GẶP GỠ

 

Bài chia sẻ của Linh Mục Jean Tanaka, người Nhật, Dòng Đa Minh

Tại Hội Nghị Truyền Giáo Á Châu tại Chiang Mai Thái Lan, 18-22/2006

 

Tôi sẽ bắt đầu bài chia sẻ này bằng một câu chuyện về một tu sĩ Phật Giáo. Trong một chuyến hành hương, vị tu sĩ này gặp một nông dân. Người nông dân nhờ vị tu sĩ khâu dùm chiếc quai dép của anh ta bị đứt. Vị tu sĩ khâu chiếc quai dép cho anh ta. Sau đó anh ta bỏ đi mà chẳng một lời cám ơn vị tu sĩ. Nhìn người nông dân đi xa, vị tu sĩ chắp hai tay biểu lộ lòng biết ơn sâu xa.

 

Nước Nhật có dân số 127 triệu người, trong đó khoảng 1% là người Thiên Chúa Giáo. Số còn lại là những người theo đạo Phật hay Thần Đạo (Shinto). Nhiều người là tín đồ của hơn một tôn giáo vì thế nếu tính tổng số người có tín ngưỡng thì con số lên tới hơn 200 triệu người.

 

Kitô Giáo lần đầu tiên có mặt tại Nhật cách đây khoảng 450 năm khi Thánh Phanxico Xavie đến xứ Phù Tang. Nếu đếm cả người Tin Lành và Công Giáo, con số sẽ lên tới 1.3 triệu người. Gần đây nhiều người Kitô Giáo đến Nhật từ những vùng khác tại Á Châu, Phi Châu, Mỹ La Tinh và họ là những tín đồ tích cực.

 

Tôi sinh ra trong một gia đình theo hai tôn giáo : Đạo Phật và Đạo Shinto. Tôi lớn lên trong một gia đình khắt khe về đạo đức. Khi còn nhỏ tôi được cha mẹ đưa đến các ngôi Chùa Phật Giáo và những đền thờ Thần Đạo và tham gia những sinh hoạt nơi đó mặc dù tội chẳng quan tâm gì tới niềm tin cả. Nói ra thì các bạn sẽ thấy  khó tin, nhưng gia đình chúng tôi có cả hai bàn thờ Đạo Phật và Đạo Shinto. Thực ra đó là chuyện thông thường tại các gia đình bên Nhật. Mỗi buổi sáng, cha tôi đặt những lễ vật trên bàn thờ như nước và cơm. Khi tôi lớn lên, tôi tự nhiên nghĩ về một điều gì đó lớn hơn là con người. Chính điều này dạy tôi về sự tha thứ, chấp nhận, bình an và hài hòa trong tâm hồn. Tôi lớn lên giữa sự thanh vắng của các Ngôi Chùa Phật Giáo, khung cảnh thiên nhiên của các đền thờ Thần Đạo và sự hài hòa với thiên nhiên.

 

Năm 1960, lúc đó tôi là một học sinh trung học 16 tuổi. Tôi cùng năm người bạn thành lập một nhóm riêng mục tiêu để gặp gỡ và nghe người lớn nói về những vấn đề của họ.Chúng tôi chơi với nhau như vậy suốt trong thời gian ba năm. Chúng tôi đặt những câu hỏi tỷ như : Con người là gì? Tự do là gì? Đâu là thiện và ác? Trên con người là gì? Ảnh hưởng của cuộc chiến tranh Việt Nam lúc đó thật ấn tượng và chúng tôi  đặt rất nhiều câu hỏi. Tôi đã cảm thấy nhục nhã khi tôi thấy trên màn hình TV hàng ngày những xe tăng của Mỹ cày nát những cánh đồng lúa. Tôi cũng thấy những hình ảnh lính Mỹ trong những thánh lễ và tôi tự hỏi “trời đất ơi họ cầu nguyện cái gì thế nhỉ”?

 

Lúc đó , tôi đến thăm một nhà thờ Công Giáo và gặp một tu sĩ truyền giáo nơi đó. Ông là một người nhân đức. Khi tôi hỏi ông về cuộc chiến tranh tại Việt Nam, ông nói, “Chúng tôi đã bỏ bom nguyên tử trên đất nước Nhật, và bây giờ chúng tôi lại làm y như thế tại Việt Nam. Hãy tha thứ cho chúng tôi. Cho dù mọi chuyện trên đời có thể diễn ra như thế nào, chúng ta phải là những người xây dựng hòa bình. Chúng ta phải là cánh tay đắc lực của Thiên Chúa”. Sau cuộc gặp gỡ ấy, tôi bắt đầu đến các thánh đường. Tôi đã gặp gỡ lần đầu tiên đạo Công Giáo như thế đó. Tôi nghiên cứu Kinh Thánh, nhưng bất cứ khi nào tôi thắc mắc, tôi luôn luôn nhận được câu trả lời, “Bạn sẽ hiểu khi nào bạn có niềm tin.”Có nhiều lúc câu trả lời như thế dường như đối với tôi là một sự từ chối, vì vậy tôi quyết định chôn sâu trong lòng những thắc mắc đó. Nhưng mặc dù tôi không biết gì hết về đạo Công Giáo, những người tôi quen vẫn mời tôi đến dự các thánh lễ. Bây giờ khi tôi nghĩ lại, tôi thấy mình đã nhận được rất nhiều từ các buổi thánh lễ đó.

 

Có một lần, một thày dòng Bênêdictô đến nói chuyện trong một buổi tĩnh tâm, tôi hỏi thày là tôi phải làm gì để trở thành một tu sĩ. Thày dòng trả lời, “Trước hết, bạn phải rửa tội đã.” Tôi bị lôi cuốn bởi lối sống của những vị tu sĩ đạo Phật cũng như đạo Công Giáo. Tôi nghĩ rằng những yếu tố chính là vì tôi đã được dưỡng dục trong một gia đình Phật Giáo và nhờ tôi đã đọc sách rất nhiều.

 

Ở trường đại học, tôi chọn môn triết học. Thời đó, chủ nghĩa hiện sinh đang rất thịnh hành. Tôi nghiên cứu về Thánh Augustine. Những tiếp xúc của tôi với những bài tự thuật của Ngài viết trong Confessions (Lời thú tội) đã làm tôi xúc động vô cùng. Lý do là vì những cách thức đơn giản mà thánh nhân đã dùng để trình bày sự tìm kiếm của Ngài về chính mình và về sự hòa hợp cũng như những cố gắng của Ngài về việc đi tìm những vết tích của sự gặp gỡ giữa con người và đấng tối cao. Qua triết học phương Tây, tôi suy tư theo cách riêng của mình sự khác biêt giữa Kitô giáo và Phật Giáo. Người Kitô giáo nhận biết mọi sự trong tương quan với Thượng Đế, trong khi người Phật Tử giải thích mọi chuyện mà không đề cập gì đến một đấng tối cao, một Thượng Đế, nào cả. Người Kitô giáo đặt ưu tiên những quan hệ giữa con người với nhau trên những kinh nghiệm cá nhân trong khi người Phật Tử lại chỉ nhấn mạnh đến kinh nghiệm cá nhân. Kitô giáo coi những kinh nghiệm quan trọng nhất của cá nhân là một cuộc sống đặt trên nền tảng mọi người là anh em chị em với nhau. Dựa vào đó “tha thứ” là nền tảng cho sự phát triển mọi quan hệ giữa con người với nhau. Tôi cho rằng điều này vô cùng quan trọng sau khi suy nghĩ rất kỹ về câu trả lời của Giêsu được ghi chép lại trong Gioan 8 về người đàn bà bị bắt gặp ngoại tình. Những Kinh Sư và những người Pha-ri-siêu đã thử Chúa Giêsu bằng cách hỏi rằng, “Luật Mai-sen dạy chúng tôi phải ném đá người này. Còn Ngài, Ngài dạy phải làm  sao?” Họ tìm một lời giải thích nào đó để bắt tội Người. Nhưng Chúa Giêsu cúi xuống và viết một cái gì đó trên mặt đất. Họ kiên nhẫn chờ đợi. Cuối cùng Chúa Giêsu  đứng dậy và nói, “Trong các vị, ai là người sạch tội thì hãy cầm hòn đá mà ném người này trước đi.” Sau đó Người lại cúi xuống và viết những gì đó trên mặt đất. Lần lượt từng người một trong đám người đó bỏ đi cho đến khi chỉ còn lại mình Người và người đàn bà bị bắt tội. Người đứng lên và hỏi, “Họ đi đâu cả rồi? Không có ai lên án chị hay sao?” Người đàn bà trả lời, “Thưa Ngài, không có ai cả.” Và Chúa nói với người phụ nữ, “Tôi cũng vậy, tôi chẳng lên án chị. Hãy đi và đừng phạm tội nữa.” (Ga 7, 53; 8,11). Đây là một minh chứng của một tình yêu tuyệt vời. Tôi tự hỏi chính mình, trong xã hội loài người, ai là người định đoạt tội lỗi của một con người. Có phải là những kẻ có quyền thế và những kẻ có địa vị? Trong sách Xuất Hành, Sách Nhị Luật và Thánh Vịnh 139, Thiên Chúa không phải chỉ có mặt ở những nơi tôn vinh Người, nhưng Người xuống ở bên cạnh chúng ta. Giêsu cúi xuống với chúng ta và đứng lên cùng chúng ta. Người viết cái gì đó trong yên lặng trên mặt đất. Chung quanh Thập Tự của Giêsu cũng có một “sự yên lặng” nào đó. Tôi tự cho rằng đó chính là một “nền văn hóa của  sự yên lặng” được nuôi dưỡng trong con người tôi nhờ gia đình tôi là gia đình Phật Giáo và chính nó đã thúc đẩy để tôi tìm về phép rửa.Tôi cũng khám phá ra rằng sự tha thứ mang lại cho con người không những sự giải phóng mà cả sự sáng tạo. Đó chính là yếu tố quan trọng nhất của sự nối kết. Tại sao? Bởi vì tha thứ giải quyết những tranh cãi khó khăn nhất, hàn gắn những vết thương đau đớn nhất, cũng như giữ gìn sự thật. Tha thứ về bản chất lôi kéo theo mọi hình thức để tạo nên hạnh phúc và khiến con người có thể tiếp tục sáng tạo.

 

Giáo Hội Công Giáo là một nơi tôi tìm thấy sự thoải mái. Việc gặp gỡ nhiều bạn bè đã lôi kéo tôi vào đúng lúc tôi 19 tuổi, ngày 19-7-1969, cùng ngày phi thuyền Apollo 11 hạ cánh trên mặt trăng và Neil Amstrong đánh dấu một bước đi vĩ đại của con người  trên đó, để tôi thực hiện một bước đi vĩ đại : tôi chịu phép rửa tội. Sau đó tôi được lôi kéo vào đời sống tu trì.

 

Những gì xảy ra tiếp theo, tôi muốn chiêm nghiệm nó trong tương quan nối kết giữa các cá nhân và trong quan hệ khắn khít của truyền thống Kitô Giáo và Phật Giáo. Đó chính là bàn về việc những truyền thống đó đã hòa hợp với kinh nghiệm của tôi như thế nào cho đến nay. Cốt lõi của niềm tin Kitô Giáo là Thiên Chúa Ba Ngôi : Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần. Thiên Chúa cũng đã tạo dựng con người với hình ảnh của Người. Ngay từ khởi thủy của sự hiện hữu của con người, Thiên Chúa đã bộc lộ bản thể của mình đối với từng con người một và cùng mời gọi con người chia sẻ cuộc sống vĩnh cửu của Người. Để cuối cùng, tất cả mọi con người về cơ bản đều có liên hệ mật thiết với nhau. Trong Thiên Chúa Giáo, con người thực sự và Đấng Giêsu thực sự là một hình ảnh tiêu biểu cho thấy rằng mọi con người trên cõi thế gian này đều được mời gọi để nên giống như nhau. Giêsu  cũng cho thấy rằng sống với nhau như anh em một nhà là điều vô cùng cần thiết để phát triển nhân vị của mình. Tình thân thiện cũng là điều vô cùng quan trọng đối với giáo hội, chính đó là minh chứng liên tục cho giao ước giữa Thiên Chúa và con dân của người. Cội rễ của niềm tin, một từ cơ bản được dùng để nói về sự hoàn hảo của con người đó là “Hiệp Thông”. Rõ ràng đó chính là nối kết. Sự hiệp thông giữa các cá nhân với nhau bắt nguồn từ sự tôn trọng thực sự lẫn nhau dạy chúng ta rằng thật là dối trá khi đi tìm hạnh phúc và sự phát triển nhân vị con người một nơi nào khác. Để có thể hoàn thiện, chúng ta phải tiếp tục ràng buộc nhau trong mạng lưới nối kết để tạo cho chúng ta đời sống mà không sợ bị thất bại hay bất toàn. Chính mạng lưới mà chúng ta dệt nên đó sẽ tạo sự sống cho người khác. Gặp gỡ người khác chính là cốt lõi của kinh nghiêm của tất cả những ai tin Chúa và chọn sống niềm tin đó trong giáo hội. Vì thế, giáo hội nhấn mạnh đến điều cần thiết phải nối kết và đối thoại với nhau và với mọi người. Do đó, người Kitô hữu biết rõ rằng người Phật Tử, người Hồi giáo, người Do Thái giáo, người theo Thần Đạo tất cả đều là “những người đồng hành trên con đường chung mà họ được mời gọi để đi theo”. Y hệt như chúng ta đang cùng nhau đào một nguồn nước ngầm dưới đất. Hoặc giống như tất cả chúng ta đang cùng leo lên đỉnh một ngọn núi bằng những con đường khác nhau hay là chúng ta cùng đang nhìn lên cùng một mặt trăng trên trời.

 

Cuối cùng, tôi muốn nói một đôi điều từ kinh nghiệm Phật Giáo về những khía cạnh quan trọng của Thiên Chúa Giáo.

 

  1. Vị trí của nhân vị

 

Nhận thức về nhân vị con người là nhất quán, không thay đổi. Đó là cốt lõi của Thiên Chúa Giáo. Giữa các cá nhân và việc cấu thành nhân vị có một sự nối kết, tương quan mật thiết. Sự quan trọng của tình yêu và hiệp thông với những người khác cũng rất là quan trọng. Vì vậy người Kitô giáo có thể rối trí khi họ khám phá ra rằng giáo thuyết nền tảng của Phật Giáo là “vô ngã” (anatman). Họ có thể có cảm tưởng rằng giáo huấn này hoàn toàn trái ngược với những gì mà đối với họ rất là quan trọng. Chẳng hạn, nhiều người không phải là Phật tử nghĩ rằng vô ngã  hay anatman đơn giản là từ bỏ cái ta và vì thế cũng từ bỏ cả nhân vị. Thật ra rõ ràng là cái ta và nhân vị cùng tương phản nhau. Vì nhận xét như vậy người TCG nhắc lại lời nói của Đức Giêsu theo đó trong mỗi con người chúng ta đều có cái ta, và cái ta đó phải bị tiêu diệt. Nhưng khi họ tiến gần đến vấn đề từ vị trí này, họ mới khám phá ra rằng Đạo Phật không có xa cách gì cho lắm với kinh nghiệm của người Kitô giáo như họ nghĩ. Cũng vậy, một phần nào đó họ thể khám phá ra một phần sự thật trong nhận thức của Phật Giáo về sự vô cùng có hại của ích kỷ gắn liền với cái ta. Và họ không thể không cảm nhận lập tức đối với giáo thuyết của Phật Giáo về bản chất chóng qua phù du của thế giới này cũng như tất cả những sinh vật của thế giới ấy. Tất cả những ai thấy rằng nhận thức này có vẻ trái ngược với truyền thống Kitô giáo thì nên xem lại Sách Giảng Viên (Qoheleth). Câu nói quan trọng là, “Hư ảo! Hư ảo! Chắc chắn rằng tất cả đều là phù vân giả dối!” Một quan tâm đầy đủ và sâu sắc về tính chất phù du của con người là khởi điểm mà cả Phật Giáo và TCG cùng chia sẻ về “một con đường chung mà mọi người khi sinh ra đều phải chấp nhận”.

 

  1. Tìm hiểu về Thượng Đế là diều quan trọng đối với người TCG.

 

Đó là vì nếu người TCG muốn nối kết cái đang nằm trong tâm điểm của chính con người họ, thì họ không thể đề cập một cách rõ ràng về vị trí của nhân vị nếu không nói đến Thượng Đế. Người Phật Giáo không đề cập đến thượng đế trong quan điểm của họ về nhân loại và về thế giới. Phật Giáo nhìn và trải nghiệm Thượng đế như thế đó. Điều này đã quá rõ ràng và chắc chắn. Người TCG phải hiểu điều đó bởi vì quan điểm của người Phật Giáo khác với quan điểm của chúng ta. Một gặp gỡ nào với người Phật Giáo cũng đòi hỏi chúng ta phải xem xét thói quen trong lời nói và suy nghĩ của chúng ta về Thượng Đế. Đây là một thử thách đối với mọi giáo hội TCG ngày nay. Chúng ta phải huấn luyện mình để suy nghĩ về một tư duy khác.

 

  1. Vấn đề về ngôn từ Trong Phật Giáo và Thiên Chúa giáo.

 

Khi con người bắt đầu cố gắng để nói về Sự Thật tuyệt đối, về Chung Cuộc, có cần phải tránh biến Sự Thật đó thành một đối tượng của nhận thức hay không? Đó là một vấn đề khó. Nếu Sự Thật này (mà người TCG vẫn thường gọi là Thiên Chúa) trở thành một đối tượng của nhận thức thì chẳng bao lâu đối tượng ấy sẽ bị những ai “biết rõ” kiểm soát.

 

Việc đặt vấn đề về trải nghiệm tinh thần sẽ dẫn chúng ta đến một đối thoại sâu hơn. Tuy nhiên sự trái ngược rõ ràng giữa trải nghiệm của người Phật Tử về “tuyệt đối” và “hư vô”, mà điều này về cơ bản không có chỗ cho Thượng đế ngoại trừ cho chính bản thân chúng ta, và trải nghiệm của người TCG về một sự hiệp thông với Thượng Đế như một người đối diện, là điều có lẽ không thể tránh được. Nhận thức của người Phật Giáo về “tuyệt đối” sẽ giải thích cái tạo nên cách biệt và phân chia. Người TCG cũng bị thử thách khi phải tiên nghiệm về những điều đó. Nhưng đồng thời, chúng ta thấy được tiến trình siêu việt tính xảy ra trong liên hệ giữa Thượng Đế và đại gia đình nhân loại. Thêm vào đó, ngay cả khi cá nhân trong ý nghĩa bản ngã sai lầm được mô tả trong lý thuyết của Phật Giáo không còn nữa giữa cái phong phú của sự hiệp thông mà Thiên Chúa đã hứa, chúng ta tin chắc rằng điều bí mật về nhân vị vẫn còn đó.

 

Càng muốn niềm tin về Chúa Giêsu bén rễ sâu bao nhiêu, con người càng phải hiểu rằng họ phải mở lòng ra để đón nhận trải nghiệm của người anh em khác và cùng chia sẻ kinh nghiệm của họ với những người anh em khác đó.            

 

Trần Bá Nguyệt, chuyển ngữ

1-12-2006.


Trở về Trang Mục Lục