V. TÌNH YÊU DÂN SỰ VÀ CHÍNH TRỊ

228. Chăm sóc thiên nhiên là một phần của một lối sống vốn bao gồm khả năng sống cùng nhau và sự hiệp thông. Chúa Giêsu nhắc nhớ chúng ta rằng chúng ta có Thiên Chúa như là Cha chung của chúng ta và rằng điều này làm cho chúng ta trở thành anh chị em. Tình yêu huynh đệ chỉ có thể là nhưng không; nó không bao giờ là một phương tiện trả lại cho người khác điều mà họ đã thực hiện hay sẽ thực hiện cho chúng ta. Đó là lý do vì sao việc yêu kẻ thù là có thể. Cùng một sự nhưng không này sẽ gợi hứng cho chúng ta biết yêu và chấp nhận gió, mặt trời và đám mây, ngay cả khi chúng ta không thể kiểm soát chúng. Theo nghĩa này, chúng ta có thể nói về một “tình huynh đệ hoàn vũ”.

229. Chúng ta phải trở lại với niềm xác tín là chúng ta cần nhau, rằng chúng ta có một trách nhiệm chung đối với nhau và thế giới, và rằng việc trở nên tốt và đoan chính là xứng đáng. Chúng ta đã có đủ về sự vô luân và sự nhạo báng đạo đức, sự tốt lành, niềm tin và sự trung thực. Đã đến lúc cần nhận biết rằng sự nông cạn hời hợt đã chẳng mang lại cho chúng ta điều gì tốt. Khi những nền tảng của đời sống xã hội bị sói mòn, thì điều tiếp theo chắc chắn là những cuộc chiến vì những mâu thuẫn lợi ích, những hình thức bạo lực và tàn bạo mới, và những trở ngại cho sự phát triển của một nền văn hoá đúng đắn chăm sóc môi trường.

230. Thánh Têrêsa Lisieux mời gọi chúng ta thực hiện con đường nhỏ bé của tình yêu, không bỏ lỡ một lời nói tốt lành, một nụ cười hay bất kì một nghĩa cử nhỏ nào gieo rắc bình an và tình bạn. Một nền sinh thái toàn diện cũng được tạo nên từ những nghĩa cử đơn giản mỗi ngày vốn phá vỡ bằng luận lý của bạo lực, khai thác và ích kỷ. Cuối cùng, một thế giới của sự tiêu thụ trầm trọng hơn thì đồng thời cũng là một thế giới đang đối xử tệ với sự sống trong tất cả mọi dạng thức của nó.

231. Tình yêu, tuôn trào bằng những nghĩa cử nhỏ bé của sự chăm sóc lẫn nhau, cũng mang tính dân sự và chính trị, và tình yêu ấy làm cho chính nó cảm nghiệm được trong mọi hành động vốn tìm kiếm việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Tình yêu dành cho xã hội và sự dấn thân cho thiện ích chung là những biểu hiện tuyệt vời của một lòng bác ái vốn ảnh hưởng đến không chỉ các mối quan hệ giữa các cá nhân mà còn “các mối quan hệ vĩ mô, các mối quan hệ xã hội, kinh tế và chính trị”.[1] Đó là lý do vì sao Giáo Hội đặt ra trước mắt thế giới lý tưởng về một “nền văn minh tình yêu”.[2] Tình yêu xã hội là chìa khoá cho sự phát triển đúng đăn: “Để làm cho xã hội nhân bản hơn, xứng đáng hơn với con người, phải đem lại một giá trị mới cho tình yêu trong đời sống – bao gồm chính trị, kinh tế và văn hoá – bằng cách làm cho tình yêu đó trở thành một chuẩn mực vững bền và cao nhất cho mọi hoạt động”.[3] Trong bộ khung này, cùng với tầm quan trọng của những nghĩa cử nhỏ bé hằng ngày, tình yêu xã hội thúc đẩy chúng ta đến việc phát minh ra những chiến lược lớn hơn để làm giảm sự suy thoái môi trường và để khích lệ một “nền văn hoá chăm sóc” vốn chi phối hết toàn thể xã hội. Khi chúng ta cảm thấy rằng Thiên Chúa đang kêu gọi chúng ta can thiệp cùng với người khác vào những động lực xã hội này, thì chúng ta cần nhận biết rằng điều này cũng là một phần của nền linh đạo của chúng ta, vốn là một sự thi hành bác ái và, như thế, làm cho chúng ta trưởng thành và thánh hoá chúng ta.

232. Không phải mọi người đều được mời gọi để tham gia cách trực tiếp vào đời sống chính trị. Xã hội cũng được làm cho phong phú bởi vô số các tổ chức đang hoạt động để cổ võ thiện ích chung và bảo vệ môi trường, bất luận là tự nhiên hay đô thị. Chẳng hạn, một số tổ chức thể hiện sự quan tâm đối với nơi công cộng (một toà nhà, một tháp nước, một tượng đài bị phế bỏ, một phong cảnh, một quảng trường), và nỗ lực để bảo vệ, khôi phục, cải tiến hay làm cho đẹp nơi ấy như thể là một điều gì đó thuộc về mọi người. Quanh những hoạt động cộng đồng này, những mối quan hệ phát triển hay được khôi phục và một kết cấu xã hội mới xuất hiện. Do đó, một cộng đồng có thể phá vỡ sự thờ ơ đã bị tiêm nhiễm bởi chủ nghĩa tiêu thụ. Những hành động này nuôi dưỡng một căn tính chung, bằng một câu chuyện vốn có thể được nhớ và được truyền lại. Bằng cách này, thế giới, và chất lượng cuộc sống của người nghèo nhất, được chăm sóc, bằng một cảm thức của tình liên đới là điều đồng thời ý thức rằng chúng ta đang sống trong một ngôi nhà chung mà Thiên Chúa đã uỷ thác cho chúng ta. Những hành động cộng đồng này, khi chúng diễn tả tình yêu trao ban bản thân, cũng có thể trở thành những kinh nghiệm thiêng liêng mạnh mẽ.

VI. CÁC DẤU CHỈ BÍ TÍCH

VÀ CỬ HÀNH SỰ NGHỈ NGƠI

233. Vũ trụ mở ra trong Thiên Chúa, Đấng lấp đầy nó cách trọn vẹn. Do đó, có một ý nghĩa mầu nhiệm được tìm thấy ở nơi một chiếc lá, nơi một đường mòn trên núi, nơi một giọt sương, nơi diện mạo một con người.[4] Lý tưởng không chỉ là để đi từ bên ngoài vào bên trong để khám phá ra hành động của Thiên Chúa trong linh hồn, mà còn khám phá ra Thiên Chúa trong mọi sự. Thánh Bonaventure dạy chúng ta rằng “việc chiêm niệm đào sâu hơn nữa việc chúng ta cảm thấy công việc ân sủng của Thiên Chúa trong tâm hồn chúng ta, và việc chúng ta biết gặp gỡ Thiên Chúa hơn nữa trong các loại thọ tạo bên ngoài bản thân chúng ta”.[5]

234. Thánh Gioan Thánh Giá đã dạy rằng mọi sự tốt lành hiện diện trong các thực tại và kinh nghiệm của thế giới này “đều hiện diện ở nơi Thiên Chúa cách xuất chúng và vô biên, hoặc đúng hơn, trong mỗi một trong những thực tại cao cả là Thiên Chúa”.[6] Điều này không phải vì những điều hạn hữu của thế giới này là thực sự thánh thiêng, nhưng vì những kinh nghiệm thần bí sự kết nối gần gũi giữa Thiên Chúa và hết mọi hữu thể, và do đó cảm thấy rằng “mọi sự đều là Thiên Chúa”.[7] Đứng cách sững sờ trước một ngọn núi, người ấy không thể tách lìa kinh nghiệm này khỏi Thiên Chúa, và tiếp nhận rằng sự kính sợ nội tại được sống phải phó thác vào Thiên Chúa: “Núi có độ cao và có thật nhiều núi, bao la, đẹp, đầy ân sủng, sáng láng và toả hương. Những ngọn núi này là điều mà Người Yêu của tôi dành cho tôi. Những thung lũng cô đơn thì tĩnh lặng, dễ chịu, đẹp đẽ, mát mẻ và chảy tràn dòng nước trong lành; trong nhiều lùm cây khác nhau của chúng và trong tiếng hót ngọt ngào của các loại chim, những thung lũng này mang lại sự tiêu khiển và thích thú cho các giác quan, và trong sự cô tịch và tĩnh lặng của chúng, chúng làm cho chúng ta thư giãn và mang lại sự nghỉ ngơi. Những thung lũng này là điều mà Người Yêu của tôi dành cho tôi”.[8]

235. Các Bí tích là một cách thế đặc quyền mà trong đó thiên nhiên được Thiên Chúa mang lấy để trở thành một phương thế của việc làm trung gian cho đời sống siêu nhiên. Thông qua việc thờ phượng Thiên Chúa của chúng ta, chúng ta được mời gọi để ôm lấy thế giới ở một cấp độ khác. Nước, dầu, lửa và các sắc mầu được mặc lấy trong tất cả sức mạnh biểu tưởng của nó và cộng tác vào trong hành vi ca tụng của chúng ta. Bàn tay chúc lành là một khí cụ của tình yêu Thiên Chúa và một sự phản chiếu sự gần gũi của Đức Giêsu Kitô, Đấng đã đến để đồng hành với chúng ta trên hành trình của cuộc sống. Nước đổ trên thân thể của một em bé trong Phép Rửa là một dấu chỉ của một sự sống mới. Gặp gỡ Thiên Chúa không có nghĩa là thoát khỏi thế giới này hay quay lưng chúng ta lại với thiên nhiên. Điều này đặc biệt rõ ràng trong linh đạo Kitô Giáo Đông Phương. “Vẻ đẹp, điều mà ở Phương Đông là một trong những danh xưng được yêu thích nhất thể hiện sự hoà hợp thánh và khuôn mẫu của nhân loại được biến hình, xuất hiện ở khắp mọi nơi: dưới dáng vẻ của một ngôi thánh đường, trong âm thanh, trong mầu sắc, trong ánh sáng, và trong hương thơm”.[9] Đối với các Kitô hữu, tất cả mọi loài thọ tạo của vũ trụ vật chất đều có ý nghĩa thực sự của nó trong Lời nhập thể, vì Con Thiên Chúa đã mặc lấy nơi con người của Ngài một phần của thế giới vật chất, đặt vào đó một hạt giống của một sự biến đổi tối hậu. “Kitô Giáo không khước từ vấn đề. Hơn thế, tình trạng không thân xác được suy xét trong tất mọi giá trị của nó trong hành động phụng vụ, mà từ đó thân xác con người được làm cho tỏ hiện trong bản chất nội tại của nó như là đền thờ của Chúa Thánh Thần và được hiệp nhất với Chúa Giêsu, Đấng mà chính Ngài đã mặc lấy một thân xác vì sự cứu độ thế giới”.[10]

236. Chính trong Thánh Thể mà tất cả mọi điều đã được tạo thành tìm thấy được tình trạng hạnh phúc đỉnh điểm của mình. Ân sủng, vốn có khuynh hướng thể hiện chính nó cách hữu hình, thấy được sự diễn tả vượt quá sự hiểu biết khi chính Thiên Chúa trở thành con người và đã trao ban chính bản thân Ngài làm của ăn cho các thọ tạo của Ngài. Thiên Chúa, trong đỉnh cao của mầu nhiệm Nhập Thể, đã chọn để chạm đến những chiều sâu gần gũi của chúng ta thông qua một sự phân mảnh của vấn đề. Ngài đến không phải từ trên cao, nhưng từ bên trong, Ngài đến để chúng ta có thể tìm thấy Ngài trong thế giới của chúng ta. Trong Thánh Thể, sự viên mãn đã đạt được; đó là trung tâm sóng động của vũ trụ, trung tâm chảy tràn tình yêu và chảy tràn sự sống không bao giờ cạn kiệt. Dự phần vào Chúa Con nhập thể, đang hiện diện trong Thánh Thể, toàn thể vũ trụ dâng lời tạ ơn Thiên Chúa. Thực ra chính bản thân Thánh Thể là một hành động của tình yêu vũ trụ: “Đúng, vũ trụ! Bởi vì ngay cả khi Thánh Thể được cử hành trên một bàn thờ khiêm tốn của một nhà thờ của một đất nước, thì Thánh Thể vẫn luôn luôn một cách nào đó được cử hành trên bàn thờ của thế giới”.[11] Thánh Thể kết nối trời với đất; Thánh Thể ôm lấy và bao bọc lấy toàn thể công trình tạo dựng. Thế giới vốn xuất phát từ bàn tay của Thiên Chúa trở về với Ngài trong sự tôn kính thánh và bất phân ly: trong bánh Thánh Thể, “công trình tạo dựng được tạo ra để hướng về sự thần hoá, hướng đến tiệc cưới thánh, hướng đến sự hiệp nhất với chính Đấng Tạo Dựng”.[12] Do đó, Thánh Thể cũng là một nguồn ánh sáng và động lực cho những bận tâm của chúng ta về môi trường, hướng dẫn chúng ta trở thành những quản gia của toàn thể tạo vật.

237. Vào Chúa Nhật, sự tham dự của chúng ta vào Thánh Thể có một tầm quan trọng đặc biệt. Chúa Nhật, giống như ngày Sa-bát của người Do Thái, có nghĩa là một ngày chữa lành các mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa, với chính bản thân chúng ta, với người khác và với thế giới. Chúa Nhật là ngày của Phục Sinh, “ngày thứ nhất” của việc tạo dựng mới, mà hoa trái đầu mùa của ngày ấy là nhân loại được phục sinh của Thiên Chúa, lời hứa của sự biến hình sau cùng của tất cả mọi thực tại được tạo thành. Ngày Chúa Nhật cũng loan báo “sự nghỉ ngơi vĩnh cửu của con người ở trong Thiên Chúa”.[13] Bằng cách này, nền linh đạo Kitô Giáo đưa vào giá trị của sự nghỉ ngơi và lễ hội. Chúng ta có xu hướng làm giảm sự nghỉ ngơi chiêm niệm thành một điều gì đó không hiệu quả và không cần thiết, nhưng điều này là loại bỏ điều rất nền tảng vốn rất quan trọng về công việc: ý nghĩa của công việc. Chúng ta được mời gọi để bao gồm trong công việc của chúng ta một chiều kích của sự sẵn lòng và nhưng không, vốn khá khác biệt so với sự bất động thuần tuý. Hơn thế, đó là một cách làm việc khác, vốn hình thành nên một phần của yếu tính rất quan trọng của chúng ta. Nó ngăn chặn hành động của con người khỏi tình trạng hoạt động trống rỗng; nó cũng ngăn ngừa lòng tham không đáy và một cảm giác cô lập khiến cho chúng ta tìm kiếm lợi ích cá nhân đến mức loại bỏ tất cả mọi thứ khác. Luật nghỉ hàng tuần ngăn cấm làm việc vào ngày thứ bảy, “để bò lừa của ngươi được nghỉ ngơi, và để đứa con của nữ tỳ ngươi và người ngoại kiều lấy lại sức” (St 23,12). Sự nghỉ ngơi mở tầm mắt của chúng ta đến một bức tranh rộng lớn hơn và mang lại cho chúng ta một sự nhạy bén được đổi mới trước các quyền lợi của người khác. Và vì thế ngày nghỉ ngơi, được tập trung vào Thánh Thể, chiếu ánh sáng của ngày ấy trên cả tuần, và động viên chúng ta đến một sự quan tâm lớn lao hơn dành cho thiên nhiên và người nghèo.

VII. BA NGÔI VÀ MỐI QUAN HỆ GIỮA CÁC THỌ TẠO

238. Chúa Cha là nguồn mạch tối hậu của mọi sự, là nền tảng tình yêu và tự thông truyền của tất cả mọi sự đang hiện hữu. Chúa Con, phản chiếu của Ngài, thông qua Ngài mà muôn vật được tạo thành, đã hiệp nhất chính Ngài với trái đất này khi Ngài được tác thành trong cung lòng của Mẹ Maria. Thánh Thần, mối liên kết vô biên của tình yêu, đang hiện diện cách gần gũi trong trung tâm của vũ trụ, đang gợi hứng và mang lại những con đường mới. Thế giới được tạo thành bởi Ba Ngôi Vị hoạt động như là một nguyên lý thánh duy nhất, nhưng mỗi ngôi vị lại thực hiện công việc chung này theo nét riêng cá vị của từng ngôi. Do đó, “khi chúng ta chiêm ngắm kỳ công của vũ trụ trong tất cả sự vĩ đại và vẻ đẹp của nó, chúng ta phải tạ ơn toàn thể Ba Ngôi”.[14]

239. Đối với các Kitô hữu, việc tin vào một Thiên Chúa ba ngôi hiệp thông cho thấy rằng Ba Ngôi đã để lại dấu ấn của mình trên mọi tạo vật. Thánh Bonaventure đã đi xa đến mức nói rằng con người nhân loại, trước khi phạm tội, đã có thể thấy được cách mỗi loài thọ tạo “chứng thực rằng Thiên Chúa là ba ngôi”. Việc suy tư về Ba Ngôi là là việc cần phải nhận ra trong thiên nhiên “khi cuốn sách ấy được mở ra cho con người và đôi mắt của chúng ta vẫn chưa trở nên tối tăm”.[15] Vị Thánh dòng Phanxicô dạy chúng ta rằng mỗi loại thọ tạo mang lấy trong chính nó một cấu trúc cụ thể thuộc về Ba Ngôi, quá thực đến nỗi nó có thể được chiêm ngắm một cách sẵn sàng nếu như cái nhìn của con người đừng quá nửa vời, tăm tối và mỏng manh. Theo đó, Ngài chỉ ra cho chúng ta thách đố của việc nỗ lực đọc thực tại bằng chìa khoá Ba Ngôi.

240. Các Ngôi Vị thánh là các mối liên hệ hỗ tương, và thế giới, được tạo dựng theo khuôn mẫu thánh, là một mạng lưới các mối quan hệ. Các thọ tạo hướng về Thiên Chúa, và tiếp đến thật chính đáng là mỗi hữu thể sống đều có khuynh hướng hướng về các điều khác, để trong toàn thể vũ trụ chúng ta có thể tìm thấy bất kì một mối quan hệ nào có tính thường hằng và được đan quyện vào nhau cách âm thầm.[16] Điều này dẫn chúng ta đến việc không chỉ kinh ngạc về những kết nối đa dạng đang tồn tại giữa các loài thọ tạo, nhưng còn để khám phá ra một chìa khoá cho sự thành toàn của chúng ta. Con người nhân loại phát triển hơn nữa, trưởng thành hơn nữa và được thánh hoá hơn nữa đến mức mà con người đi vào các mối quan hệ, đi ra khỏi chính bản thân họ để sống trong sự hiệp thông với Thiên Chúa, với những người khác và với toàn thể thọ tạo. Theo đó, họ tạo nên sự năng động mang tính ba ngôi ấy của riêng họ là điều mà Thiên Chúa vốn in dấu ấn trong họ khi họ được tạo thành. Mọi sự đều có liên hệ với nhau, và điều này mời gọi chúng ta phát triển một nền linh đạo của tình liên đới toàn cầu ấy vốn chảy tràn từ mầu nhiệm Ba Ngôi.

VIII. NỮ VƯƠNG CỦA MỌI LOÀI THỌ TẠO

241. Mẹ Maria, Mẹ của những ai chăm sóc Chúa Giêsu, giờ đây đang chăm sóc bằng tình thương và nỗi đau mẫu tử cho thế giới bị thương tích này. Cũng như trái tim bị đâm thâu của Mẹ đau đớn trước cái chết của Chúa Giêsu thế nào, thì giờ đây Mẹ đang chịu đau khổ trước nỗi khổ của những người nghèo bị đóng đinh và trước các loài thọ tạo của thể giới này đã bị phá huỷ bởi sức mạnh con người. Được biến hình hoàn toàn, giờ đây Mẹ đang sống cùng với Chúa Giêsu, và tất cả mọi thọ tạo đều hát khen về sự công bằng của Mẹ. Mẹ là một Phụ Nữ, “mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao” (Kh 12,1). Được rước về trời, Mẹ là Mẹ và là Nữ Vương của mọi loài thọ tạo. Nơi thân xác vinh hiển của Mẹ, cùng với Đức Kitô Phục Sinh, một phần của công trình tạo dựng đã đạt tới sự viên mãn của vẻ đẹp của nó. Mẹ trân quý toàn bộ cuộc đời của Chúa Giêsu trong trái tim Mẹ (x. Lc 2,19.51), và giờ đây hiểu được ý nghĩa của mọi sự. Do đó, chúng ta có thể xin Mẹ giúp chúng ta biết nhìn vào thế giới này bằng cặp mắt của sự khôn ngoan.

242. Bên cạnh Mẹ trong Thánh Gia Na-da-rét, có hình ảnh của Thánh Giuse. Thông qua công việc và sự hiện diện đại lượng của Ngài, Ngài đã chăm sóc và bảo vệ Mẹ Maria và Chúa Giêsu, đã cứu thoát các Ngài khỏi tình trạng bạo lực của sự bất công bằng cách đưa các Ngài sang Ai Cập. Tin Mừng trình bày Thánh Giuse là một người công chính, chăm chỉ và mạnh mẽ. Nhưng Ngài cũng thể hiện một sự dịu dàng lớn lao, vốn không phải là dấu hiệu của kẻ yếu nhưng là của những người mạnh mẽ cách đúng đắn, hoàn toàn ý thức về thực tại và sẵn sàng yêu thương và phục vụ trong sự khiêm nhường. Đó là lý do vì sao mà Ngài được loan báo như là người canh giữ của Giáo Hội hoàn vũ. Ngài cũng có thể dạy chúng ta cách thể hiện sự quan tâm; Ngài có thể tạo cảm hứng cho chúng ta làm việc bằng sự đại lượng và sự dịu dàng trong việc bảo vệ thế giới này vốn được Thiên Chúa uỷ thác cho chúng ta.

IX. VƯỢT RA KHỎI MẶT TRỜI

243. Sau cùng, chúng ta sẽ thấy bản thân chúng ta đang diện đối diện với vẻ đẹp vô biên của Thiên Chúa (x. 1Cr 13,12), và có thể đọc được bằng sự thán phục và niềm hạnh phúc mầu nhiệm vũ trụ, vốn cùng chia sẻ với chúng ta sự phong phú vô biên. Thậm chí ngay bây giờ chúng ta đang trên hành trình tiến về ngày Sa-bát của vĩnh cửu, Thành Giê-ru-sa-lem mới, hướng về ngôi nhà chung của chúng ta trên thiên đàng. Chúa Giêsu nói: “Ta sẽ đổi mới mọi sự” (Kh 21,15). Sự sống vĩnh cửu sẽ là một kinh nghiệm chung về sự kính sợ, mà trong đó mỗi tạo vật, được biến đổi huy hoàng, sẽ có được vị trí đúng của mình và có điều gì đó để cho những con người nam nữ đáng thương này là những người sẽ được giải thoát một lần và mãi mãi.

244. Trong khi đó, chúng ta quy tụ lại với nhau để cùng chịu trách nhiệm về ngôi nhà này đã được uỷ thác cho chúng ta, biết rằng tất cả mọi điều thiện hạo đang tồn tại ở đây sẽ được đưa vào bàn tiệc thiên đàng. Trong sự hiệp nhất với tất cả mọi loài thọ tạo, chúng ta đi trên hành trình ngang qua mảnh đất này để tìm kiếm Thiên Chúa, vì “nếu thế giới có một sự khởi đầu và nếu nó được tạo dựng nên, thì chúng ta phải tìm hiểu ai đã cho nó sự khởi đầu này, và ai là Đấng Tạo Thành của nó”.[17] Chúng ta hãy vừa ca tụng vừa bước đi. Chớ gì những đấu tranh của chúng ta và sự bận tâm của chúng ta dành cho hành tinh này không bao giờ lấy đi niềm vui của niềm hy vọng của chúng ta.

245. Thiên Chúa, Đấng mời gọi chúng ta dấn thân đại lượng và trao cho Ngài tất cả, sẽ mang lại cho chúng ta ánh sáng và sức mạnh cần thiết để tiếp tục hành trình của chúng ta. Ngay tại trung tâm của thế giới này, Thiên Chúa của sự sống, Đấng yêu thương chúng ta vô cùng, luôn luôn hiện diện. Ngài không bỏ mặc chúng ta, Ngài không bỏ chúng ta một mình, vì Ngài đã hiệp nhất chính Ngài cách cụ thể với trái đất của chúng ta, và tình yêu của Ngài luôn thúc bách chúng ta biết tìm kiếm những cách thế mới để tiến bước. Xin chúc tụng Ngài!

***

246. Để kết thúc bài suy tư dài này vốn vừa đầy niềm vui vừa gây bối rối, tôi cho rằng chúng ta nên đưa ra hai lời cầu nguyện. Lời cầu nguyện thứ nhất chúng ta có thể chia sẻ với tất cả những ai tin vào một Thiên Chúa đấng là Đấng Tạo Dựng toàn năng, trong khi trong lời cầu nguyện khác chúng ta là các Kitô Hữu xin sự thúc đẩy để nhận lấy sự dấn thân cho công trình tạo dựng đã ở trước mắt chúng ta bởi Tin Mừng của Chúa Giêsu.

Một lời cầu nguyện cho trái đất của chúng ta

Lạy Thiên Chúa toàn năng,

Cha đang hiện diện trong toàn thể vũ trụ

và trong các loài thọ tạo nhỏ bé nhất của Cha.

Cha ôm lấy tất cả mọi sự đang hiện hữu

bằng sự dịu dàng của Cha.

Xin đổ tràn trên chúng con sức mạnh của tình yêu Cha,

để chúng con có thể bảo vệ sự sống và vẻ đẹp.

Xin đổ tràn đầy sự bình an trên chúng con,

để chúng con có thể sống như những anh chị em,

mà không làm hại một ai.

Ôi lạy Thiên Chúa của người nghèo, xin giúp chúng con

biết cứu người bị bỏ rơi và bị lãng quên của trái đất này,

vốn quá quý giá trước mắt Cha.

Xin mang lại sự chữa lành cho cuộc sống của chúng con,

để chúng con có thể bảo vệ thế giới

mà không tận diệt thế giới,

để chúng con có thể gieo vẻ đẹp,

chứ không phải sự ô nhiễm và huỷ diệt.

Xin chạm đến những tâm hồn

của những người đang chỉ biết tìm lợi ích

bằng cái giá của người nghèo và trái đất.

Xin dạy chúng con biết khám phá giá trị của từng sự vật,

để được lấp đầy bằng sự kính sợ và chiêm niệm,

để nhận biết rằng chúng con được hiệp nhất sâu sắc

với mọi loại thọ tạo

trên hành trình tiến về ánh sáng vô biên của Cha.

Chúng con xin tạ ơn Cha

vì đã hiện diện với chúng con mỗi ngày.

Xin khích lệ chúng con, khi chúng con cầu nguyện,

trong cuộc chiến của chúng con

cho công lý, tình yêu và hoà bình.

Lời cầu nguyện Kitô hữu trong sự hiệp nhất với tạo vật

Lạy Cha, chúng con ngợi khen Cha

cùng với tất cả mọi thọ tạo của Cha.

Tất cả đều xuất phát từ bàn tay quyền năng của Cha;

Tất cả là của Cha, được đầy tràn

bằng sự hiện diện của Cha và tình yêu dịu dàng của Cha.

Xin chúc tụng Cha!

Lạy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa,

nhờ Chúa mà mọi sự được tạo thành.

Chúa đã được tác thành trong cung lòng của Mẹ Maria,

Chúa đã trở thành một phần của trái đất này,

và Chúa đã chiêm ngắm thế giới này

bằng đôi mắt nhân loại của Chúa.

Ngày nay Chúa đang sống trong mọi tạo vật

trong vinh quang phục sinh của Chúa.

Xin chúc tụng Chúa!

Lạy Chúa Thánh Thần, bởi ánh sáng của Chúa

Chúa hướng dẫn thế giới này hướng về tình yêu của Chúa Cha

và đồng hành với công trình tạo dựng

khi nó rên xiết trong đau khổ.

Chúa cũng ngự trị trong tâm hồn chúng con

và Chúa thúc đẩy chúc con làm điều tốt.

Xin chúc tụng Chúa!

Lạy Thiên Chúa Duy Nhất và Ba Ngôi,

cộng đồng tuyệt diệu của tình yêu vô biên,

xin dạy chúng con biết chiêm ngắm Chúa

trong vẻ đẹp của vũ trụ,

vì mọi sự đều loan báo về Chúa.

Xin gia tăng tâm tình ngợi khen và cảm tạ của chúng con

vì mọi hữu thể Chúa đã tạo dựng.

Xin ban cho chúng con ân sủng

để cảm thấy được kết hiệp với mọi sự như nó là.

Lạy Thiên Chúa tình yêu, xin chỉ cho chúng con

thấy vị trí của chúng con trong thế giới này

như là những dòng kênh của tình yêu Chúa

cho tất cả mọi loài thọ tạo trên trái đất này,

vì không loại nào trong số ấy bị lãng quên trong ánh mắt Chúa.

Xin soi sáng cho những ai đang nắm giữ quyền lực và tiền của

để họ có thể tránh được tội thờ ơ,

để họ có thể yêu quý thiện ích chung, thăng tiến người yếu thế,

và chăm sóc cho thế giới này mà họ đang sống.

Người nghèo và trái đất đang kêu khóc.

Ôi lạy Thiên Chúa, xin nắm giữ chúng con

bằng năng quyền và ánh sáng của Ngài,

xin giúp chúng con biết bảo vệ mọi sự sống,

biết chuẩn bị cho một tương lai tốt đẹp hơn,

vì sự ngự đến của Nước Chúa

là Nước của công lý, hoà bình, tình yêu và vẻ đẹp.

Xin chúc tụng Chúa!

Amen.

Làm tại Rôma tại Ngai Toà Thánh Phêrô vào ngày 24 tháng 05, Lễ Hiện Xuống, năm 2015, năm thứ ba Triều Đại Giáo Hoàng của tôi.

{{{signature_alt}}}

PHANXICÔ

 

 

Joseph C. Pham chuyển ngữ (muoianhsang.com)



[1] Benoît XVI, Thông điệp Caritas in veritate (29-6-2009), n. 2 : AAS 101 (2009), 642.

[2] Paul VI, Sứ điệp Ngày Quốc tế Hòa bình 1977 : AAS 68 (1976), 709.

[3] Hội đồng Giáo hoàng “Công lý và Hòa bình”, Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, n. 582.

[4] Un maître spirituel, Alî al-Khawwâç, à partir de sa propre expérience, soulignait aussi la nécessité de ne pas trop séparer les créatures du monde de l’expérience intérieure de Dieu. Il affirmait : “Il ne faut donc pas blâmer de parti pris les gens de chercher l’extase dans la musique et la poésie. Il y a un “secret” subtil dans chacun des mouvements et des sons de ce monde. Les initiés arrivent à saisir ce que disent le vent qui souffle, les arbres qui se penchent, l’eau qui coule, les mouches qui bourdonnent, les portes qui grincent, le chant des oiseaux, le pincement des cordes, les sifflement de la flûte, le soupir des malades, le gémissement de l’affligé....”, EVA DE VITRAYMEYEROVITCH [éd.], Anthologie du soufisme, Paris 1978, p. 200.

[5] In II Sent., 23, 2, 3.

[6] Cantique spirituel, XIV-XV, 5 (Œuvres complètes, Paris 1990, p. 409-410).

[7] Ibid.

[8] Ibíd., XIV, 6-7 (p. 410).

[9] Jean-Paul II, Tông thư Orientale lumen (2-5-1995), n. 11 : AAS 87 (1995), 757.

[10] Ibid.

[11] Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (17-4-2003), n. 8 : AAS 95 (2003), 438

[12] Benoît XVI, Homélie à l’occasion de la Messe du Corpus Domini (15-6-2006) : AAS 98 (2006), 513.

[13] x. Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, n. 2175.

[14] Jean-Paul II, Catéchèse (2 août 2000), n. 4 : Insegnamenti 23/2 (2000), 112.

[15] Quaest. disp. de Myst. Trinitatis, 1, 2, concl.

[16] Cf. Thomas D’Aquin, Summa Theologiae I, q. 11, art. 3 ; q. 21, art. 1, ad 3 ; q. 47, art. 3.

[17] Basilio Magno, Hom. in Hexaemeron, 1, 2, 6: PG 29, 8.