SỨ điỆp cỦa ĐỨc Thánh Cha nhân ngày truyỀn thông thẾ giỚi lẦn thỨ XXXV

(vcn 26/05/2001). Vatican – Đức Thánh Cha đã đưa ra Sứ điệp cho Ngày Truyền Thông Thế Giới lần thứ XXXV sẽ tổ chức tại Roma kêu gọi tín hữu tuyên xưng Chúa Giê-su “từ trên mái nhà” qua phương tiện truyền thông đại chúng bằng mạng lưới truyền thông toàn cầu.

Nhìn nhận tiềm lực kỳ diệu của phương tiện truyền thông đại chúng qua việc truyền rao Tin Mừng cách trực tiếp, Đức Giáo Hoàng đòi hỏi Giáo Hội phải “tích cực và sáng tạo” để công bố Tin Mừng qua hệ thống mạng lưới toàn cầu (internet), phát sóng qua vệ tinh nhân tạo và trong số các ngành truyền thông khác.

Những người làm việc cho phương tiện truyền thông đại chúng phải có một “trách nhiệm ngôn sứ” để lên tiếng chống lại chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa tiêu thụ và các “Thần giả”, Đức Thánh Cha cũng thêm rằng tiếng nói của Kitô hữu không bao giờ được lặng thinh nhưng dùng để cỗ võ cho chân lý và nhân phẩm con người.

Sau đây là toàn văn Sứ điệp của Đức Thánh Cha được công bố vào ngày 24 tháng Giêng 2001 nhân ngày lễ kính thánh Phanxicô đệ Sales, quan thầy của giới báo chí, dành cho Ngày Truyền Thông Thế Giới lần thứ XXXV, ngày 27 tháng Năm 2001 [bản dịch Ngọc Loan]

 

“RAO GIẢNG TỪ TRÊN MÁI NHÀ” :

Phúc Âm trong thời đại của Truyền Thông toàn cầu

1.        Chủ đề mà tôi chọn cho Ngày Truyền Thông Thế Giới vào tháng Năm 2001 vọng lên chính những lời của Chúa Giêsu. Nếu không thì nó sẽ không đúng, bởi vì chính Chúa Kitô mà chúng ta rao giảng. Tôi nhớ lại những lời của Ngài nói với những môn đệ đầu tiên của Ngài : “Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà mà giảng” (Mt 10,27). Trong thâm tâm của chúng ta, chúng ta đã nghe chân lý của Chúa Giêsu, bây giờ chúng ta phải tuyên xưng chân lý đó từ trên mái nhà.

      Trong thế giới ngày hôm nay, mái nhà hầu như lúc nào cũng có cả rừng cột truyền thanh và an-tê-na gửi đi và tiếp nhận đủ loại sứ điệp từ khắp mọi nơi trên thế giới. Cho nên điều tối quan trọng sống còn là phải bảo đảm thế nào trong những sứ điệp Lời Chúa cần phải được nghe biết đến. Tuyên xưng đức tin từ trên mái nhà có nghĩa là qua thế giới năng động của các phương tiện truyền thông.

2.        Trong tất cả mọi văn hóa và qua mọi thời – chắc chắn rằng giữa những sự biến đổi hoàn cầu ngày hôm nay – nhân loại hỏi những câu hỏi cơ bản giống nhau về ý nghĩa cho cuộc đời : Tôi là ai ? Tôi từ đâu đến và tôi sẽ đi về đâu ? (x Fides et Ratio, 1). Và qua mọi thời đại Giáo Hội cho biết chính là Chúa Giêsu Kitô, Đấng duy nhất có thể giải đáp thỏa mãn các câu hỏi thâm sâu nhất trong tâm khảm con người, “Đấng đã cho con người biết rõ về chính con người và tỏ cho họ biết thiên chức rất cao cả của họ” (Gaudium et Spes, 22) . Vì thế, tiếng nói của Kitô hữu không thể lặng yên, vì Thiên Chúa đã ủy thác cho chúng ta lời cứu độ mà nhân loại đã mòn mỏi đợi trông. Phúc âm cống hiến viên ngọc quí mà tất cả chúng ta đang kiếm tìm (x Mt 13,45-46).

      Theo đó Giáo Hội không thể thiếu xót nhưng từng tham gia một cách miệt mài hơn trong thế giới truyền thông đang trên đà phát triển. Mạng lưới truyền thông toàn cầu đang mở rộng và phát triển mỗi ngày mỗi phức tạp hơn, và truyền thông đang gia tăng ảnh hưởng hữu hình trên văn hoá và sự truyền đi của nó. Một khi truyền thông tường thuật các biến cố, mà nó thường được gọt dũa để đạt tới những yêu cầu của giới truyền thông. Như thế , sự liên hệ giữ sự thật và thuyền thông càng trở nên phức tạp, và đây là một hiện tượng rất ư là mờ ảo. Một mặt nó che mờ sự khác biệt giữa chân lý và ảo tưởng, mặt khác nó mở ra một cơ hội chưa từng thấy để chân lý được nhiều người biết đến một cách rộng rãi. Nhiệm vụ của Giáo Hội là để cho điều thứ hai được thực sự xảy ra.

3.        Thế giới truyền thông dường như đôi khi hững hờ và ngay cả tỏ ra thù nghịch với đức tin và luân lý Kitô Giáo. Bởi vì một phần văn hoá truyền thông đã thấm nhuần một thành kiến của thời đại hậu sinh rằng chỉ có một chân lý đích thực là không có chân lý nào đúng, hoặc giả có thì lý trí con người không thể đạt tới do đó không còn thích hợp. Với cái nhìn như thế, bất kỳ vấn đề gì không còn là chân lý nhưng là “câu chuyện”; nếu một điều gì đó là tin tức có giá trị hay có tính cách giải trí, sự quyến rũ để gạt bỏ chân lý ra bên ngoài là điều hầu như không thể cưỡng lại được. Kết quả là, đối với cánh đồng truyền giáo lắm khi thế giới truyền thông không còn coi như thân thiện hơn là thời dị giáo của các Tông Đồ. Nhưng đúng như các chứng nhân tiên khởi của Tin Mừng đã không thoái lui khi đối đầu với sự chống đối, ngày nay người môn đồ theo Chúa Kitô cũng phải làm như vâỵ. Tiếng kêu van của Thánh Phaolô vẫn còn vang vọng trong chúng ta : “Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9,16).

      Thế giới truyền thông có lần như thể là đi ngược lại với sứ điệp Kitô giáo, tuy vậy nó cũng tạo cho cơ hội độc nhất để công bố chân lý cứu độ của Chúa Kitô cho toàn nhân loại. Thí dụ buổi truyền hình trực tiếp những lễ nghi tôn giáo qua hệ thống vệ tinh nhân tạo thường được chiếu ra cho khán giả hoàn vũ, hay những khả năng tích cực của mạng lưới điện toán toàn cầu mang truyền thông tôn giáo và giáo huấn vượt qua mọi chướng ngại và biên cương.Với một lượng khán giả đông như thế sẽ làm cho các vị rao giảng Tin Mừng trước chúng ta không thể hình dung ra. Cho nên những gì cần thiết cho thời đại chúng ta là Giáo Hội tham dự vào truyền thông một cách tích cực và sáng tạo. Người Công Giáo không nên sợ sệt mà mở toang những cánh cửa truyền thông xã hội cho Đức Kitô, hầu Tin Mừng của Ngài có thể được nghe thấy từ trên các đỉnh nhà của thế giới.

4.   Cũng thật là quan trọng để nhớ tới sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội (Ad Gentes) vào buổi đầu của ngàn năm mới, mà Chúa Kitô đã giao phó cho Giáo Hội. Ước lượng khoảng 2/3 trong tổng số 6 tỉ người trên thế giới còn chưa biết đích thực Chúa Ki-tô là ai, và nhiều người sống trong các quốc gia có gốc rễ là Thiên Chúa giáo, nhưng toàn thể tầng lớp những người đã được lãnh nhận bí tích rửa tội này đã mất đi ý nghĩa sống đạo và đức tin, hay không còn coi mình là thành phần của Giáo Hội nữa và sống đời sống xa rời Thiên Chúa và Tin Mừng của Ngài (x Redemptoris Missio, 33). Chắc chắn rằng, một đáp ứng hữu hiệu còn đòi hỏi nhiều hơn phương tiện truyền thông đại chúng, nhưng để cố gắng vượt qua thử thách người Kitô hữu không thể không để ý đến thế giới truyền thông xã hội. Thật vậy, mỗi loại truyền thông đại chúng có thể đóng vai trò cần thiết trong việc truyền giáo trực tiếp và mang lại cho con người những chân lý và giá trị mà nó nâng đỡ và nâng cao phẩm giá con người. Sự hiện diện của Giáo Hội trong phương tiện truyền thông thật sự là một khía cạnh quan trọng bản sắc hóa của Tin Mừng đòi hỏi phương cách truyền giáo mới mà Chúa Thánh Linh đang triệu tập Giáo Hội từ khắp nơi trên thế giới.

      Như toàn thể Giáo Hội kiếm tìm lắng nghe lời gọi của Chúa Thánh Linh, nhà truyền thông Kitô giáo có “một trách nhiệm ngôn sứ, một ơn gọi : lên tiếng chống lại các tà thần và ngẫu tượng giả của ngày nay – thuyết duy vật, chủ nghĩa khoái lạc, chủ nghĩa tiêu thụ, chủ nghĩa quốc gia hẹp hòi . . .” (Ethics in Communications, 31). Trên mọi sự, họ có bổn phận và quyền lợi để công bố chân lý – chân lý vinh quang về đời sống con người và định mệnh con người được tỏ bày ra nơi Ngôi Lời nhập thể. Ước chi người Công Giáo để tâm vào thế giới truyền thông xã hội, mãi mãi rao giảng chân lý của Chúa Giê-su một cách can đảm và hân hoan từ trên mái nhà, để con người có thể nghe về tình yêu là trái tim của Thiên Chúa được truyền đạt nơi chính Chúa Giê-su Ki-tô, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời (x Dt 13,8).

      Từ điện Vatican 24 tháng Giêng 2001, ngày lễ kính Thánh Phanxicô đệ Sales.

 

Joannes Paulus II

Nguồn Vietcatholic.net

 

 

Trở về Trang Mục Lục Giáo Hội