Người Ki Tô hữu, môn đệ của Chúa Ki Tô

Bài Phát Biểu của Ðức Thánh Cha trong một buổi diện kiến
ngày mùng 6 tháng 9 năm 2000

Bài đọc : Luca 9, 57-60

1. Sự gặp gỡ với Ðức Ki Tô thay đổi toàn diện cuộc sống của một người. Sự gặp gỡ này thúc đẩy người đó đến sự metanoia hay là sự thay đổi sâu xa của tinh thần và của tâm hồn và gây dựng một sự hiệp thông của sự sống theo vết chân Ðức Ki Tô. Trong những bài Phúc Âm, con đường này được diễn tả bởi hai thái độ : thái độ thứ nhất là lên đường với Chúa Ki Tô (akoloutheỵn) ; thái độ thứ hai là bước theo Chúa Ki Tô là kẻ dẫn đường, bằng cách theo dấu chân Ngài và đường hướng của Ngài (erchesthai opiso). Theo thể thức đó, hình ảnh của người môn đệ của Chúa Ki Tô được thể hiện qua nhiều trạng thái khác nhau. Có những người theo Ngài một cách vô danh và hời hợt, như một đám đông (Mác Cô 3,7 ; 5, 24 ; Mát Thêu 8,1-10 ; 14,13 ; 19,2 ; 20,29). Có những kẻ tội lỗi (Mác Cô 2,14-15) : và cũng như được ghi rõ nhiều lần là có những phụ nữ ủng hộ sứ mệnh của Chúa Giê Su qua sự phục vụ cách cụ thể của họ (Lu-ca 8,2-3 ; Mác Cô 15,41). Một số người nhận lời gọi đặc biệt của Chúa Ki Tô và, giữa những người này, một chỗ đứng đặc biệt được dành cho 12 Tông Ðồ.

Các cách những kẻ đuợc gọi rất là khác biệt : có người làm nghề chài lưới và công chức thu thuế, người lương thiện và kẻ tội lỗi, người đã lập gia đình và kẻ sống độc thân, người nghèo và người giầu như Giu Se A-ri-ma-thi (Gio-an 19,38), đàn ông và phụ nữ. Cũng có cả người có lòng yêu nước Do Thái cách cuồng nhiệt như Simon (Lu-ca 6,15), nghĩa là một thành viên của phe đối lập cách mạng chống La-Mã. Cũng có những kẻ từ chối lời mời gọi, như thanh niên giầu có mà trước những lời đòi hỏi của Chúa Ki Tô, đã buồn rầu và bỏ ra đi vì anh ta có nhiều của cải (Mác Cô 10,22).

2. Những điều kiện để đi hết con đường mà Chúa Giê Su đã đi thì rất ít ỏi nhưng lại là căn bản. Như chúng ta đã nghe trong đoạn Phúc âm vừa mới được đọc (Luca 9, 57-60), phải để lại quá khứ sau lưng, bằng một sự cắt đứt rõ ràng, một sự metanoia (sự thay đổi sâu xa) theo đúng nghĩa sâu đậm của từ này : một sự thay đổi tinh thần và cuộc sống. Con đường mà Chúa Ki Tô đề nghị thì hẹp và đòi hỏi sự hy sinh và hiến thân trọn vẹn : Nếu ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình và tự vác thập tự và theo Ta (Mác Cô 8,34). Ðó là một con đường đầy chông gai, thử thách và bách hại : Nếu chúng đã truy hại ta, các con cũng thế, chúng cũng sẽ truy hại các con (Gio-an 15,20). Ðó là một con đường dọn sẵn cho những nguời truyền giáo và chứng nhân của lời Ðức Ki Tô, nhưng đòi hỏi những môn đệ Ngài không được đem theo bánh, bị quai hay một xu nhỏ ở thắt lưng (Mác Cô 6,8 ; Mát thêu 10,9-10).

3. Ði theo Chúa Ki Tô không là một cuộc hành trình dễ dàng như trên một con đường bằng phẳng. Người ta có thể nếm được những lúc thiếu can đảm đến độ, vào một lúc nào đó nhiều môn đệ đã tự rút lui và không đi chung với Ngài nữa (Gio-an 6,66), nghĩa là với Chúa Giê Su, Ðấng đã phải chất vấn 12 Môn Ðệ của Ngài bằng một câu hỏi quyết liệt Cả các con nữa, các con có muốn bỏ đi không ? (Gio-an 6,67). Trong một hoàn cảnh khác, cả Phê Rô, lúc mà Ngài phản đối viễn tượng thập-tự-giá, bỗng dưng được nhắc nhớ lại bởi một lời nói, mà theo những sắc thái của văn bản chính, có thể là một lời mời đứng lại sau Chúa Giê Su, sau khi Phê Rô đã cố ý từ chối mục tiêu của thập tự giá : hãy ra phía sau của Ta, Sa Tan ! bởi vì những tư tưởng của ngươi không phải là những tư tưởng của Thiên Chúa nhưng là tư tưởng của phàm nhân ! (Mác Cô 8,33).

Phê Rô có thể bị quyến rũ để phản bội, nhưng cuối cùng sẽ theo Thầy mình và Chúa mình với một tình yêu quảng đại nhất. Thực vậy, ở bờ hồ Ti bê ri át, Phê Rô sẽ tuyên xưng tình yêu Thưa Thầy, Thầy biết hết tất cả, Thầy biết là Con yêu Thầy . Và Chúa Giê Su sẽ cho Phê Rô biết cách chết của mình như thế nào để làm sáng danh Chúa , bằng cách nói với Ngài hai lần : hãy theo Ta ! (Gio-an 21, 17.19.22). Lối đi theo Chúa Ki Tô được diễn tả cách đặc biệt qua Môn Ðệ yêu-quý, Người đã được vào trong phạm vi thân tình của Ðức Ki Tô, Người đã nhận Mẹ Ðức Ki Tô như một ơn huệ và nhận ra Ðức Ki Tô sống lại (Gio-An 13,23-26 ; 18,15-16 ; 19,26-27 ; 20,2-8 ; 21,2.7.20-24).

4. Vinh quang là mục tiêu tối hậu của việc đi theo Ðấng Ki Tô. Con đường là lối bắt chước gương Chúa Ki Tô , Người đã sống trong tình yêu và chết vì tình yêu trên thập tự. Người môn đệ có thể nói là phải nhập vô trong Ðức Ki Tô với tất cả bản thể của mình, phải lấy làm của mình và hấp thụ tất cả thực tại của Nhập Thể và Sự Cứu Rỗi để tự tìm lại được chính mình (Redemptor hominis, n.10). Ðức Ki Tô phải nhập vô trong người môn đệ để giải thoát người đó khỏi ích kỷ và sự kiêu ngạo như Thánh Am-brô-si-ô nói về vấn đề này Chớ gì Ðức Ki Tô vào trong tâm hồn ngươi, chớ gì Chúa Giê Su ngự trị trong tư tưởng ngươi để không còn một chỗ nào nữa cho tội lỗi trong căn lều thánh của đức hạnh (Lời bình luận về Thánh Vịnh CXVII, chữ daleth , 26).

5. Thập tự giá, dấu chỉ của tình yêu và của tận hiến trọn vẹn, là biểu tượng của môn đệ được gọi để tự quy định hình dáng theo Ðức Ki Tô vinh quang. Một Giáo Phụ của Giáo Hội Ðông Phương, cũng là một thi sĩ đầy cảm hứng, Romain Le Mélode, khuyên nhủ người môn đệ như thế này : Con dùng thập tự giá như cây gậy chống, hãy nương tựa tuổi trẻ của con trên cây gậy này. Hãy mang nó trong lời kinh nguyện của con, hãy mang nó đến bàn ăn chung, hãy mang nó vào giường ngủ của con và mang đi khắp chốn như là tước vị của danh giá con. Hãy nói với hôn phu của con bây giờ hợp nhất với con : em phủ phục dưới chân anh. Xin anh, với lòng đại lượng của anh, ban hòa bình cho thế giới của anh, xin anh hãy giúp đỡ các Giáo Hội, cho những kẻ chăn chiên sự ân cần chăm sóc của anh, cho đoàn vật sự hòa hợp để cho tất cả chúng ta luôn hát lên sự phục sinh của chúng ta Hymne 52 (tụng ca 52) cho những người mới được rửa tội , đoạn 19 và 22).

Trong số những khách hành hương có mặt trong buổi Diện-Kiến chung ngày mùng 6 tháng 9 năm 2000, có những cộng đoàn sau đây mà Ðức Thánh Cha đã nói với họ bằng tiếng Pháp :

- Cộng đoàn đến từ nước Pháp : Tu Hội huynh đệ của Mẹ Maria Nữ Hoàng Vô Nhiểm ở thành phố Sainte Anne d'Auray ; phái đoàn hành hương của địa phận Nice ; Hội Bạn Hữu của sự ủi an của thành phố Draguignan ; nhóm hành hương của thành phố Ba-Lê, của thành phố Vergt, của thành phố Teyran.
- Cộng đoàn đến từ nước Lục Xâm Bảo : Nhóm hành hương của thành phố Bascharage.
- Cộng đoàn đến từ nước Thụy Sĩ : Nhóm hành hương của thành phố Genève.
- Cộng đoàn đến từ nước Gia Nã Ðại : Nhóm hành hương.
- Cộng đoàn đến từ nước Việt Nam : Nhóm tín hữu Việt nam của Tổng địa phận thành phố Hồ Chí Minh.

Lời chúc mừng bằng tiếng Pháp

Các anh chị em quý mến,

Ðể di theo sau Chúa Ki Tô, điều cần thiết là phải thực hiện một sự thay đổi sâu xa về tâm tính và cuộc sống. Con đường mà Chúa Giê Su đề nghị thì hẹp và đòi hỏi sự hy sinh và hiến thân trọn vẹn. Ðó là một con đường đầy thử thách và bách hại. Chúa Giê Su đã biến các môn đệ trở thành những nhà truyền giáo và những nhân chứng của lời giảng dậy của Ngài. Các Ngài không được mang theo gì cả cho cuộc hành trình.

Cuộc hành trình này có thể gặp những lúc khó khăn mà người môn đệ bị cám dỗ để bỏ rơi Thầy mình. Tự đặt mình theo chân Chúa Ki Tô, để đạt tới vinh quang, đòi hỏi môn đệ phải noi gương Ngài, Ðấng đã sống trong tình yêu thương và chết cho tình yêu trên thập tự giá. Người môn đệ có thể nói là phải nhập vô trong Ðức Ki Tô với tất cả bản thể của mình, phải lấy làm của mình, và hấp thụ tất cả thực tại của Nhập Thể và Sự Cứu Rỗi để tự tìm lại được chính mình (Redemptor hominis, n.10). Ðức Ki Tô phải đồng hóa trong người môn đệ để giải thoát người đó khỏi ích kỷ và sự kiêu ngạo. Thập tự giá, dấu chỉ của tình yêu và của tận hiến trọn vẹn, là biểu tượng của môn đệ được gọi để tự quy định hình dáng mình theo Ðức Ki Tô vinh quang.

Cha sung sướng đón tiếp những người dùng Pháp ngữ hiện diện sáng nay, đặc biệt là những Giáo Dân hành hương Việt nam và của địa phận Nice. Cha mến chào các Sơ Tu Hội Huynh Ðệ La san Nữ Vương Vô Nhiễm, tụ họp tại La Mã để củng cố sự dấn thân của Tu Hội trong sự phục vụ sứ mệnh của Giáo Hội. Ước gì Thiên Chúa mở rộng luôn mãi ánh mắt nhìn đức tin của các con đến các chân trời mới để loan báo Chúa Giê Su Ki Tô, Ðấng Cứu chuộc duy nhất của loài người !

Cha ban cho tất cả các con phép lành tòa thánh với tất cả tấm lòng ưu ái của Cha.

Trần văn Toàn
Phiên dịch tuần báo từ Pháp ngữ L'Osservatore Romano ngày 12.09.2000


Trở về Trang Mục Lục Giáo Hội
Trở Về Trang Nhà