DIỄN TỪ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ DÀNH CHO CÁC THAM DỰ VIÊN KHÓA HỌC “SỐNG TRỌN VẸN HÀNH ĐỘNG PHỤNG VỤ”

Hình: Vatican Media

Sáng ngày 20. 01. 2023, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có buổi tiếp kiến dành cho các tham dự viên khóa học quốc tế về huấn luyện các Trưởng ban cử hành Phụng vụ trong giáo phận. Khoá học có chủ đề “Sống trọn vẹn hành động phụng vụ”, diễn ra tại Học Viện Giáo Hoàng Thánh Anselm, trường chuyên về Phụng vụ, từ ngày 16 đến ngày 20.01.2023.

Dưới đây là nội dung bài diễn từ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!

Tôi xin lỗi vì sự chậm trễ, nhưng đúng là một buổi sáng quá bận rộn.

Tôi xin cám ơn những lời tốt đẹp của cha Viện phụ; Tôi chào cha Giám đốc và Viện trưởng tuyệt vời của Học viện Giáo hoàng Phụng vụ, quý giáo sư và các sinh viên; Tôi cũng xin chào Đức hồng y Tổng Trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, và Đức ông Thư ký – cảm ơn quý vị đã có mặt tại đây. Tôi hân hoan chào đón anh chị em và tôi đánh giá cao sáng kiến tổ chức một lộ trình huấn luyện dành cho những người chuẩn bị và hướng dẫn việc cầu nguyện cho các cộng đoàn giáo phận, trong sự hiệp thông với các giám mục và phục vụ các giáo phận.

Khóa học hiện sắp kết thúc này, phù hợp với những chỉ dẫn của Tông thư Desiderio desideravi về việc huấn luyện phụng vụ. Thật vậy, việc tổ chức các buổi cử hành đòi hỏi sự chuẩn bị và cam kết. Chúng tôi, các giám mục, trong thừa tác vụ của mình, ý thức rõ điều này, bởi vì chúng tôi cần sự cộng tác của những người chuẩn bị phụng vụ và những người giúp chúng tôi chu toàn nhiệm vụ chủ sự buổi cầu nguyện của Dân Thánh. Việc phục vụ phụng vụ của anh chị em đòi hỏi, ngoài kiến thức chuyên sâu, một cảm thức mục vụ sâu sắc. Tôi rất vui khi thấy rằng, một lần nữa, anh chị em đang đổi mới cam kết của mình trong việc nghiên cứu phụng vụ. Như Thánh Phaolô VI đã nói, phụng vụ là “nguồn mạch chính của sự trao đổi thiêng liêng trong đó sự sống của Thiên Chúa được thông truyền cho chúng ta; nó là trường học đầu tiên của tâm hồn chúng ta” (Diễn từ bế mạc Kỳ họp II của Công đồng Vatican II, ngày 04.12.1963). Do đó, phụng vụ không bao giờ được sở hữu hoàn toàn, phụng vụ không được học như các khái niệm, nghề nghiệp, kỹ năng của con người. Đó là nghệ thuật chính của Giáo hội, vốn cấu thành, và đặc trưng cho Giáo hội.

Tôi muốn uỷ thác cho anh chị em một số suy tư về việc phục vụ này của anh chị em, được đặt trong bối cảnh thực hiện canh tân phụng vụ.

Ngày nay chúng ta không còn nói đến vị “chủ lễ”, tức là người lo “các nghi lễ thánh” nữa; đúng hơn, các sách Phụng vụ nói đến vị Chưởng nghi của các cuộc cử hành. Và vị Chưởng nghi dạy anh chị em phụng vụ khi hướng dẫn anh chị em trong cuộc gặp gỡ với mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô; đồng thời ngài phải sắp xếp mọi thứ sao cho phụng vụ tỏa sáng với sự trang nghiêm, đơn giản và trật tự (x. Caeremoniale Episcoporum, 34). Thừa tác vụ của chưởng nghi là một người phục vụ (diakonia); ngài cộng tác với giám mục để phục vụ cộng đoàn. Đây là lý do tại sao mỗi giám mục chỉ định vị chưởng nghi, người hành động thận trọng, siêng năng, không đặt nghi thức lên trước những gì nó diễn tả, nhưng giúp nắm bắt ý nghĩa và tinh thần của nghi thức, bằng cách nhấn mạnh qua các hành động của mình rằng trung tâm điểm là Chúa Kitô chịu đóng đinh và phục sinh.

Đặc biệt tại nhà thờ chính tòa, người phụ trách các cử hành Giám mục điều phối, như là cộng tác viên với Giám mục, tất cả những người thi hành thừa tác vụ trong hoạt động phụng vụ, để khuyến khích sự tham gia hiệu quả của dân Chúa. Một trong những nguyên tắc cốt lõi của Công đồng Vatican II trở lại đây: chúng ta phải luôn đặt lợi ích của các cộng đoàn, chăm sóc mục vụ cho các tín hữu (cf sđd., 34) trước mắt chúng ta, để dẫn dân chúng đến với Chúa Kitô và đưa Chúa Kitô đến với mọi người. Đây là mục tiêu chính, phải được đặt lên hàng đầu khi anh chị em chuẩn bị và hướng dẫn các buổi cử hành. Nếu chúng ta sao nhãng điều này, chúng ta sẽ có những nghi lễ đẹp đẽ, nhưng không có sức mạnh, không có hương vị, không có ý nghĩa, bởi vì những nghi lễ này không chạm đến trái tim và cuộc sống của dân Chúa. Và điều này xảy ra khi người chủ sự, trên thực tế, lại không phải là giám mục, linh mục, mà là chưởng nghi, và khi vai trò chủ sự chuyển sang chưởng nghi, thì mọi sự sẽ kết thúc. Vị chủ tọa là người chủ sự, chứ không phải chưởng nghi. Thật vậy, chưởng nghi càng ẩn mình càng tốt, càng ít bị nhìn thấy càng tốt, nhưng ngài điều phối mọi thứ. Chính Đức Kitô làm cho trái tim rung động; chính cuộc gặp gỡ với Người thu hút tâm hồn. “Một cử hành không loan báo Tin Mừng thì không phải là cử hành đích thực” (Desiderio desideravi, 37). Đó là một vở “múa ba lê”, một vở ba lê đẹp, nghệ thuật, tuyệt vời nhưng nó không phải là một lễ nghi đích thực.

Một trong những mục tiêu của Công đồng là đồng hành với các tín hữu trong việc phục hồi khả năng sống các hoạt động phụng vụ một cách trọn vẹn và tiếp tục kinh ngạc trước những gì buổi cử hành diễn ra trước mắt chúng ta (x. Desiderio desideravi, 31). Lưu ý rằng nó không nói về niềm vui thẩm mỹ, hoặc cảm giác thẩm mỹ, mà là sự kinh ngạc. Sự kinh ngạc khác với niềm vui thẩm mỹ: đó là cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Chỉ có cuộc gặp gỡ với Đức Chúa mới mang lại cho chúng ta sự kinh ngạc. Làm sao để có thể đạt được mục tiêu này? Câu trả lời được tìm thấy trong Hiến chế Sacrosanctum Concilium. Trong số 14, Hiến chế khuyến nghị việc Huấn Luyện các tín hữu, nhưng “sẽ không có một tia hy vọng nào đạt tới kết quả đó, nếu trước tiên chính những mục tử chăn dắt các linh hồn không thấm nhuần sâu rộng tinh thần và năng lực của Phụng Vụ cũng như không thành những bậc thầy trong lãnh vực ấy. Vì vậy, rất cần phải chú trọng đến việc huấn luyện Phụng Vụ cho hàng giáo sĩ”. Do đó, trước tiên, chính người Trưởng ban cử hành Phụng vụ, vốn là người được lớn lên từ trường Phụng vụ cần tham gia vào sứ vụ mục vụ huấn luyện hàng giáo sĩ và tín hữu.

Một trong những khía cạnh phức tạp nhất của canh tân là đưa vào thực hành trong thực tế, hay đúng hơn, là cách thức mà những gì đã được các Nghị Phụ Công Đồng thiết lập được đem vào cuộc sống hàng ngày. Và trong số những trách nhiệm chính của việc thực hành thực tế, quả thực có các giáo sư phụng vụ, là người cùng với giám đốc văn phòng mục vụ Phụng vụ đồng hành với các giáo phận, cộng đoàn, linh mục và các thừa tác viên khác trong việc thực hiện cử hành nghi thức do Công đồng chỉ định. Điều này được thực hiện chủ yếu bằng việc cử hành.

Chúng ta đã học cách phục vụ Thánh Lễ như thế nào khi còn nhỏ? Bằng cách nhìn vào những người bạn lớn hơn của chúng ta. Chính sự huấn luyện từ Phụng vụ mà tôi đã viết trong Desiderio desideravi. Sự trang nghiêm, đơn giản và trật tự có thể đạt được khi mọi người, dần dần trong suốt nhiều năm, tham dự nghi thức, cử hành nghi thức, sống nghi thức, và hiểu những gì họ phải làm. Tất nhiên, cũng như trong một dàn nhạc lớn, mỗi người phải biết phần của mình, các động tác, điệu bộ, bản văn mà mình đọc hoặc hát; thì Phụng vụ có thể là một bản giao hưởng ngợi khen, một bản giao hưởng được diễn đạt theo lex orandi (luật cầu nguyện) của Giáo hội.

Các trường thực hành Phụng vụ đang được thành lập tại các nhà thờ chính toà. Đây là một sáng kiến hay. Nó phản ánh “một cách mầu nhiệm” về những gì được cử hành. Phong cách cử hành được đánh giá, để xem xét tiến độ, và những khía cạnh cần điều chỉnh. Tôi khuyến khích anh chị em giúp đỡ các bề trên chủng viện chủ sự theo cách tốt nhất có thể, quan tâm đến việc công bố, cử chỉ, dấu hiệu, để các linh mục tương lai, cùng với việc nghiên cứu thần học Phụng vụ, học cách cử hành tốt: và đây là phong cách của việc chủ sự. Người ta học bằng cách quan sát hàng ngày một linh mục biết cách chủ sự, cách cử hành, bởi vì ngài sống phụng vụ, và khi cử hành, ngài cầu nguyện. Tôi kêu gọi anh chị em cũng giúp đỡ những người phụ trách các thừa tác vụ chuẩn bị Phụng vụ của các giáo xứ bằng cách bắt đầu các trường nhỏ huấn luyện Phụng vụ, kết hợp tình huynh đệ, giáo lý, khai tâm và thực tập cử hành.

Khi vị Trưởng ban cử hành Phụng vụ đi cùng với Giám mục tại một giáo xứ, thật là tốt khi làm nổi bật phong cách cử hành được sống ở đó. Do đó, sẽ thật vô nghĩa khi tổ chức một cuộc “diễu hành” tốt đẹp khi có mặt giám mục, rồi sau đó mọi thứ trở lại như trước đây. Nhiệm vụ của anh chị em không phải là sắp xếp nghi thức cho một ngày, mà là đề xuất một nghi thức Phụng vụ có thể làm theo, với những thích nghi mà cộng đoàn có thể kết hợp để phát triển trong đời sống Phụng vụ. Bằng cách này, dần dần, phong cách cử hành của giáo phận ngày càng phát triển. Thật vậy, đi đến các giáo xứ mà người Trưởng ban cử hành Phụng vụ không lên tiếng khi nhìn thấy những cử hành Phụng vụ cẩu thả, luộm thuộm, thiếu chuẩn bị, có nghĩa là không giúp đỡ các cộng đoàn, không đồng hành với họ. Thay vào đó, một cách tế nhị, với tình huynh đệ, thật là tốt khi người Trưởng ban cử hành Phụng vụ giúp các mục tử suy tư về phụng vụ, để chuẩn bị cho các ngài cùng với các tín hữu. Khi làm như vậy, người Trưởng ban này phải dùng sự khôn ngoan mục vụ tuyệt vời: nếu ở giữa dân chúng, ngài sẽ hiểu ngay và biết rõ làm sao để đồng hành với anh em mình, và làm thế nào để đề xuất cho các cộng đoàn những gì phù hợp và có thể đạt được, và những bước cần thiết để tái khám phá vẻ đẹp của phụng vụ và của việc cùng nhau cử hành.

Và cuối cùng, tôi khuyên anh chị em nên lưu tâm đến sự Thinh lặng. Ở thời đại này, chúng ta nói, nói… xin giữ Thinh lặng. Đặc biệt là trước khi cử hành- một thời điểm đôi khi trở thành một cuộc tụ họp xã hội. Chúng ta trò chuyện: “À, bạn khỏe không? Mọi thứ diễn ra tốt đẹp chứ? Tại sao không?". Sự thinh lặng giúp cộng đoàn và các vị đồng tế tập trung vào những gì phải làm. Các phòng thánh thường ồn ào trước và sau các cử hành, nhưng sự thinh lặng mở ra và chuẩn bị cho mầu nhiệm: chính sự thinh lặng chuẩn bị anh chị em tham dự mầu nhiệm, giúp anh chị em hoà vào mầu nhiệm, và để cho tiếng vang của Lời vọng lên. Tình huynh đệ rất đẹp; chào hỏi nhau là điều tốt đẹp, nhưng chính cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu mới mang lại ý nghĩa cho cuộc quy tụ của chúng ta, cho việc chúng ta đến với nhau. Chúng ta phải tái khám phá và yêu mến sự thinh lặng!

Tôi rất muốn nhấn mạnh điều này. Và ở đây tôi sẽ đề cập một vấn đề liên quan đến sự thinh lặng, nhưng dành cho các linh mục. Làm ơn, các Bài giảng: chúng là một thảm họa. Thỉnh thoảng tôi nghe ai đó nói: “Vâng, tôi đã đi lễ ở giáo xứ đó… đúng là một bài học triết học hay, 40, 45 phút”… 8, 10 phút, đừng dài hơn! Và luôn luôn là một suy tư, một cảm nghĩ, và một hình ảnh. Hãy để mọi người mang theo một điều gì đó về nhà với họ. Trong Tông huấn Evangelii Gaudium, tôi muốn nhấn mạnh điều này. Và tôi đã nói đến điều này nhiều lần, bởi vì đó là điều mà rốt cuộc chúng ta vẫn chưa hiểu: bài giảng không phải là một hội nghị, mà là một bí tích. Tôi nghĩ không lầm là người theo nhóm Luther đã nói rằng đó là một bí tích, không phải là một hội nghị. Bài giảng được chuẩn bị trong cầu nguyện, được chuẩn bị với tinh thần tông đồ. Xin làm ơn nhớ cho, các bài giảng, nói chung, là một thảm họa.

Anh chị em thân mến, trước khi chào tạm biệt, một lần nữa tôi muốn bày tỏ sự khích lệ của tôi đối với những gì anh chị em đang làm để phục vụ việc thực hiện canh tân mà các Nghị Phụ Công Đồng đã ủy thác cho chúng ta. Tất cả chúng ta hãy cố gắng tiếp tục công việc tốt đẹp đã được khởi xướng. Chúng ta hãy giúp các cộng đoàn sống Phụng vụ, để được Phụng vụ định hình, và, để – như lời Kinh Thánh “Ai khát, hãy đến; ai muốn, hãy đến lãnh nước trường sinh mà không phải trả tiền” (Kh 22,17). Chúng ta hãy cung cấp cho mọi người nguồn nước tươi mát tuôn trào dồi dào từ Phụng vụ của Giáo Hội.

Chúc anh chị em làm việc tốt, và tôi ưu ái chúc lành cho anh chị em. Và làm ơn, xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho tôi. Xin cảm ơn!

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP

Chuyển ngữ từ:  https://press.vatican.va/content/salastampa/en/bollettino/pubblico/2023/01/20/230120g.html (20.01.2023)

 


Văn Kiện Giáo Hội