Diễn Văn của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi bế mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới thường kỳ lần thứ XIV

 

Trọng kính các Đức Thượng Phụ, các Đức Hồng Y và các Đức Giám Mục;

Thưa anh chị em thân mến:

Trước hết, tôi muốn tạ ơn Thiên Chúa, Đấng đã dẫn dắt con đường Thượng Hội Đồng Giám Mục của chúng ta trong năm nay thông qua Chúa Thánh Thần, Đấng không ngừng trao ban cho Giáo hội sự hỗ trợ của Ngài.

Với tất cả tấm lòng, tôi thực sự cám ơn Đức Hồng Y Lorenzo Baldisseri, Tổng Thư ký của Thượng Hội Đồng Giám Mục, cám ơn Đức Cha Fabio Fabene, phó thư ký của Thượng Hội Đồng Giám Mục, và cùng với các Ngài, tôi xin cám ơn Đức Hồng Y Peter Erdö, phúc trình viên, cũng như cám ơn Đức Cha Bruno Forte, thư ký đặc biệt, và cám ơn các vị chủ tịch của các phái đoàn, các vị thư ký, các tư vấn viên, các dịch giả, các ca sĩ và tất cả những vị đã làm việc một cách không mệt mỏi và với sự hy sinh hoàn toàn cho Giáo hội: Xin chân thành cám ơn! Và tôi cũng xin cám ơn Ủy Ban soạn thảo văn kiện đúc kết: một số người trong quý vị đã làm việc thâu đêm.

Tôi xin cám ơn tất cả quý vị, các Nghị Phụ thân mến, các phái đoàn huynh đệ, các kiểm toán viên, các viên chức, các Cha xứ và các gia đình, về sự tham gia tích cực và phong nhiêu của quý vị.

Tôi cũng xin cám ơn những „người vô danh“ và tất cả những ai đã góp phần vào những công việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục này với sự dấn thân âm thầm nhưng quảng đại của họ.

Tất cả quý vị đều có thể tin chắc vào lời cầu nguyện của tôi, và tôi cầu xin rằng, xin Thiên Chúa trả công bội hậu cho quý vị với sự dồi dào phong phú của ân sủng Ngài!

Trong lúc tôi dõi theo Thượng Hội Đồng Giám Mục, tôi đã tự hỏi: Việc chấm dứt Thượng Hội Đồng Giám Mục này, tức Thượng Hội Đồng được dành riêng cho gia đình, có ý nghĩa gì đối với Giáo hội?

Tất nhiên, việc kết thúc Thượng Hội Đồng Giám Mục không có nghĩa là: tất cả các đề tài trong mối liên hệ tới gia đình đều chấm dứt, nhưng đúng hơn: được cố gắng để chiếu sáng gia đình với ánh sáng Tin Mừng, với ánh sáng của truyền thống và của hai ngàn năm lịch sử, và để làm cho gia đình tràn ngập niềm vui hy vọng mà không hề rơi vào sự lập lại một cách ngớ ngẩn những điều không bênh vực sự đối thoại, hay lập lạch một cách ngớ ngẩn những điều đã được nói rồi.

Chắc chắn nó không có nghĩa là đã tìm ra được những giải pháp toàn diện cho tất cả những khó khăn và những ngờ vực, mà những khó khăn và những mối nghi ngờ ấy đang thách đố và đe dọa gia đình, nhưng có nghĩa là đặt những khó khăn và những ngờ vực này vào trong ánh sáng Đức Tin, để thẩm tra chúng một cách cẩn thận, cũng như không sợ hãi trong việc bắt tay vào việc giải quyết chúng, và không hề có chuyện chui đầu vào cát.

Có nghĩa là tạo cơ hội cho tất cả hiểu được tầm quan trọng của định chế gia đình, và tầm quan trọng của hôn nhân giữa người chồng và người vợ được đặt nền móng trên sự hiệp nhất và trên sự bất khả phân ly, và đánh giá hai định chế trên như là nền tảng căn bản của xã hội và của cuộc sống nhân loại.

Có nghĩa là lắng nghe và trình bày giọng nói của các gia đình và của các vị mục tử trong Giáo hội mà họ đã tới Rô-ma và đã mang trên vai mình những gánh nặng và những niềm hy vọng, sự phong phú và những thách đố của các gia đình trên toàn thế giới.

Có nghĩa là minh chứng về sức sống của Giáo hội Công giáo, đó là một Giáo hội không sợ hãi trước việc đánh thức những lương tâm đã mất cảm giác, và cũng không sợ hãi trước việc làm cho đôi tay của mình bị bám bẩn, bằng cách là Giáo hội đối thoại một cách linh hoạt, rõ ràng và chân thành về gia đình.

Có nghĩa là cố gắng để nhìn xem thực tế một cách tốt hơn: Nhìn xem những thực tế của cuộc sống hôm nay với cặp mắt của Thiên Chúa, và giải thích những thực tại đó hầu đem lại sinh khí cho con tim nhân loại, và chiếu sáng nó với ngọn lửa Đức Tin, trong một khoảnh khắc ngã lòng và khủng hoảng cả về mặt xã hội, kinh tế lẫn luân lý, mà trong khoảnh khắc có tính lịch sử đó, những điều tiêu cực đang thống trị.

Có nghĩa là làm chứng cho tất cả biết rằng, đối với Giáo hội, Tin Mừng vẫn luôn là một nguồn mạch sống động của sự mới mẻ vĩnh cửu – một chứng tá đối với những người đang muốn „tuyên truyền“ và muốn biến Tin Mừng thành những tảng đá chết chóc, mà với chúng, người ta có thể chọi thẳng vào người khác.

Nó cũng có nghĩa là mở ra những con tim đang bị đóng kín, mà thậm chí, đó là những con tim đang giấu mình bên dưới những giáo huấn của Giáo hội hay đàng sau những dự định có vẻ lành thánh để ngồi vào ngai của Mô-sê, và đôi khi từ trên xuống, cũng như với sự nông cạn và vẻ bên ngoài – để phê phán những trường hợp khó khăn và những gia đình bị tổn thương.

Có nghĩa là xác quyết rằng, Giáo hội là một Giáo hội của „những con người nghèo túng trước mặt Thiên Chúa“ và của những tội nhân trên đường kiếm tìm ơn tha thứ, và không phải chỉ là một Giáo hội của những người công chính và của các Thánh – vâng, một Giáo hội của những người công chính và của các Thánh, khi Giáo hội này cảm thấy mình như là những người nghèo và như là những tội nhân.

Có nghĩa là cố gắng chiếu sáng những đường chân trời để vượt thắng bất cứ cách chú giải Kinh Thánh có tính bí thuật nào, hay vượt thắng việc đóng kín những viễn tượng, hầu bảo vệ và làm lan rộng sự tự do của con cái Thiên Chúa, để chuyển giao sự tuyệt vời nơi sự mới mẻ của Ki-tô giáo, mà đôi khi sự tuyệt vời ấy lại bị che phủ bởi lớp lưới sắt của một ngôn ngữ cổ lỗ sĩ hay đơn giản là không thể hiểu nổi.

Trên con đường của Thượng Hội Đồng Giám Mục này, nhiều ý kiến khác biệt mà chúng đã được bày tỏ một cách tự do – và tiếc rằng đôi khi với những phương pháp không hoàn toàn có thiện ý -, chắc chắn đã làm phong phú hóa cuộc đối thoại cũng như làm cho cuộc đối thoại được trở nên sống động, và như thế, đã thể hiện một hình ảnh sống động của một Giáo hội, mà Giáo hội ấy không sử dụng „những mẫu đơn đã được in sẵn“, nhưng kín múc nước hằng sống từ nguồn mạch không bao giờ cạn nơi Đức Tin của mình, hầu thỏa mãn cơn khát của những con tim đang khô hạn.

Và – bên kia những vấn đề tín lý được định nghĩa một cách chính xác bởi quyền giáo huấn của Giáo hội – chúng ta cũng thấy rằng, cái mà nó có vẻ như bình thường đối với một Giám mục của châu lục này, lại có thể là điều hiếm hoi đối với Giám mục của một châu lục khác, nó gần như là một gương mù – gần như vậy! -, điều được coi như là sự tổn thương của một quyền lợi trong xã hội này, lại có thể là một quy định hiển nhiên và bất khả xâm phạm trong một xã hội khác; điều được coi là sự tự do lương tâm đối với một số người, nhưng lại có thể chỉ có nghĩa là sự lộn xộn đối với người khác. Trong thực tế, các nền văn hóa rất khác biệt nhau, và bất cứ một nguyên tắc đạo đức chung nào – như tôi đã nói: những vấn đề tín lý được định nghĩa một cách chính xác bởi quyền giáo huấn của Giáo hội – bất cứ một nguyên tắc đạo đức chung nào cũng đều phải được hội nhập văn hóa, nếu nguyên tắc ấy được tuân thủ và được vận dụng. Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới trong năm 1985, tức Thượng Hội Đồng Giám Mục cử hành dịp kỷ niệm lần thứ 20 ngày bế mạc Công Đồng Vatican II, đã mô tả việc hội nhập văn hóa như là „sự thay đổi nội tại các giá trị văn hóa đích thực nhờ vào việc bao bọc lấy Ki-tô giáo và đồng thời nhờ vào sự bén rễ sâu của Ki-tô giáo trong các nền văn hóa khác nhau của nhân loại.“

Việc hội nhập văn hóa không làm cho các giá trị đích thực bị yếu đi, nhưng chỉ ra sức mạnh thực sự của chúng, cũng như tính xác thực của chúng, vì chúng tự thích ứng mà không hề có chuyện thay đổi, vâng, chúng thúc đẩy một cách phi bạo lực và theo từng cấp độ một sự biến đổi các nền văn hóa khác nhau.

Chúng ta đã thấy rằng, - ngay cả việc nhờ vào sự phong phú nơi những khác biệt của chúng ta -, sự thách đố mà chúng ta đang có trước mặt, vẫn luôn luôn là điều này: công bố Tin Mừng cho con người của thời đại hôm nay, và ở đây, bảo vệ gia đình trước tất cả mọi cuộc tấn công của ý thức hệ và của chủ nghĩa cá nhân.

Không để mình bị khuất phục bởi bất kỳ sự nguy hiểm nào của chủ nghĩa tương đối, và cũng không hăm dọa bất cứ một ai khác, chúng ta đã cố gắng để tham dự một cách trọn vẹn và can đảm vào với sự tốt lành và Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, mà Lòng Thương Xót ấy vượt lên trên mọi toan tính của con người chúng ta, và không muốn bất cứ điều gì khác ngoài việc „TẤT CẢ MỌI NGƯỜI ĐỀU ĐƯỢC CỨU ĐỘ“ (1Tm 2,4). Và như thế, chúng ta đã muốn lồng Thượng Hội Đồng Giám Mục này vào trong mối liên hệ với Năm Thánh ngoại thường về Lòng Thương Xót mà Giáo hội đang được kêu gọi để sống Năm Thánh ấy, và kinh qua mối liên hệ này một cách sống động.

Anh em trong hàng Giám Mục thân mến,

Kinh nghiệm của Thượng Hội Đồng Giám Mục cũng đã cho phép chúng ta nhận thức được một cách tốt hơn rằng, những người bảo vệ giáo lý đích thực không phải là người bảo vệ mặt chữ, nhưng là những người bảo vệ tinh thần; không phải là những người bảo vệ những ý tưởng, như là những người bạo vệ con người; không phải là người bảo vệ những công thức, nhưng là người bảo vệ sự nhưng không của Tình Yêu Thiên Chúa, và sự nhưng không nơi ơn tha thứ của Ngài. Điều đó tuyệt đối không có nghĩa là hạ thấp tầm quan trọng của những công thức – bởi thực ra chúng cũng rất cần thiết! -, của lề luật và của giới răn Thiên Chúa, nhưng có nghĩa là ca ngợi sự cao cả của Thiên Chúa chân thật, Đấng đã đối xử tốt lành với chúng ta không phải vì chúng ta xứng đáng, cũng không phải vì những công trạng của chúng ta, nhưng chỉ vì lòng quảng đại vô bến bờ nơi Lòng Xót Thương của Ngài (xc. Rm 3,21-30; Tv 130; Lc 11,37-54). Điều đó có nghĩa là vượt thắng những cơn cám dỗ thường xuyên của người anh cả (xc. Lc 15,25-32) hay của những lao công đầy ghanh tỵ (xc. Mt 20,1-16). Vâng, nó có nghĩa là, làm cho những luật lệ và những giới răn mà chúng được tạo ra vì con người chứ không phải ngược lại (xc. Mc 2,27) càng ngày càng trở nên có hiệu lực hơn.

Trong ý nghĩa này, sự thống hối đúng mức, những công việc và những cố gắng của con người sẽ nhận được một ý nghĩa sâu xa, không phải như là tiền thưởng đối với ơn cứu độ dù sao cũng không phải mua mà Chúa Ki-tô đã giành lấy cho chúng ta một cách miễn phí từ trên Thập Giá, nhưng như là câu trả lời trước Đấng đã yêu thương chúng ta trước tiên, và đã cứu độ chúng ta nhờ vào giá máu vô tội của Ngài, ngay từ khi chúng ta vẫn đang còn là những tội nhân (xc. Rm 5,6).

Bổn phận trước tiên của Giáo hội không phải là công bố những bản án và ra những hình phạt tuyệt thông, nhưng là công bố Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, kêu gọi hoán cải và dẫn đưa tất cả mọi người tới với ơn cứu độ của Thiên Chúa (xc. Ga 12,44-50).

Chân Phúc Phao-lô VI Giáo Hoàng đã tìm ra được những từ ngữ tuyệt vời cho điều đó: „Vậy thì chúng ta có thể nghĩ rằng, bất cứ tội lỗi nào của chúng ta hay bất cứ sự trốn chạy nào trước mặt Thiên Chúa, cũng đều đốt lên trong Ngài một ngọn lửa Tình Yêu còn mãnh liệt hơn, một niềm khao khát muốn chiếm lại chúng ta và tái đặt chúng ta vào trong nhiệm cục cứu độ của Ngài […]. Thiên Chúa mạc khải chính mình trong Chúa Ki-tô như là sự tốt lành khôn cùng […]. Thiên Chúa là Đấng tốt lành. Và không chỉ tốt lành trong chính bản thân Ngài, Thiên Chúa – chúng ta nói về điều đó trong nước mắt – là Đấng tốt lành đối với chúng ta. Ngài yêu thương và kiếm tìm chúng ta, Ngài nhớ tới chúng ta, biết và linh hứng cho chúng ta, và Ngài chờ đợi chúng ta: Ngài sẽ - nếu như người ta có thể nói như thế về điều đó – hạnh phúc trong ngày chúng ta trở về và nói: Lạy Chúa, vì sự tốt lành của Chúa, xin tha thứ cho con! Và như thế, sự thống hối của chúng ta sẽ trở thành niềm vui của Thiên Chúa.“

Ngay cả Thánh Gio-an Phao-lô II Giáo Hoàng cũng đã xác quyết rằng: „Giáo hội sẽ sống một cuộc sống đích thực nếu như Giáo hội tuyên xưng và công bố Lòng Nhân Hậu […] và nếu như Giáo hội dẫn đưa nhân loại tới với nguồn mạch Lòng Nhân hậu của Đấng Cứu Thế, đó là những nguồn mạch mà từ đó Giáo hội bảo vệ và phân phối.“

Và Đức Bê-nê-đíc-tô XVI cũng nói: „Lòng Thương Xót, trong thực tế, chính là hạt nhân căn bản của sứ điệp Tin Mừng, nó là danh xung của chính Thiên Chúa […]. Tất cả những gì Giáo hội nói và chu toàn, đều chỉ ra Lòng Thương Xót mà Thiên Chúa mang đến cho con người, và cụ thể là mang đến cho mỗi người chúng ta. Nếu Giáo hội hướng sự chăm chú về một chân lý bị đánh giá sai hay về một sự thiện bị phản bội, thì có nghĩa là Giáo hội đang làm cho những điều ấy được gây phấn chấn thường xuyên bởi Tình Yêu Nhân Hậu, hầu cho nhân loại có được sự sống, và có được sự sống trong sự sung mãn“ (xc. Ga 10.10).

Trong ánh sáng này và nhờ vào thời gian ân sủng này, tức thời gian mà Giáo hội đã trải qua, khi Giáo hội nói và thảo luận về gia đình, chúng ta cảm thấy mình đã làm phong phú hóa lẫn nhau. Và nhiều người trong chúng ta đã nhận thấy tác động của Chúa Thánh Thần; Đấng chính là đạo diễn và là sáng lập viên đích thực của Thượng Hội Đồng Giám Mục. Đối với tất cả chúng ta, cụm từ „GIA ĐÌNH“ không còn vang lên như trước khi Thượng Hội Đồng Giám Mục diễn ra nữa, đến độ trong Ngài, chúng ta đã thấy được bản tóm tắt về ơn gọi của gia đình và về tầm quan trọng của con đường mà Thượng Hội Đồng Giám Mục đã đi.

Trong thực tế, đối với Giáo hội, việc kết thúc Thượng Hội Đồng Giám Mục có nghĩa là tái „cùng nhau tiến về phía trước“ một cách thực sự, để mang ánh sáng Tin Mừng, mang cái ôm của Giáo hội và sự hỗ trợ thông qua Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, vào trong mọi miền trái đất, vào trong mỗi Giáo phận, vào mỗi cộng đoàn và vào mỗi trạng huống cuộc đời.

Xin cám ơn!

Hội trường Thượng Hội Đồng Giám Mục ngày 24 tháng 10 năm 2015

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội