Giới thiệu HIẾN CHẾ TÍN LÝ VỀ MẠC KHẢI LỜI THIÊN CHÚA (DEI VERBUM)

 Vào ngày 18-11-2005, Hiến chế tín lý về Mạc Khải được Công Đồng Vatican II ban hành 40 năm. Thế nhưng việc đón nhận và hiểu biết Hiến chế này trong lòng dân Chúa tại Việt-Nam dường như vẫn còn ở mức độ sơ khởi. Bài viết này giúp chúng ta ý thức về tầm quan trọng của Hiến chế tín lý này đối với việc sống Lời Chúa.

 

Lm. PX. Vũ Phan Long, ofm

  Công Đồng Chung Vatican II đã được đánh giá là biến cố hết sức ý nghĩa của thế kỷ xx, cả trong lịch sử phàm tục cũng như lịch sử Hội Thánh [1]. Nếu tìm một so sánh với lịch sử Ít-ra-en, có thể coi đây như là biến cố Sinai, vì biến cố Sinai đã là một trong những biến cố Sinai nổi bật nhất trong lịch sử Ít-ra-en, thì cũng có thể nói như thế về Công Đồng Vatican II trong lịch sử Hội Thánh [2]. Một bằng chứng hùng hồn cho các nhận định trên, đó là những cải cách sâu rộng mà Công Đồng Vatican II đã giúp thực hiện trong lòng Họâi Thánh 40 năm qua, khiến khi hướng tới năm 2000, Đức Gioan-Phaolô II đã mơ đến “mùa xuân mới của đời sống ki-tô hữu”[3].

Ngược dòng lịch sử, vào ngày 25-01-1959, trước sự ngỡ ngàng của các cố vấn, Đức giáo hoàng Gioan XXIII đã loan báo Công Đồng, và ngài đã thật sự ban lệnh triệu tập Công Đồng vào ngày 25-12-1961. Sau khi đã loan báo triệu tập Công Đồng, ngài đã lập ra một Ủy Ban tiền chuẩn bị dưới quyền chủ tọa của HY Tardini, Quốc vụ khanh. Vào ngày 05-6-1960, ngài lại lập một Ủy Ban thần học chuẩn bị, ở dưới quyền chủ tọa của HY Ottaviani. Ủy Ban này lệ thuộc vào Ủy Ban chuẩn bị trung ương do Đức giáo hoàng chủ tọa.  

Thế là Công Đồng Vatican II đã khai mạc vào ngày 11-10-1962. Theo ý của Đức Gioan XXIII, đây là Công Đồng “mục vụ”: “cởi mở với thế giới; thông cảm chứ không lên án tuyệt thông; xót thương hơn là khắt khe; nhận chân rằng thế giới cũng rất nhạy cảm, không chấp nhận sai lầm; loan truyền Phúc Âm với niềm hy vọng hơn là với tâm trạng của «những tiên tri loan báo sự dữ»[4]. Thay vì là “một tranh luận về một khoản này khoản nọ thuộc giáo lý căn bản của Hội Thánh”, Công Đồng được quy hướng về chỗ thực hiện “một bước đi tới tiến về một sự hiểu biết sâu sắc về giáo lý và một sự đào tạo ý thức về sự tương hợp trung thành và hoàn hảo với giáo lý chân chính …”[5]. Ngày 03-6-1963, Đức Gioan qua đời khiến Công Đồng bị treo lại, nhưng rồi lại được Đức Tân giáo hoàng Phaolô VI truyền tiếp tục. Sau bốn kỳ họp, mỗi kỳ kéo dài khoảng hai tháng trong vòng bốn năm, Công Đồng Vatican II đã kết thúc ngày 08-12-1965, với 16 văn kiện với tầm mức uy tín khác nhau (4 Hiến chế, 9 Sắc lệnh, và 3 Tuyên ngôn). Hôm nay nhìn lại, chúng ta thấy đây là một Công Đồng giúp cho Hội Thánh đi vào thời hiện đại, cũng là một Công Đồng cập nhật hóa, hiệp nhất và canh tân, và còn là “một Công Đồng Kinh Thánh[6].

Đức Gioan-Phaolô II đã cho một tổng hợp súc tích về các văn kiện Công Đồng trong Tông Thư Tiến tới thiên niên kỷ thứ ba, số 19, sau đó ngài kết luận: “Với sự phong phú về nội dung và âm điệu mới chưa từng có, các vấn đề được Công Đồng trình bày tạo nên như là sự loan báo về những thời kỳ mới. Các nghị phụ đã nói cái ngôn ngữ của Phúc Âm, cái ngôn ngữ của Bài giảng trên núi và của Tám Mối Phúc thật. Trong sứ điệp của Công Đồng, Thiên Chúa hiện diện trong vương quyền tuyệt đối của Ngài trên mọi sự, nhưng cũng với tư cách là Đấng đảm bảo cho tự do thực sự của các thực tại trần thế” (số 20)[7].

Văn kiện Lời Thiên Chúa là một Hiến chế. Sau đây, chúng ta sẽ tìm hiểu vắn tắt Hiến chế này.

 I.- NGUỒN GỐC CỦA HIẾN CHẾ DEI VERBUM

Kinh Thánh là một bộ sách đã được trân trọng và học hỏi ngay từ thuở đầu trong lịch sử Họâi Thánh. Nhưng trong những năm 1950, với Học Viện Kinh Thánh Giáo Hoàng, việc nghiên cứu Kinh Thánh theo phương pháp phê bình-lịch sử đã gây ra nhiều vấn đề.

Thật ra, vào năm 1943, Đức Piô XII đã ban hành Thông điệp Divino afflante Spiritu để khuyến khích các học giả sử dụng phương pháp khoa học mà nghiên cứu Kinh Thánh. Tuy nhiên, vẫn còn đó một chủ trương chú giải không khoa học, gọi là “thiêng liêng”. Trong khi đó, vẫn có một số yếu tố thúc đẩy việc học hỏi Kinh Thánh, như Phong trào mục vụ Kinh Thánh, canh tân Phụng vụ, việc thành lập các hiệp hội Kinh Thánh Công giáo, và những cuộc tiếp xúc giữa các học giả Công Giáo và Tin Lành.

Trong bối cảnh đó, vào mùa hè năm 1960, một nhóm các thành viên Ủy Ban thần học  đã soạn một Lược đồ tóm lược Hiến chế Về các nguồn Mạc khải (Schema compendiosum Constitutionis de fontibus Revelationis) thành 13 điểm. Bản lược đồ này đã được một Tiểu Ban triển khai, rồi được trình cho Ủy Ban thần học nghiên cứu và được Ủy Ban chuẩn bị trung ương cứu xét, và cuối cùng đã được soạn thảo vĩnh viễn và in ra trong tháng 6-1962. Lúc này, bản văn mang tên là Hiến chế Về các nguồn Mạc khải (Constitutio De fontibus Revelationis).

Công Đồng được khai mạc ngày 11-10-1962, Ủy Ban giáo lý được thiết lập. Trong kỳ họp I (1962), các ý kiến không thuận chiếm đa số (các HY Liénart, Frings, Léger, Koenig, Alfrinck, Ritter và Bea): các Nghị phụ cho rằng lược đồ quá bảo thủ. Ngày 20-11, các Nghị Phụ đã bỏ phiếu và quyết định tiếp tục làm việc trên lược đồ được đề nghị. Tình hình rất căng thẳng. Thế là Đức Gioan XXIII đã thành lập một  Ủy Ban đặc biệt để soạn lại lược đồ : Ủy Ban hỗn hợp, gồm có các thành viên của Ủy Ban giáo lý và của Văn Phòng Hiệp nhất các ki-tô hữu, và ở dưới quyền chủ tọa của HY Ottaviani và HY Bea, cũng là hai chủ tịch của hai Ủy Ban trên đây. Ngày 27-3-1963 , Ủy Ban phối kết (được thiết lập vào ngày 17-12-1962), đã chấp nhận Lược đồ mới (Lược đồ I) với tên gọi chung cuộc : Hiến chế tín lý về Mạc Khải của Thiên Chúa (Constitutio dogmatica “de divina Revelatione”). Lược đồ I này đã không được đưa ra thảo luận trong kỳ họp II, mà chỉ được in ra và gửi cho các Nghị Phụ thôi. Với những nhận xét bằng giấy do các Nghị Phụ gửi đến trong thời gian từ tháng 6-1963 đến tháng 01-1964, một Lược đồ mới được soạn thảo (Lược đồ II). Được Ủy Ban phối kết chấp thuận ngày 26-6-1964, Lược đồ được in ra và gửi cho các Nghị Phụ. Lược đồ đã được thảo luận trong thời từ ngày 30-9 đến 06-10-1964, trong kỳ họp III. Thể theo các nhận xét của các Nghị Phụ, một Tiểu Ban đã tu chỉnh bản văn, rồi đưa ra cho Ủy Ban giáo lý trao đổi vào ngày 20-11-1964, và được phân phối cho các Nghị Phụ vào cuối kỳ họp III (Lược đồ III).

Lược đồ này đã được bàn thảo trong kỳ họp IV của Công Đồng (14-9-1965 đến 08-12- 1965). Ngày 22-9-1965, bản văn được bỏ phiếu. Ủy Ban giáo lý lại làm việc từ 29-9 đến 19-10-1965, và đánh giá là công việc đã kết thúc. Nhưng ngày 18-10-1965, có một bức thư của Đức Phaolô VI giúp vượt qua khó khăn vừa mới xuất hiện tại vấn đề tương quan giữa Kinh Thánh và Thánh Truyền và mời gọi suy nghĩ lại về vấn đề bất ngộ Kinh Thánh và sử tính của các Tin Mừng. Sau những tu chỉnh, ngày 25-10-1965, bản văn in được phát cho các Nghị Phụ (Lược đồ IV), trong đó có nêu ra những modi và phần đánh giá các modi này của Ủy Ban giáo lý. Ngày 29-10 là ngày bỏ phiếu cuối cùng cho các modi. Vào ngày 18-11-1965, bản văn chung kết đã được bỏ phiếu chấp thuận với 2344 phiếu thuận và 6 phiếu chống để trở thành Hiến chế tín lý về Mạc Khải Lời Thiên Chúa (Dei Verbum)[8].

 II.- NHỮNG NÉT CHÍNH CỦA HIẾN CHẾ “LỜI THIÊN CHÚA” 

Hiến chế về Mạc Khải gồm 26 số, được phân ra thành 6 chương:

Ch. I   : Về chính Mạc Khải (số 2-6);

Ch. II  : Việc lưu truyền Mạc Khải (số 7-10);

Ch. III : Ơn linh hứng và việc giải thích Kinh Thánh (số 11-13);

Ch. IV : Cựu Ước (số 14-16);

Ch. V  : Tân Ước (số 17-20);

Ch. VI : Kinh Thánh trong đời sống Hộii Thánh (số 21-26).

       Hiến chế đã diễn tả giáo huấn của mình bắng các lời sau đây: “Nhưng để viết ra các sách thánh, Thiên Chúa đã chọn những con người và dùng họ trong tài năng và sức lực của họ, để khi chính Ngài hành động trong họ và qua họ, họ viết ra như những tác giả đích thật tất cả những gì Chúa muốn, và chỉ những điều đó thôi” (số 11).

       Trong bản văn ngắn ngủi nhưng chính xác này, Hiến chế nêu lên tất cả những yếu tố được thần học coi là chính yếu trong việc soạn thảo các sách thánh:
          -hành động của Thiên Chúa tuyển chọn và dùng họ như là những người trung thành truyền đạt ý muớn cứu độ của Thiên Chúa;
          -các văn sĩ đóng góp khả năng và sức lực vào hành động của Thiên Chúa;
          -các vị ấy là những tác giả đích thật;
          -có tính duy nhất trong hành vi tác thành giữa Thiên Chúa và tác giả thánh;
          -Thiên Chúa hành động “trong” và “qua/nhờ trung gian” các tác giả thánh  để tạo ra một kết quả chung: tất cả và chỉ những gì Ngài muốn được viết ra trong các sách thánh.

   Sau đây là một số điểm đã được làm sáng tỏ[9]:

 1.- Khái niệm “mạc khải”

         Hiến chế không còn chỉ trình bày mạc khải bằng những từ ngữ về các chân lý; trước tiên mạc khải quy chiếu về việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình: “Do lòng nhân lành và khôn ngoan, Thiên Chúa đã muốn mạc khải chính mình và tỏ cho biết mầu nhiệm của ý muốn Ngài; nhờ mầu nhiệm đó, loài người có thể đến cùng Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô, Ngôi Lời nhập thể, trong Chúa Thánh Thần, và được thông phần vào bản tính Thiên Chúa” (số 2).

 2.- Khái niệm “Thánh Truyền” theo nghĩa rộng

        “Như vậy, Giáo Hội qua giáo lý, đời sống và việc phượng tự của mình, bảo tồn và lưu truyền cho mọi thế hệ tất cả thực chất của mình và tất cả những gì mình tin” (số 8). Tính duy nhất của Thánh Truyền và Kinh Thánh cũng được khẳng định: “Vậy Thánh Truyền và Thánh Kinh được nối kết và thông giao với nhau cách chặt chẽ. Thật thế, do cả hai đều phát xuất từ một nguồn mạch thần linh, có thể nói cả hai kết hợp thành một và cùng quy hướng về một mục đích. Quả vậy, Thánh Kinh là Lời Thiên Chúa nói, xét theo tư cách được ghi chép lại dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần” (số 9). Tương quan giữa Thánh Truyền, Kinh Thánh và Mạc Khải cũng được nêu bật: “Thánh Truyền và Thánh Kinh làm thành một kho tàng thánh thiêng duy nhất  lưu trữ Lời Chúa, đã được ký thác cho Giáo Hội” (số 10). 

 3.- Ơn linh hứng và chân lý Kinh Thánh

      “Nhưng để viết ra các sách thánh, Thiên Chúa đã chọn những con người và dùng họ trong tài năng và sức lực của họ, để khi chính Ngài hành động trong họ và qua họ, họ viết ra như những tác giả đích thật tất cả những gì Chúa muốn, và chỉ những điều đó thôi” (số 11).

      Hiêu quả của ơn linh hứng là: Kinh Thánh dạy sự thật, nhưng không phải bất cứ loại sự thật nào (khoa học, lịch sử, địa lý…), mà là sự thật dẫn đến ơn cứu độ: “Phải tuyên xưng rằng Thánh Kinh dạy ta cách chắc chắn, trung thành và không sai lầm, chân lý mà Thiên Chúa đã muốn Thánh Kinh ghi lại nhằm cứu độ chúng ta” (số 11). Nói như thế là đã vượt qua được lãnh vực biện giáo: tính cách không sai lầm/bất ngộ (inerrance) của Kinh Thánh. Mục tiêu này của mạc khải được nhắc đi nhắc lại: “việc cứu độ loài người” (số 6), “cứu độ mọi dân tộc” (số 7), “cứu độ linh hồn” (số 10), “ơn cứu độ chúng ta” (số 12) hoặc cứu độ “toàn thể nhân loại” (số 14), “cứu độ tất cả những ai tin” (số 17). 

 4.- Việc giải thích Kinh Thánh

       Như thế, giải thích Kinh Thánh là tìm xem Thiên Chúa muốn nói gì qua các bản văn thánh: “Để tìm ra chủ ý của các thánh sử, giữa những phương pháp khác, cũng cần phải đến “văn thể”. Vì chân lý được trình bày và diễn tả qua nhiều thể văn khác nhau, như thể văn lịch sử, ngôn sứ, thi phú hoặc những thể văn diễn tả khác. Hơn nữa, nhà chú giải còn có bổn phận tìm hiểu ý nghĩa mà trong những trường hợp rõ rệt, thánh sử đã muốn diễn tả và thật sự đã diễn tả trong hoàn cảnh thời đại và văn hoá của các ngài, qua các lối văn được dùng trong thời đó” (số 12). Khi làm như thế, Công Đồng đã nhìn nhận tính chất có căn cứ của khoa phê bình soạn thảo đối với các Tin Mừng (số 12): phải để ý đến bối cảnh lịch sử và tôn giáo trong đó các bản văn thánh đã hình thành, cũng như truyền thống sống động và phán quyết của Hội Thánh.

       Ngoài ra, khác với Công Đồng Trentô đã ưu tiên cho bản Vulgata (DS 1508; x. 3006), Công Đồng Vatican II dành ưu tiên cho bản văn gốc (số 22).

 5.- Mục vụ Kinh Thánh

       Toàn bộ chương cuối cùng (chương 6) nói về tầm quan trọng của Kinh Thánh trong đời sống Hội Thánh (số 21-25). Nguyên tắc căn bản: “Toàn thể việc giảng dạy trong  Hội Thánh, cũng như chính Kitô giáo, phải được nuôi dưỡng và hướng dẫn bởi Kinh Thánh” (21). Nguyên tắc này hướng dẫn mọi công việc: dịch Kinh Thánh, nghiên cứu chú giải; dạy thần học, đọc Kinh Thánh.

 a) Dịch Kinh Thánh:

“Lối vào vào Thánh Kinh cần phải được rộng mở cho các ki-tô hữu […]. Giáo Hội như một người mẹ ân cần lo liệu sao cho có các bản dịch thích hợp và đúng nghĩa sang các thứ tiếng, nhất là dịch từ nguyên bản các Sách Thánh” (số 22).  Hiến chế cũng khuyến khích cộng tác dịch Kinh Thánh chung với các anh em thuộc các Giáo Hội khác (số 22). 

b) Nghiên cứu Kinh Thánh

          Hiến chế khuyến khích các nhà nghiên cứu thần học và Kinh Thánh kiên trì làm việc: “Các nhà chú giải công giáo và những nhà nghiên cứu thần học phải chuyên hiệp lực, cố gắng dùng những phương thế thích hợp mà khảo sát và trình bày Thánh Kinh, dưới sự trông nom của Huấn Quyền thánh; công việc này phải được thực hiện thế nào để có đa số tối đa những người phục vụ Lời Chúa có thể cung cấp hữu hiệu cho dân Thiên Chúa lương thực Thánh Kinh có sức soi sáng tâm trí, củng cố ý chí và thiêu đốt lòng người yêu mến Thiên Chúa” (số 23).

c) Giảng dạy dựa trên Kinh Thánh

          Hơn nữa, “việc nghiên cứu Thánh Kinh phải là như linh hồn của khoa Thần học. Nhờ chính lời Thánh Kinh này, thừa tác vụ lời Chúa, gồm có việc giảng thuyết của các vị chủ chăn, việc dạy giáo lý và toàn thể giáo huấn Kitô giáo, trong đó bài diễn giảng trong phụng vụ phải chiếm ưu thế, được nuôi dưỡng lành mạnh và tăng cường sinh lực thánh thiện” (số 24).

d) Học hỏi và suy gẫm Kinh Thánh

          Vì “không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô” (thánh Giêrônimô; MK 25), Hiến chế ân cần khuyên nhủ mọi giới trong Hội Thánh, giáo sĩ, linh mục, phó tế, giáo lý viên, tu sĩ và mọi ki-tô hữu, “học được «sự hiểu biết tuyệt vời về Chúa Giêsu Kitô»” (Pl 3,8) nhờ năng đọc Sách Thánh (…), nhờ phụng vụ thánh đầy dẫy Lời Thiên Chúa, hoặc nhờ việc sốt sắng đọc Thánh Kinh hoặc nhờ những lớp học hỏi thích hợp và những phương tiện khác ngày nay đang phổ biến khắp nơi cách đáng mừng, với sự ưng thuận và chăm lo của các vị chủ chăn trong Giáo Hội. Nhưng họ nên nhớ rằng kinh nguyện phải có kèm theo việc đọc Thánh Kinh, để trở thành cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và con người, vì «chúng ta ngỏ lời với Ngài khi cầu nguyện, và chúng ta nghe Ngài nói lúc chúng ta đọc các sấm ngôn thần linh (thánh Ambrôsiô)»” (số 25).

          Sau cùng, Hiến chế nhắc nhở nhiệm vụ của các giám mục là đào tạo cho các tín hữu biết sử dụng Sách Thánh “có kèm theo những lời giải thích cần thiết và đầy đủ, để con cái Giáo Hội có thể gặp gỡ Thánh Kinh cách bảo đảm và ích lợi, cũng như được thấm nhuần tinh thần Thánh Kinh” (số 25).

          “Hơn nữa, cũng nên xuất bản Thánh Kinh với các ghi chú thích hợp, tiện dụng  cho cả những người ngoài Kitô giáo và thích nghi với hoàn cảnh của họ” (số 25).

           Trong dịp tiếp kiến các tham dự viên Hội Nghị Kinh Thánh Quốc tế Rôma vừa rồi, Đức Bênêđíctô XVI đã nhắc lại lịch sử của Hiến chế để nêu bật một điều là nếu không biết nghe Lời Chúa thì cũng không biết loan báo Lời Chúa. Bản Hiến chế này mở đầu bằng một công thức phong phú ý nghĩa: “Dei Verbum religiose audiens et fideliter proclamans, Sacrosancta Synodus …” (“lắng nghe Lời Thiên Chúa trong niềm thành kính và tin tưởng công bố Lời Thiên Chúa”). Công thức mở đầu này (incipit) có thể được coi như chìa khóa giải thích cho cả Hiến chế[10]. Công Đồng nêu lên một phương diện thuộc bản chất Họâi Thánh (“l’être de l’Église”): một cộng đoàn lắng nghe và công bố Lời Chúa. Họâi Thánh không sống tự mình nhưng sống nhờ Tin Mừng, và từ Tin Mừng, Họâi Thánh rút ra chiều hướng cho cuộc hành trình của mình. đây là một nét tiêu biểu mà mọi ki-tô hữu phải chấp nhận và áp dụng cho mình: chỉ những ai chọn lấy vị trí lắng nghe Lời Chúa thì mới có thể trở thành những người loan báo Lời Chúa[11].

 III.- BỐN MƯƠI NĂM SAU HIẾN CHẾ

          Đối với Dân Chúa và đối với lịch sử hình thành Kinh Thánh, 40 năm chỉ là một khoảnh khắc, nhưng là một khoảnh khắc có tính lịch sử quan trọng. Con số này gợi nhớ đến 40 năm Dân Chúa tiến đi trong sa mạc để được Thiên Chúa đào luyện thành Dân riêng của Người và khi vào Đất Hứa, họ là một đoàn dân tự do. Con số này cũng gợi lên cho chúng ta thời gian 40 ngày Đức Giêsu ở trong hoang địa để cầu nguyện và chịu thử thách trước khi công khai thi hành sứ vụ cứu độ. Ngoài ra, 40 ngày cũng là thời gian Chúa Kitô phục sinh khai mở tâm trí các tông đồ, chuẩn bị cho các ngài nhận lấy Thánh Thần trước khi ra đi loan báo Tin Mừng.

          Do đó, thật là ý nghĩa khi chúng ta cùng nhìn lại chặng đường 40 năm sau khi Công đồng Vatican II công bố Hiến chế tín lý về Mạc khải Dei Verbum.
          Nhìn lại thành quả của Dei Verbum trong tương quan với Công đồng Vatican II, chúng ta có thể nói Công đồng Vatican II là “Công đồng của Thánh Kinh”. Đây là nhận định của Đức Cha Onaiyekan, TGM Abuja, Nigeria, tại Hội nghị Kinh Thánh Rôma
[12]. Vấn đề Thánh Kinh đã được trao đổi tại Công đồng Vatican II rất sớm, nhưng lại mãi đến khoá họp thứ tư, trước khi kết thúc Công đồng, mới được bỏ phiếu. Với văn kiện Dei Verbum, Hội Thánh ý thức về ơn gọi và sứ mạng của mình là “lắng nghe Lời Thiên Chúa trong niềm thành kính” và “tin tưởng công bố Lời Thiên Chúa”.

          Sau 40 năm Dei Verbum, quả thật lời nhận định sau đây của Đức Bênêđíctô XVI, dịp tiếp các thành viên tham dự Hội nghị về Kinh Thánh tại Castel Gandolfo, đã ứng nghiệm: “Chỉ người nào biết đặt mình trước hết vào thái độ lắng nghe Lời Thiên Chúa, thì mới có thể loan báo Lời Thiên Chúa; vì người ta không dạy bảo sự khôn ngoan của mình, nhưng là sự khôn ngoan của Thiên Chúa”.  

Thật ra, Kinh Thánh luôn được Hội Thánh tôn kính là “Sách Thánh”; nhưng do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, Kinh Thánh chỉ thực sự là Sách Thánh” đối với một số rất ít trong Dân Chúa. Có thể nói Hiến chế về MK đã mở ra một giai đoạn mới trong tương quan giữa Hội Thánh Công Giáo với Kinh Thánh.

 1.- Kinh Thánh trong lãnh vực trí thức (học tập)

          Biết bao nỗ lực xuất hiện khắp nơi để dịch Kinh Thánh từ nguyên bản híp-ri và hy-lạp ra tiếng bản xứ, hoặc từ tiếng la-tinh, Pháp, Anh, Đức… ra ngôn ngữ bản xứ. Các bản dịch cứ được duyệt lại để càng trung thành với bản gốc vừa có thể dễ dàng đến với mọi tầng lớp Dân Chúa. Tại một số quốc gia, các chuyên viên Công Giáo đã cộng tác với những anh chị em ki-tô hữu khác để soạn những bản dịch đại kết (x. TOB).
          Ngoài ra, chính Vatican II cũng đã khơi dậy điều mà Đức Thánh Cha Lêô XIII tuyên bố trước đây: “Kinh Thánh chính là hồn của thần học”. Trong giảng trình của Khoa Thần học, Kinh Thánh không còn là một môn phụ nữa, mà trở nên môn học cội nguồn của các môn tín lý, luân lý, mục vụ, phụng vụ… Kinh Thánh cũng là môn học mở đường hết sức thuận lợi cho các phong trào đại kết giữa các Giáo Hội của Chúa Kitô: Đông phương và Tây phương, Công giáo – Tin Lành – Chính Thống.

 2.- Mục vụ Kinh Thánh

          Tuy nhiên, Kinh Thánh không phải chỉ là một đề tài để học hỏi, mà còn phải đi vào đời sống nữa.

          Do đó, không thể phủ nhận vị trí chủ yếu của Lời Chúa trong các cử hành Phụng vụ, từ cử hành Bí Tích Thánh Thể đến các cử hành các Bí tích khác. Lời Chúa được cử hành, được tôn vinh, được công bố, được rao giảng, đã trở nên lương thực đích thật nuôi dưỡng Dân Chúa. Công thức “Bàn tiệc Lời Chúa” bên cạnh “Bàn tiệc Thánh Thể” đã trở nên rât thân quen với các tín hữu.

          Nhiều văn kiện nhắn nhủ mọi hạng người trong Hội Thánh: linh mục, giáo sĩ, phó tế, tu sĩ, chủng sinh, giáo lý viên, các nhà truyền giáo và mọi ki-tô hữu phải năng đọc, học hỏi và suy ngẫm Lời Chúa để nhận được ánh sáng và sức mạnh cho đời sống thiêng liêng và hoạt động tông đồ (x. Linh mục: LM 13; 18; Ứng sinh vào chức Lm: ĐT 16; Tu sĩ: DT 6; Giáo dân: TĐ 32). Đức Bênêđíctô XVI nói: Hội Thánh phải không ngừng canh tân và làm cho mình tươi trẻ lại, và Lời Chúa, không bao giờ già đi và cạn kiệt, là một phương tiện ưu tiên giúp đạt mục tiêu đó[13].

          Biết bao tác phẩm giúp đào sâu Lời Chúa xuất hiện, phù hợp cho các trình độ. Các phong trào đọc Lời Chúa, cầu nguyện bằng Lời Chúa, đang nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của biết bao tín hữu trong Họâi Thánh. Đáng tiếc là thường việc giải thích Kinh Thánh quá một chiều, phức tạp hoặc cằn cỗi trên bình diện thiêng liêng, đến nỗi góp phần dựng lên những hàng rào mới quanh Kinh Thánh, ngăn cản các giáo dân chất phác đến với Lời Chúa thay vì giúp đỡ họ. Nhiều bản giải thích nói quá đến các ý hướng của các tác giả Kinh Thánh và các tầng khác nhau của bản văn thay vì nói tới sứ điệp Thiên Chúa  gửi đến cho chúng ta.

Về việc học Kinh Thánh, có những phương pháp khác nhau bàn đến các khái niệm chủ quan thay vì trên một sự hiểu biết khách quan bản văn.
          Cần phải xác tín về giá trị của lectio divina: đọc Kinh Thánh trong tư thế cầu nguyện, cá nhân hay cộng đoàn. Đây là đặt mình trước bản văn với một giải thích đơn giản, giúp nắm lại những ý nghĩa cơ bản và tính thời sự của sứ điệp. Khi đó chúng ta ở trước mặt Đấng đang nói với chúng ta và tìm cách kéo chúng ta vào một cuộc đối thoại đức tin và đức cậy, hoán cải, chuyển cầu, dâng mình… Đây là lectio divina với những bước: (1) lectio, đọc đi đọc lại: (sự ngâm nhấn nhịp, các từ chìa khóa, các nhân vật, các hành động, các đặc tính; ngữ cảnh gần và xa…: Bản văn đang nói gì?); (2) meditatio: suy tư về sứ điệp của bản văn, các giái trị thường hằng nó mang, các đặc điểm của hành động của Thiên Chúa mà nó vén mở cho thấy: bản văn nói gì với chúng ta? (3) Oratio hay Contemplatio: đi vào đối thoại với Đấng đang nói với tôi qua bản văn và qua toàn bộ Kinh Thánh
[14].

Ngành Mục vụ Kinh Thánh phát triển mạnh mẽ trong Hội Thánh nhằm cung cấp các phương tiện học hỏi, suy ngẫm và sống Lời Chúa. Các Bản dịch Kinh Thánh với nhiều trình độ tiếp tục được xuất bản. Các Nhóm chia sẻ Lời Chúa, các lớp học hỏi Kinh Thánh được tổ chức. Các phương tiện tân kỳ của ngành truyền thông được vận dụng để phổ biến Lời Chúa.

Để phối hợp và nâng đỡ công việc mục vụ Kinh Thánh tại mọi châu lục, Liên Hiệp Kinh Thánh Công Giáo (Catholic Biblical Federation) đã được thành lập năm 1969 với mục đích quy tụ các tổ chức Công Giáo phục vụ Lời Chúa. Hiện nay Liên Hiệp có 92 tổ chức là thành viên thực thụ và 219 thành viên liên kết, thuộc 127 nước. Tại Việt Nam, HĐGM là thành viên thực thụ, còn Nhóm Phiên Dịch CGKPV là thành viên liên kết.

Vào năm 1993, để kỷ niệm 50 năm Đức Piô XII ban hành Thông điệp Divino afflante Spiritu, Ủy Ban Giáo Hoàng về Kinh Thánh đã công bố Huấn thị “Việc giải thích Kinh Thánh trong Giáo Hội”. Huấn thị này trước hết trình bày và lượng giá các phương pháp và tiếp cận mới trong khoa chú giải Kinh Thánh. Sau đó Huấn thị nhắc lại những nguyên tắc căn bản của việc giải thích Kinh Thánh trong Giáo Hội, và việc sử dụng Lời Chúa trong Phụng vụ, trong mục vụ và trong đời sống cá nhân.

 Như một nhận định tổng quát kết thúc, có thể nói vào ngày hôm nay, Kinh Thánh đang được đưa vào mọi lãnh vực của đời sống Họâi Thánh qua hai công việc chưa bao giờ hoàn tất[15]:

1) Công việc giảng dạy, hoặc công việc “Hiện tại hóa” Lời Chúa, nói theo Văn kiện Việc giải thích Kinh Thánh trong Giáo Hội[16] (IV.A) có mục tiêu làm cho Kinh Thánh sinh hoa kết quả cho dân chúng sống trong các thời đại khác nhau. Công việc hiện tại hóa lệ thuộc vào chú giải, còn chú giải lại được quy hướng về việc hiện tại hóa.

2) Làm cho sứ điệp Lời Chúa nhập thể vào trong cuộc sống con người, hay là “Hội nhập văn hóa” (IV.B) có mục tiêu làm cho Kinh Thánh sinh hoa kết quả cho dân chúng sống tại nhiều nơi khác nhau. Công việc này được thực hiện qua việc dịch Kinh Thánh ra ngôn ngữ địa phương; giải thích sứ điệp Kitô giáo trong quan hệ với các cách cảm nhận, suy nghĩ, sống và diễn tả riêng của nền văn hóa địa phương; tạo ra một nền văn hóa Kitô giáo địa phương bao trùm mọi phương diện của đời sống.

3.- Tại Việt Nam

          Hiệu quả rõ nhất của Hiến chế Dei Verbum về mặt hội nhập văn hóa tại Việt-Nam, là thúc đẩy việc thực hiện các Bản dịch tiếng Việt. Thật ra, ngay trước khi có Hiến chế về Mạc Khải này, đã có những Bản dịch: toàn bộ Kinh Thánh của Cố Chính Linh vào năm 1913, Bản phỏng dịch của linh mục Gérard Gagnon, CSsR, vào năm 1963, hoặc Bản dịch một vài phần trong Bộ Kinh Thánh của ông Mai Lâm Đoàn Văn Thăng, của linh mục An Sơn Vị, linh mục Trần Văn Kiệm; đó là chưa kể đến Bản dịch của anh em Tin Lành.

          Rồi trong vòng 40 năm nay, có bốn Bản dịch toàn bộ Kinh Thánh: của linh mục Đaminh Trần Đức Huân, dịch từ bản La-tinh, xuất bản năm 1970; Bản dịch của linh mục Giuse Nguyễn Thế Thuấn, CSsR, dịch từ nguyên bản híp-ri, a-ram và hy-lạp, xuất bản năm 1976; Bản dịch của Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn, xuất bản năm 1985; Bản d?ch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, xuất bản vào năm 1999. Nỗ lực của Nhóm Phiên Dịch này rất đáng trân trọng . Nhóm đã hình thành vào năm 1971, và đã kiên trì làm việc trong lãnh vực phiên dịch và chú thích toàn bộ Kinh Thánh. Cho đến nay, Nhóm đã xuất bản được 200.000 quyển Kinh Thánh trọn bộ và 1.285.000 quyển Tân Ước.

KẾT LUẬN

          Dù nhìn rất sơ lược, chúng ta thấy Hiến chế MK đã mở đầu một giai đoạn mới cho vai trò của Kinh Thánh trong đời sống Họâi Thánh, và ước nguyện của Hiến chế là “kho tàng mạc khải, đã được uỷ thác cho Giáo Hội, ngày càng lấp đầy tâm hồn con người” (số 26) đang dần dần trở nên hiện thực. Hiện nay, cuốn sách Lời Chúa thường được đặt trang trọng trên cung thánh tại hầu hết các Nhà thờ, Nhà nguyện, để làm nổi bật giá trị của Lời Chúa bên cạnh Nhà Tạm lưu giữ Mình Thánh Chúa. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng nhận định của Hội Đồng Giám Mục Việt-Nam trong Thư Mục Vụ 2005 là chính xác: “Nhìn chung, Ki-tô hữu Việt Nam còn chưa chú trọng đến việc đọc Thánh Kinh. Có thể nói, chúng ta rất siêng năng đọc kinh, nhưng còn chưa chú trọng đến việc đọc và suy niệm Lời Chúa. Thánh Kinh chưa có chỗ xứng đáng trong các sinh hoạt đạo đức, nhất là trong đời sống gia đình” (số 8).

Do đó, thao thức của các vị Chủ chăn cần được chúng ta trân trọng: “Việc suy gẫm Lời Chúa ngày càng trở nên quan trọng và cấp bách, nhất là trong một xã hội đang biến chuyển sâu rộng về mọi phương diện, bởi lẽ Lời Chúa chỉ ra những định hướng và nền tảng cho đời sống luân lý đạo đức. Ước gì Thánh Kinh, nhất là những trang liên hệ đến đời sống mới trong Đức Kitô, từ Bài Giảng Trên Núi cho đến những lời khuyến thiện trong các Thư các thánh Tông đồ, từ các sách Khôn Ngoan trong Cựu Ước cho đến những lời cảnh tỉnh trong sách Khải Huyền, thực sự trở thành sức mạnh nâng đỡ và ánh sáng soi đường cho chúng ta” (số 8).

Câu hỏi để trao đổi hoặc chia sẻ:

          1) Hiến chế Dei Verbum đã giúp gì cho anh trong thời gian qua?

          2) Khi vận dụng Kinh Thánh vào hoạt động mục vụ, anh gặp được những nâng được hay những khó khăn (do thiếu Bản dịch tốt, do thiếu phần giải thích tốt…)?

 

 

Nguồn: Hội Đồng Giám Mục VN

             Ủy ban Kinh Thánh

_____________________________________

Các sách và bài tham khảo

Thánh Công Đồng Chung Vaticanô II (Bd GHHV Piô X; Đàlạt 1972).

Betty, P.U., “Storia della Costituzione dogmatica “Dei Verbum”, trong La Costituzione dogmatica sulla divina Rivelazione, Torino, Leumann.

Dupuy, B.-D. (éd.), La Reùveùlation divine I, “Unam Sanctam”, 70a, Cerf, Paris 1968.

Đức Bênêđíctô xvi, Bài nói chuyện với các tham dự viên Hội Nghị Kinh Thánh Quốc tế Rôma (14/9- 18/9/2005) với chủ đề “Kinh Thánh trong đời sống của Hội Thánh”.

Ettl, C., “La redécouverte de la Parole de Dieu – Le Concile Vatican II et la Constitution Dei Verbum”, Dei Verbum 72/73 (2004).

Gioan-Phaolô II, Tông Thư Tiến tới thiên niên kỷ thứ ba, ngày 10-11-1994.

Kasper, W., “Dei Verbum audiens et proclamans” – “Écouter la parole de Dieu avec vénération et la proclamer avec assurance”. La Constitution sur la Révélation divine “Dei Verbum”, I. (FBC) tại Hội Nghị Kinh Thánh Quốc tế Rôma.

Martini, C.M., “La place centrale de la Parole de Dieu dans la vie de l’Église – L’animation biblique de toute la pastorale” (FBC) tại Hội Nghị Kinh Thánh Quốc tế Rôma.

Onaiyekan, J., “De Dei Verbum à Novo Millenio Ineunte – Le processus de réception de Dei Verbum dans le contexte du changement de paradigme” (FBC) tại Hội Nghị Kinh Thánh Quốc tế Rôma.

Phan, Peter C., “Reception of Vatican II in Asia: Historical and Theological Analysis”, Gregorianum 83 (2002).

Tábet, M., Teologia della Bibbia - Studi di ispirazione ed ermeneutica biblica, Armando, Roma 1998.

Trần Phúc Nhân, “Kỷ niệm 40 năm Công Đồng Vaticanô II Công Bố Hiến Chế về Mặc Khải của Thiên Chúa”, VietCatholic News (30/7/2005).

Ủy Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng, Việc giải thích Kinh Thánh trong Giáo Hội (nguyên bản tiếng Pháp: L’interprétation de la Bible dans l’Église), 15-4-1993.

Ủy Ban Giám Mục về Văn hóa, Bốn mươi năm sau Vatican hai nhìn lại , tài liệu hội thảo của (Mùa Vọng 2002).

Võ Đức Minh, Giuse, “Hiến chế «Dei Verbum», 20 năm nhìn lại”, trong Lời Chúa trong đời sống Họâi Thánh, Tài liệu Thường Huấn Linh Mục Giáo Phận Đàlạt 2005.

Williamson, P.S., Catholic Principles for Interpreting Scripture – A Study of the Pontifical Biblical Commission’s The Interpretation of the Bible in the Church, PIB, Roma 2001.

 



[1] Peter C. Phan, “Reception of Vatican II in Asia: Historical and Theological Analysis”, Gregorianum 83 (2002) 269. Bài này có những ghi chú về sách tham khảo phong phú.

[2] . Ettl, “La redécouverte de la Parole de Dieu – Le Concile Vatican II et la Constitution Dei Verbum”, Dei Verbum 72/73 (2004) 4.

[3] Xem Gioan-Phaolô II, Tông Thư Tiến tới thiên niên kỷ thứ ba, ngày 10-11-1994, số 18.

[4] Thánh Công Đồng Chung Vaticanô II (Bd GHHV Piô X), Nhập đề tổng quát, 31-32.

[5] Diễn văn khai mạc Công Đồng Vatican II của Đức giáo hoàng Gioan XXIII. 

[6] Bài thuyết trình của Đức TGM John Onaiyekan, “De Dei Verbum à Novo Millenio Ineunte – Le processus de réception de Dei Verbum dans le contexte du changement de paradigme” (CBF) tại Hội Nghị Kinh Thánh Quốc tế Rôma (14/9-18/9/2005), do Hội Đồng Giáo hoàng cổ vũ sự Hiệp nhất Ki-tô hữu và UBKTGH tổ chức, nhằm đánh dấu 40 năm Dei Verbum, tr. 2.

[7] Trong quyển Bốn mươi năm sau Vatican hai nhìn lại, tài liệu hội thảo của Ủy Ban Giám Mục về Văn hóa (Mùa Vọng 2002), Đức Hồng Y G.B. Phạm Minh Mẫn (khi ấy chưa lên chức Hồng Y)  cũng đã nhắc lại nội dung của các văn kiện Công Đồng Vatican II nhưng nhắc lại trong chiều hướng “đối chất, tra vấn và soi sáng cho mình nhìn lại căn tính, ơn gọi và sứ vụ của mình, nhìn lại mình…” (xem tr. 34-36).

[8] Xem thêm Bài thuyết trình của Đức HY Carlo M. Martini, “La place centrale de la Parole de Dieu dans la vie de l’Église – L’animation biblique de toute la pastorale” (FBC) tại Hội Nghị Kinh Thánh Quốc tế Rôma (14/9-18/9/2005).

[9] C.M. Martini, “La place centrale”, 3tt.

[10] Bài thuyết trình của Đức HY W. Kasper, “Dei Verbum audiens et proclamans” – “Écouter la parole de Dieu avec vénération et la proclamer avec assurance”. La Constitution sur la Révélation divine “Dei Verbum”, I. (FBC) tại Hội Nghị Kinh Thánh Quốc tế Rôma (14/9-18/9/2005).

[11] Đức Bênêđíctô xvi nói với các tham dự viên Hội Nghị Kinh Thánh Quốc tế Rôma (14/9-18/9/2005) với chủ đề “Kinh Thánh trong đời sống của Hội Thánh”.

[12] J. Onaiyekan, “De Dei Verbum”.

[13] Đức Bênêđíctô xvi nói với các tham dự viên Hội Nghị Kinh Thánh  Quốc tế Rôma.

[14] Xem Bài thuyết trình của Đức HY C.M. Martini.

[15] P.S. Williamson, Catholic Principles for Interpreting Scripture – A Study of the Pontifical Biblical Commission’s The Interpretation of the Bible in the Church (PIB; Roma 2001) 288-311.

[16] Văn kiện của Ủy Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng, Việc giải thích Kinh Thánh trong Giáo Hội (nguyên bản tiếng Pháp: L’interprétation de la Bible dans l’Église, 15-4-1993). Các số để trong ngoặc đơn quy chiếu về Văn kiện này.