Bài diễn văn của ĐTC Phan-xi-cô trong cuộc gặp gỡ giới trẻ tại trung tâm Padre Félix Varela, Havanna, Cuba, ngày 20.09.2015

 

Các bạn trẻ thân mến!

 

Thật là một niềm vui lớn lao khi có thể được ở bên cạnh các con, ngay tại đây, trong trung tâm văn hóa này. Đây là trung tâm có một ý nghĩa vô cùng to lớn đối với lịch sử Cu-ba. Cha tạ ơn Chúa vì Ngài đã ban cho Cha có được cơ hội để thực hiện cuộc gặp gỡ này với rất nhiều bạn trẻ, mà với công việc, với sự nghiên cứu học tập cũng như với sự tự đào luyện của mình, họ đang ước mơ về một ngày mai của Cu-ba, và trong thực tế, họ cũng đã làm cho giấc mơ đó được trở nên hiện thực rồi.

Cha xin cám ơn anh Leonardo vì những lời chào mừng của anh. Cha xin cám ơn anh một cách hoàn toàn đặc biệt, vì anh đã nói với chúng ta về niềm hy vọng, về những giấc mơ và về những mong muốn nồng nàn mà chúng được neo chặt một cách mạnh mẽ vào trong con tim của từng người trẻ Cu-ba, vượt qua những khác biệt trong nền giáo dục, trong nền văn hóa, trong việc tuyên xưng niềm tin và trong các ý tưởng, mặc dầu anh đã có thể nói về nhiều vấn đề khác mà chắc chắn chúng quan trọng hơn cũng như cụ thể hơn, chẳng hạn như những khó khăn, những nỗi sợ hãi và những nỗi nghi nan mà chúng rất thực tế và rất nhân văn. Xin cám ơn anh Leonardo, vì khi Cha vừa nhìn thấy các con thì cụm từ Hy Vọng đã chợt nảy sinh trong đầu Cha với tư cách là từ đầu tiên, và từ này đã lấp đầy con tim của Cha. Cha không thể hình dung ra bất kỳ một người trẻ nào, dù rằng người ấy bị bại liệt và không thể cử động, mà lại không có những ước mơ lẫn những ý tưởng, mà lại không khát khao những điều to lớn.

Nhưng điều gì là niềm hy vọng của một người trẻ Cu-ba trong khoảnh khắc lịch sử này? Niềm hy vọng của họ không nhiều hơn, cũng không ít ơn niềm hy vọng của bất cứ bạn trẻ nào thuộc bất cứ nơi nào trên thế giới. Vì niềm hy vọng nói với chúng ta về một thực tại mà nó bén rễ sâu trong con người, không lệ thuộc vào những hoàn cảnh cụ thể và những điều kiện lịch sử mà con người sống trong đó. Niềm hy vọng nói với chúng ta về một sự đói khát, một niềm khát khao có được sự viên mãn, cũng như ước ao có được một cuộc sống thành công; và do đó dẫn tới việc mong muốn chạm tới được những điều lớn lao hơn, mong muốn đạt tới được điều mà nó mở rộng con tim và mở mang tinh thần để đạt tới được những điều cao thượng, chẳng hạn như chân lý, sự thiện, vẻ đẹp, công lý và Tình Yêu. Nhưng điều đó mang đến cho mình một mối nguy hiểm. Nó đòi người ta phải sẵn sàng để không cho phép mình bị lôi cuốn bởi sự chạy trốn và bởi sự rầy rà, bởi những lời hứa hẹn sai quấy về một niềm hạnh phúc trống rỗng, một sự tiêu khiển tức thời và ích kỷ, một cuộc sống tầm thường và chỉ nghĩ đến cái tôi, nhưng chúng chỉ để lại trong con tim một nỗi sầu muộn và đắng cay. Không, niềm hy vọng thì gan dạ. Nó biết nhìn xa hơn những tiện nghi cá nhân, nhìn xa hơn những sự an toàn nhỏ nhoi và những sự bù trừ, mà sự bù trừ ấy sẽ làm cho đường chân trời bị hẹp lại; nhìn xa để mở ra những lý tưởng to lớn, mà chúng làm cho cuộc sống trở nên mỹ miều và xứng với nhân phẩm hơn. Cha muốn hỏi từng người một, từng cá nhân một trong các con: Điều gì đang thúc đẩy cuộc sống của con? Con đang mang trong trái tim mình điều gì? Khát vọng của con sẽ đi tới đâu? Con có luôn luôn sẵn sàng để mạo hiểm cho một cái gì đó lớn lao hơn không?

Có lẽ các con sẽ nói với Cha: „Dạ, thưa Cha, lực hấp dẫn của những ý tưởng đó rất lớn. Con cảm nhận được lời gọi mời và vẻ đẹp của nó; con cũng cảm nhận được sự rạng ngời nơi ánh sáng của nó trong tâm hồn con. Nhưng đồng thời, sự yếu đuối và sự bất lực của con lại là một thực tế vô cùng đồ sộ khiến con phải quyết định xem nên hay không nên đi trên con đường hy vọng. Đó là mục tiêu rất cao cả, nhưng sức lực của con lại nhỏ bé. Vì thế, thôi thì tốt nhất là cho con được xin hai chữ bình an để chỉ thực hiện một chút chút thôi, với những điều mà có lẽ chúng bớt to tát hơn nhưng lại rất thực tế, và hơn nữa, vừa với tầm với của con.“ Cha rất hiểu sự phản ứng này; thật là điều bình thường trước việc cảm thấy gánh nặng của sự mạo hiểm và của những khó khăn. Nhưng các con hãy coi chừng, đừng để mình bị khuất phục bởi cơn cám dỗ của sự tuyệt vọng; chúng làm cho trí tuệ và ý chí bị suy nhược! Và chúng ta cũng đừng để cho mình bị đẩy vào sự ngao ngán; nó chính là một sự yếm thế có tính căn bản đối với tất cả mọi khả năng trong việc đạt tới được những giấc mơ. Rốt cục thì những thái độ đó hoặc sẽ kết thúc trong một sự trốn chạy khỏi thực tế để đi vào trong những thiên đường giả tạo, hoặc co cụm vào trong sự ích kỷ cá nhân, trong một cách thức chua cay mà sự chua cay ấy không muốn lắng nghe tiếng thét của công lý, của sự thật và của nhân loại, nhưng tiếng thét ấy lại đang được cất lên chung quanh chúng ta và ngay trong lòng chúng ta.

Thế thì làm cái gì bây giờ? Làm thế nào để người ta tìm thấy được những con đường hy vọng ngay trong tình trạng mà chúng ta đang sống trong đó? Người ta phải làm gì để những ước mơ về sự viên mãn, về một cuộc sống đích thực, về công lý và sự thật trở thành hiện thực trong cuộc sống cá nhân chúng ta, trong đất nước chúng ta và trên toàn thế giới? Cha nghĩ là có ba suy tư mà chúng có thể giúp để giữ cho niềm hy vọng được luôn sống động.

Niềm hy vọng chính là một con đường khởi đi từ ký ức và sự biện phân. Niềm hy vọng chính là đức hạnh của người đang trên cuộc hành trình theo một hướng nào đó. Và như thế, đó không phải là một cuộc hành trình chỉ đơn giản là vì thích lên đường, nhưng là cuộc hành trình có một mục tiêu, có một đích nhắm; và đó chính là điều mang đến ý nghĩa cho một cuộc hành trình, và nó chiếu sáng cuộc hành trình ấy. Đồng thời, niềm hy vọng cũng được nuôi dưỡng bởi ký ức; nó bao bọc với cái nhìn không chỉ hướng về tương lai, nhưng còn hướng cả về quá khứ lẫn hiện tại. Và việc tiến về phía trước trong cuộc sống không chỉ quan trọng ở chỗ là nó cho chúng ta biết được nơi chúng ta muốn đến, nhưng cũng còn ở chỗ là biết được chúng ta là ai và chúng ta đến từ đâu. Một con người hay một dân tộc mà không chăm sóc cho ký ức và còn xóa bỏ cả quá khứ của mình, thì con người hay dân tộc đó sẽ có nguy cơ đánh mất căn tính và hủy hoại tương lai. Vì thế, cần phải có ký ức về điều mà chúng ta là, và về điều mà nó là di sản tinh thần và luân thường đạo lý của chúng ta. Cha tin rằng, đó chính là kinh nghiệm và giáo huấn của một người Cu-ba vĩ đại – Cha Félix Varela. Và cũng cần tới một sự biện phân vì đó là điều chính yếu để mở ra với thực tế, để hiểu về nó cũng như để giải thích nó trong một cách thế không sợ hãi cũng không thiên kiến. Tất cả những giải thích có tính đảng phái và ý thức hệ đều vô ích; chúng làm cho thực tại bị biến dạng để thực tại phù hợp với những khuôn mẫu nhỏ nhoi có sẵn của chúng ta, và luôn luôn trở thành nguyên cớ cho sự vỡ mộng và tuyệt vọng. Cần phải có sự biện phân và ký ức là vì, sự biện phân sẽ giúp chúng ta không bị mù quáng, bởi nó được tiến hành dựa trên nền tảng của những chuẩn mực có tính chắc chắn về luân thường đạo lý, những chuẩn mực ấy sẽ giúp để nhận ra điều gì là tốt, điều gì là chính trực.

Niềm hy vọng chính là một cuộc hành trình được đồng hành. Một câu ngạn ngữ của người Phi Châu nói thế này: „Nếu bạn muốn đi nhanh, thì bạn hãy đi một mình; nhưng nếu bạn muốn đi xa thì bạn hãy đi trong sự đồng hành.“ Sự tách biệt hay việc tự nhốt mình lại trong chính mình sẽ không bao giờ sản sinh ra niềm hy vọng; trái lại, sự gần gũi và việc gặp gỡ với người khác sẽ là điều rất tốt. Nếu chỉ một mình, chúng ta sẽ chẳng có thể đi đến được bất cứ nơi đâu! Và cũng vậy, với sự loại trừ, người ta sẽ không xây dựng được tương lai cho bất cứ ai. Con đường hy vọng đòi hỏi một nền văn hóa gặp gỡ, một nền văn hóa đối thoại, mà sự đối thoại ấy vượt thắng những mâu thuẫn và những cuộc đối đầu cằn cỗi. Một điều kiện có tính nền tảng cho vấn đề đó chính là việc người ta phải quan sát sự khác biệt trong những cách suy nghĩ không phải là một mối nguy nhưng là một sự phong phú, và là một nhân tố giúp phát triển. Thế giới cần tới nền văn hóa của sự gặp gỡ này, nó cần tới những người trẻ muốn học làm quen với nhau, cần tới những người trẻ muốn yêu thương nhau, cần tới những người trẻ muốn cùng nhau tiến về phía trước và cùng muốn kiến tạo một quốc gia giống như José Martí đã từng ước mơ: „Với tất cả và cho niềm hạnh phúc của tất cả“.

Niềm hy vọng là một cuộc hành trình liên đới. Tất nhiên, nền văn hóa gặp gỡ phải dẫn tới một nền văn hóa liên đới. Cha đánh giá rất cao điều mà anh Leonardo đã nói vào lúc bắt đầu khi anh nói về tình liên đới như là một sức mạnh giúp người ta vượt thắng bất cứ rào cản nào. Trong thực tế, nếu không có tình liên đới thì không một quốc gia nào có tương lai cả. Vượt trên bất cứ sự tính toán nào khác, hay trên bất cứ mối quan tâm nào khác, sự chăm lo cụ thể và thực tế phải đứng xung quanh con người, mà có thể người ấy đang là bạn, là người cùng đồng hành với tôi, hoặc cũng có thể là một ai đó mà họ đang nghĩ khác tôi, họ có ý kiến riêng của họ, nhưng họ vẫn là một con người, vẫn là người Cu-ba, giống hệt như tôi. Nếu chỉ có lòng khoan dung thôi thì sẽ không đủ, người ta còn phải vượt lên trên điều đó, cũng như phải băng từ một thái độ sợ hãi và có tính phòng thủ để đến với một thái độ đón nhận, cộng tác, phục vụ cụ thể và giúp đỡ đầy công hiệu. Các con đừng sợ hãi trước tình liên đới, trước sự phục vụ, và cũng đừng tránh né trước việc trao cánh tay mình cho người khác, hầu cho không một ai phải nằm lại bên vệ đường.

Con đường cuộc sống này sẽ được chiếu sáng nhờ vào một niềm hy vọng trổi vượt: nhờ vào niềm hy vọng mà nó phát xuất từ niềm tin vào Chúa Ki-tô. Ngài đã trở thành người bạn đường của chúng ta, và không chỉ khích lệ chúng ta thôi đâu, Ngài còn đồng hành với chúng ta, đứng về phía chúng ta, vào trao cho chúng ta cánh tay bạn bè của Ngài. Ngài – Đấng là Con Thiên Chúa – đã muốn trở nên một người như chúng ta mọi đàng để cùng đi trên con đường của chúng ta. Niềm tin vào sự hiện diện của Ngài, vào Tình Yêu và tình bằng hữu của Ngài sẽ khơi lên và chiếu sáng tất cả mọi niềm hy vọng cũng như mọi ước mơ của chúng ta. Chúng ta hãy học với Ngài để nhận ra thực tế, để sống sự gặp gỡ, để phục vụ người khác và để tiến về phía trước trong tình liên đới.

Các bạn trẻ Cu-ba thân mến, Nếu như chính Thiên Chúa đã bước vào trong lịch sử của chúng ta và đã trở thành con người trong Chúa Giê-su, đã chất những yếu đuối và những tội lỗi của chúng ta lên đôi vai của Ngài, thì các con còn có lý do gì nữa để sợ hãi trước niềm hy vọng, sợ hãi trước tương lai! Các con đừng sợ hãi trước những điều đó, vì Thiên Chúa đang đánh cược trên các con, Ngài tin vào các con, và Ngài đặt niềm hy vọng vào nơi các con.

Các bạn trẻ thân mến, Cha xin cám ơn về cuộc gặp gỡ này. Ước chi niềm hy vọng vào Chúa Ki-tô – người bạn của các con - sẽ luôn luôn dẫn dắt các con trong cuộc sống. Các con đừng quên cầu nguyện cho Cha đấy nhé! Xin Chúa chúc lành cho các con.

Trung tâm Padre Félix Varela, Havanna, Cuba, ngày 20 tháng 09 năm 2015

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội