Hiến chế tín lý “Lumen gentium” (Ánh sáng muôn dân) muốn thoát khỏi quan niệm
pháp lý và xã hội học về Giáo Hội.
Giáo Hội, Thân Thể của Đức Kitô và sự hiệp thông
Chương đầu tiên của Hiến chế Lumen gentium có tựa đề “Mầu Nhiệm Giáo Hội”, cần
phải hiểu theo nghĩa mà Thánh Phaolô hiểu, đó là “ý định” của Thiên Chúa.
Nhưng, nói một cách chính xác, bản văn muốn thoát khỏi quan niệm pháp lý và xã
hội học về Giáo Hội. Vì lẽ đó, bản văn đưa ra những hình ảnh ẩn dụ rất phong
phú về Giáo Hội, và điều quan trọng là gìn giữ tính đa dạng này.
Trong số những ẩn dụ này, Hiến chế ưu tiên nói đến hình ảnh Thân
Thể Đức Kitô và ý niệm hiệp thông. Có lẽ vì Thánh Phaolô đã khai thác những
hình ảnh ẩn dụ này để chỉ cùng lúc sự hiệp nhất của các chi thể với nhau trong
đức ái và sự hiệp nhất của các chi thể với Đức Kitô, Đấng nuôi dưỡng các chi
thể bằng thân thể của Ngài: “Trong Ngài, tất cả tạo thành một thân thể duy nhất”.
Nói về sự hiệp thông cũng cho phép xét đến tính đa dạng của các đặc
sủng. Cuối cùng, ý niệm này được sử dụng trong viễn ảnh mở: Sự hiệp thông tròn
đầy và toàn vẹn là lý tưởng, điều này cho phép tránh việc thiết lập lối phân
chia minh bạch giữa những người ở trong Giáo Hội và những người không ở trong:
có những cấp độ hiệp thông khác nhau. Điều này cũng có giá trị đối với những
Kitô hữu không công giáo và những người không phải là Kitô hữu.
Dân Thiên Chúa
Đó là một thành ngữ của Kinh Thánh: Dân mới của Thiên Chúa có nguồn
gốc sâu xa trong Cựu Ước. Thành ngữ này tương phản với lối nhìn Giáo Hội như
một xã hội hoàn hảo. Vì theo định nghĩa, Dân Thiên Chúa đang lữ hành, đang du
mục, đang tiến đến đồng cỏ xanh tươi và không hoàn hảo. Dân Thiên Chúa bao gồm
cả những tội nhân. Toàn bộ chiều kích lịch sử của Giáo Hội cần được xét đến như
thế.
Ý niệm Dân Thiên Chúa đã được giải thích quá mức trong những năm
sau Công Đồng, do tính chất đa nghĩa của từ “dân” như “bình dân”, có nghĩa
không phải là người ưu tú. Chính điều này đã tạo nên thần học về các cộng đoàn
thấp kém trong những năm 1970 ở châu Mỹ La Tinh.
Ở Đức, ý niệm này nằm trực tiếp trong khẩu hiệu “chúng tôi là Giáo
Hội”, khẩu hiệu này so sánh Giáo Hội dưới thấp với Giáo Hội trên cao là phẩm
trật. Để chống lại quan niệm chỉ mang tính xã hội học mà Thượng Hội Đồng Giám
Mục thế giới năm 1985 đã được tổ chức để một lần nữa nhấn mạnh Giáo Hội như một
cộng đoàn hiệp thông.
Tính Cộng Đoàn (collégialité)
Tính cộng đoàn là một hạn từ đã tồn tại trước Công Đồng Vaticanô
II, và hạn từ này cũng có nghĩa là đồng chịu trách nhiệm nảy sinh từ sự thuộc
về một nhóm. Nhưng trên bình diện Giáo Hội, hạn từ này đặt ra vấn đề về mối
tương quan giữa Đức Giáo Hoàng và thẩm quyền mang tính cộng đoàn của các Giám
mục. Công Đồng Vaticanô I đã xác định ơn bất khả ngộ của Đức Giáo Hoàng. Vì thế
cần phải xem xét làm cách nào để chắp khớp ơn bất khả ngộ này với vai trò của
Giám mục đoàn cùng chịu trách nhiệm (Giám mục là đại diện và đặc sứ của Đức
Kitô trong giáo phận của mình). Là hoa trái của những thỏa thuận vất vả, Hiến
chế Lumen gentium phản bác việc đối kháng hai thẩm quyền
này: Đức Giáo Hoàng thuộc về Giám mục đoàn, ngài là đầu mà không có đầu thì
Giám mục đoàn có lẽ sẽ không tồn tại.
Cùng lúc,về nền móng của quyền bính mang tính cộng đoàn các Giám
mục không giống với Đức Giáo Hoàng nhưng giống với Ngài về chức tư tế mà các
Giám mục lãnh nhận qua Bí Tích Truyền Chức. Vì thế rõ ràng có một quyền bính
mang tính cộng đoàn khác biệt với quyền của Giáo Hoàng Rôma. Cuối cùng, một ghi
chú được thêm vào dưới sức ép của nhóm thiểu số, đưa đến lời giải thích
rõ ràng như sau: chính Đức Giáo Hoàng, khi trao trách vụ cho các Giám mục, thì
trao quyền cho các ngài để thi hành quyền bính bằng sự thánh hiến. Trên bình
diện lý thuyết, điều đó không thay đổi gì cả, nhưng ghi chú này đã làm lu mờ sứ
điệp về tính cộng đoàn.
Giáo dân
Hiến chế Lumen gentium khai triển một cách tỉ mỉ một nền thần
học về giáo dân trong sự logic với Dân Thiên Chúa, mà ở đó mỗi tín hữu đã lãnh
nhận Bí Tích Thánh Tẩy được mời gọi tham dự vào Vương Quốc đang đến. Đây là lần
đầu tiên, người giáo dân không chỉ được định nghĩa một cách duy nhất không phải
là (linh mục lẫn không phải là tu sĩ), nhưng bằng một cách thế tích cực: “Các Kitô hữu được nhập
hiệp vào thân thể Đức Kitô nhờ Bí Tích Thánh Tẩy, làm thành Dân Thiên Chúa và
được tham dự vào những chức năng tư tế, ngôn sứ và vương đế của Đức Kitô theo
cách thức của mình, đồng thời góp phần thực hiện sứ mệnh của toàn dân Kitô hữu
trong Giáo Hội và giữa thế giới”.
Bậc sống giáo dân có sứ vụ riêng mà phần tiếp theo của bản văn khai
triển: “làm
cho Giáo Hội hiện diện một cách hiện tại trong những nơi này và những hướng
nhắm này mà ở đó chỉ có các Kitô hữu mới có thể làm cho Giáo Hội trở thành muối
cho đời”. Nền thần học vẫn còn rất cổ điển và nhắc lại một cách
quyết đoán cho những người đã lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy bổn phận phải vâng
phục phẩm trật. Người giáo dân là chứng nhân của sự Phục Sinh trong một thế
giới mà họ thuộc về để “thánh hóa” các hoạt động, nhưng không đưa Giáo Hội vào
trong những lựa chọn trần thế của họ (ví dụ như dấn thân vào chính trị).
Lời kêu gọi nên thánh mang tính phổ quát
Có lẽ người ta đã đánh giá thấp ý niệm này vì ý niệm đã không gây
nên cuộc tranh luận nào vào thời bấy giờ. Tuy nhiên, lời mời gọi nên thánh lúc
đầu thuộc về đời sống tu trì, sau đã trở nên phổ quát. Đây là lần đầu tiên, một
Công đồng thừa nhận cùng lúc sự thánh thiện là trung tâm và cùng đích của Giáo
Hội và của cuộc sống con người.
Lời mời gọi nên thánh được diễn tả bằng nhiều phương cách khác nhau
theo những đặc sủng và vì thế đưa ra một khung sườn về mặt tâm linh cho mọi
Kitô hữu. Qủa vậy, đời sống tu trì là một trong những con đường nên thánh,
nhưng không phải chỉ có con đường đó: mọi Kitô hữu được mời gọi nên thánh trong
đời sống thường nhật, trong những trách vụ khác nhau mà họ nắm giữ.
Hiến chế cũng nhấn mạnh đến mọi bậc sống và phác họa nên một cách
đầy mới mẻ sự thánh thiện trong đời sống vợ chồng “phải suốt đời nâng đỡ nhau trong một tình
yêu chung thủy, và giúp cho những người con mà họ đã yêu thương đón nhận từ
Thiên Chúa, được thấm nhuần giáo lý Kitô giáo và các nhân đức của Tin Mừng”.
Đây là một nên linh đạo hôn nhân gia đình mà trước đây Giáo Hội chỉ nói về luân
lý hôn nhân gia đình…
Đức Maria Đấng Trung Gian
Lòng sùng kính Đức Maria đã bay cao trong thế kỷ XIX, với các cuộc
hiện ra tại Lộ Đức, Fatima, và các tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội vào năm
1854 và Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời và năm 1950. Một số Nghị Phụ công đồng mong ước
một định nghĩa mới về Đức Maria là “Đồng Công Cứu Chuộc” (chuộc lại các tội
nhân cùng một tước hiệu với Đức Kitô). Nhưng cuối cùng, phần đông các Nghị Phụ
đồng ý để sáp nhập chương về Đức Maria vào trong Hiến chế để xếp đặt lại Hiến
chế vào một trong nền thần học rộng lớn hơn về Giáo Hội.
Vì thế, hạn từ đồng công cứu chuộc bị loại bỏ, nhưng nỗi băn khoăn
hòa hợp tất cả mọi người có thể thấy được trong việc liệt kê “Đức Maria Đấng
Trung Gian”, ngay lập tức theo sau bằng lời giải thích rõ ràng: “Điều đó không thêm gì
lẫn không xúc phạm gì đến phẩm vị của Đức Kitô Đấng Trung Gian duy nhất”.
Đức Maria được định nghĩa cùng lúc trong tương quan với Giáo Hội và trong tương
quan với Thiên Chúa: trong Giáo Hội, Đức Maria chiếm giữ một vị trí riêng biệt,
là người đầu tiên trong số những người được cứu độ và là Thân Mẫu Của Đức Kitô
Đầu của Giáo Hội. Nhưng Đức Maria vẫn lệ thuộc hoàn toàn vào sự trung gian duy
nhất của Đức Kitô.
ISABELLE DE GAULMYN, nhật báo La Croix
Giuse Nguyễn Xuân Phong chuyển ngữ