TRUYỀN GIÁO CHÂU Á: KỂ trUYỆN CHÚA GIÊSU

Đức Cha Luis Antonio G. Tagle

Giám mục Imus, Philíppin

------------------------------------------------------------

Đại Hội Truyền Giáo Châu Á lần I

Chiang Mai, Thái Lan

19 tháng 10, 2006

 

Đại Hội Truyền Giáo Châu Á là một dịp kỷ niệm ơn gọi truyền giáo của Hội Thánh. Với tâm tình biết ơn, Đại hội nhắc nhớ lại các nẻo đường truyền giáo mà Hội Thánh đã đi tại Châu Á. Đại hội vui mừng trước các nỗ lực truyền giáo vẫn đang tiếp diễn, với các chứng tá về lòng dũng cảm, đức tin và đức mến. Nó mời gọi chúng ta một lần nữa dấn thân thực thi lệnh truyền từ ngàn xưa của Chúa Giêsu Kitô là đem Tin Mừng Nước Thiên Chúa tới tận cùng thế giới. Nó thúc giục chúng ta tìm kiếm những đường lối mới để hiểu và làm việc truyền giáo, trung thành với Truyền Thống phong phú của Hội Thánh nhưng đồng thời đáp ứng các thực tại mà các dân tộc Châu Á đang đối diện.

Có thể nói lịch sử của Hội Thánh là lịch sử của truyền giáo. Lịch sử đa tầng và đa sắc này, mở đầu từ thời Tân Ước, làm chứng cho chúng ta về nhiều cách thức mà Hội Thánh hiểu và thực hành việc truyền giáo. Chúng ta có thể thêm sự kiện này là, trong khi Hội Thánh là một và phổ quát, Hội Thánh tồn tại trong các Hội Thánh địa phương có các lịch sử và hoàn cảnh khá độc đáo, và vì thế có các kinh nghiệm và khái niệm khá độc đáo về truyền giáo. Trong Redemptoris Missio (RM), Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khẳng định một nhận thức cơ bản của Ad Gentes (AG)[1] rằng truyền giáo là một thực tại duy nhất nhưng phức tạp, được phát triển theo những cách thức khác nhau.[2] Tiếp nối công cuộc tìm kiếm năng động của Hội Thánh về các cách hoạt động truyền giáo thích hợp với các thời đại và nơi chốn khác nhau, Đại hội chúng ta đề nghị một lối hiểu và thực hành truyền giáo tập trung vào câu truyện Chúa Giêsu tại Châu Á.

Truyện không bao giờ chỉ đơn thuần là truyện. Truyện là truyện thực sự khi được kể lại hay thuật lại, và mong được người ta lắng nghe. Ngày nay, một trong các tên gọi của kể truyện là chia sẻ. Trong Ecclesia in Asia (EAs), Đức Gioan Phaolô II  mô tả truyền giáo như là sự chia sẻ ánh sáng đức tin vào Chúa Giêsu, một món quà nhận được và một món quà cần phải chia sẻ cho các dân tộc Châu Á.[3] Sự chia sẻ ấy có thể mang hình thức kể truyện Chúa Giêsu. Tôi tin rằng dạng kể truyện cung cấp một bộ khung sáng tạo cho sự hiểu biết về việc truyền giáo tại Châu Á, một châu lục có các nền văn hoá và tôn giáo ăn rễ sâu trong các đại truyện hay các thiên anh hùng ca. Đức Gioan Phaolô II cũng nhìn nhận các phương pháp thuật truyện tương tự với các hình thức văn hoá Châu Á là phương pháp nên được sử dụng để loan báo Đức Giêsu tại Châu Á (EAs 20).

HiỂu ‘Câu TruyỆn’ và KỂ TruyỆn

Không thể nào tưởng tượng ra được đời người mà không có các câu truyện. Cuộc đời tự nó có một cấu trúc thuật truyện. Truyện đóng vai trung gian giữa cuộc đời và ý nghĩa của cuộc đời. Kể truyện là điều quá tự nhiên đối với chúng ta khiến chúng ta không suy tư đủ về ý nghĩa của nó đối với đời sống chúng ta. Những năm gần đây, các nhà nghiên cứu đã tái phát hiện vai trò của thuật truyện trong các lãnh vực chuyên môn của họ. Thần học và linh đạo đã được hưởng lợi từ trào lưu “quay về với câu truyện” này.[4] Truyền giáo cũng có thể được hưởng lợi như thế. Chúng ta hãy dành ít thời gian suy tư về truyện và việc kể truyện. Bài trình bày của tôi không thể nói hết mọi khía cạnh của vấn đề. Mục đích bài này là một lời mời gọi suy tư và thảo luận xa hơn, vì thế nó chỉ nêu lên các khía cạnh có thể có một ảnh hưởng đối với việc hiểu truyền giáo như là kể truyện Chúa Giêsu.

1.     Các truyện hay đều dựa trên kinh nghiệm.

Có các truyện hay và cũng có các truyện dở. Nhưng sự khác biệt không luôn luôn là do kiểu cách của người kể truyện hay kết cục của câu truyện. Cơ bản chúng ta muốn có một câu truyện đáng tin, một câu truyện có thể tin được vì nó thật. Cơ sở mạnh nhất của sự thật là kinh nghiệm trực tiếp của người kể. Tuy người ta có thể tin vào những người thuật lại kinh nghiệm của một người khác, nhưng không gì có thể sánh được với câu truyện của một người thực sự có mặt khi sự kiện xảy ra, vì bây giờ sự kiện đã là một phần của người ấy. Chúng ta kể những câu truyện hay nhất của mình khi chúng nói về kinh nghiệm của chúng ta. Các câu truyện hay nhất của chúng ta là về chúng ta là ai.

2.     Các câu truyện tỏ lộ tính cách cá nhân và những người và sự kiện làm nên tính cách ấy.

Các câu truyện bộc lộ chúng ta là ai, dòng chảy và ý nghĩa cuộc đời chúng ta và chúng ta đang đi về đâu. Truyện của tôi là tiểu sử tự thuật của tôi, bản ngã của tôi trong toàn thể cục diện của sự vật.[5] Khi tôi kể các câu truyện nhỏ của tôi, câu truyện cơ bản của đời tôi được tỏ lộ không chỉ cho người nghe nhưng còn cho chính tôi và chủ yếu cho chính tôi, người kể. Tôi hiểu chính mình. Nhưng đồng thời tôi nhận ra rằng câu truyện không chỉ là về tôi. Nó cũng luôn luôn nói về những người khác, gia đình và bạn bè tôi, xã hội, văn hoá, kinh tế, hay cái mà chúng ta gọi là ‘thời đại’. Câu truyện của tôi không diễn ra trong một khoảng trống không. Tôi là người như thế này bởi vì tôi chìm ngập trong các câu truyện của những người khác và các câu truyện của thời đại tôi. Nếu tôi làm ngơ hay phủ nhận các câu truyện ấy, tôi không có câu truyện cá nhân nào để kể. Khi kể truyện đời tôi, tôi cũng hiểu ý nghĩa của thế giới tôi đang sống.

3.     Các câu truyện có tính năng động, có thể cắt nghĩa lại và kể lại, và biến đổi.

Tính cách cá nhân được hình thành bởi sự tương tác với thế giới được đưa vào trong ký ức. Nhớ lại là yếu tố quyết định nếu chúng ta muốn tăng trưởng về sự hiểu biết chính mình. Nhưng chúng ta nhớ lại bằng cách kể các câu truyện.[6] Ký ức được tạo thành bởi các câu truyện chứ không phải chỉ là chuỗi thứ tự thời gian, và các câu truyện làm sống lại kinh nghiệm trong tâm trí.[7] Khi nhớ lại, chúng ta nhận ra rằng quá khứ hoàn toàn không đứng yên. Nó tiếp tục hình thành nên chúng ta. Nó cũng có thể được nhìn trong một ánh sáng mới từ nhãn giới do các kinh nghiệm mới cung cấp. Trên thực tế, chúng ta kể cùng một câu truyện bằng những kiểu các nhau. Các câu truyện tỏ lộ cho chúng ta thấy cái gì đã làm chúng ta trở nên như chúng ta hiện có trong khi làm chúng ta khác với chúng ta trước kia và mở ra các khả thể cho tương lai. Qua các câu truyện, chúng ta tiếp xúc được với năng động của sự biến đổi tính cách cá nhân: chúng ta đã thay đổi bao nhiêu và còn thay đổi bao nhiêu nữa. . .

4.     Các câu truyện là cơ sở để hiểu các biểu tượng thiêng liêng, tôn giáo và đạo đức.

Các câu truyện tỏ lộ tính cách cá nhân bằng việc phơi bày các giá trị, các qui luật đạo đức và các ưu tiên của một người. Đời sống thiêng liêng của một người được lộ ra trong câu truyện của người ấy. Các biểu tượng đạo đức, thiêng liêng và tôn giáo quí giá đối với một người được rút ra từ các câu truyện cuộc đời người ấy. Các biểu tượng sống động và sâu xa ấy chỉ có thể hiểu được khi câu truyện được biết đến và được nghe kể.[8] Các câu truyện là yếu tố không thể thiếu để hiểu ý nghĩa của các biểu tượng đức tin và đạo đức của một người.

5.     Các câu truyện hình thành cộng đoàn.

Những gì chúng ta nói cho tới đây về câu truyện và tính cách cá nhân thì cũng đúng cho tính cách của một cộng đoàn. Kinh nghiệm và các ký ức chung nối kết các cá nhân khác nhau thành một tập thể duy nhất. Câu truyện mà một cộng đoàn yêu thích trở thành hạt nhân của các giá trị, nền đạo đức và linh đạo của cộng đoàn ấy.[9] Chúng ta chỉ có thể hiểu được các niềm tin, các nghi lễ, các cuộc cử hành, các tục lệ và lối sống đặc trưng của một cộng đoàn nếu chúng ta tìm về với các câu truyện mà các thành viên của cộng đoàn ấy cùng lưu giữ và quí chuộng.

6.     Các câu truyện khi được đón nhận có thể biến đổi người nghe.

Các kinh nghiệm quan trọng được đặt tên và kể lại trong các câu truyện.[10] Khi chúng ta kinh nghiệm một điều gì có ý nghĩa tích cực hay tiêu cực, chúng ta nóng lòng muốn kể lại cho một ai đó. Năng động này cho chúng ta thấy rằng câu truyện đòi có người nghe, có ai đó để chia sẻ. Câu truyện của một người có thể đánh thức các ký ức về các kinh nghiệm tương tự nơi một người nghe, mở ra các ý nghĩa mới, tạo ra điều kỳ diệu và lay động tình trạng ù lỳ. Sự dấn thân và đáp ứng từ phía người nghe bắt đầu xảy ra khi người kể truyện kết thúc câu truyện.[11] Câu truyện của người kể được đan kết với câu truyện của người nghe để tạo ra các câu truyện mới. Một người nghe giỏi thường sẽ trở thành một người kể truyện hay. Người nào từng kinh nghiệm việc se kết các câu truyện của người khác thành câu truyện của chính mình nhờ nghe kể thì sẽ cảm thấy đủ vững tâm để chia sẻ câu truyện của mình như một sợi chỉ trong câu truyện của một người khác.

7.     Các câu truyện có thể được kể bằng nhiều cách.

Một câu truyện có thể được kể bằng nhiều cách, cả khi không phải là bằng thể kể truyện đúng nghĩa. Kể bằng miệng vẫn là phổ biến nhất. Nhưng cũng có thể kể các câu truyện bằng viết thư, tiểu thuyết, hay làm thơ. Các sản phẩm nhiếp ảnh và video là những phương thức kể truyện nhờ kỹ thuật. Các điệu bộ, kiểu cách, giọng nói, các biểu hiện trên khuôn mặt và dáng điệu của một người cũng hiện thực như bất cứ nhân vật nào trong một câu truyện. Cái im lặng của một người cũng có thể là một cách kể truyện có sức mạnh. Suy rộng ra, các thái độ, nếp sống và các quan hệ của một người cũng là kể truyện và tạo những câu truyện mới. Các điệu vũ, âm nhạc, nghệ thuật, kiến trúc và phong cách ăn uống của một cộng đoàn là các yếu tố cơ bản của câu truyện về cộng đoàn ấy. Các câu truyện có cấu trúc quá phong phú khiến chúng có thể được kể bằng nhiều cách khác nhau.

8.     Các câu truyện có thể bị loại bỏ.

Tuy rằng việc kể truyện đến với chúng ta rất tự nhiên, một số yếu tố có thể khiến người ta loại bỏ câu truyện. Sự đau đớn do một ký ức xót xa, nỗi xấu hổ hay cảm giác tội lỗi có thể ngăn cản nạn nhân kể lại đầy đủ câu truyện của mình. Để giữ lại một chút thể diện sau một kinh nghiệm chua xót, một nạn nhân có thể phủ nhận rằng một câu truyện nào đó là một phần của tính cách và ký ức cá nhân của họ. Các nhà độc tài thường cấm kể các truyện về tham nhũng, áp bức, giết người và tàn phá, vì sợ nguy hại đến chế độ của họ. Họ đút lót các giới truyền thông và đe doạ những ai muốn phơi bày sự thật. Họ cho viết một sách lịch sử quốc gia xoá hết mọi ký ức nào có thể làm xấu mặt họ. Một số câu truyện nếu kể ra sẽ quá nguy hiểm, vì người nghe có thể nghe theo lời hô hào cải tổ. Các trận chiến khốc liệt nhất đang diễn ra hằng ngày là các trận chiến về các câu truyện. Nhưng vẫn có khả năng chữa lành. Ở đâu các nạn nhân được phép kể lại câu truyện của họ cho bạn bè, các nhà tư vấn hay các nhà chuyên môn biết thông cảm và hiểu họ, thì phẩm giá của họ sẽ dần dần được hồi phục. Ở đâu các cộng đồng giành được câu truyện thật của họ, thì họ cũng giành được sức mạnh để biến đổi xã hội.

Chúng ta đã dành thời giờ suy tư về truyện và việc kể truyện để khám phá ra các tiềm năng của nó cho việc hiểu và thực hành truyền giáo.

TruyỀn giáo là kỂ truyỆn Chúa Giêsu tẠI Châu Á

Ngay từ đầu, chúng ta cùng với Ad Gentes của Vaticanô II khẳng định rằng Hội Thánh tự bản chất là truyền giáo bởi vì Hội Thánh bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Giêsu Kitô và sứ mạng của Chúa Thánh Thần theo ý muốn cứu độ của Chúa Cha (AG 2). Để những gì Chúa Giêsu đã hoàn thành vì sự cứu rỗi của mọi người có thể đúng lúc đạt được hiệu quả trong mọi người, Ngài đã sai Thánh Thần từ Cha đến để thi hành công trình cứu rỗi của Ngài trong các tâm hồn và trong Hội Thánh (AG 3-4). Vì vậy quả là thích hợp khi gọi Chúa Thánh Thần là tác nhân chính của việc Truyền Giáo, như Đức giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã gọi (x. RM, chương III). Chính Chúa Thánh Thần là đấng làm cho Hội Thánh có khả năng hoàn thành sứ mạng được uỷ thác cho mình (EA s. 43).

Trong viễn tượng này, sứ mạng của Chúa Giêsu và sứ mạng của Chúa Thánh Thần có thể được coi là câu truyện của chính Thiên Chúa. Thiên Chúa là “người kể truyện”.[12] Chúa Thánh Thần sẽ kể câu truyện của Chúa Giêsu cho Hội Thánh. Chúa Giêsu đã hứa, “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần, Đấng Cha sẽ phái đến nhân danh Thầy, sẽ dạy anh em mọi điều và cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14:24). Ba Ngôi Thiên Chúa thậm chí còn được Chúa Giêsu mô tả như là “kể truyện” cho nhau. “Khi Thần Khí Sự Thật đến, Người sẽ dẫn đưa anh em đến sự thật toàn vẹn; Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng Người sẽ nói lại những gì Người nghe, và sẽ loan báo cho anh em những điều sẽ xảy đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.” (Ga 16:13-15). Sứ mạng của Hội Thánh là kết quả của Câu Truyện mà Chúa Thánh Thần nói ra từ Chúa Giêsu và Chúa Cha. Nguồn gốc sứ mạng của Hội Thánh là Chúa Thánh Thần, Người Kể Truyện Vĩ Đại mà Hội Thánh phải lắng nghe để có thể chia sẻ điều mình đã nghe. Hội Thánh là Người Kể Truyện của Thiên Chúa về Chúa Giêsu Kitô vì Hội Thánh lắng nghe Chúa Thánh Thần.

Hội Thánh phải kể truyện Chúa Giêsu, đó là điều đương nhiên. Nhưng, như Đức Gioan Phaolô đã nêu lên một cách chính xác, câu hỏi lớn đối với Châu Á là chia sẻ câu truyện này như thế nào (EAs 19). Khía cạnh ‘như thế nào’ của việc truyền giáo đã từng là mối bận tâm của nhiều nhà thần học Châu Á, như Michael Amaldoss, S.J.[13] Sử dụng một số suy tư của chúng ta về việc hiểu câu truyện, chúng ta hãy nhìn vào việc truyền giáo như là kể câu truyện Chúa Giêsu dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

1.   Hội Thánh kể câu truyện Chúa Giêsu từ kinh nghiệm của mình về Chúa Giêsu.

Kể câu truyện Chúa Giêsu tại Châu Á sẽ hiệu quả hơn nếu phát xuất từ kinh nghiệm của người kể truyện. Đức Phaolô VI trong Evangelii Nuntiandi[14]nhận xét rằng người thời nay tin tưởng vào các chứng nhân nhiều hơn là vào các thầy dạy, nhận xét này đúng cho mọi nơi nhưng càng đúng hơn tại Châu Á nơi mà các nền văn hoá nhấn mạnh đặc biệt vào sự chân thật của các chứng nhân được xác minh bởi kinh nghiệm. Các tông đồ đầu tiên, là những người Châu Á, đã nói về kinh nghiệm của họ—điều họ đã nghe, đã thấy tận mắt, đã chứng kiến và đã sờ bằng tay về Lời Sự Sống (1 Ga 1:1-4). Đối với Hội Thánh đương thời tại Châu Á thì không có cách nào khác. Không có một kinh nghiệm sâu xa về Chúa Giêsu như là Đấng Cứu Thế, làm thế nào tôi có thể kể câu truyện của Người một cách thuyết phục như một phần của câu truyện cá nhân của tôi? Kinh nghiệm của thánh Phaolô là cội nguồn thực sự của việc truyền giáo khi ngài nói, “không còn là tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi; hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2:20). Kể truyện Chúa Giêsu tại Châu Á đòi hỏi sự gặp gỡ sống động của Hội Thánh với Chúa Giêsu trong kinh nguyện, thờ phượng, tương tác với con người, đặc biệt người nghèo, và các sự kiện tạo thành các “dấu chỉ thời đại.”

2.     Câu truyện Chúa Giêsu bộc lộ tính cách của Hội Thánh giữa người nghèo, các nền văn hoá và các tôn giáo của Châu Á.

Cũng như một câu truyện bộc lộ tính cách của một người, thì câu truyện đức tin vào Chúa Giêsu cũng bộc lộ tính cách của người kể như là một người tin. Một chứng nhân kể câu truyện về cuộc gặp gỡ của mình với Đức Giêsu thì không thể và không nên che giấu thân phận mình là một môn đệ của Đấng Cứu Thế. Nhưng cũng như câu truyện của một người hay tính cách của người ấy là kết quả của một mạng lưới các mối quan hệ với con người, văn hoá và các trào lưu xã hội, thì cũng thế, câu truyện Kitô giáo phải được kể trong tương quan với những người khác. Tính cách và câu truyện Kitô giáo tại Châu Á luôn luôn tồn tại cùng với và không tách biệt khỏi tính cách và câu truyện của các nền văn hoá và tôn giáo khác. Câu truyện Chúa Giêsu phải được kể bởi những người Kitô Châu Á sống giữa và sống với người nghèo, các nền văn hoá và các tôn giáo khác nhau, là những yếu tố xác định một phần các tính cách và các câu truyện của họ trong tư cách là người Châu Á. Thực tại Châu Á đã gợi hứng cho Yun-Ka Tan đề nghị rằng missio ad (hướng tới) gentes bây giờ phải được hiểu theo phạm trù mới là missio inter (giữa hay với) gentes.[15] Nhưng tôi cho rằng missio ad gentes không thể bị loại bỏ mà phải được thực hiện inter gentes. Không bao giờ có thể có truyền giáo đích thực hướng tới  các dân mà không đồng thời là truyền giáo với các dân. Và truyền giáo đích thực với các dân lại khích lệ truyền giáo hướng tới các dân. Với và giữa người nghèo, các văn hoá và các tôn giáo, các Kitô hữu Châu Á là người Châu Á. Đến và cho người nghèo, các nền văn hoá và tôn giáo, các Kitô hữu Châu Á là Kitô hữu. Tôi tin rằng sự đan kết các câu truyện này có thể làm phong phú nhiều suy tư của FABC (Liên Hội Đồng Giám Mục Châu Á) về truyền giáo như là cuộc đối thoại với người nghèo, các văn hoá và tôn giáo của Châu Á.[16]

3.     Hội Thánh lưu giữ ký ức sống động và năng động về Chúa Giêsu.

Giữa và cho các người Châu Á khác, Hội Thánh kể câu truyện Chúa Giêsu theo kiểu lưu giữ ký ức sống động về Chúa Giêsu. Lưu giữ ký ức về Chúa Giêsu không có nghĩa là khoá chặt ký ức ấy trong một khu vực hiện hữu không thể chạm tới. Ký ức này được lưu giữ khi nó được tái thích nghi và chia sẻ. Tin tưởng vào Chúa Thánh Thần và trung thành với ký ức bảo đảm trong Truyền Thống của Hội Thánh Phổ Quát, Hội Thánh tại Châu Á phải có can đảm tái khám phá các cách thức mới để kể truyện Chúa Giêsu, tìm ra sinh lực của câu truyện và giải toả các tiềm năng của nó cho việc đổi mới các thực tại Châu Á.

Câu truyện Chúa Giêsu, nếu được cất giữ trong một nhà bảo tàng, thì không thể ban sự sống. Trong Ecclesia in Asia (EAs 19-20, 22) Đức Gioan Phaolô II kêu gọi, đặc biệt đối với các nhà thần học, cố gắng tìm ra khoa sư phạm có thể làm cho câu truyện Chúa Giêsu gần gũi với não trạng của người Châu Á hơn. Ngài tin tưởng rằng cùng một câu truyện có thể được kể trong các viễn tượng mới và trong ánh sáng của các hoàn cảnh mới.

4.     Câu truyện Chúa Giêsu cung cấp ý nghĩa cho các biểu tượng đức tin của Hội Thánh.

Chúng ta đã nói rằng các câu truyện chứa đựng ý nghĩa của đời sống thiêng liêng, đạo đức và các xác tín của một người. Có thể xảy ra tình trạng Hội Thánh có thể bị đồng hoá quá mạnh với một số biểu tượng “tiêu chuẩn” hay cổ hủ nào đó về giáo lý, đạo đức và việc thờ phượng khiến cho người ta quên mất chính câu truyện là nguồn gốc của các biểu tượng ấy. Rồi các biểu tượng tự nó đánh mất sức mạnh đánh động người ta. Các biểu tượng đức tin phải được ăn rễ trở lại trong câu truyện nền tảng của Chúa Giêsu. Ví dụ nghi thức bẻ bánh trong Thánh Thể phải được nhìn thấy trong nhiều câu truyện về sự chia sẻ, chăm lo và hiệp thông, không có các điều này thì nghi thức trở thành vô nghĩa. Nhẫn giám mục phải bắt nguồn từ một câu truyện sống động về sự phục vụ cộng đoàn, thiếu điều này thì chiếc nhẫn chỉ còn là một đồ trang sức. Biểu tượng linh mục như là đại diện Chúa Giêsu phải bắt nguồn từ câu truyện về sự sẵn sàng phục vụ dân, thiếu nó thì chức linh mục trở thành một bậc sống hơn là một ơn gọi. Các biểu tượng đức tin phải được tìm trở về với câu truyện nền tảng của Chúa Giêsu. Một sự trở về với câu truyện của Chúa Giêsu cũng sẽ có thể giúp cho Hội Thánh tại Châu Á sửa sai các ấn tượng về tính chất ngoại bang vốn gắn liền với giáo lý, nghi thức và biểu tượng của Hội Thánh (EAs 20). Tách rời với câu truyện cội nguồn của Chúa Giêsu, các biểu tượng của Hội Thánh rất có thể kể về một câu truyện xa lạ với chính Chúa Giêsu.

5.     Câu truyện Chúa Giêsu phát sinh Hội Thánh.

Các câu truyện cũng làm nên một cộng đoàn, như chúng ta đã nói. Trong kinh nghiệm và ký ức chung, các cộng doàn tìm được sự gắn kết và giá trị chung. Ký ức chung về câu truyện Chúa Giêsu được phát sinh bởi Chúa Thánh Thần phải là nguồn cơ bản cho sự hiệp nhất và bản sắc trong đức tin của Hội Thánh tại Châu Á. Kinh Thánh, các bí tích, đặc biệt Thánh Thể, giáo lý, các nghi thức và toàn thể Truyền Thống là những cách khác nhau để không ngừng kể lại câu truyện Chúa Giêsu hầu giữ cho ký ức về Người luôn luôn là nòng cốt của cộng đoàn Kitô hữu. Nhưng ý nghĩa này của cộng đoàn không phải là lý do để Hội Thánh sống tách biệt với mục đích có thể duy trì được bản sắc riêng của mình. Câu truyện Chúa Giêsu làm nên cộng đoàn Kitô giáo cũng là câu truyện mà cả cộng đoàn phải chia sẻ ra bên ngoài. Trong mẫu kể truyện, Hội Thánh sẽ đánh mất bản sắc của mình nếu không kể được câu truyện là chính bản sắc của nó. “Vì ai muốn giữ mạng sống mình thì sẽ mất; và ai liều mất mạng sống mình vì Thầy và vì Tin Mừng thì sẽ cứu được nó,” Chúa Giêsu nói (Mc 8:35-36). Liên Hội Đồng Giám Mục Châu Á đã có niềm xác tín rằng toàn thể Hội Thánh được kêu gọi truyền giáo.[17] Các Hội Thánh địa phương cần phân định rõ và phát triển nhiều tài năng do Chúa Thánh Thần linh hứng để có thể góp phần vào việc kể truyện Chúa Giêsu. Là kết quả của câu truyện Chúa Giêsu, toàn thể Hội Thánh trở thành người kể lại câu truyện ấy.

6.     Một Hội Thánh lắng nghe cũng là Hội Thánh kể lại câu truyện Chúa Giêsu.

Các câu truyện được hoàn thành nơi người nghe. Nhưng các câu truyện bị áp đặt thì không được lắng nghe. Hội Thánh tại Châu Á phải tin tưởng vào sức sống của câu truyện mình cống hiến, mà không được nghĩ tới việc ép buộc nó trên người khác. Nó đã là một câu truyện đẹp nên sẽ chắc chắn đánh động những ai có chút ít sự cởi mở cõi lòng. Đức Gioan Phaolô II nói với chúng ta trong Ecclesia in Asia rằng chúng ta chia sẻ ơn huệ của Chúa Giêsu không phải là để chiêu nạp người ta mà là vì vâng lời Chúa và để phục vụ các dân tộc Châu Á (EAs 20). Hãy để câu truyện tự nó nói lên và đánh động. Hãy để Chúa Thánh Thần mở cõi lòng và các ký ức của những người nghe và mời gọi họ biến đổi. Đông đảo các dân tộc nghèo khổ của Châu Á có thể tìm thấy sự thương cảm và niềm hi vọng trong câu truyện Chúa Giêsu. Các nền văn hoá của Châu Á sẽ vang lên cùng với sự thách thức về tự do đích thực trong câu truyện Chúa Giêsu. Các tôn giáo khác nhau của Châu Á sẽ kinh ngạc thán phục và kính trọng đối với những người tìm kiếm Thiên Chúa và sự thánh thiện chân chính trong câu truyện Chúa Giêsu. Hội Thánh tại Châu Á được kêu gọi khiêm tốn để Chúa Thánh Thần đánh động các người nghe câu truyện của mình. Là người kể truyện của Chúa Thánh Thần, Hội Thánh tại Châu Á phải đi vào các thế giới và các ngôn ngữ của người nghe và kể câu truyện Chúa Giêsu từ trong đó giống như ngày Lễ Ngũ Tuần.[18] Nhưng điều đó có nghĩa là Hội Thánh tại Châu Á phải là một người thực sự biết nghe Chúa Thánh Thần và người nghèo, các nền văn hoá và tôn giáo, nếu Hội Thánh muốn nói điều gì có ý nghĩa. Một Hội Thánh kể truyện phải là một Hội Thánh lắng nghe.[19]

7.     Hội Thánh kể câu truyện Chúa Giêsu bằng nhiều cách khác nhau.

Các câu truyện có thể kể bằng nhiều cách khác nhau. Câu truyện Chúa Giêsu cũng thế. Hội Thánh tại Châu Á, với di sản kể truyện phong phú có được từ các gia đình, làng xóm, tôn giáo và các sự khôn ngoan truyền thống, có thể tỏ ra sáng tạo trong việc kể truyện Chúa Giêsu. Chứng tá về một đời sống thánh thiện, đạo đức và chính trực vẫn là câu truyện hay nhất về Chúa Giêsu tại Châu Á.[20] Cuộc đời của các người nam người nữ thánh thiện và các tử đạo chứng tỏ câu truyện Chúa Giêsu đã được khắc ghi nơi những con người và những cộng đoàn như thế nào.[21]Những người nam người nữ đã hiến dâng đời mình để phục vụ tha nhân, như Chân phước Têrêxa Calcutta, là những câu truyện sống động mà những dân Châu Á thích nghe. Bênh vực người nghèo, hoạt động cho công lý, cổ võ sự sống, chăm lo người bệnh, giáo dục trẻ em và thanh niên, hoạt động hoà bình, giảm nợ nước ngoài và phục vụ sáng tạo là một số cách kể truyện Chúa Giêsu tại Châu Á hôm nay.[22] Nhưng Hội Thánh cũng phải sẵn sàng để chấp nhận những cách kể truyện Chúa Giêsu bất ngờ do Chúa Thánh Thần linh hứng.

8.     Hội Thánh là tiếng nói của những câu truyện không được kể.

Tình trạng một số câu truyện không được kể xảy ra hằng ngày tại nhiều vùng ở Châu Á là một chuyện đáng xấu hổ. Những người nghèo, trẻ gái, phụ nữ, dân tị nạn, di dân, các dân thiểu số, các dân bản xứ, các nạn nhân của các loại bạo lực gia đình, chính trị và sắc tộc và môi trường mới chỉ là một số ít trong những câu truyện không được kể ra. Nhiều người sợ các câu truyện họ sẽ kể. Hay họ sợ nghe sự thật và các đòi hỏi của nó? Hội Thánh kể câu truyện Chúa Giêsu mà các lời của Người thường bị người ta giả điếc làm ngơ và người ta đã giết chết Người để ngăn cản không cho Người kể câu truyện của Người. Vì thế tại Châu Á Hội Thánh tôn vinh Người bằng cách để cho chính mình trở thành người kể truyện thay cho những người không thể nói để tiếng nói của Chúa Giêsu có thể được nghe trong các câu truyện mà họ bị cấm không được kể.

KẾt luẬn

Truyền giáo như là kể truyện Chúa Giêsu đã đang diễn ra tại Châu Á. Chúng ta ca ngợi nhiều người kể truyện của Chúa Thánh Thần mà các câu truyện của họ, tuy kín ẩn, nhưng đã sinh ra những câu truyện mới trong cuộc đời của nhiều anh chị em Châu Á.

Để kết bài này, tôi hướng về Chúa Giêsu, là Logos hay Câu Truyện của Thiên Chúa và là nhà kể truyện bậc thầy về Nước Thiên Chúa. Chúng ta hãy nhìn lên Người. Chúng ta hãy lắng nghe Người. Chúng ta hãy học với Người. Chúng ta hãy mở lòng đón nghe câu truyện của Người và cách kể truyện của Người. Câu truyện của Người là về Abba Đấng Người đã kinh nghiệm và về sự sống sung mãn mà Cha đã ban tặng. Cuộc đời và tính cách của Người ăn rễ sâu trong sự hiệp nhất liên tục với Abba. Thế nhưng Người đã sống như một người Do Thái bình thường, một người Châu Á bình thường, với gia đình, bạn bè, các phụ nữ, trẻ em, người ngoại bang, các tư tế đền thờ, các thầy dạy luật, các người nghèo, các bệnh nhân, những người cô thế cô thân, những người tội lỗi và những kẻ địch thù. Tất cả họ là một phần con người hiện thực của Người. Người đã qui tụ một cộng đoàn, một gia đình mới gồm những người muốn lắng nghe và thi hành lời Thiên Chúa. Người kể cho họ các câu truyện về Abba và đời sống trong Abba. Người sử dụng ngôn ngữ của họ. Các dụ ngôn của Người đơn sơ nhưng hiệu quả mãnh liệt. Người kể cho họ các câu truyện về Abba qua việc Người ăn uống, chữa bệnh, cảm thông, thương xót, tha thứ, và chỉ trích thái độ đạo đức giả. Câu truyện của Người đã dẫn Người đến một bữa ăn tối trong đó Người trở thành của ăn và Người rửa chân cho các bạn Người. Không gì có thể ngăn cản Người kể câu truyện của Người, cả trên thập giá. Cái chết nhục nhã của Người lẽ ra đã kết thúc câu truyện của Người. Nhưng Abba còn muốn nói thêm một điều gì, “Con của Ta – Người đã sống lại thực sự”. Tuôn đổ ơn Chúa Thánh Thần vào lòng chúng ta, Đức Giêsu uỷ thác câu truyện của Người cho chúng ta. Tôi nghe Người nói, “Hãy nghe câu truyện của Thầy. Hãy đi và kể đi kể lại câu truyện của ta tại nơi mà tất cả đã bắt đầu – tại quê hương Thầy, Châu Á yêu dấu của Thầy!”

 

Lm. Đaminh Ngô Quang Tuyên, chuyển ngữ


Trở về Trang Mục Lục



[1] Vaticanô II, Ad Gentes 6.

[2] Xem Gioan Phaolô II, Redemptoris Missio 41.

[3] Xem Gioan Phaolô II, Ecclesia in Asia 10.

[4] Một trong nhiều ví dụ là Michael L. Cook, S.J., Christology as Narrative Quest (Collegeville, MN: 1997).

[5] Xem Richard Woods, O.P., “Good News: The Story Teller as Evangelist”, New Blackfriars 81 (2000): 206.

[6] Như trên, tr. 205.

[7] Xem Richard Bayuk, C.P.P.S., “Preaching and the Imagination”, Bible Today 38 (2000): 289, 292.

[8] Xem Cook, tr. 31.

[9] Xem Jose Mario C. Francisco, S.J., “The Mediating Role of Narrative in Inter Religious Dialogue: Implications and Illustrations from the Philippines Context”, East Asian Pastoral Review 41 (2004): 164.

[10] Xem Bayuk, tr. 289.

[11] Như trên, tr. 290.

[12] Cook, tr. 39.

[13] Xem các tác phẩm sau đây của Michael Amaldoss, S.J., “Images of Jesus in India”, East Asian Pastoral Review 31 (1994): 6-20 và “‘Who Do You Say that I Am?’ Speaking of Jesus in India Today”, East Asian Pastoral Review 34 (1997): 211-224.

[14] Paul VI, Evangelii Nuntiandi 41.

[15] Jonathan Yun-Ka Tan, Missio Inter Gentes: Towards a New Paradigm in the Mission Theology of the FABC, FABC Papers No. 109.

[16] Văn kiện cơ bản là FABC I (1974), “Evangelization in Modern Day Asia”, đặc biệt # 12, 14, 20, G. Rosales and C.G. Arevalo, editors, For All the Peoples of Asia, Vol. I (Quezon City: Claretian Publications, 1997), tr. 11-25. Nhiều phiên họp toàn thể và cơ quan của FABC là những minh hoạ thêm cho nhận thức cơ bản của FABC I trong các hoàn cảnh đang thay đổi.

[17] Xem BIMA III (Third Bishops’ Institute for Missionary Apostolate, 1982, #5, Ibid.,, tr.. 104.

[18] Xem BIRA IV/12, (Twelfth Bishops’ Institute for Interreligious Affairs on the Theology of Dialogue, 1991) #42-47, Ibid., tr. 332.

[19] Xem BIRA I (First Bishops’ Institute for Interreligious Affairs , 1979), #11-14, Ibid., tr. 111

[20] Xem BIRA III (Third Bishops’ Institute for Interreligious Affairs, 1982), #10, Ibid., tr. 105.

[21] Xem Francisco, tr. 167.

[22] Xem EAs #33-41.