Sứ Điệp của ĐTC Phan-xi-cô nhân dịp Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân lần thứ XXVI: Mater Ecclesiae: „“Này Bà, đây là con của Bà… Này con, đây là Mẹ của con!“ Và từ giờ đó, người Môn Đệ đã đón Mẹ về với mình“ (Ga 19,26-27).

 

Anh chị em thân mến,

sự phục của Giáo hội đối với các bệnh nhân cũng như đối với những người chăm sóc các bệnh nhân, phải tiếp tục được thực hiện với sức mạnh càng ngày càng mới, trong niềm tín trung với mệnh lệnh của Thiên Chúa (xc. Lc 9,2-6; Mt 10,1-8; Mc 6,7-13), cũng như theo mẫu gương hết sức hùng hồn của Đấng Sáng Lập nên Giáo hội và là Thầy của Giáo hội.

Đề tài của Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân năm nay chính là những lời mà Chúa Giê-su đã nói với Thân Mẫu của Ngài, cũng như nói với Thánh Gio-an khi Ngài bị treo trên Thập Giá: „“Này Bà, đây là con của Bà… Này con, đây là Mẹ của con!“ Và từ giờ đó, người môn đệ đã đón Mẹ về với mình“ (Ga 19,26-27).

1.Những lời trên của Chúa Giê-su soi sáng cho mầu nhiệm Thập Giá một cách thẳm sâu. Thập Giá không phải là một bi kịch đầy tuyệt vọng, nhưng là một nơi, mà tại đó, Chúa Giê-su đã biểu lộ vinh quang của Ngài, cũng như đã để lại Tình Yêu như là ý nguyện sau cùng của Ngài, mà ý nguyện đó sẽ trở thành quy luật nền tảng cho cộng đoàn Ki-tô hữu và cho đời sống của từng môn đệ.

Những lời của Chúa Giê-su đã tạo nền tảng đặc biệt cho ơn gọi làm Mẹ của Đức Maria trong mối liên hệ đến toàn thể nhân loại. Trong một cách thức đặc biệt, Mẹ sẽ trở thành Thân Mẫu của các môn đệ của Con Mẹ, và sẽ chăm lo cho những người môn đệ đó cũng như cho đường đời của họ. Và chúng ta biết rằng, việc chăm lo của người mẹ cho một đứa con trai hay một đứa con gái luôn bao hồm cả khía cạnh dưỡng dục về vật chất lẫn khía cạnh giáo dục về tinh thần.

Nỗi khổ đau khôn xiết tả của Thập Giá đã xuyên thấu tâm hồn Đức Maria (xc. Lc 2,35), nhưng đã không làm cho Mẹ bị tê liệt. Trái lại, với tư cách là Mẹ Thiên Chúa, thì đối với Mẹ, đó là sự khởi đầu của một chặng đường dâng hiến mới. Trên Thập Giá, Chúa Giê-su đã lo lắng cho Giáo hội, cũng như cho toàn thể nhân loại, và Đức Maria đã được kêu gọi để chia sẻ mối quan tâm lo lắng đó. Trong trình thuật về biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống vào Ngày Lễ Ngũ Tuần, sách Tông Đồ Công Vụ đã cho chúng ta thấy rằng, Đức Maria đã bắt đầu thực hiện sứ mạng của Mẹ trong cộng đoàn nguyên thủy của Giáo hội. Đó là một sứ mạng không bao giờ kết thúc.

2.Gio-an – Người Môn Đệ được yêu – chính là hiện thân của Giáo hội, của dân Messias. Ông phải nhìn nhận Đức Maria là Thân Mẫu của mình. Và trong sự nhìn nhận đó, ông được kêu gọi hãy đón Mẹ về với mình, nhìn thấy nơi Mẹ mẫu gương của người môn đệ, cũng như nhìn thấy nơi Mẹ một ơn gọi trở thành thân mẫu mà Chúa Giê-su đã ủy thác cho Mẹ, với những mối quan tâm và những kế hoạch mà ơn gọi này mang nơi mình: Thân Mẫu, người yêu thương và sinh ra những đứa con có khả năng yêu thương theo giới luật của Thiên Chúa. Vì thế, ơn gọi trở thành Mẹ của Đức Maria hòa lẫn với ơn gọi chăm lo cho những đứa con của Mẹ, tức cho Gio-an và cho toàn thể Giáo hội. Toàn thể cộng đoàn môn đệ được đón nhận vào trong ơn gọi trở thành Mẹ của Đức Maria.

3.Với tư cách là người môn đệ đã chia sẻ tất cả với Chúa Giê-su, Gio-an biết rằng, Thầy muốn dẫn toàn thể nhân loại tới cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa Cha. Ông có thể chứng thực rằng, Chúa Giê-su đã gặp gỡ rất nhiều những con người mắc bệnh về tinh thần, vì họ quá tự cao tự đại (xc. Ga 5,6). Ngài đã ban tặng lòng Thương Xót và ơn tha thứ cho tất cả, cũng như đã ban ơn chữa lành về thể lý cho các bệnh nhân như là dấu chỉ cho sự sống viên mãn trong Triều Đại của Thiên Chúa, nơi không còn có bất cứ giọt lụy nào. Như Đức Maria, các môn đệ cũng được kêu gọi hãy chăm lo cho nhau, nhưng không chỉ có thế. Họ biết rằng, con tim của Chúa Giê-su luôn rộng mở cho tất cả mà không hề loại trừ bất cứ ai. Tin Mừng về Triều Đại Thiên Chúa phải được công bố cho tất cả, và Đức Ái của các Ki-tô hữu phải được dành cho tất cả những ai cùng khốn, đơn giản, vì họ là những nhân vị, những người con của Thiên Chúa.

4.Ơn gọi trở thành Mẹ của Giáo hội đối với những con người cùng khốn cũng như đối với các bệnh nhân đã được cụ thể hóa trong lịch sử hai ngàn năm của mình qua một loạt những sáng kiến nhằm đưa đến lợi ích cho các bệnh nhân. Lịch sử trao hiến đó không cho phép bị bỏ qua. Ngày hôm nay, lịch sử đó vẫn đang còn được tiếp tục trên toàn thế giới. Tại những quốc gia mà ở đó có đầy đủ các hệ thống y tế, thì công việc của các Hội Dòng Công giáo, của các Giáo phận cũng như của các bệnh việc trực thuộc Giáo hội là cố gắng làm sao để đặt con người vào trong trung tâm điểm của tiến trình trị liệu, vượt ra ngoài sự chăm sóc với những pháp đồ điều trị y tế đầy chất lượng, và tiến hành việc nghiên cứu khoa học trong sự kính trọng đối với sự sống cũng như đối với giá trị luân lý Ki-tô giáo. Tại những quốc gia mà hệ thống y tế không đầy đủ hay không tồn tại, thì ở đó, Giáo hội đang làm việc để giới thiệu cho nhiều người khả năng chăm sóc y tế, để khắc phục tình trạng tử vong nơi trẻ em cũng những chống lại những căn bệnh thông thường. Giáo hội cố gắng chữa trị khắp nơi, ngay cả khi Giáo hội không có khả năng chữa bệnh. Hình ảnh Giáo hội như là „bệnh viện dã chiến“, mà bệnh viện ấy đón nhận tất cả những ai đang bị gây tổn thương bởi cuộc sống, chính là một thực tại hoàn toàn cụ thể, vì tại nhiều nơi trên thế giới, chỉ có các bệnh viện của các nhà thừa sai hay của các Giáo phận mới cung cấp cho cư dân những chữa trị cần thiết.

5.Việc tưởng nhớ tới một lịch sử lâu dài về sự phục vụ các bệnh nhân chính là một lý do để vui mừng đối với cộng đoàn Ki-tô giáo, và nhất là đối với những người đang thực hiện sứ vụ này. Nhưng, người ta phải nhìn về quá khứ để làm phong phú hóa cho mình cách đặc biệt. Chúng ta phải học từ quá khứ: sự quảng đại đến độ hoàn toàn trao hiến bản thân mình của nhiều Đấng Sáng lập các tổ chức trong sự phục vụ các bệnh nhân; sự sáng tạo được khơi lên bởi Đức Ái của nhiều sáng kiến đã được thực hiện trong suốt nhiều thế kỷ; sự dấn thấn trong việc nghiên cứu khoa học để giới thiệu cho các bệnh nhân những pháp đồ điều trị có tích cải cách và chính xác. Ở đây, di sản đó của quá khứ sẽ giúp lên kế hoạch tốt cho tương lai: chẳng hạn như bảo vệ các bệnh viện Công giáo trước mối nguy hiểm của tâm tính doanh nghiệp, mà trên toàn thế giới, nó đang cố gắng làm cho dịch vụ y tế bước vào lãnh vực thương mại, và cuối cùng, loại bỏ những người nghèo. Đúng hơn, sự thông minh mang tính cảm thông, và Đức Ái đòi hỏi rằng, các bệnh nhân phải được kính trọng trong phẩm giá của họ, và luôn luôn được đặt vào trung tâm điểm của quá trình điều trị. Những Ki-tô hữu nào đang hoạt động trong các tổ chức công cộng, và được kêu gọi để làm chứng cho Tin Mừng cách tốt nhất với sứ mạng của mình, cũng phải biến những quan điểm trên thành của riêng mình.

6.Chúa Giê-su đã để lại cho Giáo hội quyền năng chữa lành của Ngài như là một ân ban: „Những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin […] Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những bệnh nhân đó sẽ được mạnh khỏe“ (Mc 16,17-18). Trong sách Tông Đồ Công Vụ, chúng ta đọc thấy trình thuật về những hoạt động chữa lành do Thánh Phê-rô và Thánh Phao-lô thực hiện (xc. CV 3,4-8; 14,8-11). Chúa Giê-su luôn ban ơn tương ứng với sứ mạng của Giáo hội, và Giáo hội biết rằng, mình phải thủ đắc một cái nhìn được lấp đầy bởi sự trìu mến và lòng nhân hậu đối với các bệnh nhân, giống như Chúa Giê-su. Hoạt động mục vụ chăm sóc bệnh nhân vẫn tiếp tục tồn tại và càng ngày càng trở thành một sứ mạng cần thiết và chính yếu, mà sứ mạng ấy phải được sống với một niềm hăng hái được canh tân, bắt đầu từ các Giáo xứ tới những trung tâm điều trị vượt trội. Ở đây, chúng ta không thể không quan tâm tới sự trìu mến và sự bền tâm mà với nó, nhiều gia đình đang chăm lo cho con cái và cho cha mẹ của họ, hay cho những người bà con đang mắc phải những cơn bệnh nặng, hoặc bị tàn tật trầm trọng. Sự chăm sóc được thực hiện trong các gia đình chính là một chứng tá đặc biệt của Đức Ái đối với con người, và phải được hỗ trợ thông qua sự nhìn nhận cách thích đáng, cũng như thông qua một chính sách xứng hợp. Vì thế, các bác sĩ, các y tá, các Linh mục, những người sống đời thánh hiến và những tình nguyện viên, các thành viên trong các gia đình và tất cả những ai đang dấn thân vào việc phục vụ các bệnh nhân, cũng đều đang tham dự vào với sứ mạng đó của Giáo hội. Đó là một trách nhiệm được chia sẻ, mà trách nhiệm ấy đang làm phong phú hóa giá trị của sự phục vụ hằng ngày của mỗi người.

7.Chúng ta hãy trao phó cả thân xác lẫn tâm hồn của các bệnh nhân cho Đức Maria, Thân Mẫu đầy trìu mến, để Mẹ hỗ trợ họ trong niềm hy vọng. Chúng ta cũng hãy xin Mẹ giúp chúng ta biết thể hiện thái độ sẵn sàng đón nhận đối với những người anh chị em đau yếu. Về điều đó, Giáo hội biết rằng, Giáo hội cần tới một ơn đặc biệt để sứ mạng của mình trong việc phục vụ các bệnh nhân trở nên thích hợp chiếu theo Tin Mừng. Vì thế, ước chi lời cầu nguyện dâng lên Mẹ Thiên Chúa sẽ hiệp nhất tất cả chúng ta lại trong một lời khẩn nguyện liên lỷ, để bất cứ chi thể nào của Giáo hội cũng đều sống ơn gọi phục vụ sự sống và sức khỏe trong Đức Ái. Ước gì Đức Trinh Nữ Maria sẽ cầu bầu cho Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân lần thứ XXVI; ước chi Mẹ sẽ giúp các bệnh nhân biết sống nỗi khổ đau của họ trong sự hiệp thông với Chúa Giê-su, và ước gì Mẹ sẽ trợ giúp những người đang chăm sóc các bệnh nhân. Từ tận cõi lòng, Cha ban Phép Lành Tông Tòa cho tất cả các bệnh nhân, cho những ai đang hoạt động trong lãnh vực y tế, và cho tất cả các tình nguyện viên.

 

Từ Vatican ngày 26 tháng 11 năm 2017

Nhân Dịp Đại Lễ Chúa Ki-tô Vua Vũ Trụ

 

(Công bố ngày 11 tháng 12 năm 2017)

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cistchuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội