Diễn Văn của ĐTC Phan-xi-cô trong cuộc gặp gỡ liên tôn tại Kenia ngày 26.11.2015

 

Dưới đây là bài Diễn văn của ĐTC Phan-xi-cô trong cuộc gặp gỡ đại kết và liên tôn tại phòng khách của Tòa Khâm Sứ ở Nairobi, Kenia, ngày 26 tháng 11 năm 2015

Các bạn thân mến,

tôi xin hết lòng cám ơn quý vị vì hôm nay quý vị đã đến đây. Tôi cảm thấy rất vui khi có được cơ hội này để thực hiện việc trao đổi những suy nghĩ với quý vị. Trong một cách thế đặc biệt, tôn xin cám ơn Đức Giám Mục Kairo, Đức Tổng Giám Mục Wabukala của Giáo hội Anh Giáo, và Giáo sư El-Busaidy, về những lời của quý vị mà với chúng, quý vị đã nồng nhiệt chào đón tôi nhân danh tất cả quý vị đang hiện diện tại đây, cũng như nhân danh tất cả các cộng đồng của quý vị. Trong chuyến viếng thăm những người Công giáo của một Giáo hội địa phương mà có được cơ hội để gặp gỡ những nhà lãnh đạo của các cộng đồng Ki-tô giáo khác cũng như của các truyền thống tôn giáo khác, luôn luôn là điều quan trọng đối với tôi. Và vì thế tôi hy vọng rằng, thời điểm đang được cùng trải qua này sẽ trở nên một dấu chỉ cho sự kính trọng mà Giáo hội Công giáo thể hiện đối với tất cả mọi thành viên của tất cả mọi tôn giáo khác; ước chi giây phút này sẽ góp phần củng cố những mối hiệp thông trong tình bằng hữu  mà chúng đã có sẵn giữa chúng ta.

Thực sự phải nói rằng, mối tương quan này chính là một thách đố đối với chúng ta; nó đặt ra cho chúng ta những vấn nạn. Nhưng cuộc đối thoại liên tôn và đại kết không phải là một sự xa xỉ. Nó không phải là một cái gì đó phụ thêm hay là một sự tùy chọn, nhưng nó là điều chính yếu, là một cái gì đó mà thế giới bị gây tổn thương bởi những cuộc xung đột và những mối bất hòa của chúng ta, đang càng ngày càng cần tới.

Trong thực tế, những xác tín tôn giáo và cách thế để sống những xác tín ấy đang tác động mạnh mẽ trên kiếp nhân sinh của chúng ta, cũng như trên sự nhận thức của chúng ta về thế giới chung quanh. Đối với chúng ta, những xác tín đó chính là nguồn cội chiếu sáng, nguồi cội khôn ngoan và là nguồn cội của tính liên đới, và bằng cách này, những xác tín đó đang làm phong phú hóa cho những cộng đồng xã hội mà chúng ta đang sống trong đó. Nếu chúng ta quan tâm chăm sóc cho sự phát triển về tâm linh của các cộng đồng xã hội của mình, bằng cách là chúng ta giáo dục tâm trí và con tim để chúng hướng về chân lý và hướng về những giá trị được thụ giáo từ nơi các truyền thống tôn giáo của chúng ta, thì chúng ta sẽ trở thành phúc lành cho các cộng đồng mà những con người của chúng ta đang sống trong đó. Trong một xã hội dân chủ và đa nguyên như Kenia, sự cộng tác của các nhà lãnh đạo các tôn giáo cũng như của các cộng đồng, sẽ trở thành một sự phục vụ quan trọng đối với niềm hạnh phúc chung.

Trong ánh sáng này và trong một thế giới ngày càng phụ thuộc vào nhau, càng ngày chúng ta sẽ càng thấy rõ hơn sự cần thiết của việc hiểu biết lẫn nhau giữa các tôn giáo, sẽ thấy rõ hơn sự cần thiết của tình bằng hữu và sự cộng tác giữa quý vị trong việc bảo vệ phẩm giá mà Thiên Chúa đã tặng ban cho từng người cũng như cho tất cả mọi dân tộc, và bảo vệ quyền được sống tự do và hạnh phúc của mỗi người. Trong khi thúc đẩy sự kính trọng phẩm giá và những quyền lợi ấy, các tôn giáo đóng một vai trò chính yếu trong việc giáo dục lương tâm, trong việc tiếp tục chuyển giáo những giá trị tâm linh sâu sắc của các truyền thống tôn giáo cho những người trẻ để họ tiếp thu chúng… Và như vậy, các tôn giáo sẽ huấn luyện cho các công dân để họ có khả năng mang tính ngay thẳng, sự trung thực và thế giới quan của họ vào trong xã hội dân sự, mà xã hội ấy đặt con người vào trong trung tâm, thay vì quyền lực và những lợi lộc vật chất.

Ở đây tôi nghĩ tới tầm quan trọng nơi niềm xác tín chung của chúng ta mà theo đó, Thiên Chúa, Đấng chúng ta đang nỗ lực phục vụ, chính là Thiên Chúa hòa bình. Thánh Danh Ngài không bao giờ được phép bị lạm dụng để biện minh cho hận thù và bạo lực. Hẳn quý vị vẫn còn nhớ y nguyên những cuộc tấn công man rợ nhắm vào trung tâm mua sắm Westgate và vào trường cao đẳng Garissa. Những người trẻ thường xuyên bị biến thành những kẻ cực đoan nhân danh tôn giáo để gieo rắc sự bất hòa và mối sợ hãi, cũng như để hủy hoại các cấu trúc của xã hội chúng ta. Việc chúng ta được nhìn nhận như là những Ngôn Sứ của hòa bình, như là những người kiến tạo hòa bình, tức những người mời gọi người khác sống trong hòa bình, trong sự đồng tâm nhất trí, và trong sự tôn trọng lẫn nhau, thật quan trọng biết dường nào! Ước chi Đấng Toàn năng sẽ đụng chạm tới con tim của những người mà họ đang thực hành nạn bạo lực ấy, và ước chi Ngài sẽ ban hòa bình của Ngài xuống cho các gia đình cũng như cho các cộng đồng của chúng ta!

Các bạn thân mến, năm thứ năm mươi ngày bế mạc Công Đồng Vatican II rơi đúng vào năm nay. Tại Công Đồng đó, Giáo hội Công giáo đã bênh vực công cuộc đối thoại đại kết và liên tôn trong sự phục vụ sự hiểu biết lẫn nhau cũng như phục vụ tình bằng hữu đối với nhau. Tôi muốn tái khẳng định lại sự dấn thân đó, tức sự dấn thân phát sinh từ sự xác tín của chúng ta về tính phổ quát của Tình Yêu Thiên Chúa và ơn cứu độ mà Ngài đang giới thiệu cho tất cả mọi người. Thế giới có quyền mong đợi rằng, trong việc khắc phục rất nhiều những vấn đề mà chúng đang gây bận tâm cho gia đình nhân loại, các tín hữu sẽ cùng cộng tác với những người thành tâm thiện chí. Với cái nhìn hướng về tương lai, chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả mọi người nam và mọi người nữ biết nhìn nhận nhau như là những người anh chị em được hiệp nhất một cách bình an trong sự khác biệt của mình cũng như vượt lên trên những khác biệt đó. Chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình!

Tôi xin cám ơn sự quan tâm của quý vị, và tôi cầu xin Thiên Chúa, Đấng Toàn Năng, ban phúc lành dồi dào của Ngài xuống cho quý vị cũng như cho các cộng đoàn của quý vị.

Nairobi ngày 26 tháng 11 năm 2015

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội