Diễn Văn Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Cuộc Gặp Gỡ Với các Phật tử tại Caba Aye, Rangun, Myanmar ngày 29.11.2017

 

Kính thưa quý vị,

 

Thật là một niềm vui lớn đối với tôi khi được ở đây bên quý vị. Tôi xin cám ơn Ngài Bhaddanta Kumarabhivamsa, chủ tịch ủy ban quốc gia Sangha Maha Nayaka, vì lời chào mừng mà Ngài đã dành cho tôi, và vì những nỗ lực của Ngài trong việc tổ chức chuyến viếng thăm hôm nay của tôi. Tôi xin kính chào tất cả quý vị. Tôi xin đặc biệt cám ơn sự hiện diện của Ngài Thura Aung Ko, bộ trưởng phụ trách các vấn đề tôn giáo và văn hóa.

Cuộc gặp gỡ của chúng ta là một cơ hội thật quan trọng để canh tân và củng cố mối liên kết tình bạn và sự kính trọng giữa những Phật tử và những người Công giáo. Đồng thời, chúng ta cũng có thể xác nhận sự dấn thân của mình cho hòa bình, cho sự kính trọng nhân phẩm và cho sự công bằng đối với những người nam và những người nữ. Không chỉ tại Myanmar, nhưng trên toàn thế giới, mọi người đều cần tới chứng tá chung này của các nhà lãnh đạo tôn giáo. Vì nếu chúng ta cùng nói với một giọng nói chung về những giá trị bất biến của công lý, hòa bình và phẩm giá nền tảng của từng con người, thì chúng ta sẽ làm  cho niềm hy vọng có thể lên tiếng. Chúng ta hãy trợ giúp các Phật tử, trợ giúp những người Công Giáo và trợ giúp tất cả những ai đang dấn thân cho một sự hòa điệu lớn hơn trong các cộng đồng của họ.

Trong bất cứ thời đại nào đi nữa thì nhân loại cũng đều nhận thấy những bất công, những trạng huống xung đột và sự đối xử thiếu công bằng giữa những con người. Trong thời đại chúng ta, những khó khăn đó xem ra còn đặc biệt nghiêm trọng hơn. Xã hội của chúng ta đã thực hiện một bước tiến to lớn về kỹ thuật, và nhân loại trên thế giới càng ngày càng ý thức rõ hơn về tư cách thành viên trong gia đình nhân loại của mình, cũng như về số phận chung của mình. Tuy nhiên, những vết thương của các cuộc xung đột, của sự nghèo túng và của sự áp bức vẫn đang tiếp tục mở rộng, và dẫn tới những rạn nứt mới. Trước những thách đố ấy, chúng ta không bao giờ được phép cam chịu. Trên nền tảng căn bản của các truyền thống tinh thần của từng cộng đồng, chúng ta biết rằng, vẫn có một con đường cần phải đi tiếp, đó là con đường chữa lành, hiểu biết và kính trọng lẫn nhau. Con đường đó đặt nền tảng trên sự cảm thông và Đức Ái.

Tôi muốn bày tỏ niềm kính trọng của tôi đối với tất cả những ai đang sống theo truyền thống Phật giáo tại Myanmar. Nhờ vào Giáo lý của nhà Phật, cũng như nhờ vào các chứng tá hăng hái của các nhà Sư và của các Ni-cô, nhiều người tại quốc gia này đã được giáo dục để thực hành các giá trị kiên nhẫn, khoan dung và tôn trọng sự sống, cũng như đã được giáo dục để thực hành một linh đạo tôn trọng môi trường và đối xử với môi trường một cách đầy trân quý. Như chúng ta biết, những giá trị ấy chính là điều cốt yếu cho sự phát triển xã hội toàn diện, mà xã hội ấy coi gia đình như là những tế bào nhỏ nhất nhưng quan trọng nhất, để sau đó mở rộng ra thành một mạng lưới của những sự gắn kết mà chúng làm cho chúng ta cùng phát triển một cách khắng khít hơn. Những mối liên kết ấy đặt nền tảng trên nền văn hóa cũng như trên tư cách thành viên của quốc gia và của từng chủng tộc, nhưng sau cùng, trên bản tính nhân loại chung của chúng ta. Trong một nền văn hóa gặp gỡ đích thực, những giá trị ấy sẽ có thể củng cố các cộng đồng của chúng ta, và góp phần mang ánh sáng rất cần thiết đến cho toàn xã hội.

Những thách đố lớn của thời đại chúng ta nằm ở chỗ là giúp con người để họ mở ra cho siêu việt tính; để họ có khả năng nhìn sâu trong nội tại mình, cũng như nhận ra chính mình, hầu khám phá ra sự gắn bó lẫn nhau giữa tất cả mọi người; để họ ý thức rằng, chúng ta không được phép tách mình ra khỏi người khác. Nếu chúng ta nên liên kết lại với nhau như chúng ta đã trình bày trên kia, thì chúng ta phải vượt thắng bất cứ hình thức thiếu thông cảm, thiếu bao dung, thiên kiến và hận thù nào. Chúng ta có thể thực hiện điều đó ra sao? Những lời của Đức Phật chính là một người chỉ đường cho từng người một trong chúng ta: „Đừng chiến thắng sự giận dữ bằng sự giận dữ, hãy chiến thắng sự ác bằng sự thiện, hãy chiến thắng sự keo kiệt bủn xỉn bằng sự quảng đại, hãy chiến thắng kẻ lừa dối bằng chân lý“ (Dhammapada, XVII, 223). Một lời nguyện do Thánh Phan-xi-cô biên soạn cũng diễn tả một quan điểm tương tự: „Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa, để con đem yêu thương vào nơi oán thù; đem thứ tha vào nơi lăng nhục; đem ánh sáng vào nơi tối tăm; đem niềm vui đến chốn u sầu“.

Ước chi sự khôn ngoan này sẽ tiếp tục đem sinh khí đến cho những nỗ lực nhằm thúc đẩy sự kiên nhẫn và sự hiểu biết, cũng như chữa lành những vết thương của những xung đột mà trong những năm qua, chúng đã chia rẽ những con người thuộc các nền văn hóa, chủng tộc và niềm tin tôn giáo khác nhau. Những nỗ lực này sẽ không chỉ được giới hạn nơi những nhà lãnh đạo tôn giáo, nhưng chúng cũng còn là nghĩa vụ của cả chính phủ nữa. Đúng hơn, toàn xã hội và mỗi thành viên của mỗi cộng đồng đều phải cùng cộng tác và làm việc để cho tình trạng xung đột và bất công được thắng vượt. Tuy nhiên, một trách nhiệm đặc biệt nằm nơi các nhà lãnh đạo dân sự và tôn giáo đó là việc tạo nên sự đồng tâm nhất trí, để những thách đố và những ý nguyện hiện tại được nhận thức cách rõ ràng và được thẩm định với tính khách quan và tình liên đới lẫn nhau. Nhân đây, tôi xin chúc mừng Panglon Peace Conference về những công việc của hội nghị này, và tôi xin các nhà lãnh đạo của sáng kiến này hãy tiếp tục thúc đẩy một sự góp phần và dấn thân quảng đại của tất cả mọi người đang sống tại Myanmar. Chắc chắn điều này sẽ hỗ trợ cho sự dấn thân hầu làm cho nền hòa bình, cho sự an ninh và cho sự phồn vinh mỗi ngày một thêm lớn mạnh, mà sự phồn vinh đó bao hàm tất cả.

Chắc chắn, nếu những nỗ lực này nên mang tới những kết quả lâu bền, thì sự cộng tác to lớn giữa các nhà lãnh đạo tôn giáo sẽ là điều rất cần thiết. Liên quan tới vấn đề này, tôi mong quý vị biết rằng, Giáo hội Công giáo luôn sẵn sàng cộng tác trong những công việc nêu trên với tư cách là một đối tác. Những cơ hội gặp gỡ và đối thoại giữa các nhà lãnh đạo tôn giáo đã thể hiện như là một yếu tố quan trọng trong công cuộc thúc đẩy hòa bình và công lý tại Myanmar. Tôi biết rằng, trong tháng Tư vừa qua, Hội Đồng Giám Mục đã tổ chức một phiên hội nghị kéo dài hai ngày về hòa bình, mà nhiều nhà lãnh đạo của các cộng đồng tôn giáo khác nhau cũng như các vị đại sứ và các đại diện của các tổ chức phi chính phủ đã tham dự hội nghị đó. Những cuộc hội nghị như thế là điều rất cần thiết nếu chúng ta muốn hiểu biết về nhau cách tốt hơn cũng như muốn củng cố mối liên kết và những quyết định chung của chúng ta. Nền công lý đích thực và nền hòa bình lâu bền sẽ chỉ có thể được đạt tới nếu chúng được thực thi bởi tất cả mọi người.

Các bạn thân mến, ước chi các Phật tử và những người Công giáo sẽ cùng tiến bước trên con đường chữa lành ấy, và sát cánh bên nhau để lao công cho niềm hạnh phúc của bất cứ cư dân nào tại quốc gia này. Trong những tác phẩm của Ki-tô giáo, Thánh Phao-lô Tông Đồ đã kêu gọi những người mà Ngài gửi thư cho, hãy cùng vui với người vui và khóc với người khóc (xc. Rom 12,15), cũng như hãy mang gánh nặng của người khác trong sự khiêm nhượng (xc. Gal 6,2). Nhân danh những người anh chị em Gông giáo của mình, tôi xin công bố cho quý vị biết về sự sẵn sàng của chúng tôi trong việc cùng tiến bước với quý vị và cùng rắc gieo những hạt giống hòa bình và chữa lành, đồng cảm và hy vọng tại quốc gia này.

Một lần nữa, tôi xin cám ơn quý vị vì đã mời tôi đến hiện diện cùng quý vị trong ngày hôm nay. Tôi cầu xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả quý vị với hồng ân vui mừng và bình an.

 

Caba Aye, Rangun, Myanmar ngày 29 tháng 11 năm 2017

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cistchuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội