DIỄN VĂN CỦA ĐỨC THÁNH CHA BENEDETTO XVI DỊP VIẾNG THĂM HỘI ĐƯỜNG DO THÁI TẠI ROMA

 

(betrenthuongcap.net 22.01.2010 06:57) – Tôi cầu xin Thiên Chúa ban cho chúng ta một ân huệ quý giá đó là hòa bình trên toàn thế giới, nhất là tại Thánh Địa. “Xin hãy gởi hòa bình của Chúa đến trên vùng Đất Thánh này, trên vùng Trung Đông, trên trọn vẹn gia đình nhân loại; xin hãy khuấy động con tim của tất cả những ai đang kêu cầu Danh Chúa, để họ khiêm tốn bước đi trên nẻo đường của công bình và thương xót”

 "Việc Chúa làm cho họ vĩ đại thay!
Việc Chúa làm cho ta ôi vĩ đại
Ta thấy mình chan chứa một niềm vui"
(Tv 126, 2-3)
[Thánh Vịnh được hát lúc khai mạc buổi họp mặt]

"Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay
Anh em được sống vui vầy bên nhau"
(Tv 133, 1)
[
Thánh Vịnh được hát trước bài diễn văn của Đức Thánh Cha]

 Kính thưa Rabbi Trưởng Cộng Đồng Do Thái tại Roma
Kính thưa ngài Chủ Tịch Hiệp Hội Các Cộng Đồng Do Thái tại Ý
Kính thưa ngài Chủ Tịch Cộng Đồng Do Thái tại Roma
Kính thưa quý Rabbi
Quý giới chức chính quyền
Anh chị em và các bạn hữu thân mến

1. Khởi đầu cho buổi gặp gỡ hôm nay tại Đại Hội Đường Do Thái ở Roma, Thánh Vịnh mà chúng ta vừa nghe đề nghị với chúng ta một thái độ thiêng liêng đúng đắn để sống phút giây ân sủng đặc biệt và vui mừng này: chúc tụng Đức Chúa vì Người đã làm cho chúng ta bao điều vĩ đại, Người đã quy tụ chúng ta nơi đây với lòng nhân hậu từ ái (Hèsed) của Người. Chúng ta cũng tạ ơn Đức Chúa vì Người đã cho chúng ta có cơ hội gặp gỡ nhau nơi đây để thắt chặt thêm mối dây hiệp nhất giữa chúng ta, và để chúng ta tiếp tục cùng nhau theo đuổi đường lối hòa giải và huynh đệ.

Trước hết, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn chân thành đến Ngài Rabbi Trưởng, tiến sĩ Riccardo Di Segni, vì đã mời tôi đến đây và đã dành cho tôi những lời đón tiếp thật ý nghĩa. Tôi cũng xin cám ơn ngài luật sư Renzo Gattegna, Chủ Tịch Hiệp Hội các cộng đồng Đồng Do Thái tại Ý, và ngài Ricardo Pacifici, Chủ Tịch Cộng Đồng Do Thái tại Roma, vì những lời chào hỏi chân tình quý vị đã dành cho tôi. Tôi cũng cám ơn các giới chức chính quyền, tất cả những ai hiện diện nơi đây, cũng như toàn thể cộng đồng Do Thái tại Roma, và tất cả những ai đã cộng tác chuẩn bị để cho chúng ta được sống giây phút gặp gỡ huynh đệ này.

Lần đầu tiên đến giữa các bạn cách đây gần 24 năm, vị tiền nhiệm đáng kính của tôi, Đức Gioan Phaolo II, trong tư cách là một Kitô hữu và là một Giáo Hoàng, đã ước muốn mang đến một sự hỗ trợ tích cực nhằm đẩy mạnh mối giao hảo tốt đẹp giữa hai cộng đồng của chúng ta, cũng như là để chúng ta có thể vượt qua những hiểu lầm và những thành kiến. Cuộc viếng thăm của tôi tiếp nối chuyến hành trình đã được khởi hành ấy, với mục đích khẳng định và đào sâu mối giao hảo giữa chúng ta. Với tình cảm chân thành, tôi đến giữa các bạn để bày tỏ lòng sự trân trọng và quý mến mà vị Giám Mục và Giáo Hội Roma cũng như Giáo Hội Công Giáo toàn cầu dành cho cộng đoàn này cũng như cho toàn thể cộng đồng người Do Thái ở khắp nơi trên thế giới.

2. Giáo huấn của Công Đồng Vatican II đánh dấu một giai đoạn mới đầy ý nghĩa khi đưa ra những mốc chỉ rõ ràng để hướng dẫn người công giáo trong thái độ và tương quan với người Do Thái. Công Đồng đã thúc đẩy mạnh mẽ cho một sự cam kết dứt khoát để theo đuổi đường lối đối thoại, huynh đệ và bạn hữu. Đường lối ấy đã được đào sâu và phát triển trong 40 năm qua, với những bước đi quan trọng và những cử chỉ đầy ý nghĩa. Trong số ấy, tôi muốn nhắc đến một lần nữa về cuộc viếng thăm lịch sử của vị tiền nhiệm của tôi tại Hội Đường này vào ngày 13.04.1986, về vô số những cuộc gặp gỡ của Ngài với các đại diện Do Thái, cả ở Roma này cũng như trong suốt các cuộc Tông Du của Ngài trên khắp thế giới, về cuộc hành hương của Ngài đến Đất Thánh trong năm 2000, về vô số những tài liệu của Tòa Thánh theo tinh thần của tuyên ngôn Nostra Aetate [Tuyên ngôn về liên lạc của Giáo Hội Công Giáo với các Giáo Hội ngoài Kitô giáo]… Tất cả những điều ấy đã giúp gia tăng mối tương quan gần gũi giữa người Công Giáo và người Do Thái. Chính tôi, trong triều giáo hoàng của mình, tôi cũng luôn ước muốn thể hiện sự gần gũi và yêu mến của tôi đối với dân của Giao Ước. Tim tôi reo vui trong từng giây phút của cuộc hành hương Đất Thánh mà tôi đã thực hiện hồi tháng 5 năm ngoái. Tôi cũng còn giữ nhiều kỷ niệm về những cuộc gặp gỡ với các cộng đồng và các tổ chức Do Thái, đặc biệt là cuộc viếng thăm của tôi đến Hội Đường CologneNew York.

Hơn nữa, giáo hội chưa bao giờ thôi cảm thấy hối tiếc về những thiếu sót của con cái mình, xin lỗi về những gì giáo hội đã làm, cách này hay cách khác, có thể dự phần vào vết thương bài Do Thái và bài Do Thái giáo [cfr Commissione per i Rapporti Religiosi con l’Ebraismo; chúng ta cũng nhớ đến: una riflessione sulla Shoah, 16 marzo 1998]. Ước gì những vết thương này được chữa lành mãi mãi. Tôi nhớ đến lời tâm nguyện của Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II tại bức tường phía Đông thành phố Giêrusalem vào ngày 26.03.2000, lời ấy vẫn còn vang vọng sâu thẳm trong con tim chúng ta: "Lạy Thiên Chúa của tổ tiên chúng con, Chúa đã chọn Abraham và dòng dõi của ông để mang Danh Chúa đến cho mọi dân. Chúng con hết lòng đau buồn bởi những lối hành xử đã gây ra nhiều đau khổ cho con cái của Chúa trong dòng lịch sử. Cầu xin sự tha thứ của Chúa, chúng con ước mong hiến mình để sống đời sống huynh đệ đích thực với Dân của Giao Ước".

3. Thời gian trôi qua, cho phép chúng ta nhận ra thế kỷ hai mươi như là một giai đoạn bi đát cho nhân loại: các cuộc chiến tranh đẫm máu rắc gieo những tàn phá, chết chóc và đau khổ chưa từng có trong lịch sử. Các ý thức hệ khủng khiếp mà con người cưu mang về ngẫu tượng con người, về chủng tộc, về quốc gia, đã khiến cho anh em phải chém giết lẫn nhau. Tấm thảm kịch khủng khiếp ở Shoah ít nhiều diễn tả đỉnh điểm của một đường lối thù hận được sinh ra khi con người lãng quên Đấng Tạo Hóa của mình và đặt mình như là trung tâm của cả vũ trụ. Như tôi đã nói trong cuộc viếng thăm ngày 28.05.2006 tại trại tập trung Auschwitz, những lời vẫn còn đọng lại ấn tượng trong thẳm sâu ký ức tôi: “Những nhà cầm quyền của chế độ phát xít đã muốn hủy diệt toàn bộ những người Do Thái,” và thực chất “bằng việc quét sạch người Do Thái, họ muốn giết chết Thiên Chúa, Đấng đã gọi Abraham, Đấng đã nói trên Núi Sinai và đã đưa ra những lề luật để hướng dẫn con người, những lề luật tồn tại bền vững đến muôn đời” [Diễn văn tại trại tập trung Auschwitz-Birkenau, Insegnamenti di Benedetto XVI, II, 1[2006], p. 727].

Tại nơi này, làm sao chúng ta có thể không nhớ đến những người Do Thái sinh sống ở Roma đã bị lôi ra khỏi những ngôi nhà này, ngay trước những bức tường này, và đã bị giết hại cách tàn bạo tại Auschwitz? Làm sao có thể quên được những khuôn mặt, những cái tên, những giọt nước mắt của họ? Làm sao có thể quên được sự tuyệt vọng hằn trên khuôn mặt của những người đàn ông, những người phụ nữ và cả những trẻ em? Cuộc tru diệt dân Giao Ước của Môsê lúc ấy, trước hết đã được loan báo, được lập kế hoạch một cách có hệ thống, rồi được thực hiện trên toàn Châu Âu, dưới sự thống trị của những kẻ phát xít. Tấn bi kịch ấy đã lan đến tận Roma. Đáng buồn là đã có nhiều người tỏ ra thờ ơ với thảm họa này. Tuy nhiên, cũng đã có thật nhiều người, kể cả những người công giáo Ý, được thúc đẩy bởi niềm tin và những giáo huấn Kitô giáo, đã bất chấp nguy hiểm đến tính mạng, mở rộng vòng tay cứu giúp những người Do Thái đang bị săn lùng. Trong thời gian ấy, Tòa Thánh cũng đã thực hiện những hành động cứu giúp trong bí mật và âm thầm.

Ký ức về những biến cố này phải thôi thúc chúng ta đẩy mạnh mối dây hiệp nhất giữa chúng ta, để nhờ đó, chúng ta có thể hiểu nhau hơn, biết tôn trọng và chấp nhận nhau hơn.

4. Nền tảng vững chắc và lâu dài cho sự gần gũi và tình huynh đệ thiêng liêng giữa chúng ta có thể được tìm thấy trong Sách Thánh của người Do Thái. Nền tảng ấy luôn nhắc nhớ chúng ta về nguồn gốc chung của mình, về lịch sử và di sản thiêng liêng phong phú mà chúng ta cùng chia sẻ. Chính trong việc suy gẫm về mầu nhiệm của mình mà Giáo hội, dân Giao Ước Mới của Thiên Chúa, khám phá ra mối dây ràng buộc sâu đậm giữa mình với dân Do Thái, là dân đã được chính Thiên Chúa tuyển chọn trước mọi dân để lãnh nhận Lời của Người [x. Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, 839]. Khác với những tôn giáo ngoại Kitô giáo, đức tin của người Do Thái đã là một lời đáp trả trước sự Mạc Khải của Thiên Chúa trong Cựu Ước. "Họ là người Israel, họ đã được Thiên Chúa nhận làm con, được Người cho thấy vinh quang, ban tặng các giao ước, lề luật, một nền phụng tự và các lời hứa; họ là con cháu các tổ phụ; và sau hết, chính Đức Ki-tô, xét theo huyết thống, cũng cùng một nòi giống với họ". (Rm 9, 4-5), "Bởi lẽ khi Thiên Chúa ban ơn và kêu gọi thì Người không hề đổi ý" (Rm 11, 29).

5. Chúng ta có thể học được rất nhiều bài học từ nguồn di sản chung của chúng ta, bắt nguồn từ Sách Luật và Sách Các Ngôn Sứ. Tôi muốn gợi ra đây một vài điều:

Trước hết, chính tình liên đới nối kết Giáo hội và dân Do Thái “tại chính cùng một căn tính thiêng liêng”. Cũng chính sự liên đới ấy cho những người Kitô hữu một cơ hội để cổ võ một cái nhìn trân trọng mới mẻ trong việc hiểu và diễn giải Cựu Ước [cfr Pontificia Commissione Biblica, Il popolo ebraico e le sue Sacre Scritture nella Biblia cristiana, 2001, pp. 12 e 55].

Tâm điểm của Mười Điều Răn là một thông điệp đạo đức có giá trị bất diệt cho toàn dân Israel, cho Giáo hội, cho những người không có niềm tin, và cho toàn thể nhân loại.

Nhiệm vụ chuẩn bị và lao tác cho Vương Quốc của Đấng Tối Cao trong việc chăm sóc các tạo vật là nhiệm vụ được Thiên Chúa trao phó cho con người, để con người vun trồng và chăm sóc chúng trong tinh thần trách nhiệm (St 2, 15)…

6. Cách riêng, "Mười Điều Răn" trích từ Sách Luật Môsê là một nguồn sáng soi dẫn cho những nguyên tắc đạo đức, cho niềm hy vọng và sự đối thoại. Đó là một ngôi sao dẫn đường cho đức tin và luân lý của dân Thiên Chúa, đồng thời chiếu sáng và dẫn lối đưa đường cho mọi Kitô hữu. Mười Điều Răn thiết định nên những tiêu chí và chuẩn mực cho một đời sống công bằng và bác ái, một "bộ luật vĩ đại" (grande codice / great code) về đạo đức cho toàn nhân loại. Mười Điều Răn phân định rõ ràng điều xấu và tốt, điều đúng và điều sai, điều công bình và bất công, thích hợp với tiêu chuẩn của một con người có lương tâm ngay chính. Chính Đức Giêsu đã nhiều lần đề cập đến các điều răn này và nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc tích cực sống theo những hướng dẫn của các điều răn ấy: "Nếu anh muốn vào cõi sống, thì hãy giữ các điều răn" (Mt 19, 17). Từ góc nhìn này, có rất nhiều lãnh vực để chúng ta có thể cộng tác và sống đời nhân chứng. Tôi muốn đề cập đến 3 khía cạnh đặc biệt quan trọng trong thời đại của chúng ta:

- Mười Điều Răn dạy rằng chúng ta phải nhận biết chỉ một Thiên Chúa duy nhất, chống lại mọi cám dỗ dựng lên các ngẫu tượng và các con bê vàng. Trong thế giới của chúng ta ngày nay, còn có rất nhiều người chưa nhận biết Thiên Chúa, nhiều người cho rằng Thiên Chúa là thừa thãi, chẳng dính dáng gì đến cuộc sống của họ; do vậy, rất nhiều ngẫu tượng mới đã được con người dựng lên và bái gối thờ lạy. Việc tái khơi dậy trong xã hội của chúng ta sự cởi mở với những chiều kích siêu việt, việc sống chứng tá cho một Thiên Chúa duy nhất, chính là một sự cống hiến quý giá mà cả người Do Thái và các tín hữu Kitô giáo có thể cùng nhau thực hiện.

- Mười Điều Răn kêu gọi chúng ta tôn trọng và bảo vệ sự sống, chống lại mọi hình thức lạm dụng và bất công với sự sống, nhận ra giá trị của mỗi con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Biết bao lần chúng ta đã nhìn thấy trên ở khắp nơi trên thế giới này nhân phẩm, tự do và các quyền con người bị chà đạp! Cùng nhau làm chứng cho những giá trị tối cao của sự sống, chống lại chủ nghĩa ích kỷ, chính là góp phần quan trọng để xây dựng một thế giới của công bằng và hòa bình. Nền hòa bình ấy (shalom) là điều mà các nhà lập pháp, cá tiên tri và các bậc khôn ngoan của Israel đã từng mong mỏi.

- Mười Điều Răn kêu gọi chúng ta bảo tồn và thăng tiến sự thánh thiêng của gia đình, trong đó lời đáp "Vâng" (Sì/Yes) của một người nam và một người nữ sẽ kiến tạo nên một không gian cho tương lai, cho nhân tính chân thật của mỗi người, và đồng thời giúp họ biết mở ra với ân sủng của một sự sống mới. Làm chứng rằng gia đình luôn mãi là tế bào thiết yếu của xã hội và là môi trường căn bản trong đó con người học và thực thi những nhân đức… là một sự cống hiến quý giá cho việc xây dựng một thế giới có dung mạo thực là người hơn.

7. Như Môsê đã dạy trong bản tuyên tín (Shema) của sách Đệ Nhị Luật (cfr Đnl 6,5; Lv 19, 34), và như Đức Giêsu đã tái khẳng định trong Tin Mừng (x. Mc 12, 19-31) tất cả mọi điều răn đều được tóm kết trong điều luật yêu mến Thiên Chúa và có lòng thương cảm với người thân cận của mình. Luật này thôi thúc cả người Do Thái và các tín hữu Kitô giáo trong thời đại của chúng ta thực thi một sự quảng đại đặc biệt hướng đến những người nghèo, hướng đến phụ nữ và trẻ em, hướng đến những người xa lạ, người bệnh tật đau yếu và những người đang cần được giúp đỡ. Trong truyền thống của người Do Thái, có một câu nói tuyệt vời từ các bậc tổ tiên Israel: "Simon người công chính thường nói: thế giới này được xây dựng trên 3 điều: Sách Torah, việc thờ phượng và các hành động bác ái" (Aboth 1,2). Cùng với việc thực thi công bình và bác ái, người Do Thái và các tín hữu Kitô giáo được mời gọi để loan truyền và làm chứng rằng Vương Quốc của Đấng Tối Cao đang trị đến, nhờ đó chúng ta cầu nguyện và làm việc mỗi ngày trong niềm hy vọng.

8. Trên đường hướng này chúng ta có thể bước đi cùng nhau, ý thức về những khác biệt giữa chúng ta, nhưng đồng thời chúng ta cũng chân nhận rằng nếu con tim và đôi bàn tay của chúng ta có thể hợp nhất với nhau để đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa, ánh sáng của Người sẽ chiếu giãi gần hơn để tỏa sáng trên mọi dân nước khắp hoàn cầu. Những tiến bộ đạt được trong bốn mươi năm gần đây được thực hiện bởi Ủy Ban Quốc Tế về Các Quan Hệ Công Giáo – Do Thái [The International Committee for Catholic-Jewish Relations], cũng như bởi Ủy Ban hỗn hợp giữa các Rabbi Israel và Tòa Thánh [Mixed Commission of the Chief Rabbinate of Israel and of the Holy See], nói lên một ước muốn chung giữa chúng ta về việc tiếp tục đối thoại trong tinh thần cởi mở và chân thành. Ngày mai (18.01.2010) Ủy Ban hỗn hợp sẽ tổ chức cuộc gặp gỡ lần thứ 9 bàn về "giáo huấn Công Giáo và Do Thái Giáo về các tạo vật và môi trường". Tôi cầu chúc cho họ có được một cuộc đối thoại hữu ích đối với vấn đề hết sức quan trọng và thiết thực này.

9. Các tín hữu Kitô giáo và người Do Thái chia sẻ với nhau cùng một di sản thiêng liêng. Họ cầu nguyện với cùng một Thiên Chúa. Họ có cùng một nguồn gốc. Thế mà họ lại thường không nhận biết nhau... Trong việc đáp trả lại lời mời gọi của Thiên Chúa, nhiệm vụ của chúng ta là nỗ lực để làm sao có thể luôn rộng mở không gian cho việc đối thoại và tôn trọng lẫn nhau, cho việc thăng tiến tình bạn hữu, cho việc làm chứng tá trước những khó khăn thách đố của thời đại. Lời mời gọi ấy hướng chúng ta đến sự cộng tác cho điều tốt lành của toàn thể nhân loại trên thế giới này, là công trình của một Thiên Chúa  là Đấng toàn năng và giàu lòng thương xót.

10. Cuối cùng, tôi muốn dành một suy tư đặc biệt cho Roma, thành phố của chúng ta. Nơi này, như lời Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II đã nói: trong vòng 2000 năm, cộng đồng Kitô giáo và vị Giám mục của mình đã chung sống kề cận với cộng đồng người Do Thái và các Rabbi của họ. Ước gì sự gần gũi này luôn được sống động bởi một tình bác ái huynh đệ ngày một lớn lên, được diễn tả qua việc cộng tác càng ngày càng gần gũi hơn; nhờ đó, chúng ta có thể mang lại những giải pháp đúng đắn cho nhiều vấn nạn và khó khăn mà chúng ta đang phải đối mặt.

Tôi cầu xin Thiên Chúa ban cho chúng ta một ân huệ quý giá đó là hòa bình trên toàn thế giới, nhất là tại Thánh Địa. Trong chuyến hành hương của tôi tại Thánh Địa hồi tháng 5, tại bức tường phía Đông thành Giêrusalem, tôi đã cầu xin cùng Người, Đấng có thể làm được mọi việc: "Xin hãy gởi hòa bình của Chúa đến trên vùng Đất Thánh này, trên vùng Trung Đông, trên trọn vẹn gia đình nhân loại; xin hãy khuấy động con tim của tất cả những ai đang kêu cầu Danh Chúa, để họ khiêm tốn bước đi trên nẻo đường của công bình và thương xót" [Lời nguyện tại Bức tường phía Đông Jerusalem, ngày 12/5/ 2009].

Một lần nữa tôi tạ ơn và chúc tụng Thiên Chúa vì buổi gặp gỡ hôm nay. Tôi cầu xin Ngài thắt chặt mối dây huynh đệ và đào sâu hơn nữa sự hiểu biết cảm thông giữa chúng ta.

Tv 117,1-2

"Muôn nước hỡi, nào ca ngợi Chúa
Ngàn dân ơi, hãy chúc tụng Người.
Vì tình Chúa thương ta thật là mãnh liệt
Lòng thành tín của Người bền vững muôn năm. Alleluia"
(Thánh Vịnh 117)

Benedetto XVI
Vatican – 17.01.2010

(Nguồn : Radio Vatican – Chuyển ngữ : Gia An)


Trở về Trang Mục Lục Giáo Hội