ nhận những nền tảng của đức tin, đồng thời chối bỏ nhu cầu phải có một quan điểm luân lí. Chân lí bao hàm nhiều hơn tri thức: biết chân lí dẫn chúng ta khám phá sự thiện. Chân lí nói với mỗi cá nhân trong tính toàn diện của họ, và mời gọi chúng ta đáp trả bằng trọn vẹn con người của chúng ta. Người ta nhận ra quan điểm lạc quan này được trong đức tin Kitô giáo của chúng ta, bởi vì đức tin ấy thấm nhuần cái nhìn về Logos, là Lí Trí sáng tạo của Thiên Chúa, mà trong mầu nhiệm Nhập Thể, được mặc khải như chính Đấng Thiện Hảo. Không chỉ là việc truyền thông những dữ kiện- “thông tin”- chân lí tình yêu của Tin Mừng còn mang tính sáng tạo và thay đổi đời sống- “tác động” (x. Spe Salvi, 2). Với lòng vững tin, các nhà giáo dục Kitô gíao có thể giải phóng giới trẻ khỏi những giới hạn của chủ thuyết thực chứng và đánh thức khả năng tiếp nhận chân lí, đón nhận Thiên Chúa và sự thiện hảo của Người. Như vậy, quý vị cũng sẽ giúp đào luyện lương tâm chúng, mà nhờ được đức tin nuôi dưỡng, sẽ mở ra một con đường an toàn dẫn đến sự bình an nội tâm và lòng tôn trọng người khác.

 

Vì thế chúng ta chẳng lấy làm lạ khi không chỉ các cộng đồng Giáo Hội mà cả xã hội nói chung đều đặt nhiều kì vọng vào các nhà giáo dục Công giáo. Điều này đặt lên trên vai qúy vị một trách nhiệm nhưng cũng đem đến một cơ hội. Càng ngày người ta- đặc biệt các bậc phụ huynh- càng nhận ra nhu cầu cần chất lượng tuyệt hảo trong vịêc giáo dục nhân bản cho con em của họ. Với tư cách là Mẹ và Thầy, Giáo Hội chia sẻ mối bận tâm của họ. Một khi không còn điều gì ngoài cá nhân được coi là có thẩm quyền thì tiêu chuẩn tối hậu của phán đoán sẽ là cái tôi và sự thoả mãn những ước muốn tức thời của cá nhân. Người ta có thể đánh mất tính khách quan và tầm nhìn, vốn chỉ có thể đạt được qua việc nhận biết chiều kích siêu việt căn bản của con người. Trong một môi trường chịu ảnh hưởng của chủ thuyết tương đối như thế, các mục tiêu giáo dục không tránh khỏi bị cắt xén. Dần dần việc hạ thấp các tiêu chuẩn xảy ra. Hiện nay chúng ta nhận thấy người ta e ngại khi phải đối diện với khuôn mẫu của điều thiện, nhưng họ lại miệt mài theo đuổi cái mới lạluôn phô diễn như để thực hiện sự tự do. Chúng ta cũng chứng kiến sự thừa nhận rằng mỗi kinh nghiệm đều có giá trị như nhau nhưng họ lại miễn cưỡng thú nhận sự bất toàn và lầm lẫn. Và điều đáng lo ngại nhất, đó là sự thu giảm lãnh vực cao quý và tế nhị của việc giáo dục giới tính vào việc tránh “rủi ro”, không còn quy chiếu vào vẻ đẹp của tình yêu hôn nhân.

 

Các nhà giáo dục Kitô giáo sẽ phải trả lời thế nào? Những sự phát triển nguy hại này chỉ cho chúng ta thấy tính khẩn trương trong việc thực hiện điều mà chúng ta có thể gọi là “bác ái trí thức”. Diện mạo của lòng bác ái này mời gọi các nhà giáo dục nhận thức rằng trách niệm nặng nề trong việc dẫn dắt người trẻ đến với chân lí không hệ tại điều gì khác hơn là thực hành bác ái. Thật vậy, phẩm giá của giáo dục nằm ở việc nuôi dưỡng sự hoàn hảo và hạnh phúc đích thực của những người thụ huấn. Trong thực hành, “bác ái trí thức” nhìn nhận sự thống nhất căn bản của tri thức, trái ngược với sự rời rạc là điều xảy ra khi người ta tách biệt lí trí ra khỏi việc truy tìm chân lí. Nó dẫn người trẻ hướng vào việc thoả mãn sâu xa trong việc thực hiện tự do trong tương quan với chân lí, và nó nỗ lực nối kết tương quan giữa đức tin với mọi khía cạnh của gia đình và đời sống dân sự. Một khi lòng đam mê tìm kiếm sự toàn vẹn và sự duy nhất của chân lí được đánh thức, chắc chắn các bạn trẻ sẽ thích thú khi phát hiện ra rằng điều họ biết cũng mở ra một cuộc tìm tòi sâu rộng đối với những điều họ phải làm. Tại đây các em sẽ cảm nghiệm được rằng các em có thể hi vọng “vào cái gì” và “nhờ ai”, các em sẽ được thúc đẩy để đóng góp cho xã hội theo cách có thể tạo nên niềm hi vọng nơi người khác.

 

Quý vị thân mến, tôi muốn kết luận bằng việc tập chú đặc biệt vào điều quan trọng tột bậc của nghiệp vụ chuyên môn của chính quý vị cũng như việc làm chứng trong nội vi các đại học và trường học Công giáo. Trước hết, tôi xin cảm ơn sự hi sinh và đại lượng của qúy vị. Tôi biết rõ từ những ngày chính tôi còn là một vị giáo sư, tôi đã nghe biết từ các Giám mục của qúy vị cũng như của các giới chức trong Bộ Giáo Dục Công Giáo rằng danh tiếng của các học viện Công giáo của quốc gia này phần lớn do bởi chính quý vị và những bậc tiền nhiệm của qúy vị. Sự đóng góp vô vị lợi- từ những công trình nghiên cứu xuất sắc cho đến lòng hi sinh của những người làm việc tại những ngôi trường nằm trong nội thành phố- đều phục vụ đất nước cũng như Giáo Hội. Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu xa.

 

Đối với các thành viên tại các phân khoa của các trường đại học và cao đẳng Công giáo, tôi muốn tái khẳng định giá trị cao quý của sự tự do nghiên cứu học hỏi. Nhờ  sự tự do này qúy vị được kêu gọi truy tìm chân lí ở bất cứ đâu mà sự phân tích cẩn trọng về tính hiển nhiên dẫn qúy vị đến. Tuy nhiên cũng phải nhắc đến trường hợp là bất cứ đòi hỏi nào nại đến nguyên tắc tự do trong học thuật để biện minh cho những lập trường chống lại đức tin và giáo huấn của Giáo Hội đều gây trở ngại hoặc phản bội căn tính và sứ mệnh của đại học; một sứ mệnh là cốt lõi của việc giáo huấn của Giáo Hội,  chứ không vì lí do nào đó có thể tự trị hoặc độc lập với nhiệm vụ ấy.

 

Các thầy cô giáo và các nhà quản trị, dù trong các đại học hay các trường học, đều có bổn phận và đạc quyền để bảo đảm rằng các sinh viên được thụ huấn theo giáo  thuyết và sự thực hành Công giáo. Điều này đòi hỏi việc làm chứng công khai cho đường lối của Chúa Kitô, như được tìm thấy trong Tin Mừng và được Huấn Quyền của Giáo Hội xác định, sẽ hình thành mọi khía cạnh của đời sống một học viện, cả trong lẫn ngoài lớp học. Đi trệch khỏi quan điểm này sẽ làm suy yếu căn tính Công giáo, và thay vì thăng tiến tự do, lại không tránh khỏi dẫn đến nhầm lẫn, bất kể về mặt luân lí, trí thức, hoặc thiêng liêng.

 

Tôi cũng muốn nói lời khích lệ đặc biệt đến các giáo lí viên, cả giáo dân và tu sĩ, những người đang nỗ lực bảo đảm cho giới trẻ mỗi ngày mỗi yêu quý hơn hồng ân đức tin. Giáo dục về tôn giáo là việc tông đồ đầy thách đố, tuy nhiên có nhiều dấu hiệu cho thấy giới trẻ khao khát muốn học hỏi về đức tin và hăng hái thực hành. Nếu sự thức tỉnh này tiếp tục tiến triển, các thầy cô giáo cần thấu triệt bản chất và vai trò đặc thù của nền giáo dục Công giáo. Họ cũng phải sẵn sàng dẫn đầu sự dấn thân của toàn thể cộng đồng nhà trường để hỗ trợ các bạn trẻ của chúng ta, cùng gia đình họ cảm nghiệm được sự hoà hợp giữa đức tin, đời sống và văn hoá.

 

Tại đây cha muốn đặc biệt kêu gọi các Sư Huynh, các Nữ tu và các Linh mục: đừng từ bỏ sứ vụ học đường; thât vậy, hãy canh tân việc dấn thân phục vụ học đường của các con, đặc biệt những trường ở các khu vực nghèo. Tại những nơi mà những lời hứa sáo rỗng đang dụ dỗ giới trẻ tách khỏi con đường chân lí và tự do chân chính, thì việc làm chứng cho những lời khuyên Phúc âm của các tu sĩ là một hồng ân không gì thay thế được. Cha khích lệ các tu sĩ đang hiện diện hãy đem lòng nhiệt thành đã được canh tân để cổ vũ ơn thiên triệu. Hãy nhớ rằng vịêc làm chứng của các con đối với lí tưởng thánh hiến và sứ mệnh phục vụ người trẻ là một sự thôi thúc đức tin mạnh mẽ cho họ và cho gia đình họ.

 

Cùng tất cả quý vị tôi xin thưa: hãy làm chứng cho niềm hi vọng. Hãy nuôi dưỡng việc làm chứng của quý vị bằng lời cầu nguyện. Hãy luôn chú tâm đến niềm hi vọng là đặc điểm đời sống của quý vị (x. 1 Pr 3, 15) bằng cách sống chân lí mà quý vị đề ra cho các sinh viên. Hãy giúp người trẻ nhận biết và yêu mến Đấng mà quý vị đã gặp, đã hân hoan cảm nghiệm chân lí và sự thiện hảo của Người. Cùng với Thánh Augustinô, chúng ta hãy nói: “Chúng tôi là người nói và các bạn, những người nghe, chúng ta đều coi mình cùng là những môn đệ của một vị thầy duy nhất” (Bài giảng, 23: 2). Với tâm tình hiệp thông, tôi vui mừng ban Phép Lành Toà Thánh cho quý vị, cho các đồng nghiệp và sinh viên của quý vị, cũng như cho gia đình của qúy vị.

 

BENEDICTUS PP. XVI

 

 Lm. Giuse Ngô Quang Trung dịch


Mục Lục