“Trong Công Cuộc ‘Tân Phúc Âm Hóa’, Các Giám Mục Phải là Những Chứng Nhân Đầu Tiên…”

(dongten.net) 21/09/2012

 

Rô-ma – Sáng ngày 20-9-2012, Đức Thánh Cha gặp gỡ 120 vị Giám Mục, được thụ phong trong khoảng 12 tháng gần đây, đang tham dự khóa bồi dưỡng do Bộ Giám Mục và Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương tổ chức tại Rô-ma. Trong diễn từ gởi đến các vị mục tử này, Đức Thánh Cha nhiều lần nhắc đến công cuộc “Tân Phúc Âm hóa” (the New Evangelization) trong thế giới hôm nay, là công trình chung của toàn thể cộng đồng Dân Chúa, toàn thể Giáo Hội, chứ không phải là việc dành riêng cho một vài vị hữu trách. Tất cả mọi tín hữu đều phải cảm biết trách nhiệm của mình trong công cuộc này, và nơi đó “các Giám Mục phải là những chứng nhân đầu tiên…”. Dưới đây là bản văn Việt-ngữ được chuyển dịch từ phiên bản Ý-ngữ diễn từ của ĐGH Benedict XVI cho các tân Giám Mục tham dự cuộc họp ngày 20/09/2012.

Quý Giám Mục chư huynh kính mến!

Cuộc hành hương Mồ thánh Phê-rô mà quý chư huynh thực hiện trong những ngày này để suy tư, phản tỉnh về tác vụ giám mục cho thấy năm nay có điểm nhấn đặc biệt. Thực vậy, chúng ta thực sự đứng trước thềm của Năm Đức Tin (Anno della fede), trước dịp kỷ niệm 50 năm khai mạc Công Đồng Chung Vatican II, và trước Đại Hội Chung lần thứ XIII của Thượng Hội Đồng Giám Mục về chủ đề, “Tân Phúc Âm hóa đối với công cuộc loan truyền đức tin Ki-tô giáo”. Các sự kiện này, lại được bổ sung thêm dịp kỷ niệm 20 ra đời của năm Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, tất cả là cơ hội để gia tăng đức tin, mà trong đó các chư huynh quý mến, các chư huynh chính là những vị thầy và là những nhà truyền đạt đức tin (x. Hiến chế “Lumen gentium”, số 25). Tôi xin chúc sức khỏe đến từng người trong quý huynh, và xin bày tỏ lòng biết ơn sâu xa đối với cho Đức Hồng Y Marc Ouellet, Tổng Trưởng Thánh Bộ Giám Mục vì những lời mà ngài đã dành cho tôi, và Đức Hồng Y Leonardo Sandri, Tổng Trưởng Thánh Bộ Các Giáo Hội Đông Phương. Việc các chư huynh quy tụ bên nhau tại Rô-ma, ngay lúc khởi đầu chức vụ giám mục của mình, là thời điểm thích hợp để quý huynh có được kinh nghiệm thiết thực về sự thông truyền cho nhau và hiệp thông với nhau, và trong cuộc gặp vị kế vị thánh Phêrô, sẽ bổ dưỡng cho quý huynh cảm thức trách nhiệm đối với toàn thể Giáo Hội. Là những thành viên của Giám Mục Đoàn, trên thực tế, các chư huynh phải luôn có một mối quan tâm đặc biệt đối với Giáo Hội phổ quát, trên hết là hãy thúc đẩy và bảo vệ sự hiệp nhất đức tin. Chúa Giê-su Ki-tô đã muốn ủy thác sứ mạng công bố Tin Mừng cho ‘thân thể mình’ là các Mục Tử, mà giữa họ, họ phải biết cộng tác với nhau và với vị Kế nhiệm Thánh Phê-rô (x. Hiến chế “Lumen gentium”, số 3), ngỏ hầu Tin Mừng có thể đến với hết thảy mọi người. Điều này đặc biệt cấp bách trong thời đại chúng ta. Nó mời gọi chúng ta hãy trở thành những điểm son vẫy gọi mọi người trong mọi cảnh huống hãy cùng đến để gặp gỡ Đức Ki-tô và làm cho đức tin được thêm vững mạnh (x. Hiến chế “Christus Dominus”, số 12).

Bận hàng đầu của các chư huynh phải là cổ võ và nâng đỡ “một dấn thân có tính giáo hội thuyết phục hơn vì lợi ích công cuộc tân phúc âm hóa, nhằm tái khám phá niềm vui trong đức tin và tìm lại lòng hăng say trong việc thông truyền đức tin” (Tông thư, Porta fidei (Cửa Đức Tin), số 7). Cũng trong bân tâm ấy, quý chư huynh được gọi mời để đẩy mạnh và nuôi dưỡng tình hiệp thông và sự cộng tác giữa tất cả cái hiện thực nơi giáo phận của quý huynh.Kỳ thực, việc phúc âm hóa không chỉ dành riêng cho một số vị hữu trách, nhưng là việc của toàn bộ Dân Chúa, dưới sự hướng dẫn của các vị Mục Tử. Mỗi người tín hữu, ở trong lòng và cùng với cộng đoàn giáo hội, phải tự cảm biết được trách nhiệm loan báo và làm chứng cho Tin Mừng. Chân Phước Gio-an XXIII mở ra công hội vĩ đại Vatican II vạch ra “một bước nhảy vọt nhắm vào việc thấm nhầm giáo lý và công cuộc đào luyện lương tâm”, và vì điều này mà ngài nói thêm “điều cần thiết là giáo lý vững chắc và bất di bất dịch này phải được tôn trọng cách trung thành, được đào sâu và được trình bày sao cho đáp ứng được những nhu cầu của thời đại chúng ta” (Diễn văn khai mạc Công Đồng Chung Vatican II, 11/10/1962). Chúng ta có thể nói rằng việc tân phúc âm hóa được khởi xướng ứng hợp với Công Đồng, mà Đức Gio-an XIII đã từng xem nó như một Lễ Hiện Xuống mới đã làm tăng trưởng Giáo Hội cả về sự phong nhiêu bên trong lẫn sức lan tỏa bên ngoài, xứng danh là mẹ của tất cả mọi hoạt động con người (Diễn văn đúc kết Kỳ Họp thứ I Công Đồng Chung Vatican II, 08/12/1962). Bất chấp những khó khăn của thời đại, những tác động của Lễ Hiện Xuống mới ấy đã được lan tỏa, đi vào đời sống Giáo Hội trong tất cả mọi biểu hiện của nó: từ những thứ thuộc pháp hiến thể chế cho đến những điều thiêng liêng, từ việc giáo dân thông dự vào đời sống Giáo Hội cho đến những bông hoa đặc sủng và sự thánh thiện. Nhìn lại điều này, chúng ta không thể không biết đến Chân Phước GH Gio-an XXIII, Chân Phước GH Gio-an Phao-lô II, cùng rất nhiều các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân, là những vị đã làm cho khuôn mặt của Giáo Hội thời đại chúng ta mới đẹp làm sao!

Di sản này cũng được trao phó cho việc chăm sóc mục vụ của chư huynh. Chư huynh hãy tận dụng di sản về giáo lý, về linh đạo và về sự linh thánh để đào luyện đức tin cho các tín hữu đã được trao phó cho các chư huynh, nhờ đó mà chứng tá của họ được khả tín hơn. Đồng thời, chức vụ giám mục đòi hỏi các chư huynh “hãy nêu đủ lý do về niềm hy-vọng được đặt nơi anh em” (1 Pr 3,15) cho những ai đang tìm kiếm đức tin và ý nghĩa tối hậu của cuộc đời, mà trong đó “ân sủng hoạt động cách vô hình. Chúa Ki-tô, kỳ thực đã chết cho tất cả chúng ta và là ơn gọi tối hậu của con người là thực sự nên một, là Thiên Chúa” (Gaudium et spes, số 22). Do vậy tôi khuyến khích anh em để anh em dấn thân vào hết thẩy, tùy theo sự khác biệt về tuổi tác và hoàn cảnh sống, hãy trình bày các nội dung chính yếu của đức tin, theo cách thức có hệ thống và có tổ chức, cũng nhằm đáp lại những vấn nạn mà thời đại công nghệ và toàn cầu hóa đang đặt ra. Hãy luôn còn đó những lời của vị Tôi Tớ Thiên Chúa GH Phao-lô VI, khẳng định rằng: “nó phải là việc truyền rao tin mừng – không theo hình thức mầu mè bên ngoài, giống như sơn phết phiến diện,nhưng theo một cách thức sống động, có chiều sâu và tận căn – cho các nền văn hóa của con người… luôn luôn khởi đi từ con người và rồi trở về với các mối tương quan giữa người với người, và giữa con người với Thiên Chúa. (Tông huấn, Evangelii nuntiandi, số 20). Với mục tiêu ấy thì điều cơ bản là Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, là chuẩn mực chắc chắn cho việc giảng dạy đức tin và dạy về sự hiệp thông trong một đức tin duy nhất. Thực tại mà chúng ta đang sống đòi hỏi người Ki-tô hữu phải có một sự đào luyện chắc chắn!

Đức tin đòi hỏi những chứng nhân khả tín, đáng tin cậy. Họ là những người biết cậy trông vào Chúa, và tín thác nơi Ngài để trở nên “dấu chỉ sống động cho sự hiện diện của Đấng Phục Sinh trong trần gian” (Tông thư, Porta Fidei, số 15). Vị Giám Mục, chứng tá đầu tiên của đức tin, hãy đồng hành với các tín hữu, nêu gương sáng cho họ về đời sống biết từ bỏ mọi sự và chỉ nương nhờ duy chỉ Thiên Chúa mà thôi. Do vậy, để trở nên một những người thầy có uy quyền và là những sứ giả của đức tin, các chư huynh phải luôn sống đặt mình trước sự hiện diện của Thiên Chúa, trở thành người của Chúa. Kỳ thực thì chẳng ai có thể trở thành người phục vụ anh em mình, nếu trước đó không trở nên người phụng sự Thiên Chúa. Dấn thân cá nhân để nên thánh của quý huynh đòi quý huynh phải đồng hóa mình với Lời Chúa mỗi ngày trong cầu nguyện và nhận bổ dưỡng nơi Thánh Thể, để kín múc từ hai nguồn mạch này nhựa sống cho thừa tác vụ. Tình bác ái thúc đẩy các chư huynh gần gũi với các linh mục của mình, với tình yêu của người cha hiền từ, là người biết đỡ nâng, biết khích lệ và biết tha thứ; các linh mục chính là những cộng sự tiên phong và quý báu của chư huynh trong việc mang Thiên Chúa đến cho con người và mang con người về cho Thiên Chúa. Cũng vậy tình bác ái của người Mục Tử Nhân Lành cũng sẽ làm cho các chư huynh biết lưu tâm đến những người nghèo và người chịu đau khổ, để các chư huynh nâng đỡ và an ủi họ, cũng như hướng đạo những người đã đánh mất ý nghĩa của cuộc sống. Cách riêng các chư huynh là những người gần gũi với các gia đình: gần với các bậc cha mẹ, vậy hãy giúp họ để họ trở thành những nhà giáo đầu tiên về đức tin cho con cái của họ; được gần với thanh thiếu niên và giới trẻ, vậy hãy đồng hành và nâng đỡ họ để có thể xây dựng đời mình trên nền tảng vững chắc là tình bạn với Chúa Ki-tô. Các chư huynh cũng phải nhớ chăm nom các chủng sinh cách đặc biệt. Bận tâm đầu tiên của các chư huynh là làm sao để họ được đào tạo đầy đủ về nhân bản, thiêng liêng, thần học và mục vụ, để các cộng đoàn có thể có được những người Chủ Chăn trưởng thành và vui tươi, cùng hướng đạo con chiên an vững trong đức tin.

Quý chư huynh quý mến, thánh Phao-lô tông đồ đã viết cho Ti-mô-thê, “anh hãy tìm sự công chính, đức tin, đức ai, bình an… Một tôi tớ của Thiên Chúa thì không phải là người hay nổi cáu, nhưng là người hiền hòa với tất cả mọi người, có năng lực giảng huấn, nhẫn nại và dịu ngọt trong việc sửa dạy” ( 2 Tm 2,22 – 25). Với tôi cũng như quý chư huynh, chúng ta hãy ghi lòng tạc dạ những lời ấy. Tôi thân ái ban Phép Lành Tòa Thánh, vì các Giáo Hội đã được phó cho các chư huynh, được thúc đẩy bởi luồng khí của Chúa Thánh Thần, các chư huynh hãy lớn lên trong đức tien và hãy loan truyền nó trên khắp nẻo đường lịch sử với một lòng nhiệt thành mới.

Theo RadioVaticana 20/09/2012,

Thái-Hiệp chuyển ngữ và giới thiệu

 


Văn Kiện Giáo Hội