SỨ ĐIỆP CỦA ĐTC PHAN-XI-CÔ NHÂN NGÀY QUỐC TẾ TRUYỀN GIÁO 20.10.2019: ĐƯỢC THANH TẨY VÀ ĐƯỢC SAI ĐI: GIÁO HỘI CHÚA KI-TÔ LÊN ĐƯỜNG TRUYỀN GIÁO TRÊN THẾ GIỚI

 

Anh chị em thân mến,

 

đối với tháng 10 năm 2019, Cha đã xin toàn Giáo hội sống một thời gian đặc biệt cho việc truyền giáo để kỷ niệm 100 năm ngày công bố Thông Điệp Maximum illud của ĐTC Bê-nê-đíc-tô XV (30.11.1919). Viễn tượng có tính Ngôn Sứ nơi sáng kiến tông đồ của Ngài đã giúp Cha hiểu rằng, việc canh tân sự dấn thân truyền giáo của Giáo hội để việc thực thi sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo hội trở nên mạnh mẽ hơn hầu mang ơn cứu độ của Chúa Giê-su chết và phục sinh đến cho thế giới, cũng vẫn đang còn rất quan trọng trong thời đại hôm nay.

Tiêu đề của Sứ Điệp đang được trình bày đây cũng giống như đề tài của Tháng Mười Truyền Giáo: Được Thanh Tẩy và sai đi: Giáo hội của Chúa Ki-tô lên đường truyền giáo trên thế giới. Trước tiên, việc cử hành Tháng Truyền Giáo này sẽ giúp chúng ta tái tìm thấy ý nghĩa truyền giáo nơi quyết định Đức Tin của chúng ta nhằm đứng về phía Chúa Giê-su Ki-tô, tức Đức Tin mà chúng ta đã lãnh nhận cách nhưng không trong Bí Tích Thanh Tẩy như là một hồng ân. Chúng ta thuộc về Thiên Chúa với tư cách là những người con của Ngài – điều này không bao giờ diễn ra với tư cách là những cá nhân, nhưng luôn luôn mang tính Giáo hội: từ sự hiệp thông với Thiên Chúa – Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần – sẽ nảy sinh một đời sống mới cùng với nhiều anh chị em khác. Sự sống thần linh ấy không phải là một món hàng có thể bán chác – chúng ta không tiến hành việc chèo kéo người khác theo đạo -, nhưng là một di sản mà người ta phải tiếp tục trao tặng, chia sẻ và công bố: Ý nghĩa của công cuộc truyền giáo nằm ở đó. Chúng ta đã lãnh nhận hồng ân này cách nhưng không thì chúng ta cũng hãy chia sẻ nó cách nhưng không (xc. Mt 10,8) và đừng loại trừ bất cứ ai. Thiên Chúa muốn cứu độ hết thảy mọi người bằng cách giúp họ hiểu được chân lý và kinh qua Lòng Xót Thương của Ngài nhờ vào Giáo hội và Bí Tích cứu độ phổ quát (xc. 1Tm 2,4; 3,15; LG, 48).

Giáo hội lên đường truyền giáo trên thế giới: Đức Tin vào Chúa Giê-su Ki-tô trao ban cho chúng ta chiều kích chính xác của tất cả mọi sự việc, vì Đức Tin cho phép chúng ta nhìn ngắm thế giới với cặp mắt và con tim của Thiên Chúa; niềm Hy Vọng mở chúng ta ra cho đường chân trời vĩnh cửu của sự sống thần linh mà chúng ta sẽ thực sự tham dự vào; Tình Yêu mà chúng ta nếm hưởng trước trong các Bí Tích và trong Đức Ái huynh đệ sẽ thôi thúc chúng ta đi tới tận cùng bờ cõi trái đất (xc. Mi 5,3; Mt 28, 19; Cv 1,8; Rm 10,18). Một Giáo hội đi tới những vùng biên thùy xa xôi nhất, sẽ luôn cần tới một sự hoán cải mang tính truyền giáo, liên tục và thừa sai. Biết bao nhiêu những vị Thánh, và biết bao nhiêu những nam nữ tín hữu đang làm chứng cũng như đang chỉ cho chúng ta thấy rằng, việc mở ra một cách không giới hạn là điều có thể thực hiện được, và sự ra đi đầy nhân hậu được coi như một động lực thúc đẩy của Đức Ái cũng như của lô-gích ân sủng – bản chất của Đức Ái -, của sự hy sinh và của sự nhưng không (xc. 2Cr 5,14-21)! Ai công bố Thiên Chúa, người ấy sẽ trở thành người của Thiên Chúa (xc. TĐ Maximun illud). 

Đó là sứ mạng mà nó liên quan trực tiếp đến chúng ta: Tôi luôn luôn là một nhà truyền giáo; bạn luôn luôn là một nhà truyền giáo; bất cứ người nào đã được lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy – dù nam hay nữ - cũng đều là một nhà truyền giáo; ai sống Đức Ái, người ấy sẽ đặt mình vào trong sự chuyển động, mà sự chuyển động ấy sẽ thôi thúc người đó đi ra khỏi chính mình, người đó sẽ được thôi thúc để đi ra, sẽ đi ra, và sẽ trao hiến chính bản thân mình cho người khác, cũng như sẽ thắt chặt các mối tương quan mà chúng trao ban sự sống. Không có bất cứ người nào vô dụng và thiếu quan trọng đối với Tình Yêu của Thiên Chúa cả. Bất cứ người nào trong chúng ta cũng đều là một nhà truyền giáo trên thế giới, vì người ấy chính là hoa trái của Tình Yêu Thiên Chúa. Ngay cả khi cha tôi và mẹ tôi phản bội lại Tình Yêu thông qua sự lừa dối, hận thù và bất trung, thì Thiên Chúa cũng sẽ không bao giờ ngừng ban tặng sự sống, đặc biệt là trao ban sự sống thần linh và vĩnh cửu của Ngài cho bất cứ người con trai hay con gái nào (xc. Ep 1,3-6).

Sự sống ấy được chia sẻ cho chúng ta trong Bí Tích Thanh Tẩy: Bí Tích này ban cho chúng ta Đức Tin vào Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng chiến thắng tội lỗi và tử thần, và Bí Tích này cũng canh tân chúng ta theo hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa, cũng như tháp nhập chúng ta vào thân thể Chúa Ki-tô, tức Giáo hội. Vì thế, theo nghĩa đó, Bí Tích Thanh Tẩy sẽ thực sự cần thiết đối với ơn cứu độ, vì nó bảo đảm với chúng ta rằng, dù ở đâu và bất cứ lúc nào đi nữa, chúng ta cũng vẫn luôn luôn là những người con trai và con gái trong nhà Thiên Chúa Cha, không bao giờ là những đứa trẻ mồ côi, những khách lạ hay những nô lệ. Điều mà nó là thực thể Bí Tích nơi người Ki-tô hữu, mà sự viên mãn của nó chính là Bí Tích Thánh Thể, thì đó chính là ơn gọi và là sự xác định đối với những người nam và những người nữ đang mong chờ sự hoán cải và ơn cứu độ. Vì Bí Tích Thanh Tẩy chính là lời hứa được hiện thực hóa của hồng ân Thiên Chúa, mà hồng ân ấy làm cho người ta trở thành những người con trai và con gái trong Người Con. Chúng ta là con cái của các bậc cha mẹ tự nhiên của chúng ta, nhưng tư cách hiền phụ nguyên thủy và tư cách hiền mẫu đích thực được ban cho chúng ta trong Bí Tích Thanh Tẩy: ai không có Giáo hội là Mẹ, người ấy cũng không thể có Thiên Chúa là Cha (xc. Thánh Cypriano – Bàn về sự hiệp nhất của Giáo hội, 6).

Bởi thế, sứ mạng truyền giáo của chúng ta luôn bén rễ sâu trong tình hiền phụ của Thiên Chúa và trong tình hiền mẫu của Giáo hội, vì Bí Tích Thanh Tẩy chính là đặc tính cố hữu của sứ mạng mà Chúa Giê-su đã diễn tả trong biến cố Vượt Qua từ cái chết để đi tới sự phục sinh: Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em đi, hãy nhận lấy Thánh Thần để giao hòa thế gian với Thiên Chúa (xc. Ga 20,19-23; Mt 28,16-20). Người Ki-tô hữu có nghĩa vụ phải thi hành sứ mạng ấy, để công bố cho tất cả mọi người biết được ơn gọi làm con Thiên Chúa của họ cũng như công bố niềm xác tín vào nhân phẩm của họ, cũng như công bố cho họ biết về giá trị nội tại của sự sống nhân loại, kể từ lúc được thụ thai cho tới lúc qua đời cách tự nhiên. Nếu sự tục hóa tràn lan phát triển thành một sự khước từ mạnh mẽ tình hiền phụ đầy hiệu năng của Thiên Chúa, và được coi như một nền văn hóa trong lịch sử của chúng ta, thì nó sẽ cản ngăn bất cứ tình huynh đệ đích thực nào nơi tất cả mọi người, mà tình huynh đệ ấy luôn luôn được thể hiện trong sự kính trọng hỗ tương trước sự sống của bất cứ ai. Nếu không có Thiên Chúa của Chúa Giê-su Ki-tô thì bất cứ sự khác biệt nào cũng đều trở thành một mối đe dọa cực kỳ nguy hiểm, mà mối đe dọa ấy sẽ làm cho sự đón nhận nhau trong tình huynh đệ cũng như làm cho sự hợp nhất của nhân loại trở nên bất khả.

Ơn tiền định phổ quát để được hưởng ơn cứu độ mà Thiên Chúa đã giới thiệu với chúng ta trong Chúa Giê-su Ki-tô đã thôi thúc Đức Thánh Cha Bê-nê-đíc-tô XV khẳng định rằng, bất cứ sự ngoan cố nào, cho dù nó mang tính quốc gia hay dân tộc, bất cứ sự gây ảnh hưởng xấu nào tới việc loan báo Tin Mừng bởi những thế lực thực dân, hay bởi những ích lợi kinh tế và quân sự của chúng, cũng đều bị thắng vượt. Trong Thông Điệp Maximum illud của mình, Đức Bê-nê-đíc-tô XV đã nhắc nhớ rằng, sự phổ quát mà Thiên Chúa muốn nơi sứ mạng của Giáo hội đòi hỏi người ta phải đi ra khỏi sự liên kết độc quyền với một quê hương hay với một dân tộc riêng lẻ. Việc mở ra của nền văn hóa cũng như của cộng đồng xã hội đối với sự mới mẻ có khả năng mang tới ơn cứu độ của Chúa Giê-su Ki-tô đòi người ta phải thắng vượt bất cứ sự quy ngã nào mang tính dân tộc hay Giáo hội cách quá đáng. Ngay cả trong thời đại hôm nay đi nữa thì Giáo hội cũng vẫn đang còn phải cần tới những người nam và những người nữ, mà nhờ vào Bí Tích Thanh Tẩy họ đã lãnh nhận, dám trả lời cách quảng đại cho tiếng gọi mời đi ra khỏi quê hương, xứ sở, nhà cửa, gia đình, ngôn ngữ và Giáo hội địa phương của mình. Họ được sai đến với muôn dân cũng như sai vào những vùng đất mà nơi đó vẫn chưa được biến đổi nhờ vào các Bí Tích của Chúa Giê-su và Giáo hội thánh thiện của Ngài. Thông qua việc công bố Lời Thiên Chúa, làm chứng cho Tin Mừng và mừng kính sự sống trong Chúa Thánh Thần, họ sẽ kêu mời mọi người hoán cải, sẽ trao ban Bí Tích Thanh Tẩy và giới thiệu ơn cứu độ Ki-tô giáo; họ thực hiện điều đó trong niềm kính trọng sự tự do nhân vị của bất cứ người nào, cũng như trong sự đối thoại với các nền văn hóa và các tôn giáo của các dân tộc mà họ được sai đến. Sứ vụ đến với muôn dân – Missio ad gentes – mà nó vẫn đang còn rất cần thiết đối với Giáo hội, sẽ không ngừng thúc đẩy quá trình hoán cải của tất cả mọi Ki-tô hữu với một cách thức căn bản. Niềm tin vào cuộc Vượt Qua của Chúa Giê-su, sứ mạng của Giáo hội thông qua Bí Tích Thanh Tẩy, sự đi ra khỏi chính mình cũng như khỏi căn nhà riêng của mình cả về khía cạnh địa lý lẫn văn hóa, sự cần thiết của ơn được cứu khỏi tội khiên cũng như ơn giải thoát khỏi nỗi bất hạnh cá nhân và xã hội sẽ thôi thúc người ta lên đường truyền giáo cho tới tận cùng bờ cõi trái đất.

Nhờ ơn Thiên Chúa quan phòng, cuộc Hội Nghị với Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về các Giáo hội thuộc vùng Amazon đã giúp Cha xác tín thêm rằng, sứ mạng truyền giáo mà Chúa Giê-su đã ủy thác cho chúng ta với hồng ân Chúa Thánh Thần của Ngài, cũng vẫn đang còn rất cần thiết và có tính thời sự đối với vùng đất ấy, cũng như đối với các cư dân của nó. Một Lễ Ngũ Tuần mới sẽ mở toang những cánh cửa của Giáo hội ra, hầu cho không có bất cứ nền văn hóa nào còn tự nhốt mình lại trong chính mình, cũng như không có bất cứ một dân tộc nào còn tự bế quan tỏa cảng chính mình nữa, nhưng mở ra cho sự hiệp thông phổ quát trong Đức Tin. Ước chi đừng có ai còn tự nhốt mình lại trong cái TÔI của mình nữa, cũng như đừng tự nhốt mình lại trong sự ích kỷ liên quan tới tư cách thuộc về một dân tộc hay tôn giáo của mình. Cuộc Vượt Qua của Chúa Giê-su sẽ phá hủy hết mọi ranh giới chật hẹp của thế giới, của các tôn giáo cũng như của các nền văn hóa, và kêu mời thế giới, kêu mời các tôn giáo và các nền văn hóa hãy phát triển trong sự kính trọng phẩm giá của bất cứ người nam hay người nữ nào, hầu thực hiện một cuộc hoán cải không ngừng để trở về với chân lý của Đấng Phục Sinh, Đấng ban tặng sự sống đích thực cho tất cả mọi người.

Trong mối liên hệ ấy, Cha chợt nhớ tới những lời của Đức Thánh Cha Bê-nê-đíc-tô XVI khi Ngài nói để khai mạc cuộc hội nghị của các Giám mục vùng Mỹ Châu La-tinh tại Aparecida, Bra-xin vào năm 2007; Cha muốn tái nhắc lại những lời đó ở đây, cũng như muốn biến chúng thành của mình: „Sự đón nhận Đức Tin Ki-tô giáo có một tầm quan trọng như thế nào đối với các quốc gia vùng Mỹ Châu La-tinh cũng như vùng Caribê? Tầm quan trọng đối với các quốc gia đó chính là học biết và đón nhận Chúa Ki-tô, một Thiên Chúa vô danh mà tổ tiên họ đã tìm kiếm, nhưng không hề ý thức, trong các truyền thống tôn giáo phong phú của mình. Chúa Ki-tô chính là Đấng Cứu Độ mà họ đã khát khao trong âm thầm. Nó cũng có nghĩa là đón nhận sự sống của Thiên Chúa với Nước Thanh Tẩy, mà sự sống ấy đã làm cho họ trở thành những nghĩa tử của Thiên Chúa; bên cạnh đó là việc lãnh nhận Chúa Thánh Thần, Đấng đã đến để làm cho các nền văn hóa của họ được trở nên phong nhiêu, bằng cách thanh tẩy chúng và làm cho vô vàn những mầm chồi và hạt giống mà Lời Nhập Thể đã gieo vào trong những nền văn hóa ấy được đâm chồi nẩy lộc, cũng như hướng chúng đi vào những con đường của Tin Mừng. [...] Lời Thiên Chúa, khi trở thành xác phàm trong Chúa Giê-su Ki-tô, cũng trở thành lịch sử và văn hóa. Kế hoạch không tưởng nhằm khôi phục các tôn giáo tiền Cô-lum-bô thông qua việc tách ra khỏi Chúa Ki-tô cũng như tách ra khỏi Giáo hội toàn cầu, sẽ không phải là một bước tiến nhưng là một bước thụt lùi. Trong thực tế, kế hoạch đó chính là một hiện tượng thoái trào để trở về lại với một thời kỳ lịch sử bị neo chặt trong quá khứ“ (Diễn Văn Khai Mạc Hội Nghị, 13.05.2007; Insegnamenti III,1 [2007], 855-856).

Chúng ta hãy trao phó sứ mạng của Giáo hội cho Đức Maria, Thân Mẫu của chúng ta. Trong sự hiệp nhất với Con mình, Mẹ đã đặt bản thân vào trong sự chuyển động – bắt đầu với sự Nhập Thể của Ngài -, và hoàn toàn để cho mình được bao hàm trong sứ mạng của Chúa Giê-su, tức trong sứ mạng mà dưới chân Thập Giá, nó đã trở thành sứ mạng riêng của Mẹ: với tư cách là Mẹ Giáo hội, Mẹ đã cộng tác vào đó hầu sinh thêm những người con trai và con gái của Thiên Chúa trong Chúa Thánh Thần và trong Đức Tin.

Cha muốn kết thúc Sứ Điệp này với một lời vắn gọn về các Hiệp Hội Truyền Giáo Giáo Hoàng mà các Hiệp Hội này đã được giới thiệu trong Thông Điệp Maximum illud như là khí cụ truyền giáo. Các Hiệp Hội Truyền Giáo Giáo Hoàng đã trình bày công cuộc phục vụ toàn thể Giáo hội như một mạng lưới toàn cầu có khả năng hỗ trợ Đức Giáo Hoàng trong sự dấn thân truyền giáo của mình bằng việc cầu nguyện – linh hồn của công cuộc truyền giáo – và những món quà từ thiện của các Ki-tô hữu trên toàn thế giới. Sự đóng góp của họ sẽ hỗ trợ Đức Thánh Cha trong công cuộc loan báo Tin Mừng tại các Giáo hội địa phương (Hiệp Hội Loan Truyền Đức Tin), trong việc đào tạo hàng Giáo sĩ địa phương (Hiệp Hội Thánh Phê-rô Tông Đồ), trong việc giáo dục để có được một niềm ý thức về truyền giáo nơi các em nhỏ trên toàn thế giới (Hiệp Hội Truyền Giáo Thiếu Nhi) và trong việc huấn luyện Đức Tin thừa sai của các Ki-tô hữu (Hiệp Hội Truyền Giáo Giáo Hoàng). Trong khi Cha xác nhận sự hỗ trợ của mình đối với các Hiệp Hội ấy, Cha hy vọng rằng, Tháng Truyền Giáo đặc biệt, tức tháng Mười năm 2019, sẽ có thể góp phần đưa tới sự canh tân sứ mạng truyền giáo của các Hiệp Hội ấy trong việc hỗ trợ trách vụ của Cha.

Từ tận đáy lòng, Cha ban phép lành của Cha cho tất cả các Nam Nữ Thừa Sai, cũng như cho tất cả những ai đang tham dự vào sứ mạng truyền giáo của Giáo hội nhờ Bí Tích Thanh Tẩy mà họ đã lãnh nhận với những cách thức thích hợp.

 

Từ Vatican ngày mồng 09 tháng 06 năm 2019

Đại Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm. Đa-minh Thiệu, O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội