Sứ Điệp của ĐTC Phan-xi-cô Nhân Ngày Quốc Tế Cầu Nguyện Cho Ơn Thiên Triệu Lần Thứ 56: Can đảm để mạo hiểm cho lời hứa của Thiên Chúa

 

Anh chị em thân mến!

Cách nay chưa lâu, chúng ta đã cử hành Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ 34 tại Panama sau khi rút ra được kinh nghiệm đầy sống động và phong nhiêu từ Thượng Hội Đồng Giám Mục Về Giới Trẻ vào hồi tháng Mười vừa qua. Hai cuộc đại hội ngộ ấy đã cho phép Giáo hội lắng nghe giọng nói của Chúa Thánh Thần, cũng như lưu tâm tới cuộc sống của những bạn trẻ, những vấn đề của họ và những nỗi mỏi mệt mà chúng đang đè nặng trên họ, kể cả những mong chờ mà họ đang có nữa.

Nhân Ngày Quốc Tế Cầu Nguyện Cho Ơn Thiên Triệu này, Cha muốn tái làm sáng tỏ chính điều mà Cha đã từng chia sẻ với các bạn trẻ tại Panama, cũng như muốn suy tư về việc tiếng gọi của Thiên Chúa đang biến chúng ta thành những người mang vác lời hứa như thế nào, và đồng thời tiếng gọi ấy đang đòi hỏi chúng ta phải có sự can đảm để dám mạo hiểm với Ngài và cho Ngài như thế nào. Cha muốn lưu lại một chút nơi hai khía cạnh – lời hứa và sự mạo hiểm. Vì thế, Cha muốn cùng các con quan sát đoạn Tin Mừng nói về ơn gọi của các môn đệ đầu tiên tại biển hồ Galilêa (Mc 1,16-20).

Cả hai cặp anh em – Si-mon và An-rê cùng với Gia-cô-bê và Gio-an – đều đang làm công việc hằng ngày của mình với tư cách là những ngư phủ. Khi hành nghề với công việc đầy vất vả ấy, họ đã phải học biết những quy luật của thiên nhiên, và đôi khi phải chống chọi lại chúng khi cuồng phong và những cơn sóng dữ gây chao đảo cho những con thuyền. Có những ngày, một mẻ lưới đầy cá sẽ là phần thưởng cho những nỗi cơ cực, nhưng cũng có những lúc, người ta phải mệt nhọc suốt cả đêm trời nhưng chẳng bắt được bao nhiêu cá, và người ta đi vào bờ với tất cả sự mệt nhọc và thất vọng.

Đó là những hoàn cảnh quen thuộc của cuộc sống mà trong đó, mỗi người chúng ta sánh mình với những niềm mong muốn mà mình đang mang trong lòng: Mình dấn thân vào những công việc và mình hy vọng rằng, những công việc đó sẽ đơm bông kết trái, mình tiến ra „đại dương“ của muôn vàn những khả thể và cố tìm cho ra một lộ trình chính xác mà nó có thể thỏa mãn cơn đói khát hạnh phúc của mình. Đôi khi người ta vui mừng về một mẻ lưới đầy cá, nhưng những lần khác thì người ta lại phải sẵn sàng với sự can đảm để điều khiển một con tàu đang bị xô đẩy bởi những trận sóng dữ, hay phải trù liệu với sự thất vọng để kéo lên một mẻ lưới trống không.

Như trong lịch sử của mỗi ơn gọi, trong trường hợp này, một cuộc gặp gỡ cũng đã xảy ra. Đang đi ngang qua đó, Chúa Giê-su nhìn thấy những ngư phủ ấy và Ngài đã tới gần họ… Điều đó đã diễn ra với một ngôi vị, mà với ngôi vị đó, chúng ta đã quyết định chia sẻ cuộc sống trong hôn nhân, hay đưa ra quyết định khác khi chúng ta cảm thấy sức hấp dẫn của đời sống Thánh Hiến: Chúng ta đã nếm trải sự ngỡ ngàng của một cuộc gặp gỡ, và trong khoảnh khắc ấy chúng ta đã lờ mờ nhận ra lời hứa về một niềm vui mà nó có khả năng làm cho cuộc sống chúng ta trở nên viên mãn. Hôm đó, Chúa Giê-su đã đi tới biển hồ Galilêa để đến với các ngư phủ, và phá vỡ „sự đình đốn của trạng thái bình thường“ (Bài Giảng nhân Ngày Quốc Tế Đời Sống Thánh Hiến lần thứ 22, 02.02.2018). Và ngay lập tức, Ngài đã dành cho họ một lời hứa: „Ta sẽ biến các ngươi thành những ngư phủ lưới người“ (Mc 1,17).

Như vậy, lời mời gọi của Thiên Chúa không phải là sự can thiệp của Ngài vào sự tự do của chúng ta; tiếng gọi mời đó không phải là một „cái cũi“ hay là một gánh nặng mà Ngài đã chất lên chúng ta. Đúng hơn, tiếng gọi ấy chính là một sáng kiến đầy Tình Yêu, mà với nó, Thiên Chúa đến cùng chúng ta và mời gọi chúng ta tham gia vào một dự án lớn mà Ngài muốn chúng ta tham dự vào đó. Ở đây Ngài mở ra cho chúng ta đường chân trời của một đại dương bao la, cũng như của một mẻ lưới đầy cá.

Thực ra, Thiên Chúa muốn rằng, cuộc sống chúng ta không nên bị mắc kẹt vào trong những điều quen thuộc, đừng nên bị dồn ép vào trong những thói quen hằng ngày, và đừng tránh né trước việc đưa ra những quyết định mà chúng có thể trao ý nghĩa cho cuộc sống. Thiên Chúa không hề muốn chúng ta cam chịu với việc chỉ sống mỗi ngày với ý nghĩ cho rằng, căn bản mà nói, chẳng còn bất cứ điều gì đáng để dấn thân với tất cả niềm hăng hái nữa; Ngài chẳng hề muốn chúng ta dập tắt hoàn toàn sự bất an trong lòng để tìm cho ra những lộ trình mới cho cuộc hành trình của chúng ta. Nếu đôi khi Ngài cho phép chúng ta được nếm trải một „mẻ lưới lạ lùng“, là vì Ngài muốn làm cho chúng ta khám phá ra rằng, mỗi người chúng ta – qua những cách thức khác nhau – đều được kêu gọi để thực hiện một điều vĩ đại, cũng như khám phá ra rằng, cuộc sống không được phép bị mắc kẹt vào trong những tấm lưới vô nghĩa, cũng như bị mắc kẹt vào trong những tấm lưới của cái mà nó làm cho con tim trở nên tê liệt. Vì thế, ơn gọi chính là một lời mời gọi đừng đứng lì mãi trên bờ với những tấm lưới trong tay, nhưng hãy bước đi theo Chúa Giê-su trên con đường mà Ngài đã chuẩn bị sẵn cho chúng ta, cho niềm hạnh phúc của chúng ta cũng như cho hạnh phúc của những người xung quanh chúng ta.

Tất nhiên, việc đón nhận lời hứa này đòi hỏi phải có can đảm để đưa ra một quyết định. Khi các môn đệ đầu tiên nghe thấy Chúa Giê-su kêu gọi họ tham gia vào một sứ mạng to lớn, „họ đã ngay lập tức bỏ lưới của mình lại và đi theo Ngài“ (xc. Mc 1,18). Điều đó có nghĩa là, để đi theo tiếng gọi của Chúa, chúng ta phải dấn thân với toàn bộ con người của mình, cũng như phải dám mạo hiểm để đặt mình vào trong một thách đố hoàn toàn mới; chúng ta phải buông bỏ tất cả những gì mà chúng muốn cột chặt chúng ta lại với chiếc thuyền cỏn con của mình, và ngăn cản chúng ta trong việc đưa ra một quyết định dứt khoát; và điều đó đòi chúng ta phải có một sự táo bạo mà nó có khả năng thôi thúc chúng ta cách mạnh mẽ để khám phá ra kế hoạch mà Thiên Chúa đã dành sẵn cho cuộc sống chúng ta. Rốt cuộc, khi chúng ta đứng trước một đại dương bao la của ơn gọi, chúng ta sẽ không còn có thể thỏa mãn với việc ngồi vá lưới trên con thuyền chắc chắn của mình lâu hơn nữa, nhưng chúng ta phải tín thác vào lời hứa của Thiên Chúa.

Ở đây, Cha nghĩ trước tiên tới ơn gọi sống đời Ki-tô hữu mà tất cả chúng ta đều đã lãnh nhận trong Bí Tích Thanh Tẩy, và ơn gọi đó nhắc nhớ chúng ta rằng, cuộc sống của chúng ta không phải là một sản phẩm ngẫu nhiên, nhưng là một tặng phẩm để trở nên những người con yêu thương của Thiên Chúa, mà những người con ấy quy tụ lại trong đại gia đình Giáo hội. Ngay ở đó, trong cộng đoàn Giáo hội, đời sống Ki-tô giáo được sinh ra và phát triển, đặc biệt là nhờ vào Phụng Vụ mà nó dẫn chúng ta bước vào việc lắng nghe Lời Chúa cũng như vào ân sủng của các Bí Tích; ở đây, ngay từ khi còn nhỏ, chúng ta đã được dẫn vào trong nghệ thuật cầu nguyện cũng như đã được hướng dẫn để chia sẻ với nhau tất cả trong tình huynh đệ. Chính vì Giáo hội sinh chúng ta ra cho đời sống mới và dẫn chúng ta đến với Chúa Ki-tô, nên Giáo hội chính là Mẹ chúng ta; vì thế, chúng ta cũng phải yêu mến Giáo hội, ngay cả khi chúng ta thấy trên khuôn mặt Giáo hội có những nếp nhăn của sự yếu đuối và tội lỗi, và chúng ta phải góp phần vào việc làm cho Giáo hội ngày càng trở nên mỹ miều và ngời sáng hơn, để Giáo hội có thể trở thành chứng tá của Tình Yêu Thiên Chúa giữa thế giới.

Đời sống Ki-tô giáo thấy được sự diễn tả của mình trong những quyết định mà chúng không chỉ trao cho con đường riêng của chúng ta một hướng đi rõ ràng, nhưng đồng thời cũng góp phần vào việc phát triển Triều Đại Thiên Chúa trong xã hội. Cha nghĩ tới quyết định lập khế ước hôn nhân trong Chúa Ki-tô và lập gia đình, cũng như nghĩ tới những ơn gọi khác trong mối liên hệ đến thế giới lao động và nghề nghiệp, trong mối liên hệ đến sự dấn thân trong lãnh vực Đức Ái và tình liên đới, kể cả trong mối liên hệ đến trách nhiệm xã hội và chính trị v.v… Đó là những ơn gọi mà chúng làm cho chúng ta trở thành những con người mang vác một lời hứa về sự tốt lành, về Đức Ái và công lý, không chỉ cho chính chúng ta, nhưng cũng còn cho cả môi trường xã hội và văn hóa chung quanh mà chúng ta đang sống trong đó, nơi những Ki-tô hữu can đảm và những chứng tá đích thực của Triều Đại Thiên Chúa được tra vấn.

Trong cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, người này hay người kia sẽ cảm thấy sức hấp dẫn của một ơn gọi sống đời Thánh Hiến hay làm Linh mục. Sự khám phá này vừa gây hào hứng nhưng đồng thời cũng gây kinh hoàng: Người ta cảm thấy mình được mời gọi trở thành „những ngư phủ lưới người“ trong con thuyền của Giáo hội, và thực ra, trong sự trao hiến hoàn toàn bản thân mình và trong bổn phận phục vụ Tin Mừng cùng những người anh chị em mình cách trung tín. Quyết định này bao hàm việc dám liều mạng để bỏ tất cả lại đàng sau và đi theo Chúa, và thánh hiến hoàn toàn bản thân mình cho Ngài để cộng tác vào với công trình của Ngài. Có thể nhiều phản kháng nội tâm sẽ ngăn cản một quyết định như thế. Đồng thời, đôi khi người ta cũng có thể trở nên do dự trong một môi trường quá ư là tục hóa mà có vẻ như ở đó không hề có khoảng trống cho Thiên Chúa và Tin Mừng, cũng như rơi vào một „sự vô vọng não nề“ (Bài giảng trong Thánh Lễ dành cho các Linh mục, Tu sĩ và các phong trào Giáo dân, Panama, 26.01.2019).

Nhưng sẽ không có bất cứ một niềm vui nào lớn hơn việc dám liều mạng sống mình cho Thiên Chúa! Cha muốn nói một cách đặc biệt với những người trẻ các con: Đừng điếc lác trước tiếng gọi mời của Thiên Chúa! Nếu Ngài gọi các con bước vào con đường này, thì rồi mái chèo sẽ không được đặt vào trong con thuyền nữa, nhưng nó sẽ được ủy thác cho các con. Các con đừng để mình bị lây nhiễm bởi nỗi sợ hãi mà nó làm cho các con trở nên tê liệt khi phải đối diện với ngọn núi cao mà Thiên Chúa đang mời gọi chúng ta đi lên đó. Hãy luôn luôn nhớ rằng, Thiên Chúa đã hứa ban niềm vui về một cuộc sống mới cho tất cả những ai bỏ lưới và thuyền lại để bước đi theo Ngài, mà niềm vui ấy sẽ lấp đầy con tim họ và làm cho con đường của họ được trở nên phấn chấn.

Anh chị em thân mến, việc nhận ra ơn gọi riêng của mình và việc điều chỉnh cuộc sống mình cho tương ứng với ơn gọi ấy, là điều không phải lúc nào cũng dễ. Vì thế cần phản có một sự không ngừng tái dấn thân của toàn Giáo hội – các Linh mục, Tu sĩ, những cộng tác việc trong lãnh vực mục vụ, và các nhà giáo dục -, để mọi người - đặc biệt là những người trẻ - được quan tâm và có thể đi vào con đường biện phân. Cần có những hoạt động mục vụ giới trẻ và ơn gọi, mà những hoạt động ấy – đặc biệt là thông qua lời cầu nguyện, qua việc suy niệm Lời Chúa, qua việc tôn thờ Thánh Thể và qua sự đồng hành thiêng liêng – có thể giúp người ta khám phá ra kế hoạch của Thiên Chúa.

Như chúng ta đã luôn luôn được thấy trong lúc cử hành Ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Panama, chúng ta phải hướng nhìn lên Đức Maria. Trong đời sống của người Trinh nữ này, ơn gọi cũng là một lời hứa và đồng thời cũng là một sự mạo hiểm. Sứ mạng của Mẹ không hề đơn giản, nhưng Mẹ đã không cho phép nỗi sợ hãi có được sự thắng thế. „Lời „Xin Vâng“ của Mẹ chính là lời „Xin Vâng“ của bất cứ ai muốn dấn thân và chấp nhận mọi rủi ro, cũng như muốn liều mạng mà không hề có bất cứ một bảo đảm nào ngoài việc tin rằng, sẽ trở thành người mang vác một lời hứa. Và Cha xin hỏi mỗi người trong các con. Các con có cảm thấy mình là người mang vác một lời hứa hay không? Tôi đang mang lời hứa nào trong lòng mà tôi phải dấn thân cho nó? Chắc chắn Đức Mari đã có một sứ mạng khó khăn, nhưng những khó khăn đó đã không phải là lý do để nói „không“. Thật rõ ràng rằng, đã có những rắc rối, nhưng chúng không phải là những rắc rối đột nhiên xuất hiện khi sự hèn nhát gây tê liệt cho chúng ta, vì không phải tất cả đều đã được giải thích rõ ràng hay đã được đảm bảo từ trước“ (Kinh Đêm với giới trẻ, Panama, 26.01.2019).

 

Vào ngày đó, chúng ta hãy cùng cầu xin Thiên Chúa, xin Ngài giúp chúng ta khám phá ra kế hoạch Tình Yêu của Ngài đối với cuộc sống chúng ta, và ban niềm can đảm cho chúng ta để chúng ta dám bước đi trên con đường mà Ngài đã dành sẵn cho mỗi người chúng ta.

 

Từ Vatican, ngày 31 tháng 01 năm 2019

Tức Ngày Kính Nhớ Thánh Gio-an Don Bosco

(Công bố lúc 12g00 ngày mồng 09 tháng 03 năm 2019)

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội