Sứ Điệp Ngày Thế giới Truyền giáo 2020

Dạ, con đây, xin sai con đi” (Is 6,8)

Anh chị em thân mến,

Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa vì sự dấn thân sống Tháng Truyền giáo Đặc biệt của toàn thể Giáo hội trong suốt tháng 10 năm ngoái (2019). Tôi tin chắc điều này đã giúp khuyến khích nhiều cộng đoàn hoán cải trong việc loan báo Tin Mừng, theo chủ đề “Được chịu phép rửa và được sai đi: Giáo hội của Chúa Kitô trong sứ mạng giữa thế giới”.

Con đường truyền giáo của Giáo hội: “Dạ, con đây, xin sai con đi” (Is 6,8)

Trong năm nay, năm được ghi dấu bởi những đau khổ và thách đố do đại dịch Covid-19 gây ra, con đường truyền giáo này của toàn Giáo hội tiếp tục được tìm thấy dưới ánh sáng trong tường thuật ơn gọi của tiên tri Isaia: “Dạ, con đây, xin sai con đi” (Is 6,8). Đây là câu trả lời luôn luôn mới trước câu hỏi của Chúa: “Ta sẽ sai ai đây?” (nt.). Lời kêu gọi này xuất phát từ con tim của Thiên Chúa, từ lòng thương xót của Người, chất vấn cả Giáo hội và nhân loại trong cuộc khủng hoảng thế giới hiện nay. “Như các môn đệ trong bài Tin Mừng, chúng ta bất ngờ bị bão tố hung bạo vùi dập. Chúng ta nhận thấy mình đang ở trên cùng một con thuyền, tất cả đều mong manh và mất hướng, nhưng đồng thời tất cả đều quan trọng và cần thiết, tất cả được kêu gọi cùng chèo với nhau, tất cả đều cần an ủi nhau. Tất cả chúng ta đều ở trên con thuyền ấy. Như những môn đệ trong bài Tin Mừng đồng thanh và lo âu nói với nhau: ‘Chúng ta chết mất’ (Mc 4,38), chúng ta cũng nhận thấy mình không thể tiến bước nếu mỗi người chỉ lo cho mình, nhưng phải cùng nhau” (Suy niệm tại Quảng trường Thánh Phêrô, 27 tháng 3 năm 2020).

Sứ vụ truyền giáo: Từ cái tôi sợ hãi đến trao ban chính mình cho người khác

Chúng ta thực sự hoảng sợ, mất phương hướng và khiếp đảm. Đau đớn và cái chết làm cho chúng ta cảm nghiệm sự yếu đuối của con người; nhưng đồng thời nhắc nhở chúng ta về một khát vọng mạnh mẽ về sự sống và về việc được giải thoát khỏi sự dữ. Trong bối cảnh này, lời mời gọi loan báo Tin Mừng, lời mời ra khỏi chính mình vì tình yêu Thiên Chúa và người lân cận được trình bày như một cơ hội để chia sẻ, phục vụ và cầu bầu. Sứ vụ mà Thiên Chúa giao phó cho mỗi người đi từ cái tôi sợ hãi và khép kín đến cái tôi được tìm thấy và đổi mới từ chính việc trao ban chính mình cho người khác.

Chúa Giêsu là Vị Truyền Giáo của Chúa Cha

Trong hy tế Thánh giá, nơi sứ vụ của Chúa Giêsu được hoàn thành (Ga 19,28-30), Thiên Chúa mặc khải tình yêu của Người dành cho mỗi người và cho mọi người (Ga 19,26-27). Và Ngài yêu cầu chúng ta sẵn sàng để được sai đi, bởi vì Thiên Chúa là Tình yêu trong sự chuyển động không ngừng của sứ vụ luôn luôn ra khỏi chính mình để trao ban sự sống. Vì yêu thương con người, Thiên Chúa Cha đã sai Con Ngài là Chúa Giêsu (Ga 3,16). Chúa Giêsu là Vị Truyền Giáo của Chúa Cha: Cuộc sống và sứ vụ của Chúa Giêsu hoàn toàn tuân theo ý muốn của Chúa Cha (Ga 4,34; 6,38; 8,12-30; Hr 10,5-10). Đến lượt mình, Chúa Giêsu chịu đóng đinh và phục sinh vì chúng ta, lôi cuốn chúng ta trong sự chuyển động yêu thương của Ngài. Thánh Thần của Chúa Giêsu làm cho Giáo hội sống động, làm cho chúng ta trở thành môn đệ của Chúa Kitô và sai chúng ta đi loan báo Tin Mừng cho thế giới và cho mọi người.

Sứ vụ không phải là một chương trình

“Sứ vụ, ‘Giáo hội đi ra’ không phải là một chương trình, một ý định phải đạt được qua nỗ lực của ý chí. Chính Chúa Kitô làm cho Giáo hội ra khỏi chính mình. Trong sứ vụ loan báo Tin Mừng, anh chị em di chuyển vì Thánh Thần thúc đẩy anh chị em và đưa anh chị em đi”. Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta trước và với tình yêu này, Thiên Chúa đến và mời gọi chúng ta. Ơn gọi cá nhân của chúng ta xuất phát từ việc chúng ta là những người con của Thiên Chúa trong Giáo hội, gia đình Ngài, là anh chị em của Ngài trong đức ái mà Chúa Giêsu đã làm chỉ cho chúng ta. Tuy nhiên, tất cả đều có phẩm giá con người dựa trên lời mời gọi trở thành con cái Thiên Chúa, để trở thành, trong bí tích Thánh tẩy và tự do đức tin, những gì đã luôn hiện diện trong con tim của Thiên Chúa.

Không ai bị loại trừ khỏi tình yêu của Thiên Chúa

Đã nhận được cách nhưng không, sự sống tạo thành một lời mời mặc nhiên tham gia vào tính năng động của việc tự hiến: Một hạt giống, nơi những ai đã chịu Phép rửa, sẽ có hình thức trưởng thành như một đáp trả của tình yêu trong hôn nhân và trong sự khiết tịnh vì Nước Thiên Chúa. Sự sống con người được sinh ra từ tình yêu của Thiên Chúa, lớn lên trong tình yêu và có xu hướng hướng đến tình yêu. Không ai bị loại trừ khỏi tình yêu của Thiên Chúa, và trong sự hy sinh thánh thiện của Chúa Giêsu, Người Con của Thiên Chúa trên Thánh giá, Thiên Chúa đã chiến thắng tội lỗi và sự chết (Rm 8,31-39). Đối với Thiên Chúa, sự ác – ngay cả tội lỗi – trở thành một thách đố vì tình yêu ngày càng lớn hơn (Mt 5,38-48; Lc 23,33-34). Do đó, trong Mầu nhiệm Vượt qua, lòng thương xót của Thiên Chúa chữa lành vết thương nguyên tổ của nhân loại và tuôn đổ cho toàn vũ trụ. Giáo hội, bí tích phổ quát tình yêu Thiên Chúa đối với thế giới, tiếp tục sứ mạng của Chúa Giêsu trong lịch sử và sai chúng ta đi khắp mọi nơi để qua chứng tá đức tin của chúng ta và việc loan báo Tin Mừng, Thiên Chúa tiếp tục bày tỏ tình yêu của Người và theo cách này chạm và biến đổi trái tim, tâm trí, thể xác, xã hội và văn hóa ở mọi nơi và mọi thời đại.

Cảm nhận được sứ vụ khi sống tương quan cá nhân với Chúa

Sứ vụ này là một đáp trả tự do và ý thức trước lời mời gọi của Chúa. Nhưng chúng ta chỉ có thể cảm nhận được lời kêu gọi này khi chúng ta sống một tương quan tình yêu cá nhân với Chúa Giêsu hiện diện sống động trong Giáo hội của Người. Chúng ta hãy tự hỏi: Chúng ta đã sẵn sàng để đón nhận sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống của chúng ta chưa? Chúng ta có sẵn sàng lắng nghe lời kêu gọi loan báo Tin Mừng, trong đời sống hôn nhân, trong đời sống thánh hiến hay đời sống linh mục, và trong đời sống hàng ngày chưa? Chúng ta có sẵn lòng để được sai đi khắp nơi để làm chứng cho đức tin của chúng ta vào Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, để loan báo Tin Mừng cứu độ của Chúa Giêsu Kitô, để chia sẻ đời sống thần linh của Chúa Thánh Thần bằng cách xây dựng Giáo hội? Chúng ta có như Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, sẵn sàng phục vụ ý muốn của Thiên Chúa? (Lc 1,38). Sự sẵn sàng nội tâm này là rất quan trọng để có thể đáp trả với Thiên Chúa: “Dạ, con đây, xin sai con đi” (Is 6,8). Và điều này không phải trong trừu tượng, nhưng chính ngày nay trong Giáo hội và lịch sử.

Thiên Chúa tiếp tục tìm kiếm những người sẵn sàng đáp trả lời mời gọi của Ngài

Hiểu những gì Thiên Chúa đang nói với chúng ta trong thời điểm đại dịch này cũng trở thành một thách đố cho sứ mạng của Giáo hội. Bệnh tật, đau khổ, sợ hãi, cách ly chất vấn chúng ta. Cái nghèo của người phải chết trong cô đơn, của người bị bỏ rơi, của những người bị mất việc làm và không có tiền lương, của những người không có nhà cửa và thực phẩm chất vấn chúng ta. Khi bị buộc phải ở nhà, chúng ta được mời tái khám phá, chúng ta cần tương quan xã hội, và cả tương quan cộng đoàn với Thiên Chúa. Xa cách gia tăng sự ngờ vực và thờ ơ, tình trạng này làm chúng ta phải chú ý hơn đến cách chúng ta sống tương quan với người khác. Và cầu nguyện, trong đó Thiên Chúa chạm đến và lay động trái tim của chúng ta, mở ra cho chúng ta nhu cầu về tình yêu, phẩm giá và tự do của anh chị em chúng ta, cũng như trách nhiệm của chúng ta trong việc chăm sóc cho mọi sáng tạo. Việc không thể tập hợp lại như một Giáo hội để cử hành Bí tích Thánh Thể đã khiến chúng ta chia sẻ tình trạng của nhiều cộng đoàn Kitô hữu không thể cử hành Thánh lễ mỗi Chúa nhật. Trong bối cảnh này, câu hỏi mà Chúa đặt ra: Ta sẽ sai ai đây? Được hỏi lại và chờ đợi câu trả lời quảng đại và thuyết phục từ chúng ta: “Dạ, con đây, xin sai con đi” (Is 6,8). Thiên Chúa tiếp tục tìm kiếm những người sẵn sàng đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa để Người gửi đến thế giới làm chứng cho ​​tình yêu, ơn cu độ ca Thiên Chúa: gii thoát khi s ác, ti li và cái chết (Mt 9,35-38; Lc 10,1-12).

Quyên góp truyền giáo

Cử hành Ngày Thế giới Truyền giáo cũng có nghĩa là tái khẳng định cách cầu nguyện, suy tư và giúp đỡ vật chất cho công cuộc loan báo Tin Mừng; là cơ hội để tích cực tham gia vào sứ mạng của Chúa Giêsu trong Giáo hội của Người. Bác ái được thể hiện ở việc quyên góp trong các nghi thức phụng vụ vào Chúa nhật thứ Ba của tháng 10 tới đây, nhằm hỗ trợ công cuộc truyền giáo được các Hội Truyền giáo Giáo hoàng thực hiện nhân danh tôi, nhằm đáp ứng nhu cầu vật chất và tinh thần của các dân tộc và các Giáo hội trên khắp thế giới vì ơn cứu độ của tất cả.

Xin Đức Trinh Nữ Maria rất thánh, Ngôi sao loan báo Tin Mừng và Đấng An ủi người sầu khổ, môn đệ truyền giáo của Chúa Giêsu, tiếp tục cầu thay cho chúng ta và nâng đỡ chúng ta.

Roma, ngày 31 tháng 5 năm 2020, Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

Phanxicô

 

 

Ngọc Yến chuyển ngữ. vaticannews.va/vi 31 tháng năm 2020


Cooperatio Missionalis 4. Mối liên hệ giữa công cuộc cộng tác truyền giáo và bốn Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo

    Trong việc cộng tác truyền giáo các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo đóng một vai trò nổi bật và đặc biệt. Những hội này đã được khai sinh từ những sáng kiến có tính đoàn sủng của các giáo dân và linh mục, nhằm hỗ trợ hoạt động của các nhà truyền giáo, cổ động và lôi kéo các linh mục, những người tận hiến và giáo dân tham gia cầu nguyện, dâng hiến các hy sinh, cổ võ các ơn gọi và tham gia các hoạt động bác ái cụ thể.

    Một đàng, cần lưu ý tới nguồn gốc mang tính đoàn sủng của các Hội ấy. Nhưng đàng khác, cũng đừng quên rằng các Hội ấy đã được Giáo Hội chính thức công nhận là các tổ chức của chính Giáo Hội, nhờ sự can thiệp của Đức Giáo Hoàng.

    Có bốn Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo :

    Hội Giáo hoàng Truyền giáo Truyền bá Đức tin (OPPF = L'OEuvre pontificale missionnaire de la Propagation de la foi), có mục đích cổ động mọi tầng lớp Dân Chúa quan tâm tới việc Phúc Âm hóa toàn cầu và xúc tiến việc trợ giúp vật chất và tinh thần trong các Giáo Hội địa phương, cũng như trao đổi nhân sự truyền giáo.

    Hội Giáo hoàng Truyền Giáo của Tuổi thơ (OPEM = L'OEuvre pontificale de l'Enfance missionnaire), có mục đích giúp các thầy cô khơi dậy từ từ ý thức truyền giáo nơi các trẻ em, khuyến khích trẻ em chia sẻ đức tin và vật chất với trẻ em thuộc các miền và các Giáo Hội thiếu thốn, cổ võ ơn gọi truyền giáo nơi các Kitô hữu ngay từ khi còn nhỏ.

    Hội Giáo hoàng Truyền giáo Thánh Tông đồ Phêrô (OPSPA = L'OEuvre pontificale missionnaire de saint Pierre Apôtre), có mục đích giúp các Kitô hữu ý thức hơn tới tầm quan trọng của hàng giáo sĩ địa phương tại các giáo xứ truyền giáo và mời gọi các Kitô hữu dùng các phương tiện vật chất và tinh thần góp phần đào tạo các ứng viên cho chức linh mục và cho đời tu.

    Liên Hiệp Giáo hoàng Truyền giáo (UPM = L'Union pontificale missionnaire), có mục đích cổ võ ý thức truyền giáo và cổ võ việc đào tạo các linh mục, chủng sinh, tu sĩ các tu hội thuộc đời sống thánh hiến và thuộc các tu đoàn tông đồ, cũng như các giáo dân tham gia trực tiếp vào hoạt động truyền giáo trên toàn cầu. Tổ chức này có thể được coi là linh hồn của các Hội trên đây, vì hội viên của tổ chức này được huấn luyện đặc biệt để làm công tác cổ võ tinh thần truyền giáo nơi các cộng đoàn Kitô hữu và cổ võ những sự hợp tác sâu rộng hơn.

    Cả bốn Hội này đều được gọi là các Hội Giáo Hoàng, phát triển được nhờ sự hỗ trợ của Toà Thánh ; khi xem đây là các tổ chức của mình, Toà Thánh đã mặc nhiên ban cho các Hội này tính cách toàn cầu. “Dù đây là các Hội của Đức Giáo Hoàng, nhưng các Hội này vẫn là của tất cả các giám mục và toàn thể Dân Chúa”.[1]

CM 5. Vai trò ưu tiên của các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo

    Để tạo ra và gia tăng sự cộng tác truyền giáo trong Giáo Hội, đích thân Đức Giáo Hoàng, hay thông qua Thánh Bộ PÂHCDT, luôn khuyến khích mọi sáng kiến xuất phát từ sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần và từ lòng quảng đại của các Kitô hữu. Tuy nhiên, ngài vẫn đặc biệt dựa vào các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo vì những tổ chức này “cùng theo đuổi một mục tiêu là cổ võ tinh thần truyền giáo phổ quát nơi Dân Chúa”,[2] và có nhiệm vụ ưu tiên là thúc đẩy sự cộng tác, phối hợp các nỗ lực truyền giáo và bảo đảm cho viện trợ được phân phối công bằng. “Vì được đặt dưới sự bảo trợ của Đức Giáo Hoàng và giám mục đoàn, nên các Hiệp Hội này rất đáng được dành cho một vị trí ưu tiên, kể cả trong khuôn khổ của một Giáo Hội địa phương ...”.[3]

    Mỗi Hội có bản chất, mục tiêu và nhiệm vụ thế nào, điều ấy đã được tái xác nhận hay đã được ấn định trong bản Nội Quy riêng của mình, mà Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phê chuẩn ngày 26 tháng 6 năm 1980, và kể từ đó có hiệu lực trong toàn thể Giáo Hội. Trong hoàn cảnh hiện nay, đây chính là một lợi thế cho ta phát triển sự cộng tác truyền giáo trong các lãnh vực riêng của mỗi Hội.

    Sau khi đã biết bản chất và giá trị của các Hội ấy, cần phải làm sao cho các Hội ấy có mặt và hoạt động tại các Giáo Hội địa phương, bất kể đó là Giáo Hội có lâu đời hay mới thành lập. Nhờ vậy, sự dấn thân vào việc cộng tác truyền giáo mới trở thành “ý thức chung của Giáo Hội”.



[1] Đức Phaolô VI, Sứ điệp nhân ngày Chúa nhật truyền giáo 1968 (2/6/1968) ; xem Sứ điệp nhân ngày Chúa nhật truyền giáo 1976 (14/4/1976) : Enchiridion delle Chiesa Missionaria, II, tr. 240.

[2] Thông điệp “Redemptoris missio”, số 84. 

[3] Như trên, xem Sắc lệnh về Truyền Giáo, số 38.


Văn Kiện Giáo Hội