Sứ Điệp của ĐTC Phan-xi-cô nhân Ngày Quốc Tế Cầu Nguyện Cho Việc Bảo Vệ Thiên Nhiên, mồng 01.09.2016

Hiệp với những người anh chị em của chúng ta thuộc Giáo hội Chính thống, và trong sự tham gia của các Giáo hội khác, cũng như của các cộng đoàn Ki-tô hữu khác, ngày hôm nay Giáo hội Công giáo cử hành „Ngày Quốc Tế Cầu Nguyện Cho Việc Bảo Vệ Thiên Nhiên“ hằng năm của mình. Ngày suy tư này „vừa giới thiệu riêng cho các tín hữu, và cũng vừa giới thiệu chung cho các cộng đoàn một cơ hội tốt đẹp để canh tân sự ưng thuận cá nhân của mình trong ơn gọi riêng với tư cách là những người bảo vệ thiên nhiên, trong khi họ tạ ơn thiên Chúa về những công trình nhiệm mầu của Ngài, mà Ngài đã ủy thác cho sự chăm sóc của chúng ta, và cầu xin Ngài giúp đỡ để bảo vệ thiên nhiên, và kêu xin Lòng Thương Xót của Ngài đối với những tội lỗi mà chúng ta đã phạm đối với thế giới chúng ta.“ [1]

Việc các tôn giáo khác cũng chia sẻ niềm lo lắng của các Giáo hội cũng như chia sẻ niềm lo lắng của các cộng đoàn Ki-tô giáo về tương lai của hành tinh chúng ta, đó là điều rất đáng khích lệ. Thực tế, trong những năm vừa qua, rất nhiều sáng kiến đã được tiếp nhận bởi những người mang trách nhiệm trong các tôn giáo cũng như bởi các tổ chức, để củng cố và làm gia tăng độ mẫn cảm nơi công luận về những mối nguy hiểm của sự bóc lột vô trách nhiệm đối với thế giới. Ở đây, tôi muốn nhắc đến Đức Thượng Phụ Bartholomeus và vị tiền nhiệm của Ngài là Đức Thượng Phụ Dimitrios, mà trong suốt nhiều năm trời, các Ngài đã kiên trì bày tỏ ý kiến chống lại những tội lỗi mà chúng đang bổ sung thêm sự phá hoại vào cho thế giới thiên nhiên. Vì thế, các Ngài đã hướng mối quan tâm về cuộc khủng hoảng luân lý và tinh thần, mà chúng là nguyên nhân đưa đến những vấn đề về môi trường cũng như những phá hoại môi trường. Như là sự phản ứng trước mối quan tâm đang ngày một gia tăng đối với tình trạng nguyên vẹn của thiên nhiên, cuộc hội nghị đại kết Âu Châu lần thứ ba (Sibiu/ thành phố Hermann 2007) đã đưa ra đề nghị như sau: từ ngày mồng 01 tháng 09 (tức ngày tưởng nhớ của Giáo hội Chính thống đối với công trình tạo dựng của Thiên Chúa) tới ngày mồng 04 tháng 10 (tức ngày kính nhớ Thánh Phan-xi-cô Assisi trong Giáo hội Công giáo và trong một số truyền thống khác của Phương Tây) sẽ cử hành một „Mùa Thiên Nhiên“ kéo dài năm tuần. Từ khoảnh khắc đó, với sự hỗ trợ của Hội Đồng Giáo Hội Quốc Tế, sáng kiến này đã thúc đẩy nhiều hoạt động Đại Kết tại nhiều nơi khác nhau trên thế giới. Việc có những sáng kiến tương tự trên khắp thế giới, mà chúng đang thúc đẩy nền công lý môi trường, thúc đẩy sự chăm sóc cho những người nghèo, cũng như thúc đẩy một sự dấn thân xã hội có trách nhiệm, đang gắn kết nhiều người – đặc biệt là những người trẻ - từ những bối cảnh tôn giáo khác nhau lại với nhau, cũng là một lý do để vui mừng. Với tư cách là những người Ki-tô hữu và những người không phải là Ki-tô hữu, các tín hữu và những người thành tâm thiện chí, chúng ta phải cùng nhau thể hiện Lòng Thương Xót đối với ngôi nhà chung của chúng ta, đối với trái đất, và phải làm cho thế giới mà chúng ta đang sống trong đó, hoàn toàn trở thành nơi của sự sẻ chia lẫn cho nhau cũng như của tình hiệp thông.  

1.Trái đất đang thét gào…

Với Sứ Điệp này, tôi muốn tái bắt đầu cuộc đối thoại với bất cứ ai đang sống trên hành tinh cúng ta, về những nỗi khổ đau mà chúng đang hành hạ những người nghèo, cũng như về sự hủy hoại môi trường. Thiên Chúa đã ban cho chúng ta một thửa vườn tươi đẹp, nhưng chúng ta lại biến thửa vườn đó thành một bình nguyên bị truyền nhiễm bởi „rác rưởi, bởi sự sa mạc hóa và bởi sự ô nhiễm“ (Laudato si’, 161). Khi tận mắt chứng kiến tính đa dạng sinh học bị hủy hoại cũng như sự phá hoại hệ thống sinh học – những hiện tượng mà chúng thường là nguyên nhân thông qua những hành vi vô trách nhiệm và ích kỷ của chúng ta -, chúng ta không được phép bỏ cuộc, cũng như không được phép phản ứng bằng sự thờ ơ lãnh đạm. „Về phía mình, chúng ta đã làm cho hằng ngàn giống loài không thể làm rạng danh Thiên Chúa với sự hiện hữu của chúng được nữa, cũng như không thể giới thiệu cho chúng ta sứ điệp của chúng được nữa. Chúng ta không có quyền làm như thế“ (nt., 33).

Trái đất đang tiếp tục ấm lên, một phần cũng vì những hành vi của con người: Năm 2015 là năm nóng nhất từ trước tới nay như đã được ghi nhận, và năm 2016 có lẽ sẽ còn nóng hơn. Điều đó gây ra những chu kỳ hạn hán, những trận lụt lội, những vụ hỏa hoạn, và những hiện tượng thời tiết cực đoan, càng ngày càng đáng lo ngại. Sự biến đổi khí hậu cũng góp phần đưa đến những cuộc khủng hoảng rùng rợn về sự di dân cưỡng bức. Những người nghèo trên thế giới, mà họ là những người mang trách nhiệm ít nhất đối với việc biến đổi khí hậu, lại chính là những người bị tổn thương nhiều nhất, cũng như đã và đang phải gánh chịu những hậu quả.

Như toàn bộ hệ sinh thái cho thấy, nhân loại được liên kết với nhau cách sâu xa cũng như được liên kết với thế giới thiên nhiên với tư cách là một toàn thể. Nếu chúng ta đối xử tồi tệ với thiên nhiên, thì chúng ta cũng sẽ đối xử tồi tệ với con người. Đồng thời, bất cứ thụ tạo nào cũng sở hữu một giá trị nội tại thuộc về bản chất cố hữu của chúng, mà giá trị ấy phải được kính trọng. Chúng ta hãy sẵn sàng „lắng nghe lời than phiền của người nghèo cũng như lời than khóc của trái đất“ (nt., 49), và chúng ta hãy cố gắng thẩm tra cách cặn kẽ xem chúng ta có thể đưa ra câu trả lời thích hợp nào và đúng lúc như thế nào.

2. …vì chúng ta đã phạm tội:

Thiên Chúa đã trao trái đất cho chúng ta khai thác và bảo vệ với tất cả sự kính trọng và hài hòa (xc. St 2,15). Khai thác trái đất cách „quá mức“ – tức bóc lột trái đất cách thiển cận và ích kỷ, và hầu như không bảo vệ nó -, chính là một trọng tội.

Đức Thượng Phụ Đại Kết đáng kính Bartholomeus đã can đảm lập đi lập lại những lời có tính Ngôn Sứ, cũng như đã vạch rõ những tội lỗi của chúng ta trong việc xúc phạm tới thiên nhiên với những lời sau: „Con người đang phá hoại tính đa dạng sinh học trong công trình tạo dựng của Thiên Chúa; con người đang hủy hoại tính nguyên vẹn của trái đất, trong khi họ gây ra sự biến đổi khí hậu, trong khi họ lột bỏ những cánh rừng tự nhiên khỏi trái đất, hay hủy hoại những vùng ngập nước của nó; con người đang làm dơ bẩn nguồn nước của trái đất, đang bôi bẩn đất đai và làm ô nhiễm bầu khí quyển của trái đất bằng những chất độc hại – tất cả những điều đó đều là tội lỗi“ [2].

Ước chi Năm Thánh Lòng Thương Xót sẽ trở thành một lời mời gọi thúc đẩy mọi người thực hiện một cuộc hoán cải nội tâm có tính định giá cao (Thông Điệp Laudato si’, 217), khi tận mắt chứng kiến những điều đang hủy hoại „ngôi nhà“ chung của chúng ta, mà sự hoán cải ấyn sẽ được hỗ trợ một cách đặc biệt thông qua Bí Tích Thống Hối. Trong Năm Thánh này, chúng ta hãy học để kiếm tìm Lòng Thương Xót của Thiên Chúa đối với những tội lỗi đã xúc phạm tới môi trường mà cho tới nay chúng ta vẫn chưa nhận ra và cũng vẫn chưa biết để xưng thú trong Tòa Cáo Giải, và chúng ta hãy cam đoan thực hiện những bước đi cụ thể trên con đường dẫn tới sự hoán cải có tính sinh học. Điều này đòi hỏi chúng ta phải ý thức một cách rõ ràng về trách nhiệm của chúng ta với chính chúng ta, với tha nhân, với thiên nhiên và với Đấng Tạo Hóa (xc. nt., 10. 229).

3.Sự kiểm thảo lương tâm và sự thống hối:

Bước đi thứ nhất trên con đường này luôn luôn là một cuộc kiểm thảo lương tâm, mà cuộc kiểm tháo ấy „bao hàm một sự biết ơn và sự nhưng không, có nghĩa là một sự nhìn nhận trái đất như là một món quà mà người ta nhận được từ Tình Yêu của Cha Trên Trời. Từ đó dẫn tới chuyện người ta thực hành sự từ bỏ mà không trông đợi một sự đền đáp“. Sự kiểm thảo này „cũng bao hàm một sự ý thức đầy Tình Yêu, để không bị tách ra khỏi những thụ tạo khác, nhưng là hình thành nên một cộng đồng đầy giá trị, bao hàm tất cả với những hữu thể khác của vũ trụ. Người tín hữu không ngắm nhìn thế giới từ bên ngoài, nhưng từ bên trong, và nhìn nhận những mối tương quan mà qua chúng, Cha Trên Trời đã nối kết chúng ta lại với tất cả các sinh vật khác“ (nt., 220).

Chúng ta có thể hướng về người Cha tràn đầy Lòng Thương Xót và tốt lành này, Đấng đang chờ đợi sự trở về của từng người một trong số những người con của Ngài, và chúng ta hãy nhìn nhận những tội lỗi của mình trong việc xúc phạm tới thiên nhiên, xúc phạm tới những người nghèo, cũng như xúc phạm tới những thế hệ đang đến. „Cho tới khi nào tất cả chúng ta vẫn còn gây hại cho môi trường, dù đó là những gây hại nho nhỏ, thì cho tới lúc đó, chúng ta vẫn còn được kêu gọi hãy nhìn nhận sự góp sức dù lớn hay nhỏ của chúng ta trong việc làm biến dạng, cũng như trong việc hủy hoại thiên nhiên“ [3]. Đó là bước đi đầu tiên trên con đường hoán cải. 

Trong năm 2000, và năm đó cũng là một Năm Thánh, vị tiền nhiệm của tôi – Thánh Gio-an Phao-lô II – đã thôi thúc những người Công giáo hãy thống hối về sự thiếu khoan dung tôn giáo trong thời gian trước đây và ngay cả bây giờ, cũng như về những bất công đã phạm phải đối với người Do-thái, đối với nữ giới, đối với những thổ dân, đối với những di dân, đối với người nghèo và đối với những thai nhi không được sinh ra. Trong Năm Thánh Ngoại Thường về Lòng Thương Xót này, tôi cũng mời gọi mỗi người hãy thực hiện điều tương tự: Chúng ta hãy thống hối về những điều ác mà chúng ta đã và đang bổ sung vào cho ngôi nhà chung của chúng ta – với tư cách là những cá nhân mà chúng ta đã quen với những lối sống mà chúng dựa trên một nền văn hóa phồn vinh bị hiểu lầm, hay trên „niềm khát khao mãnh liệt […] muốn được hưởng thụ nhiều hơn nữa, hơn cả khi người ta cần trên thực tế“ (nt., 123), và với tư cách là những người tham dự vào một hệ thống mà nó „đã thực hiện nền lô-gich lợi nhuận bằng mọi giá, mà không hề nghĩ tới sự loại trừ về mặt xã hội hay sự hủy hoại thiên nhiên[4].

Sau một cuộc kiểm thảo lương tâm nghiêm túc và được lấp đầy bởi sự thống hối đó, chúng ta sẽ có thể xưng thú những tội lỗi của chúng ta trong việc xúc phạm tới Đấng Tạo Hóa, xúc phạm tới thiên nhiên và xúc phạm tới những người anh chị em của chúng ta. „Giáo Lý của Hội Thánh Công giáo chỉ cho chúng ta thấy Tòa Giải Tội như là một nơi mà tại đó, chân lý sẽ làm cho chúng ta được tự do trước một cuộc gặp gỡ“ [5]. Chúng ta biết rằng: „Thiên Chúa lớn lao hơn tội lỗi của chúng ta“ [6], hơn tất cả mọi tội lỗi, kể cả những tội lỗi xúc phạm tới thiên nhiên. Chúng ta xưng thú những tội lỗi đó vì chúng ta muốn thống hối và muốn thay đổi. Và hồng ân xót thương mà chúng ta đón nhận trong Bí Tích, sẽ giúp chúng ta thực hiện điều đó.

4.Đưa ra một sự đổi hướng:

Sự kiểm thảo lương tâm, lòng thống hối và sự xưng thú đối với Thiên Chúa, Đấng giầu lòng nhân hậu, sẽ dẫn chúng ta tới một dự định kiên quyết muốn thay đổi cuộc sống. Và điều này phải được biến thành những hành động và những cách cư xử cụ thể, mà chúng chứng tỏ niềm kính trọng hơn nữa đối với thiên nhiên. Chẳng hạn như những ví dụ cụ thể sau đây: sử dụng nhựa và giấy cách cẩn trọng, tránh tối đa việc lãng phí nguồn nước, lãng phí lương thực thực phẩm và lãng phí năng lượng điện, phân loại rác thải, đối xử ân cần đối với những sinh vật khác, sử dụng phương tiện giao thông công cộng, nhiều người cùng chia sẻ với nhau một chiếc xe hay một phương tiện giao thông, và nhiều những ví dụ khác nữa (xc. Laudato si’, 211). Chúng ta không được phép nghĩ rằng, những nỗ lực đó là quá nhỏ bé trong việc cải thiện thế giới. Chính những hành vi như thế „sẽ là nguyên cớ dẫn tới một điều chi đó tốt đẹp ngay trong lòng trái đất này, mà điều tốt đẹp đó luôn luôn có khả năng tự phát tán, đôi khi không thể nhìn thấy“ (nt., 212), cũng như khích lệ một „phong cách sống chiêm niệm và có tính Ngôn Sứ, mà phong cách sống đó có khả năng vui mừng cách sâu xa nhưng không hề có chuyện ham thích lối sống hưởng thụ“ (nt., 222).

Trong một cách thức giống hệt như thế, ý định muốn thay đổi lối sống phải được diễn tả theo cách mà chúng ta góp phần để kiến tạo nên một nền văn hóa và một xã hội mà chúng ta thuộc về. Vì „sự chăm sóc thiên nhiên là thành tố của một lối sống bao hàm khả năng cùng chung sống, cũng như bao hàm khả năng hiệp thông“ (nt., 228). Kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa không được phép bị thống trị và điều khiển bởi một tâm tính ăn xổi ở thì, và bởi sự khát khao có được một khoản lợi tức kinh tế mau chóng, hay bởi sự khát khao có được sự chiến thắng trong cuộc bầu cử.

Một trường hợp cụ thể là „món nợ sinh thái“ giữa Bắc và Nam bán cầu (xc. Nt., 51-52). Sự hoàn lại món nợ này sẽ thúc đẩy sự chăm sóc cho môi trường của những quốc gia nghèo túng nhờ vào sự chuẩn bị sẵn sàng những nguồn kinh phí cũng như sự chuẩn bỉ sẵn sàng để sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật mà chúng giúp những quốc gia đó đối diện với những hậu quả của sự biến đổi khí hậu và thúc đẩy một sự phát triển bền vững.

Việc bảo vệ ngôi nhà chung đòi hỏi một sự đồng tâm nhất trí càng ngày càng tăng trong lãnh vực chính trị. Trong ý nghĩa này, sự kiện vào hồi tháng 09 năm 2015, các quốc gia trên khắp thế giới đã chấp nhận mục tiêu phát triển bền vững (thực hiện những kế hoạch từ nay tới năm 2030 nhằm đưa đến sự phát triển bển vững), và vào hồi tháng 12 năm 2015, các quốc gia ấy cũng đã chuẩn y hiệp ước về khí hậu tại Paris, mà hiệp ước đó đặt ra cho mình mục tiêu đầy yêu sách nhưng cũng đầy căn bản, hầu hạn chế việc gia tăng nhiệt độ toàn cầu, đó là một lý do để vui mừng. Giờ đây các chính phủ có nghĩa vụ phải thi hành những bổn phận đã được ký kết, trong khi các doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm đóng góp phần của mình vào đó. Còn nghĩa vụ của các công dân thì hệ tại ở chỗ là thúc đẩy để điều đó diễn ra, và thúc đẩy làm sao đến độ những mục tiêu còn nhiều tham vọng hơn nữa cũng sẽ được xác định phương hướng.

Vì thế, sự đổi hướng có nghĩa là „tuân thủ cách cẩn mật những giới luật nguyên thủy, bảo vệ thiên nhiên trước tất cả mọi sự gây hại, và thực ra là vì chính chúng ta cũng như vì những người khác[7]. Một câu hỏi có thể giúp chúng ta không đánh mất mục tiêu khỏi cặp mắt: „Hình thức thế giới nào mà chúng ta muốn để lại cho những thế hệ đang đến sau chúng ta, tức những con em đang lớn lên?“ (Laudato si’, 160).

5.Một công việc mới của Lòng Thương Xót:

Không có bất cứ điều gì làm hài lòng Thiên Chúa cho bằng một hành vi Thương Xót – dù đó là Lòng Thương Xót mà với nó Thiên Chúa đã thứ tha tất cả mọi tội lỗi cho chúng ta, hay đó là ân sủng mà Ngài đã ban cho chúng ta, để chúng ta nhân danh Ngài thực thi những công việc của Đức Xót Thương[8].

Dựa vào lời Thánh Gia-cô-bê Tông Đồ, chúng ta có thể nói rằng: „Chỉ nguyên Lòng Thương Xót thôi thì nó sẽ chết nếu như nó không chịu chứng minh qua những công việc […]. Do sự biến đổi của toàn thế giới chúng ta, một số hình thức nghèo túng cả về khía cạnh vật chất lẫn tinh thần đang tăng lên gấp bội: Vì thế, chúng ta hãy trao không gian cho khả năng hình dung của Đức Ái đối với tha nhân, để nhận ra những khả năng hành động mới. Bằng cách đó, con đường của Lòng Thương Xót sẽ càng ngày càng trở nên cụ thể hơn[9].

Đời sống Ki-tô giáo bao hàm sự thực hành những công việc truyền thống của Đức Thương Người cả nơi khía cạnh thể xác lẫn tinh thần [10]. „Chúng ta thường có thói quen nghĩ tới những công việc của Đức Thương Người […], trong khi chúng ta quan sát chúng cách riêng rẽ, và nhìn chúng trong sự liên kết với một hoạt động: những bệnh viện cho các bệnh nhân, bữa ăn trưa cho những người đói khát, nơi trú ngụ cho những người vô gia cư, trường học cho những em bé đang cần tới một sự giáo dục, tòa Cáo Giải và sự hướng dẫn tinh thần cho những người đang cần tới lời khuyên và sự tha thứ… Nếu chúng ta quan sát chúng chung một lúc, thì rồi một sứ điệp sẽ vang lên như sau: đối tượng của Lòng Thương Xót chính là sự sống của con người, và thực ra, trong sự toàn thể của nó[11].

Dĩ nhiên, chính sự sống con người cũng bao hàm trong sự toàn thể của nó sự lo lắng cho ngôi nhà chung. Vì thế, tôi tự cho phép mình đưa ra một đề nghị là, hãy bổ sung thêm vào hai cách đếm truyền thống về bảy công việc của Đức Thương Người, cụ thể là tôi xin bổ sung thêm sự chăm sóc cho ngôi nhà chung vào mỗi bên của các mối thương người ấy.

Với tư các là công việc của Đức Thương Người xét về khía cạnh tinh thần, sự lo lắng chăm sóc cho ngôi nhà chung đòi hỏi phải có „một sự chiêm ngưỡng đầy lòng biết ơn đối với thế giới“ (Laudato si’, 214); nó „cho phép chúng ta - nhờ vào từng sự vật - khám phá ra bất cứ bài học nào mà Thiên Chúa muốn chuyển giao cho chúng ta“ (nt., 85). Với tư cách là công việc của Đức Thương Người xét về khía cạnh thể xác, sự lo lắng chăm lo cho ngôi nhà chung đòi hỏi chúng ta phải thực hiện „những cử chỉ đơn giản trong cuộc sống hằng ngày […], mà những cử chỉ đó sẽ phá vỡ bất cứ thứ lô-gich bạo lực, bóc lột hay ích kỷ nào […], và biểu lộ trong tất cả mọi dịp cũng như mọi cơ hội mà chúng góp phần kiến tạo nên một thế giới tốt hơn“ (nt., 230-231).

6.Để kết thúc, chúng ta hãy cầu nguyện:

Bất chấp tất cả mọi tội lỗi của chúng ta cũng như bất chấp tất cả những thách đố đang đe dọa cũng như đang đứng trước chúng ta, chúng ta đừng bao giờ đánh mất niềm hy vọng: „Xin Đấng Tạo Hóa đừng bỏ rơi chúng ta, xin Ngài đừng bao giờ bác bỏ kế hoạch yêu thương của Ngài, và xin Ngài đừng bao giờ hối tiếc vì đã tạo dựng nên chúng ta […] vì Ngài đã liên kết chính Ngài một cách chung cuộc với trái đất chúng ta, và Tình Yêu của Ngài sẽ dẫn đưa chúng ta tới chỗ luôn luôn tìm thấy những con đường mới“ (nt., 13.245). Đặc biệt là vào ngày mồng 01 tháng 09, và rồi trong suốt cả năm, chúng ta hãy cầu nguyện với những lời sau đây:

Lạy Chúa là Thiên Chúa của những người nghèo túng,

xin giúp chúng con,

giữ lại được những gì đã bị bỏ rơi và đã bị lãng quên của trái đất này

mà những điều ấy hoàn toàn giá trị trong cặp mắt của Chúa. […].

Lạy Chúa là Thiên Chúa Tình Yêu,

xin chỉ cho chúng con thấy được chỗ của mình nơi thế giới này

với tư cách là những khí cụ của Tình Yêu Chúa

đối với tất cả mọi sinh vật của trái đất này“ (nt., 246).

Lạy Chúa là Thiên Chúa giầu Lòng Xót Thương,

xin giúp chúng con biết lãnh nhận ơn tha thứ của Chúa

và phát tán Lòng Thương Xót của Chúa

trong toàn bộ ngôi nhà chung của chúng con.

Chúa thật đáng ca tụng!

Amen.

 

Vatican ngày mồng 01 tháng 09 năm 2016

Nhân Ngày Quốc Tế Cầu Nguyện Cho Việc Bảo Vệ Thiên Nhiên

ĐTC Phan-xi-cô

CHÚ THÍCH:

[1] Bản văn hướng dẫn dành cho „Ngày Quốc Tế Cầu Nguyện Cho Việc Bảo Vệ Thiên Nhiên“ (06.08.2015).

[2] Diễn văn trước hội nghị chuyên đề về môi trường, Santa Barbara, California (8.11.1997).

[3] Đức Thượng Phụ Bartholomeus I., Sứ Điệp nhân Ngày Quốc Tế Cầu Nguyện Cho Việc Bảo Vệ Thiên Nhiên (1.09.2012).

[4] Diễn văn trước Đại Hội Quốc Tế lần thứ 2 của các Phong Trào Quần Chúng, Santa Cruz de la Sierra, Bolivia (9.07.2015).

[5] Bài suy niệm thứ ba trong ngày hồi tâm dành cho các Linh mục nhân dịp Cử Hành Năm Thánh, Vương Cung Thánh Đường Thánh Phao-lô ngoại thành (2.06.2016).

[6] Bài Giáo Lý trong cuộc hội kiến chung sáng thứ Tư hằng tuần (30.03.2016).

[7] Đức Thượng Phụ Bartholomeus I., Sứ Điệp nhân Ngày Quốc Tế Cầu Nguyện Cho Việc Bảo Vệ Thiên Nhiên (1.09.1997).

[8] Bài suy niệm thứ nhất trong ngày hồi tâm dành cho các Linh mục nhân dịp Cử Hành Năm Thánh, Vương Cung Thánh Đường Thánh Gio-an Lateran (2.06.2016).

[9] Bài Giáo Lý trong cuộc hội kiến chung sáng thứ Tư hằng tuần (30.06.2016).

[10] Những công việc của Đức Thương Người (thường gọi là Kinh Thương người có mười bốn mối), gồm Thương Xác Bảy Mối: Thứ nhất: Cho kẻ đói ăn; Thứ hai: Cho kẻ khát uống; Thứ ba: Cho kẻ rách rưới ăn mặc; Thứ bốn: Viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc; Thứ năm: Cho khách đỗ nhà; Thứ sáu: Chuộc kẻ làm tôi; Thứ bảy: Chôn xác kẻ chết; và  Thương Linh Hồn Bảy Mối: Thứ nhất: Lấy lời lành mà khuyên người; Thứ hai: Mở dậy kẻ mê muội; Thứ ba: Yên ủi kẻ âu lo; Thứ bốn: Răn bảo kẻ có tội; Thứ năm: Tha kẻ dể ta, Thứ sáu: Nhịn kẻ mất lòng ta; Thứ bảy: Cầu cho kẻ sống và kẻ chết.

[11] Bài suy niệm thứ ba trong ngày hồi tâm dành cho các Linh mục nhân dịp Cử Hành Năm Thánh, Vương Cung Thánh Đường Thánh Phao-lô ngoại thành (2.06.2016).

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội