SỨ ĐIỆP MÙA CHAY 2022 CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

(xuanbichvietnam.net) - Tháng Hai 25th, 2022.

Trong Sứ điệp Mùa Chay 2022 được công bố hôm 24/2/2022, Đức Thánh Cha mời gọi gieo điều thiện để tham dự vào lòng đại lượng của Thiên Chúa, vì “hoa trái thành tựu của đời sống và hành động của chúng ta là ‘hoa trái để được sống muôn đời’”.

Trong suốt Mùa Chay, thời gian thuận lợi này, thời gian của lòng hoán cải và làm việc thiện, Đức Thánh Cha mời gọi đặt niềm tin vào Chúa, tìm thấy sự nương tựa nơi ân sủng của Ngài, từ bỏ sự dữ và dành thời gian để thực hành các việc đạo đức : chay tịnh, bố thí và cầu nguyện, trong sự mở ra cho Chúa và tha nhân.

Dưới đây là sứ điệp của Đức Thánh Cha :

Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí, vì đến mùa chúng ta sẽ được gặt, nếu không sờn lòng. Vậy bao lâu còn thời giờ, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người” (6, 9-10a)

Anh chị em thân mến,

Mùa Chay là một thời gian thuận lợi cho việc canh tân cá nhân và cộng đoàn, dẫn chúng ta đến lễ Phục Sinh của Chúa Giêsu-Kitô chết và sống lại. Trong suốt hành trình Mùa Chay 2022, sẽ rất tốt cho chúng ta khi suy gẫm về lời khuyên của thánh Phaolô đối với tín hữu Galát: “Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí, vì đến mùa chúng ta sẽ được gặt, nếu không sờn lòng. Vậy bao lâu còn thời giờ (chairós), chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người” (6, 9-10a).

Gieo và gặt

Trong đoạn này, thánh Tông đồ gợi lên hình ảnh gieo và gặt, rất thân thiết với Chúa Giêsu (x. Mt 13). Thánh Phaolô nói với chúng ta về một “chairós” (thời cơ) : một thời gian thuận lợi để gieo điều thiện nhằm một vụ thu hoạch. Đối với chúng ta, đâu là giai đoạn thuận lợi này ? Chắc chắn Mùa Chay là như vậy, nhưng toàn bộ cuộc sống trần thế cũng vậy, và Mùa Chay, một cách nào đó, là một hình ảnh của điều đó (1). Trong cuộc sống của chúng ta, sự tham lam và lòng kiêu ngạo, ước muốn sở hữu, tích lũy và tiêu thụ quá thường chiếm ưu thế, như người đàn ông ngu ngốc trong dụ ngôn Tin Mừng cho thấy, ông ta coi cuộc sống của mình là an toàn và hạnh phúc nhờ những vụ bội thu được tích trữ trong kho của mình (x. Lc 12, 16-21). Mùa Chay mời gọi chúng ta hoán cải, thay đổi não trạng, để cuộc sống có được sự thật và vẻ đẹp của nó không phải trong việc chiếm hữu mà là trong sự cho đi, không phải trong sự tích lũy mà là trong việc gieo rắc điều thiện và trong việc chia sẻ.

Người nông dân đầu tiên là chính Thiên Chúa, Đấng đã quảng đại “tiếp tục gieo rắc hạt giống sự thiện trong nhân loại” (Thông điệp Fratelli tutti, số 54). Trong suốt Mùa Chay, chúng ta được mời gọi đáp lại ân huệ của Thiên Chúa bằng cách đón nhận Lời “sống động và hữu hiệu” (Dt 4, 12) của Ngài. Siêng năng lắng nghe Lời Chúa sẽ giúp trưởng thành trong việc ngoan ngoãn tuân theo hành động của Ngài (x. Gc 1, 21) vốn làm cho cuộc sống của chúng ta sinh hoa trái. Nếu điều đó đã làm cho chúng ta vui mừng rồi, thì còn lớn lao hơn nữa là lời mời gọi trở nên “những cộng tác viên của Thiên Chúa” (1Cr 3, 9), bằng cách sử dụng thời gian hiện tại (x. Êp 5, 16) để chúng ta gieo rắc và làm điều thiện. Lời mời gọi gieo rắc điều thiện không được xem như một gánh nặng, nhưng như một ân huệ mà Đấng Tạo Hóa muốn chúng ta tích cực kết hiệp với lòng đại lượng phong nhiêu của Ngài.

Và mùa gặt thì sao? Chẳng phải chúng gieo nhằm để gặt đó sao ? Dĩ nhiên. Mối liên hệ giữa gieo và gặt được tái khẳng định bởi chính thánh Phaolô khi ngài nói : « Ai gieo ít thì sẽ gặt ít ; ai gieo nhiều thì sẽ gặt nhiều » (2Cr 9, 6). Nhưng đó là vụ gặt gì ? Hoa trái đầu tiên của điều thiện được gieo được tìm thấy trong chính chúng ta và trong các mối tương quan hằng ngày của chúng ta, cho đến những cử chỉ tốt lành nhỏ bé nhất. Nơi Thiên Chúa, không có hành vi yêu thương nào, dù nhỏ bé, và không có “sự mệt mỏi quảng đại” nào bị mất đi (x. Tông huấn Evangelii gaudium, số 279). Cũng như cây được nhận biết nhờ trái của nó (x. Mt 7, 16-20), thì cũng thế cuộc sống đầy những việc lành sẽ bừng sáng (x. Mt 5, 14-16) và mang lại cho thế giới hương thơm của Chúa Kitô (x. 2Cr 2, 15). Phụng sự Thiên Chúa, không vương tội lỗi, sẽ gặt hái hoa trái thánh thiện vì phần rỗi của mọi người (x. Rm 6, 22).

Trên thực tế, chúng ta chỉ có thể thấy một phần nhỏ hoa trái của những gì chúng ta gieo vì, theo câu cách ngôn trong Tin Mừng, « kẻ này gieo, người kia gặt » (Ga 4, 37). Chính khi gieo vì thiện ích của người khác mà chúng ta tham dự vào sự đại lượng của Thiên Chúa : “Có một sự cao thượng lớn lao trong việc có khả năng khởi xướng những tiến trình mà những hoa trái của chúng sẽ được thu lượm bởi những người khác, bằng cách đặt niềm hy vọng vào sức mạnh bí ẩn của điều thiện được gieo” (Thông điệp Fratelli tutti, số 196). Gieo điều thiện cho người khác sẽ giải thoát chúng ta khỏi lôgíc hạn hẹp của lợi ích cá nhân và mang lại cho hành động của chúng ta sức mạnh của sự nhưng không, bằng cách đưa chúng ta vào chân trời kỳ diệu của những kế hoạch nhân từ của Thiên Chúa.

Lời Chúa mở rộng và nâng cao tầm nhìn của  chúng ta hơn nữa, Lời Chúa loan báo cho chúng ta rằng mùa gặt đích thực là mùa gặt cánh chung, mùa  gặt trong ngày sau hết, trong ngày không có mặt trời lặn. Hoa trái thành tựu của đời sống và hành động của chúng ta là “hoa trái để được sống muôn đời” (Ga 4, 36) vốn sẽ là “kho tàng trên trời” của chúng ta (Lc 12, 33 ; 18, 22). Chính Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh hạt lúa chết trong lòng đất và trổ sinh hoa trái để diễn tả mầu nhiệm chết và phục sinh của Ngài (x. 12, 24) ; và thánh Phaolô lấy lại hình ảnh đó để nói về sự phục sinh của thân xác chúng ta : “Gieo xuống thì hư nát, mà trỗi dậy thì bất diệt; gieo xuống thì hèn hạ, mà trỗi dậy thì vinh quang; gieo xuống thì yếu đuối, mà trỗi dậy thì mạnh mẽ, gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà trỗi dậy là thân thể có thần khí” (1Cr 15, 42-44). Niềm hy vọng này là ánh sáng lớn lao mà Chúa Kitô phục sinh mang lại cho thế giới : “Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Ki-tô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người. Nhưng không phải thế! Đức Ki-tô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu” (1Cr 15, 19-20), để những ai được kết hợp mật thiết với Ngài trong tình yêu, “nhờ cái chết giống như cái chết của Ngài” (Rm 6, 5), cũng sẽ được kết hiệp trong sự phục sinh của Ngài để được sống đời đời (x. Ga 5, 29) : “Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời trong nước của Cha họ” (Mt 13, 43).

2. “Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí”

Sự phục sinh của Chúa Kitô làm sống lại niềm hy vọng trên trần thế đối với “niềm hy vọng lớn lao” về sự sống đời đời và đã đưa mầm cứu độ vào thời hiện tại (x. Bênêđíctô XVI, Thông điệp Spe salvi, số 3.7). Đối diện với sự thất vọng cay đắng của biết bao ước mơ tan vỡ, đối diện với nỗi lo lắng trước các thách thức đang chờ đợi chúng ta, đối diện với sự chán nản vì sự nghèo nàn của các phương tiện của chúng ta, cám dỗ là khép kín trên sự ích kỷ cá nhân chủ nghĩa của mình và ẩn náu trong sự dửng dưng trước những đau khổ của người khác. Quả thế, ngay cả những nguồn lực tốt nhất cũng bị hạn chế : “Thanh niên thì mệt mỏi, nhọc nhằn, trai tráng cũng ngả nghiêng, lảo đảo” (Is 40, 30), nhưng Thiên Chúa “ban sức mạnh cho ai mệt mỏi, kẻ kiệt lực, Người làm cho nên cường tráng. […]Nhưng những người cậy trông Đức Chúa thì được thêm sức mạnh. Như thể chim bằng, họ tung cánh. Họ chạy hoài mà không mỏi mệt, và đi mãi mà chẳng chùn chân” (Is 40, 29.31). Mùa Chay mời gọi chúng ta đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa (x. 1Pr 1, 21), vì chỉ với cái nhìn chăm chú vào Chúa Giêsu-Kitô phục sinh (x. Dt 12, 2) mà chúng ta mới có thể đón nhận lời khuyên của thánh Tông đồ : “Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí” (Gl 6, 9).

Khi cầu nguyện, chúng ta đừng nản chí. Chúa Giêsu đã dạy rằng phải “luôn cầu nguyện, không được nản chí” (Lc 18, 1). Chúng ta phải cầu nguyện bởi vì chúng ta cần Thiên Chúa. Tự cho mình là đủ là một ảo tưởng nguy hiểm. Nếu đại dịch đã làm cho chúng ta cảm thấy sự mong mang của bản thân và xã hội của chúng ta, thì ước gì Mùa Chay này cho phép chúng ta cảm nghiệm sự an ủi nơi niềm tin vào Thiên Chúa mà không có nó chúng ta không thể đứng vững (x. Is 7, 9). Không ai tự cứu thoát một mình, vì tất cả chúng ta  đều ở cùng trên một con thuyền trong bão tố của lịch sử (2). Nhưng nhất là không ai được cứu nếu không có Thiên Chúa, vì chỉ mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Giêsu-Kitô mang lại chiến thắng trên dòng nước bóng tối của sự chết. Đức tin không miễn trừ chúng ta khỏi những nỗi gian truân của cuộc sống, nhưng nó cho phép vượt qua chúng để kết hiệp với Thiên Chúa trong Chúa Kitô, với niềm hy vọng lớn lao không làm thất vọng và bảo chứng là tình yêu mà Thiên Chúa đã đổ đầy lòng chúng ta nhờ Chúa Thánh Thần (x. Rm 5, 1-5).

Chúng ta đừng nản chí khi loại trừ sự dữ ra khỏi cuộc sống chúng ta. Xin cho việc chay tịnh thể xác mà Mùa Chay mời gọi chúng ta, củng cố tinh thần chúng ta để chiến đấu chống lại tội lỗi. Chúng ta đừng mệt mỏi xin ơn tha thứ trong Bí tích Sám hối và Hòa giải, biết rằng Thiên Chúa không mệt mỏi khi tha thứ cho chúng ta (3). Chúng ta đừng mệt mỏi chiến đấu chống lại dục vọng, sự mong manh này đẩy chúng ta đến tính ích kỷ và mọi điều xấu xa, mà qua nhiều thế kỷ tìm ra những con đường khác nhau để nhấn chìm con người vào tội lỗi (x. Thông điệp Fratelli tutti, số 166). Một trong những con đường này là nguy cơ nghiện các phương tiện truyền thông kỹ thuật số, nó làm nghèo đi các mối tương quan của con người. Mùa Chay là một thời gian thuận lợi để chống lại những cạm bẫy này và thay vào đó vun trồng một mối tương giao của con người trọn vẹn hơn (x. ibid., số 43), được tạo nên từ « những cuộc gặp gỡ đích thục” (ibid., số 50), diện đối diện.

Chúng ta đừng mỏi mệt khi làm việc thiện trong tình bác ái cụ thể đối với lân cận của chúng ta. Trong suốt Mùa Chay này, chúng ta hãy thực hành việc bố thí cách vui tươi (x. 2 Cr 9, 7). Thiên Chúa “Đấng cung cấp hạt giống cho kẻ gieo, và bánh làm của ăn nuôi dưỡng” (2 Cr 9, 10) cung cấp cho mỗi người chúng ta, không chỉ để chúng ta có thể có thức ăn, nhưng còn để chúng ta có thể chứng tỏ lòng quảng đại bằng cách làm điều  thiện cho người khác. Nếu quả thực cả cuộc đời của chúng ta là thời gian để gieo điều thiện, thì chúng ta hãy tận dụng Mùa Chay này cách đặc biệt để chăm sóc người thân cận của mình, để trở nên gần gũi với các anh chị em bị tổn thương trên đường đời (x. Lc 10, 25-37). Mùa Chay là một thời gian thuận lợi để tìm kiếm, chứ không phải trốn tránh, những người nghèo túng ; kêu gọi, chứ không phớt lờ, những người muốn được lắng nghe và một lời tốt lành ; viếng thăm, chứ không bỏ rơi, những người đang chịu sự cô đơn. Chúng ta hãy thực hành lời mời gọi làm điều thiện cho tất cả mọi người bằng cách dành thời gian yêu thương những người bé nhỏ nhất và những người bất lực, những người bị bỏ rơi và bị khinh  thường, những người là nạn nhân của sự phân biệt kỳ thị và bị gạt ra bên lề xã hội. (x. Thông điệp Fratelli tutti, số 193).

3. “Đến mùa chúng ta sẽ được gặt, nếu không sờn lòng”

Mỗi năm, Mùa Chay nhắc nhở chúng ta rằng “điều thiện, cũng như tình yêu, công lý và tình liên đới không đạt được một lần cho tất cả ; cần phải chinh phục chúng mỗi ngày” (ibid., số 11). Vì thế, chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa sự kiên trì nhẫn nại của người làm nông (x. Gc 5, 7) để đừng từ bỏ làm điều thiện, từng bước một. Xin cho người ngã xuống hãy đưa tay ra cho Chúa Cha, Đấng luôn luôn nâng dậy. Xin cho người bị lạc lối, lừa gạt bởi những dụ dỗ của ma quỷ, đừng chậm trễ trở về với Đấng “giàu lòng tha thứ” (Is 55, 7). Trong thời gian hoán cải này, tìm được sự nương tựa nơi ân sủng của Thiên Chúa và trong sự hiệp thông của Giáo hội, chúng ta đừng mệt mỏi gieo điều thiện. Việc chay tịnh chuẩn bị mảnh đất, việc cầu nguyện tưới thấm nó, đức ái làm nó sinh hoa trái. Chúng ta xác tín trong đức tin rằng « đến mùa chúng ta sẽ được gặt, nếu không sờn lòng » và, với ơn kiên trì, chúng ta sẽ đạt được những điều thiện hảo đã được hứa (x. Dt 10, 36) vì phần rỗi của chúng ta và phần rỗi của người khác (x. 1 Tm 4, 16). Thực hành tình yêu huynh đệ đối với mọi người, chúng ta được kết hiệp với Chúa Kitô, Đấng đã hiến mạng sống mình vì chúng ta (x. 2Cr 5, 14-15) và chúng ta thưởng nếm trước niềm vui của Nước Trời, khi Thiên Chúa sẽ là “mọi sự trong mọi người” (1 Cr 15, 28).

Xin Đức Trinh Nữ Maria, từ lòng Mẹ đã sinh ra Đấng Cứu Độ và là Đấng đã gìn giữ tất cả những điều đó “và suy niệm trong lòng” (Lc 2, 19), ban cho chúng ta ơn kiên nhẫn và gần gũi chúng ta bằng sự hiện diện từ mẫu của Mẹ, để thời gian hoán cải này mang lại hoa trái ơn cứu độ đời đời.

Rôma, Đền thờ thánh Gioan Latêranô, ngày 11 tháng 11 năm 2021, lễ nhớ thánh Martinô, Giám mục.

Phanxicô

———————–

(1) Xem thánh Augustinô , Serm. 243, 9,8 ; 270, 3 ; Fr. dans Ps. 110, 1. 

(2) Xem Giờ cầu nguyện ngoại thường trong thời kỳ dịch bệnh (27/3/2020)  

(3) Xem Kinh Truyền Tin ngày 17/3/2013.

—————————–

Tý Linh chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội