Bài Diễn Văn Của ĐTC Phan-xi-cô Trước Các Tham Dự Viên Của Hội Nghị „500 Năm Ngày Luther Công Bố 97 Luận Đề

Anh chị em thân mến,

kính thưa quý ông và quý bà,

Với niềm vui, tôi xin nồng nhiệt mừng đón quý vị, cũng như xin chân thành kính chào quý vị. Tôi xin cám ơn Cha Bernard Ardura vì những lời mà qua đó Ngài đã phác họa nên ý nghĩa của hội nghị về Luther và về cuộc cải cách của ông.

Tôi xin thú nhận với quý vị rằng, cảm nhận đầu tiên mà tôi cảm thấy khi tận mắt chứng kiến sáng kiến đáng khen ngợi này của Ủy Ban Giáo Hoàng Về Các Khoa Học Lịch Sử, đó chính là niềm biết ơn Thiên Chúa, mà cảm nghĩ đó cũng xuất hiện đồng thời với một sự sửng sốt nào đó, khi chúng ta lưu ý đến chuyện, cách nay không lâu, việc thực hiện được một cuộc hội nghị như thế này là điều không thể tưởng tượng nổi. Khi người Công giáo và người Thệ phản cùng thảo luận về Luther theo sáng kiến của một cơ quan trực thuộc Tòa Thánh, thì chúng ta sẽ có thể đưa tay đụng tới được những hoa trái phát sinh từ hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng vượt thắng mọi bức tường và biến những xung đột thành những cơ hội để lớn lên trong sự hiệp thông. Từ xung đột đến với sự hiệp thông chính là đầu đề của một văn kiện do Ủy Ban hỗn hợp Công giáo và Luter đưa ra về sự hiệp nhất trong mối liên hệ đến sự cùng tưởng nhớ đến cuộc cải cách của Luther mà nó đã bắt đầu cách nay 500 năm.

Tôi rất vui khi tôi có được kinh nghiệm rằng, sự tưởng nhớ này đã mở ra khả năng cho một số học giả thuộc các cơ quan khác nhau, để cùng hướng về những sự kiện lịch sử này. Những tranh luận nghiêm túc và được đào sâu với nhân vật Luther và với sự chỉ trích của ông về Giáo hội và Giáo hoàng trong thời của ông, chắc chắn sẽ góp phần vượt thắng bầu khí thiếu tin tưởng và ganh đua lẫn nhau, mà trong quá khứ, nó đã để lại dấu ấn trong các mối quan hệ lâu dài giữa những người Công giáo và những người Thệ phản. Sự nghiên cứu chu đáo và khách quan mà nó được giải phóng khỏi những tiên kiến và những cuộc bút chiến mang tính ý thức hệ, sẽ cho phép các Giáo hội đang đứng trong cuộc đối thoại hôm nay, nhìn nhận và đón nhận điều mà nó mang tính tích cực và hợp lý trong cuộc cải cách, và tránh xa những khiếm khuyết, những sự cường điệu và sự thất bại thông qua việc thú nhận những tội lỗi mà chúng đã dẫn tới sự chia rẽ.

Chắc chắn tất cả chúng ta đều ý thức rằng, quá khứ không thể được thay đổi. Nhưng hôm nay, sau năm chục năm của công cuộc đối thoại đại kết giữa người Công giáo và người Thệ phản, việc tiến hành một cuộc thanh luyện ký ức là điều có thể. Điều này không hệ tại ở chỗ thực hiện một cuộc chỉnh sửa bất khả thi đối với những sự kiện lịch sử cách nay 500 năm, nhưng đúng hơn, hệ tại ở chỗ, „thuật lại lịch sử này theo một cách khác“ (Ủy Ban Công giáo/Luther về sự hiệp nhất, từ xung đột tới hiệp thông, 17.06.2013, số16), cụ thể là không sa vào vết lăn của một mối ác cảm vì những vết thương đã được bổ sung mà nó bóp méo cách nhìn của chúng ta về nhau. Với tư cách là các Ki-tô hữu, ngày nay tất cả chúng ta đều được kêu gọi hãy tự giải phóng mình khỏi những tiên kiến đối với Đức Tin mà những người khác tuyên xưng trong những sự nhấn mạnh và trong các ngôn ngữ khác nhau, cũng như để tha thứ cho nhau về những lỗi lầm mà cha ông chúng ta đã mắc phải, và cùng cầu xin Thiên Chúa ban ơn hòa giải và hiệp nhất.

Trong lời cầu nguyện, tôi xin được đồng hành với công việc nghiên cứu lịch sự đầy quý giá của quý vị, và xin phúc lành của Thiên Chúa toàn năng và nhân hậu xuống trên quý vị. Xin quý vị cũng hãy cầu nguyện cho tôi với. Xin hết lòng cám ơn quý vị!

Vatican ngày 31 tháng 03 năm 2017

ĐTC Phan-xi-cô

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội