SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG GỬI HỒNG Y ETCHEGARAY

 

Vatican, thứ Hai, 08 tháng 9 năm 2003. Đây là toàn văn sứ điệp của Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II gửi Đức Hồng y Etchegaray nhân cuộc gặp gỡ vì hòa bình của các tôn giáo tổ chức tại Aix-la-Chapelle do cộng đoàn Thánh Egidio tổ chức. Mạng thông tin của họ công bố bản dịch này từ nguyên bản tiếng Đức.

 

Thưa Hồng y Roger Etchegaray, hiền huynh kính mến.

 

1. Thưa Hồng y, tôi đặc biệt vui sướng được nhờ tay ngài chuyển lời chào của tôi đến các vị đại diện cao quý của các giáo hội, các cộng đoàn Ki-tô hữu và của các tôn giáo lớn trên thế giới đang quy tụ tại cuộc gặp gỡ lần thứ mười bảy để cầu nguyện cho hòa bình với chủ đề: “Giữa chiến tranh và hòa bình, các tôn giáo và các nền văn hóa gặp gỡ nhau”. Tôi muốn dành một ý nghĩ đặc biệt cho Giám mục Aix-la-Chapelle, Đức Cha Henrich Mussinghof, và cho các tín hữu của giáo phận đã góp phần thực hiện cuộc gặp gỡ này.

Năm 1986, khi tôi muốn bắt đầu từ Assisi con đường mà cuộc gặp gỡ Aix-la-Chapelle là một chặng, thế giới còn đang chia rẽ thành hai khối và đang bị đè nén trong sự sợ hãi về cuộc chiến tranh hạt nhân. Thấy được nhu cầu khẩn thiết của các dân tộc được bắt đầu mơ ước trở lại về một tương lai hòa bình và thịnh vượng cho tất cả mọi người, tôi đã mời gọi các tín hữu thuộc các tôn giáo khác nhau trên thế giới tập họp lại để cầu nguyện cho hòa bình. Trước mắt tôi là thị kiến vĩ đại của ngôn sứ I-sai-a: mọi dân tộc trên địa cầu từ khắp nơi lên đường tề tựu về xung quanh Đức Chúa như một gia đình duy nhất, vĩ đại và muôn màu. Đó là thị kiến mà Á Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII rất yêu thích và đã thúc đẩy ngài viết thông điệp “Pacem in terris” (Hòa bình trên thế giới) mà năm nay chúng ta kỷ niệm 40 năm công bố.

 

2. Tại Assisi, ước mơ đó mang một hình thù cụ thể và hữu hình, đốt lên trong tâm hồn nhiều hy vọng hòa bình. Chúng ta tất cả đã vui sướng. Khốn thay, cái đà đó đã không được bắt lấy với sự nhanh chóng và sự chú tâm cần thiết. Những năm qua người ta đã đầu tư rất ít cho việc bảo vệ hòa bình và việc nâng niu mơ ước về một thế giới không có chiến tranh. Ngược lại người ta đã chuộng con đường phát triển những lợi ích cá nhân, tiêu pha những tài sản khổng lồ theo một cách khác, đặc biệt cho những mục tiêu quân sự.

Chúng ta đã chứng kiến sự phát triển những đam mê ích kỷ vì các đường biên giới, vì sắc tộc và vì quốc gia. Đôi khi ngay cả tôn giáo cũng đã khuất phục trước bạo lực. Trong vài ngày nữa chúng ta sẽ kỷ niệm cuộc tấn công bi thảm vào tòa tháp đôi ở New York. Khốn thay, cùng lúc với tháp đôi, ta có thể nói nhiều hy vọng hòa bình cũng đã sụp đổ. Các cuộc chiến và tranh chấp tiếp tục phát đạt và đầu độc sự sống của nhiều dân tộc, nhất là trong các nước nghèo nhất của châu Phi, châu Á và châu Mỹ La-tinh. Tôi nghĩ đến hàng chục cuộc chiến tranh đang diễn ra và đến cuộc chiến tranh mờ ám là sự khủng bố.

 

3. Bao giờ thì các cuộc tranh chấp kết thúc? Bao giờ thì các dân tộc rốt cuộc có thể thấy một thế giới hòa bình? Chắc chắn tiến trình hòa bình chẳng dễ dàng gì nếu người ta để cho phát triển những bất công và những sự bất tương xứng trên hành tinh của chúng ta, với một sự vô tâm đáng lên án. Thường các nước nghèo trở nên những nơi không có hy vọng, những lò bạo lực. Chúng ta không muốn chấp nhận chiến tranh làm chủ sự sống của thế giới và của các dân tộc. Chúng ta không muốn chấp nhận sự nghèo khó là người bạn thường trực của cuộc sống các quốc gia.

Vì vậy chúng ta tự hỏi: làm gì đây? Và đặc biệt những tín hữu có thể làm gì đây? Làm sao để xác lập hòa bình trong giai đoạn đầy chiến tranh này? Vậy, tôi tin rằng những cuộc gặp gỡ quốc tế cầu nguyện cho hòa bình do cộng đoàn Thánh Egidio là một câu trả lời cụ thể cho các câu hỏi đó. Đã mười bảy năm trôi qua và ta đã thấy được hoa trái hòa bình. Mỗi năm, đại diện các tôn giáo khác nhau gặp gỡ nhau, hiểu biết nhau, làm dịu các căng thẳng, tìm cách sống chung và có trách nhiệm chung đối với hòa bình.

 

4. Gặp nhau tại Aix-la-Chapelle vào đầu thiên niên kỷ này một lần nữa thật là ý nghĩa. Thành phố này nằm ở trung tâm của lục địa châu Âu, nói lên một cách rõ ràng truyền thống cổ xưa của châu lục này: những cội nguồn xa xưa, bắt đầu từ những cội nguồn Ki-tô giáo đã hòa hợp và củng cố những cội nguồn khác. Những gốc rễ Ki-tô giáo không phải là hồi ức của một sự độc quyền về tôn giáo nhưng là nền tảng của tự do bởi vì châu Âu nhờ đó mà trở thành một lò đúc những nền văn hóa và những kinh nghiệm khác nhau. Chính từ những gốc rễ cổ xưa đó mà các dân tộc châu Âu đã lấy đà đưa họ tới tận cùng trái đất và nơi thẳm sâu của con người, của phẩm giá không chạm tới được nơi con người, của sự bình đẳng căn bản của tất cả mọi người, của quyền hưởng công lý và hòa bình dành cho mọi người.

Hôm nay, khi mở rộng tiến trình thống nhất của mình, châu Âu được mời gọi tìm lại cái năng lực đó bằng cách ý thức lại về cội nguồn sâu thẳm nhất của mình. Quên đi cội nguồn thì không lành mạnh. Chỉ giả định sự hiện hữu của những cội nguồn đó thôi không đủ để đốt nóng tâm hồn. Im lặng không nói đến làm cho con tim trở nên khô cằn. Càng uống no say nơi nguồn cội tôn giáo và văn hóa của mình, châu Âu càng hùng mạnh hơn cho hiện tại và tương lai của thế giới. Kho tàng kiến thức tôn giáo và nhân bản mà châu Âu đã tích lũy qua bao thế kỷ mà một di sản, mặc dầu có những sự căng thẳng và mâu thuẫn đi kèm. Di sản đó một lần nữa có thể được cống hiến cho sự lớn mạnh của toàn thể nhân loại. Tôi xác tín rằng nếu bám rễ chắc chắn vào nguồn cội của mình, châu Âu sẽ làm tăng tốc tiến trình thống nhất nội tại và góp phần không thể thiếu được vào sự tiến bộ và nền hòa bình giữa mọi dân tộc trên hoàn cầu.

 

5. Trong một thế giới chia rẽ ngày càng hướng tới những phân ly, những cá biệt, sự hiệp nhất là một nhu cầu khẩn thiết. Các nhà tôn giáo và văn hóa khác nhau được mời gọi khám phá con đường gặp gỡ và đối thoại. Hiệp nhất không phải là đồng nhất. Tuy nhiên, hòa bình không xây dựng được trên sự không hiểu biết nhau, mà trái lại, trên sự gặp gỡ và đối thoại. Đó là bí quyết của cuộc gặp gỡ tại Aix-la-Chapelle. Mọi người, khi nhìn thấy quý vị, sẽ có thể nói rằng trên con đường đó, hòa bình giữa các dân tộc không phải là một sự không tưởng xa vời.

“Danh Thiên Chúa duy nhất mỗi ngày càng phải trở nên cái mà nó là dấu chỉ, một danh xưng của hòa bình và một mệnh lệnh hòa bình” (Tông thư Tiến tới thiên niên kỷ thứ ba). Vì thế chúng ta càng phải gia tăng sự gặp gỡ của chúng ta, đặt nền móng hòa bình vững chắc và cùng nhau chia xẻ. Nền móng đó giải giới những ai thích bạo lực, đưa họ về với lý trí và sự tôn trọng, phủ lên trên thế giới một mạng lưới những tâm tình yêu chuộng hòa bình.

Với các anh chị em Ki-tô hữu, “chúng ta tiếp tục cuộc đối thoại với sự quyết tâm” (Tông huấn Giáo hội tại châu Âu, số 31): ước gì ngàn năm thứ ba là thời gian hiệp nhất quanh Thiên Chúa duy nhất. Gương xấu của sự chia rẽ không còn chấp nhận được nữa: đó là một tiếng “không” được lập lại với Thiên Chúa và với hòa bình.

Với quý vị đại diện cao quý của các tôn giáo lớn trên thế giới, chúng tôi muốn tăng cường sự đối thoại vì hòa bình: khi nhìn lên Người Cha của tất cả mọi dân tộc, chúng ta sẽ nhận ra rằng những sự khác biệt không đẩy chúng ta đến sự đối đầu nhưng đến sự kính trọng, sự hợp tác chân thành và sự kiến tạo hòa bình.

Với các anh chị em theo truyền thống tục hóa, chúng tôi cảm thấy rằng chúng tôi phải tiếp tục con đường đối thoại và tình yêu như là con đường duy nhất để tôn trọng quyền ợi của mỗi người và đương đầu với những thách thức của ngàn năm mới. Thế giới cần hòa bình, cần nhiều hòa bình. Con đường mà chúng tôi biết để đạt đến hòa bình, với tư cách là tín hữu, đó là con đường cầu nguyện với Đấng có thể ban hòa bình. Con đường mà tất cả chúng ta có thể đi là con đường đối thoại trong tình yêu. Với vũ khí là cầu nguyện, đối thoại, chúng ta bấy giờ sẽ bước đi trên con đường của tương lai.

 

Vatican Information Service

Ricky, chuyển ngữ


Mục Lục Giáo Hội
Trở Về Trang Nhà