LAUDATO SI’

Một cố gắng đào sâu thông điệp

của ĐGH Phanxicô

về việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta

Bài I

GiỚi thiu tng quát

I.- Ý tưởng chủ đạo

Ý tưởng chủ đạo của thông điệp này nằm ngay trong hai số đầu tiên của lời dẫn nhập.[1]

Số 1: Nhắc tới “trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta” bằng câu trích từ Bài Ca Vạn Vật, còn gọi là Bài Ca Anh Mặt Trời của Thánh Phanxicô Assisi: “Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi, vì Chị chúng tôi là Mẹ Đất. Đức Giáo Hoàng (ĐGH) lấy lại cách xưng hô độc đáo của vị Thánh Nghèo để gọi “Trái Đất là Chị và Mẹ”. Trong thông điệp này ngài ưu tiên nhìn Trái Đất như “người chị”, khi nêu lên ý tưởng chủ đạo tại số 2 (và lặp lại tại số 53), tương tự như mọi loài thụ tạo khác, bất kể nhỏ bé cỡ nào, đều được gọi bằng cái tên là “anh” hay “chị” (x. số 11). Nhưng tại số 92, ngài cũng gọi Trái Đất một cách trìu mến là “Mẹ Đất” bên cạnh “Anh Mặt Trời, Chị Mặt Trăng và Anh Sông Ngòi”. Câu trích từ bài ca của Thánh Phanxicô kèm với một lời chú giải thân thương của ĐGH (xem bản dịch mới trong chú thích 1) cho thấy, ngay từ đầu, ngài chọn quan điểm Kitô giáo, trong đó có tầm nhìn thần học và tầm nhìn linh đạo, cũng có thể gọi là tầm nhìn thần bí, vì ngài mở và kết thông điệp bằng một lời cầu nguyện: Tại số 1, ngài dùng bài kinh ngợi khen của Thánh Phanxicô ngỏ trực tiếp với “Thiên Chúa Tối Cao, Toàn Năng và Tốt Lành”, rồi tại số 246, ngài kết thúc thông điệp bằng hai bài kinh cầu nguyện do chính ngài sáng tác: bài 1, ngỏ với Thiên Chúa toàn năng; bài 2: hướng về từng Ngôi Vị thần linh và Thiên Chúa duy nhất.

Số 2: khẳng định “Chị Đất này đang kêu trách chúng ta đã gây tổn hại cho chị” (Haec soror obiurgat nos sibi damnum facientes”).[2] Số này chứa đựng hai đề tài đặc biệt quan trọng:

-Đề tài 1: Các nguyên nhân gây ra tổn hại cho chị Đất gồm có:

a) loài người sử dụng và lạm dụng trái đất một cách vô trách nhiệm;

b) nhiều người tự cho mình là người sở hữu và làm chủ trái đất với quyền hủy hoại nó;

c) bạo lực nằm sâu trong trái tim con người, vốn bị tội lỗi làm tổn thương, cũng gây ra bệnh tật nơi đất đai, nguồn nước, không khí và các sinh vật;

d) Ba sự kiện vừa nêu chứng tỏ nhiều người đã quên đi thân phận thụ tạo của mình, tức là không nhận thức mình phụ thuộc vào Đấng Tạo Hóa, theo mạc khải của Kinh Thánh (x. St 2,7), và cũng quên rằng đời sống thể lý của mình phụ thuộc vào các yếu tố cơ bản của hành tinh: đất, khí và nước.

Những nguyên nhân này phản ánh một nhân sinh quan vô thần rất khác với nhân sinh quan hoặc khoa nhân học Kitô giáo.

-Đề tài 2: độc đáo nhất, chính là việc cố ý liên kết tình trạng trái đất bị áp bức và bị hủy hoại với tình trạng những người nghèo bị bỏ rơi và đối xử tàn tệ nhất. Đề tài này dẫn chúng ta vào lĩnh vực của khoa xã hội học, bao gồm cả kinh tế, chính trị, văn hóa và khoa học kỹ thuật nói chung. Hai nạn nhân Chị Đất và Người Nghèo như một cặp đôi xuất hiện xuyên suốt từ đầu đến cuối: người ta tìm thấy cặp đôi ấy trong số 2 ở đầu và tại số 246 ở cuối thông điệp. Điều này tạo nên một thủ vĩ ngâm (inclusion bên tiếng Pháp, tiếng Anh) như một nghệ thuật văn chương để làm nổi bật ý tưởng chủ đạo. Và đây là một thủ vĩ ngâm kép: trước tiên có một lời cầu nguyện của Thánh Phanxicô mà ĐGH Phanxicô hầu như lấy lại làm của mình tại số 1, đối ứng với hai lời kinh do chính ĐGH sáng tác tại số 246; song song đó là hai nạn nhân Chị Đất và Người Nghèo được nhắc đích danh bên cạnh nhau ở số 2 (thuộc phần thủ) và trong cả hai bài kinh của ĐGH tại số 246 (thuộc phần vĩ). Ngoài ra, cặp đôi đáng thương này xuất hiện nhiều lần trong phần thân của thông điệp, ví dụ tại các số: 10; 13; 16; 20; 29 và 30; 48; 49; 53; 64; 66; 237…; và với một cung giọng hết sức bi thảm tại số 241 (Độc giả nên đọc kỹ các số này). Việc liên kết hai nạn nhân ấy được nới rộng sang việc liên kết quan điểm sinh thái với quan điểm xã hội (x. số 49 và 91), là quan đểm có tính đến một cách đặc biệt các quyền lợi nền tảng của người nghèo và người xấu số (x. số 93; 139; 190; 196).

Nghĩa là quan điểm thần học và quan điểm xã hội học bện vào nhau như hai sợi chỉ xanh và đỏ chạy xuyên suốt từ đầu đến cuối thông điệp. Sự chọn lựa này hoàn toàn hợp lý và phù hợp với chức năng của ĐGH. Ngài tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa Tạo Hóa và Cứu Độ, và tìm cách củng cố lòng tin đó nơi Dân Công giáo trong tư cách người kế vị Thánh Phêrô. Nhưng đồng thời ngài muốn đối thoại với hết mọi dân tộc về ngôi nhà chung của chúng ta, theo gương thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII trong thông điệp Hòa Bình Trên Trái Đất 1963 (x. LS số 3): một cuộc đối thoại mới và mang tính hoàn vũ, nhằm nâng cao nhận thức về các thách đố mới do vấn đề môi trường đặt ra, và nhằm tạo ra một sự liên đới mới và mang tính hoàn vũ đối với thao thức: làm thế nào hình thành nên tương lai của hành tinh chúng ta? (x. số 14). Hơn nữa cuộc đối thoại đó phải trở thành một cuộc tranh luận thẳng thắn và trung thực (x. số 16).

Dưới góc độ việc trình bày quan điểm của Giáo Hội Công Giáo về sinh thái trong ánh sáng đức tin, ĐGH Phanxicô tiếp nối và phong phú hóa giáo huấn của các Đức Giáo Hoàng hậu Vaticanô II, bắt đầu với Thánh Phaolô VI là vị giáo hoàng đầu tiên đề cập tới vấn đề sinh thái (x. số 4), tiếp đến là Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II (x. số 5) và ĐGH Benêđictô XVI, vị tiền nhiệm của ngài (x. số 6). Ngài thích trích dẫn những lời tuyên bố của nhiều Hội Đồng Giám Mục trên thế giới và các cơ quan tại Giáo triều. Ngài cũng trân trọng những nhà khoa học, triết gia, thần học gia, các tổ chức xã hội đã đóng góp suy tư của mình cho sự hình thành các văn bản của các Giáo Hoàng về đề tài này, nhất là ngài không quên các Giáo Hội và các cộng đồng Kitô giáo ngoài Công giáo – cũng như các tôn giáo khác – đã thể hiện mối bận tâm sâu sắc và đưa ra những suy tư có giá trị về vấn đề sinh thái (x. số 7). Đặc biệt ngài dành hai số 8 và 9 để trình bày những xác tín sâu sắc và những những lời phát biểu mạnh mẽ của Đức Bartolomaios, Thượng Phụ Chung của Chính Thống Giáo tại Constantinopoli. – Vào ngày 6-8-2015, tức hơn hai tháng sau khi ban hành thông điệp Laudato Si’, ĐGH Phanxicô quyết định thiết lập cho Giáo Hội Công Giáo “Ngày Thế Giới Cầu Nguyện Cho Việc Chăm Sóc Thiên Nhiên” đặt vào ngày 1 tháng 9 hằng năm, nhằm tiếp nối sáng kiến tốt đẹp của Giáo Hội Chính Thống Giáo đã chọn ngày đó từ năm 1989 để cử hành lễ mừng công trình tạo dựng của Thiên Chúa.

II.- Hướng triển khai ý tưởng chủ đạo

Các số nằm giữa hai cái móc của thủ vĩ ngâm vừa ghi nhận trên đây (thủ = số 1+2; vĩ = số 246) sẽ triển khai cụ thể hai đề tài được nêu lên tại số 2 theo cả hai quan điểm thần học (tức quan điểm đức tin) và xã hội học (tức quan điểm lý trí) được trình bày trong hai số đầu của phần dẫn nhập. Chỉ cần lướt qua mục lục, chúng ta cũng có thể thấy rằng toàn bộ sáu chương của thông điệp đã triển khai ý tưởng chủ đạo đó theo một bố cục mang dáng dấp lược đồ ba thì: “Xem-Xét-Làm”, khá phổ biến trong Giáo Hội Công Giáo,[3] mặc dầu không tuyệt đối chặt chẽ trong văn kiện này và chính ĐGH cũng không minh nhiên tuyên bố chọn lược đồ ấy.

Thì “XEM” gồm chương Một (số 17-61): “Điều đang xảy ra cho ngôi nhà chung của chúng ta”, tức là Chị Đất của chúng ta đang bị áp bức và bị hủy hoại (x. số 2) như thế nào. Chương này chủ yếu mang tính cách mô tả (thuộc thì “XEM”), với những hiện tượng được dư luận thế giới đề cập nhiều, như: I. Ô nhiễm và biến đổi khí hậu; II.Vấn đề nước; III. Đánh mất sự đa dạng sinh học; IV. Suy giảm phẩm chất đời sống con người và suy thoái xã hội; V. Sự bất bình đẳng toàn cầu; VI. Phản ứng yếu ớt; VII. Các ý kiến khác nhau. Nhưng trong cái XEM, thỉnh thoảng có xen kẽ những lời giải thích và lượng giá thuộc phạm vi cái XÉT, và gợi mở một hướng hành động thuộc phạm vi cái LÀM, ví dụ tại số 22, khi đề cập tới “sự nóng dần lên của khí hậu” (XEM), ĐGH đưa ra một nguyên tắc: “Khí hậu là một phúc lợi chung” (XÉT), và đề nghị: “Nhân loại được mời gọi nhìn nhận sự cần thiết phải thay đổi lối sống” (LÀM). Tuy nhiên, nhìn tổng quát, chương Một vẫn là một bài mô tả hiện trạng của Trái Đất, ngôi nhà chung của chúng ta, đang bị áp bức và hủy hoại.

Thì “XÉT” gồm ba chương tiếp theo:

-Chương Hai (Số 62-100): Tin Mừng về sáng tạo (theo quan điểm thần học). Đây là đóng góp đặc thù của Kitô giáo cho hướng tìm kiếm giải pháp “chăm sóc ngôi nhà chung” của loài người;

-Chương Ba (Số 101-136): Nguồn gốc nhân bản của cuộc khủng hoảng sinh thái (theo quan điểm xả hội học, nhưng với góc nhìn phê bình từ học thuyết xã hội của Giáo Hội Công Giáo). Mục III của chương Ba: “Khủng hoảng và những ảnh hưởng của chủ thuyết hiện đại đặt “con người là trung tâm (modern anthropocentrism)”, triển khai một cách sâu sắc nhân sinh quan vô thần được đề cập tại số 2 (câu b+c+e) của phần dẫn nhập.

-Chương Bốn (Số 137-162): Sinh thái học toàn diện (cũng theo quan điểm xã hội học, nhưng được bổ sung và kiện toàn bởi quan đểm thần học với chân lý mặc khải về tương quan phụ thuộc của các thụ tạo với Đấng Tạo Hóa (x. số 155). Chương này tiếp nối và bổ túc chương Hai: Tin Mừng về sáng tạo, như một đóng góp đặc thù rút ra từ sự khôn ngoan của Kitô giáo cho hạnh phúc của loài người.

Thì “LÀM” gồm hai chương cuối:

-Chương Năm (Số 163-201): Đường hướng tiếp cận và hành động, theo quan điểm xã hội học, tập trung vào đề tài “đối thoại”:

- đối thoại về môi trường ở các cấp: I. quốc tế; II. quốc gia và địa phương; - III. đối thoại để có được sự minh bạch trong các quyết định; - IV. giới chính trị và giới kinh tế cần đối thoại thẳng thắn với nhau nhằm phục vụ sự sống, đặc biệt là sự sống con người (Tiêu đề của mục IV này đã bị bản Việt hiểu sai một cách nghiêm trọng khi dịch thành “Chính trị và kinh tế trong cuộc đối thoại với sự hoàn thiện con người”. Trong bản Latin là “pro”; Ý: “per”; Pháp: “pour”; Đức: “für”; Anh: “for”, tất cả đều có nghĩa là “”, “vì lợi ích của con người”, “với mục đích phục vụ cho ‘sự hoàn thiện con người’, hoặc phục vụ cho ‘sự phát triền tròn đầy, toàn diện của con người ”); - V. Các tôn giáo đối thoại với khoa học. Chương Năm này đúng là một chuyên luận về đề tài “Đối Thoại”.

-Chương Sáu (Số 202-246): Giáo dục và linh đạo sinh thái (theo quan điểm hỗn hợp: xã hội học và thần học). Chương này sẽ được khai thác kỹ trong việc ứng dụng thông điệp Laudato Si’ vào đời sống Giáo Hội địa phương.

Do thời lượng có hạn, chúng tôi phải chọn phương pháp tập trung đào sâu hai đề tài:

- Đề tài 1 mang tính chất thần học: Tại sao Thánh Phanxicô (và ĐGH Phanxicô) gọi trái đất là “Chị” và mọi thụ tạo khác là “Anh-Chị-Em của chúng tôi”? Cách nhìn này của thánh nhân được ĐGH thừa nhận cách trân trọng và đề nghị cho cả Giáo Hội.

- Đề tài 2 mang tính chất xã hội học và mục vụ: Làm thế nào ứng dụng Laudato Si’ vào đời sống Giáo Hội địa phương?

Lời trần tình:

Chúng tôi phải sử dụng bản dịch của Caritas Việt Nam, có lời giới thiệu của Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc, Chủ Tịch HĐGMVN, nhưng, với tất cả lòng trân trọng thiện chí của các dịch giả, chúng tôi vẫn cảm thấy cần phải chỉnh sửa những chữ, những câu họ dịch chưa đúng trong thông điệp này, so với bản Latin là ngôn ngữ chính thức của Giáo Hội Công Giáo Rôma, có đối chiếu với các bản tiếng Ý, Pháp, Đức và Anh trên trang mạng Vatican, vì lý do duy nhất: tôn trọng ý của chính Đức Giáo Hoàng muốn bản văn của mình được mọi người hiểu đúng, và tôn trọng quyền lợi của mọi độc giả: được hiểu đúng ý của ĐGH. Việc làm này hoàn toàn chân thành, tích cực và với ý hướng xây dựng.

Ngoài những chữ, những câu đã được chúng tôi chỉnh sửa trong bài giới thiệu tổng quát và trong Phụ Trương (cụ thể là: LS số 1-2; 49; 53; 66; 67; 246), chúng tôi xin lưu ý thêm:

-Tại số 11, đã dịch: “Thánh Phanxicô giúp chúng ta hiểu rằng một nền sinh thái toàn diện mời gọi mở lòng ra cho các chủng loại vượt ra khỏi ngôn ngữ của toán học và sinh học…”. Nên sửa lại: “… cho các phạm trù… (Latin: notiones; Ý: categorie; Pháp: des catégories; Đức: Kategorien; Anh: categories) vượt ra khỏi ngôn ngữ của toán học và sinh học…”;

-Tại số 11, chú thích 20: The Major Legend of Saint Francis, VIII, 6, in Francis of Assisi: Early Documents, vol. 2, New York-London-Manila, 2000, 590; và tại số 66, chú thích 40: Cf. BONAVENTURE, The Major Legend of Saint Francis, VIII, 1, in Francis of Assisi: Early Documents, vol. 2, New York-London-Manila, 2000, 586. Cụm từ The Major Legend of Saint Francis đã được phiên dịch thành: “Điển tích lớn trong cuộc đời thánh Phanxicô”. Nên sửa lại: “Đại truyện về thánh Phanxicô”. Thánh Bonaventura đã viết hai truyện, tức tiểu sử thánh Phanxicô: một truyện lớn hơn, dài hơn (legenda major = đại truyện, dùng để nghiên cứu), một truyện nhỏ hơn, ngắn hơn (legenda minor = tiểu truyện, để đọc trong giờ kinh sách). Chữ Latin “Legenda” thời Trung Cổ có nghĩa là “(môt bản văn) để đọc, cần phải đọc”, chứ không có nghĩa “điển tích” hoặc “huyền thoại”.

– Tại số 80, chú thích 50: nên thay “Công Đồng Đại Kết Vatican II” bằng “Công Đồng Chung Vaticanô II”.

--Tại số 87, trong trích đoạn từ Bài Ca Vạn Vật của thánh Phanxicô, hàng thứ 3 từ trên xuống, đã dịch: “đặc biệt với Anh Mặt Trời”, nên ghi đầy đủ: “đặc biệt với Ông Anh Mặt Trời”. Mọi thụ tạo được nhắc tên trong bài ca này đều được thánh Phanxicô gọi là “anh-chị-em” ngang hàng với nhau. Riêng Anh Mặt Trời được ngài tặng thêm danh hiệu cao quý “Đức Ông = Ông (= messor = messire = Sir)” vì “anh đẹp và tỏa ánh rạng ngời, anh tượng trưng Ngài, lạy Đấng Tối Cao”. Song song đó, “Chị Đất” được thánh nhân tặng thêm danh hiệu thân thương “Mẹ Đất”, chắc hẳn vì “Chị Đất” phản ánh nét “từ mẫu” nơi chân dung Đấng Tối Cao, là Thiên Chúa, Đấng không bao giờ quên Dân ưu tuyển của mình, cho dù có phụ nữ nào đó nhẫn tâm quên lãng, hoặc loại bỏ đứa con thơ mình đã mang nặng đẻ đau (x. Is 49,15-16a.22).

 

 

***

Phụ Trương

Có tiếng khóc trong Laudato Si’ không?

Bản tiếng Việt của Caritas Việt Nam đã dịch hai chữ “cry” “cry out” của bản tiếng Anh thành “kêu khóc”, “than khóc” ít nhất năm lần, tại các số 2; 49; 53; 66; và 246. Bên tiếng Việt, trong nhiều động từ kép, như “kêu khóc”, “than khóc”, “ăn mặc”…, nghĩa chính nằm trong một từ mà thôi, và thường là từ thứ hai. Hai cụm từ “kêu khóc, than khóc” có nghĩa là khóc, kèm với tiếng kêu la hoặc than vãn. Trường hợp chữ “cry” của số 66 đã được giải thích tại chú thích 2 trên đây rồi, vì thế chúng tôi chỉ quan tâm tới “to cry” (hoặc “the cry”) và “to cry out” tại bốn số 2; 49; 53246.

A.- Về phương diện từ điển học và ngữ học

1. “To cry” (hoặc “the cry”) và “to cry out” bên tiếng Anh-Mỹ có ít nhất hai nghĩa, được xếp theo thứ tự ưu tiên như sau:

a) Theo Oxford Illustrated Dictionary 1962, và The American Century Dictionary, Paperback Printing 1997, là hai từ điển nổi tiếng do chính người Anh và người Mỹ biên soạn:

- Nghĩa số 1 là: phát ra một âm thanh lớn, biểu hiện sự đau đớn, buồn phiền, sợ hãi, hoặc vui sướng;

- Nghĩa tiếp theo (tức nghĩa thứ 2 hoặc 3) là khóc, chảy nước mắt, tương đương với “to weep”.

b) Theo Từ Điển Anh-Việt, English-Vietnamese Dictionary của Viện Ngôn Ngữ Học thuộc Trung Tâm Khoa Học Xã Hội Và Nhân Văn Quốc Gia. NXB TP. Hồ Chí Minh, 1999:

-Nghĩa số 1 là: khóc;

-Nghĩa tiếp theo: tạo ra những âm thanh lớn không lời, thể hiện nỗi sợ hãi, đau đớn, v.v.: kêu gào; la hét.

Có vẻ như các dịch giả của Caritas VN đã theo từ điển b) của một nhóm người Việt sống tại Việt Nam.

Chúng tôi nghĩ rằng: nên ưu tiên dựa vào hai từ điển tiêu biểu, một của Anh, một của Mỹ ở mục a, vì là của chính người Anh, người Mỹ bàn về tiếng mẹ đẻ của họ, nên đáng tin hơn.

1. Đối chiếu bản Việt với bản Latin và Ý, Pháp, Đức.

-Dĩ nhiên bản Latin là tiêu chuẩn, và các số 1-2 của thông điệp này đã nêu lên ý tưởng chủ đạo, nên động từ Latin “obiurgat” được ĐGH sử dụng tại số 2 mang một tầm quan trọng đặc biệt. Động từ này có nghĩa chính xác là “trách móc hoặc kêu trách”, không trực tiếp dính dáng gì đến khóc lóc, chảy nước mắt, mà tiếng Latin, để biểu đạt nghĩa khóc lóc, đã có hẳn động từ chuyên biệt “lacrimare”, phái sinh từ danh từ “lacrima = nước mắt”. Chỉ bản Ý lột tả gần đúng nhất “obiurgat” bằng động từ “protesta” (=phản kháng, gần đồng nghĩa với “kêu trách”). Còn bản Pháp (crie) và Đức (schreit auf) và Anh (cries out) chỉ có nghĩa là “kêu, kêu la, kêu gào”. Riêng “cries out” của bản Anh trong số 2 này phải được hiểu ưu tiên theo nghĩa số 1 của hai quyển từ điển Anh và Mỹ: kêu la, chứ không phải “kêu khóc” như bản Việt đã hiểu.

-Tại số 49, ĐGH dùng cụm từ “tam terrae clamor quam clamor pauperum”, được bản Anh chuyển ngữ thành “both the cry of the earth and the cry of the poor”, mà bản Việt dịch là “tiếng than khóc của trái đất và tiếng than khóc của người nghèo”. Thực ra “clamor” bên Latin chỉ có nghĩa là “tiếng kêu la”. Các bản Ý (il grido = tiếng kêu la), Pháp (la clameur = tiếng kêu la), Đức (die Klage: lời kêu than, lời tố cáo) đều giống “clamor” của Latin ở chỗ không dính dáng gì đến khóc lóc, chảy nước mắt. Đặc biệt “die Klage” của bản Đức rất ăn khớp với “obiurgat” của bản Latin tại số 2, vì “kêu than, tố cáo” cũng có nghĩa giống như “kêu trách”. Nếu đưa “the cry” trong số 49 của bản Anh vào bảng đối chiếu các ngôn ngữ lớn của châu Âu và dựa vào hai từ điển có uy tín của hai nhóm người Anh và người Mỹ đã nêu trên đây, thì nên loại trừ cách hiểu của bản Việt.

-Tại số 53, ĐGH lại viết một câu quan trọng: “Terrae sororis gemitum hae exprimunt condiciones, qui cum mundi desertorum gemitibus iungitur, per lamentationem quandam quae a nobis ut iter mutemus postulat = những tình trạng đó (tức là sự bất bình đẳng toàn cầu được mô tả trong các số 48-52) khiến chị đất phải rên siết và tiếng rên siết của chị lại gặp tiếng rên siết của những người bị bỏ rơi (chứ không phải “tất cả những thứ bị bỏ rơi” theo cách dịch của bản Việt!) trên thế giới, như một lời than vãn đòi hỏi chúng ta phải thay đổi đường lối”. “Gemitum = tiếng rên siết” kèm với “lời than vãn chuyển tải những yêu sách” không nhất thiết bao hàm “tiếng than khóc” như bản Việt hiểu.

-Tại số 246, bài kinh số 2 Oratio christiana cum creato = Lời cầu nguyện của người Kitô hữu trong sự hiệp nhất với thụ tạo”. Bài kinh này gồm bốn khúc rõ ràng: khúc 1 hướng về Chúa Cha; khúc 2 hướng về Chúa Con; khúc 3 hướng về Chúa Thánh Thần; khúc 4 ngỏ lời với Thiên Chúa Duy Nhất mà có Ba Ngôi; cuối mỗi khúc có câu điệp ca: “Laudatus sis” là dạng Latin của câu tiếng Ý “Laudato Si’ = Ngợi khen Ngài”.

-Hai bản Ý và Pháp tôn trọng tuyệt đối bố cục 4 khúc của bản Latin.

-Hai bản Đức và Anh cắt khúc 4 thành hai phần, có xuống dòng.

-Riêng bản Việt cắt khúc 4 thành 5 phần có xuống dòng, nhất là các dịch giả đã tuỳ tiện thay đổi cách đặt chấm phẩy để cắt câu của bản Latin – và của cả bản Anh mà họ đã chọn làm bản gốc. Tất cả 5 bản bằng tiếng châu Âu vừa nêu đều đặt dấu chấm ở cuối câu “… thăng tiến người yếu ớt và chăm sóc cho thế giới mà chúng con đang sống.” (NB chấm!).

Một mình bản Việt, thay dấu chấm này bằng dấu phẩy (,) và nối dài câu vừa trích sang câu tiếp theo, vốn là một câu mới và độc lập trong cả 5 bản bằng tiếng châu Âu. Bản Việt đã tùy tiện biến câu mới và độc lập này (“Người nghèo và trái đất đang than khóc – đúng ra là “đang kêu gào”) thành một mệnh đề phụ của câu trước, bằng cách thêm hai chữ “trong đó” (tức là “trong thế giới chúng con đang sống”).

Sau đây là ba bản văn Latin, Anh và Việt:

Latin:

… et curent hunc mundum quem incolimus. (NB chấm!)

Pauperes et terra clamant: (NB hai chấm!)
Domine, …

Anh:

… and care for this world in which we live. (NB chấm!)

The poor and the earth are crying out. (NB chấm!)
O Lord, …

Việt:

(…và chăm sóc cho thế giới mà chúng con đang sống), (NB phẩy)

trong đó, người nghèo và trái đất đang than khóc. (NB chấm!)

Ôi lạy Thiên Chúa,…

Một nhược điểm nữa của bản Việt là đã theo bản Anh đặt dấu chấm (.) liền sau “than khóc” (đúng ra là “kêu gào” = “are crying out.), thay vì hai chấm (:) của các bản Latin, Ý, và Pháp (bản Đức thay hai chấm bằng dấu phẩy, vẫn không tệ hại như dấu chấm của bản Anh và bản Việt). Khi dùng hai chấm sau “clamant: = kêu gào:”, ĐGH hiểu lời cầu xin tiếp theo là lời cầu xin của chính người nghèo và trái đất, mà những ai đọc bài kinh số 2 này của ĐGH Phanxicô cũng nhận làm của mình, theo nghĩa là hiệp thông với người nghèo và trái đất để cầu nguyện, đúng như nhan đề của bài kinh: Oratio christiana cum creato”: Lời cầu nguyện của người Kitô hữu trong sự hiệp nhất với thụ tạo”.

Tóm lại, cách các dịch giả của Caritas VN đã dịch “cry cry out” thành “kêu khóc than khóc” trong bốn số 2; 49; 53246 của Laudato Si’ “khác xa” với tư tưởng của ĐGH. Tuy họ có nói là tham khảo thêm bản Ý nữa, nhưng trong cả bốn số đó, bản Ý không hề gợi ý về “kêu khóc và than khóc”. Đó là xét về phương diện ngữ học và từ điển học. Điều quan trọng hơn nằm trong chính quan điểm của ĐGH khi ngài viết thông điệp này, như trình bày ngay sau đây.

B.- Không có chỗ cho tiếng khóc trong Laudato Si’

“Haec soror obiurgat nos sibi damnum facientes = Chị Đất này đang kêu trách chúng ta đã gây tổn hại cho chị”. Chính lời khẳng định quan trọng này ở đầu số 2 (câu a) của thông điệp bằng tiếng Latin cho chúng ta thấy rõ quan điểm của ĐGH.

I.- ĐGH ghi nhận:

1.   Tình trạng của Chị Đất đang bị áp bức và bị hủy hoại nên Chị rên siết và quằn quại (x. số 2, câu d).

2.   Chính loài người chúng ta gây tổn hại cho Chị qua việc chúng ta sử dụng và lạm dụng một cách vô trách nhiệm những của cải do Thiên Chúa tặng ban, nên Chị kêu trách chúng ta (x. số 2, câu a). Kêu trách là phản kháng (protesta bên bản Ý) và đòi hỏi chúng ta phải thay đổi đường lối (x. số 53).

3.   Với tình trạng bi đát đó, Chị Đất được xếp vào số những người nghèo bị bỏ rơi và đối xử tàn tệ nhất (x. số 2, câu d). Đây là ý tưởng độc đáo nhất của ĐGH trong thông điệp này. Chị Đất và Người Nghèo được ngài coi như một cặp đôi nạn nhân, mà ngài nhắc tới hơn chục lần, đặc biệt hai lần nổi bật nhất tại phần đầu (số 2) và phần cuối (số 246) của văn kiện dưới dạng một thủ vĩ ngâm.

4.   Tình trạng đồng số phận của Chị Đất và Người Nghèo khiến cả hai nạn nhân có những phản ứng giống nhau: rên siết, kêu la, kêu gào, kêu trách và đòi công lý, chứ không dùng nước mắt khóc lóc để đánh động lòng thương xót của loài người. ĐGH đề cao phẩm giá của Chị Đất và Người Nghèo. Cả hai đều có những quyền lợi mà mọi người phải nhìn nhận, trân trọng và đáp ứng.

II.- Nhận định của chúng tôi

ĐGH Phanxicô ký tông sắc Misericordiae Vultus (Dung Mạo Lòng Thương Xót = DMLTX) ngày 11-4-2915, thì hơn một tháng sau, tức vào ngày 24-5-2015, ngài ban hành thông điệp Laudato Si’. Chúng tôi phát hiện vài chi tiết đầy ý nghĩa liên quan tới hai văn kiện này.

a)   Trong Laudato Si’ hầu như không xuất hiện danh từ “lòng thương xót = misericordia” hoặc tính từ “đầy lòng thương xót = misericordiosus”. Chúng tôi đếm được một lần ở cuối số 77 (và hình như là lần duy nhất), danh từ “lòng thương xót của Thiên Chúa”, nhưng cụm từ này nằm trong một câu trích từ một bài giáo lý của ĐGH Beneđictô XVI (x. chú thích 46 tại số 77): “Chúng ta có thể đi từ những điều được tạo dựng đến lòng thương xót từ ái của Thiên Chúa” (…ad ejus amabilem misericordiam = to his loving mercy). Trong lúc đó, tông sắc DMLTX đề cập rất nhiều tới “lòng thương xót”: lòng thương xót của Chúa Cha được phản ánh nơi gương mặt Đức Giêsu đầy lòng thương xót; đến lượt mỗi môn đệ phải thực thi lòng thương xót đối với anh chị em đồng loại của mình theo gương và giáo huấn của Thầy Chí Thánh. Nhưng Tông sắc không hề đề cập tới lòng thương xót mà người Kitô hữu phải có đối với Trái Đất và các thụ tạo khác trong thiên nhiên.

b)  Trái lại, trong Laudato Si’, ĐGH khuyên chúng ta cầu xin Chúa Cha “trợ giúp chúng ta trong cuộc chiến đấu hằng ngày cho công lý, tình yêu và hòa bình”— NB: công lý đứng hàng đầu! (x. số 246, bài kinh 1, câu cuối cùng); và cầu xin Thiên Chúa Ba Ngôi giúp chúng ta “biết bảo vệ mọi sự sống, biết chuẩn bị cho một tương lai tốt đẹp hơn, cho vương quốc của Chúa trị đến, vương quốc của công lý, hòa bình, tình yêu và vẻ đẹp” (x. số 246, bài kinh 2, câu cuối cùng). Chúng ta phải thực thi công lý, tình yêu, hòa bình và vẻ đẹp không chỉ đối với đồng loại, cách riêng những người nghèo và người bị bỏ rơi, nhưng còn đối với các thụ tạo khác trong toàn bộ công trình tạo dựng của Thiên Chúa, mà ĐGH gọi, theo cách độc đáo của Thánh Phanxicô, là Anh-Chị-Em. Công lý đòi buộc chúng ta phải “chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta”, là Chị Đất, bằng cách tôn trọng và biết ơn Chị (x. số 2, câu e), bảo vệ thế giới chứ không hủy diệt, gieo trồng vẻ đẹp chứ không gây ô nhiễm và phá hủy” (x. số 246, bài kinh 2, khúc giữa).

-Vì là một cuộc chiến đấu cho công lý, tình yêu và hòa bình, nên Chị Đất cũng như Người Nghèo không cần kêu khóc, than khóc, nhưng có quyền kêu trách, kèm với những tiếng kêu la, kêu gào, rên siết để thức tỉnh lương tâm và ý thức trách nhiệm của loài người, đặc biệt của “những ai đang làm chủ quyền lực và tiền bạc để họ tránh cái tội vô tâm, để họ yêu mến thiện ích chung, thăng tiến người yếu ớt và chăm sóc cho thế giới mà chúng con đang sống” (x. số 246, bài kinh 2, khúc 4 theo bản Latin).

-Trong Kinh Năm Thánh Lòng Thương Xót, ĐGH Phanxicô nhắc tới “Ánh mắt đầy yêu thương của Chúa Giêsu... đã làm cho thánh Phêrô khóc lóc ăn năn sau khi chối Chúa…”. Đây là một chi tiết tiêu biểu cho đặc điểm của Tông sắc Dung Mạo Lòng Thương Xót, là một văn kiện tập trung chủ yếu vào trái tim, nguồn phát sinh lòng thương xót, thương cảm; và đối với những tội nhân như chúng ta, trái tim là nơi nảy sinh lòng ăn năn sám hối để xin ơn tha thứ. Tông sắc DMLTX liên kết đặc biệt sự tha thứ với lòng thương xót nơi Thiên Chúa cũng như nơi loài người.

-Còn trong hai bài kinh kết thúc thông điệp Laudato Si’, ĐGH đề cập tới cuộc chiến đấu cho công lý, tình yêu, hòa binh và vẻ đẹp, là vùng đất dụng võ của lý trí và ý chí. Chính hai năng khiếu tâm linh này giúp chúng ta thấy được trách nhiệm của mình, nghĩa là thấy được sự sai trái khi đã gây tổn hại cho Chị Đất và Người Nghèo, để quyết tâm thay đổi lối sống của mình và dấn thân hành động nhằm bảo vệ cả Chị Đất lẫn Người Nghèo. Nghĩa là việc thiết lập công lý sẽ có khả năng phát huy tình yêu và xây dựng hòa bình, đó là những nội dung chính yếu của sự thiện hảo làm nên hạnh phúc cho đại-gia-đình-nhân-loại-và-thiên-nhiên sống hài hòa với nhau trong ngôi nhà chung, không chỉ gồm Chị và Mẹ Đất, mà bao trùm toàn bộ Vũ Trụ bao la, thoát thai từ Bàn Tay Sáng Tạo Toàn Năng của Thiên Chúa là Cha của mọi người và mọi loài thụ tạo. Chính Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước cho thấy: tình huynh đệ hoàn vũ giữa loài người với nhau và với mọi loài khác được xây trên ý muốn của Thiên Chúa là Cha, khi Ngài nhìn toàn bộ công trình tạo dựng của mình như một đại gia đình, mà Tân Ước sẽ nói rõ hơn rằng trong đại gia đình đó, Đức Kitô là “Trưởng Tử”, tức là “Anh Cả”. Điều này dẫn chúng ta đi vào đề tài số 1 cần đào sâu trong khóa thường huấn này.

III.- Một sự kết nối mới mẻ nhưng không gây ngạc nhiên

Sau khi viết xong những dòng trên đây, chúng tôi được đọc Sứ Điệp của ĐGH Phanxicô về Ngày Thế Giới Cầu Nguyện lần thứ hai cho việc bảo vệ thiên nhiên mồng 1 tháng 9 năm 2016, với tiêu đề:

Chúng ta hãy tỏ lòng thương xót đối với ngôi nhà chung của chúng ta”.

1. Rõ ràng, trong Sứ Điệp này, ĐGH kết nối ý nghĩa của Năm Thánh ngoại thường về Lòng Thương Xót với thông điệp Laudato Si’, được ngài ban hành ngày 24-5-2015, chỉ hơn một tháng sau tông sắc Misericordiae Vultus (Dung Mạo Lòng Thương Xót = DMLTX) ký ngày 11-4-2015. Sự kết nối minh nhiên này là yếu tố mới nhất, bởi lẽ trong cả hai văn kiện nêu trên người ta không hề thấy ĐGH làm điều đó. Vì thế những gì chúng tôi đã viết khi so sánh tông sắc DMLTX với thông điệp Laudato Si’ – đặc biệt trong Phụ Trương: “Có tiếng khóc trong Laudato Si’ không? – vẫn theo sát một cách khách quan tư tưởng của ĐGH trong hai văn kiện đó.

2. Nhưng hành động mới này của ĐGH hoàn toàn nằm trong biện chứng tư duy của ngài và phù hợp với nhân cách của ngài. Việc ngài kêu gọi mọi người bày tỏ lòng thương xót đối với Trái Đất là ngôi nhà chung của chúng ta, cho thấy niềm thao thức của ngài về sự thống nhất không những trong tư duy của ngài, mà còn trong nhận thức và hành động của các Kitô hữu nữa. Hiệu lệnh cốt lõi trong tông sắc DMLTX là câu Phúc Âm Lc 6,36: “Hãy thương xót như Cha trên trời”. Theo văn mạch, đó là câu kết luận của điều răn mới: “Hãy yêu thương kẻ thù” (Lc 6,27-36). Làm được điều đó là bằng chứng cho thấy rằng chúng ta yêu thương hết mọi người, không loại trừ ai, giống như Thiên Chúa vậy (x. Lc 6,35b). Mà Thiên Chúa thì không chỉ “nhân hậu với cả phường vô nhân và quân độc ác”, nghĩa là với mọi người không loại trừ một hạng người nào, nhưng Ngài cũng quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng cả chim trời và hoa cỏ đồng nội, vì tất cả đều là thụ tạo của Ngài (x. Lc 12,6 // Mt 10,29; Mt 6,26-30 // Lc 12,24-28). Vậy thì, chúng ta cũng được mời gọi: “Hãy thương xót như Cha trên trời”, không chỉ đối với mọi người đồng loại, mà đối với tất cả các loài thụ tạo khác, tập hợp nơi Trái Đất là ngôi nhà chung của chúng ta, vì Chị Đất với muôn loài muôn vật tạo nên môi trường không thể thiếu cho cuộc sống của con người nhìn trong tổng thể (x. Sứ Điệp, số 5). Khi chọn ý tưởng chủ đạo cho Sứ Điệp ngày 1-9-2016, ĐGH thêm một khía cạnh mới vào việc chăm sóc ngôi nhà chung, đó là: song song với việc chiến đấu cho quyền lợi của “Chị Đất” trên bình diện công lý (x. LS số 246, câu cuối của hai bài kinh) vì chị đang kêu trách loài người chúng ta đã gây tổn hại cho Chị (x. LS số 2), thì chúng ta cũng phải chứng tỏ lòng thương xót (x. tiêu đề của Sứ Điệp ngày 1-9-2016) đối với người Chị đang rên siết (x. LS số 2 và 53) vì bị loài người áp bức và hủy hoại (x. LS số 2). Việc kết nối tinh thần của tông sắc DMLTX với tinh thần của thông điệp Laudato Si’ trong Sứ Điệp ngày 1-9-2016 là hoàn toàn hợp tình và hợp lý, nghĩa là kết nối trái tim với lý trí và ý chí.

3. Trong Sứ Điệp ngày 1-9-2016, ĐGH nhắc lại điều ngài đã nói trong thư đề ngày 6-8-2015 gửi cho hai ĐHY Peter Turkson và Kurt Koch về việc thiết lập ngày cầu nguyện cho sự chăm sóc thiên nhiên (đặt vào ngày 1 tháng 9 hằng năm): ngài chia sẻ mối quan tâm đặc biệt của Đức Thượng Phụ chung Bartolomaios của Chính Thống giáo đối với tương lai công trình tạo dựng. Trong Laudato Si’ số 8 và 9, ngài đã trích dẫn cách trân trọng những tư tưởng lớn của Đức Thượng Phụ, đặc biệt tư tưởng sau đây: “thực hiện một tội ác chống lại thế giới tự nhiên là một tội chống lại chính bản thân chúng ta và chống lại chính Thiên Chúa” (LS số 8, câu cuối). Về phần mình, ĐGH đưa ra một cách giải thích đặc sắc như sau: “Thiên Chúa đã ban cho chúng ta trái đất để canh tác và canh giữ (x. St 2,15)[4] một cách trân trọng và quân bình. Canh tác “quá” –nghĩa là khai thác nó một cách mù quáng và ích kỷ–, và canh giữ ít, thì đó là một tội” (x. Sứ điêp, số 2). Tư tưởng của Đức Thượng Phụ được ĐGH trích lại một lần nữa trong Sứ điệp ngày 1-9-2016 (số 2), để kêu gọi mọi tín hữu “hoán cải nội tâm một cách sâu sắc” (x. LS số 217), và “cầu xin Thiên Chúa thương xót chúng ta vì những tội chúng ta đã phạm chống lại thế giới trong đó chúng ta đang sống” (x. Thư ĐGH gửi hai ĐHY ngày 6-8-2015). Sám hối, xưng thú để được tha thứ những tội chúng ta đã phạm chống lại Trái Đất và thiên nhiên, tức cũng chống lại chính mình và Thiên Chúa, đó là con đường ngắn nhất để tiếp cận lòng thương xót cứu độ của Thiên Chúa. Và khi đã nhận được lòng thương xót từ trên cao, thì tất yếu chúng ta cũng phải tỏ lòng thương xót đối với Trái Đất, Chị Đất đang mang chở và bảo bọc chúng ta (x. Sứ điệp, số 2), nhưng việc tỏ lòng thương xót như thế không làm suy giảm, mà còn kích thích quyết tâm của chúng ta chu toàn bổn phận chiến đấu cho công lý nhằm bảo vệ và đáp ứng các quyền lợi của Chị Đất cũng như của Người Nghèo (x. LS số 246, cuối hai bài kinh).

4. Trong số 5 của Sứ điệp, ĐGH nhắc lại một chân lý: “Không có gì kết hợp chúng ta với Thiên Chúa hơn là một hành động của lòng thương xót”, nhìn từ hai phía: từ phía Thiên Chúa, đó là lòng thương xót thúc đẩy Ngài tha thứ tội lỗi của chúng ta; và nhìn từ phía chúng ta, đó là lòng thương xót do ân sủng của Ngài thúc bách chúng ta thực thi những việc thương người nhân danh Ngài. Và ĐGH đưa ra một sáng kiến mới mẻ bằng cách đề nghị thêm vào cuối hai danh sách truyền thống về “Thương người có mười bốn mối: thương xác bảy mối và thương linh hồn bảy mối” ngài đã triển khai trong tông sắc DMLTX số 15, một mối thứ tám: “Thương Trái Đất là ngôi nhà chung của chúng ta”: về phần tinh thần, chúng ta chăm sóc ngôi nhà chung bằng việc chiêm ngưỡng thế giới với lòng tri ân (x. LS số 214), nhờ đó chúng ta khám phá ra điều Thiên Chúa muốn truyền đạt cho chúng ta qua mỗi sự vật (x. LS số 85); về phần thể chất, chúng ta bảo vệ ngôi nhà chung bằng những cử chỉ đơn giản trong đời sống thường ngày giúp chúng ta bẻ gãy cái logíc của bạo lực, của bóc lột, của xu hướng ích kỷ… và bằng mọi hành động nhằm xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn (x. LS số 230-231)”.

“… Lạy Thiên Chúa của lòng thương xót, xin ban cho chúng con ơn biết đón nhận sự tha thứ của Chúa và biết truyền đạt lòng thương xót của Chúa trong toàn bộ ngôi nhà chung của chúng con. Ngợi khen Chúa. Amen” (Sứ điệp ngày 1-9-2016, Lời nguyện kết thúc).

 

Lm Phi Khanh Vương Đình Khởi, ofm

Chia sẻ tại Khóa Thường Huấn

Linh Mục Đoàn Tổng Giáo Phận Hà Nội

Ngày 7 và 8/9/2016

(Có thêm mục III: Một sự kết nối mới mẻ

Tại Khóa Thường Huấn Linh Mục Đoàn Đàlạt

Ngày 21 và 22/6/2017).

 

 



[1] Do tầm quan trọng đặc biệt của chúng, chúng tôi mạo muội dịch lại hai số đầu tiên này bằng cách theo sát bản văn Latin. Có đối chiếu với năm bản dịch sinh ngữ hiện đại: Ý, Pháp, Đức, Anh trên trang mạng Vatican, và Việt của Caritas Viêt Nam: bản Anh tương đối xa bản Latin hơn so với ba bản trước, còn bản Việt thì tương đối xa nhất, vì chủ yếu dựa vào bản Anh, nhưng đôi khi các dịch giả lại không hiều hết hoặc hiểu không đúng bản ấy. Về số 2, chúng tôi mạn phép chia cắt thành nhiều câu và đánh ký hiệu a,b,c…

Số 1: “LAUDATO SI’, mi’ Signore – Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi”, đó là một lời ca của Thánh Phanxicô Assisi. Trong bài ca tuyệt đẹp này, ngài nhắc chúng ta nhớ rằng ngôi nhà chung của chúng ta là như người chị mà chúng ta đang chung phần sự sống và như người mẹ kiều diễm đang mở rộng vòng tay ôm ấp chúng ta. “Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi, vì Chị chúng tôi là Mẹ Đất, Mẹ đỡ nâng, Mẹ dưỡng nuôi, Mẹ sản sinh bao trái trăng, hoa muôn sắc giữa muôn vàn cỏ dại” (Bài Ca Anh Mặt Trời, cũng gọi là Bài Ca Vạn Vật, câu 9, theo bản dịch tiếng Việt của LM Norberto Nguyễn Văn Khanh, OFM, trong Tác phẩm của Thánh Phanxicô Assisi, Văn phòng Tỉnh Dòng 2015, Bài Ca Anh Mặt Trời, tr. 96-101, chính xác câu trích nằm tại tr. 100).

Số 2: (a) Chị Đất này đang kêu trách chúng ta đã gây tổn hại cho chị vì chúng ta sử dụng và lạm dụng một cách vô trách nhiệm những của cải do Thiên Chúa tặng ban. (b) Chúng ta đã lớn lên qua việc được nuôi dạy với ý nghĩ: chúng ta là những người sở hữu và làm chủ trái đất, mà mình được phép hủy hoại. (c) Bạo lực đã bén rễ trong trái tim con người từng bị tội lỗi làm tổn thương, cũng được biểu lộ qua những dấu hiệu của bệnh tật mà chúng ta quan sát thấy nơi đất đai, nơi nguồn nước, trong không khí và trong các sinh vật. (d) Đây là lý do vì sao trái đất bị áp bức và bị hủy hoại của chúng ta được xếp vào số những người nghèo bị bỏ rơi và đối xử tàn tệ nhất. Chị Đất đang “rên siết và quằn quại như sắp sinh nở” (Rm 8,22). (e) Chúng ta quên rằng bản thân chúng ta bởi bùn đất mà ra (x. St 2,7), rằng thể xác chúng ta đựợc làm bằng những yếu tố của hành tinh này, nơi chúng ta hít thở không khí và nguồn nước của nó làm cho chúng ta sống và phục hồi sức lực.

 

[2] Chúng tôi dịch lại câu rất quan trọng này bằng cách ưu tiên theo sát bản Latin, trong đó động từ “obiurgat” có nghĩa là “trách móc, kêu trách”. Các bản dịch bằng sinh ngữ được tham khảo mang một số chi tiết, có lúc gần, có lúc hơi xa với bản Latin. Xin ghi lại đây để độc giả kính tường. Theo bản Ý (gần bản Latin nhất): “Questa sorella protesta per il male che le provochiamo: Người chị này phản kháng vì tai họa do chúng ta gây nên cho chị”; bản Pháp: “cette soeur crie en raison des dégâts que nous lui causons: người chị này kêu la vì những tổn hại do chúng ta gây nên cho chị; bản Đức: “Diese Schwester schreit auf wegen des Schadens, den wir ihr… zufügen: Người chị này kêu gào vì những tổn hại do chúng ta bắt chị phải chịu; bản Anh: “This sister now cries out to us because of the harm we have inflicted to her…: người chị này giờ đây đang kêu gào vào tai chúng ta vì những tổn hại chúng ta đã bắt chị phải gánh chịu”; Bản Việt: “Người chị này giờ đây đang kêu khóc vì chúng ta đã tiêm nhiễm lên chị những mối nguy…”. Chữ “kêu khóc” của bản Việt sẽ được bàn kỹ hơn trong Phụ Trương “Có tiếng khóc trong Laudato Si’ không?” Còn động từ “inflicted” của bản Anh (tương đương với tiếng Pháp “infliger” hoặc “imposer = tiếng Việt là ”áp đặt, bắt phải chịu”), thì hình như các dịch giả bản Việt đã nhầm lẫn với “infected” (=infecter= tiêm nhiễm lên chị…). Tại số 66 lại xảy ra một sự nhầm lẫn nghiêm trọng hơn: Câu “This is a far cry from our situation today” của bản Anh đã được dịch thành “Đây là tiếng than khóc vang xa từ hoàn cảnh của chúng ta ngày nay”, trong lúc thuật ngữ đặc biệt của tiếng Anh và Mỹ “a far cry from” có nghĩa là “a long way, a long distance from” = theo nghĩa đen là một chặng đường xa, một khoảng cách lớn; theo nghĩa bóng là một sự khác biệt đáng kể. Vậy câu tiếng Anh đó có nghĩa là:”Điều đó (Thánh Bonaventura nói rằng thông qua sự hòa giải hoàn vũ với mọi loài thụ tạo, thánh Phanxicô một cách nào đó đã trở lại tình trạng vô tội nguyên thủy”) khác xa với sự thể đang xảy ra ngày nay: tội lỗi tỏ hiện trong tất cả sức mạnh hủy diệt của chiến tranh, của các hình thức bạo lực, đối xử bất công và bỏ rơi những người yếu đuối và tấn công vào thiên nhiên”. Bản Anh, cũng như ba bản Ý, Pháp, Đức, vẫn trung thành với bản Latin. Chỉ có bản Việt là “khác xa” với ý của ĐGH.

 

 

[3] Công Đồng Vaticanô II đã khuyến khích giáo dân ứng dụng phương pháp này trong Sắc Lệnh về Hoạt Động Tông Đồ Giáo Dân, số 29: “… laicus…discat omnia sub lumine fidei aspicere, judicare et agere… (=…tập …để người giáo dân biết XEM, XÉT, LÀM mọi sự dưới ánh sáng đức tin…”. Bản dịch này của SENATUS-Legio Mariae 1969 đã dịch rất sát và chính xác ba động từ aspicere, judicare et agere (= “voir, juger et agir” của Vị Sáng Lập Thanh-Lao-Công). Còn Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X Đàlạt 1972-75 dịch như sau: “… tập cho người giáo dân… biết XEM XÉT, PHÁN ĐOÁN mọi sự và HÀNH ĐỘNG dưới ánh sáng đức tin…”, và cuối cùng là bản dịch của UB Giáo Lý Đức Tin trực thuộc HĐGMVN 2012: “… người giáo dân phải… học cách NHẬN THỨC, SUY XÉT và HÀNH ĐỘNG trong mọi tình huống theo ánh sáng của đức tin”.

[4] Trong Laudato Si’, ĐGH đã dành số 67 để bàn về hai câu Kinh Thánh St 1,28 và St 2,15. Nhưng tiếc thay bản Việt của Caritas VN đã dịch sai mấy câu quan trọng trong bản Anh, đó là chưa nói đến tình trạng bản Anh đôi khi đi hơi xa so với bản Latin. Chúng tôi buộc lòng phải dịch lại ít nhất nửa đầu của số 67 này (Những chữ do chúng tôi chỉnh sửa, được gạch dưới):

“Chúng ta không phải là Thiên Chúa. Trái đất đã có trước chúng ta và đã được ban tặng cho chúng ta. Điều này cho phép chúng ta đáp trả một lời cáo buộc chống lại giáo thuyết Do Thái giáo và Kitô giáo: Lời cáo buộc đó nói rằng: từ thuật trình của sách Sáng Thế với câu mời gọi “hãy thống trị trái đất” (x. St 1,28), người ta có thể cổ vũ việc khai thác thiên nhiên không kiềm chế, qua đó, vẽ nên một hình ảnh về con người như kẻ thống trị và huỷ diệt thiên nhiên (câu này bị bản Việt dịch ngược lại ý tác giả – “un contresens = a mistranslation”: “… đã cổ võ một sự khai thác thiên nhiên không kiềm chế qua việc vẽ nên hình ảnh con người bị thiên nhiên thống trị và hủy diệt!). Đó không phải là cách hiểu Kinh Thánh đúng đắn như Giáo Hội hiểu. Cho dù đôi khi các Kitô hữu giải thích Kinh Thánh không đúng, thì ngày nay chúng ta phải mạnh mẽ phủ nhận quan niệm cho rằng, vì hữu thể của chúng ta đã được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, và được trao quyền thống trị trái đất, nên có thể kết luận: chúng ta có quyền thống trị tuyệt đối trên các thụ tạo khác. Điều quan trọng là phải đọc các bản văn Kinh Thánh trong ngữ cảnh của chúng với một sự tường giải thích hợp và phải nhớ lại rằng các bản văn đó mời gọi chúng ta “hãy canh tác và canh giữ” thửa vườn thế giới (x. St 2,15). “Canh tác” có nghĩa là đào xới đất đai, cày bừa hoặc trồng trọt ruộng đồng, còn “canh giữ” là che chở (protegere), trông coi (tueri), phòng giữ (praeservare), bảo toàn (servare), canh thức (vigilare). Câu Latin: Cum “operari” significet terram confodere, arare vel agros colere, “custodire” autem significat protegere, tueri, praeservare, servare, vigilare” cho thấy ĐGH dùng 3 động từ khác nhau để cắt nghĩa động từ “operari”, và dùng 5 động từ khác nhau để giải thích động từ “custodire”. Đối với “operari”, các bản dịch Pháp, Đức, Anh và Việt đều dịch đầy đủ 3 động từ, trừ bản Ý –trường hợp hiếm khi xảy ra!– chỉ dùng 2 động từ: “coltivare” significa arare o lavorare un terreno = “canh tác” có nghĩa là cày bừa hoặc dọn một đám đất để trồng trọt. Còn đối với “custodire”, các bản Ý, Pháp và Đức đều dịch đầy đủ 5 động từ Latin, chỉ bản Anh và bản Việt dịch 4 động từ mà thôi. Tuy nhiên mỗi một trong cả 5 bản dịch sinh ngữ hiện đại đều hiểu mỗi động từ Latin theo một cách hơi khác. Điều này có vẻ chứng tỏ rằng các “sinh ngữ” hiện đại đều đầy óc sáng tạo và linh động hơn “tử ngữ” Latin nhiều!

 

 


Văn Kiện Giáo Hội