Huấn Từ bế mạc Tuần Lễ Hiệp Nhất Kitô giáo 2009 của ĐTC Bênêđictô XVI

“Tại sao con lại làm tổn thương sự hiệp nhất của Thân Thể Ta?”

 

Dưới đây là bản dịch bài huấn từ của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đọc trong buổi Kinh Chiều ngày 25 tháng 1 năm 2009, lễ Thánh Phaolô trở lại. Với buổi lễ này được tổ chức tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô Ngoại Thành, Tuần Lễ Cầu Nguyện cho Hiệp Nhất Kitô giáo đã kết thúc.

Các đại diện các Hội Thánh và cộng đồng giáo hội tại Rôma cũng có mặt tại buổi lễ.

* * *

Anh Chị Em thân mến,

Thật là một niềm vui lớn lao mỗi khi chúng ta quy tụ tại mộ phần Thánh Tông Đồ Phaolô trong ngày lễ phụng vụ kính nhớ cuộc trở lại của ngài để bế mạc Tuần Lễ Câu Nguyện cho  sự Hiệp Nhất Kitô giáo. Tôi chào mừng tất cả anh chị em với lòng trừu mến, đặc biệt là Đức Hồng Y Cordero di Montezemolo, tu viện trưởng và cộng đoàn các tu sĩ tiếp đón chúng ta. Tôi cũng chào mừng Đức Hồng Y Kasper, chủ tịch Ủy Ban Giáo Hoàng về Cổ Võ Sự Hiệp Nhất Kitô giáo. Cùng với ngài tôi cũng kính chào các Đức Hồng Y có mặt nơi đây, các giám mục và các mục tử của những Hội Thánh và các cộng đồng giáo hội khác nhau tụ họp đây tối hôm nay.

Tôi cũng đặc biệt có lời tri ân những người đã cùng nhau làm việc sửa soạn những hướng dẫn cầu nguyện, bằng cách cảm nghiệm trước nhất việc thực thi suy niệm và hội họp qua việc lắng nghe nhau, và tất cả cùng nhau lắng nghe Lời Chúa.

Cuộc trở lại của Thánh Phaolô cung cấp cho chúng ta một mẫu gương chỉ cho chúng ta con đường đi đến hiệp nhất trọn vẹn. Thực ra hiệp nhất cần hoán cải: từ chia rẽ đến hiệp thông, từ sự hiệp nhất bị bể nát thành được chữa lành rồi đến hiệp nhất trọn vẹn. Việc hoán cải là hồng ân của Đức Kitô Phục Sinh, như Người đã ban cho Thánh Phaolô. Chúng ta nghe được điều này từ chính Thánh Tông Đồ trong bài đọc mà chúng ta vừa công bố vài giây phút qua: “Tôi trở nên như thế này là nhờ ơn Thiên Chúa” (1 Cor 15:10).

Cùng một Chúa, Đấng đã gọi Thánh Phaolô trên đường đi Đamascô, cũng nói với các phần tử của Hội Thánh – là một Hội Thánh duy nhất và thánh thiện – cùng gọi tên mỗi người mà hỏi: Tại sao con lai chia xẻ Ta? Tại sao con lại làm tổn thương sự hiệp nhất của Thân Thể Ta?

Hoán cải bao hàm hai bình diện. Trong bước đầu, chúng ta nhìn nhận lỗi lầm của chúng ta theo ánh sáng của Đức Kitô, và sự nhìn nhận này trở thành đau buồn và hối hận, mong ước được làm lại từ đầu. Trong bước thứ hai, chúng ta nhận ra rằng con đường mới này không thể đến từ chúng ta. Nó cốt yếu ở việc chúng ta để cho mình được Đức Kitô chinh phục. Như Thánh Phaolô nói: “tôi đang tiếp tục cố gắng theo đuổi trong hy vọng là tôi đạt được điều ấy, bởi vì quả thật tôi đã bị Ðức Giêsu Kitô chinh phục rồi” (Phil 3:12).

Hoán cải đòi chúng ta phải thưa “xin vâng”, “sự theo đuổi” của tôi; điều đó sau cùng không phải là hoạt động của tôi, mà là một hồng ân, một việc để cho mình được Đức Kitô uốn nắn; là chết và sống lại. Đó là lý do tại sao Thánh Phaolô đã không nói: “Tôi đã hoán cải” mà lại nói “Tôi đã chết” (Gal 2:19),tôi là một tạo vật mới. Trên thực tế, việc trở lại của Thánh Phaolô không phải là một bước từ vô luân lý sang luân lý, từ một niềm tin sai lầm sang một niềm tin đúng, nhưng việc hoán cải ấy là một con người được Đức Kitô chinh phục: việc từ bỏ sự hoàn hảo của chúng ta; đó là lòng khiêm nhường của người hiến thân hoàn toàn cho việc phục vụ của Đức Kitô dành cho anh em mình. Và chỉ trong sự từ bỏ mình này, trong sự trở nên giống Đức Kitô thì chúng ta cũng sẽ kết hợp với nhau; chúng ta trở nên “một” trong Đức Kitô. Chính sự hiệp thông với Đức Kitô Phục Sinh là điều đem lại cho chúng ta sự hiệp nhất.

Chúng ta có thể quan sát một sự tương tự thích thú với động lực của việc trở lại của Thánh Phaolô, cũng tương tự như trong bản văn Thánh Kinh của ngôn sứ Êdêkiel (37:15-28), là bản văn được chọn làm căn bản cho vìệc cầu nguyện của chúng ta năm nay. Thực ra trong đó cử chỉ tượng trưng được diễn tả bằng việc hai miếng gỗ được nối kết lại làm một trên tay vị ngôn sứ, là vị mà qua cử chỉ này miêu tả hành động của Thiên Chúa trong tương lai. Đây là phần thứ nhì của chương 37, mà trong phần thứ nhất có thị kiến thời danh về những xương khô và việc tái lập của Israel, được thực hiện bởi Thần Khí của Thiên Chúa.

Làm sao chúng ta không thể thấy dấu hiệu tiên tri về việc thống nhất dân Israel được đặt sau biểu hiệu vĩ đại về việc xương khô được Thần Khí cho hồi sinh? Theo đây có một sơ đồ tương tự như việc trở lại của Thánh Phaolô: trước hết người ta thấy quyền năng của Thiên Chúa là Đấng, cùng với Thần Khí cửa Ngài, hoàn thành việc sống lại như một tạo vật mới. Thiên Chúa ấy, là Đấng Tạo Hóa, có thể cho người chết sống lại, cũng có thể đem dân bị chia làm hai trở lại hợp nhất.

Thánh Phaolô – như ngôn sứ Êdêkiel nhưng còn hơn nữa -- trở thành công cụ được Thiên Chúa chọn để rao giảng sự hiệp nhất đã được Đức Kitô chiến thắng qua thập giá và việc sống lại của Người: sự hiệp nhất giữa dân Do Thái và Dân Ngoại, để làm thành một dân mới. Việc sống lại của Đức Kitô mở rộng thêm ranh giới của sự hiệp nhất; không phải chì là sự hiệp nhất của các chi tộc Israel, nhưng là sự hiệp nhất của Dân Do Thái và Dân Ngoại (x. Eph 2; Ga 10:16); sự thống nhất của nhân loại bị tan tác bởi tội lỗi, và còn hơn nữa, sự hiệp nhất của tất cả những ai tin vào Đức Kitô.

Trong việc chọn đoạn Thánh Kinh từ sách ngôn sứ Êdêkiel, chúng ta mắc nợ các anh em Đại Hàn của chúng ta, là những người, với tư cách vừa là người Đại Hàn vừa là Kitô hữu, họ đã cảm thấy lời mời gọi tha thiết của đoạn Thánh Kinh này. Trong việc chia dân Do Thái ra thành hai vương quốc, họ thấy sự phản ảnh của chính mình, là con cái của một đất nước vì những biến cố chính trị đã bị chia đôi, thành nam và bắc. Kinh nghiệm nhân bản của họ giúp họ hiểu thảm cảnh chia rẽ giữa các Kitô hữu một cách rõ ràng hơn.

Giờ đây, từ Lời Chúa này, đã được anh em Đại Hàn chọn và đề nghị với mọi người, môt niềm hy vọng chân chính xuất hiện: Thiên Chúa đã hứa cho dân Ngài có một sự hiệp nhất mới, sự hiệp nhất này phải là một dấu hiệu và công cụ của sự hòa giải và hòa bình, ngay cả trong mức độ lịch sử, cho tất cả mọi dân tộc. Sự hiệp nhất mà Thiên Chúa ban cho Hội Thánh của Ngài, và là điều chúng ta cầu xin, đương nhiên là sự hiệp nhất theo nghĩa tinh thần, trong Đức Tin và Đức ái; nhưng chúng ta biết rằng sự hiệp nhất này trong Đức Kitô cũng là men của tình huynh đệ trong phạm vi xã hội, trong tương quan giữa các dân tộc và cho toàn thể gia đình nhân loại. Đó là nắm men của Nước Thiên Chúa làm cho toàn thể thúng bột dậy men (x. Mt 13:33).

Theo nghĩa này thì lời cầu nguyện mà chúng ta dâng lên trong những ngày này, theo dấu hiệu từ lời tiên tri của ngôn sứ Êdêkiel, cũng đã trở thành lời cầu nguyện cho những hoàn cảnh xung đột khác nhau đang làm tổn thương nhân loại lúc này. Có những nơi lời của loài người trở thành vô hiệu, bởi vì lời ấy bị những tiếng ồn ào đau thương của bạo lực và vũ khí lấn át, quyền năng ngôn sứ của Lời Chúa không bị yếu đi và Lời ấy nhắc lại cho chúng ta rắng có thể có hoà bình, và chúng ta phải là công cụ của hòa giải và hòa bình. Vì lý do này mà việc cầu nguyện cho sự hiệp nhất và hòa bình của chúng ta luôn đòi hỏi phải có sự củng cố bằng những cử chỉ hòa giải can đảm giữa chúng ta, là những Kitô hữu.

Tôi muốn kết thúc bài suy niệm này của tôi bằng cách nhắc lại một biến cố mà những người lớn tuổi ở đây chắc vẫn chưa quên. Ở chỗ này vào ngày 25 tháng 1 năm 1959, đúng 50 năm qua, Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXIII đã công bố lần đầu tiên ước ao triệu tập “một Công Đồng Chung cho Hội Thánh Hoàn Vũ” (AAS LI [1959], tr. 68). Ngài công bố cho các Hồng Y trong phòng hội của Tu Viện Thánh Phaolô, sau khi đã long trọng cử hành Thánh Lễ tại Vương Cung Thánh Đường.

Từ quyết định được Thiên Chúa quan phòng này, được Chúa Thánh Thần gợi ra cho Đấng Tiền Nhiệm khả kính của tôi, theo quyết tâm vững chắc chủa ngài, phát sinh ra những đóng góp căn bản về đại kết, được tóm lược trong sắc lệnh “Unitatis redintegratio”. Trong văn kiện này chúng ta đọc: “Không có việc đại kết nào xứng danh nếu không có sự thay đổi trong tâm hồn. Bởi vì từ việc canh tân đời sống nội tâm của trí khôn chúng ta, từ việc quên mình và một tình yêu không hoen ố mà ước muốn hiệp nhất mọc lên và phát triển một cách trưởng thành” (số 7). 

Thái độ hoán cải nội tâm trong Đức Kitô, canh tân tinh thần, gia tăng việc bác ái đối với những Kitô hữu khác, đã tạo nên một hoàn cảnh mới cho những liên hệ đại kết. Thành quả của những cuộc đối thoại về thần học, với sự hội tụ của chúng và với việc xác định cách chính xác những khác biệt vẫn còn tồn tại, đã đưa đến một sự theo đuổi can đảm hai chiều: trong việc đón nhận những gì tích cực đã đạt được và đổi mới sự dấn thân trong tương lai.

Thật đúng lúc, Ủy Ban Giáo Hoàng về Cổ Võ Hiệp Nhất Kitô giáo, mà tôi cám ơn vì việc phục vụ mà Uỷ Ban này cống hiến cho tất cả các môn đệ của Chúa, mới đây đã suy tư về việc đón nhận và về tương lai của những cuộc đối thoại đại kết. Một suy tư như thế, nếu một đằng ước ao cách chính đáng để nhấn mạnh về những gì đã đạt được, đằng khác, có ý tìm những cách thế mới để tiếp tục sự liên hệ giữa các Hội Thánh và các Cộng Đồng Giáo Hội trong phạm vi hiện tại.

Chân trời hiệp nhất trọn vẹn vẫn rộng mở trước mặt chúng ta. Đây là một công tác khó khăn, nhưng đầy hứng thú cho các Kitô hữu nào muốn sống theo lời cầu nguyện của Chúa: “Xin cho chúng được nên một đế thế gian tin” (Ga 17:21). Công Đồng Vaticanô II giải thích cho chúng ta “rằng sức lực và khả năng của con người không thể đạt được mục tiêu thánh thiện này -- việc hòa giải tất cả mọi Kitô hữu trong sự hiệp nhất của một Hội Thánh duy nhất và độc nhất của Đức Kitô” (Unitatis redintegratio, 24).

Tin tưởng vào lời cầu nguyện của Đức Chúa Giêsu Kitô, và được khích lệ bởi những bước đầy ý nghĩa đã đạt được bởi phong trào đại kết, với Đức Tin, chúng ta cầu khẩn Chúa Thánh Thần xin Ngài tiếp tục soi sáng bước đường của chúng ta. Nguyện xin từ trời cao, Thánh Tông Đồ Phaolô, là Đấng đã làm việc quá vất vả và đã chịu đau khổ vì sự hiệp nhất của Nhiệm Thể Đức Kitô, khuyến khích và giúp đỡ chúng ta; cùng cầu xin Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ sự hiệp nhất của Hội Thánh, đồng hành và nâng đỡ chúng ta.

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ