“Laudato Si” Chống lại Tính chất Hiện đại

Giám mục Robert Barron

 

Để chuẩn bị cho sự tham gia của tôi vào một hội nghị chuyên đề do USCCB[1] tài trợ cho lần kỷ niệm thứ năm Tông thư Laudato Si, tôi đọc lại tài liệu nổi tiếng và gây tranh cãi này. Nhiều chủ đề gây ấn tượng với tôi năm năm trước đã nổi bật trở lại, nhưng trong bài đọc này, tôi đặc biệt ấn tượng bởi sự đánh giá phê phán gay gắt của Đức Giáo hoàng về tính hiện đại. Tôi nghĩ thật công bằng khi nói rằng Giáo hội đã có một mối quan hệ phức tạp với tính hiện đại, ra mặt chống lại nó mạnh mẽ tại Công đồng Vatican Thứ Nhất và trong vô vàn tuyên bố trong suốt phần lớn của thế kỷ XX, nhưng khẳng định nhiều yếu tố của nó một cách rất nhiệt tình tại Công đồng Vatican II. Người ta chỉ cần xem xét ở đây tài liệu của Công đồng Vatican II về tự do tôn giáo, Dignitatis Humanae[2], hoặc tài liệu thuộc huấn quyền của Công đồng về Giáo hội trong thế giới hiện đại, Gaudium et Spes[3], để xem đánh giá thuận lợi của Công đồng về nhiều đặc điểm then chốt của tính hiện đại. Và chắc chắn trong những năm tôi sắp đến tuổi trưởng thành ngay sau khi Công đồng Vatican II kết thúc, một thái độ tích cực đối với “thế giới”, hay “thế giới hiện đại”, được khá nhiều người Công giáo suy nghĩ đúng đắn mong chờ.

 

Hiện đại là một hiện tượng nhiều mặt, được ghi dấu bằng các phẩm chất cả tốt và xấu, và do đó, sự vừa yêu vừa ghét của Giáo hội đối với hiện đại tính là điều dễ hiểu. Chỉ cần xem xét hai thành tựu chính của nó, tôi không biết bất kỳ người nghiêm túc nào muốn đảo ngược những tiến bộ mà các nhà tư tưởng hiện đại có thể làm được trong các ngành khoa học vật lý hoặc trong sự phát triển của các thể chế chính trị dân chủ. Mặt khác, như một đội quân các nhà triết học và các nhà phân tích văn hóa hậu hiện đại đã chỉ ra, tính hiện đại mang theo một cái bóng, nghĩa là, sự nhấn mạnh và các thừa nhận của nó, ít ra là, đáng ngờ. Mặc dù Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô rõ ràng tôn vinh những thành tựu của Công đồng Vatican II và mặc dù Ngài hoan nghênh dự án hiện đại rất nhiều, Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô cũng hoài nghi về tính hiện đại, và không nơi nào sự hoài nghi này được hiển thị rõ ràng hơn trong Laudato Si.


Điểm đầu tiên và trung tâm trong phân tích của Ngài về tình hình hiện tại của chúng ta là một sự phê phán đanh thép về những gì Đức Giáo Hoàng gọi là “mô hình kỹ trị” (đoạn 101). Bằng cách này, Ngài muốn nói là một thế giới quan chỉ biết ưu tiên cho công nghệ và những gì nó có thể thực hiện thì trong thực tế nó bỏ qua bất kỳ sự xem xét nào khác - bỏ qua lợi ích của gia đình nhân loại, bỏ qua nhu cầu của người nghèo, bỏ qua nguyên nhân của hòa bình, v.v. Những ảnh hưởng của suy nghĩ này ở đâu cũng có, nhưng chúng đặc biệt rõ ràng trong sự cưỡng đoạt môi trường và biến công trình sáng tạo tuyệt đẹp của Thiên Chúa thành “một đống rác rưởi mênh mông”, theo cách diễn tả sinh động của Đức Giáo Hoàng (đoạn 21).

 

Nhưng mô hình này, Ngài nhắc nhở chúng ta, có thể được thực hiện bằng một sự thay đổi thái độ cơ bản hơn, điều mà Đức Phanxicô gọi bằng thuật ngữ “chủ thuyết nhân bản tập trung vào con người cách vô độ” (đoạn 115). Đây là xu hướng, trong thực tế được bộc lộ nơi tất cả các nhà triết học vĩ đại từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX, đặt chủ thể tính của con người vào trung tâm các sự vật, cả về mặt nhận thức lẫn siêu hình. Đức Giáo Hoàng lập luận, hậu quả của cuộc cách mạng Copernic[4] này là sự xuất hiện một “ảo tưởng Prométhé[5] về quyền làm chủ đối với thế giới” (đoạn 116). Trong bối cảnh này thật là hữu ích khi xem xét sự khác biệt giữa sự hiểu biết của Aristotle[6] và Descartes[7] về mục đích của khoa học. Đối với nhà tư tưởng Hy Lạp cổ đại, triết học bắt đầu trong sự ngạc nhiên và kết thúc bằng sự suy ngẫm về những khả niệm bộc lộ ra trong thế giới; trong khi đối với nhà tư tưởng Pháp hiện đại, triết học bắt đầu và kết thúc trong niềm đam mê “làm chủ thiên nhiên”. Không ai, kể cả Đức Giáo hoàng Phanxicô, muốn quay trở lại bàn về những tri thức đã đạt được thực sự xuất phát từ sự thay đổi mô hình của Descartes, nhưng Đức Giáo hoàng thực sự lo lắng rằng việc chuyển sang chủ thể tính, ít nhất ở dạng cực đoan của nó, đã tạo ra một điều gì đó xấu xa và nguy hiểm. Nếu thiên nhiên chỉ đơn giản là nằm trước chủ thể con người thống trị như một thứ bị thao túng, thì tính toàn vẹn của công trình sáng tạo sẽ bị tổn hại và tính khách quan của các giá trị được ghi khắc vào trong thiên nhiên bị coi nhẹ.

 

Thực tế mọi nhà bình luận về Laudato Si năm năm trước đã nhận xét rằng đây là Tông thư của Đức Giáo Hoàng bàn về sự “nóng lên toàn cầu”, và thực sự vấn đề đó được thảo luận rộng khắp trong các trang nguyên bản. Nhưng điều mà hầu hết mọi học giả uyên thâm đều bỏ lỡ là sự quảng diễn phong phú phi thường của Đức Phanxicô về vấn đề vừa được thực hiện liên quan đến tính khách quan của các giá trị đạo đức. Đức Phanxicô nói, cũng cái thiên kiến kỹ trị và quá tập chú vào con người làm phát sinh thảm họa môi trường thì cũng làm phát sinh sự kiểm soát dân số thông qua biện pháp tránh thai nhân tạo và phá thai: “Thay vì giải quyết vấn đề của người nghèo và suy nghĩ về cách làm sao cho thế giới có thể thay đổi khác đi, một số người chỉ biết đề nghị việc hạn chế sinh sản. Đôi khi các nước đang phát triển phải đối mặt với những hình thức áp lực quốc tế làm cho việc giúp đỡ kinh tế trở nên tùy thuộc vào một số chính sách về “sức khỏe sinh sản”. (đoạn 50). Hơn thế nữa, việc đặt các giá trị đạo đức nội tại sang một bên và đồng thời đặt cá nhân và nhu cầu của người ấy vào trung tâm sẽ dẫn đến điều mà Đức Giáo Hoàng gọi là chủ nghĩa tương đối thực tế: “Do đó, liên quan đến mô hình kỹ trị có mặt ở khắp mọi nơi và sự sùng bái sức mạnh không giới hạn của con người, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy sự trỗi dậy của một thuyết tương đối coi mọi thứ là không liên quan trừ khi nó phục vụ lợi ích trước mắt của chính mình (đoạn 122). Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói, Và cuối cùng, sự thống trị của cái tôi đối với tự nhiên cũng biểu hiện trong một hệ tư tưởng về giới tính, hệ tư tưởng này sẽ trao cho cá nhân quyền xác định đặc điểm giới của anh ta hay của chị ta ngay cả ở cấp độ thể lý. Hơn nữa, có một mối liên hệ rõ ràng giữa yêu sách tự do ngông cuồng này và sự lạm dụng hoàn cảnh thể lý: “Nghĩ rằng chúng ta có quyền tận hưởng quyền năng tuyệt đối trên cơ thể của chính mình, điều đó lại biến thành, thường là tinh tế, nghĩ rằng chúng ta có quyền tận hưởng quyền năng tuyệt đối trên công trình sáng tạo” (para. 155).

 

Điều mà cuộc khảo sát ngắn gọn này muốn chứng minh đó là thông diễn học[8] của “Fox News vs. CNN” sẽ không tác động nếu chúng ta đọc toàn bộ Laudato Si. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đảm nhận các luận điểm gây khó chịu cho cả những người tự do cấp tiến tiêu biểu và cả những người bảo thủ tiêu biểu. Điều này xẩy ra là do đối thủ trên hết của Ngài là thứ triết lý hiện đại tính, mà trên thực tế đã tạo ra cả “chủ nghĩa bảo thủ” lẫn “chủ nghĩa cấp tiến” mà chúng ta biết ngày nay. Lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô cần có một thế giới quan lùi về trước thời hiện đại là điều làm cho Tông thư này đặc biệt hấp dẫn.

 

https://www.catholicworldreport.com

 

Phê-rô Phạm Văn Trung, dịch.

 



[1] ND: United States Conference of Catholic Bishops, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ.

[2] ND: Phẩm giá của Con người.

[3] ND: Vui mừng và Hy vọng.

[4] ND: Cách mạng Copernic là sự chuyển đổi mô hình từ mô hình Prométhé của vũ trụ, mô tả vũ trụ với Trái Đất cố định ở trung tâm của vũ trụ, thành mô hình nhật tâm với Mặt Trời ở trung tâm của Hệ Mặt Trời.

[5] ND: Trong thần thoại Hy Lạp, Prometheus có nghĩa là "người biết trước tương lai" (tiếng Hy Lạp cổ: Προμηθεύς).  Prometheus được cho là đã đóng vai trò then chốt trong thời kỳ đầu lịch sử của nhân loại.

[6]ND: Aristoteles (tiếng Hy Lạp cổ: Ἀριστοτέλης [aristotélɛːs], Aristotélēs; hay còn được Anh hóa là Aristotle, phiên âm trong tiếng Việt là Aritxtốt; 384 – 322 TCN là một nhà triết học và bác học thời Hy Lạp cổ đại, học trò của Platon và thầy dạy của Alexandros Đại đế. Di bút của ông bao gồm nhiều lĩnh vực như vật lý học, siêu hình học, thi văn, kịch nghệ, âm nhạc, luận lý học, tu từ học (rhetoric), ngôn ngữ học, Kinh tế học, chính trị học, đạo đức học, sinh học, và động vật học. 

[7] ND: René Descartes ("Rơ-nê Đề-các", 1596–1650) là triết gia, nhà khoa học, nhà toán học người Pháp, được một số người xem là cha đẻ của triết học hiện đại.

[8] ND: là lý thuyết và phương pháp giải thích, đặc biệt là giải thích các bản văn Thánh kinh, Dụ ngôn, và văn bản triết học. Nó bắt đầu như là một lý thuyết giải thích văn bản, nhưng sau đó đã được mở rộng cho những câu hỏi về việc giải thích nói chung.