Bài II:

TẠi sao thánh Phanxicô gỌi các thỤ tẠo là “Anh-Chị-Em”?[1]

Dẫn nhập

1. Đối với nhân loại, giấc mơ về tình huynh đệ đại đồng giữa mọi người vẫn nằm trong tiềm thức tập thể. Chính ước mơ ấy đã thúc đẩy Đức Khổng Tử (551-479 trước CN) lên tiếng nhắc nhở: “Tứ hải giai huynh đệ: bốn bể đều là anh em”. Cũng chính nhà hiền triết này của Phương Đông đã nêu lên một quy tắc vàng: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân: điều mình không muốn thì đừng làm cho người ta”. Điều kỳ diệu là câu “quy tắc vàng” này tương ứng chính xác tuyệt đối với câu “quy tắc vàng” trong sách Tobia của Kinh Thánh Cựu Ước: “Điều gì con không thích thì cũng đừng làm cho ai cả” (Tb 4, 15). Sách Tobia được viết ra sau Đức Khổng Tử khoảng ba thế kỷ. Nhưng người ta chỉ có thể ghi nhận: cùng một tư tưởng lớn được hai nhân vật từ hai chân trời văn hóa-tôn giáo Cận Đông và Viễn Đông cách xa nhau vạn dặm phát biểu một cách long trọng.

2. Trước đó, ý tưởng về tình huynh đệ đại đồng giữa loài người đã được sách Sáng Thế của Cựu Ước gợi ra khi kể lại việc Thiên Chúa làm cho loài người phát sinh từ một cặp nguyên tổ Adam-Evà do chính Ngài tạo dựng (x. St chương 12; Cv 17,26). Nhưng tình huynh đệ nhân loại ấy chỉ là một giấc mơ, sớm bị phá vỡ bởi sự ganh tị của Cain đã ra tay giết Aben, em mình (x. St 4). Từ đó lịch sử loài người được dệt bằng không biết bao nhiêu là biểu hiện của ganh tị, hận thù, ý muốn thống trị và loại trừ kẻ khác, nghĩa là cảnh huynh đệ tương tàn. Tuy nhiên các ngôn sứ vẫn kiên định duy trì giấc mơ ấy và kiên trì giáo dục dân Israel thực hành tình huynh đệ, bước đầu thu hẹp trong khuôn khổ Giao Ước Sinai, để rồi từ từ mở tầm nhìn của Dân Chúa ra với mọi dân tộc, mà ngôn sứ Isaia gọi là “tất cả những anh em của các ngươi thuộc mọi dân tộc sẽ được người ta đưa về làm lễ phẩm tiến dâng Đức Chúa” (x. Is 66,20).

3. Kinh Thánh Tân Ước cho chúng ta thấy: giấc mơ của các ngôn sứ về tình huynh đệ đại đồng giữa loài người chỉ trở thành hiện thực trong Đức Kitô, Ađam mới.

- Chính Ngài tuyên bố: “Tất cả các bạn đều là anh em với nhau” (Mt 23,8): đó là tình huynh đệ chiều ngang giữa mọi người. Và với sứ mạng kiện toàn Cựu Ước (x. Mt 5,17), Ngài đã đẩy quy tắc vàng của sách Tobia (Tb 4,15), và gián tiếp của Khổng Tử, từ mức tối thiểu mang ý nghĩa ngăn chặn: “đừng”, lên mức cao hơn với mục đích động viên tối đa: “hãy”, khiến tình huynh đệ giữa loài người theo Phúc Âm mang tính cách tích cực và hoàn hảo gấp đôi: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta…” (Mt 7,12 // Lc 6,31). Quy tắc vàng mới này tất yếu bao hàm cả quy tắc vàng cũ.

- Trước cuộc Vượt Qua của mình, Đức Giêsu đã thăng tiến các môn đệ từ vị trí “đầy tớ” lên tư cách “bạn hữu” của Ngài (x. Ga 15,15). Nhưng chỉ sau khi tự nguyện chấp nhận chết trên Thánh Giá và được Thiên Chúa Cha làm cho sống lại từ trong cõi chết, Ngài mới thực sự gọi họ là “anh em của tôi” (Ga 20,17; Mt 28,10), nghĩa là việc các môn đệ trở thành anh em đúng nghĩa của Chúa Kitô là hoa quả của mầu nhiệm Vượt Qua. Đó là tình huynh đệ chiều dọc liên kết các học trò với Thầy Chí Thánh của mình theo một nghĩa sâu sắc chưa từng có, mà chúng ta sẽ đưa ra ánh sáng.

- Xin lưu ý về ba chi tiết sau đây: (1) Câu tuyên bố của Đức Giêsu trong Mt 12,50 // Mc 3,35 // Lc 8,21): “phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi”, là một lời khẳng định mang tính nguyên tắc. (2) Tiếng Việt của ta có điều bất tiện là danh từ “anh em” thường được dùng như đại từ để phiên dịch đại từ “you” hay “vous” bên tiếng châu Âu. (3) Ngoài ra, đề tài đang bàn chỉ chú ý tới danh từ “anh em của Chúa Kitô” được chính Đức Giêsu hoặc thánh Phaolô dùng để chỉ các môn đệ, chứ không quan tâm tới cách dân chúng tại Nadarét và Galilê gọi một số thân nhân của Đức Giêsu là “anh em của Thầy” (x. Mt 12,47 //). Theo cách hiểu truyền thống của Giáo Hội Công Giáo, chữ “anh em” trong trường hợp đó có nghĩa chỉ “anh em họ”, không nhất thiết là “anh em ruột”.[2] Bây giờ chúng ta có thể đi tìm câu trả lời cho câu hỏi được nêu ra trên đây.

I.- Sáng kiến độc đáo của thánh Phanxicô

- Thánh Phanxicô, tuy tự coi mình là “kẻ dốt nát, ít chữ nghĩa” (“idiota”, x. Di Chúc, câu 19,[3]: đúng là ngài chỉ biết đọc biết viết, và trong số các tác phẩm của ngài, vài bút tích do ngài tự tay viết bằng tiếng Latin còn được lưu lại, chứa đựng một số lỗi chính tả và văn phạm!), nhưng ngài có một trí nhớ tốt và thuộc lòng rất nhiều câu Kinh Thánh từ việc đọc kinh nhật tụng, tham dự Thánh lễ và nghe các bài giảng. Các tác phẩm nho nhỏ, những di cảo của ngài chứa đầy chất liệu Kinh Thánh.

- Thánh nhân muốn trở thành một “anh em hèn mọn” và thành lập môt dòng tu mang tên “Dòng anh em hèn mọn” với xác tín rằng: càng trở nên hèn mọn, nghĩa là nghèo khó, nhỏ bé, khiêm nhường và “phục tùng mọi người” (x. Di Chúc, câu 19), “đứng dưới mọi người trên đời” (x. Kinh Kính chào các nhân đức, câu 16), thì càng trở thành anh em của mọi người, với cách “ăn ở khiêm tốn, nhân từ với tất cả mọi người” (Luật không sắc chỉ, XI, 9). Lý do thúc đẩy thánh Phanxicô trở thành anh em, và là anh em hèn mọn, của mọi người, chính là vì mọi người đều có một Cha chung trên trời là Thiên Chúa (x. Mt 23,9), và vị Cha chung này muốn rằng mọi người phải trở nên những người em của Đức Giêsu-Kitô là Anh Cả (x. Thư thánh Phanxicô gửi các tín hữu, bản gốc II, câu 52 và 56; Mt 12,50; Rm 8,29).

- Tuy nhiên, phải khẳng định rằng tình huynh đệ phổ quát của thánh Phanxicô dành cho mọi người là điều thuộc về gia sản chung của Kitô giáo. Mọi vị thánh và mọi Kitô hữu nói chung đều phải thực hành tình huynh đệ ấy, vì điều đó nằm trong giáo huấn của Chúa Giêsu, Đấng đã ban hành một mệnh lệnh mới là mọi người phải yêu thương nhau như Ngài đã yêu thương chúng ta (x. Ga 15,12) và mỗi người phải yêu thương mọi người, không loại trừ ai, kể cả kẻ thù (x. Mt 5,44).

- Nét độc đáo của thánh Phanxicô là mở rộng tình huynh đệ phổ quát giữa loài người như vừa mô tả trên đây ra tối đa để bao hàm cả chiều kích vũ trụ, bằng cách gọi là Anh-Chị-Em tất cả mọi thụ tạo của Thiên Chúa, kể cả những sinh vật và sự vật không thuộc hàng ngũ loài ngươi. Trong ngôn ngữ thường ngày và trong các bài giảng, ngài đã từng gọi một số con vật như chó sói hay chim sơn ca là “Anh Sói”,[4] và “Chị Sơn Ca”,[5] thậm chí ngài cũng gọi thân xác của mình là “Anh Lừa”,[6]…; nhưng ngài đã diễn tả tầm nhìn vũ trụ về tình huynh đệ một cách đặc biệt thẩm mỹ và sâu sắc trong Bài Ca Anh Mặt Trời, cũng gọi là Bài Ca Vạn Vật, là tác phẩm đã cung cấp cảm hứng cho ĐGH Phanxicô để viết ra thông điệp Laudato Si’.

- Bài Ca Anh Mặt Trời là tác phẩm thi ca đầu tiên được viết bằng thổ ngữ Umbria, một tiền thân của tiếng Ý hiện đại, mở đầu mùa xuân nở rộ thể loại văn chương “thánh ca ngợi khen (la lauda religiosa)” từ thế kỷ XIII trong lịch sử văn học Italia.[7] Ở đây chúng ta chỉ tập trung vào khía cạnh thần học và linh đạo của bài thánh ca ngợi khen này, để ưu tiên trả lời câu hỏi: Tại sao thánh Phanxicô gọi tất cả các thụ tạo là Anh-Chị-Em”?

- Việc mời gọi vạn vật trong vũ trụ ngợi khen, chúc tụng Thiên Chúa không phải là sáng kiến riêng của thánh Phanxicô. Để sáng tác Bài Ca Vạn Vật, chắc chắn ngài đã múc cảm hứng từ một số thánh vịnh (nổi bật nhất là Tv 148), và đặc biệt từ bài thánh ca của ba thanh niên trong sách Đanien, mà chúng ta đọc trong giờ kinh sáng Chúa Nhật tuần 1 và tuần 3 (x. Đn 3,57-88.56). Ngài thuộc lòng rất nhiều thánh vịnh, thánh ca, và nhiều đoạn kinh thánh Cựu Ước cũng như Tân Ước. Một bằng chứng tiêu biểu là ngài đã “sáng tác” 15 thánh vịnh riêng cho mình để kính các mầu nhiệm của Chúa Giêsu: Giáng Sinh, Thương Khó, Phục Sinh, Thăng Thiên và cuộc Tái Lâm trong vinh quang (viết tắt là Tv KMN I hoặc II…, câu…). Cách sáng tác của ngài rất đơn giản: tự do chọn một số câu trong quyển Thánh Vịnh chung, ghép lại với nhau theo từng mầu nhiệm, đôi khi xen kẽ những câu trích từ sách Tân Ước, Kinh Tin Kính, kinh Kính Mừng…, và các bản văn Phụng vụ của Giáo Hội; nhất là ngài sửa đổi một số chữ trong các Thánh vịnh của Kinh Thánh cho hợp với tâm tình của mình, bởi lẽ ngài không trích Lời Chúa như một nhà nghiên cứu, nhưng ngài cầu nguyện bằng Lời Chúa. Đặc điểm nổi bật của 15 Thánh vịnh đó, cũng như hầu hết các lời kinh khác của ngài (tất cả chiếm gần một phần ba toàn bộ tác phẩm), đều mang tính chất lời kinh ngợi khen, chúc tụng, cảm tạ, tôn vinh Thiên Chúa.[8] Rất hiếm khi ngài cầu xin một ơn gì. Vài lần cầu xin, theo các di cảo còn lưu lại, thì chỉ xin cho mình được ba nhân đức Tin, Cậy, Mến,[9] và xin cho tâm hồn mình được Lửa Thánh Linh thanh luyện, soi sáng, nung nấu, để có khả năng bước theo dấu chân Chúa Kitô mà đến với Chúa Cha.[10] Trong 15 Thánh vịnh riêng của thánh Phanxicô, cũng có một số câu mời gọi các thụ tạo ngợi khen, chúc tụng Thiên Chúa giống như trong Bài Ca Vạn Vật.[11] Đặc biệt đáng chú ý là trong Tv KMN XIV, 5-9, Thánh nhân liên kết “những người nghèo hèn”, “những người nghèo khó và thân hữu của Chúa đang bị xiềng xích” với “trời, đất, biển cả cùng muôn loài sống động trong đó” trong cùng một lời ca tụng Chúa, trong cùng một niềm vui và hy vọng vì Chúa sẽ ra tay cứu độ. Cuối bài kinh thứ 2 tại số 246 của Laudato Si’, chúng ta cũng thấy ĐGH Phanxicô để cho Trái Đất và Người Nghèo hiệp lời với nhau để cầu nguyện: “Người nghèo và trái đất đang kêu gào: “Lạy Chúa, xin dùng quyền năng và ánh sáng của Chúa mà đón nhận lấy chúng con…”. Vị Thánh Nghèo và Đức Giáo Hoàng đương kim không chỉ cùng mang một tên gọi là Phanxicô, mà, quan trọng hơn, cùng có những tâm tình, những suy nghĩ và một tầm nhìn giống nhau.

- Vậy sáng kiến độc đáo duy nhất của thánh Phanxicô khi sáng tác Bài Ca Anh Mặt Trời lừng danh này là: ngài gọi bằng Anh-Chị-Em một cách minh nhiên tất cả mọi loài thụ tạo được ngài kêu mời hiệp thông với mình hoặc được ngài trưng ra như lý do để ngợi khen Thiên Chúa Tối Cao. Trong toàn bộ quyển Kinh Thánh cũng như trong lịch sử loài người và lịch sử Giáo Hội, chưa hề có ai làm như thế.

II.- Đâu là nguồn gốc và nền tảng của sáng kiến độc đáo: gọi tất cả mọi loài thụ tạo là Anh-Chị-Em một cách minh nhiên?

Như đã nói trên kia, thánh Phanxicô thuộc lòng và thấm nhuần nhiều câu Kinh Thánh đến nỗi các tác phẩm của ngài chứa đầy chất liệu Kinh Thánh. Cùng với Thánh Phanxicô, chúng ta lần lượt nhìn đề tài “tình huynh đệ” dưới nhiều góc độ hay chiều kích khác nhau

1. Về tình huynh đệ đại đồng nhìn theo chiều ngang giữa loài người với nhau, chắc chắn thánh Phanxicô thấm nhuần:

a) Giáo huấn của sách Tobia với quy tắc vàng được ngài trích nguyên văn vào trong bản Luật không sắc chỉ (Lksc IV, 5 = Tb 4,16);

b) Giáo huấn của Chúa Giêsu với quy tắc vàng được ngài trích nguyên văn vào trong bản Luật không sắc chỉ (Lksc IV, 4 = Mt 7,12); và với lời nhắc nhở: “Tất cả các bạn đều là anh em với nhau, vì chỉ có một cha là Cha trên trời” (x. Mt 23,8-9).

2. Về tình huynh đệ nhìn theo chiều dọc giữa loài người với Chúa Kitô:

a) Thánh Phanxicô đã suy gẫm câu Phúc Âm Mt 12,50 // Mc 3,35 // Lc 8,21: về điều kiện phải có để trở nên anh em, chị em và mẹ của Chúa Giêsu, đó là thi hành ý muốn của Chúa Cha.

b) Thánh nhân cũng suy gẫm thêm về tương quan hôn ước thiêng liêng giữa chúng ta với Chúa Giêsu dựa trên thư Thánh Phaolô (2 Cr 11,2: “Tôi đã đính hôn anh em với Đức Kitô”; x. Thư Thánh Phanxicô gửi các tín hữu, bản gốc II, câu 49-56).

c) Trong cùng một đoạn của lá thư viết cho các tín hữu,[12] ngài đặt mối tương quan của chúng ta với Chúa Giêsu trong tầm nhìn lớn về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, bằng cách nêu rõ: chúng ta là đền thờ của Chúa Thánh Thần (x. 1 Cr 6,19), là con cái của Chúa Cha (x. Mt 5,45), và là anh em, chị em, mẹ và bạn trăm năm của Chúa Giêsu. ĐGH Phanxicô nhìn nhận rằng Thánh Phanxicô là một nhà thần bí (x. Laudato Si’, số 10). Vậy trong tầm nhìn thần bí vừa cao vừa sâu ấy của vị Thánh Nghèo, chúng ta hiểu được vì sao Chúa Kitô, chỉ sau khi trải qua cái chết trên Thánh Giá và sự sống lại từ trong lòng đất, mới gọi các môn đệ là “anh em của tôi” (x. Ga 20,17; Mt 28,10), bởi lẽ vinh dự được làm anh em của Chúa Kitô là hoa quả của mầu nhiệm Vượt Qua, thuộc chương trình cứu độ, tiếp nối chương trình tạo dựng của Thiên Chúa.

3. Về tình huynh đệ đại đồng theo chiều ngang giữa loài người và các loài thụ tạo khác, Lm Norbertô Nguyễn Văn Khanh, OFM giải thích như sau:

- “Để trả lời câu hỏi: tại sao thánh Phanxicô gọi các thụ tạo là ‘Anh-Chi-Em’, trước hết chúng ta phải nghĩ tới Kinh Lạy Cha: nhờ nhận thức Thiên Chúa là Cha và là Tạo Hóa mà Thánh Phanxicô đã đi đến kết luận: muôn loài thụ tạo là con cái của Chúa Cha và là anh, chị, em của nhau. Đáng lưu ý là trong bài ‘Suy Niệm Kinh Lạy Cha’, thánh nhân đã thêm tước hiệu ‘Tạo Hóa’ ngay sau tước hiệu ‘Cha’: “Lạy Cha chí thánh chúng con, Cha là Đấng Tạo Hóa, Đấng Cứu Chuộc, Đấng An Ủi và là Đấng Cứu Độ chúng con”.

- Lm Norbertô nêu thêm một chứng lý thứ hai: hai tác giả chính thức viết hạnh thánh Phanxicô là Tôma Celanô, OFM và thánh Bonaventura, OFM đã giải thích rằng: mọi thụ tạo đều có một nguồn gốc chung là Thiên Chúa Tạo Hóa, nên mọi thụ tạo đều là anh em. Với ý thức như thế, thánh Phanxicô gọi mọi thụ tạo, đến cả những sự vật nhỏ bé nhất, là “anh em”, “chị em” [x. Thánh Bonaventura, Đại Truyện (Legenda major) VIII, 6; và 2Cel 165. Ý tưởng này của thánh Bonaventura được ĐGH Phanxicô trích dẫn trong Laudato Si’ số 11].[13]

Cả hai cách giải thích trên đây do Lm Norbertô đưa ra đặt các thụ tạo trong tương quan trực tiếp với Thiên Chúa Cha là Tạo Hóa và nguồn gốc của chúng, nhưng không đề cập tới mối tương quan của chúng với Chúa Kitô như một chủ đề trọng tâm. Thánh Bonaventura có nêu lên thói quen của Thánh Phanxicô ưu ái những thụ tạo, đặc biệt con chiên con, mang những đặc tính gợi nhớ sự hiền lành dịu dàng của Chúa Kitô. Nhưng Vị Thánh Tiến Sĩ Chí Ái không tập trung đào sâu tương quan của Chúa Kitô với các thụ tạo trong quyển Đại Truyện.

4. Chúng tôi nghĩ rằng, vì Thánh Phanxicô thấm nhuần tư tưởng Kinh Thánh, và ngài chịu ảnh hưởng sâu đậm bởi tầm nhìn “Kitô trung tâm” hoặc “Kitô quy tâm” (Christocentrisme) của các tác giả sách Tân Ước, đặc biệt của thánh Phaolô, như chúng ta sẽ thấy khi phân tích Cl 1,12-20 – nên việc ngài gọi tất cả các thụ tạo là “Anh-Chị-Em” của mình chỉ có thể xuất phát từ tầm nhìn Kitô trung tâm đó. Thực ra, linh đạo của thánh Phanxicô lấy Đức Kitô làm trung tâm, nhưng đồng thời lấy Chúa Thánh Thần làm khởi điểm và hướng về Chúa Cha.[14] Toàn bộ sách Tân Ước mở ra cho chúng ta “một tầm nhìn Kitô quy tâm trong chân trời Ba Ngôi”. Vì thế, quan điểm này không phải của riêng thánh Phanxicô, nhưng là tầm nhìn cơ bản chung của Kitô giáo. Đó là điểm đặc sắc phân biệt Kitô giáo với Do Thái giáo, Hồi giáo và các tôn giáo khác. Nếu Vị Thánh Nghèo thành Assisi gọi mọi thụ tạo là “Anh-Chị-Em” vì chúng đều có chung một Cha là Thiên Chúa Tạo Hóa và là nguồn gốc chung của chúng, thì tất yếu chúng phải có một mối tương quan đặc biệt với Chúa Giêsu Kitô, mà thánh Phanxicô gọi là “Con Cha yêu dấu và là Chúa chúng con” (x. Bài suy niệm Kinh Lạy Cha, câu 6), và “người Con yêu dấu ấy đã trở nên ‘người anh của chúng ta[15]; nếu ứng dụng cho các thụ tạo khác, thì người Con yêu dấu ấy cũng đã trở nên người anh của vạn vật. Nói cách khác, quan niệm của thánh Phanxicô về tình huynh đệ mang tầm cỡ vũ trụ trong hai chiều kích: chiều dọc trong tương quan giữa các thụ tạo với Chúa Kitô, và chiều ngang trong tương quan giữa các thụ tạo với nhau, chỉ có thể xuất phát từ Kinh Thánh là nguồn dinh dưỡng nuôi sống đức tin của thánh nhân và mọi Kitô hữu. Chúng tôi sẽ chứng minh điều này bằng cách đối chiếu hai bài ca tiêu biểu nhất của hai nhân vật tiêu biểu đối với đề tài đang bàn: Bài Ca Vạn Vật của Thánh Phanxicô và bài ca của thánh Phaolô về Quyền Trưởng Tử Của Đức Kitô trong thư Côlôxê (Cl 1,12-20).

5. Trước khi đi vào việc phân tích và đối chiếu, chúng tôi cần xác định quan điểm và phương pháp làm việc của mình.

a) Để tìm hiểu ý nghĩa của một bản văn Kinh Thánh nhất định nào đó, ví dụ bài thánh ca Cl 1,12-20, chúng tôi hoàn toàn theo quan điểm của Giáo Hội Công Giáo, ứng dụng ba nguyên tắc được Công Đồng Vaticanô II trình bày trong hiến chế tín lý về Mặc Khải (của) Thiên Chúa (Dei Verbum, x. MK số 12c), và được ĐGH Bênêđitô XVI diễn tả lại trong tông huấn “Lời Chúa” (Verbum Domini) ngày 30-9-2010, số 34a như sau: “Một đàng, Công Đồng nhấn mạnh tới việc nghiên cứu các văn thể và ngữ cảnh, như là những yếu tố căn bản giúp hiểu được ý nghĩa tác giả thánh nhắm đến. Đàng khác, vì Kinh Thánh phải được giải thích trong cùng một Thần Khí trong đó Kinh Thánh đã được viết ra, Hiến Chế Tín Lý đưa ra ba tiêu chuẩn căn bản để đánh giá chiều kích thần linh của Kinh Thánh: 1) giải thích văn bản trong khi lưu ý tới (nội dung và) [16] tính thống nhất của tòan bộ Kinh Thánh; ngày nay, người ta gọi đó là giải thích theo thư quy (exégèse canonique); 2) kế đó, lưu ý đến Truyền Thống sống động của toàn thể Giáo Hội; và 3) cuối cùng, tôn trọng kiểu nói loại suy của đức tin” (trích theo bản dịch của UB Kinh Thánh trực thuộc HĐGMVN, tái bản có sửa chữa, 2012, tr. 87).

b) Khi ứng dụng phương pháp “giải thích (Kinh Thánh) theo thư quy”, chúng ta cần đặt mình vào vị trí của thánh Phanxicô: đọc và hiểu Kinh Thánh (cụ thể là bài thánh ca Coloxê 1,12-20) được công bố trong Phụng Vụ của Giáo Hội thời Trung Cổ và được các giáo sĩ thời đó diễn giải trong các bài giảng. Nên biết thêm rằng: ngay cả bản văn Kinh Thánh bằng tiếng Latinh được sử dụng thời đó, là bản Phổ Thông Cũ (Vetus Vulgata), chứa đựng một số chi tiết khác biệt với bản Phô Thông Mới (Nova Vulgata sát với bản Hy Lạp hơn) được ĐGH Gioan Phaolô II phê chuẩn và ban hành ngày 25-4-1979. Chúng ta sẽ gặp một chi tiết rất quan trọng trong Cl 1,16.

c) Đối với bài thánh ca về Quyền Trưởng Tử Của Đức Kitô trong thư Côlôxê (Cl 1, 12-20), vào thời Trung Cổ chưa ai đặt vấn đề: Thánh Phaolô có thực sự là tác giả của lá thư đó không? Ngày nay có rất nhiều (hình như hơn 50%) chuyên gia Kinh Thánh cho rằng: Không phải thánh Phaolô, mà là một môn đệ của ngài (Timôthê?) đã soạn lá thư đó. Một số khác thì dung hòa, coi cả hai thầy trò là đồng tác giả. Phần chúng tôi, khi giải thích theo thư quy, chúng tôi làm như Giáo Hội xưa nay vẫn làm, là không nghi ngờ tính xác thực và đáng tin của tất cả các sách trong Thư Quy Kinh Thánh đã được Giáo Hội công nhận. Điều đó đủ để cho chúng tôi an tâm. Vậy điều tối thiểu chúng tôi có thể kết luận là: thư Côlôxê phản ánh tư tưởng của thánh Phaolô, và thư đó được viết ra (khoảng năm 61-63) sau thư Rôma (khoảng năm 57-58, theo TOB ấn bản 1994, tr. 3074).

d) Về tiêu chuẩn thứ hai: “lưu ý đến Truyền Thống sống động của toàn thể Giáo Hội”, chúng tôi ý thức rằng điều này bao hàm tất yếu và ưu tiên bối cảnh cuộc sống của tác giả, toàn bộ tác phẩm của tác giả và bối cảnh cuộc sống của toàn thể Giáo Hội vào thời tác giả. Ba yếu tố này làm nên khởi điểm của “Truyền Thống sống động của toàn thể Giáo Hội” đối với thư Côlôxê chúng ta đang tìm hiểu.

e) Song song đó, chúng tôi cũng được phép vận dụng phương pháp giải thích (Kinh Thánh) theo thư quy vào việc tìm hiểu Bài Ca Vạn Vật của Thánh Phanxicô, nghĩa là đặt bài ca đó trong bối cảnh cuộc sống của tác giả, toàn bộ tác phẩm của tác giả và bối cảnh cuộc sống của toàn thể Giáo Hội vào thời tác giả. Hiến Chương Dòng Anh Em Hèn Mọn đã đề xuất một phương pháp tương tự như thế về việc “hiểu và tuân giữ” bản Luật của các Anh Em Hèn Mọn, được Đức Giáo Hoàng Hônôriô III xác nhận, là nên tảng đời sống và pháp chế của Dòng: “Tất cả những điều ghi chép trong đó phải được hiểu và tuân giữ trong bối cảnh cuộc sống (in contextu vitali), theo tinh thần của thánh Phanxicô đã diễn tả nhất là trong các tác phẩm của người, theo đúng quan điểm của Giáo Hội và những truyền thống lành mạnh của Dòng” (HC OFM, điều 2 #1). Để hiểu và sống Bài Ca Vạn Vật của thánh Phanxicô, tất cả mọi người, đặc biệt các anh em hèn mọn, được mời gọi ứng dụng phương pháp giải thich theo thư quy, hiểu theo nghĩa rộng và nghĩa loại suy đó.

III.- Phân tích và đối chiếu hai bài thánh ca:

A- Một số dữ liệu khách quan

a) Thánh Phanxicô đã trích dẫn thư Côlôxê một cách chắc chắn ít nhất bốn lần trong các di cảo của ngài [17]:

(1) Trong Luật không sắc chỉ (Lksc 23, 6), ngài trích Cl 1,16. Bằng Latin: “throni, dominationes, principatus, potestates”; tiếng Viêt: “các ngai thần, quản thần, lãnh thần, quyền thần” (theo bản dịch rất sát của LM Norbertô Nguyễn Văn Khanh = NVK, Sđd, tr, 209), còn theo bản dịch dùng trong Giờ Kinh Chiều ngày thứ tư của cả 4 tuần trong sách CGKPV, thì bốn loài thụ tạo vô hình trên trời mà thánh Phaolô kể ra trong Cl 1,16 được gộp chung thành “Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng hay là bậc quyền năng thượng giới”.[18]

(2) Trong Luật có sắc chỉ (Lsc 12,4) thánh Phanxicô trích Cl 1,23. Bằng Latin: “Stabiles in fide”; tiếng Việt: “bền đỗ trong đức tin” (NVK), hoặc “giữ vững đức tin” (CGKPV)

(3) Trong Thư gửi toàn Dòng (TTD),

- TTD câu 2, ngài trích Cl 1,20: “Trong Người (Đức Kitô) mọi loài trên trời và mọi loài dưới đất được bình định và giao hòa cùng Thiên Chúa toàn năng”;

(4) Trong Thư gửi toàn Dòng (TTD),

- TTD câu 14, ngài trích Cl 3,22: “… (đừng chỉ vâng lời trước mặt) như thể để làm đẹp lòng người ta”.

Trong bốn lần trích, thì hai trích đoạn số (1) và số (3) trên đây nẳm trong nội dung bài thánh ca Cl 1,12-20 mà chúng ta đang tìm hiểu.

b) Một lần, trong thánh vịnh riêng số XV để kính mầu nhiệm Con Thiên Chúa Giáng Sinh, thánh Phanxicô viết: “Chính Thiên Chúa đã đặt (Con Yêu Dấu của mình) làm Trưởng Tử (primogenitus) cao cả hơn vua chúa trần gian” (x. Tv KMN XV, 4). Thánh nhân trích câu này từ Tv 88, 28. Trong bầu khí lễ Giáng Sinh, và nhất là vì trong Tv KMN XV, 7, ngài trích thêm “(Hài Nhi cực thánh) được đặt nằm trong máng cỏ vì Người không có chỗ trong lữ quán” của Lc 2,7, trong đó Luca ghi rõ: “Bà (Maria) sinh con trai đầu lòng” (primogenitum = ton prôtotokon)”. Theo chú thích “u” của TOB,[19] và chú thích “p” của Nhóm Phiên Dịch CGKPV về câu Lc 2,7, từ Hy Lạp “prôtotokos” này (và từ Latinh “primogenitus”) có ý nhắc lại luật trong Xh 13,2.12.15 (“tế dâng Đức Chúa mọi con so, con đầu lòng của loài vật cũng như loài người”), luật này sẽ được áp dụng cho hài nhi Giêsu (x. Lc 2,23), nhưng có thể Luca cũng gợi lên tước hiệu mang ý nghĩa Kitô học được Tân Ước gán cho Đức Giêsu (x. Rm 8,29; Cl 1,15.18; Hr 1,6; Kh 1,5). Thánh Phanxicô vốn có thói quen suy nghĩ và viết lách theo “liên tưởng” (liên kết các ý tưởng, các từ ngữ và các hình ảnh từ chuyện này sang chuyện khác: association des idées, des mots et des images), nên từ ngữ “primogenitus = trưởng tử = con đầu lòng” được ngài dùng trong Tv KMN XV, 4 chắc hẳn cũng nhắc ngài nghĩ tới từ ngữ đó mà ngài đã đọc trong Cl 1,15.18 (chắc chắn ngài rất quen thuộc với thư Côlôxê, được ngài trích dẫn ít nhất bốn lần, như vừa trình bày trên đây).

Đáng ngạc nhiên là bảng tra cứu các quy chiếu về các đề tài trong tác phẩm của thánh Phanxico (index thématique) ở cuối quyển tác phẩm hoặc các di cảo của Thánh Phanxicô do những chuyên gia hoặc nhóm chuyên gia về Phan-Sinh-học (như Esser; Desbonnets+Matura+Godet+Vorreux; Paolazzi [20]) thực hiện, không hề nhắc tới mục từ Trưởng Tử (primogenitus)…” đã xuất hiện trong Tv KMN XV, 4 và vì thế người ta không thấy quy chiếu về câu Kinh Thánh nào cả. Theo thiển ý chúng tôi, đây là một thiếu sót cần bổ sung, và có thể quy chiếu từ “Trưởng Tử” của Tv KMN 15, 4 về Tv 88,28; Rm 8,29; Cl 1,15.18; Dt (=Hr) 1,6 và Kh 1,5 (Đức Kitô là trưởng tử của Thiên Chúa từ thuở đời đời); và Lc 2,7 (Đức Kitô là trưởng tử = con đầu lòng của Đức Maria trong thời gian của lich sử loài người).

Trong bản tra cứu các quy chiếu về những câu kinh thánh được thánh Phanxicô trích dẫn trong các di cảo của minh (index biblique hoặc index des références scripturaires), thì cả ba nhóm chuyên gia trên đây đều có ghi Tv 88,27-28 với quy chiếu về Tv KMN XV, 4 của thánh Phanxicô. Nhưng quy chiếu như thế là quá ít, và việc làm của họ chứng tỏ họ có một cái nhìn thu hẹp, chưa đi vào hướng “giải thích theo thư quy” của Công Đồng Vaticanô II và ĐGH Bênêđitô XVI.

-Với những gì vừa trình bày, chúng tôi xác định rằng: đối với chúng tôi, cái chìa khóa vàng để mở bí ẩn của câu hỏi: “tại sao thánh Phanxicô gọi tất cả mọi thụ tạo là Anh-Chi-Em?” chính là cụm từ “Trưởng tử của (giữa) mọi loài thụ tạo = primogenitus omnis creaturae” trong Cl 1,15, mà theo phương pháp giải thích theo thư quy, cần được kết nối ít nhất với Cl 1, 18: “Trưởng tử trong số những ngưới từ cõi chết sống lại = primogenitus ex mortuis”, và với Rm 8,29: “… để Con của Người làm Trưởng Tử giữa một đoàn em đông đúc = ut sit ipse primogenitus in multis fratribus”.

B. Phân tích bài thánh ca Cl 1, 12-20 về Quyền Trưởng Tử của Đức Kitô.[21]

Chín câu của bài thánh ca này chứa đựng hai trục ý tưởng lớn: công trình cứu độcông trình tạo dựng của Thiên Chúa Cha, được thánh Phaolô trinh bày trong ba khúc, mỗi khúc gồm 3 câu: Khúc 1 (câu 12-14) và khúc 3 (câu 18-20) liên quan tới trục cứu độ, hai khúc này bao bọc lấy khúc giữa (gồm các câu 15-17) liên quan tới trục tạo dựng. Công trình cứu độ luôn luôn là nội dung chính của tất cả các thư được Giáo Hội công nhận là của Thánh Phaolô, trong đó có thư Côlôxê. Mà nói cho cùng, đó cũng là đề tài chính của tất cả các sách trong Bộ Tân Ước. Công trình tạo dựng cũng được đề cập, nhưng ít hơn và thường là để tạo “phông” cho công trình cứu độ.

Chúng ta tập trung sự chú ý đặc biệt vào hai khúc 2 và 3 của bài thánh ca này vì mỗi khúc đều chứa đựng tước hiệu “Trưởng Tử” dùng để gọi “Thánh Tử chí ái của Thiên Chúa” (Cl 1,13-14-15). Cũng nên biết rằng: trong nhiều bản dịch Kinh Thánh, các dịch giả chỉ coi khúc 2 và khúc 3 này là thành phần của bài thánh ca. Chúng tôi dựa vào cách trình bày bài thánh ca này trong Sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ của Giáo Hội hậu Vaticanô II, vào giờ Kinh Chiều của ngày thứ tư trong cả 4 tuần lễ, trong đó người ta đọc thấy tiêu đề bằng tiếng Latinh của bài thánh ca là: “Christus primogenitus omnis creaturae et primogenitus ex mortuis = Đức Kitô, Trưởng Tử của mọi loài thụ tạo và Trưởng Tử (trong số những người) từ kẻ chết (sống lại)”. Chính hai lần xuất hiện của từ “Trưởng Tử” đánh dấu hai trục lớn: trục tạo dựng và trục cứu độ.

1. Trục tạo dựng:

Khúc 2 (tức khúc giữa gồm các câu 15-17) nhắc lại công trình tạo dựng của Thiên Chúa Cha. Ở đây, thánh Phaolô đặt Đức Giêsu-Kitô, “Thánh Tử chí ái” của Thiên Chúa Cha, vào vị trí trung tâm của công trình tạo dựng bằng ba lời khẳng định then chốt:

(1) Thánh Tử Giêsu là “hình ảnh (của) Thiên Chúa vô hình” (“imago Dei invisibilis). Khía cạnh này cũng được ám chỉ trong thư gửi tín hữu Do Thái (x. Dt 1,3: Thánh Tử “là phản ánh vẻ huy hoàng (splendor gloriae), là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa (figura substantiae ejus).

(2) Thánh Tử Giêsu là “Trưởng Tử sinh ra trước mọi loại thụ tạo”. Theo nguyên bản Hy Lạp và bản văn Latin chính thức của Giáo Hội Công Giáo Rôma (cả bản Phô Thông Cũ và bản Phô Thông Mới), đáng lý phải dịch là: “Trưởng tử của mọi loại thụ tạo” (Prôtotokos pasès ktiseôs = Primogenitus omnis creaturae, ktiseôs và creaturae ở dạng genitivus, thuộc cách). Bản dịch bài thánh ca này, do Nhóm Phiên Dịch CGKPV thực hiện và được HĐGMVN đưa vào sách nguyện chính thức của Dân Chúa tại Việt nam, đã chọn chữ “trước”, khiến người đọc dễ có xu hướng hiểu theo nghĩa thời gian: Thánh Tử có ưu thế so với mọi thụ tạo vì được sinh ra trước các thụ tạo. Hiểu như thế không sai. Nhưng nhiều nhà chú giải hiểu “thuộc cách (genitivus)” của “omnis creaturae” theo một nghĩa khác nữa: đó là Thánh Tử trổi vượt hơn mọi thụ tạo dưới góc độ bản tính và địa vị. Chính Nhóm Phiên Dịch CGKPV, trong ấn bản Kinh Thánh trọn bộ năm 2011, cũng giải thích chữ “trước” theo nghĩa phẩm chất hơn là thời gian: “Trong tương quan với thụ tạo, Người là Trưởng Tử, hiểu theo nghĩa Người đứng địa vị tuyệt vời và là nguyên nhân, hơn là hiểu theo nghĩa thời gian” (x. chú thích “y” cho Cl 1,15). Nếu hiểu như thế thì đáng lý họ đã phải thay thế câu “là Trưởng Tử sinh ra trước mọi loài thụ tạo” bằng câu “là Trưởng Tử của mọi loài thụ tạo”, giống các bản dịch lớn ở Âu Mỹ, như Bible de Jérusalem, TOB, The New American Bible…; hoặc hay hơn nữa, dùng chữ “giữa” thay chữ “của” theo sáng kiến của LM Nguyễn Thế Thuấn: “Trưởng Tử giữa muôn loài” (thụ tạo) – chỉ tiếc rằng LM Thuấn đã dịch creaturae” thành “th sinh” thay vì “th to”. Chúng ta sẽ thấy: hai từ này có nghĩa rất khác nhau.

Theo nhà chú giài Kinh thánh đầy uy tín André Feuillet,[22] tước hiệu “Trưởng Tử” (Hy Lạp: “prôtotokos” = Latinh: “primogenitus”), trong tiếng Hip-ri là “bekôr”, được người Do Thái nhìn ưu tiên trong tương quan giữa người con với các đấng sinh thành: “Bekôr” là người con đầu lòng, “khai thông dạ mẹ” (x. Xh 13,2; Ds 3,12), chứ không nhất thiết ngụ ý đó là “anh cả” của đoàn em sinh sau. Đó là cách hiểu của Feuillet trong phần I của quyển sách. Theo chúng tôi, điều này hoàn toàn đúng cho Lc 2,7 (Bà Maria “sinh con đầu lòng = primogenitus…”, mà không nhất thiết phải hiểu rằng Bà Maria sẽ sinh thêm những người con khác nữa). Tuy nhiên, theo phương pháp giải thích theo thư quy, khi đối chiếu “Trưởng Tử” trong Cl 1,15 với “Trưởng Tử” trong Rm 8,29, chúng tôi được phép nghĩ rằng thánh Phaolô, tác giả của cả hai lá thư, cũng nhìn thêm vào tương quan của “Trưởng Tử” Giêsu với một đoàn em đông đúc nữa: trong Rm 8,29, chắc chắn “Trưởng Tử Giêsu là Anh Cả của những người được Thiên Chúa Cha tiền định trở nên đồng hình đồng dạng với Con của Ngài”. Còn trong Cl 1,12-20, được viết ra sau Rm 8,29, thánh Phaolô tiếp nối và nới rộng ý tưởng của mình đã trình bày trong Rm 8, 29 bằng hai câu:

-Câu Cl 1,18: “Đức Kitô là Trưởng Tử trong số những người từ cõi chết sống lại” – câu này có thể coi như tương ứng với Rm 8,29, và như thế chắc chắn “Trưởng Tử Giêsu Kitô” là “Anh Cả” của những người từ cõi chết sống lại;

-Và câu Cl 1,15: “Đức Kitô là Trưởng Tử của (hoặc giữa) muôn loài thụ tạo”, theo “luật ngữ cảnh”, “Trưởng Tử” trong câu 18 phải hiểu là “Anh Cả của một đoàn em gồm những con người”, thì “Trưởng Tử” trong câu 15 cũng có thể hiểu là “Anh Cảcủa một đoàn em đông đúc hơn nữa: mọi thụ tạo, trong đó dĩ nhiên có cả loài người.

Chúng tôi rất vui mừng vì, sau khi trình bày cách lý luận này, chúng tôi đọc tiếp phần III trong quyển sách của André Feuillet, thì thấy tác giả cũng đã ứng dụng phương pháp chú giải theo thư quy, và đi đến kết luận: “Trong khi (chủ đề) Đức Kitô Ađam mới chiếu rọi một ánh sáng vô giá trên huyền nhiệm và ơn gọi cao cả tuyệt vời của con người, thì (chủ đề) Đức Kitô Trưởng Tử giữa mọi loài thụ tạo thậm chí còn giúp chúng ta hiểu sự cao cả và vai trò của vũ trụ, vì ngay từ nguồn cội, nó đã như được khắc ghi dấu ấn của Đức Kitô. Chính Đức Kitô, tuy vượt trước và vượt trên thế giới, nhưng một cách nào đó Ngài có thể được đặt vào vị trí khởi đầu của chuỗi dài các thụ tạo và được gọi là anh cả của chúng trên danh nghĩa nguyên nhân mô phạm (leur aîné à titre de cause exemplaire), bởi lẽ Ngài giống như Sự Khôn Ngoan thần linh, là Tấm Gương trong đó Thiên Chúa đã nhìn ngắm phác đồ của vũ trụ”.[23]

Như vậy, cụm từ “Trưởng tử của (hoăc giữa) muôn loài thụ tạo” trong Cl 1,15 cũng bao hàm tính cách “Anh Cả của muôn loài thụ tạo”. Tuy nhiên, cần nói rõ ngay: tước hiệu “Anh Cả” được gán cho Thánh Tử trong thư Rôma và thư Côlôxê khiến chúng ta phải nghĩ tới một tình huynh đệ theo chiều dọc, bởi lẽ Trưởng Tử-Anh Cả có bản chất và địa vị cao hơn đoàn em thụ tạo. Chính tương quan giữa Chúa Cha với Anh Cả, và tương quan giữa Chúa Cha với các thụ tạo, xác định sự khác biệt giữa Anh Cả và đoàn em. Đó là một sự khác biệt rất quan trọng và rõ ràng. Anh Cả do Chúa Cha sinh ra hoặc sinh thành (tức Anh Cả là “thụ sinh”), còn các em của Anh Cả thì được Chúa Cha tạo thành (tức họ là “thụ tạo”).

Chân lý này được phản ánh vào bản tuyên tín chính thức là Kinh Tin Kính của Giáo Hội mà chúng ta đọc trong Thánh lễ Chúa nhật và các lễ trọng: “Tôi tin kính một Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời,… được sinh ra (thụ sinh) mà không phải được tạo thành (thụ tạo), đồng bản thể với Đức Chúa Cha”. Câu này chắc chắn muốn nói về Ngôi Lời trong kiếp sống vĩnh cửu, trước khi “xuống thế làm người”.

Khía cạnh “đồng bản thể với Đức Chúa Cha” có nền tảng Kinh Thánh là thư Phi-lip-phê (Pl 2,6): “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa” (= Hy-lạp: “en morphè Theou” = Latin: “in forma Dei” = Pháp: “de condition divine” = Anh: “in the form of God”…); và một số câu trong Phúc Âm Gioan, như Ga 1,18; 20,28; và trong các thư của thánh Phêrô và thánh Phaolô. Thư Cô-lô-xê và Thư Do Thái cũng chứa đựng một ý tưởng tương tự, khi gọi “Thánh Tử là hình ảnh (của) Thiên Chúa vô hình” (Cl 1,15); hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa (Dt 1,3).

‒Nhưng ta phải hiểu thế nào về St 1,26: “Thiên Chúa tạo dựng con người (=Adam) theo (hoặc giống) hình ảnh Thiên Chúa”, và St 5,3: “Khi ông Ađam được môt trăm ba mươi tuổi, thì ông sinh ra một người con trai (tên là Sét) giống như ông, theo hình ảnh ông”?

Cần phân biệt “sinh ra ai (=sinh thành ai) theo hình ảnh của mình” với “tạo dựng ai (tạo thành ai) theo hình ảnh của mình”.

Thiên Chúa Cha sinh ra Thánh Tử giống (hoặc theo) hình ảnh của Thiên Chúa Cha, bởi thế Cl 1,15 nói “Thanh Tử là hình ảnh (của) Thiên Chúa vô hình”, và Dt 1,3 phụ họa thêm: “(Thánh Tử là) hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa”. Đó là hình ảnh bẩm sinh, nghĩa là hình ảnh được truyền từ cha sang con bằng con đường sinh sản, và hình ảnh ấy đồng nghĩa với bản tính hoặc bản thể của cha.

Trường hợp ông Adam “sinh ra Sét giống như ông, theo hình ảnh ông”, thì hình ảnh ông Ađam cũng đồng nghĩa với bản tính hoặc bản thể của ông là người cha của Sét. Đó cũng là hình ảnh bẩm sinh. Đây là nói khái quát, còn trong thực tế, thì Sét mang hình ảnh không chỉ của cha là Ađam, mà còn của mẹ là Evà nữa. Nhưng Evà cũng mang cùng một bản tính như A-đam (x. St 2,21-23).

Trong cả hai trường hợp sinh con (Thiên Chúa Cha sinh ra Thánh Tử và Ađam sinh ra Sét), người cha truyền sang cho con của mình chính bản tính hoặc bản thể của mình.

Trái lại, trong trường hợp Thiên Chúa tạo dựng Ađam (và loài người) theo hình ảnh của Thiên Chúa, thì Thiên Chúa không truyền sang cho Ađam bản tính hoặc bản thể của mình, mà chúng ta vừa gọi là “hình ảnh bẩm sinh”, nhưng chỉ truyền sang cho Ađam một hình ảnh thụ tạo, nghĩa là một hình ảnh do Thiên Chúa tạo ra và chứa đựng ở mức độ hữu hạn một số năng lực nào đó do Thiên Chúa rút ra từ bản tính của Ngài như một ân huệ để chia sẻ cho Ađam là một thụ tạo. Một trong các năng lực được sách Sáng thế nhắc tới là : trí thông minh có khả năng đặt tên, tức là biết mọi sinh vật (x. St 2,19-20) và quyền làm chủ mặt đất và mọi loài (x. St 1,28). Mặt khác, loài người tuy là thụ tạo, nhưng vẫn được gọi là con cái của Thiên Chúa. Chính Đức Giêsu dạy cho các môn đệ cầu nguyện với Thiên Chúa mà Ngài gọi là “Cha của các bạn” bằng Kinh Lạy Cha (x. Mt 6,7-13). Thánh Gioan cũng nói: “những ai đón nhận Ngôi Lời, tức là những ai tin vào Danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa. Họ sinh ra không phải do khí huyết, cũng chẳng phải do ước muốn của nhục thể hay ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa” (Ga 1,12-13). Chính thánh Phaolô sẽ giải thích cho chúng ta hiểu chính xác: các Kitô hữu “do bởi Thiên Chúa sinh ra”, nên được gọi là “con cái Thiên Chúa”, nhưng theo một nghĩa loại suy, tức là “những nghĩa tử của Thiên Chúa” (x. Gl 4,4-7; Rm 8,15-17; 9,4), những “người con trong Chúa Con và nhờ Chúa Con”, những người con “được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên” (x. Ga 3,3), nghĩa là “được sinh ra bởi nước và Thần Khí” (x. Ga 3,5). Nói cách khác, Kitô hữu là “nghĩa tử của Thiên Chúa Cha” nhìn trong công trình cứu độ, theo đó, “Thánh Tử là Trưởng Tử (tức là Anh Cả) trong số những người từ cõi chết sống lại” (Cl 1,18b). Kitô hữu là “nghĩa tử của Thiên Chúa Cha” hiểu như hoa quả của mầu nhiệm Vượt Qua, tương tự như tính cách Kitô hữu là em của Trưởng Tử cũng là hoa quả của mầu nhiệm Vượt Qua (x. Rm 8,29; Cl 1,18-20). Thật vậy, chính nhờ mầu nhiệm Vượt Qua mà Kitô hữu được nâng lên vị trí “anh em” của Thánh Tử-Trưởng Tử” cùng một lúc với tình trạng được nhắc lên địa vị “nghĩa tử”, với quyền gọi Thiên Chúa là “Cha” (Ga 20,17), là “Abba” (x. Gl 4,5-7; Rm 8, 15), như Chúa Giêsu vậy (x. Mc 14,36 // … ; Ga 17,1).[24]

- Về sự khác biệt giữa tình trạng “thụ sinh” và tình trạng “thụ tạo” ứng dụng cho mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể, nhà thần học Joseph Ratzinger đã cống hiến một lời giải thích đầy sức thuyết phục. Chúng tôi xin trình bày lại tư tưởng của ngài theo cách của chúng tôi với hai phạm trù vừa nêu: Ngôi Lời, từ đời đời, được Thiên Chúa Cha sinh thành, chứ không phải tạo thành, nghĩa là Ngôi Lời là “thụ sinh” chứ không phải “thụ tạo” của Chúa Cha; nhưng nhân tính, gồm linh hồn và thể xác, mà Ngôi Lời nhận lấy nhờ mầu nhiệm Ngôi hiệp (union hypostatique) thì do Chúa Cha dùng quyền năng và sức mạnh của Thần Khí tạo thành trong cung lòng Đức Maria (x. Lc 1,35). Như thế trong Đức Giêsu-Kitô, chính Ngôi Vị Logos đồng bản thể với Chúa Cha, là một Thánh Tử, thụ sinh chứ không thụ tạo, nhưng nhân tính mà Ngôi Lời nhận lấy vào mình thì hoàn toàn là thụ tạo chứ không phải thụ sinh. Joseph Ratzinger khẳng định mạnh mẽ: “Việc Đức Giêsu thành thai (“die Empfaengnis Jesu) trong lòng Đức Maria mang ý nghĩa của một công trình tạo dựng mới, chứ không phải là hành vi truyền sinh của Thiên Chúa, vì thế Thiên Chúa không trở thành cha của Đức Giêsu theo nghĩa thể lý”.[25]

(3) Tính ưu việt và địa vị cao trọng của Anh Cả làm nên sự khác biệt với đàn em thụ tạo được hai câu 16 và 17 của bài thánh ca Côlôxê giải thích một cách thuyết phục. Tính cách thụ tạo của đàn em được thánh Phaolô liên kết chặt chẽ với Anh Cả bằng ba giới từ: Thiên Chúa Cha đã tạo dựng nên mọi loài thụ tạo trên trời và dưới đất

a) “trong” Người: x. câu 16a và 17 (Hy lạp: “ en autô”, datif = Latin: “in ipso”, ablatif);

b) “nhờ” Người: x. câu 16b (Hy lạp: “di’ autou”, génitif = Latin: “per ipsum”, acácusatif);

c) “cho” Người: x. câu 16b (Hy lạp: “eis auton”, acácusatif = Latin: “in ipsum”, acácusatif. Bản Nova Vulgata năm 1979 đã chỉnh sửa cụm từ “in ipso”, ablatif ở câu 16b này trong Vetus Vulgata của thánh Giê-rôm, để phù hợp hơn với bản Hy lạp “eis auton”, acácusatif. Đây là một sự chỉnh sửa quan trọng.

Trong ba giới từ vừa nêu, giới từ “nhờ” và “cho” là tương đối dễ hiểu nhất.

- Về giới từ “nhờ”: Thiên Chúa Cha tạo dựng muôn loài nhờ Thánh Tử. Điều đó có nghĩa là Thánh Tử đóng vai trò trung gian khí cụ,[26] và hợp tác với Thiên Chúa Cha là Đấng có sáng kiến và quyết định về công trình tạo dựng. Vì tham gia vào công trinh tạo dựng đó, nên Thánh Tử cũng mang tính cách “Đồng Tạo Hóa = Co-Créateur” với Thiên Chúa Cha. Chúng ta gặp ý tưởng này lần đầu tiên trong 1 Cr 8,6 của Thánh Phaolô: “… đối với chúng ta, chỉ có một Thiên Chúa là Cha, Đấng tạo thành vạn vật và là cùng đích của chúng ta; và cũng chỉ có một Chúa là Đức Giêsu-Kitô, nhờ Người (per quem) mà vạn vật được tạo thành, và nhờ Người mà chúng ta được hiện hữu (một số chuyên gia Kinh Thánh hiểu: Nhờ Người mà chúng ta tiến về Chúa Cha)”. Nhiều chuyên gia Kinh Thánh nghĩ rằng: Thánh Phaolô, khi viết 1 Cr 8,6, và thánh Gioan trong Ga 1,3, đều lấy lại và kiện toàn một mặc khải chứa đựng trong Cựu Ước, cụ thể là trong sách Châm Ngôn (Cn 8,22-31, đặc biệt câu 30: “Ta (Đức Khôn Ngoan) hiện diện bên Người (Thiên Chúa) như tay thợ cả”, theo cách dịch của Bible de Jérusalem, TOB và Nhóm Phiên Dịch CGKPV), và trong sách Huấn Ca (Hc 42, 15): “Do Lời Đức Chúa mà có những công trình của Người”…

Vai trò của Thánh Tử làm trung gian khí cụ và hợp tác với Thiên Chúa Cha trong công trình tạo dựng được nhắc lại trong Cl 1,16b và trong Dt 1,2. Phúc Âm theo thánh Gioan, tác phẩm muộn màng nhất của Tân Ước, cũng nêu lên chân lý này ngay ở đầu Lời Tựa (x. Ga 1,3). Như vậy, Thánh Tử, mà Phúc Âm Gioan gọi là Logos = Ngôi Lời (x. Ga 1,1.14), vì đồng bản thể với Chúa Cha, mang hình ảnh bẩm sinh của Chúa Cha (Cl 1,15), nên đã hợp tác với Chúa Cha để tạo thành vạn vật trên trời dưới đất (Cl 1,16), nghĩa là Thánh tử hoàn toàn đứng về phía Chúa Cha, ngang hàng với Chúa Cha (x. Pl 2,6), tham dự vào vai trò Tạo Hóa, chứ không đứng ngang hàng với các thụ tạo. – Ariô đã sai lầm khi đặt Ngôi Lời-Thánh Tử ngang hàng với các thụ tạo và khẳng định rằng Ngôi Lời cũng chỉ là một thụ tạo, dù là thụ tạo thứ nhất –. Khi khẳng định: ”Thánh Tử là Trưởng Tử của (hoặc giữa) muôn loài thụ tạo” (trong Cl 1,15b), thánh Phaolô cho thấy rõ: vì Trưởng Tử là con, được Chúa Cha sinh ra chứ không phải tạo thành, nên có một địa vị cao hơn tất cả các thụ tạo, kể cả các thiên thần. Về điểm này, thánh Phaolô nhắm cảnh báo một số tín hữu tại Côlôxê chớ tôn sùng các thiên thần quá mức (x. Cl 2,18), gây tổn hại đến vị thế ưu đẳng tuyệt đối của Đức Kitô, là Đấng “có tất cả sự viên mãn của thần tính hiện diện cách cụ thể nơi mình” (Cl 2,8).

- Về việc Thiên Chúa tạo dựng mọi loài trên trời dưới đất CHO Thánh Tử thì phải nói ngay rằng: thánh Phaolô là người đầu tiên công bố chân lý này một cách rõ ràng nhất. Thánh Tử là cùng đích của công trình tạo dựng. Tầm nhìn tích cực và lạc quan này tìm thấy trong 1 Cr 3,22-23 một định hướng rõ rệt: “Tất cả (tức là vũ trụ và vạn vật) đều thuộc về anh em (= đều hướng về việc phục phụ loài người), mà anh em thuộc về Đức Kitô (= loài người hướng về việc phụng sự Đức Kitô: như vậy, Đức Kitô là đích điểm cuối cùng của công trình tạo dựng: Thiên Chúa tạo dựng mọi loài trong vũ trụ, kể cả loài người, CHO Thánh Tử), và Đức Kitô lại thuộc về Thiên Chúa (= hướng về việc phụng sự và tôn vinh Thiên Chúa Cha)”. Cũng theo thánh Phaolô, cuối cùng, khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa, Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, sẽ “quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô” (x. Ep 1,10). Như thế, nghĩa của giới từ “cho” vừa rõ, vừa mạnh, vừa mới, và khía cạnh này của công trình tạo dựng chỉ được công bố trong Cl 1,16b.

- Còn về cụm từ “trong Người” (=”trong Đức Giêsu Kitô = trong Đức Chúa”), chúng ta ghi nhận ba đặc điểm:

(a). Đó là một sáng tạo của thánh Phaolô. Trước ngài, người ta không hề biết tới thuật ngữ này. Bên ngoài các tác phẩm của ngài, người ta ít gặp thuật ngữ ấy; nó được thánh Gioan sử dụng một số lần, nhưng thường đi kèm với động từ “ở lại”: “ở lại trong Đức Kitô” (Hy lạp: menein = Latin: manere, ví dụ: Ga 6,56; 1 Ga 2,28).[27]

(b). Cụm từ này được ngài sử dụng rất nhiều lần trong các tác phẩm của mình. Chỉ riêng trong bài thánh ca Cl 1,12-20, với 9 câu, nó xuất hiện 4 lần; trong bài thánh ca Ep 1, 3-14, với 12 câu, chúng ta đếm được 7 lần “trong Người”, và 2 lần “nhờ Người, nhờ Máu Người đổ ra…”.

(c). Nhưng quan trọng nhất: nghĩa của cụm từ “trong Người” không dễ hiểu như các cụm từ “nhờ Người” “cho Người”, bởi lẽ mỗi một trong hai cụm từ này chỉ có một nghĩa duy nhất, còn cụm từ “trong Người” thì có thể có nhiều nghĩa, ít nhất là ba nghĩa sau đây.

Nghĩa thứ nhất của “trong Người”:

Trong trục “tạo dựng”, theo cách chú giải của André Feuillet, lời dạy của thánh Phaolô: “Thiên Chúa tạo thành muôn vật trên trời dưới đất trong Thánh Tử”, có thể hiểu là Thánh Tử đóng vai trò “khuôn mẫu”. “Đức Khôn Ngoan” trong sách Châm ngôn (Cn 8, 22-31) và “Lời của Đức Chúa” trong sách Huấn ca (Hc 42,15) được Thánh Phaolô và thánh Gioan xem như tiên trưng hoặc bản phác thảo trước của “Ngôi Lời” (Logos) trong Ga 1,3 và của “Trưởng Tử” (Prototokos, Primogenitus) trong Cl 1,15. Theo sách Gióp (G 28,23-27) “Đức Khôn Ngoan” được Thiên Chúa nhìn thấy và đánh giá như mẫu mực khi Ngài tạo dựng và điều khiển mọi sự dưới vòm trời. Thánh Phaolô tiếp nối hướng nhìn đó và khi viết câu “Thiên Chúa tạo dựng muôn loài trong Thánh Tử”, thì ngài hiểu Thánh Tử được Thiên Chúa nhìn thấy và đánh giá như mẫu mực để làm ra vạn vật.[28]

Nghĩa thứ hai của “trong Người”:

Trong câu 17, thánh Phaolô viết: “Tất cả đều tồn tại trong Người: Động từ Hy lạp synestèken (syn-istamai) có nghĩa là “gắn kết với nhau để tồn tại lâu dài cách bền vững” (Latin: constant, con-stare = đứng với nhau cách bền chặt). Theo câu này, Thánh Tử là như một môi trường có đầy đủ điều kiện và sức mạnh cần thiết để duy trì sự tồn tại lâu dài và bền vững của mọi thụ tạo. Chúng ta gặp lại ý tưởng này trong Dt 1,3b: “Người là Đấng dùng lời quyền năng của mình mà duy trì vạn vật. Nghĩa thứ hai này của cụm từ “trong Người” tiếp nối nghĩa của cụm từ “nhờ Người”: Thánh Tử là trung gian khí cụ hợp tác với Chúa Cha bằng cách đóng vai trò tác nhân: vừa tạo dựng muôn loài, vừa bảo tồn muôn loài, và hơn thế nữa, vừa liên kết muôn loài thành một tổng thể hài hòa, trong đó các thành phần đứng đúng chỗ của mình và hỗ trợ nhau.[29]

Nghĩa thứ ba của “trong Người”:

Trong trục “tạo dựng” và trục “cứu độ” của bài thánh ca này, cũng như nhìn chung trong toàn bộ Tân Ước, cụm từ “trong Người” gợi ra một sự hiệp thông sâu sắc ở bình diện đời sống giữa đàn em thụ tạo với Anh Cả, giữa các môn đệ với Thầy Giêsu, giữa Giáo Hội Hiền Thê với Đức Kitô Phu Quân. Joseph Fitzmyer gọi đây là “nghĩa thần bí (mystical sense)”, và có lẽ là nghĩa phổ biến nhất trong Tân Ước cũng như trong ngôn ngữ linh đạo, phụng vụ và thần học của Giáo Hội. Fitzmyer lưu ý thêm rằng khi cụm từ “trong Đức Kitô” nhắm vào Đức Giêsu lịch sử với các sinh hoạt tại thế của Ngài, thì thường đồng nghĩa với cụm từ “nhờ Đức Kitô” (per Christum, dia Christou: Đức Kitô là trung gian khí cụ, theo instrumental sense).[30]

2. Trục cứu độ:

Khúc 1 và khúc 3 của bài thánh ca Cl 1,12-20 tạo nên trục “cứu độ”.

Ý chính của khúc 1 (câu 12-14) nằm trong câu 14: “Trong Thánh Tử, ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi”. Ơn cứu chuộc này được triển khai cụ thể và chi tiết hơn trong khúc 3 (câu 18-20), với 3 khía cạnh:

(1) Thánh Tử là đầu của Hội Thánh, thân thể của Người (câu 18a);

(2) là Trưởng Tử trong số những người từ cõi chết sống lại (câu 18b);

(3) nhờ Người, nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa hòa giải muôn vật với mình và đem lại bình an cho mọi loài dưới đất cũng như trên trời (câu 20).

Chúng ta phải hiểu ba khía cạnh này theo thứ tự ngược lại mới hợp logic và khung thời gian. Thật vậy, việc hòa giải và mang lại sự bình an nhờ cái chết của Thánh Tử ở câu 20 (khúc 3) gắn liền với ơn tha tội và cứu chuộc ở câu 14 (khúc 1). Sau đó, qua mầu nhiệm Phục Sinh, Thánh Tử trở thành “Trưởng Tử trong số những người từ cõi chết sống lại” (câu 18b), nghĩa là Thánh Tử là người đầu tiên sống lại từ trong cõi chết, mở đường cho những ai tin vào Người cũng sẽ được sống lại như Người (x. 1 Cr 15,20). Và qua đó, tức là trong tư cách Đấng Phục Sinh, Thánh Tử thực sự là đầu của Hội Thánh. Việc Đức Kitô trở thành Trưởng Tử trong số những người từ cõi chết sống lại được thánh Phaolô giải thích rõ hơn nữa khi ứng dụng câu Tv 2,7 cho hành động của Chúa Cha làm cho Chúa Con sống lại từ cõi chết: “Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con” (Cv 13,32-33). Ý tưởng độc đáo này của Thánh Phaolô đặt ra một đề tài mới cho chúng ta suy gẫm và đào sâu. Chúa Cha sinh ra Chúa Con hai lần:

–Lần thứ nhất, Chúa Cha sinh ra Thánh Tử là Ngôi-Lời-đồng-bản-thể với Chúa Cha (theo hình ảnh bẩm sinh của Chúa Cha) trong vĩnh cửu. Nên nhớ điều nhà thần học Joseph Ratzinger đã nói: trong việc Ngôi Lời Nhập Thể sống kiếp phàm nhân, Chúa Cha không sinh thành, nhưng đã tạo thành nhân tính cho Thánh Tử nhận lấy vào mình.

–Khi làm cho Ngôi-Lời-Nhập-Thể-đã-tự-nguyện-vâng-lời-Chúa-Cha-đến-chết-trên-cây-thập-tự (x Pl 2,6-8) -để-hòa-giải-muôn-loài-thụ-tạo-trên-trời-dưới-đất-với-Chúa-Cha (x. Cl 1,20) sống lại từ trong cõi chết, thì Chúa Cha sinh ra Thánh Tử lần thứ hai, nhưng là Thánh-Tử-đã-nhập-thể-và-mang-nhân-tính-nơi-mình, vậy thì nhân tính đó của Thánh Tử đã phải được Chúa Cha “siêu tôn”, “chúa tể hóa” (x. Pl 2,9-11) nghĩa là thần hóa, mà cuộc “biến hình” (transfiguratio trên núi, x. Mt 17,1-9 // Mc 9,2-10 // Lc 9,28-36) là một dấu chỉ. “Chúa Cha đã làm cho Thánh Tử Giêsu Kitô sống lại (x. Cv 2,24), và bằng cách đó Chúa Cha đưa nhân tính của Người, cùng với thân thể (= thân xác = cum corpore Eius) của Người, vào Ba Ngôi một cách hoàn hảo” (x. GLHTCG số 648). Như thế cuộc sinh thành Thánh Tử lần thứ hai qua mầu nhiệm Phục Sinh giống cuộc sinh thành lần thứ nhất ở khía cạnh: đưa Thánh Tử vào đời sống nội bộ của Ba Ngôi, nhưng lúc đó Thánh Tử là Ngôi Lời chỉ mang thần tính, còn trong cuộc sinh thành Thánh Tử lần thứ hai qua mầu nhiệm Phục Sinh, Chúa Cha đưa Ngôi Lời Nhập Thể mang trọn vẹn thần tính và nhân tính, nhưng là nhân tính được thiêng liêng hóa và thần hóa, vào đời sống Ba Ngôi. Tư tưởng của thánh Phaolô trong Cv 13,32-33 mở ra một viễn ảnh rất mới mẻ và lớn lao, đó là việc Chúa Cha sinh ra Thánh Tử lần thứ hai qua mầu nhiệm Phục Sinh nâng cao phẩm giá của nhân tính –nơi Đức Kitô, và nơi các Kitô hữu kết hợp mật thiết với Người– đến vô tận. Việc thần hóa nhân tính của Đức Kitô mở đường cho việc thần hóa nhân tính của chúng ta, mà thánh Phêrô đã có một trực giác sơ khởi (x. 2 Pr 1,4), nhưng được thánh Phaolô liên kết đặc biệt với mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa Cứu Thế (x Cv 13,32-33). Việc Chúa Cha sinh thành Thánh Tử lần thứ hai cho thấy nhân tính được thiêng liêng hóa và thần hóa không còn là kết quả của một hành động tạo thành, nhưng là kết quả của một hành động sinh thành. Nói cách khác, việc Chúa Cha làm cho Đức Kitô sống lại từ cõi chết biến hành động tạo thành trong mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Lời thành hành động sinh thành trong mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa Kitô.

Trở về với bài thánh ca Côlôxê, hai câu Cl 1,14 và Cl 1,20 có nội dung hầu như giống nhau, vậy thì cụm từ “trong Người” của câu 14 và cụm từ “nhờ Người” của câu 20 cũng có nghĩa hầu như giống nhau. Trên đây chúng ta đã hiểu cụm từ “nhờ Người” của câu 16b theo nghĩa: Thánh Tử đóng vai trò trung gian khí cụ và hợp tác với Thiên Chúa Cha trong công trình tạo dựng, thì bây giờ cũng phải hiểu rằng Thánh Tử đóng vai trò trung gian khí cụ và hợp tác với Thiên Chúa Cha trong công trình cứu độ. Nhưng khi đề cập tới việc Thiên Chúa cứu độ, thánh Phaolô dùng cả hai giới từ: Thiên Chúa ban ơn cứu chuộc và tha tội trong Thanh Tử (câu 14), và ban ơn hòa giải và bình an nhờ Thánh Từ (câu 20). Thế thì chúng ta phải tổng hợp hai giới từ “nhờ và trong (Người)”. Chữ “nhờ” chỉ có một nghĩa, như vừa nhắc lại, còn chữ “trong” thì có đến ba nghĩa trong công trình tạo dựng của Chúa Cha, trong đó Trưởng Tử đóng ba vai trò: (1) làm mẫu mực cho các thụ tạo; (2) bảo tồn (bao hàm cả khía cạnh củng cố) các thụ tạo; (3) và sẵn sàng mở lòng mình ra để hiệp thông với các thụ tạo.

Vậy thì, khi tìm hiểu vai trò của Trưởng Tử trong công trình cứu độ của Chúa Cha, chúng ta phải khai thác ý nghĩa của cả hai giới từ “nhờ và trong”, theo chiều hướng: Nhờtrong bổ túc cho nhau đến nỗi có nghĩa hầu như giống nhau. Thật vậy, Chúa Cha dùng (=nhờ) Trưởng Tử như trung gian khí cụ để ban ơn cứu chuộc, tha thứ, giải hòa và tạo sự bình an cho các thụ tạo, nhất là cho loài người, thì Chúa Cha cũng muốn Trưởng Tử là mẫu mực cho mọi thụ tạo, đặc biệt cho loài người, để các thụ tạo cũng biết cứu chữa, tha thứ, giải hòa và xây dựng sự bình an cho nhau và với nhau, bảo tồn, củng cố lẫn nhau và tạo sự hiệp thông sâu xa với nhau như với Anh Cả vậy.

Không ngờ ba giới từ “nhờ, trong và cho” được thánh Phaolô dùng để xác định vai trò và vị trí của Thánh Tử trong công trình tạo dựng và công trình cứu độ của Thiên Chúa Cha phong phú và sâu sắc đến thế. Kết luận quan trọng nhất có thể rút ra từ việc phân tích bài thánh ca Cl 1,12-20 này là: thánh Phaolô, hơn ai hết trong Tân Ước, đưa ra chủ thuyết rõ ràng và mạnh mẽ nhất về vị trí trung tâm của Chúa Kitô trong công trình tạo dựng và cứu độ, nghĩa là trong mọi sự (christocentrismus). Dựa vào giáo huấn này của thánh Phaolô, Kitô giáo không thể chấp nhận học thuyết (thường là vô thần) đặt con người làm trung tâm tuyệt đối của tất cả (Modern anthropocentrism: x. Laudato Si’, số 115-121).

C. Đối chiếu Bài Ca Mặt Trời (BcMT) của thánh Phanxicô với bài thánh ca của thánh Phaolô về Quyền Trưởng Tử của Đức Kitô trong Cl 1,12-20.

Trước tiên, cần ghi nhận sự kiện khách quan này là: trong Bài Ca Vạn Vật, thánh Phanxicô không nhắc đích danh Chúa Kitô, nhưng chỉ dùng kiểu xưng hô “Chúa (=Signore), Đấng Tối Cao (=Altissimo)”, mà ngữ cảnh cho phép hiểu là Thiên Chúa Cha, hoặc Thiên Chúa Ba Ngôi, tùy lúc. Thánh nhân cũng không nhắc tới “Trưởng Tử Giêsu”, nhưng chỉ gọi các thụ tạo là “Anh-Chi-Em”. Nhưng khi tạ ơn Chúa Cha, “vì chính Cha mà thôi, và nhờ Thánh Tử duy nhất cùng với Chúa Thánh Thần, Cha đã dựng nên muôn loài thiêng liêng và vật chất…” (Lksc 23, 1), chắc hẳn thánh nhân nghĩ tới Cl 1,16, trong đó Đức Kitô được gọi là “Trưởng tử của muôn loài thụ tao, hữu hình và vô hình…”, và vì trong Rm 8,29 thánh Phaolô đã nói rõ: Chúa Cha muốn cho loài người trở nên đồng hình đồng dạng với Con của Ngài, để Con của Ngài làm trưởng tử (primogenitus) giữa một đàn em đông đúc” –mà quả thực thánh Phanxicô cảm thấy “ngọt ngào… khi có môt người Anh như thế, một Đấng đã hiến mạng sống cho đoàn chiên của mình…” (x. Thư II gửi các tín hữu, câu 56)–, thì cụm từ “trưởng Tử của (hoặc giữa) muôn loài thụ tạo” trong Cl 1,16 cũng phải được hiểu theo nghĩa “Trưởng Tử Giêsu là Anh Cả của muôn loài thụ tạo”, như là “Anh Cả của loài người” trong Rm 8,29 vậy. Nhờ phương pháp giải thích theo thư quy, chúng tôi được phép kết luận như thế. Và vì Bài Ca Anh Mặt Trời là di cảo duy nhất, trong đó thánh Phanxicô gọi các thụ tạo bằng tước hiệu “Anh-Chị-Em” một cách có hệ thống và trưng chúng ra như lý do để ngợi khen, chúc tụng Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa và Đấng Cứu Độ, nên người ta được phép đọc bài ca ấy song song với bài thánh ca về Quyền Trưởng Tử của Đức Kitô trong Cl 1,12-20. Việc đối chiếu văn thể cũng như nội dung bản văn độc đáo này cho phép rút ra những nhận định sau đây.

1. Hai bài ca giống nhau ở góc độ phản ánh xác tín cốt lõi của hai tác giả là hai vị thánh.

Vị Thánh Nghèo thành Assisi đọc Lời Chúa không chỉ để hiểu bằng trí tuệ như một nhà nghiên cứu, nhưng để cầu nguyện bằng trái tim như một nhà thần bí, dĩ nhiên trái tim được trí tuệ soi sáng thì cũng giúp ngài hiểu bản văn Lời Chúa trong Cl 1,12-20 đến một mức đủ để có thể thốt lên lời kinh ngợi khen, chúc tụng mang màu sắc thi ca.

a) Một điều chúng tôi xác tín mạnh mẽ là ngài đã tìm thấy nơi bài thánh ca này của thánh Phaolô nguồn gốc và nền tảng của chân lý được mặc khải trong Kitô giáo rằng: Chúa Kitô là Anh Cả của mọi loài thụ tạo trên trời, dưới đất trong công trình tạo dựng và công trình cứu độ của Thiên Chúa Cha, và vì là em của Chúa Kitô, nên mọi thụ tạo là anh em với nhau trong và nhờ Chúa Kitô (in Christo et per Christum). Việc thánh Phanxicô có sáng kiến gọi những thụ tạo trong vũ trụ là Anh-Chị-Em chỉ có thể xuất phát từ sự thấm nhuần chân lý mặc khải này. Ngài gặp thánh Phaolô ở chủ thuyết Kitô trung tâm mang chiều kích hoàn vũ, kèm theo xác tín về tình huynh đệ cũng mang chiều kích hoàn vũ.

b) Còn khía cạnh “Thiên Chúa tạo dựng muôn loài cho Thánh Tử” thì chắc chắn Vị Thánh Nghèo không rút ra từ Cl 1,16b, vì ngài cũng như toàn thể Giáo Hội Công Giáo Rôma thời đó chỉ biết bản Latinh phổ thông cũ của Thánh Giêrôm (Vetus Vulgata), theo đó câu Cl 1,16b ghi là: “omnia per ipsum et IN IPSO creata sunt” (“mọi vật đã được tạo thành nhờ Người và TRONG NGƯỜI”), không phải “per ipsum et in IPSUM creata sunt" (nhờ Người và CHO NGƯỜI, như chúng ta đọc hôm nay trong bản Nova Vulgata vừa được Giáo Hội chính thức sửa lại cho phù hợp với bản Hy lạp. Tuy nhiên, thánh Phanxicô đã có một trực giác mà chúng tôi phải gọi là phi thường, được ngài diễn tả trong Huấn ngôn 5: “Hỡi con người, hãy nhìn xem Thiên Chúa đã đặt ngươi lên địa vị cao quý dường nào: Người đã tạo dựng và nắn đúc ngươi theo hình ảnh (ad imaginem) Con yêu dấu của Người về phần xác (secundum corpus), và theo sự tương đồng (ad similitudinem) với Con của Người về phần tinh thần (tức phần hồn: secundum spiritum”. Vị Thánh Nghèo có một cách hiểu câu St 1,26 thật độc đáo. Ngài hiểu theo hướng Kitô trung tâm, và một cách nào đó theo hướng suy nghĩ của thánh Phaolô với cụm từ “in ipsum = eis auton = cho Đức Kitô” trong bản gốc Hy Lạp của Cl 1,16. Thánh Bonaventura, trong cái nhìn về nhân học Kitô giáo, sẽ giải thích thêm rõ ràng hơn: “hình ảnh (imago)” nằm trên bình diện tự nhiên; còn sự tương đồng (similitudo)” nằm trên bình diện siêu nhiên.[31] Trong Bài Ca Anh Mặt Trời thánh Phanxicô chia sẻ tầm nhìn Kitô trung tâm mang chiều kích hoàn vũ của Thánh Phaolô,[32] nhưng trong Huấn ngôn 5 ngài đặc biệt ứng dụng hai cụm từ quan trọng “ad imaginem” “ad similitudinem” của St 1,26 cho việc tạo dựng loài người. Ngài nhận ra vị vị trí cao quý của con người khi đọc thấy, bằng trực giác, ý định nguyên thủy của Thiên Chúa trong công trình tạo dựng là: loài người phải trở nên đồng hình đồng dạng với Thánh Tử (x. Rm 8,29) cả về phần xác lẫn phần hồn. Điều này chứa đựng một cảm thức ngấm ngầm rằng khi tạo dựng loài người thì Chúa Cha đã nghĩ tới việc Chúa Con sẽ mặc lấy nhân tính và đến sống giữa loài người và với loài người, chứ không phải chờ đến khi tổ tông phạm tội mới quyết định cho Chúa Con xuống thế làm người. Các nhà thần học của trường phái Phan Sinh chịu ảnh hưởng của chân phước Duns Scotus, OFM (1266-1308), đã xuất phát từ trực giác phi thường này của thánh Phanxicô và dựa vào thư Cô-lô-xê, thư Ê-phê-xô và 1 Cr 3,22-23 để đưa ra luận điểm sau đây: việc Thánh Tử nhập thể đã được Thiên Chúa tiền định (=tiên liệu) ngay khi tạo dựng vạn vật, chứ không phải sau khi tổ tông phạm tội. Nghĩa là, dù tổ tông không sa ngã, thì Thánh Tử vẫn xuống thế làm người. – Có thể tìm thấy trong Kinh Tin Kính một điểm tựa cho sự phân biệt này chăng: “Vì loài người chúng tôi để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế...”? Người đã từ trời xuống thế mặc lấy một thân xác và một linh hồn mà Chúa Cha đã hình dung ra, trong ý định nguyên thủy, như khuôn mẫu để tạo dựng loài người; để cứu rỗi chúng tôi, bởi lẽ sau khi được Thiên Chúa Cha tạo dựng, loài người đã sa ngã, phạm tội, thì vì lòng thương xót vô biên, Thiên Chúa Cha đã hứa ban Đấng Cứu Rỗi (x. St 3,15).

2. Giống nhau về thể loại văn chương

Cả hai bài thánh ca đều thuộc thể loại thánh ca tạ ơn trong tâm tình hân hoan (x. Cl 1, 12) và ngợi khen, chúc tụng (BcMT: trong 14 câu, có đến 10 chữ “ngợi khen” và 2 chữ “chúc tụng”). Đây là những lời tuyên xưng đức tin dưới dạng tạ ơn và ngợi khen, chứ không bộc bạch những lời cầu xin.

3. Giống nhau về nội dung tư tưởng, mặc dầu mang những điểm nhấn khác nhau

Cả hai bài ca đều xoay quanh hai trục lớn là công trình tạo dựng và công trình cứu độ của Thiên Chúa, mà thánh Phaolô gọi đích danh là “Thiên Chúa Cha” khi nói về Người (Cl 1,12), còn thánh Phanxicô thì nói với Thiên Chúa Cha bằng danh hiệu “Đức Chúa Tối Cao, Toàn Năng và Tốt Lành” (BcMT câu 1). Trong Bài thánh ca Cl 1,12-20, thánh Phaolô ưu tiên nhấn mạnh trục cứu độ (với hai khúc bao bọc lấy trục tạo dựng, như đã phân tích trên đây). Trong Bài Ca Anh Mặt Trời, thánh Phanxicô tập trung ưu tiên vào trục tạo dựng, vì trục này nằm ở phần đầu của bài ca và chiếm đến 9 trên 14 câu, nhất là 9 câu này là phần được sáng tác đầu tiên và cùng một lúc.[33]

Trong phần thứ nhất của bài ca (câu 1-9), thánh Phanxicô chủ yếu nhắc tới những sự vật trong thiên nhiên, xếp thành ba cặp dương và âm, ít nhất là theo hai giống đực (masculin) – cái (féminin) trong văn phạm Hy lạp, Latin và một số ngôn ngữ châu Âu:

(1) Ông Anh Mặt Trời – và Chị Trăng cùng muôn Sao;

(2) Anh Gió, Không Khí cùng Mây Trời – và Chị Nước;

(3) Anh Lửa – và Chị, Mẹ Đất.

Mẫu số chung của ba cặp này là tính cách anh em, chị em với nhau và với thánh Phanxicô, vì là đàn em của Anh Cả Giêsu. Riêng Anh Mặt Trời được thánh Phanxicô tặng thêm danh hiệu cao quý “Đức Ông” (Messor = Messire = Sir), vì Anh rạng ngời tượng trưng Đấng Tối Cao (x. BcMT câu 3-4); và Chị Đất được tặng thêm danh hiệu âu yếm là “Mẹ”, vì ngoài chức năng sinh sản và dưỡng nuôi, Chị-Mẹ Đất, song song với Ông-Anh Mặt Trời, cũng tượng trưng Thiên Chúa Cha cách nào đó, nhưng được nhìn dưới dáng dấp người mẹ hiền, mang nặng tình từ mẫu hơn hẳn các người mẹ, vì trong thực tế vẫn có những người mẹ nhẫn tâm quên lãng, bỏ rơi hoặc sát hại đứa con mình đã mang nặng đẻ đau (x. Is 49,15-16a.22).

–Phần thứ hai của bài ca (gồm các câu 10-13) được thánh Phanxicô sáng tác theo sự thôi thúc của hoàn cảnh, nhưng nó tương ứng với trục cứu độ của bài thánh ca Cl 1,12-20.

+Trong hai câu 10-11, ngài ca ngợi Đấng Tối Cao vì những ai nhân danh tình yêu Chúa mà tha thứ cho những kẻ đã xúc phạm tới mình, để đáp lại ơn tha thứ Chúa đã ban cho mình (x. Mt 6,12.14-15) – “Điểm tựa trong cuôc sống = der Sitz im Leben” của phiên khúc này là cuộc xung khắc giữa Đức Giám Mục và Ông Thị Trưởng của Assisi, khiến thánh Phanxicô cảm thấy phải làm cái gì đó để giảng hòa hai nhân vật, và ngài sáng tác thêm hai câu này, rồi cho anh em đi mời Ông Thị Trưởng tới Toà Giám Mục. Hai vị nghe anh em hát Bài Ca Anh Mặt Trời với phiên khúc mới thêm vào, thì xúc động và đã bắt tay làm hòa.[34] Ở đây Đấng Tạo Hóa Tối Cao tỏ mình là Đấng Cứu Độ, vì Ngài “thưởng triều thiên”, tức vinh quang, cho những người thực hành Phúc Âm của Anh Cả Giêsu.

+Trong hai câu 12-13, thánh Phanxicô, vì biết mình sắp lìa đời, nên đã suy gẫm về sự chết, mà ngài gọi một cách thân thiện là “Chị Chết”. Ngài sẵn sàng chờ đón Chị với lòng biết ơn và lời ca ngợi dâng lên Thiên Chúa Cứu Độ.

+Với câu 14, chắc hẳn đã được sáng tác cùng lúc với phần một, nay thành câu kết chung cho cả hai phần, thánh Phanxicô mời gọi mọi người và mọi thụ tạo hãy ngợi khen, chúc tụng, tạ ơn và phụng sự Đức Chúa với trọn lòng khiêm hạ.

Kết luận

Từ việc phân tích và đối chiếu hai bài thánh ca trên đây, chúng ta có thể rút ra một số kết luận chính yếu:

1. Bài Ca Anh Mặt Trời của thánh Phanxicô chắc chắn chịu ảnh hưởng từ bài thánh ca của thánh Phaolô trong Cl 1,12-20, vì hai lý do:

a) Thánh Phanxicô đã trích dẫn thư Côlôxê ít nhất 4 lần trong các di cảo của ngài mà chúng ta còn giữ được. Trong số 4 lần đó, thì hai lần trích trực tiếp từ bài ca Cl 1,12-20. Thêm một lần trong Tv KMN XV, 4 ngài nhắc tới Đức Kitô là “Trưởng Tử”.

b) Nội dung hai bài thánh ca đều xoay quanh hai trục chính là công trình tạo dựng và công trình cứu độ của Thiên Chúa Cha, mặc dầu điểm nhấn hơi khác nhau: thánh Phaolô nêu bật công trình cứu độ, còn thánh Phanxicô tập trung ưu tiên vào công trình tạo dựng.

2. Thánh Phaolô khẳng định: mọi loài ở bên ngoài Thiên Chúa, đều do Thiên Chúa tạo dựng, đó là:

a) Các loài trên trời, tức các loài vô hình, cũng gọi là các thiên thần. Nên hiểu “trên trời” không theo nghĩa vật lý học là vòm trời ở trên đầu chúng ta, nơi có Mặt Trời, Mặt Trăng và vô vàn tinh tú, nhưng theo nghĩa “siêu hình học” là cảnh vực vô hình của những thụ tạo vô hình.

b) Các loài dưới đất, nghĩa là mọi loài hữu hình, từ các sự vật như đất, nước, khí, lửa và các tinh tú…, đến các sinh vật: thảo mộc, động vật và loài người – loài người là đỉnh cao và mục đích của công trình tạo dựng các loài hữu hình, nhưng là đỉnh cao tương đối với vai trò tiền trạm, trỏ lên đỉnh cao tuyệt đối là Thánh Tử Giêsu Kitô (x. St 1,26.28; 1 Cr 3,21-23; Cl 1,16b).

3. Lời khẳng định quan trọng thứ hai của thánh Phaolô: Thiên Chúa là Cha đã tạo dựng mọi loài trên đây: trong, nhờ và cho Thánh Tử. Mà Thánh Tử thì được thánh tông đồ gọi là “Trưởng Tử”, tức Anh Cả của mọi loài thụ tạo, và như thế các loài thụ tạo vừa là em của Anh Cả Giêsu Kitô (tình huynh đệ theo chiều dọc), vừa là anh em với nhau (tình huynh đệ theo chiều ngang) trong và nhờ Anh Cả. Như vậy, Cl 1,12-20 là nền tảng minh nhiên nhất và trọn vẹn nhất cho chủ thuyết Kitô trung tâm (christocentrismus) chủ thuyết về tinh huynh đệ hoàn vũ của Kitô giáo.

4. Chủ thuyết về tình huynh đệ đại đồng mang chiều kich vũ trụ này được thánh Phaolô công bố trên bình diện lý thuyết và nguyên tắc. Chính thánh Phanxicô là người đầu tiên ứng dụng chủ thuyết đó vào thực tiễn khi gọi một số thụ tạo hữu hình trong Bài Ca Vạn Vật, như Mặt Trời, Mặt Trăng, các vì Sao, Gió, Khí, Mây, Nước, Lửa và Đất là Anh-Chi-Em của mình, và ngài mời gọi chúng hiệp thông với ngài hoặc trưng chúng ra làm duyên cớ để ngợi khen, chúc tụng Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa và Đấng Cứu Độ.

5. Cả hai phần của Bài Ca Vạn Vật phản ánh hai trục tạo dựng và cứu độ, của bài ca Côlôxê, nhưng thánh Phanxicô không nhắc tới các thụ tạo vô hình, tức các thiên thần, một cách minh nhiên và trực tiếp. Trái lại, trong chương XXIII của Luật không sắc chỉ, ngài nài xin chín phẩm trật Thiên Thần, cùng với Mẹ Maria, tất cả các Thánh và mọi thành phần Dân Chúa cảm tạ Thiên Chúa thay cho ngai (x. Lksc, XXIII, câu 6). Trong phần hai của Bài Ca Vạn Vật, ngài chỉ nhắc tới những người tha thứ cho kẻ khác và những người chịu bệnh tật, ưu phiền vì lòng mến Chúa, để ngợi khen Chúa. Trái lại trong Lksc, XXIII câu 7, ngài kêu mời mọi thành phần Dân Chúa thuộc mọi bậc sống và mọi giai cấp xã hội hãy kiên vững trong đức tin chân thật và trong đời sống hoán cải. Nghĩa là thánh Phanxicô đã vận dụng bài thánh ca Cl 1,12-20 của thánh Phaolô vào Bài Ca Vạn Vật của mình theo những chiều kích hạn hẹp và khiêm tốn hơn.

6. ĐGH Phanxicô ngay khi được bầu làm Giám mục của Roma, đã chọn thánh Phanxicô làm người hướng dẫn và gợi hứng cho mình (trong bản văn thông điệp Laudato Si’, ngài nhắc tên thánh Phanxicô đến 10 lần tại các số: 1; 10; 11; 12; 87; 91; 125; 218; 221; 239).[35] Ngài thấy nơi vị Thánh Nghèo thành Assisi một mẫu gương hoàn hảo về sự quan tâm đến công trình tạo dựng của Thiên Chúa và quan tâm đến những người nghèo khổ và bị bỏ rơi nhất (x. Laudato Si’ số 10). Việc “chăm sóc ngôi nhà chung” của loài người được ĐGH hiểu một cách cụ thể là chăm sóc Trái Đất mà ngài gọi theo cách của thánh Phanxicô là “Chị và Mẹ Đất”, với một sự quan tâm đặc biệt dành cho người nghèo. Đó là ý tưởng chủ đạo của Laudato Si’ được ĐGH rút ra từ gương mẫu thánh Phanxicô và trình bày cô đọng trong hai số đầu của thông điệp. Ngài đã khai thác và trích dẫn hầu hết nội dung của Bài Ca Vạn Vật (trừ câu 12 và 13 nói về “Chị Chết và câu 14 kết thúc bài ca”),[36] với những điểm nhấn sau đây của ngài:

a) Tình huynh đệ phổ quát mang chiều kích vũ trụ được thánh Phanxicô diễn tả bằng cách gọi các thụ tạo trong thiên nhiên là Anh-Chị-Em trong Bài Ca Vạn Vật. Chính điều đó gợi hứng cho ĐGH triển khai đề tài “linh đạo sinh thái” trong chương VI của thông điêp, sau khi trình bày quan niệm của ngài về “sinh thái học toàn diện” trong chương IV. ĐGH theo sát tầm nhìn của thánh Phanxicô trong Bài Ca Vạn Vật: chỉ tập trung sự chú ý vào các thụ tạo của thế giới hữu hình, không nhắc tới các thụ tạo vô hình là các thiên thần đã được thánh Phaolô đề cập trong bài thánh ca Cl 1,12-20.

b) Thánh Phanxicô nhìn “Chị Đất” và một số thụ tạo tiêu biểu khác của thế giới hữu hình với một tình cảm trìu mến, ngưỡng mộ và tri ân, và vẻ đẹp của chúng khiến ngài thốt lên lời ca ngợi khen, chúc tụng Thiên Chúa Tạo Hóa và Cứu Độ. Ngài chưa phải chứng kiến tình trạng Chị Đất bị loài người áp bức và hủy hoại đến mức Chị phải kêu trách, kêu gào và rên siết, tương tự như những người nghèo cũng bị đẩy vào một thảm trạng như Chị. ĐGH Phanxicô, trái lại, nhìn thấy thảm trạng này của Chị Đất và Người Nghèo, nên đã kêu gọi mọi người dấn thân vào cuộc chiến đấu cho công lý, để trả lại phẩm giá cho Chị Đất và Người Nghèo và đáp ứng những quyền lợi chính đáng của cặp đôi nạn nhân này. Thánh Phanxicô chưa phải đương đầu với những thách đố lớn của thời hiện đại, như hiện tượng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu…, mà ĐGH Phanxicô đã phân tích kỹ lưỡng. Tuy nhiên, mặc dầu phải cổ vũ một cuộc chiến đấu cho công lý vì lợi ích của Chị Đất và Người Nghèo, ĐGH vẫn có một cái nhìn lạc quan, theo nghĩa là ngài hy vọng rằng lương tri, lý trí và ý chí của loài người vẫn có khả năng cứu vãn được ngôi nhà chung, bảo vệ và vun đắp được vẻ đẹp của thiên nhiên, và sự trong lành của khí hậu và môi trường. Với niềm hy vọng lạc quan đó, ĐGH vẫn có thể kết thúc thông điệp bằng điệp khúc trích từ Bài Ca Vạn Vật của thánh Phanxicô: “Laudatus sis = Laudato Si’ = Ngợi khen Chúa”.

c) Giống như thánh Phanxicô, ĐGH Phanxicô hoàn toàn chia sẻ tầm nhìn của thánh Phaolô trong bài thánh ca Cl 1,12-20: tuyên xưng chủ thuyết Kitô trung tâm trong công trình tạo dựng và cứu độ của Thiên Chúa, và chủ thuyết về tình huynh đệ đại đồng mang chiều kích vũ trụ: không chỉ loài người là anh em với nhau, mà loài người còn là anh em với vạn vật được Thiên Chúa tạo dựng và cứu độ nhờ, trong và cho Thánh Tử Giêsu Kitô, là Trưởng Tử, tức Anh cả của muôn loài trên trời dưới đất.

d) ĐGH Phanxicô đã nói rõ: việc thánh Phanxicô gọi các loài thụ tạo là anh hay chị không thể bị coi là “một kiểu lãng mạn thiếu chất lý trí” (romanticismus carens ratione = un romantisme irrationel = naive romanticism: x. Laudato Si’ số 11). Cách hiểu và cách nói của Thánh Phanxicô có nền tảng vững chắc là Thần học và Kitô học của thánh Phaolô trong các thư của ngài, đặc biệt trong Cl 1,12-20. Và đó cũng là lập trường của ĐGH Phanxicô. Một bằng chứng mang đầy ý nghĩa là tại hai số 99 và 100 của thông điệp, ĐGH trích dẫn trực tiếp bài thánh ca này của thánh Phaolô: Cl 1,16 liên quan tới trục tạo dựng (tại số 99) và Cl 1,19-20 đề cập tới trục cứu độ (tại số 100), với một suy nghĩ đầy sắc thái thần bí vũ trụ: “Những bông hoa ngoài đồng và những cánh chim trời mà Đức Giêsu trần thế đã chiêm ngắm, giờ đây được mặc lấy sự hiện diện đầy vẻ uy linh của Ngài là Đấng Phục Sinh” (câu cuối số 100).

 

Lm Phi Khanh Vương Đình Khởi, ofm

Chia sẻ tại Khóa Thường Huấn

Linh Mục đoàn Tổng Giáo Phận Hà Nội, ngày 7 và 8/9/2016,

có sửa chữa và bổ túc một số chi tiết cho Khóa Thường Huấn

Linh Mục đoàn Đàlạt ngày 21 và 22/6/2017.


BÀI CA ANH MẶT TRỜI [37]

Bài ca Anh Mặt trời, cũng gọi là Bài Ca Các Thụ Tạo hoặc Bài Ca Vạn Vật, là tác phẩm nổi tiếng nhất trong các tác phẩm của thánh Phanxicô. Theo chứng từ của những người bạn tiên khởi thì bài ca này được sáng tác trong những tháng đầu năm 1225, khi thánh nhân ở trong một túp lều gần đan viện San-Damiano, đau đớn vì chứng đau mắt và các thứ bệnh khác, rồi còn bị quấy phá ngày đêm bởi lũ chuột. Trong hoàn cảnh đó, như để an ủi ngài, Thiên Chúa hứa ban cho ngài Nước Trời, nếu ngài kiên nhẫn chịu đựng. Sung sướng vì lời hứa đó, ngài đã sáng tác bài ca này (x.STAs. 83).

Anh Tôma Cêlanô cũng đã nhiều lần nhắc tới bài ca này. Bản sao ở Assisi (As 338) xác nhận chứng tá của anh ấy khi viết: “Khởi đầu Bài Ca các Thọ tạo mà thánh Phanxicô đã sáng tác để ngợi khen và tôn vinh Thiên Chúa, khi người bị đau ở San- Damianô”. Vì thế, mặc dầu bài ca này diễn tả một cách thấm thía cảm thức và tình yêu của thánh nhân đối với thiên nhiên, chúng ta cũng đừng quên rằng đây trước hết là một lời kinh, một lời kinh vừa có tính cách ngợi khen, vừa có tính cách cảm tạ…

Qua lời kinh này, người ta thấy huynh đệ đoàn của Phanxicô không chỉ là những bạn hữu chung quanh ngài, nhưng là một gia đình bao la trong đó mọi loài thọ tạo đều là anh chị em của nhau, vì tất cả đều phát xuất từ một Đấng Tạo Hóa, một Thiên Chúa là Cha nhân lành. Ngay cả cái chết về thể xác cũng trở thành một người chị hiền hòa, vì chị cũng hiện diện trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa: chị sẽ dẫn lối cho Phanxicô vào Nước Trời.

Về mặt văn chương, đây là di cảo được sáng tác bằng tiếng Ý cổ xưa của vùng Umbria và đã được truyền đạt như thế trong các bản sao; nhưng trong nhiều bản, bài ca lại được dịch sang các thứ tiếng địa phương khác. Vì thế từ trước tới nay người ta khó tìm lại được bản văn nguyên thủy. Sau nhiều công trình nghiên cứu của các học giả, ngày nay người ta đã đạt tới một bản văn có thể được xem là rất gần với bản văn tiếng Ý thời xưa. Theo các học giả thì bài ca này gồm 33 câu có vần, có điệu. Vì thế chúng tôi theo cha C. Paolazzi đánh số trong (…) theo hàng như trong bản tiếng Ý, còn trong văn bản của cha K. Esser, đánh số theo 14 câu trong […], mặc dầu làm như thế thì cách cắt câu làm cho âm điệu trong bản dịch tiếng Việt nhiều khi không trôi chảy.

 Một chi tiết có thể gây khó khăn trong cách hiểu là từ “per” được dùng đến 10 lần trong bài ca này “Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi, vì (per)...”. Trong tiếng Ý thời xưa từ “per” có thể mang 3 nghĩa: bởi, hoặc là , hoặc là nhờ. Tôma Celano (và Bonaventura) nhấn mạnh tới cách giải thích thứ nhất. Theo cách này thì Phanxicô mời gọi các thụ tạo ngợi khen Thiên Chúa (x.2Celano 165). Rõ ràng nhất là câu nói sau đây của Celanô: “Chính lúc đó –lúc cảm nhận được lời hứa cứu độ của Chúa– Ngài đã sáng tác Bài Ca các thọ tạo để mời gọi tất cả cùng ca tụng Đấng Tạo Hóa theo cách của mình” (2 Celano 213). Nếu theo hướng này, thì ta phải dịch: “Ngợi khen Chúa bởi Anh Mặt Trời… bởi Chị Mặt Trăng…”. Còn Anh Lêô (và các bạn) thì đi theo cách giải thích thứ hai. Anh ghi lại câu nói của thánh Phanxicô : “Khi mặt trời mọc, mọi người phải ca ngợi Thiên Chúa Người đã dựng nên ngôi sao ấy vì phần ích lợi của chúng ta: chính nhờ nó mà ban ngày con mắt chúng ta được soi sáng… Khi đêm về, mọi người phải ca ngợi Thiên Chúa vì thụ tạo kia là Anh Lửa; nhờ Anh, trong bóng tối, mắt chúng ta mới thấy rõ… Vì các thụ tạo này và vì muôn loài khác, chúng ta phải đặc biệt ca ngợi Đấng Tạo Hóa vinh hiển của chúng” (x. Gương trọn lành, 119.120). Theo hướng này, thì ta phải dịch: “Ngợi khen Chúa, [Chúa đã dựng nên] anh Mặt Trời… chị Mặt Trăng”. Theo cha C.Paolazzi thì “per”có nghĩa là “nhờ phương tiện” (“per mezzo di”: nghĩa thứ ba của từ “per”), chứ không mang nghĩa lý do.

Khi dịch thì phải chọn. Chúng tôi đã chọn cách dịch từ “per” là “”, theo lời giải thích của chính Thánh Phanxicô mà anh Lêô ghi lại, mặc dầu vẫn nghĩ rằng các cách giải thích kia không loại trừ nhau, nhưng bổ túc cho nhau.

BẢN VĂN

[1](1) Lạy Thiên Chúa Tối cao, Toàn năng và Tốt lành,
          Mọi lời ngợi khen, vinh quang, danh dự và chúc tụng

          đều thuộc về Ngài, [2] và xứng hợp cho riêng mình Ngài,

          lạy Đấng Tối Cao, và không ai xứng đáng gọi Danh Ngài.

[3](5) Ngợi khen Chúa,[38] lạy Chúa tôi, với muôn loài thọ tạo,

đặc biệt nhất Ông Anh Mặt Trời,[39]

Anh là ngày, nhờ Anh, Ngài soi chiếu chúng tôi,

[4] Anh đẹp và tỏa ánh rạng ngời,
Anh tượng trưng Ngài, lạy Đấng Tối Cao.[40]    

[5](10) Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi, [41] Chị Trăng và muôn Sao

Chúa dựng trên nền trời: lung linh, cao quí và diễm lệ.

[6]               Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi, vì Anh Gió,

Không khí và Mây trời, cảnh thanh quang và bát tiết tứ thời,
nhờ Anh,[42] Chúa bảo tồn muôn vật.

[7] (15) Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi, vì Chị Nước,

thật lợi ích và khiêm nhu, quí hóa và trinh trong.

[8]     Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi,
vì Anh Lửa, nhờ Anh, Chúa sáng soi đêm,

Anh đẹp và vui tươi, cường tráng và mạnh mẽ.

[9] (20) Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi, vì Chị chúng tôi,

là Mẹ Đất,[43] Mẹ đỡ nâng, Mẹ dưỡng nuôi,[44]
Mẹ sản sinh bao trái trăng, hoa muôn sắc giữa ngàn cỏ dại.

[10] Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi, vì những người biết thứ tha

nhân danh tình yêu Chúa, và cam chịu bệnh tật, ưu phiền.

[11] (25) Phúc cho ai chấp nhận trong an hoà,

vì, lạy Đấng Tối Cao, Ngài sẽ thưởng triều thiên.[45]

[12] Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi, vì Chị Chết

đang đợi chờ thân xác,[46] Phàm nhân không ai thoát khỏi.

[13]   Bất hạnh người khi lâm chung, Tội tình còn mang nặng!

(30)        Phúc thay ai trong giờ Chị tới, Thánh ý Ngài vẫn quyết

tuân theo, Chết thứ hai [47] không làm hại được.

[14]   Hãy ngợi khen và chúc tụng Chúa tôi,
Hãy tạ ơn và phụng sự Người với trọn lòng khiêm hạ.

 

 

(Trich từ Tác Phẩm Của Thánh Phanxicô Assisi. Bản dịch của Norberto Nguyễn Văn Khanh, OFM. Văn phòng Tỉnh Dòng-2015, tr. 96-101).

 

Chúng tôi ưu tiên theo cách học giả Esser chia cắt bài ca này thành 14 câu, mỗi câu được đánh số trong hai móc vuông: [1], [2]…, vì đã quen thuộc và được phổ biến rộng. Bố cục gồm: phần 1= câu 1-9: trục tạo dựng; phần 2 = câu 10-13: trục cứu độ. Kết = câu 14: kêu gọi mọi thụ tạo vô tri và loài người có hiểu biết hãy ngợi khen và tạ ơn Thiên Chúa Tao Hóa và Cứu Độ.

 



[1] Khi viết bài này, chúng tôi có tham khảo: 1) Norbertô NGUYỄN VĂN KHANH, OFM, Chiều kích biểu tượng trong Bài Ca Anh Mặt Trời cuả Thánh Phanxicô đăng trong Nội San CHIA SẺ của Tỉnh Dòng Thánh Phanxicô Việt Nam số tháng 3-5 năm 2016 (362), tr. 32-38; 2) FX. VŨ PHAN LONG, OFM, Từ Laudato Si’ đến Bài Ca Anh Mặt Trời, trong tập kỷ yếu Nhân đọc Laudato Si’ học về tinh thần JPIC, Thường Huấn Anh Em Trẻ dưới 10, VP Tỉnh Dòng 2016, tr. 45-58. Cả hai bài đều rất có giá trị và mang lại nhiều ánh sáng cho chúng tôi. Nhưng bài 1 chỉ tập trung vào Bài Ca Anh Mặt Trời và nêu bật ý nghĩa biểu tượng của tác phẩm này, được định vi trong bối cảnh văn hóa, triết học và thần học thời Trung Cổ, đồng thời dựa vào tư tưởng của thánh Phaolô trong Rm 8,29, mà chắc hẳn thánh Phanxicô rất thấm nhuần, để giải thích tại sao Vị Thánh Nghèo gọi các thụ tạo là Anh-Chị-Em. Bài 2 đi từ thông điệp Laudato Si’ đến Bài Ca Anh Mặt Trời mà tác giả nhắc lại bối cảnh sáng tác của thánh Phanxicô, rồi phân tích nội dung theo quan điểm linh đạo để rút ra ý nghĩa cốt lõi của nó là một lời tuyên xưng đức tin của thánh nhân, cần được coi như một mẫu mực cho hành trình đức tin của chúng ta hôm nay. Về phần mình, chúng tôi cũng theo quan điểm giống như tác giả bài 2, nhưng cố gắng đào sâu đặc biệt nội dung thông điệp Laudato Si’ của ĐGH Phanxicô, với thiện chí chỉnh sửa bản dịch của Caritas VN (x. bài giới thiệu tổng quát thông điệp), đồng thời cố gắng đào sâu nội dung Bài Ca Anh Mặt Trời của thánh Phanxicô bằng cách đối chiếu với bài thánh ca Cl 1, 12-20 của thánh Phaolô, mà chúng tôi tin rằng đó chính là nguồn gốc và nền tảng rõ ràng và vững chắc nhất cho sáng kiến của Vị Thánh Nghèo gọi các thụ tạo là Anh-Chị-Em (đây là bài 2 của chúng tôi, với sự phân tích hơi chi li và khô khan, chúng tôi ước mong được nhiều độc giả góp ý để cho suy nghĩ của mình được quân bình và không rơi vào lệch lạc).

[2] Điểm 2 và 3 trên đây lấy một phần cảm hứng từ mục từ “Frères” trong VTB (Vocabulaire de Théologie Biblique). Deuxième édition révisée et augmentée. Les Éditions du Cerf, Paris 1970, cột 491-495.

[3] Khi trích dẫn thánh Phanxicô, chúng tôi dùng bản dịch tiếng Việt của LM Norbertô Nguyễn Văn Khanh, OFM, Tác Phẩm Của Thánh Phanxicô Assisi, Văn phòng Tỉnh Dòng-2015. Câu Di Chúc này nằm tại tr. 295.

[4] Xem Fioretti (Tiểu kỳ hoa hoặc Những Bông Hoa Nhỏ) chương 21.

[5] Xem Speculum perfectionis (Gương Trọn Lành), chương 113.

[6] Xem Toma Celano, Hạnh thứ hai thánh Phanxicô (2Cel chương 92, số 129).

[7] Xem Carlo PAOLAZZI, OFM, Francisci Assisiensis SCRIPTA. Grottaferrata (Roma) 2009, tr. 118.

[8] Xem N. Nguyễn Văn Khanh , Sđd Tác phẩm của Thánh Phanxicô…, tr. 29-104. Về 15 Thánh Vịnh của Thánh Phanxicô, x. tr. 53-89.

[9] Như trên, tr. 30-31.

[10] Như trên, tr. 164-165.

[11] Ví dụ: Tv KMN VII; Tv KMN IX của thánh Phanxicô;

[12] Xem N. Nguyễn Văn Khanh, Sđd Tác phẩm của Thánh Phanxicô…, thư gửi các tín hữu, bản gốc II, câu 48-56, Sđd, tr. 145-146.

[13] Dựa trên email chia sẻ của Lm Norbertô Nguyễn Văn Khanh, OFM gửi cho tác giả bài này.

[14] Xem Norbertô Nguyễn Văn Khanh, OFM, Le Christ dans la pensée de saint François d’Assise d’après ses écrits. Paris, Éditions franciscaines, 1989; bản dich tiếng Việt Chúa Giêsu Kitô trong tư tưởng Thánh Phanxicô Atxidi.Nghiên cứu dựa tên di cảo, do Gioan-Phanxicô Nguyễn Gia Thịnh thực hiện 2002, tr. 409-450.

[15] Như trên, tr. 443; xem thêm: Thư thánh Phanxicô gửi các tín hữu, bản gôc II, câu 54-60; và 2Cel 198.

[16] ĐGH Bênêđitô XVI không lấy lại nguyên văn từ ngữ “contentum = nội dung” có trong văn kiện của Công Đồng, chắc hẳn vì ngài hiểu “nội dung” được hàm chứa trong cụm từ “toàn bộ Kinh Thánh” rồi. Nhưng điều mới mẻ và đáng quý là ngài gọi cách làm này là “giải thich (Kinh Thánh) theo thư quy = exégèse canonique”.

[17] Xem Paolazzi, Sđd SCRIPTA, tr. 437-448, chính xác về thư Côlôxê, tr. 447.

[18] LM Norbertô lưu ý rằng: bốn phẩm thiên thần trong Cl 1, 16 được thánh Phanxicô nhắc lại đầy đủ, nhưng thánh nhân kể thêm 5 phẩm khác nữa cho trọn bộ “chín phẩm thiên thần” mà thánh Giáo Hoàng Grêgôriô Cả (590-604), chịu ảnh hưởng của Pseudo-Denis (thế Kỷ V), đã nêu ra trong Sách Các Bài Giảng của mình (x. Homiliae in Evangelia, 34, tr. 305). Chín phẩm đó được xếp thành ba cấp: (1) “seraphim, kêrubim, ngai thần”: canh giữ ngai tòa của Thiên Chúa; (2) “quản thần, dũng thần, quyền thần”: điều hành các việc trên trời; (3) “lãnh thần, tổng lãnh thiên thần, thiên thần”: đóng vai trò sứ giả, liên lạc giữa trời và đất (Xem Tác phẩm của thánh Phanxicô Assisi, 2015, tr. 209, chú thích 205). Chắc hẳn thánh nhân biết đầy đủ về chín phẩm thiên thần nhờ nghe giảng, nhưng điều này không loại trừ việc ngài quen thuộc với thư Côlôxê và bài thánh ca trong Cl 1, 12-20 [xem số (3) tiếp theo].

[19] TOB = Traduction Oecuménique de la Bible = Bản dịch Kinh Thánh Đại Kết của các Kitô hữu nói tiếng Pháp thuộc nhiều Giáo Hội và cộng đồng Kitô giáo khác nhau. Bản dịch này có uy tín lớn, tương tự như bản dịch “La Bible de Jérusalem” (=BJ) của Trường Kinh Thánh do các LM Dòng Đa Minh điều hành tại Jérusalem.

[20] Xem Paolazzi, Sđd SCRIPTA, tr. 437-448, đây là Index mới nhất (2009), cơ bản giống như Index của Esser (trong Opuscula Sancti Patris Francisci Assisiensis, Grottaferrrata/Roma,1978, tr. 329-347) và của 4 anh em Phan sinh nói tiếng Pháp (trong François d’Assise, Écrits, Sources chrétiennes N. 285, 1981, tr. 349-356).

[21] Chúng tôi dựa vào bản dịch bài thánh ca này trong quyển sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ được HĐGM/VN chính thức chấp thuận. Bài thánh ca xuất hiện trong giờ Kinh Chiều ngày thứ tư của cả 4 tuần.

[22] André Feuillet, Christologie paulinienne et tradition biblique. Desclée De Brouwer, 1973, tr. 48-49.

[23] X. André Feuillet, Sđd, tr. 173 – Chúng tôi gạch dưới những chữ quan trọng. Ý tưởng này được tác giả André Feuillet lặp lại nhiều lần (x. tr. 56-59; 168-170; 173…) và sẽ được chúng tôi trình bày rõ hơn dưới đây ở mục “nghĩa thứ nhất của cụm từ ‘trong Người’”.

[24] Về đề tài: Kitô hữu trở thành anh em của Chúa Kitô, và nghĩa tử của Thiên Chúa Cha như là hoa quả của mầu nhiệm Vượt Qua, xem thêm GLHTCG số 654.

[25] Joseph Ratzinger, Einführung in das Christentum, Koesel 1968, tr. 225; bản dịch tiếng Việt của Lm Athanasiô Nguyễn Quốc Lâm và Phạm Hồng Lam, Đức tin Kitô giáo hôm qua và hôm nay, Phương Đông 2009, tr. 291.

[26] Từ “khí cụ” (instrumentum) không chỉ áp dụng cho một sự vật, một đồ dùng, mà cho cả những ngôi vị sống động nữa, ví dụ: “Xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa” (trong Kinh Hòa Bình được gán cho Thánh Phanxicô Assisi) hoặc: “Nhờ việc lãnh nhận chức thánh, các Linh mục trở nên những khí cụ sống động (viva instrumenta) của Đức Kitô, Tư Tế vĩnh cửu…” (x. Vaticanô II, Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis về Tác Vụ và Đời sống các Linh mục, số 12a). Chính ĐGH Phanxicô cũng gọi “chúng ta: là “những khí cụ (instrumenta) chuyển trao tình yêu âu yếm của Thiên Chúa cho tất cả mọi thụ tạo trên trái đất” (x. số 246, kinh B).

 

[27] Xem OEPKE, mục từ “en” bằng tiếng Hy lạp trong Theologisches Woerterbuch zum Neuen Testament (Từ điển thần học về Tân Ước), do Gerhard KITTEL làm chủ biên. Pho II, Stuttgart 1935, tr. 534-539, đặc biệt tr. 537.

[28] Xem André FEUILLET, Sđd, tr. 48-65.

[29] Xem André Feuillet, Sđd, tr. 59-60.

[30] Xem Joseph FITZMYER, Pauline Theology, trong The New Jerome Biblical Commentary, 1988, chương 82, số 121, trang 1409, cột 1 và 2.

[31] Xem N. Nguyễn Văn Khanh, Sđd, tr. 270.

[32] Lm Alexis TRÂN ĐỨC HẢI. OFM đã phiên dịch từ “christocentrismus” thành “học thuyết quy tâm Kitô” hoặc “giáo thuyết quy tâm Kitô” (x. Đối thoại giữa một nhà khoa học và một chuyên viên Kinh Thánh, Gabriel M. ALLEGRA, OFM, dịch giả: Alexis Trần Đức Hải, OFM. NXB Tôn Giáo 2016, tr. 10 và 11). Trong bài này, chúng tôi nhắc tên Chân phước Duns Scotus vài lần khi đề cập tới “chủ thuyết Kitô trung tâm”. Để biết thêm về chủ thuyết ấy nơi Duns Scotus và LM dòng Tên Teilhard de Chardin, mọi người nên đọc tập sách 150 trang A 5 do LM Trần Đức Hải phiên dịch rất dễ hiểu.

 

[33] Chúng tôi theo cách học giả Esser chia cắt bài ca này thành 14 câu, vì đã quen thuộc và được phổ biến rộng. Bố cục gồm: phần 1= câu 1-9: trục tạo dựng; phần 2 = câu 10-13: trục cứu độ. Kết = câu 14: kêu gọi mọi thụ tạo vô tri và loài người có hiểu biết hãy ngợi khen và tạ ơn Thiên Chúa Tao Hóa và Cứu Độ.

[34] Xem Sưu Tập Assisi, số 84.

[35] Xem F.X. ĐINH TRỌNG ĐỆ, ofm, Thông Điệp “Laudato Si’ “chương II và quan niệm Phan Sinh về thụ tạo, trong “Nhân đọc Laudato Si’ học về tinh thần JPIC-Thường huấn Anh em Trẻ Dưới 10 (năm khấn trọng)”. VPTD 2016, tr. 12.

[36] Bài ca này gồm 14 câu, thì ĐGH Phanxicô đã trích nguyên văn vào thông điệp Laudato Si’ 8 câu, mà cả một cụm sáu câu nằm gọn trong số 87 (tức các câu 3 và 4: về Ông Anh Mặt Trời; câu 5 về Chị Trăng và muôn Sao; câu 6 về Anh Gió+Không Khí+Mây Trời; câu 7 về Chị Nước; câu 8 về Anh Lửa); còn câu 9 về Chị và Mẹ Đất được trích ưu tiên vào số 1, mở đầu thông điệp; và câu 10 về những người biết thứ tha… được đưa vào số 91.

 

[37] Đầu đề bằng tiếng Ý: Cantico di frate Sole , x. SCRIPTA , tr.121.

[38] Laudato sie. Dịch sát: Ước gì Chúa được ngợi khen (hiểu ngầm: bởi mọi người chúng con) hiệp nhất với muôn loài thụ tạo.

[39] Mặt trời có tước hiệu là “Đức Ông” (messor, mi signore), nhưng cũng là Anh: cao cả và đồng thời gần gũi, như Thiên Chúa mà Ông Anh là dấu chỉ.

[40] Có lẽ câu Tv 84,12: “Thiên Chúa là vầng thái dương” đã gợi ý cho Thánh Phanxicô sáng tác câu này.

[41] “Per”: xem lời dẫn nhập. Lưu ý là các yếu tố âm và dương (Chị, Anh) nối tiếp nhau một cách hài hòa.

[42] Gió, không khí, mây và thời tiết được kể như một nhân vật.

[43] Đất là Chị, vì cũng được Thiên Chúa dựng nên, và đồng thời là Mẹ, vì Đất sinh sản các thứ hoa màu cho muôn loài sinh sống.

[44]Governa” (dịch sát là) điều hành; động từ này, kể cả trong tiếng Ý ngày nay, nhất là tại các vùng nông thôn, được dùng theo nghĩa là “săn sóc”, “cho các con vật ăn”, x. J. Dalarun & autres, François d’Assise. Ecrít, Vies, Témoignages, tome I, p.173, note 2.

[45] Vị Thiên Chúa mà thánh Phanxicô ca ngợi không chỉ là Đấng Tạo Hóa (x. các câu trên), mà còn là Đấng Cứu độ, Đấng sẽ ban vinh quang cho con người, vì Người sẽ thưởng công cho những kẻ biết tha thứ và biết kiên nhẫn chịu đựng gian khổ; nhất là Người đã biến đổi sự chết để rồi con người, qua sự chết, có thể đến với Người .

[46] Bài ca Anh Mặt trời diễn tả không những sự hòa giải giữa con người với các thụ tạo, mà còn giữa con người với con người , và sâu xa hơn nữa là giữa con người với chính bản thân mình: con người đón nhận sự chết như “một người chị” hiền hòa để rồi nhờ chị, con người tiến đến với Đấng Tối Cao. Trong viễn ảnh này Mặt trời và “Bóng tối tử thần” không còn xung khắc nhau nữa.

[47] Xem: Kh 2,11; 20,6; 21,8. Theo sách Khải huyền, đó là cái chết cuối cùng và vĩnh viễn; được gọi là cái chết thứ hai, để đối lập với cái chết thể xác là cái chết đầu tiên.


Văn Kiện Giáo Hội