SÁU TỪ ĐỂ HIỂU HIẾN CHẾ DEI VERBUM

(xuanbichvietnam.net) Tháng Tư 16th, 2013.

Hiến chế tín lý “Dei Verbum” (Lời Thiên Chúa) về Mạc Khải thánh đã được Công Đồng chuẩn nhận vào tháng 11 năm 1965. Hiến chế nói rõ và tái xác định những khái niệm thiết yếu để hiểu, giải thích và công bố Lời của Thiên Chúa.

Mạc Khải

Ngay ở lời mở đầu Hiến chế, Công Đồng đã “muốn trình bày giáo lý chân thực về mạc khải của Thiên Chúa và lưu truyền mạc khải ấy, để khi nghe công bố ơn cứu độ, toàn thể nhân loại tin theo, để nhờ tin mà hy vọng, và nhờ hy vọng mà yêu mến”.

Thiên Chúa đã chọn cách “mạc khải chính mình”, tự tỏ mình ra trong con người lịch sử và ngỏ lời với loài người “như với bạn hữu”. Mạc khải, là toàn bộ những hành động và lời nói liên kết mật thiết với nhau, mang lại ý nghĩa cho ý định của Thiên Chúa đối với nhân loại: ơn cứu độ cho hết thảy mọi dân. Mạc khải diễn tả chân lý về Thiên Chúa và về ơn cứu độ con người.

Trải suốt nhiều thế kỷ, Thiên Chúa đã chuẩn bị cho dân để họ nhận biết Ngài và để họ trông đợi Đấng Cứu Thế được hưá ban.

Sau khi đã nói qua các ngôn sứ, Ngài đã nói qua Người Con, Ngôi Lời vĩnh cưủ làm người. Chúa Kitô là Đấng Trung Gian và là sự trọn vẹn của Mạc Khải. Không còn phải chờ đợi một mạc khải công cộng mới nào nưã trước khi Chúa lại đến trong vinh quang. Sứ điệp của ơn cứu độ được lưu truyền qua các tông đồ và các giám mục kế vị các ngài.

Thánh Kinh

Thánh Kinh là Lời Thiên Chúa được ghi chép lại dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần. Giáo Hội xác nhận rằng toàn bộ sách Cựu Ước cũng như Tân Ước đều là “Sách Thánh và được ghi vào bản chính lục Thánh Kinh”: bởi lẽ được viết ra dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần nên tác giả của các sách ấy là chính Thiên Chúa. Những người được Thiên Chúa chọn để soạn các Sách Thánh này đều viết ra mọi sự hợp theo ý muốn của Thiên Chúa và chỉ viết những điều đó thôi.

Do đó, Dei Verbum khẳng định rằng “Thánh Kinh dạy cách chắc chắn, trung thành và không sai lầm, chân lý mà Thiên Chúa đã muốn Thánh Kinh ghi lại vì phần rỗi chúng ta”.

Thánh Truyền

Để Tin Mừng được gìn giữ “toàn vẹn và sống động trong Giáo Hội”, các Tông Đồ đã để lại những người kế vị là các giám mục và trao lại cho họ quyền giáo huấn của các ngài. Thánh Truyền được nhận từ các Tông Đồ bao gồm tất cả những gì góp phần vào việc “giúp Dân Thiên Chúa sống thánh thiện và tăng trưởng đức tin; như thế, Giáo Hội, qua giáo lý, đời sống và việc thờ phượng của mình, bảo tồn và lưu truyền cho mọi thế hệ tất cả thực chất của mình và tất cả những gì mình tin”.

Dei Verbum nêu rõ, Thánh Truyền không đứng im. Suốt dòng lịch sử, Thánh Truyền “tiến triển trong Giáo Hội dưới sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần; các thực tại và lời nói truyền lại được hiểu biết thấu đáo hơn, nhờ sự chiêm ngắm và học hỏi của các tín hữu, những người đã ghi nhận các điều đó trong lòng, nhờ sự thông hiểu những thực tại thiêng liêng họ cảm nghiệm được, hoặc nhờ việc giảng dạy của những người lãnh nhận một đoàn sủng chắc chắn về chân lý do việc kế vị trong chức giám mục. Như thế, qua bao thế kỷ Giáo Hội luôn hướng tới sự viên mãn của chân lý Thiên Chúa, cho đến khi lời Chúa được hoàn tất nơi chính Giáo Hội”.

Trong Giáo Hội, Thánh Truyền làm cho Thánh Kinh được hiểu cách thấu đáo hơn và chính Thánh Truyền làm cho Giáo Hội biết được toàn bộ chính lục Thánh Kinh.

Tương quan giưã Thánh Truyền và Thánh Kinh

Đây là một trong những điểm chính yếu của bản văn. Dei Verbum tái xác định mối tương quan giưã Thánh Truyền và Thánh Kinh trước một truyền thống thần học hậu Công Đồng Trentô bàn về hai nguồn của Mạc khải. Dei Verbum dạy: “Thánh Truyền và Thánh Kinh, phát xuất từ cùng một nguồn mạch là Thiên Chúa, phải hợp nên một và cùng hướng về một mục đích”. Chúng liên kết và phối hiệp mật thiết với nhau. Thánh Truyền và Thánh Kinh họp thành một “kho tàng thánh thiện duy nhất chưá đựng Lời Thiên Chúa và được ủy thác cho Giáo Hội”.

Thánh Truyền “chưá đựng” Lời Chúa và lưu truyền toàn vẹn cho những người kế vị các tông đồ để “nhờ Thần Chân Lý soi sáng, họ trung thành gìn giữ, trình bày và phổ biến qua lời rao giảng”. Bản văn còn nói thêm, “Giáo Hội không chỉ nhờ Thánh Kinh mà biết cách xác thực những điều mạc khải”. Một vài giáo thuyết (ví dụ như Đức Maria hồn xác về trời) không có nền tảng Thánh Kinh rõ ràng, chúng thuộc về Thánh Truyền.

Giải thích Thánh Kinh

“Nhiệm vụ chú giải đích thực Lời Chúa đã được viết ra hay lưu truyền chỉ được ủy thác cho Quyền Giáo Huấn sống động của Giáo Hội và Giáo Hội thi hành quyền đó nhân danh Chúa Giêsu Kitô”. Khẳng định này kèm theo một xác quyết quan trọng: Quyền Giáo Huấn không vượt trên Lời Chúa nhưng để phục vụ Lời Chúa. Chính Quyền Giáo Huấn phải vâng nghe Lời Chúa để Lời Chúa tiếp tục nói với con người ngày nay.

Lại nưã, đây là một hướng khá mới mẻ, Quyền Giáo Huấn không có ơn gọi ban bố, theo cách tín điều, những quy phạm mà không tham chiếu Lời Chúa và Thánh Truyền. Thánh Truyền, Thánh Kinh và Quyền Giaó Huấn “liên kết với nhau”, không thực thể nào trong ba có thể đứng vững một mình và cả ba cùng “góp phần vào việc cứu rỗi các linh hồn”.

Liên hệ đến việc giải thích Thánh Kinh, bản văn nhận thấy tính hữu ích và giá trị của chú giải mang tình khoa học, đặc biệt là khoa phê bình lịch sử, nhưng đồng thời cũng thúc đẩy các nhà chú giải cân nhắc ý nghĩa sâu xa của Thánh Kinh trong toàn thể, trong mối liên hệ với Thánh Truyền sống động của Giáo Hội và để giúp Giáo Hội đúng đắn hơn trong nhận định.

Lịch sử tính của các sách Tin Mừng

Các sách Cựu Ước “tuy có nhiều khiếm khuyết và tạm bợ” nhưng các sách ấy minh chứng khoa sư phạm đích thực của Thiên Chúa và luôn luôn được xem như là “Lời nói chân thật của Thiên Chúa”. Chúng vẫn được sử dụng trọn vẹn trong sứ điệp Tin Mừng, đạt được đầy đủ ý nghĩa trong Tân Ước. Vì thế mà có sự duy nhất giữa Cựu Ước và Tân Ước.

Nhưng trong tất cả các sách Thánh, “các sách Tin Mừng xứng đáng chiếm địa vị ưu đẳng trong tư cách là chứng tích tuyệt hảo về đời sống và giáo lý của Ngôi Lời nhập thể”.

Giáo Hội vẫn tiếp tục khẳng định lịch sử tính của bốn Tin Mừng cũng như mạnh mẽ và liên lỉ xác nhận bốn sách Tin Mừng đã trung thành ghi lại những gì Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, khi sống giưã loài người, thực sự đã làm và đã dạy vì phần rỗi đời đời của họ cho tới ngày Người lên trời”.

Trích: Dei Verbum số 25

“Việc cầu nguyện phải đi đôi với việc đọc Thánh Kinh”.

Tất cả các giáo sĩ, trước hết là các linh mục của Chúa Kitô và những người có bổn phận phục vụ lời Chúa, như các phó tế và những người dạy giáo lý, phải gắn bó với Thánh Kinh nhờ việc chăm đọc và ân cần học hỏi, để khi họ phải truyền đạt kho tàng bao la của lời Chúa, nhất là trong phụng vụ thánh, cho các giáo hữu được ủy thác cho họ, không ai trong họ sẽ trở thành “kẻ huênh hoang rao giảng lời Thiên Chúa ngoài môi miệng bởi không lắng nghe lời Thiên Chúa trong lòng”. Thánh Công Ðồng cũng tha thiết và đặc biệt khuyến khích mọi Kitô hữu, cách riêng các tu sĩ hay năng đọc Thánh Kinh để học biết “khoa học siêu việt của Chúa Giêsu Kitô” (Ph 3,8). “Vì không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô”. Vậy ước gì họ hăng hái tiếp xúc với chính bản văn Thánh Kinh, nhờ Phụng Vụ Thánh dồi dào lời Thiên Chúa, hoặc nhờ sốt sắng đọc Thánh Kinh hay nhờ những tổ chức học hỏi thích hợp, hoặc bất cứ phương thế nào mà ngày nay đã được các Chủ Chăn trong Giáo Hội chấp thuận và ân cần phổ biến khắp nơi. Nhưng mọi người cũng nên nhớ rằng kinh nguyện phải đi đôi với việc đọc Thánh Kinh, để có sự đối thoại giữa Thiên Chúa và con người, vì “chúng ta ngỏ lời với Ngài khi cầu nguyện, và chúng ta nghe Ngài nói lúc chúng ta đọc các sâm ngôn thần linh”.

Béatrice Bazil, nhật báo La Croix

Trần Ngọc Thao chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội