Sứ Điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Quốc Tế Về Người Di Cư Và Tị Nạn

Ngày18 tháng 01 năm 2015: Giáo hội không có biên giới, Giáo hội là Mẹ của tất cả



Anh chị em thân mến,

Chúa Giê-su là „Đấng Loan Báo Tin Mừng một cách tuyệt đối và là hiện thân của Tin Mừng“ (Evangelii gaudium [EG], 209). Sự quan tâm của Ngài, đặc biệt đối với những người bị tổn thương nhất và đối với những người bị đẩy ra bên lề cuộc sống, thúc bách tất cả mọi người, hãy tiếp nhận về mình những người yếu đuối nhất, và hãy nhận ra dung mạo đau khổ của Ngài, trước hết là nơi những nạn nhân của những hình thức nghèo túng và nô lệ mới. Chúa Giê-su đã từng nói: „Ta đói, các ngươi đã cho Ta ăn; Ta khát, các ngươi đã cho ta uống; Ta là khách lạ và không nơi nương tựa, các ngươi đã tiếp đón Ta; Ta trần truồng, các ngươi đã cho Ta áo che thân; Ta đau yếu, các ngươi đã trông nom; Ta bị tù đầy, các ngươi đã đến thăm“ (Mt. 25, 35-36). Sứ mạng của Giáo hội, của người lữ hành nơi dương thế và là Mẹ của tất cả mọi người, chính là việc yêu mến Chúa Giê-su Ki-tô, tôn thờ Người và yêu mến Người, đặc biệt là trong những người nghèo đói nhất và những người bị bỏ rơi nhất; trong số những người ấy, chính là những người di dân hay tị nạn nào đó mà họ đang cố gắng đặt mình đàng sau những điều kiện sống khắc nghiệt và những mối nguy hiểm, với đủ kiểu đủ loại. Vì thế, Ngày Quốc Tế Về Người Di Dân Và Tị Nạn của năm nay có đề tài là: Giáo Hội không có biên giới, Mẹ của tất cả.

Trong thực tế, Giáo hội đang trải rộng đôi tay của mình để đón nhận tất cả các dân tộc một cách bình đẳng và không hạn định, hầu công bố cho tất cả biết rằng: „Thiên Chúa là Tình Yêu“ (1Ga. 4, 8.16). Sau cái chết và sự phục sinh của Ngài, Chúa Giê-su đã ủy thác cho các môn đệ của mình sứ mạng để trở thành chứng nhân cho Ngài cũng như loan báo Tin Mừng và lòng thương xót. Vào ngày Lễ Ngũ Tuần, các Ngài đã rời bỏ căn phòng Tiệc Ly một cách đầy can đảm và hăng hái; sức mạnh của Chúa Thánh Thần đã chiến thắng thói nghi nan và sự bất an, và đã gây ra điều rằng, bất cứ ai cũng đều hiểu được sự loan báo của các Ngài trong ngôn ngữ riêng của mình. Như vậy, ngay từ đầu, Giáo hội đã là một người Mẹ, mà con tim của Bà luôn mở ra cho toàn thế giới, không hề có ranh giới. Sự sai phái này đã trải dài trong suốt hai ngàn năm của lịch sử, nhưng ngay từ ngàn năm thứ nhất, việc loan báo Tin Mừng cũng đã nhấn mạnh tới tình mẫu tử phổ quát của Giáo hội rồi, mà điều ấy đã được trình bày trong các trước tác của các Giáo Phụ, và được tái làm sáng tỏ bởi Công Đồng Vatican II. Các nghị phụ của Công Đồng đã sử dụng cụm từ Ecclesiae mater (Mẹ Giáo Hội) để giải thích về bản chất của Giáo hội. Nói cho chính xác hơn, Giáo hội sinh ra những người con trai và con gái, liên kết những người con trai con gái đó lại thành một, và ôm ghì lấy những người con của mình trong mối quan tâm đầy yêu thương (xc. LG. 14).

Giáo hội không biên giới và là Mẹ của tất cả đang truyền bá nền văn hóa đón nhận và liên đới trên khắp hoàn cầu, nền văn hóa của điều mà theo đó không ai là người vô tích sự, không ai bị nhìn ngó như là người không có chỗ nào được dành cho mình, hay là người để bị loại. Nếu cộng đoàn Ki-tô giáo sống thực sự tình mẫu tử của mình thì cộng đoàn ấy đang trao tặng lương thực, sự định hướng, dấu chỉ đường và sự đồng hành đầy kiên nhẫn. Cộng đoàn ấy đến gần con người trong cầu nguyện cũng như trong những công việc của tình thương xót. Ngày hôm nay, tất cả đang tiếp nhận điều đó với tầm quan trọng đặc biệt. Trong một thời đại đang có rất nhiều những cuộc di dân rộng khắp, mà thực ra là đang có một số lớn con người phải rời bỏ nơi xuất thân của mình, và khởi đầu một cuộc lên đường đầy mạo hiểm với niềm hy vọng và với một hành trang chất đầy những nhớ nhung và những nỗi sợ hãi, trong cuộc kiếm tìm những điều kiện sống phù hợp với nhân vị. Nhưng những cuộc lên đường này không hiếm khi vấp phải thái độ bất tín và thù địch, kể cả trong những cộng đoàn Giáo hội, thậm chí trước khi người ta biết tới những câu chuyện về cuộc sống, những câu chuyện về cuộc bách hại hay về cơn hoạn nạn của những người có liên quan. Trong bất cứ trường hợp nào đi chăng nữa, những nghi ngờ và những tiên kiến đều lâm vào sự xung đột với lề luật của Kinh Thánh về việc đón nhận những khách lạ túng thiếu, với sự kính trọng và tình liên đớn. Một mặt, người ta nhận thấy tiếng gọi của lương tâm từ trong lòng để đụng chạm tới sự hoạn nạn của con người và thi hành giới luật yêu thương trong thực tế, tức giới luật mà Chúa Giê-su đã để lại cho chúng ta khi Ngài tự đồng hóa mình với những khách lạ, với những người đau khổ và với tất cả những nạn nhân vô tội của bạo lực và bóc lột. Nhưng mặt khác, do sự yếu đuối từ bản tính nhân loại của mình, chúng ta lại nhận ra „cơn cám dỗ muốn trở thành những Ki-tô hữu giữ một khoảng cách chắc chắn với những vết thương của Chúa“ (EG, 270).

Sự can đảm của Đức Tin, của niềm Hy Vọng và của Đức Ái góp phần cắt giảm những cự ly mà nó chia cắt chúng ta khỏi những tấn thản kịch của nhân loại. Chúa Giê-su luôn trông chờ để được nhận biết nơi những di dân, nơi những người tị nạn, nơi những người bị đẩy ra bên lề cuộc sống và nơi những người vô gia cư, và cũng trên cách thế ấy, Ngài kêu gọi chúng ta hãy sẻ chia những nguồn tài chính và thỉnh thoảng từ chối một cái gì đó từ cuộc sống sung túc giầu sang đang có của chúng ta. Đức Phao-lô VI đã gợi nhớ tới điều đó khi Ngài nói: „Những người được ưu tiên nhất phải từ chối một ít quyền lợi của họ để đặt những tài sản của mình vào trong sự phục vụ người khác với tính hào phóng to lớn hơn“ (Thông Điệp Octogesima adveniens, 14.05.1971, số 23).

Ngoài ra, đặc tính đa văn hóa của những cộng đồng ngày nay khích lệ Giáo hội đảm nhận những trách vụ mới của tình liên đới, của sự cộng tác và của việc loan báo Tin Mừng. Những cuộc di dân thực ra đang tạo cơ hội để đào sâu thêm, cũng như để củng cố thêm những giá trị mà chúng rất cần thiết trong việc bảo đảm cuộc chung sống hòa hợp của những con người và những nền văn hóa. Để đạt tới đích điểm này, chỉ nguyên sự bao dung mà nó mở ra con đường dẫn tới sự kính trọng trước những điều khác biệt và mang đến một sự cộng tác của những con người thuộc những nguồn gốc và những nền văn hóa khác nhau, thì không thể đủ. Trong vấn đề này, ơn gọi của Giáo hội sẽ thích ứng để thắng vượt các ranh giới và  thúc đẩy „một sự đi ra khỏi thái độ của sự phòng vệ, của sự sợ hãi và của sự dửng dưng hay của sự loại trừ… hầu đi đến một quan niệm mà nền tảng của nó là nền văn hóa gặp gỡ. Chỉ có điều đó mới có thể kiến tạo nên một thế giới công bằng và huynh đệ“ (Sứ Điệp Nhân Ngày Quốc Tề Về Người Di Cư Và Tị Nạn 2014).

Tuy nhiên, những cuộc di cư đã giả định những chiều kích như thế đến độ chỉ có sự cộng tác mang tính hệ thống, thường xuyên và mạnh mẽ, mà nó bao hàm các chính phủ và các tổ chức quốc tế, mới có thể thực hiện được việc dẫn dắt và điều chỉnh chúng một cách có hiệu quả. Trong thực tế, những di dân đang tạo điều kiện cho tất cả, không chỉ vì mức độ của hiện tượng, nhưng cũng còn vì „những vấn đề mang tính xã hội, kinh tế, chính trị, văn hóa và tôn giáo mà nó đả động tới, vì những thách đố đầy bi kịch, mà chúng được đặt ra cho các quốc gia và cộng đồng quốc tế“ (Đức Bê-nê-đíc-tô XVI, Thông Điệp Caritas in Veritate, 29.06.2009, số 62).

Trong chương trình nghị sự quốc tế, những cuộc thảo luận thường xuyên luôn đề cập tới tính thời sự, những phương pháp và những quy định luật lệ hầu đối diện với hiện tượng di dân. Có những tổ chức, những cơ quan, trên bình diện cả quốc tế, quốc gia lẫn địa phương, đang đặt công việc và năng lực của mình vào trong sự phục vụ những người đang tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn bằng việc lên đường. Bất chấp những nỗ lực hết sức to lớn và đáng khen của họ, một chiến dịch vừa có chiều sâu, vừa có sự định giá cũng như vừa có tính hiệu quả, vẫn là điều cần thiết; chiến dịch này sẽ sử dụng mạng lưới cộng tác toàn cầu, được đặt nền móng trên việc bảo vệ phẩm giá và tính trung tâm của mỗi con người. Với phương cách này, cuộc chiến chống lại nạn buôn người đáng xấu hổ và tàn nhẫn, chống lại việc xâm phạm những quyền lợi căn bản, chống lại mọi hình thức bạo lực, áp bức và nô dịch hóa, sẽ trở nên có hiệu quả. Nhưng để làm việc chung, đòi hỏi phải có tính hỗ tương và sự cộng tác với sự sẵn sàng và tin tưởng, trong sự ý thức rằng, „không quốc gia nào … có thể đương đầu một mình với những khó khăn mà chúng có liên quan tới hiện tượng này; nó quá mênh mông đến độ liên quan tới tất cả các châu lục trong sự chuyển động kép của sự nhập cư và sự di cư“ (Sứ Điệp Nhân Ngày Quốc Tế Về Người Di Cư Và Tị Nạn Năm 2014).

Sự toàn cầu hóa của hiện tượng di dân phải được trả lời với sự toàn cầu hóa của Tình Yêu tha nhân và sự cộng tác, hầu làm cho tình cảnh của những người di dân trở nên nhân tính hơn. Đồng thời, những nỗ lực cũng cần phải được củng cố hầu tạo ra những điều kiện mà chúng phù hợp để bảo đảm cho một sự cắt giảm những nguyên nhân không ngừng phát triển đang xô đẩy tất cả các dân tộc từ bỏ nơi chôn rau cắt rốn của mình vì những cuộc chiến và vì những nạn đói kém mà chúng thường xuyên tương tác lẫn nhau.

Với sự liên đới dành cho những di dân và những người tị nạn, sự can đảm và óc sáng tạo cần phải được liên kết với nhau, chúng cần thiết để khai triển một trật tự kinh tế và tài chính công bằng và hài hòa, cùng với một sự đóng góp được tăng cường cho hòa bình mà nó là một điều kiện tiên quyết và cần thiết cho bất cứ sự tiến bộ đích thực nào.

Những người di cư và những người tị nạn thân mến! Quý vị đang có một nơi chốn đặc biệt trong con tim của Giáo hội, và quý vị đang giúp Giáo hội khuếch trương độ rộng nơi con tim của Giáo hội, hầu diễn tả tình mẫu tử của Giáo hội đối với toàn thể gia đình nhân loại. Quý vị đừng bao giờ đánh mất sự xác tín và niềm hy vọng của mình! Chúng ta hãy nghĩ tới Thánh Gia trong cuộc trốn chạy sang Ai-cập: Niềm tín thác đứng vững trong con tim từ mẫu của Đức Trinh Nữ Maria và trong con tim ân cần cũng như chu đáo của Thánh Giu-se như thế nào; các Ngài đã tin tưởng rằng, Thiên Chúa không bao giờ bỏ mặc chúng ta; ước gì niềm tín thác ấy vào Thiên Chúa cũng đừng bao giờ thiếu vắng nơi quý vị. Tôi xin trao phó quý vị cho sự bao bọc chở che của Mẹ, và từ tận đáy lòng, tôi ban phép lành Tông Tòa cho tất cả quý vị.

Từ Vatican ngày mồng 03 tháng 09 năm 2014

ĐTC Phan-xi-cô 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ