Bài Giảng ca Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong Thánh L Khai Mc Thượng Hi Đồng Giám Mc

 v Bí tích Thánh Th ti Đền Th Thánh Phêrô,
ngày 2 tháng 10 năm 2005

“Lạy Chúa, xin giúp chúng con hối cải!”

Những bài đọc trong Chúa Nhật này trích từ Sách Tiên tri I-sai-a và Tin Mừng, trình bày cho chúng ta một trong những hình ảnh thuần mĩ nhất của Kinh Thánh: hình ảnh vườn nho.

Trong Kinh Thánh, bánh biểu thị tất cả những gì mà con người cần cho cuộc sống hằng ngày của mình. Nước làm cho đất phì nhiêu: Nó là quà tạêng căn bản làm cho sự sống khả hữu. Trái lại, rượu diễn tả sự tuyệt hảo của công trình tạo dựng, nó cho chúng ta có lễ tiệc vượt ra ngoài những giới hạn của đời sống hằng ngày: Rượu “làm hoan hỉ lòng người.”

Như vậy, rượu và cùng với nó là trái nho đã trở thành hình tượng của quà tặng tình yêu, trong đó, chúng ta có thể nếm hưởng một chút nào đó về sự thần thiêng. Do đó bài đọc sách tiên tri mà chúng ta vừa nghe, bắt đầu bằng một thánh ca về tình yêu: Thiên Chúa tạo dựng một vườn nho, là hình ảnh về lịch sử tình yêu của Người đối với nhân loại, về tình yêu của Người với Israel được chọn.

Tư tưởng thứ nhất trong bài đọc hôm nay là: Thiên Chúa đã thổi hơi vào con người, họ được tạo dựng theo hình ảnh của Người, có khả năng yêu, và do đó, có khả năng yêu mến Người như là Đấng Tạo Hóa của nó. Với bài thánh ca về tình yêu của tiên tri I-sai-a, Thiên Chúa muốn nói với tâm hồn của dân Người, cũng như với mỗi người chúng ta.

Người nói với chúng ta: “ Cha đã tạo dựng con theo hình ảnh của Cha và giống Cha. Chính Cha là tình yêu và con là hình ảnh của Cha theo mức độ mà sự huy hoàng của tình yêu tỏa sáng nơi con, theo mức độ mà con đáp lại Cha bằng tình yêu.”

Thiên Chúa chờ đợi chúng ta. Người muốn chúng ta yêu mến Người: một tiếùng gọi như thế lại không đánh động tâm hồn chúng ta sao? Chính trong giờ phút này, khi chúng ta cử hành Bí Tích Thánh Thể, khi chúng ta khai mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục về Bí Tích Thánh Thể, Người đến gặp gỡ chúng ta, Người đến gặp tôi. Người có tìm được lời đáp trả không? Hay chúng ta cũng lại giống như vườn nho mà Chúa nói trong bài đọc tiên tri I-sai-a: “ Người mong nó sinh trái tốt nhưng nó lại sinh nho dại.” Có phải đời sống chúng ta lắm khi là giấm hơn là rượu? Với những tự ái, tranh chấp, hững hờ?

Vì vậy, chúng ta bước sang tư tưởng chủ yếu thứ hai của các bài đọc hôm nay. Tư tưởng này trước hết nói về sự thiện hảo của công trình tạo dựng của Thiên Chúa và về sự cao quý của sự tuyển chọn khi Người tìm kiếm và yêu thương chúng ta. Nhưng tư tưởng ấy cũng nói về lịch sử đã xảy ra sau đó, sự sa ngã của con người.

Thiên Chúa đã trồng những cây nho ưu tuyển nhưng nó lại sinh ra nho dại. Nho dại là gì? Vị tiên tri nói, nho tốt mà Thiên Chúa chờ đợi chính là sự công bình và sự công chính. Còn trái lại, nho dại là bạo lực, là đổ máu và áp bức, làm cho nhiều người oán thán dưới cái ách của sự bất công.

Theo Tin Mừng, hình ảnh đó lại biến đổi: Vườn nho sinh trái tốt, nhưng các tá điền đã giữ lại. Họ không sẵn lòng trao lại cho chủ vườn. Họ đánh đập và giết các đầy tớ và con trai của ông chủ. Mưu đồ của họ đơn giản là: Họ muốn trở thành những chủ nhân; họ chiếm đoạt cái không thuộc về họ.

Trong Cựu Ước, điều xuất hiện trước nhất, đó là lời kết án sự vi phạm công bình xã hội, là sự khinh bỉ con người do con người. Tuy nhiên, sâu xa hơn, người ta nhận ra rằng, nếu khinh thường Lề Luật, mà Lề Luật do Thiên Chúa ban, thì đó là khinh mạn chính Thiên Chúa; chỉ còn là ước muốn lạm hưởng quyền lực. Khía cạnh này được Chúa Giêsu nhấn mạnh một cách rõ nét trong dụ ngôn: các tá điền không muốn có một ông chủ và họ muốn trở thành như một mẫu gương cho chúng ta, những người đang lạm chiếm công trình tạo dựng đã được uỷ thác cho chúng ta chăm nom.

Chúng ta muốn là những người sở hữu duy nhất trong ngôi thứ nhất. Chúng ta muốn chiếm hữu thế giới và đời sống của riêng chúng ta theo một phương cách vô giới hanï. Thiên Chúa quấy rầy chúng ta, hoặc chúng ta tạo ra Người qua những câu nói đạo đức giản đơn hoặc là chúng ta khước từ Người khi gạt Người ra khỏi đời sống công cộng, đểâ như vậy Người không còn đem lại một ý nghĩa nào nữa. Lòng bao dung chỉ cho phép Thiên Chúa có mặt trong ý kiến tư riêng mà lại chối từ Người trong phạm vi công cộng, trong thực tại trần thế và trong đời sống chúng ta, thì đó không phải là sự bao dung mà là sự giả hình.

Bất cứ khi nào con người trở thành sở hữu chủ duy nhất của thế giới và chủ nhân của chính mình thì không có công bình. Chỉ có những thủ đoạn về quyền lực và lợi lộc mới khả dĩ ngự trị ở đó mà thôi. Đúng vậy, người con trai có thể bị đuổi khỏi vườn nho và bị giết để tận hưởng một cách ích kỉ những hoa qủa của trái đất. Nhưng khi đó chẳng mấy chốc vườn nho trở thành một nơi hoang hoá, bị heo rừng dẵm nát, như trong thánh vịnh đáp ca diễn tả (Tv 79, 14).

Chúng ta bước sang điểm thứ ba của các bài đọc hôm nay. Trong cả Cựu Ước và Tân Ước, Chúa đã loan báo sự xét xử về vườn nho bất trung. Sự xét xử mà I-sai-a loan báo đã trở thành hiện thực qua những cuộc chiến tranh khủng khiếp và những cuộc lưu đày do người Assyri và Babylon áp đặt. Sự phán xét mà Chúa Giêsu loan báo quy chiếu trước hết về về sự huỷ diệt thành Giêrusalem vào năm 70.

Nhưng nỗi sợ hãi về cuộc phán xét cũng tác động đến tất cả chúng ta, Giáo Hội Aâu Châu, Giáo Hội Tây Phương nói chung. Với bài Tin Mừng này Chúa cũng rót vào tai chúng ta những lời Người đã nói với Giáo Hội tại Êphêsô trong sách Khải Huyền: “Ta đến với ngươi, và Ta sẽ đem cây đèn của ngươi ra khỏi chỗ của nó, nếu ngươi không hối cải.” (2, 5). Cây đèn cũng có thể bị đem đi khỏi chúng ta, do đó chúng ta hãy mau hành động để lời cảnh báo này vang dội vào tận tâm hồn chúng ta với tất cả sự nghiêm trọng của nó, để đồng thời chúng ta cũng kêu lên với Chúa: “Xin hãy giúp chúng con hối cải! Xin ban cho chúng con ân huệ của một sự canh tân đích thực ! Xin đừng để ánh sáng ngụp tắt giữa chúng con! Xin củng cố đức tin của chúng con, niềm hi vọng và tình yêu của chúng con để chúng con có thể đem lại hoa trái tốt đẹp!” 

Trong điểm này có một câu hỏi được khơi lên: “Vậy không có một lời hứa, một câu nói an ủi nào trong bài đọc và trang Tin Mừng hôm nay hay sao? Có phải sự đe doạ là tiếng nói sau cùng?” Thưa không! Có một lời hứa, và đó là tiếng nói sau cùng, tiếng nói chủ yếu. Chúng ta nghe thấy trong câu xướng Alleluia, trích từ Tin Mừng Gioan: “Thầy là cây nho, các con là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều trái.” (Gio 15, 5)

Với những lời Chúa nói, Gioan phác hoạ cho chúng ta sự kết thúc cuối cùng và đúng thật của lịch sử vườn nho Thiên Chúa – Thiên Chúa không thất bại. Chung cuộc, Người chiến thắng – tình yêu chiến thắng. Đã có một sự ám chỉ chưa được rõ ràng về điểm này trong dụ ngôn vườn nho mà bài Tin Mừng hôm nay đưa ra trong những câu kết. Trong đó, cái chết của người con không phải là điểm kết của lịch sử, dù rằng nó không trực tiếp nói tới điều đó. Nhưng Chúa Giêsu đã diễn tả cái chết này xuyên qua một hình ảnh mới, rút từ Thánh vịnh: “ Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường” (Mt 21, 42; Tv 117, 22)

Từ cái chết của người con, sự sống trồi sinh, một công trình mới được kiến tạo, một vườn nho mới. Tại Cana, Người đã hoá nước thành rượu, Người đã biến máu Người thành rượu của tình yêu đích thực, và cũng theo thể thức này, Người biến rượu thành máu Người. Trong Bữa Tiệc Li Người đã báo trước sự chết của Người và biến nó thành quà tặng của chính thân mình Người, một hành vi yêu thương tận cùng. Máu Người là quà tặng, máu ấy là tình yêu và bởi lí do này, nó là thứ rượu đích thật mà đấng tạo hoá đang chờ đợi. Như vậy, chính Chúa Kitô đã trở nên vườn nho và vườn nho ấy luôn sinh trái tốt – sự hiện diện của tình yêu Người cho chúng ta là điều bất khả huỷ diệt.

Những lời này cuối cùng hội tụ lại nơi mầu nhiệm Thánh Thể, trong đó Chúa ban cho chúng ta bánh sự sống và rượu tình yêu của Người và mời chúng ta tham dự bữa tiệc của tình yêu vĩnh cửu. Chúng ta cử hành Bí tích Thánh Thể với ý thức rằng giá thật của bí tích ấy là sự chết của Người Con, hiến lễ sự sống của Người, vẫn hiện tồn trong đó. Thánh Phaolô nói, mỗi lần chúng ta ăn bánh và uống chén này, chúng ta loan truyền sự chết của Chúa cho tới khi Người ngự đến (x. 1 Co 11, 26).

Nhưng chúng ta cũng ý thức rằng từ sự chết này sự sống trồi sinh khi Chúa Giêsu chuyển hoá sự chết ấy, trong một cử chỉ dâng hiến, thành hành vi yêu mến, Người thay đổi nó một cách sâu xa: Tình yêu đã đánh bại sự chết. Trong Bí Tích Thánh Thể, từ thập giá Người kéo mọi người đến với Người (Gio 12, 32) và Người biến đổi chúng ta thành những cành nho, là chính Người. Nếu chúng ta kết hiệp với Người thì chúng ta cũng sẽ mang hoa trái, chúng ta không còn mang giấm của sự tự mãn, của sự bất bình với Thiên Chúa, và với công trình sáng tạo của Người, nhưng đem lại rượu ngon của niềm vui Thiên Chúa và của tình yêu tha nhân.

Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng của Người để trong ba tuần lễ của Thượng Hội Nghị mà chúng ta đang khai mạc, chúng ta không chỉ nói những điều hay đẹp về Bí Tích Thánh Thể, nhưng chúng ta sẽ sống từ sức mạnh của Người. Chúng ta cùng cầu xin ơn này qua Mẹ Maria. Thưa các nghị phụ thân mến, cùng với những cộng đồng từ những miền khác nhau mà các ngài đại diện về đây, tôi xin chào đón với lòng cảm mến, để khi vâng theo hoạt động của Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể giúp thế giới hối cải – trong Chúa Kitô và với Chúa Kitô – thành cây nho sai quả của Thiên Chúa. Amen.

Linh mục Giuse Ngô Quang Trung chuyển ngữ

 


Trở về Trang Mục Lục