Diễn Văn của ĐTC Phan-xi-cô trong cuộc viếng thăm khu ổ chuột Kangemi, Nairobi, Kenia, ngày 27.11.2015

 

Anh chị em thấn mến!

Cha xin cám ơn anh chị em thật nhiều vì đã đón tiếp Cha tại khu phố của anh chị em! Cha cũng xin cám ơn Đức Tổng Giám Mục Kivuva và Cha Pascal vì những lời của các Ngài. Thực tế thì Cha cảm thấy mình như đang ở nhà, vì khoảnh khắc này Cha chia sẻ với anh chị em, những người – Cha không cảm thấy xấu hổ để nói – đang có một chỗ ưu tiên trong cuộc sống cũng như trong những quyết định của Cha. Cha ở đây, vì Cha muốn anh chị em biết rằng, Cha không hề hờ hững trước những niềm vui và những hy vọng, trước những nỗi sợ hãi và những nỗi sầu muộn của anh chị em. Cha hiểu rất rõ về những khó khăn mà anh chị em đang phải trải qua từ ngày này qua ngày khác! Làm sao Cha có thể không tố giác những nỗi bất công mà anh chị em đang phải chịu đựng đây!

Nhưng trước tiên, Cha muốn dừng lại nơi một khía cạnh mà những bài diễn văn có tính tách biệt không có khả năng nhận ra hay có vẻ như sẽ đánh giá sai. Cha muốn liên hệ đến sự khôn ngoan của những khu phố nghèo, một sự khôn ngoan phát sinh từ „sự đề kháng ngoan cường của sự chân thật“ (Thông Điệp Laudato si’ [24. 05.2015], 112), từ những giá trị của Tin Mừng, mà có vẻ như thế giới phồn vinh bị ru ngủ bởi sự tiêu dùng vô kỷ luật đã quên mất. Anh chị em có khả năng “thắt chặt mối liên kết giữa sự bao hàm và sự cộng tác mà chúng biến sự xô đẩy thành một kinh nghiệm hiệp thông ở bất cứ nơi đâu những bức tường của cái TÔI bị xuyên thủng và những rào cản của sự ích kỷ bị vượt qua“ (Thông Điệp Laudato si’ [24. Mai 2015], 149).

Nền văn hóa tại những khu phố nghèo mà nó được thẩm thấu bởi sự khôn ngoan đặc biệt ấy, „đang sở hữu những phẩm chất rất tích cực, và những phẩm chất ấy chính là một sự đóng góp cho thời đại mà chúng ta đang sống trong đó. Nền văn hóa ấy được diễn tả trong những giá trị mà chúng hệ tại ở chỗ thực hành tình liên đới; trao hiến cuộc sống cho người khác; yêu chuộng sự sinh hơn sự tử; tổ chức đám an táng Ki-tô giáo cho những người thân quá cố; giới thiệu cho bệnh nhân một chỗ trong nhà mình; chia cơm sẻ áo với những người đói rách – „Nơi đâu có 10 người ăn, ở đó cũng sẽ có 12 người cùng dùng bữa“ -; chứng tỏ sự kiên nhẫn và mạnh mẽ đối với những nghịch cảnh to lớn“ (Equipo de Sacerdotes para las Villas de Emergencia (Argentinien), Reflexiones sobre la urbanisación y la cultura villera [2010]). Đó là những giá trị mà chúng hỗ trợ cho việc nhìn nhận rằng, bất cứ con người nào cũng đều quan trọng hơn ngẫu tượng tiền bạc. Cha xin cám ơn anh chị em vì đã nhắc cho chúng tôi biết rằng, một hình thức khác của nền văn hóa là điều có thể!

Cha muốn người ta phải đặt những giá trị mà anh chị em đang thực hành vào trong vị trí trước tiên – đó là những giá trị không bị kinh doanh tại sở giao dịch chứng khoán; đó là những giá trị mà chúng không bị đầu cơ và không sở hữu giá trị thị trường. Cha xin chúc mừng anh chị em, Cha sẽ đồng hành với anh chị em, và Cha muốn anh chị em biết rằng, Thiên Chúa không bao giờ lãng quên anh chị em. Con đường của Chúa Giê-su bắt nguồn từ những vùng ngoại vi, Ngài đi ra từ những người nghèo, và với người nghèo đi đến với tất cả.

Nhận ra những chỉ số đối với một cuộc sống tốt lành mà chúng phát triển hằng ngày giữa anh chị em, có nghĩa là không có cách nào mà không hình dung ra được những bất công kinh khủng của việc bị loại ra khỏi thành phố. Đó là những vết thương mà chúng tạo ra những nhóm thiểu số tập trung sức mạnh và tiền bạc, và phung phí một cách ích kỷ, trong khi phần đông còn lại phải tháo chạy vào trong những vùng ngoại vi không được chăm nom, bị nhiễm độc và bị loại bỏ.

Điều đó còn trầm trọng hơn nếu chúng ta nhìn vào sự phân chia đất đai một cách bất công (có lẽ không phải ở trong khu phố này, nhưng ở những chỗ khác thì rất rõ), mà trong nhiều trường hợp, sự phân chia đó dẫn tới chỗ toàn bộ các gia đình phải thanh toán tiền thuê nhà cửa một cách quá cao trong tình trạng kiến thiết không thích hợp. Cha cũng biết về những vấn đề nghiêm trọng trong việc đầu cơ bất động sản ruộng đất của những kẻ vô danh được gọi là „những kẻ phát triển tư nhân“, thậm chí họ cố gắng chiếm dụng cả sân trường của các học sinh làm của riêng. Sở dĩ điều đó vẫn diễn ra là vì người ta quên rằng, „Thiên Chúa […] đã ban trái đất cho tất cả mọi thế hệ con người, không hề có chuyện loại trừ bất cứ ai hay thiên vị ai, đến độ trái đất có thể nuôi dưỡng tất cả mọi thành viên của gia đình nhân loại“ (Đức Gioa-an Phao-lô II, Thông Điệp Bách Chu Niên [1.05.1991], 31).

Trong ý nghĩa này, việc thiếu khả năng tiếp cận với những cơ sở hạ tầng cũng như với những dịch vụ quan trọng nhất đang thể hiện một vấn đề nghiêm trọng. Cha nghĩ tới những nhà vệ sinh, những kênh dẫn nước thải, những chỗ thoát nước, những xe chở rác, những nguồn điện, những con đường, nhưng cũng còn nghĩ tới cả các trường học, các bệnh viện, những trung tâm nghỉ dưỡng và thể thao, cũng như những hoạt động. Đặc biệt, Cha muốn đề cập tới nguồn nước uống. „Sự tiếp cận với nguồn nước uống an toàn chính là một quyền lợi căn bản, có tính nền tảng và phổ quát của con người. Thế giới này đang chất lên chính mình một món nợ xã hội rất nặng đối với những người nghèo không có khả năng để tiếp cận với nguồn nước uống, vì điều đó có nghĩa là khước từ quyền được sống của họ, mà quyền ấy được neo chặt trong phẩm giá bất khả nhượng của họ“ (Thông Điệp Laudato si’, 30). Từ chối việc cung cấp nguồn nước cho một gia đình dưới lý do quan liêu nào đó, chính là một đại bất công, đặc biệt nhất là khi một lợi ích được rút ra từ trường hợp cấp bách này.

Mối liên hệ giữa sự thờ ơ lãnh đạm và thái độ thù địch mà những khu phố nghèo đang phải gánh chịu, sẽ càng trầm trọng thêm nếu như bạo lực trở nên quen thuộc và những tổ chức tội phạm lợi dụng nó trong sự phục vụ lợi ích kinh tế và chính trị của trẻ em và giới trẻ như là „tấm bia đỡ đạn“ cho những mưu đồ đẫm máu của chúng. Cha cũng biết tới nỗi khổ đau của những phụ nữ mà họ đang chiến đấu một cách anh nhùng để bảo vệ những người con trai, con gái của họ trước những mối nguy hiểm ấy. Cha cầu xin Thiên Chúa, xin Ngài giúp những người mang trách nhiệm để họ có thể cùng với anh chị em chọn đi theo con đường có tính bao hàm xã hội, con đường giáo dục, thể thao, hành động chung và bảo vệ các gia đình, vì đó là điều bảo đảm duy nhất đối với một nền hòa bình công bằng, đích thực và bền lâu.

Những định chế mà Cha đã liệt kê ra đó, không phải là sự kết hợp ngẫu nhiên của những vấn đề riêng lẻ. Đúng hơn, chúng chính là hậu quả của những hình thức thuộc địa mới đang được duy trì, các quốc gia Phi Châu chính là „thành phần của một cỗ máy đồ sộ“ (Đức Gio-an Phao-lô II, Tông Huấn Giáo hội tại Phi Châu [14.09.1995],52). Thực tế, không thiếu những áp lực để những quốc gia này vớ lấy những biện pháp chính trị trong việc phân biệt chủng tộc, chẳng hạn như biện pháp hạn chế sinh đẻ - một dạng „chính sách vứt bỏ“, mà chính sách đó đang cố gắng „hợp thức hóa những kiểu mẫu hiện đại mà trong đó một nhóm nhỏ tự coi mình là người có quyền tiêu dùng trong một tình huống mà nó không thể được tổng quát hóa“ (Thông Điệp Laudato si’, 50).

Trong mối liên hệ này, Cha xin đề nghị hãy tái làm sáng tỏ ý tưởng của một sự hợp nhất hoàn toàn mà nó tôn trọng thành phố: không loại trừ, không thái độ cha chú, không thờ ơ lãnh đạm, và cũng không ngăn chặn. Chúng ta cần tới những thành phố mà chúng hòa nhập và hiện diện ở đó cho tất cả. Chúng ta phải vượt thắng sự duy ban hành những khoản luật mà chúng không được tôn trọng trong khi thực hành, phải cụ thể hóa những hành vi có tính hệ thống mà chúng cải thiện không gian sống của người dân, và phải trù tính những khu định cư mới đầy giá trị, để làm nơi cư trú cho những thế hệ đang đến. Người ta phải thanh toán những khoản nợ xã hội, những khoản nợ về môi trường đối với những người nghèo trong các thành phố, bằng cách là người ta hiện thực hóa quyền bất khả xâm phạm đối với „ba T“ (Nói theo cách viết của chữ La-tinh: tierra, techo y trabajo – Đất đai, nhà ở và công ăn việc làm). Đó không phải là sự từ bi, nhưng đó là nghĩa vụ của tất cả mọi người.

Cha muốn kêu gọi tất cả mọi người Ki-tô hữu, đặc biệt là những vị mục tử, hãy canh tân niềm hăng say truyền giáo, hãy khơi dậy những sáng kiến nhằm chống lại rất nhiều những bất công, hãy nhúng tay vào những vấn đề của những người lân cận, hãy đồng hành với họ trong những nỗ lực của họ, hãy bảo vệ những hoa trái phát sinh từ công việc cộng đồng của họ, và hãy ăn mừng trước bất cứ chiến thắng lớn hay nhỏ nào. Cha biết là họ đã làm rất nhiều việc rồi, nhưng Cha xin họ hãy nhớ rằng, đó không phải là một bổn phận được thêm vào, nhưng đó là một nghĩa vụ quan trọng nhất trong bất cứ lúc nào, vì „những người nghèo chính là những địa chỉ đầu tiên đón nhận Tin Mừng“ (Đức Bê-nê-đíc-tô XVI, Diễn văn trong cuộc gặp gỡ các Giám Mục Bra-xin [São Paulo, 11.05.2007], 3).

Các cư dân của khu phố này thân mến, anh chị em thân mến! Chúng ta hãy cùng cầu nguyện, cùng cộng tác, cùng dấn thân hầu cho bất cứ gia đình nào cũng có được một ngôi nhà xứng đáng, cũng có thể tiếp cận được với nguồn nước uống, cũng có nơi tắm rửa, cũng có nguồn điện bảo đảm để thắp sáng, để nấu nướng, cũng như để họ có thể cải thiện những nơi trú ngụ của họ…; để mỗi khu phố đều có những con đường, những quảng trường, những trường học, những bệnh viện, những sân thể thao, những trung tâm nghỉ dưỡng và không gian cho nghệ thuật; để những dịch vụ quan trọng nhất đều đến được với bất cứ người nào trong anh chị em; để những đòi hỏi và những mong muốn có được những cơ hội của anh chị em được lắng nghe; để tất cả đều có thể nếm hưởng nền hòa bình và sự an toàn mà chúng tương xứng với những phẩm giá không giới hạn của họ.

 

Mungu awabariki! (Xin Chúa chúc lành cho anh chị em!)

 

Và với trọn tấm lòng, Cha xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho Cha!

 

Khu ổ chuột Kangemi, Nairobi, Kenia, ngày 27 tháng 11 năm 2015

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội